Băn khoăn

V

Tắm nước ngọt xong, Cảnh ra hiên ngồi trên một chiếc ghế mây, gác hai chân lên bàn, trước một cốc nước đá pha rhum. Chàng đã quên việc lôi thôi vừa xảy ra ở ngoài bãi biển. Quên cả việc dạy bơi và Trang với nét mặt đều đặn, tấm thân rắn chắc. Quên hết để chỉ nhớ đến Lan Hương có đôi mắt sáng như trời và như nước mùa thu, và chàng có cảm giác rùng rợn như hôn đôi mắt ấy. Môi chàng phảng phất buồn buồn vì hàng lông mi dài. Rồi cái hôn tưởng tượng ám ảnh chàng không dứt. Chàng nghĩ: "Thế nào cũng phải hôn cho bằng được đôi mắt lạ lùng ấy mới nghe!" Lương tâm chàng phản đối liền: "Bậy, đó là em gái Đoan," và chàng gắt lại: "Hừ! Đoan thì tử tế quái gì!" Cảnh có ngay dã tâm chiếm được Lan Hương rồi tuyệt giao với Đoan thì tuyệt giao.

Chàng cô nặn ra hết cả những nết xấu mà Đoan có thể có. Trước hết, Đoan si ngốc, ai lại để tình nhân lừa dối dễ dàng như lừa dối một thằng mù! Đoan lại gàn dở, tán gái bằng những lời chẳng ăn nhịp vào đâu. Sau hết một nết xấu không thể tha thư được, Đoan chẳng có một tý khiếu thẩm mỹ nào, bài trí trang hoàng các phòng chẳng còn ra sao nữa: lủng cà lủng củng những chậu sứ, bát cổ đôn Tàu, men xanh men đỏ loè loẹt trông thật là chướng mắt. "Một người như thế phỏng..."

Cảnh không dám nghĩ tiếp. Chàng thấy chàng xúc phạm đến tình bằng hữu mà chàng cho là thiêng liêng, nghĩa là chàng tự xúc phạm tới chàng, tới lòng tự ái của chàng. Mà duyên cớ bởi vì đâu? Chỉ vì một thiếu nữ mà thiếu nữ ấy lại chính là em người bạn.

Thì tại sao mình không cứ yêu bạn... và em bạn? Chàng thấy cả một thiên tiểu thuyết tình dàn ra với những cảnh âu yếm, cảm động! Dưới ánh trăng trong, Lan Hương, Đoan và chàng đi dạo bãi cát, nói những câu chuyện không đâu, Lan Hương kêu mỏi chân, chàng đưa đến ngồi nghỉ trên một cái mảng.Lan Hương một bên, Đoan một bên, chàng ngồi giữa. Lan Hương quay ra nhìn làn nước sáng, hơi thở thơm tho mơn trớn má chàng như một cái hôn nhẹ.

Rồi trong tiếng sóng reo, Lan Hương cất giọng hát, hát chỉ đủ cho chàng nghe, hát bài "hò đò" mà chàng đã thưởng thức trong một khoang thuyền lửng lờ trên mặt nước sông Hương.

"Thế rồi đi đến đâu?" Cảnh vội phá giấc mộng vàng, đi đến chỗ lập gia đình. Chàng thấy đó là một sự vô lý cùng cực, "Mình mà lấy vợ để đêm đi chơi về khuya bà ấy mắng vào mặt cho mà nghe". Cả một đời gia đình, chàng chỉ nghe thấy một hình ảnh ấy, là vì chàng đã ngẫu nhiên mục kích và dự thính một cuộc vợ chồng cãi lộn sau một buổi đi xem chiếu bóng về.

- Ồ! Nếu mình lấy vợ thì lấy đã lâu rồi!

Cảnh nhớ một năm ở Đồ Sơn, chàng đã đi sâu vào đường tình cảm, suýt nữa thì không trở lại được nữa. Sau chàng phải quả quyết, cái quả quyết chàng vụt có trong một phút, nhưng vững chắc không có một sức mạnh gì lay chuyển nổi... Chàng đã trang nghiêm bảo thiếu nữ: "Tôi nhất định theo chủ nghĩa độc thân suốt đời". Rồi từ đấy, chàng cố lánh mặt. Vậy thì với Lan Hương chàng cũng có thể yêu một cách lý tưởng như thế một dạo rồi lại xa lánh, cố quên người yêu đi. Xưa nay chàng vẫn chia tình yêu của chàng ra làm phần xác thịt và phần tinh thần, cả hai phần cũng vẫn đầy đủ.

 

Thế thì còn cần gì phải lấy vợ. Đừng nói lấy vợ vội, bây giờ một cô tình nhân cứ đẻ ra cho chàng một đứa con thôi, chàng cũng sẽ thấy đời là cái ngục tối rồi. "Nhưng không, đời phải luôn luôn là một vườn thượng uyển đầy hoa và chim". Và Cảnh sung sướng cầm cốc nước uống cạn như để chấm câu tư tưởng xán lạn.

Tiếng Liên và Oanh vừa đi vừa nói chuyện ở lối cổng. Thấy Cảnh, Oanh phàn nàn ngay:

- Anh làm khổ em!

Cảnh nói:

- Anh xin lỗi em, nhưng anh đã làm điều gì phật lòng em đấy nhỉ?

- Ai lại anh đi anh đánh người ta, làm huyên náo cả ngoài bãi biển lên.

Cảnh nhớ tới anh chàng và hai thiếu nữ:

- À! Chỉ có thế. Em làm anh hết hồn.

- Lại còn chỉ có thế! Vô cớ anh đấm vào mặt người ta!

Cảnh chau mày:

- Vô cớ! Nó nói xấu anh, nó nói xấu cả nhà mình mà em bảo vô cớ. Nhưng rồi sau ra sao?

- Người ta viện chứng cớ định lên cẩm thưa anh. Em phải can thiệp xin lỗi người ta, người ta mới thôi.

Cảnh mỉm cười:

- Em xin lỗi người ta... vậy anh xin lỗi lại em nhé!

Chàng nghĩ: "Cái sức mạnh của phụ nữ! Chỉ một cái nhìn của họ đủ làm nổi phong ba nhưng cũng chỉ một lời của họ đủ dẹp yên sóng gió". Và chàng bảo Oanh:

- Oanh đã xin lỗi mà hắn không tha thứ cho anh họa chăng hắn là người rừng.

Chàng phá lên cười làm Liên cũng cười theo.

Oanh sung sướng đỏ mặt vì câu nịnh khéo của anh:

- Anh chỉ được cái pha trò.

- Nếu ở đời chỉ toàn những thiếu nữ như hai quả bóng tròn anh dạy nằm thăng bằng trên mặt nước ban nãy thì trật tự mất hết, mà hòa bình không còn. Phải không cô Liên?

Liên đáp:

- Anh nói thì bao giờ chẳng phải. Nhưng việc anh đã tạm thu xếp xong. Còn việc em nhờ anh thu xếp hộ. Đây này, bây giờ hình như Đoan đến đàng bà dì ghẻ và cô em gái Huế. Vậy anh bảo em nên xử trí ra sao? Đến đấy cùng ở với Đoan nghiễm nhiên như người vợ chính thức, hay cứ ở đây với các anh?

Cảnh chưa hết tức giận Đoan, và nay bao nhiêu tâm tình đã bị Lan Hương chiếm đoạt, nên đứng trước Liên chàng thấy dửng dưng và chàng tàn nhẫn đáp:

- Đó là việc riêng của anh Đoan và của Liên. Phải tự xử lấy chứ!

- Nếu thế thì em còn hỏi anh làm gì?

- Phải, đừng hỏi là hơn.

Liên ngồi phịch xuống ghế, mở một hộp thuốc lá thơm lấy một điếu đánh diêm hút.

Cảnh hỏi:

- Liên có uống một cốc rhum trước khi đi tắm nước ngọt không?

Liên cười:

- Ý chừng anh giục em đi tắm nước ngọt có phải không?

Nàng vứt điếu thuốc lá ra vườn, rồi vào nhà trong.

Oanh cũng theo vào.

Ngồi một mình, Cảnh lại theo đuổi những ý nghĩ bỏ dở: "Thôi cứ để mặc kệ số mệnh là hơn hết. Nếu số mình với Lan Hương phải ràng buộc với nhau thì mình cũng đành chịu. Chứ biết sao".

Có người gọi cổng. Cảnh đứng dậy nhìn ra. Một người đầy tớ gái giơ ra một phong thư và nói:

- Có thư của quan đốc con gửi cho quan cử. Có phải đây là nhà quan cử không ạ?

- Ai bảo chị thế? Đây là nhà tôi, nhưng cứ đưa thư đây.

Cảnh chạy ra cổng đỡ lấy phong thư.

- Bẩm quan, quan con dặn đợi thư trả lời.

Cảnh mỉm cười:

- Chị ở đây phải không?

- Dạ.

Cảnh thì thầm: "Thảo nào!" Rồi mở thư ra nhẩm đọc xong chàng mỉm cười vui sướng bảo đứa tớ gái:

- Chị về nói chúng tôi xin đến ngay nhé.

Oanh và Liên mặc áo pyjama ra hiên, thấy Cảnh nằm dài trên ghế mây nhìn trần huýt sáo. Liên hỏi:

- Đã khoái chí điều gì thế kia?

Cảnh bảo Liên:

- Thu xếp xong rồi.

- Thu xếp cái gì thế?

- Cái việc của Liên ấy mà.

Liên ngơ ngác:

- Việc của em?

- Ừ, cái việc ban nãy Liên không biết xử ra sao ấy mà... Nghĩa là Liên chưa biết nên ở đây hay ở đàng kia ấy mà?

- Vậy sao?

- Đây này đọc mà xem.

Liên cầm thư đọc:

"Chiều nay mời tất cả lại đằng này ăn cơm. Không một ai được từ chối đấy".

Tái bút: "Cần nhất là các anh phải coi Liên như người vợ chính thức của tôi. Tôi đã trót nói với bà trẻ thế rồi".

Liên không giấu nổi sung sướng. Má nàng bừng đỏ. Mắt nàng âu yếm nhìn Cảnh. Sự yêu đương làm nàng thẹn thùng bẽn lẽn. Nhưng Cảnh không để ý đến. Chàng chỉ nghĩ tới một Lan Hương.

- Lan Hương độ mười bảy mười tám là cùng.

Liên giọng đắc thắng:

- Phải độ ngần ấy là cùng. Một cô nữ học sinh, một cô em bé bỏng.

Nàng hỏi Cảnh:

- Chẳng rõ tuổi ấy thì đã biết gì chưa nhỉ?

Cảnh giọng hơi gắt:

- Biết gì?

- Biết ái tình là gì chưa?

- Rõ hỏi lẩn thẩn! Nhưng đi trang điểm để còn đến villa Lan Hương. Không thấy Oanh đi sửa soạn rồi đấy à?

Liên cười tàn ác:

- Người cần sửa soạn trang điểm nhất có lẽ là anh.

Cảnh hơi khó chịu, lặng thinh quay đi.

Chàng vào phòng riêng thay quần áo. Chàng suy nghĩ ba phút chọn một bộ y phục vừa ý; nhưng rồi sau chàng lại quả quyết mặc bộ short thường và đi dép da. Đứng trước gương tủ, chàng tự ngắm nghía, mỉm cười, vì thấy mình trẻ và đẹp, điều mà chàng nghĩ đến luôn nhưng không lần nào thật lưu ý đến bằng lần này. Lần này chàng cho trẻ và đẹp không những đối với phụ nữ là những điều kiện không có không được, mà đối với nam nhi cũng cần thiết cho đời sống sung sướng, cho cả đời sống bình thường. Tư tưởng ấy thành hình bằng tiếng Pháp khiến chàng ngờ đã đọc ở một quyển sách nào, của Anatole France, thích một phần vì văn đẹp, nhưng nhất vì Anatole France là một nhà văn hoài nghi, không tin đời có một thứ gì đáng kể, đáng tha thiết, ngoài sắc đẹp, ái tình và nhục dục. Cảnh tự nhận mình và bọn mình là tín đồ của Anatole France, theo cái tôn giáo khoái lạc nhưng vô tôn giáo.

Nghe có tiếng Bản và Thứ ở trên, Cảnh đi ra, óc đầy những tư tưởng đẹp của Anatole France. Chàng bảo hai bạn:

- Chuyến này về Hà Nội phải mua thêm cho đủ hết tác phẩm của Anatole France mới được... Thanh niên không biết yêu Anatole France là một thanh niên vất đi.

Thứ cười:

- Một dạo đã có một thanh niên Kiều, nay lại muốn có một thanh niên Anatole France.

Liên ở phòng bên ra, ngắt đứt câu chuyện:

- Thôi xin các anh đừng giở văn chương ra nửa, chối tai lắm. Anh Bản và anh Thứ vào tắm nước ngọt mau rồi còn đi.

Bản hỏi:

- Đi đâu?

- Vậy ra anh chưa biết gì. Bà trẻ nhà em mời các anh và chị Oanh đến xơi cơm chiều.

Bản ngơ ngác:

- Bà trẻ nhà chị.

Thứ thêm:

- Chị Liên mà có bà trẻ?

Cảnh giảng nghĩa:

- Bà trẻ anh Đoan, tức là vợ lẽ cụ Quản ấy mà.

Thứ mỉm cười:

- À! Ra thế!

Cảnh hai tay vịn vai Bản và Thứ ghé tai nói thì thầm:

- Đoan dặn phải coi như Liên là vợ anh ấy vì anh ấy đã trót nói thế với bà trẻ.

Bản và Thứ cũng bật cười:

- Chỉ sợ giấu đầu rồi lại hở đuôi thôi.

- Vậy đi tắm nước ngọt, gần sáu giờ ruỡi rồi, chẳng còn sớm gì đâu.

Liên bĩu môi bực tức nghĩ thầm:

- Anh chàng chỉ nóng ruột gặp mặt cô ả.

Sự thực, từ lúc nhác thấy Lan Hương, Cảnh không còn lưu ý gì tới Liên nữa. Không một chút tình cảm lộ ra trên nét mặt chàng, khi đôi mắt đắm đuối của Liên nhìn thẳng vào mắt chàng. Liên bực tức nghĩ thầm: "Bọn đàn ông họ bạc tình hết!... Mình phải làm phúc bảo cho cô em có thân thì lo. Đụng vào những ông tướng này chẳng vỡ cũng sứt mẻ!"

Lát sau, năm người cùng đi đến biệt thự Lan Hương. Thứ hỏi:

- Không biết Đoan kêu bà trẻ là gì nhỉ?

Liên đáp:

- Là bà trẻ chứ còn là gì nữa.

- Chẳng lẽ lại nói: "Thưa bà trẻ, tôi thế này, thưa bà trẻ tôi thế nọ" ư?

- À! Nói với bà ấy thì phải: "Thưa bà" thôi chứ.

Oanh cãi:

- Thưa dì chứ lị.

Bản mỉm cười nhìn nàng:

- Thời buổi này còn ai gọi dì ghẻ bằng dì nữa. Một là người ta kêu là bà, hai là người ta gọi là chị!

Đoan đứng đón ở cổng biệt thự. Chàng khe khẽ dặn lại một lần nữa:

- Nhớ đấy nhé, coi Liên là vợ mới cưới của tôi nhé. Bà ấy giờ lại có tính đạo đức khó chịu. Nếu bà ấy biết Liên là tình nhân của tôi...

- Thì có lẽ bà ấy đuổi em đi chăng? Có phải thế thì để em ở lại đằng anh Cảnh.

Liên hậm hực thêm luôn. Đoan chữa:

- Không phải thế... Nhưng anh nhận em là vợ càng hay và dễ xử cho em chứ sao!

Nhưng bà trẻ đã đứng trên sân hiên vịn lan can nói ra:

- Chào các ông, xin mời các ông vào chơi.

- Không dám, lạy bà ạ.

Cảnh nhìn lên. Đó là một người đàn bà khoảng bốn mươi mặt trông còn tươi tốt, chưa mang mấy chút dấu vết tàn phá của thời gian. Người đàn bà ấy khi tuổi trẻ, hẳn phải xinh đẹp dịu dàng. Nay tuy má có hơi phinh phình sệ xuống, thân thể có hơi phì nộn nặng nề bà vẫn giữ được điệu tha thướt dễ yêu của một cô gái Huế.

 

Nhất là đôi mắt phượng trước kia chắc sáng và trong y như đôi mắt của Lan Hương ngày nay. Bà cũng vấn tóc trần như Lan Hương lúc ban chiều.

Cảnh không thấy lẫn những sợi tóc bạc mà có lẽ bà đã để người hầu nhổ đi rất cẩn thận.

Bà quay vào phía trong, gọi:

- Em Hương! Có khách.

Lan Hương khoan thai bước ra, nghiêng đầu chào, rồi từ từ bước xuống vườn, đi ra cổng. Đoan giới thiệu với em:

- Anh Cảnh, anh Bản, anh Thứ bạn của anh, cô Oanh, em của anh Cảnh, còn đây là chị Đoan.

Lan Hương cúi đầu chào từng người sau mỗi lời giới thiệu. Đến lượt Liên, nàng mỉm cười một cách bí mật, khiến Liên không hiểu nàng có ý nghĩ gì về mình. Mọi người lên sân hiên, Đoan đi liền bên Lan Hương, vẻ mặt rạng rỡ, tự phụ là sung sướng có một cô em gái đẹp. Cảnh không tưởng tới tình anh em của hai người. Chàng chỉ thấy Lan Hương đẹp và Đoan bạn chàng có diễm phúc được thân mật với nàng hơn mình, vì thế, chàng bực tức ghen ghét với bạn, và sư bực tức ghen ghét lộ trên mặt chàng, nhất chàng lại nhận thấy Lan Hương như không lưu ý tới chàng, hơn thế, như không biết rằng có một người tên là Cảnh đã khiến được tất cả các thiếu nữ ngoài bãi biển phải cảm động, hồi hộp. Chàng sinh ra ngờ vực cái sức quyến rũ của chàng. Ở hiên, bên cửa ra vào, đặt một cái mắc có gương. Cảnh đứng lại vài giây liếc nhìn bóng mình: chàng thấy chàng dữ tợn quá.

- Các ông cứ ngồi chơi ngoài sân hiên cho mát.

Lan Hương tiếp luôn lời mẹ:

- Dạ, ngồi ngoài terrasse cho mát.

Nàng vặn hai ngọn đèn điện trong hai quả bóng mờ trên lan can. Một làn ánh sáng dịu tỏa ra. Lan Hương đứng xây lưng vào một chiếc bóng đèn. Một đường tia sáng bọc lấy cái đầu vấn tóc, và đánh bóng mờ khuôn mặt đều đặn. Cảnh so sánh nàng với một bức tranh ảnh tôn giáo, và cảm động làm chàng lặng lẽ một hồi lâu trong khi mọi ngươi nói chuyện.

Ai nấy đã ngồi. Cảnh vẫn đứng sững như gắn chân xuống nền xi-măng.

- Kìa mời ông ngồi xơi nước.

Cảnh không nghe thấy lời chào của bà trẻ. Lan Hương ngửng lên thấy Cảnh nhìn trừng trừng thì bẽn lẽn nói:

- Má em mời ông xơi nước.

- Tôi không dám xin mời bà, mời cô.

Chợt nhận thấy mình vẫn đứng vịn tay vào thành ghế, với một dáng bộ buồn cười, chàng vội ngồi xuống nâng chén nước đưa lên môi.

- Thế nào? Anh Cảnh nghĩ sao? Xin cho biết tôn ý.

Câu chuyện đương ở trong phạm vi việc học của phụ nữ. Nhân Thứ hỏi Lan Hương về niên học của nàng, nàng đáp đương ở năm thứ tư thì xin nghỉ, và nàng học cốt để biết, chứ không cốt để đậu bằng nọ bằng kia, mà học gần hết bốn năm cao đẳng tiểu học rồi thì cung như đậu xong bằng thành chung. Bản muốn được lòng ý trung nhân liền cãi rằng Lan Hương nghĩ thế là sai vì thi đậu không phải chỉ cốt để được bằng nọ bằng kia, mà còn để xem học lực của mình đã tới trình độ bằng ấy chưa, và chàng đã tiếp:

- Như cô Oanh chẳng hạn, có phải cô thích được gọi là cô tú đâu, cô chỉ cốt biết chắc rằng trình độ học vấn của mình đã tới mực trung học, thế thôi.

Cảnh đã không nghe thấy một tiếng trong câu chuyện giữa lúc chàng mơ màng nhìn Lan Hương. Nhưng vì thói quen xã giao chàng nghĩ ngay ra được một câu trả lời mập mờ:

- Và chẳng có ý kiến gì về vấn đề ấy cả!

Và chàng nhìn Liên như để cầu cứu. Lan Hương cúi xuống chén nước mỉm cười. Cảnh thấy tất cả sự chế nhạo của một thiếu nữ trong cái mỉm cười bí mật ấy. Sự thực, nàng chỉ cười vì bẽn lẽn, vì thấy có mình trong câu chuyện mà nàng không thích người ta bàn đến mình. Cảnh bỗng trở nên táo bạo: một luồng tư tưởng bất chính vừa chạy qua tâm trí chàng. Chàng đăm đăm nhìn Lan Hương và nói:

- Nếu hỏi ý kiến tôi về Lan Hương thì tôi quả quyết trả lời rằng cô đẹp lắm, đẹp lắm lắm, đẹp dịu dàng, đẹp âm thầm, đẹp huyền ảo.

Cái mỉm cười của Lan Hưang vừa ngừng lại, người ta chỉ thấy trên nét mặt nàng một sự nghiêm trang lạnh lùng. Oanh lo lắng cho sự thật thà của người anh yêu mến liền đỡ lời:

- Ban nãy em quên không giới thiệu với chị rằng anh em là một thi sĩ.

Ai nấy phá lên cười và Lan Hương cũng mỉm cười theo, cười không phải vì câu nói đùa nhưng vì ngượng ngùng. Cái bẽn lẽn, cái ngượng ngùng của Lan Hương, Cảnh vì mất hết sáng suốt chỉ cho là sự ít lời, sự khinh khỉnh đối với chàng, đối với một mình chàng: chàng đã quen thấy mình là trung tâm điểm của những cuộc hội họp, trong đó có phụ nữ.

Chàng sắp sửa thốt ra những câu quá sỗ sàng thì may cho chàng người nhà ra mời vào phòng ăn.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá