Băn khoăn
VI
Qua năm ngày rồi mà Cảnh không đi xa hơn một bước trên con đường quyến rũ. Lan Hương vẫn điềm nhiên, lãnh đạm. Hơn thế, Lan Hương vẫn như không biết có sự quyến rũ, không biết có sự nguy hiểm quanh mình. Tựa như con chim sơn ca xinh xắn bình tĩnh đứng hót trên đám cỏ xanh tươi, không màng tới con rắn độc đang ngấm ngầm lướt thân dưới cỏ.
Cảnh thì không lý luận nữa, không xét xem như trước rằng nên đem thứ ái tình nào để đối đãi với Lan Hương; ái tình chân thật và lâu dài hay ái tình tạm bợ và ích kỷ. Chàng chỉ mê man yêu và mê man thất vọng đến nỗi vì lười biếng, và nhất là thói quen đắc thắng dễ dàng, chàng đã toan bỏ không theo đuổi Lan Hương nữa, như người đi săn chán nản giữa rừng bỏ một con hươu quý. Chàng nhu nhược tự an ủi: "Chà! Ở đời thiếu gì! Chán vạn cô còn đẹp hơn Lan Hương". Lòng tự ái của chàng bị xúc phạm thì chàng báo thù lại bằng lãnh đạm. Bằng sự khinh bỉ nữa.
Thế nào chàng cũng phải báo thù, và chàng nghĩ ra rất nhiều cách để toại nguyện, cũng như trước kia, chàng tìm cách toại lòng yêu.
Nhưng sáng nay gặp Lan Hương một mình đi từ trên núi xuống, bao ý định tàn ác của Cảnh tiêu tán hết, khác nào làn sương u ám tan đi dưới ánh nắng mặt trời mọc. Chàng cất mũ nghiêng đầu chào. Lan Hương ngả đầu đáp lễ.
- Thưa cô, tôi xin đưa hầu cô về nhà.
- D...ạ.
Tiếng dạ Cảnh nghe như có ý từ chối. Nhưng dịu dàng biết bao! Chàng lại gần sát Lan Hương thì thầm:
- Thưa cô, hình như cô giận tôi lắm.
Lan Hương im lặng trong mấy giây như để nghĩ ngợi kỹ càng rồi nhìn thẳng đáp:
- Thưa không... ông làm gì mà tôi phải giận ông?
- Vì những câu chuyện tôi thuật trước mặt cô... Có lẽ cô cho tôi là tồi... khiếm lễ.
Sự thực, những câu chuyện ấy cũng có phần dữ dội, những câu chuyện mà lúc cao hứng Cảnh đã thuật lại để làm duyên làm dáng với đám phụ nữ. Chính chàng nay cũng nhận thấy mình đã quá táo bạo, quá trắng trợn. Và hơn nữa, không phải chàng không có thâm ý, không có tà tâm. Chàng nhớ nhất sự vô lễ đối với phụ nữ. Hôm ấy, Liên, trước mặt mọi người, nói với Đoan rằng buổi trưa ở ngoài bãi biển có một anh nhìn nàng một cách quá chú ý rồi hắn ta tới gần tán tỉnh: nàng sợ quá, vì bấy giờ bãi biển vắng ngắt mà người kia mắt long lên sòng sọc và cứ sấn mãi lại như có ý muốn ôm chầm lấy nàng; nàng cuống quýt giả vờ tập thể thao cắm đầu chạy miết lên phía đường.
Để mọi người bàn luận chán về vấn đề kính trọng phụ nữ, về sự vô giáo dục của một số ít đàn ông, và khi ai nấy đã trút hết lòng tức giận của mình ra rồi, Cảnh mới thong thả nói:
- Những tư tưởng sáo ấy sai lầm và giả đạo đức ráo. Tôi thì tôi cho rằng cái mà các anh cho là vô lễ đối với đàn bà chỉ là sự trân trọng tuyệt đích đối với họ, vì không có sự tôn sùng nào làm cảm động đàn bà, làm họ tự phụ, làm cho họ sung sướng bằng cách tỏ cho họ thấy mình thèm muốn họ.
Rồi chàng thuật lại câu chuyện Anatole France đã kể cho một người đàn bà quý phái nghe: "Một nàng công chúa Y Pha Nho vào thế kỷ 17 bảo một người bạn rằng một người đàn ông may mắn được gặp nàng ở một mình trong một căn phòng vắng mà ôm nghiến lấy nàng thì nàng sẽ cho đó là một sự xúc phạm lớn đối với nàng và nàng sẽ đâm chết tươi. Tiếc rằng người nàng hầu cứ luôn luôn ở bên cạnh công chúa, khiến công chúa chưa thí nghiệm kịp được sự tôn sùng đặc biệt và tột đích của đàn ông đối với nàng". Câu chuyện đã làm bọn phụ nữ ngượng ngùng im lặng. Nhưng nay nhớ lại, Cảnh còn lấy làm vui thú rằng đã trêu tức được Lan Hương, vì hôm ấy cũng như hôm trước, Lan Hương chỉ đáp lại chàng bằng những lời cứng cỏi, cộc lốc, trong khi nàng nói chuyện rất đậm đà với Bản. Có lẽ vì Bản là ý trung nhân của Oanh mà nàng vừa quen đã bắt đầu yêu mến thân mật ngay. Cũng có lẽ nàng có một ý kiến riêng gì đó. Dẫu sao nàng đã làm cho Cảnh cáu kỉnh và đã kể câu chuyện mà nàng cho là dâm đãng kia.
- Thưa cô, người ta thường nói muốn sống sung sướng cần phải biết quên, cần phải dễ quên. Tôi xem ra cô dễ quên lắm, vậy hẳn là cô sung sướng.
Lan Hương dừng lại ở giữa đường dốc và nhìn qua cành phi lao ra làn nước biển xa. Mơ mộng nàng đáp:
- Cái đó cũng tùy.
Cảnh không hiểu nghĩa câu trả lời. Chàng không rõ Lan Hương muốn nói: tùy từng việc, tùy từng trường hợp hay tùy từng người. Nhưng hỏi lại thì chàng cho là không tiện. Chàng chưa thấy mình rụt rè như thế bên cạnh một thiếu nữ bao giờ, và chàng bực tức tự giận.
Yên lặng kéo dài. Cảnh khó chịu, hỏi cho có chuyện:
- Cô còn ở trong này lâu?
Trái với sự ước đoán của chàng, Lan Hương trả lời rất cặn kẽ. Nàng nói đã nhỏ lại đặc giọng Huế, khiến Cảnh khó khăn mới theo được chuyện. Nhưng chàng sung sướng vì phải luôn luôn ghé gần vào mặt nàng để cố hiểu. Dầu sao chàng cũng nhận được đại ý: Lan Hương sẽ cùng mẹ ở hẳn Sầm Sơn vì nay nàng không bận học nữa. Nàng không thích ở Huế vì Huế buồn lắm, nhất là xa Hà Nội quá. Nàng rất thích Hà Nội vì thấy Hà Nội đẹp lắm, tuy lần cuối cùng ra Hà Nội nàng mới mười hai tuổi. Nàng vẫn còn nhớ những cảnh đẹp của Hà Nội, nhất là hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Gô-đa, chợ Đồng Xuân; ở Sầm Sơn nàng sẽ ra chơi Hà Nội được luôn, sẽ có nhiều dịp để ra Hà Nội, ra thám cha nàng, ra xem hội chợ, ra dự chợ phiên, ra xem các phòng triển lãm.
Cảnh đã toan cứ im lặng mãi để uống những lời nói êm dịu, thơm tho của nàng. Nhưng bỗng nàng ngừng lại, rồi hỏi Cảnh:
- Thưa ông, Hà Nội bây giờ có thay đổi nhiều không?
- Thưa có, so với sáu năm trước, khi cô ra chơi, thì Hà Nội ngày nay khác hẳn. Biết bao nhiêu nhà kiểu mới mọc lên như nấm. Nhưng chỉ ở hai đầu thành phố mà thôi. Còn hồ Hoàn Kiếm và nhà Gô-đa của cô vẫn như xưa, nhất là hồ Hoàn Kiếm thì bao giờ cũng đẹp, cũng đầy những thiếu nữ xinh tươi, sáng chiều dạo mát quanh hồ...
Lan Hương mỉm cười ngắt lời:
- Nghe nói ông và anh Đoan em quen biết nhiều các cô gái Hà Thành lắm, quen biết thân mật nữa.
Nàng đã gợi lòng tự ái của Cảnh. Chàng sung sướng đỏ mặt. Và chàng ngập ngừng hỏi lại:
- Ai bảo cô thế?
Nàng như nói lảng:
- Anh Đoan em thì tệ quá. Ai lại thân danh ông thầy thuốc, trách nhiệm nặng nề trong tay mà chỉ nghĩ đến chơi bời thỏa mãn, có thể cho thế là có tội với xã hội được.
Cảnh kinh ngạc nhìn Lan Hương:
- Cô đạo đức lắm nhỉ!
- Không phải em đạo đức, nhưng thấy đám thanh niên sống không mục đích hay với mục đích độc nhất là sự chơi bời phóng đãng thì em ghê sợ... cho họ quá, và tiếc cho họ nữa... Những bực thanh niên trí thức như anh Đoan em mà chịu làm việc, làm việc với lòng tín ngưỡng thì... hay biết bao, có ích cho đồng bào biết bao!
Cảnh cho Lan Hương hơi khó chịu. Nhưng liếc nhìn người đẹp đẹp một cách nũng nịu, chàng không thể giận được. Và chàng trả lời đánh trống lảng:
- Anh Đoan chẳng làm việc mà lại là chủ một bệnh viện lớn.
- Làm chủ không phải là làm việc. Còn ông, ông đã nghĩ làm công việc gì chưa?
Lần này thì Cảnh giận thật. Chàng chau mày nghĩ thầm: "Tôi làm gì thì dễ phải nhờ cô dạy bảo chăng?" Và chàng cáu kỉnh đáp:
- Cô hỏi tôi định làm gì à? Thưa cô, tôi định lấy vợ.
Lan Hương thản nhiên như không biết rằng Cảnh nói xược:
- Đối với anh Đoan em thì lấy vợ cũng là một việc khó.
Cảnh mỉm cười:
- Anh Đoan đã có vợ rồi là gì?
Lan Hương cũng mỉm cười:
- Thế gọi là vợ sao được?
Rồi như chợt nhớ ra điều gì, nàng nhìn ra biển nói:
- Em xin lỗi ông, em phải đi đằng này có chút việc.
Nàng trang nghiêm ngả đầu chào. Cảnh đáp lễ rồi đứng lại ngơ ngác nhìn nàng rẽ ra phía biển. Chàng lẩm bẩm nói một mình:
"Kiểu cách và kiêu hãnh". Lòng hiếu sắc của chàng thì thầm tiếp liền: "Nhưng mà đẹp".
Cảnh lững thững trở về nhà, Oanh, Thứ và Bản ngồi ở hiên nói chuyện. Thoáng nghe thấy mấy mẩu câu "bẽn lẽn, dịu dàng... ngây thơ đấy chứ?" Cảnh tiến vào cười mát nói:
- Phải, ngây thơ ăn người.
Oanh hỏi:
- Anh bảo ai cơ?
- Bảo tất cả các thiếu nữ ngây thơ chứ bảo ai!
- Cả em?
- Em không ngây thơ, vì em thẳng thắn, không kiểu cách, không đạo đức giả, không đoan trinh rởm, không...
Cảnh ngừng lại, không tìm được chữ tàn tệ hơn. Oanh hỏi:
- Gì nữa?... Không biết anh tức tối ai thế?
Cảnh ném mũ lên trên mắc. Chiếc mũ dạ rơi, chàng cũng không buồn nhặt, lại ngồi phịch xuống ghế, hằn học nói:
- Chẳng tức ai cả, nhưng mai về Hà Nội.
- Mai về Hà Nội? Tại sao thế?
- Tại chán Sầm Sơn, năm hôm rồi còn gì mà chẳng chán!
Oanh cười:
- Thế mà em cứ tưởng ai chán thì chán chứ anh không thể chán Sầm Sơn được đấy.
- Sao anh lại không thể chán Sầm Sơn được?
- Vì ở Sầm Sơn có một người lưu ý đến anh một cách rất cảm động.
Cảnh mỉm cười, hy vọng:
- Người ấy là ai thế em?
- Là ai, anh thừa biết lại còn vờ hỏi.
- Anh không biết thực đấy mà.
Cảnh vừa trả lời, vừa ra cúi nhặt mũ treo lên mắc. Sự sung sướng đột nhiên và bồng bột làm chàng hối hận rằng mình đã có những ngôn ngữ và cử chỉ cáu kỉnh vô lý. Oanh đứng dậy đi ra vườn, cốt không để Bản và Thứ nghe được câu chuyện kín của anh. Cảnh theo em ra, hỏi:
- Lan Hương, phải không em?
- Chứ còn ai vào đấy nữa!
- Lan Hương có nói gì về anh không?
- Lan Hương có nói nhiều lắm. Chẳng hạn Lan Hương bảo anh cần phải lấy vợ ngay.
Cảnh cười:
- Bậy.
- Thực đấy mà, Lan Hương bảo anh đương cần phải có một người đàn bà kèm bên cạnh, hoặc một người đàn bà yêu anh sâu xa, nghĩa là một người mẹ, hoặc một người đàn bà âu yếm và thành thực thương anh, nghĩa là một người vợ, vì hiện anh đang ốm, ốm nặng phải hết sức chăm nom, săn sóc, anh mới khỏi được.
Cảnh vờ trang nghiêm:
- Không có thì anh chết?
- Tệ hơn thế, anh sẽ truy lạc.
- Lan Hương bảo em thế?
- Lan Hương còn bảo... Nhưng thôi để anh được yên thân mà về Hà Nội.
Cảnh cười ngượng nghịu:
- Em cứ nói: Có lẽ anh chưa về Hà Nội đâu.
- Thực nhé! Vậy Lan Hương bảo một trí thức và một tâm hồn không tầm thường, khi đã xuống thì xuống không biết đến đâu là cùng.
- Nghĩa là Lan Hương cho rằng anh có một trí thức và một tâm hồn không tầm thường!
Thứ đứng tựa lan can, nói lớn:
- Chuyện gì mà bí mật thế, cô Oanh?
Oanh bảo Cảnh:
- Thôi đi vào, không họ lại ngờ vực anh.
Và nàng chạy về chỗ cũ. Cảnh thong thả đi theo vào, lòng bất mãn, vì chàng còn khao khát nghe em nói đến Lan Hương. Luôn mấy hôm chàng thường gọi chuyện Lan Hương. Thà nghe người ta gièm pha Lan Hương còn hơn là lúc nào cũng lặng lẽ âm thầm, đầy Lan Hương trong lòng, mà không được ai trò chuyện. Bản thực thà hỏi Cảnh:
- Anh về Hà Nội?
Cảnh cố làm ra vẻ tự nhiên:
- Vâng, tôi định mai về, nhưng cũng chưa lấy gì làm chắc.
- Anh về thì chúng tôi xin cũng về.
- Thế thì tôi không về vội, để các anh ở lại chơi. Phải không, em Oanh?
- Phải lắm. Vậy mời anh ngồi chơi xơi nước mà nghe một câu chuyện triết lý của nhà văn Lê Thứ; nếu anh Thứ không còn nhớ, chỗ nào ngừng lại, em sẽ nhắc. Hình như anh nói những đức tính bẽn lẽn ngây thơ cũng chỉ là một thứ vỏ dày để bọc lấy cái tôi.... Rồi gì nữa?
Thứ mỉm cười:
- Vâng chính thế. Anatole France nói...
Cảnh vội reo:
- Anatole France vạn tuế! Nhưng bây giờ, trời đẹp lắm. Và tôi sung sướng quá. Tôi chắc em Oanh và các anh cũng cùng một cảm tưởng như tôi. Vậy xin anh Thứ hãy tạm gác Anatole France của anh lại mà ra bãi biển, chúng ta cùng nhau tắm ánh nắng và thở không khí trong sạch.
Tiếp liền, chàng cất giọng ca huyên thuyên chẳng theo một nhạc điệu nào:
"Cùng nhau ta tắm ánh mặt trời.
Hô hấp làn không khí thảnh thơi".
Và khoác hai vai bạn dìu ra đường.
Oanh theo sau lắc đầu lẩm bẩm:
- Đến dễ buồn nản! Cũng đến dễ vui sướng!