Băn khoăn
IV
Mãi gần chín giờ tối, chiếc xe Ford mới tới Sầm Sơn, nhưng đã nhớ dừng lại ở Ninh Bình để gọi điện thoại đặt một tiệc sáu người ăn tại khách sạn Reynaud. Vì thế khi tới bàn ăn đã sẵn sàng.
Nhưng Cảnh cũng lái xe rẽ qua nhà để dặn người coi vườn sáng hôm sau đi đóng ngay một cái bàn ping pong. Chàng đem theo vào đủ cả lưới, bóng và bốn cái vợt cao su. Không phải chàng thích môn thể thao nhẹ nhàng ấy, nhưng vì đã nghỉ mát ở biển nhiều lần, chàng biết rằng mỗi cái bàn ping pong là một nơi hội họp của phái đẹp.
Bây giờ vào thượng tuần tháng bảy, thì đông đúc náo nhiệt nhất của Sầm Sơn. Những trang phục tắm biển hợp thời, những thiếu nữ xinh đẹp có tấm thân nở nang, những bà mẹ giàu sang có con gái kén chồng thường đợi đến tháng ấy mới vào nghỉ mát. Vào sớm quá, Sầm Sơn còn vắng, phí tiền đi.
Trong khi ngồi ăn ở khách sạn, Cảnh chợt có những ý tưởng về Sầm Sơn, và chàng cười khoái lạc. Sao chàng cảm thấy yêu đời thế! Mà khi người yêu đời bồng bột thì người ta chỉ nghĩ đến mình, hay ít ra nghĩ đến mình hơn mọi người, mọi vật, người ta trở nên một trung tâm điểm vòng quanh đó, những người khác, những ngoại vật chạy lượn như người và vật cắt bằng giấy ở đèn kéo quân. Chàng là một nhân vật dễ yêu quá: "Đến mình còn phải tự yêu mình thì ai mà chống lại, không yêu mình được?" Chàng điểm lại từng người bạn, từng người tình, nhớ lại tính nết họ, tính tình họ đối với chàng, đó là tình yêu, đó là bông hoa quý mà đời đã dành cho chàng.
Cảnh còn không yêu đời sao được! Có họa chăng là một kẻ bạc bẽo đối với người đời, đối với đời; mỗi khi thoảng nghĩ tới cái năm chán nản muốn chết, chàng lại mỉm cười tự thương hại cho mình. Thời kỳ ấy đã xa lắc, trong màn sương ảm đạm của quá khứ. Sự thực, thời kỳ ấy chưa qua được hai năm. Nhưng lòng chàng đã qua một cuộc thí nghiệm của trường đời, và chàng đã tỉnh ngộ. Sinh ra ở đời để mà sung sướng để mà thỏa mãn, chớ không phải để khổ sở, để than phiền, hay để theo đuổi một mục đích viển vông nào.
Cảnh mơ mộng trong hương thơm ngây ngất của cốc cà phê pha rhum. Đắm mắt nhìn Liên, chàng mỉm cười vơ vẩn, cái mỉm cười đầy thân mến. Bản đứng dậy nói:
- Hơn mười một giờ rồi, về ngủ để mai đi tắm sớm.
Cảnh không nghe thấy lời bạn. Nhưng chàng cũng đứng dậy theo và dang rộng hai cánh tay chàng mê man như nói một mình: "Đời vui quá, mình sung sướng quá! Sung sướng có thể chết được!"
Liên cười:
- Chỉ dại dột! Có khổ sở mới chết chứ sung sướng thì chết sao được?
Thứ, giọng trang nghiêm:
- Sung sướng chết được lắm chứ, vì lẽ rất giản dị này: khổ sở quá chết được thì sung sướng quá cũng chết được. Cũng như người ta có thể chết đói và chết no, no quá chết bội thực.
Oanh ghé tai nói thầm bảo Bản:
- Anh Thứ ví von rất hay, còn có thể nào nhạt hơn được nữa không?
Cái cười nịnh của Bản dù ầm ỹ vẫn không giấu nổi sự miễn cưỡng sự cố gắng. Thứ hỏi:
- Cô Oanh bảo thầm anh cái gì mà anh thích chí thế?
- Oanh bảo anh tỷ dụ đến ngộ nghĩnh.
Sợ Thứ ngờ vực và tức giận, Oanh phỉnh chàng một câu:
- À anh Thứ, tôi quên chưa hỏi anh, tác phẩm đương soạn của anh tên là gì?
Thứ cười nở nang mày mặt. Bất cứ một câu gì có đá động đến cái đời văn chương của chàng cũng đã làm cho chàng sung sướng, nhất là khi câu ấy lại thốt ra ở một cái miệng mỹ nhân. Chàng đáp:
- Tác phẩm của tôi gần viết xong rồi, mà tôi vẫn chưa tìm được cho nó một cái tên đích đáng. Tôi định đặt "sống mà yêu" nhưng nghe như chưa được ổn.
Cảnh uống cạn nốt cà phê, rồi trịnh trọng bảo Thứ:
- Chưa được ổn thật, lộn ngược lên là "yêu mà sống" mới đúng hay "yêu để sống, yêu để sống", không yêu thì người ta đến tự tử mất. Phải không Liên?
Chợt thấy mình có lỗi với bạn, Cảnh tiếp luôn:
- Có phải không Đoan?
Đoan giọng buồn ngủ:
- May ra thì phải. Nhưng về thôi, đã khuya rồi.
Cảnh gọi bồi trả tiền, rồi cùng em gái và đám bạn ra về.
Việc thứ nhất của Cảnh sáng hôm sau là tổ chức ở Sầm Sơn cho thực đầy đủ. Chàng hầu như nghĩ sẵn một bản chương trình để cứ thế mà theo. Chàng khổ sở nhất là khi phải sống tạm bợ trong sự mất trật tự, sống vài ngày ở một nơi xa lạ cũng như sống cả một đời dài đăng đẵng. Đó là một nhược điểm của chàng và có lẽ của tất cả những người sống cô độc trong giàu sang. Cái trật tự nông nổi ấy trong cái bề bộn, cái liều lĩnh mông mênh của một đời thực tế, có khác gì ở giữa cảnh sa mạc rộng hàng nghìn dặm trơ trụi, khô khan, ngổn ngang đống gò cát trắng, một nơi mậu lâm chu vi không hơn vài trăm thước, trong đó có bóng cây, có nước suối, có cỏ xanh để người ta nghỉ chân, giải khát, và lấy làm khoan khoái.
Giờ nào làm việc gì, Cảnh định nhất nhất sẽ theo thực đúng. Chàng nghĩ trước cả đến những cuộc đi chơi gần và xa, và những người sẽ mời cùng đi.
Buổi sáng thứ nhất ấy, chàng không đi tắm, ở nhà cùng em gái sai bảo người dọn dẹp, trang hoàng. Chàng cho đi mua cả hoa sen trắng cắm lọ. Lúc bốn người bạn ở bãi biển trở về, thấy nhà cửa khác hẳn và như sáng thêm ra, đều lấy làm kinh ngạc. Thứ khen:
- Có Oanh bài trí có mỹ thuật lắm?
Oanh nhìn anh, cười:
- Đó là tài anh Cảnh, em có can dự gì vào mà anh khen.
Liên quay ra hỏi Cảnh:
- Anh đem cả lọ cổ, bát cổ vào đấy à?
- Vâng, đem vào để khỏi nhớ Hà Nội. Tôi phải cái đi đâu cũng cứ tương tư Hà Nội. Ngày ngày ngắm thấy cách bài trí quen mắt ở Hà Nội thì mình cứ tưởng tượng chưa rời xa nơi cổ đế đô.
- Anh tương tư người hay tương tư cảnh đấy?
- Cả cảnh lẫn người.
- Nhưng nhất là người, phải không?
- Tôi không phân biệt cảnh với người. Mỗi cảnh phải hoạt động do một thứ người đẹp riêng cho cảnh, cũng như những người đẹp ấy được cảnh chung quanh làm tôn sắc đẹp lên. Vì thế ở ngay Hà Nội người đẹp cũng chia ra nhiều hạng. Có người chỉ đẹp trong khi dạo mát quanh hồ Hoàn Kiếm, hay trên đường cổ Ngư, lại nhiều cô có nhan sắc ăn nhịp nhàng với da màu đen tươi của các ông Ấn Độ bán vải ở phố Hàng Đào. Ngắm họ ngồi trên giường mua vải bên cạnh cái cười đằm thắm của cặp môi dày, tôi thấy họ lộng lẫy bội phần. Vậy...
Liên cướp lời:
- Đốt anh đi! Chúng tôi chẳng chia gì hết, chỉ bàn về cái đẹp, về các hạng người đẹp.
Đoan nằm dài trên ghế vải gấp quyển sách lại, bảo Cảnh.
- Được, chiều nay ra bãi biển ngắm cái đẹp nước mặn. Bây giờ thì tôi xin báo cho các anh biết trước rằng có lẽ tôi sẽ phải rời các anh.
Cảnh vội hỏi:
- Anh về Hà Nội à?
- Không, ở đây nhưng không ở chung với các anh.
Liên giảng nghĩa:
- Đoan bảo em rằng "bà trẻ" hiện nghỉ mát ở Sầm Sơn.
Bà trẻ là một người đàn bà Huế, lấy lẽ ông Quản đã gần hai muơi năm nay, ngay thời mẹ Đoan còn sống; năm ấy ông Quản vào Huế xem lễ Nam Giao được một ông bạn ở kinh đô giới thiệu với một ông trong hoàng tộc. Ông này có nột cô công tằng tôn nữ vừa tới tuần cập kê. Ông Quản bỏ một số tiền lớn ra cưới làm vợ. Cưới rồi để ở Huế. Bà trẻ có một cô con gái mười bảy tuổi, hiện đương theo học năm thứ ba trường Đồng Khánh Huế. Người em khác mẹ ấy, Đoan chỉ gặp mặt có một lần khi Lan Hương - tên nàng - theo mẹ ra Bắc đưa đám bà Quản. Thời ấy Lan Hương mới mười hai tuổi nhưng đã nhiều hứa hẹn sẽ trở nên một thiếu nữ xinh đẹp.
- Anh cứ ở đây với chúng tôi cũng được chứ gì.
Đoan thản nhiên đáp:
- Kể thì cũng được. Nhưng đã trót hứa với thầy tôi rằng tôi sẽ lại đằng ấy. Ban nãy tôi ra nhà bưu chính gặp giữa lúc thầy tôi gọi điện thoại và dặn lại đằng ấy ở với "dì" và "em" cho vui.
Cảnh toan hỏi "em trai hay em gái?" nhưng giữ ngay lại vì thấy câu ấy có vẻ lỗ mãng đối với người bạn thân. Tình nhân bạn có thể đùa bỡn được; còn đùa bỡn em gái bạn là một điều rất kiêng kỵ đối với Cảnh và đám bạn nhẹ dạ của chàng. Tuy vậy, Cảnh vẫn nóng lòng muốn biết người ấy là trai hay gái, và chàng tìm cách hỏi loanh quanh:
- Cụ có bà hai mà tôi không biết đấy.
- Bà ta ở luôn trong Huế, thỉnh thoảng mới ra Bắc chơi vài tuần lễ, hay một hai tháng rồi lại vào Huế.
- Ra một mình?
- Thường ra một mình. Chỉ có một lần ra với em Lan Hương.
Tự nhiên Cảnh mỉm cười. Chàng đã biết một phần những điều muốn biết. Lan Hương hẳn là con gái, và không là em Đoan còn là ai vào đấy. Chàng còn hy vọng vẩn vơ nữa. Cái tên Lan Hương hình như hứa hẹn nhiều lắm. Một người có cái tên đẹp ấy không thể xấu được. Nhưng trí nhớ chàng phản đối lại ngay. Một lần, chàng đã bị lừa vì cái tên, một cái tên rất đẹp, như Bạch Ngọc, Bạch Tuyết gì đó. Hôm ấy chàng đến chơi một người bạn văn sĩ. Bạn đưa cho xem thơ của một người bạn nữ sĩ gởi tới nhờ sửa giùm và nếu có thể, cho đăng báo hộ, văn xoàng, nhưng chữ và tên rất đẹp, nhất lại được một mùi nước hoa quý giá phảng phất làm tòn lên nhiều lắm. Cảnh không ngờ gì nữa. Bạch Ngọc hẳn phải đẹp. Thế là chàng chép ngay lấy địa chỉ, rồi lần mò đi tìm xem mặt. Chàng đạt được ước muốn, nhưng thất vọng: nữ sĩ là một pho nhan sắc quá tầm thường; cứng nhắc trong bộ y phục lố lăng.
Cảnh ôn lại chuyện cũ và nghĩ thầm: "Biết đâu Lan Hương lại không là một cô ma mút". Và chàng hỏi Đoan để dò thêm:
- Hình như các thiếu nữ Huế thích đặt những tên kêu như Lan Hương chẳng hạn. Ở ngoài Bắc ít lâu nay các cô cũng đã lây cái "mốt" ấy. Đã thấy nào Mai Hương, Ngọc Lan, Bạch Cúc. Trước kia những tên đẹp ấy chỉ sản xuất ở miền Trung Kỳ. Thiết tưởng đặt những tên đẹp để đánh lừa người ta cũng là có tội đối với bạn nam như chúng mình.
Thứ cười tiếp:
- Rồi ra chính phủ phải đánh thuế thực nặng những cái tên đẹp ấy.
Cảnh thêm:
- Nhất là khi người mang cái tên đẹp lại không đẹp một tý nào!
Nhưng chàng vẫn không biết thêm về Lan Hương, em gái bọn. Chàng chợt nghĩ ra một cách rất thần hiệu, và hỏi Đoan:
- Cô Lan Hương còn đi học chứ?
- Phải, em đương đi học.
- Tại trường cao đẳng tiểu học?
- Vâng, trường Đồng Khánh.
- Lớp mấy.
- Tôi cũng không biết nữa.
Câu chuyện chung quy vẫn không đưa đi tới đâu hết. "Thôi, rồi thế nào mình chẳng gặp mặt. Mình cứ yên trí rằng Lan Hương xấu để khỏi thất vọng, nếu cô ta xấu thực. Mà nếu đẹp thì càng hay, chẳng thiệt gì".
Vì thế mới bốn giờ chiều, chàng đã cùng Bản, Thứ và Đoan ra bãi biển, hy vọng rằng Lan Hương có thói quen đi tắm sớm. Nhưng đi dạo theo suốt làn nước, chàng chỉ thấy loáng thoáng vài tốp hai ba thiếu nữ mặc maillot (áo tắm) choàng peignoir (loại áo choàng sau khi tắm xong) màu vàng màu xanh, đầu đội nón đang đi hóng gió mát: Cảnh nhận xét từng người và đoán chắc không có Lan Hương trong đó.
Bỗng Cảnh lưu ý đến một thiếu nữ trông như quen quen. Chàng chợt nhớ ra. Đó là cô Trang ở phố Mới. Chàng không ngờ một người ở Hà Nội chàng thấy xoàng như thế, ra đến bờ biển lại nổi bật như kia. Không những Trang có tấm thân nở nang cân đối, tầm vóc thon thon, cả đến diện mạo Trang cũng không kém diện mạo nhiều cô mà chàng thoáng nhìn cho là đẹp. Thì ra cái nước da trắng có thể làm sai lạc sự thẩm mỹ của người ta. Nhưng ở đây màu nâu, màu bánh mật không bị coi thường, trái lại còn được người ta ao ước nữa, nên mắt thẩm mỹ mới chịu côag bình mà nhận xét từng phần, từng nét của toàn thể tấm thân.
Cảnh vừa ngắm các thiếu nữ vừa nghĩ liên miên. Có tiếng cười đùa và tiếng gọi tên chàng. Chàng quay nhìn ra phía biển và nhận ngay được Liên đương cùng Oanh vùng vẫy ở đằng xa. Chàng liền đi tới, bơi crawl ra tận ngoài khơi rồi bơi ngửa vào bờ.
Chàng đứng bên Liên thở. Lâu nay không bơi lội, ham chơi bời, nên chàng rất chóng mệt. Tuy vậy chàng cũng lấy làm tự phụ cho tài của mình, và liếc nhìn chung quanh chàng thấy bao nhiêu con mắt mỹ nhân để vào chàng. Và chàng nghĩ thầm: "Giá trong bọn ấy có Lan Hương..." Chàng phải tức cười cho chàng, vì chàng chưa biết Lan Hương bao nhiêu tuổi và xấu hay đẹp. Nhưng lạ? Hình như có tâm linh báo cho chàng biết trước Lan Hương đẹp lắm.
Oanh lại đến gần mỉm cười nói:
- Trang ở phố Mới, anh có quen không?
- Không, biết vậy thôi. Em quen à?
- Vâng, Trang muốn anh dạy bơi, nhưng sợ anh từ chối.
- Khi nào anh lại từ chối cô Trang, bạn em. Vậy em nói với cô Trang rằng anh xin sẵn lòng.
Một lát sau, Oanh đưa Trang và hai thiếu nữ nữa đến giới thiệu từng người với anh:
- Chị Trang, chị Chuyên và chị Cần. Chị Chuyên và chị Cần cũng nhờ anh dạy bơi đấy.
Nhìn hai cặp má bầu bầu và hai tấm thân béo tốt, Cảnh biết rằng Chuyên và Cần là hai chị em. Chàng cảm thấy ngay khó chịu, và nặng nề công việc uốn nắn hai quả bóng tròn ấy. Nhưng đã nhận lời dạy Trang, chẳng lẽ chàng lại từ chối hai cô.
Trang đã biết bơi ngửa, Cảnh dạy nàng tập crawl, bảo nàng nằm sấp, duỗi thẳng tay về phía trước, rồi đỡ ngay bụng cho nàng đập chân. Mỗi lúc nghỉ, Trang lại nhoẻn một nụ cười để cảm ơn Cảnh, Cảnh thấy thú thú và hai ba lần bắt đầu lại bài học. Chàng chăm dạy Trang đến nỗi suýt bỏ rơi Cần và Chuyên đứng bên lên nhìn. Chàng quay lại hỏi:
- Hai cô đã biết bơi chưa?
Chuyên đáp:
- Chưa?
- Đã biết nằm nổi trên mặt nước chưa?
- Cũng chưa.
- "Dễ lắm, xin các cô cứ nằm ngửa ra, nằm đưỡn ra. Xin lỗi hai cô", Cảnh vội thêm vì thấy hai thiếu nữ ra chiều e thẹn, "nhưng chính thế, phải nằm đuỡn ra, chân tay rất mềm mại thì tự nhiên thân thể nổi. Đây này, hai cô coi".
Cảnh nằm ngửa nhìn trời và tiếp luôn:
- Có khó gì đâu?
Nhưng Chuyên và Cần động bắt chước làm theo là chìm lỉm. Cảnh phải đỡ thì hai cô mới nằm thăng bằng được. Rồi khi chàng bỏ tay ra, chân hai cô lại từ từ chìm để lôi cái đầu nặng theo xuống.
Chàng chán nản, và thấy công việc chẳng có thú vị gì. Lúc đó gặp Thứ từ ngoài khơi bơi vào, chàng giữ lại giới thiệu rồi giao cho dạy hai cô.
Chàng thoáng nghe có người nói đến tên Lan Hương. Nhìn lên bờ chàng thấy Đoan đương đứng nói chuyện với một thiếu nữ vấn tóc trần, mặc áo màu da trời, trông có vẻ thuớt tha mềm mại. Đoan chắc là Lan Hương, chàng vội vàng từ biệt bọn Trang và hấp tấp đi lên bờ, lại gần Đoan; Đoan giới thiệu:
- Anh Cảnh, bạn thân của anh, Lan Hương em gái tôi.
Lan Hương sẽ ngả đầu đáp lại cái chào của Cảnh. Rồi như tiếp theo một câu trước:
- Vậy tắm xong anh về ngay nhé, má em mong đợi anh lắm đấy.
Nàng chào Cảnh một lần nữa. Đoạn nàng đi thẳng, Cảnh ngây người đứng nhìn theo.
Bỗng nàng quay lại nói:
- A! Em đợi anh đến xơi cơm đấy nhé!
Không đợi câu trả lời, nàng thoăn thoắt bước trên cát khô.
Trong khi bối rối, Cảnh chỉ nhận thấy Lan Hương đẹp, đẹp lắm, một thứ đẹp tình tứ, âm thầm, yêu đương và bí mật, nhất là bí mật: bí mật như ẩn ở cái miệng nhỏ có vẻ mệt nhọc và ít nói, ở cặp mắt trong sáng to và sâu ẩn hàng mi dài và cong lên. Cổ nhân ví mắt mỹ nhân với nước mùa thu. Nay mắt Lan Hương quả đã chứng thực cho sự so sánh ấy, mắt nàng chứa cả trời và nước mùa thu ở trong. Bất giác chàng cất tiếng ngâm câu Kiều.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Đoan bật cười bảo bạn:
- Anh sính thơ thế!
- Anh có thấy mắt Lan Hương cùng một sắc với nước mùa thu không?
- Không, vì tôi không có tâm hồn thi sĩ như anh.
Đoan có vẻ không bằng lòng vì cho rằng bạn đặt Lan Hương ngang hàng với bọn gái đẹp dễ dàng. Chàng giơ tay bắt tay Cảnh:
- Tôi xin về trước, thay quần áo để đến villa Lan Hương.
- Villa ấy tên là Lan Hương, ừ phải có villa Lan Hương, thế mà tôi không để ý tới.
Đoan bắt tay Cảnh một lần nữa, rồi đi thẳng lên phía đường. Cảnh cảm thấy mình ghen với bạn, tuy biết bạn và Lan Hương là anh em. Chàng hằn học đi ven làn nước, như đi tìm người để sinh sự, vượt qua một bọn năm sáu người đứng nói chuyện, chàng thoáng nghe thấy mấy câu bình phẩm về mình: "Con ông Thanh Đức đấy... Chơi bán trời không văn tự... nhà ấy thì tha hồ mà phá, chả bao giờ hết được của..."
Cách đó một quãng, một thiếu niên đi giữa hai thiếu nữ. Hắn phơi nắng da đã đen rám và những bắp thịt nổi trên khắp thân thể. Hai thiếu nữ chừng thích nghe chuyện hắn lắm và thỉnh thoảng lại phá lên cười vui vẻ. Một câu lọt vào tai Cảnh: "Giá ông bố nhường cho con hiện chưa vợ". Cảnh chợt nhớ lại việc tục huyền của cha, và tin chắc rằng họ nói cạnh mình. Chàng quay ngoắt lại, tiến đến trước mặt bọn kia, sừng sộ:
- Anh nói tôi phải không?
Thiếu niên mỉm cười lạnh lùng và khinh bỉ:
- Anh có cái gì đặc sắc khiến tôi phải nói đến không đã?
- Cái này.
Một quả đấm trúng quai hàm làm cho người vừa đáp lại lảo đảo. Nhờ có hai thiếu nữ can thiệp và phân trần, hai người đàn ông hầm hừ xa lánh nhau. Cảnh đi thẳng về nhà.