Vỡ đê

R

a khỏi huyện lỵ chừng nửa cây số, Phú đương lần mò trên đường đê, trong cái đêm trường đen mù mịt, tâm thần xúc động rất mạnh vì cái việc vượt ngục trong một trường hợp phi thường, óc còn rối loạn bởi trăm nghìn mối lo sợ vu vơ, hai đầu gối nhức nhối như sắp rời ra, thì bỗng nghe thấy ở phía sau lưng văng vẳng từ xa, có tiếng chân người rộn rịp giẫm trên mặt đất... Tiếng động mỗi lúc một gần. Phú vội vàng rẽ xuống dốc đê ngồi thụp trên bãi cỏ, tưởng chừng đó là hàng trăm tuần tráng, binh lính đi lùng bắt mình vậy.

Từ dưới dốc đê nhìn lên, thị quan cố sức chú ý, Phú thấy bên mặt đường, dưới những vệt đen cong queo là những cây xoan mảnh khảnh, hiện ra bóng dáng một tốp người lặng lẽ cúi đầu rảo cẳng bước đi. Đến khi tới chỗ Phú nấp, có một tiếng người thì thào nói:

- Thôi, dừng chân nghỉ tạm đi! Đã được khối đường đất rồi.

Lại có tiếng một người đàn bà the thé:

- Về được đến sáu cột lô mét, cách xa chỗ đê vỡ rồi!

Nhưng lại có tiếng khàn khàn của một ông cụ già:

- Nhưng mà mới khỏi huyện lỵ có một thí đường đất thì cứ phải đi nữa, kẻo không tuần tráng họ biết mình trốn phu, họ tống cả lại trình quan thì chết cả nút!

Vốn nhanh trí khôn, biết rằng vượt ngục như mình thì thà đi lẫn vào đám phu trốn đê còn hơn là đi chơ vơ nguy hiểm, Phú lại cố sức đứng lên nối đuôi vào đám đông ấy.

Đó là số đông các ông già, đàn bà và trẻ con, trong lúc cuống cuồng của quan trên, đã bị lý dịch cưỡng bách nhất loạt đi hàn khẩu, và đã thừa cơ trốn tránh, bởi lẽ ruộng vườn nhà cửa của họ đã bị ngọn nước hủy hoại, lôi kéo đi từ bao giờ mất rồi. Thêm vào cái vấn đề lương tâm phận sự là điều dân quê không có, lại còn có sự mâu thuẫn của những lệnh quan truyền xuống, buổi sáng mới thế này mà buổi chiều đã lại thế khác, cho nên họ có gan trốn tránh, yên trí rằng chẳng trốn đi cho rảnh thì cũng đến được tha về mà thôi.

Phú hỏi ông lão già:

- Thưa cụ, cụ là người vùng nào?

Không thèm nhìn sang bên cạnh, ông lão cứ vừa thất thểu đi vừa đáp:

- Tôi ở tổng Động Lung.

- Thế ra cụ với con là người cùng hàng huyện.

- Phải.

- Bẩm, vỡ đường vỡ sá như thế này, huyện nhà có thiệt hại lắm không?

Ông lão, trước một câu hỏi mà ông cho là ngẩn ngơ đáng lộn ruột, phát bẳn mà gắt:

- Nhà bác ngu lắm! Vỡ đê, ngập lụt mất cả chín tổng, thì ắt là phải thiệt hại, chớ lại còn phải hỏi gì nữa! Nhà bác mới ở trên giời rơi xuống đấy à?

- Thưa cụ, con làm ở đê đã năm hôm nay, nào con có hiểu gì đâu? Chỉ biết là vỡ đê thôi, nay gặp cụ ở làng ra, con mới phải hỏi.

- Đấy thì bác trông mà xem. Chỗ nào cũng trên thì giời dưới thì nước, cứ trắng xóa cả một lượt, thế này thì hàng vạn người đói khát hàng tháng.

Mãi đến lúc này, Phú mới kịp nhìn ra hai bên lối đi.

Quả nhiên, một bên thì là sông, một bên thì là đồng ruộng đã bị nước tràn vào, quãng đê chạy thẳng băng trông mảnh khảnh như một cái đũa nổi trên mặt nước, mà bọn người trên đê thì thật chẳng khác một đàn kiến bò trên cái đũa ấy. Nghĩ đến mẹ, chị, và cháu ở nhà, Phú lại lo lắng và hỏi:

- Thưa cụ, thế hôm mới vỡ thì nước tràn vào có mạnh lắm không? Có trôi nhà trôi cửa đi không?

- Làng nào gần đê thì trôi, làng nào xa đê thì việc gì mà trôi! Cứ hỏi lẩn thẩn!

Từ đây về sau, Phú lặng lẽ cùng đi như mọi người. Chàng biết đó là một ông lão khổ sở cũng như đa số các ông lão nhà quê khác cho nên có cái tính nết quái lạ là thản nhiên về những cái tai họa tày đình mà chỉ cấm cảu hay cáu kỉnh về những sự chẳng đáng bực tức. Phú rảo cẳng tiến lên hàng đầu.

Thấy một người trạc tuổi với mình, chàng hỏi:

- Bác làm đê đã mấy hôm nay?

- Hai ba hôm. Vỡ đường, sốt ruột quá, không trốn về không được.

Ngừng một lát, người ấy nói tiếp:

- Nhà nước định hàn khẩu ngay để rồi phá một quãng đê nào đấy cho nước trút bớt sang sông Thương. Nhưng mà liệu có cấy tái giá được nữa không? Bao giờ cạn nước? Ai có tiền mua mạ? Thôi, chẳng qua chỉ khổ thằng khố rách!

Thấy người ấy có vẻ bộc tuệch dễ dãi, Phú bèn hỏi thăm đường đất, và biết được rằng chàng phải đi chỉ độ bốn cây số nữa thì sẽ tới chỗ một con đê cũ, và sau khi lại đi hết con đê ấy, chỉ phải đi độ ba cây nữa thì đã về đến làng. Vị chi tất cả chỉ còn độ bảy cây số là cùng mà thôi.

Thốt nhiên có tiếng một đứa bé kêu với mẹ:

- Bu ơi, tôi đau chân lắm, cái chỗ giẫm phải gai hôm qua bây giờ lại nhức lắm.

Rồi một người đàn bà lại nói:

- Hãy nghỉ tạm một lát vậy, các cụ, các bà ạ.

Ấy thế là người ta cãi cọ nhau huyên thiên. Người muốn đi nữa. Kẻ kêu phải đi nữa thì nhọc mà chết mất. Nhất là bọn trẻ con. Chúng đã độ chừng mười lăm tuổi trở lên cả mà cứ nhai nhải đòi nghỉ khỏe nhất. Những đứa không có mẹ, không có chú thím cùng đi đám ấy, thì chỉ cắn răng ngậm miệng, không có ý kiến gì cả. Còn những ông lão già thì lại hăng hái cứ đi.

Phú bèn cổ động:

- Thôi cứ nghỉ chân một lát đã, các cụ ạ. Có gặp tuần tráng thì các cụ kêu phăng rằng: ấy quan cho rằng ông già, đàn bà, trẻ con ở đấy chỉ tổ quẩn chân người khác nên đã tha cho về, thế cũng xong! Đêm hôm khuya khoắt thế này, tuần tráng mọi nơi thì đã dồn cả vào chỗ hàn khẩu, còn thừa người đâu tuần phòng các điếm khác nữa mà sợ. Trên thì giời, dưới thì nước thế này, còn ai đuổi bắt mình nữa mà sợ.

Nghe lời nói có lý, cái bọn bốn năm chục người đương lôi thôi lốc thốc cắm đầu cắm cổ bước đi một cách buồn rầu như một đàn cừu ấy, bỗng bảo nhau đứng dừng cả lại. Cái đói, cái khát, cái nhọc mệt, những nỗi đau đớn về sản nghiệp bị cuốn theo làn nước, cái lo sợ về tương lai chỉ để dành cho những ngày đói khát tối tăm, đã làm cho ngần ấy người chẳng nói chẳng rằng, chẳng một lời than vãn, chỉ tụm nhau hoặc nằm hoặc ngồi hai bên vệ đê, trên cỏ ướt, một cách im lặng gan góc, tựa hồ ai cũng là một triết nhân can đảm mà chịu số phận, người này hoặc là đau đớn không nói được nữa, kẻ kia có lẽ không nói gì cả để mà đau đớn, thế thôi!

Thấy chung quanh mình có mấy người nằm thẳng cẳng ra, Phú cũng gập tay làm gối, co ro nằm nghiêng trên cỏ. Chàng phải ngạc nhiên hết sức ở chỗ nhận thấy rằng lúc đi thì không sao, mà lúc nằm nghỉ thì chưa chi cả chân tay mình mẩy lại bỗng đau mỏi như dần mà hậu môn chàng thì buốt như bị bỏng nước sôi!

Thế là cách tra tấn dã man trong lô- cốt lúc trước lại hiện ra một cách kinh hoàng như Phú đương thấy trước mắt...

Đêm ấy, hai chân bị kẹp chặt trong cùm sắt, lưng bị mấy trăm con rệp hút máu cắn nhoi nhói, mặt thì bị đàn muỗi vo vo khiêu khích, Phú cứ oằn oại, cựa cậy, xua tay đuổi muỗi, tự mình tát mình cũng đã rát cả mặt, đương bực tức đau khổ một nghìn nỗi, thì cánh cửa bỗng bị đẩy tung ra. Hai người ban sáng lại vào với một cái đèn dầu, một cái ghế mây và một cuộn thừng.

- Không, chúng tao đánh đập mày không ích gì cả. Không phải đánh được mày là chúng tao sướng! Nhưng mà mày phải nói, phải thú nhận hết mọi tội, phải tố cáo những kẻ đồng đảng, nghĩa là phải cho biết những điều mà chúng tao có quyền được biết! Nghe không?

Rồi họ lặng lẽ tháo cái cùm nặng nề dưới chân sàn lim để Phú phải đứng lên. ý nghĩ thứ nhất của chàng là sai nha đã làm trái phép, đương đêm không có mặt quan trên, lại đi lấy khẩu cung ở lô cốt một cách lẩn lút như thế.

Còn đương ngẫm nghĩ thì một cái đá rất mạnh vào bụng đã khiến Phú ngã lăn chiêng, lặng người đi, vì đầu chàng va mạnh vào thành sàn lim, Phú khặc khừ đáp:

- Tôi không có gì cung xưng nữa, các ông đã có quyền tra khảo thì cứ việc mà tra khảo.

Họ bèn bắt Phú cởi quần ra mà ngồi lên ghế mây. Họ trói giật cánh khuỷu chàng vào với thành tựa của ghế. Họ lại bắt Phú xoạc chân ra để cho họ trói hai chân Phú vào hai chân của cái ghế mây.

Sau cùng, họ để cái đèn dầu dưới cái ghế, giữa chỗ ngọn khói đen chạy thẳng lên hậu môn của Phú. Như vậy, họ đã có cách tra khảo cực kỳ hiểm độc, mà lại không để thương tích gì ở mình mẩy kẻ bị tra khảo, nghĩa là họ có đủ chứng cớ chối cãi tội ác của họ trước mặt quan trên, nếu những ngược hình trong một nơi kín đáo như thế mà lại đến tai chính phủ hay quan trên.

Khi họ mới để cây đèn dưới cái ghế, Phú đã toát mồ hôi như những khi sốt rét nằm kín mít trong chăn.

- Thế nào? Bao giờ mày mới chịu nhận cái tội làm hội kín? Bao giờ mày mới xưng những tên đồng đảng?

Phú lắc đầu.

Tên áo tây vàng cúi xuống khêu to ngọn đèn. Hơi nóng và khói đen bốc lên, chạy thẳng vào hậu môn của Phú theo cái lối "tọng vào ruột". Phú thét to một tiếng thảm đạm vô cùng thì họ lại vặn nhỏ ngọn lửa. Phú không giữ được nước mắt nữa, biết mình thế là hèn nhưng không tài nào giữ được cho khỏi hèn, rên rỉ kêu la:

- Giời ơi! Oan tôi lắm các ông ơi!

- Này gan với ông!

Nói xong vẫn ngồi xổm dưới chân Phú, tên áo ngắn lại đưa tay ra khêu to ngọn lửa. Lần này Phú không kêu được nữa, bị nó trói chặt vào ghế, mà thân thể run bắn lên đến nỗi rung cả cái ghế, rồi đầu chàng ngả về một bên như chết.

Họ lại vặn nhỏ ngọn đèn.

Đứng khoanh tay trước mặt Phú, viên lục sự già, cái bút máy gài tai, bình tĩnh nói:

- Tao chờ mày khai thì tao làm nốt biên bản.

Lúc ấy, mười phần hiểu biết, Phú chỉ còn có một. Nhưng chàng giả vờ làm người chết ngất xem bọn kia có quay trở lại với lương tâm loài người của họ không. Cho nên khi được cởi trói, bị một bàn tay phũ phàng lay vào vai, Phú vẫn nằm nhắm mắt, đành phải để cả mình cùng cái ghế ngã và đổ lăn xuống đất. Cái đau vì ngã còn hơn cái ghê gớm để lửa và khói hun nấu hậu môn. Trước cái ngã ấy, người lục sự nói:

- Thôi hoãn vậy. Cứ như thế thì đêm mai nó cứ trông thấy cái đèn cũng đủ cung xưng hết, tội gì rồi cũng phải nhận.

Rồi họ tháo lui.

Rồi cửa ngục bị khóa trái.

Rồi cửa ngục lại mở.

..............................

Sau khi ngẫm nghĩ hồi lâu, Phú tự nhủ một cách quả quyết: "Được rồi, nếu ta bị bắt lần nữa thì ta cứ khai là con gái ông huyện mở cửa ngục cho ta ra xem sao!" Cái tiếng oanh thỏ thẻ ấy chính là tiếng của người con gái đã nũng nịu nói câu: "Thì cậu để yên cho con quan sát mọi sự thì đã sao!" Lúc bị ông huyện gắt mắng ở điếm, khi Phú bị lính dẫn đến trước mặt viên tham tá lục lộ về tội đánh người Nhà nước. Phú cho thế là một cách gỡ mình chính đáng, vì nếu muốn kết tội Phú, trước hết ông huyện hãy buộc tội con gái ông. Biết đâu chẳng chỉ vì thế mà thoát tù tội.

Phú nghĩ đến đây, vui vẻ quá, quên cả đau, vươn vai đứng lên giục:

- Thôi đi chứ, các ông, các bà! Ngồi nghỉ đến bao giờ nữa?

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá