Vỡ đê
ừ lúc vỡ đê, nghĩa là từ buổi chiều hôm trước, tư thất của ông huyện chưa bao giờ tấp nập rộn ràng đến thế. Những công văn, những lệnh quan, bay đi tứ phía như mưa. Thoắt một cái, từ đê ông đã về tư thất. Lính cơ, lính lệ, nha lại, gia nhân, chạy đi tìm ông tới tấp, loạn xạ. Đã có lúc nhà riêng ông huyện cũng vang ầm những lệnh trên ban xuống, y như ở công đường.
Đã vậy, ông lại còn bận tiếp khách nữa. Người bạn cũ của ông đã về huyện, để cái xe bình bịch lù lù giữa sân. Bên ngoài cũng có mấy chiếc xe hòm của mấy ông chủ báo thân hành đi điều tra quãng đê vỡ, và được ông quan sở tại mời về nhà tiếp đãi. Suốt ngày hôm ấy, ông huyện đã phải lo việc quan công sứ cùng ông chánh lục lộ Bắc Kỳ về tận nơi. Ông đã bù đầu, trớn mắt, khổ sở, vất vả, lao tâm lao lực, cũng như những ông quan sở tại khác lúc gặp nạn vỡ đê vậy.
Bởi những lẽ ấy, bà huyện và Kim Dung cũng đã đầu tắt mặt tối như vào lúc nhà có giỗ tổ. Nào là lo cơm khách, lo nước nôi, tiếp những người có việc cần đương đi tìm ông huyện mà không được gặp, và nhớ những lời yêu cầu hay mách bảo của họ nữa. Vì không hiểu rõ, bà huyện đã oán chồng về chỗ đi lưu ngay mấy ông chủ báo là khách lạ, giữa lúc việc quan đương bận rộn, nhà cửa đương tíu tít... Ba ông chủ báo, ông nào cũng có phóng viên, thợ ảnh, tài xế kèm theo! Vị chi hơn chục người, mà lại không ghép cùng ngồi một bàn được, thành thử cơm nước phải tách riêng ra một mâm cho các ông tài xế. Mà các ông cũng chạy đi chạy về tới tấp, người này đi tìm người kia, ông kia đợi ông khác nữa, việc tiếp đãi cho khỏi sơ suất thật là khó nhọc biết bao, nguy hiểm biết bao! Theo cái trí xét đoán của bà huyện thì "nhà báo" là một bọn người láu lỉnh kiểu cách đáng sợ, chỉ làm cái nghề đi nói xấu thiên hạ, và "bán nói mà ăn" nên bà lo lắng hết sức.
Kim Dung cũng nghĩ như thế.
Phải đem tài nữ công ra dùng một cách quá sức, nàng đã - như lời bà mẹ mắng - mặt sưng mày sỉa mất cả một ngày, Dung đã không cãi nửa lời, vì tuy mắng con thì mắng, chứ chính bà mẹ cũng thế. Vì lẽ suốt ngày nàng vẫn băn khoăn để tâm đến người bị bắt, là Phú, nên buổi chiều, khi mọi việc đã vãn, Dung cáo là nhức đầu để về nằm phòng riêng. Nàng muốn có một cách đặc tiểu thuyết để cứu vớt người ấy mà chưa nghĩ ra được thì đã chợp mắt ngủ lúc nào không biết.
Đến khi chợt bàng hoàng tỉnh giấc, Dung thấy một thứ mùi thơm khó hiểu man mác cả gian phòng mà mở mắt nhìn, thì, than ôi! Cái phòng của nàng đã không còn là phòng riêng! Người ta đã để một chiếc bình phong che cái giường của nàng để mà bày ở cái sập đối diện một bàn đèn thuốc phiện. Một người đương nằm ngoay ngoáy tiêm. Dung nghển cổ, vươn tay hé diềm lụa ở bình phong nhìn sang thì đó là bác Khoát.
Ở phòng bên cạnh, lúc ấy có tiếng nhiều người chuyện trò rất vui vẻ. Dung đoán chừng đó là những ông nhà báo chưa đi đi cho. Nàng tự hỏi một cách lo sợ: "Không biết họ đóng đô ở nhà này bao nhiêu lâu nữa? Nếu bố mình cứ ân cần mời mọc mãi thì đến chết mất thôi!".
Dung đương nghĩ thế thì cánh cửa từ từ mở. Ông huyện rón rén vào phòng một cách lén lút, lại đóng cửa lại một cách êm ả như phải làm một sự bí mật.
- Mau lên! Nguội cả rồi đây.
- Mày hút liều nào chưa, Khoát?
- Đã.
- Chết! Không có thuốc phiện thì đêm nay tao gục mất!
- Họ sắp ra đi chưa?
- Ýhẳn còn chờ tao điều đình cho rạch ròi thì họ mới ra đi.
- Thôi hút đi đã rồi hãy nói, nguội cả rồi!
- Con bé cháu nó ngủ hay thức thế mày?
- Vẫn ngủ.
Thấy bố hỏi thế, Dung vội lặng lẽ nằm xuống, để cái quạt lên mặt. Nàng càng lắng tai nghe thì lại càng hiểu những cái ích lợi to tát của báo chí. Bên kia cái bình phong, hai người vẫn thì thào hỏi, đáp:
- Thế mày đã nói chưa?
- Chưa tiện dịp. Có một tờ đòi đúng một cái đỉnh thì mới chịu đăng cái ảnh của tao lên trang nhất.
- Ảnh nào? Cái ảnh chụp mày lúc giẫm đất, mặc áo trắng dài ấy à.
- Phải, cái lúc đương nghỉ trưa ở điếm mà đê núng ấy. Còn hai tờ kia không có ảnh thì chỉ đòi năm chục mỗi tờ một bài tường thuật. Tổng chi họ đòi tất cả hai trăm, nghĩa là ngót hai chục cái abonnemènts hàng năm.
- Thôi thì cố lo đi cho được công việc vậy.
- Tao cũng nghĩ thế. Nhưng chưa có tiền. Để lát nữa tao ra điều đình bằng cách ký vào giấy mua năm rồi trả sau vậy. Có thế họ mới chịu làm to chuyện phu hộ đê định đình công.
- Thế quan trên về xem có nói gì không?
- Có! Thằng xồm cứ chửi mãi tao là sao nhãng thì có ức không hử mày? Mà anh chánh thì nhất định bắt hàn khẩu ngay ngày mai, trần tình thế nào cũng không nghe. Kiếp làm quan khổ thật!
- Ừ, thế mày có nhớ cho tao cái khoản bốn nghìn cái bao gai với hai nghìn tấn gạo sắp mốc đấy không?
- Gớm, thôi mày đừng làm khổ tao nữa! Tao làm gì được cơ chứ? Giữa lúc ông tai nạn thế này mà bạn hữu cứ như mày thì đểu thật!
- Rõ quân vô ơn chưa! Ông thử hỏi không có ông ở đây hôm nay, ai tiếp khách cho mày nào?
Đến đây tiếng vo vo của dọc tẩu tạm làm gián đoạn sự xích mích của hai người bạn. Rồi lại thấy ông huyện nói:
- Bao gai thì mày về sở Công chính Hà Nội mà hỏi! Gạo thì mày lên tòa sứ mà bỏ thầu! Hiện giờ gạo hẩm chỉ có bốn đồng một tạ, gạo của mày đã sắp mốc thì cứ năm hào hay một đồng kém dưới thời giá thì còn ai tranh được nữa mà sợ!
- Ừ, thôi được rồi, hút đi!
Sau đó, ông huyện lại ra phòng khách. Độ nửa giờ về sau, Dung thấy những lời chào hỏi tiễn biệt rất ân cần vang lên. Rồi tiếng động cơ của chiếc máy xe hơi văng vẳng lần lượt nổ ở ngoài dinh thất. Nàng nghĩ đến những sự bất chính của các nhà báo mà ông huyện đã cắt nghĩa mập mờ lúc này thì đâm ra nghi ngờ những cái tin tức và dư luận của họ trên mặt giấy, cho nên khi thấy họ ra đi, Dung lầm bầm tự nhủ một cách sung sướng: "Thoát nợ!". Dung toan ngồi lên thì ông huyện đã lại đẩy cửa bước vào.
Sau khi kéo đến điếu thứ bốn, ông huyện ngồi lên bảo bạn:
- Thôi! Tao ra đê đây! Mày có ra xem thì ra, hoặc có muốn bàn soạn gì không, chứ đêm nay chắc tao không về ngủ được.
- Ngoài ấy chắc đông người lắm đấy nhỉ?
- Đã cố nhiên! Dân phu đương đan rọ nhồi đất vào bao gai để mai thì hàn khẩu sớm. Lính lệ có năm thằng tao sai ra đấy cả, lính cơ có mười thằng tao cũng sai ra đấy mất tám! Mày nên ra, tao vẫn có chuyện muốn bàn.
- Ừthì đi, chứ hút vào rồi thì còn ngủ sao được.
Hai người đứng lên, rót nước uống, hút thuốc lào một cách hăm hở như sẽ không bao giờ được hút nữa, rồi đẩy cửa phòng bước ra.
Chờ độ năm phút, Dung cũng ngồi dậy. Nàng sang phòng khách. Một tên người nhà ủ rũ ngồi ngủ gật trên một cái ghế tràng kỷ, dưới một ngọn đèn măng sông đã tối một nửa búp đa, vì cạn dầu. Qua phòng khách, Dung đẩy cửa vào buồng mẹ thì thấy mẹ đã ngủ kỹ. Nàng khêu nhỏ ngọn đèn dầu ở bàn rồi rón rén quay ra.
Dung tìm bao diêm ở ô kéo, đốt một cây đèn hoa kỳ lên, tắt phụt ngọn lửa ở đèn dầu xăng. Nhìn ra sân, thấy trời tối om, Dung bèn bỏ bao diêm vào túi áo. Nàng đứng tựa cột dưới mái hiên ít lâu, lại quay vào phòng riêng thay đôi guốc lẹp kẹp để đi vào dép dừa, Dung tự bảo: "Đi mất tám anh lính cơ thì có hai. Một anh đã phải gác cửa dinh, ắt chỉ còn có một gác lô- cốt. Việc trinh thám của ta như vậy là có giời giúp, ắt không nguy hiểm gì cả". Nghĩ thế rồi nàng bạo dạn xông pha cái màn đen của đêm tối, trông thẳng lô- cốt mà tiến. Giẫm trên cỏ ẩm ướt hơi sương, dép của nàng êm ả như đi trên nhung.
Bỗng từ xa đưa lại một tiếng "keng" khá to. Đó là người lính cơ gõ vào một miếng sắt treo dưới hiên của cái nhà chứa súng đạn ấy, tỏ rằng mình vẫn đủ phận sự thức đêm để canh gác 10 khẩu súng và 1200 viên đạn của bạn đồng ngũ thuộc quyền quan huyện.
Sợ bị trông thấy, Dung vội nấp sau một cây cọ, trước khi tiến, hãy nghe ngóng xem sao đã. Trống ngực nàng bắt đầu đập thình thình. Không thấy gì nữa, Dung lại có can đảm, bỏ cây cọ mà lần đến một cây bàng cổ thụ cách đấy hai mươi thước.
Lúc ấy, người lính cơ nằm trên ghế vải dưới hiên lô- cốt. Hắn đương kéo một hơi thuốc ở cái điếu cầy.
Một ngọn đèn dầu treo ở một cột hàng hiên chiếu ra chung quanh một vòng ánh sáng yếu ớt, nhưng về phía Dung, may sao lại bị dãy cột che lấp.
Trông thấy ánh sáng, Dung vội nghĩ đến quần áo nàng mặc. May sao tình cờ hôm ấy nàng lại mặc quần thâm và áo dài màu hạt dẻ. Nàng đương mừng rỡ, lại cho sự tình cờ ấy là cũng "có người giúp" thì chợt một cánh cửa ở lô- cốt bị đẩy, một ít ánh sáng hiện ra trong khung vuông. Dung vội vàng náu mình sau gốc bàng.
Có tiếng nói:
- Nó ngất đi hay nó chết đấy?
- Việc gì mà nó chết! Kệ mẹ nó nằm đấy!
- Có cùm chân nó không?
- Thôi, đêm nay tha cho nó.
- Quân này, ôn con mà đã gan hơn tướng cướp!
- Gan bằng cóc tía nữa thì cũng tối mai là phải xong cái khẩu cung.
Ló đầu nhìn, Dung thấy đó là hai người. Một người mặc áo dài, tiếng nói đích là tiếng ông lục sự. Còn người kia mặc áo tây vàng, thì dễ thường là anh Cạp, một tên mật thám của ông huyện, sự khủng bố của bọn phạm nhân. Tuy hắn là tay sai của bố mình, Dung cũng ghét hắn hết sức, vì hắn nổi tiếng là tàn ác. Dung rùng mình nghĩ đến người thiếu niên nàng định cứu vớt, hẳn đã bị hành hạ bởi con người không có quả tim kia.
Đến đấy, cả hai cùng bước ra khỏi phòng giam, ông lục sự thì cắp cặp giấy má, anh Cạp thì tay xách một chiếc ghế mây, tay kia bưng một cái đèn con. Sau khi ông lục sự lách cách khóa cửa, cả hai đến chỗ anh lính cơ nằm. - Này đây chìa khóa! Canh gác mà ngủ gật thế! Ông lục sự nói xong bèn đập cái thìa khóa đánh chát một cái xuống thành ghế vải. Anh lính cơ hoảng hốt đứng phắt lên, mồm kêu: "Vâng, cụ để đấy con xin!" Rồi anh ta vớ ngay dùi, lại đập vào miếng sắt treo ngang đầu một tiếng keng, xong anh ta lại hút một mồi thuốc lào. Sau cùng thì chờ khi ông lục sự và người giúp việc ông đi khuất sau một cái hàng rào, anh ta lại nằm vật xuống ghế vải, quên khuấy cả chiếc thìa khóa bỏ ở thành ghế.
Đứng nấp sau gốc bàng, căn cứ vào những điều tai nghe mắt thấy, Dung nhận ra rằng dễ thường cái việc trinh thám suông của nàng có thể là một việc giúp cho tội phạm vượt ngục! Ừ, nếu có thể thì sao lại chẳng giúp cho người ta vượt ngục?
Lúc ấy, tâm hồn Dung say sưa trong cái thi vị của sự dự định, nó có vẻ tiểu thuyết lắm, Dung cứu vớt được một người! Người ấy sẽ suốt đời nhớ ơn Dung, phải lòng Dung, nhưng mà Dung thề trước là sẽ không yêu đâu. Do một sự đùa nghịch của nàng, cả một gia đình sẽ thấy hạnh phúc! Thật là một cử chỉ nên thơ! Thốt nhiên nàng nhớ lại rành mạch một truyện đoản thiên của Guy de Maupasạant trong đó một vị công chúa Nga la tư, trong một chiếc tàu đắm, đã cứu vớt được người đàn ông, để cho về sau người này cứ theo đuổi ân nhân của mình bằng một mối tình đau đớn, kín đáo và ôm hận suốt đời, khi ân nhân chết. Sao Dung lại không như vị công chúa Nga?
Sao người thiếu niên này lại không có thể nhớ ơn được như người đàn ông tả trong truyện?
Một sức mạnh huyền bí của tiểu thuyết làm cho Dung bạo dạn rón rén đến gần cái ghế của người lính cơ. Người ấy đã lại ngủ, Dung khẽ rón lấy cái thìa khóa. Nàng lần đến cửa phòng giam, nó cách xa chỗ người lính ngủ đến mươi thước. Dung mở khóa, khẽ đẩy cửa. Nàng đánh diêm...
Ngồi xệp dưới đất, tựa lưng vào tường, Phú đương thở hổn hển bỗng phải trố mắt kinh ngạc.
Cái diêm tắt. Dung đánh cái diêm thứ hai. Như một cái máy, Phú đứng lên. Dung trỏ tay ra cửa. Phú bước ra ngoài bậu cửa. Dung ra theo, rồi cánh cửa lại khóa trái lại.
- Cứ đi theo tôi.
Rồi Dung dẫn Phú đi loanh quanh trong vườn. Đến một cái cổng nhỏ, Dung mở cổng. Rồi khẽ nói:
- Vỡ đê rồi! Mau về làng mà cứu lấy gia đình. Đi đi!
Phú đứng tần ngần hồi lâu, tưởng mình đang trong mộng. Đoạn run run kính cẩn hỏi:
- Thưa cô, cô là ai?
Dung khẽ cười mà rằng:
- Một nàng tiên xuống cứu người lâm nạn.
- Thưa cô...
- Thôi, không được hỏi gì nữa! Trốn ngay đi cho mau! Nội đêm nay không khỏi vùng này, ắt chết! Đi!
Phú hấp tấp nói rất cảm động:
- Tôi xin nhớ ơn đến chết.
Rồi đi, đi... không trông thấy người ấy nữa. Dung đến một bờ giếng, vứt cái chìa khóa xuống giếng. Sau cùng, nàng về phòng riêng với cái sung sướng đã làm được một việc ghê gớm, cái sung sướng ngây thơ của những thiếu nữ nông nổi trong một lúc cao hứng muốn chơi đùa.