Phan Đình Phùng
Tiếc giùm ông Hoàng Cao khải phí mất bao nhiêu tâm huyết để viết bức thư không phải không tài hoa thống thiết, cốt để cảm động khuyên dỗ họ Phan, nhưng rốt cuộc chỉ là một tờ giấy bỏ, Phan không chịu ra hàng.
Chủ não trong bức thư của ông, trương bản trong ý tứ của ông, là cứu lấy sinh dân, quê quán, nhưng người thiên cổ đọc bức thư ấy, ai cũng biết đã chắc gì tác giả thiệt vì sinh dân, quê quán, hay là chỉ vì hai điều lợi. Trước hết, cụ Phan là người làng, mà lúc bấy giờ ông có quyền thế to, vậy ông khuyên cụ ra hàng, như là làm ơn cho cụ, để lấy cái tiếng cứu vớt được một người làng; sau nữa ông đã đánh đông dẹp bắc, được công lao với người Pháp nhiều, vậy có là nào một người làng ông mà ông không chiêu dụ được, cho nên ông muốn khuyên cụ Phan ra hàng, để bày tỏ thêm chỗ tài năng oai quyền của mình, còn sự công danh thì khỏi nói.
Ôi! Súng bắn chĩa mãi vào, cụ Phan đã chẳng sợ; đào mồ mả lên để doạ, cụ cũng chẳng nao; huống chi một mảnh giấy, một lời văn của ông Hoàng Cao Khải làm sao chuyển động cái can tràng như sắt đó cho nổi.
Song, lúc này không chịu bãi binh đầu hàng mặc lòng, tình thế bắt buộc cụ phải lui, không ở núi Vụ Quang được nữa.
Phải lui là bởi có hai cớ. Một là khi đầu cụ mới khởi nghĩa, thì chính là lúc nghĩa sĩ bốn phương đều nổi lên. Ở Quảng Nam thì có ông Trần Văn Dự lập ra Nghĩa Hội, rồi mấy tỉnh Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận kế theo; ở Quảng Trị thì có các ông Trương Đình Hội, ông Nguyễn Tự Như; ở Quảng Bình thì đảng ông Nguyễn Phạm Tuân, ông Lê Trực; ở Thanh Hoá thì có bọn ông Hà Văn Mao; ở Bắc thì có bọn ông Ta Hiện, ông Nguyễn Thiện Thuật, thành ra Pháp phải chia binh đi ông phó và đánh dẹp nhiều nơi, không thể chú toàn lực vào một nơi nào được. Đến sau mấy ông trên này hoặc chết hoặc trốn, hoặc hàng, hoặc lần lượt tan nát hết, chỉ duy còn lại một mình cụ Phan, là vẫn còn đứng nguyên, vẫn phản đối với cuộc Bảo hộ, bấy giờ Pháp mới đem toàn lực mà nhắm vào mình cụ. Binh lính Pháp lần hồi vây bọc cả núi Vụ Quang, khiến cho cụ không lui không được.
Hai là trong các tướng, chưa có ông nào có tài xuất kỳ chế thắng, có thao lược đủ chống giữ với quân lính Pháp để cho cụ ỷ trọng như Cao Thắng, cho nên sau khi Cao Thắng mất, cụ lại muốn giữ thế thủ, để dưỡng tinh súc nhuệ ít lâu rồi ra đối chiến mới được, chứ không muốn bạo động hấp tấp quá, sợ tổn hại đến thanh thế và nguyên khí của nghĩa binh, và lại làm khổ sinh dân một cách vô ích. Tóm lại, cụ muốn kéo dài cuộc kháng chiến ra cho bền, cho lâu. Bởi vậy phải tạm lui để giữ thế thủ trước, sẽ liệu thế đánh sau.
Có hai cớ ấy, khiến cho cụ phải lui quân sang đóng đồn ở núi Đại Hàm.
Núi Đại Hàm, cũng thuộc về hạt Hương Khê, là một chỗ có sơn thế hiểm trở thế nào, đoạn trên kia đã có chỗ nói rồi. Giờ, cụ lui quân về đóng ở đó. Từ lúc về đóng tại đồn mới này, trong đại trại chỉ để có 400 lính và 200 khẩu súng kiểu Pháp, mỗi tên quân nào cũng được giữ luôn trong mình súng đạn và 100 đồng bạc, để phòng khi hoặc đánh, hoặc lui thình lình. Còn bao nhiêu quân lính khí giới, đều phân phát cho các quân thứ hết. Hồi đó là cuối năm Giáp Ngọ (1894).
Một thầy đồ gàn tự xưng là vua
Hồi bấy giờ trong núi Đại Hàm, có một nhân vật rất là kỳ quái, tuy không có quan hệ vào trong chính truyện này cho lắm, song tiếc vì là một người có gan, có tài, học rất hay chữ, nên chi luôn dịp tôi muốn ghi chép ra đây.
Nhân vật kỳ quái ấy là Bạch Xỉ.
Bạch Xỉ, tên thiệt là Đoàn Đức Mậu, tương truyền là người tỉnh Quảng Bình, qua ở Hà Tĩnh từ bao giờ không biết. Ông ta tự hiệu là Bạch Xỉ, cũng có ngụ ý. Có người nói hồi đó cha mẹ sinh ra ở chùa Bạch Xỉ, cho nên lấy tên chùa mà đặt tên con. Nhưng có người nói chủ ý Đoàn Đức Mậu muốn lấy câu sấm của ông Trạng Trình: "Bạch Xỉ sinh, thiên hạ bình" (bao giờ răng trắng mới nên đời) mà tự hiệu mình, là có ý tự cao đó.
Nguyên trước, Bạch Xỉ cũng là người trong nghĩa đảng văn thân, hồi năm Ất Dậu (1885) cũng khởi binh cần vương. Tiểu sử ông có nhiều truyện vui lắm, vì ông vốn là người học giỏi lại có tà thuật, cho nên quân lính của ông chỉ lấy quạt và gậy làm khí giới nói rằng lấy quạt để quạt cho quân địch mê man đi đã, rồi lấy gậy mà đập chết. Thế mà người ta quy phục cũng đông, đến đỗi hạng người bấy giờ như ông Phan Trọng Mưu, ông Phan Huy Nhuận mà cũng tin phục.
Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, ông cho là vận số đến lúc xoay đổi, mệnh trời sẽ phú thác vào tay ông từ đây nên ông tự xưng đại là hoàng đế, kỷ nguyên là Văn Lượng. Phàm là giấy tờ trát sức chi gửi cho dân quanh ở miền Đại Hàm đều lấy niên hiệu Văn Lượng; nhưng viết thư riêng cho ai, thì chỉ ký tên Nhiễu Long tiều tử.
Bạch Xỉ đi đâu cũng đem 28 người thủ hạ đi theo, cho là Nhị thập bát tú theo hộ vệ Tử vi tinh. Đến năm Giáp Ngọ (1894), ông có lập ra một hội kỳ quái tên là Nhân thập hội, chiết lấy trong chữ "Ngọ", cho rằng đến năm đó là tới vận số thiên tử của mình rồi. Một hôm, ông đem 28 tên quân cầm gậy và quạt xuống núi, toan đi đánh đồn Phố. Một lũ 29 người cứ cầm quạt phe phẩy như thế, mà lính trong đồn không dám ló ra, cũng không bắn; thế rồi cả bọn kéo về sơn trại bình an. Nhiều người thấy chuyện trước mắt như thế tin chắc Bạch Xỉ có tà thuật giỏi thiệt, không vậy sao vỏn vẹn 29 thầy trò mà dám kéo xuống lăm le xâm phạm một đồn lính Pháp.
Bạch Xỉ có tài xuất khẩu thành văn. Tương truyền có hôm đi bói thầy Dư, là một thầy ở làng Dương Phổ (cùng hạt Hương Khê) có tiếng là bói giỏi lắm, nói trăm điều không sai một điều nào. Thầy Dư nói rằng: ngài năm nay 30 tuổi nên lấy vợ mới tốt, Bạch Xỉ ứng khẩu đọc thành bài thơ 4 câu như vầy:
Nằm chẳng ngủ, ăn chẳng ngon,
Không không đêm ngày dạ sắt son.
Đã nghĩ một mình nên lấy vợ,
Những thương muôn họ hết là con.
Đại khái Bạch Xỉ có tài lanh như thế, mà câu nào cũng khéo gò cho có khẩu khí hoàng đế ít nhiều, thành ra nhiều người càng tin, càng phục. Thầy trò Bạch Xỉ, nhất là riêng một mình Bạch Xỉ, chỉ ở quanh quẩn trong mấy khóm núi Vụ Quang và Đại Hàm với cụ Phan, nhưng không ai có thể biết đích là ông ta đóng ở chỗ nào. Người ta nói ông có thuật tàng hình. Mãi đến năm Bính Thân (1896), một bữa ông xuống núi, vô nhà dân làng, khi không nổi cơn sốt rét li bì, có kẻ biết là Bạch Xỉ, liền đi báo quan lính sở tại về nắm cổ được Văn Lượng hoàng đế, giải về giam trong đề lao tỉnh Nghệ. Được ít lâu, “Hoàng đế" thăng hà trong ngục. Thế là rồi đời một người điên cuồng.
Sinh bình Bạch Xỉ đối với cụ Phan tôn phục có tôn phục, nhưng chỉ coi là bậc em mình, chứ theo cụ thì không muốn theo. Nói cho rõ hơn: dầu ai khuyên nhủ nên đồng tâm hiệp lực với cụ Phan mà làm việc lớn, Bạch Xỉ cũng không nghe.
Người ta còn nhớ ngày tháng chạp năm Quý Tị (1892) Bạch Xỉ có sai người đem tặng cụ Phan hai cái ngáng bằng ngà, để làm ngáng võng. Luôn dịp có viết mấy câu như sau này:
Của gọi là,
Đôi ngáng ngà.
Năm hết tết đến gửi làm quý.
Mừng em sức khỏe,
Lo việc nước nhà.
Ngoài ra còn một bài thơ chữ như vầy đưa tặng cụ:
Bất thị hoang giao độn đắc phi.
Ân cần cố quốc động thu tư.
Tế dân cơ khát tri kim dị,
Tu kỷ tha ma thức tạc phi.
Hạ đạo phục hưng thần Mỹ tướng,
Hàn cừu vị báo Tử Phòng sư,
Đối thiên tâm sự bằng tương chiếu,
Bạch bạch minh minh giữ cổ kỳ.
Dịch nôm:
Dám đâu lẩn lút chốn hoàng thôn,
Lo nước năm canh dạ héo hon.
Vất vả dân này sao cứu vớt,
Ngẫm suy mình trước khéo bôn chôn.
Mỹ phò Hạ chúa nên cơ nghiệp,
Trương giúp Cao hoàng mở nước non.
Tâm sự hai ta trời cũng thấu,
Ngàn xưa chiếu rọi tấm lòng son.
Còn bài thơ dưới đây nữa cũng hay, người ta truyền tụng là của Bạch Xỉ gửi tặng cụ Phan hồi cụ mới khởi nghĩa
Hứa quốc đan tâm bất kế niên,
Ngưỡng kỳ thấu đáo cửu trung thiên.
Văn sơn chính khí thiên thu tại,
Vũ mục tinh trung vạn cổ truyền.
Lân bút tôn Chu hoài Tứ thuỷ,
Long đao sát tặc thệ đào viên.
Tướng quân nghĩa liệt văn hoàn vũ,
Nguyện hướng viên môn tác chấp chiên.
Dịch nôm:
Bao lâu việc nước nặng lo lường
Nhờ lượng tâu lên đấng thánh vương.
Chánh khí Văn sơn bia vẫn tạc
Tinh trung Võ mục sử treo gương.
Há quên bút Không tôn vương thất,
Thề múa đao Quan giữa chiến trường.
Nghĩa liệt Tướng quân van bốn cõi,
Xin theo bên ngựa đỡ giây cương.
Xem như thế thì Bạch Xỉ là người học giỏi thiệt, chỉ tiết không theo đường chính, lại đi lấy tà thuật làm hoặc lòng người mà tự kiêu vô dụng. Toan chống cự với quân lính Pháp mà dùng khí giới là quạt thần gậy phép, bộ muốn pha trò hay sao không biết. Vì thế cụ Phan ghét lắm. Đáng lẽ cụ cũng không chấp trách làm gì, song chỉ lo ngại tà thuyết của y làm loạn nghĩa binh và mê hoặc nhân tâm đi, đến đỗi trong hàng tướng sĩ của cụ xem ra có ít nhiều người cũng hâm mộ Bạch Xỉ, nên cụ muốn bắt Bạch Xỉ mà giết.
Cụ sai quân dò thám được đồn của y cũng ở trong núi Đại Hàm để vô bắt sống. Nhưng lạ thay, lúc nghĩa quân đến nơi thì chỉ thấy năm bảy cái nhà mới cất mà bỏ không, chứ không có người. Té ra Bạch Xỉ hay trước mà trốn rồi. Giữa nhà lớn thấy treo một tấm bảng sơn son chữ vàng:
Xẻ giữa rừng xanh nổi nóc nhà,
Mà cho bốn biển ngưỡng trông ta,
Khoan thai rủ áo ngồi vui vẻ,
Nào khác đền Nghiêu những mấy toà.
Hai bên lại có treo đôi câu đối:
Vận hội nửa ngàn may gặp đó,
Công danh bốn biển kém ai đâu.
Rõ là Bạch Xỉ dùng toàn khẩu khí vua như kiểu Thánh Tông nhà Lê. Người ta nói Bạch Xỉ giỏi cả nghề độn lục nhâm, cho nên đã biết trước rằng cụ Phan muốn hại mình mà trốn đi. Sau có mấy lần cụ Phan định bắt nữa, nhưng y cũng trốn được cả. Cụ bận lo việc lớn nên rồi bỏ qua. Tới sau hết thời Bạch Xỉ bị dân làng báo lính về bắt rồi bị giam chết ở Nghệ như trên kia đã nói.
Cụ Phan vẫn đóng ở núi Đại Hàm tiếp tục cách mệnh kháng chiến. Bấy giờ Chính phủ Bảo hộ thấy quan binh và lính tập đánh dẹp mãi không được, tổn phí mất nhiều, bèn thương thuyết với Triều đình Huế (lúc ấy là đời vua Thành Thái năm thứ 7) sai Tổng đốc Bình định là ông Nguyễn Thân làm Khâm sai Tiết chế quân vụ, đem quân ra tiễu. Thế là sau ông Hoàng Cao Khải là người cùng làng, hạ bút viết thư dỗ cụ ra hàng không được, bây giờ đến ông Nguyễn Thân là người cùng nước, đem quân ra đánh cụ vậy.
Chắc hẳn độc giả đều muốn biết ông Nguyễn Thân là người thế nào?
Nguyễn Thân cũng như Hoàng Cao Khải, đều là hai vị quan lớn do thời thế dựng nên.
Ông nguyên là chân ấm sinh, người tỉnh Quảng Ngãi, con ông Nguyễn Tấn, ngày trước có công dẹp giặc Mọi ở tỉnh ấy. Giặc mọi đã tôn ông Nguyễn Tấn là thần tướng, vì ông dùng kế mà chúng nó phải phục. Ông đem bỏ đường phèn lẫn vào đá cuội ở dưới giọt mái tranh, rồi sai bắt mấy tên Mọi vào, giả đò chiêu dụ; trong khi đó, ông sai lính ra lấy mấy cụt đá cuội cho ông ăn. Lính chọn lấy những cục nào là cục đường phèn đem lên, nhưng mấy quân Mọi ngu, tưởng là quan lớn ngài ăn đá cuội thật, đều cho ngài là thiên thần, rồi về bảo nhau hàng phục cả. Đời ông còn, quân Mọi không dám làm phản Triều đình nữa. Nhưng sau ông chết, thì chúng nó lại làm phản. Triều đình sai quân đi đánh dẹp mãi không yên. Sau phải sai Nguyễn Thân đi. Giặc Mọi thấy là con của ông thần tướng ngày trước, phải tan chạy cả. Nguyễn Thân có tiếng từ đó.
Ông sinh vào giữa hồi nhà nước lắm nạn, nên khi đầu, đối với thời thế, ông cũng xem bằng con mắt bi quan và có lòng phẫn khích lắm. Song vì tấm lòng lập công danh nặng hơn lòng yêu nước, cho nên sau ông đổi ý kiến ngay, đem thời thế lợi dụng vào cho mình. Cũng không nhớ là vào năm nào, mà cũng không biết hồi đó ông làm chức gì, chỉ biết là giữa hồi nước ta và nước Pháp đang giao binh, Triều đình ta thua, phải ký hoà ước với nước Pháp, thì có một bọn lính ở tỉnh Bình Định nổi lên phản đối, nói Triều đình hoà với người Pháp mặc lòng, chứ họ không chịu; họ làm như tỉnh Bình Định tuyên bố độc lập vậy. Vốn trước, ông Nguyễn Thân cũng đã có ý đó, nghĩa là ông muốn chiếm lấy tỉnh Bình Định để phản đối với người Pháp, nhưng chỉ vì chậm một bước chân mà người ta làm mất rồi, ông nghĩ nếu bây giờ mình cũng làm thì chẳng qua sau bước người ta. Ông không thích. Ông muốn làm một việc gì mà người ta chưa làm kia, bèn xoay về phía bên người Pháp, xin đem binh đi đánh dẹp bọn kia. Ông dẹp được, nhân thế người Pháp rất ỷ trọng ông, cho nên chẳng bao lâu đã làm Tổng đốc Bình Định, chính là hồi ông phụng mệnh đem quân ra tiễu cụ Phan.
Về sau ông làm đến phụ chánh, hiển hách ở trong triều, được phong Quận công trước khi về hưu trí.
Ông là người hung ác và hiểm độc lắm, hay giết người. Trong lúc ông còn dùng binh, giết người ta không biết bao nhiêu mà kể. Sau về hưu trí ở làng Thu Xà bị bệnh điên cuồng mà chết. Người ta nói là bị những oan quỷ báo oán, cho nên khi đang bị bệnh, hễ chớp mắt đi lúc nào, là thấy một lũ oan quỷ đầu tóc rũ rợi, máu me đầy người, hiện lên để đòi mạng. Mỗi lúc thấy như thế, thì ông hét lên, hình như lấy làm sợ hãi hối hận lắm. Toà nhà lộng lẫy của ông lập ngay trên một trái núi con ở Thu Xà đàng sau là chợ và bên sông, đàng trước trông ra biển, có cái cảnh tượng bày tỏ ra là một người hùng vũ. Người ta đồn cái nhà ấy nhiều ma, cho nên khi ông chết đi rồi thì nhà bỏ hoang không có ai ở; bên cạnh có một cảnh chùa của ông lập ra, hình như có ý muốn siêu sinh tịnh độ cho những người đã bị ông giết oan thì phải. Người viết cuốn sách này đã có dịp đến Thu Xà xem dinh thự của ông ngày trước, nhưng tuyệt nhiên không có một cái cảm giác gì cả.
Vậy ngày tháng năm, năm ất mùi (1895), ông Nguyễn Thân đem 3000 lính, có ông Tấn sĩ Tạ Tương và mấy ông cử Nguyễn Đĩnh, Nguyễn Gia Thoại, Lê Tựu Khiết, sung làm Tán tướng quân vụ từ kinh thành kéo ra.
Quân thú ở Quảng Bình được tin ấy, phi báo về núi Đại Hàm, các tướng đều xin đón đường đánh úp, nhưng cụ Phan không cho, và truyền phải án binh để từ đồ một kế hoạch đối phó khác, vì cụ sợ quyết liệt quá thì khổ lây đến dân, mà giữa lúc đó, cụ lại đang yếu.
Quân ông Nguyễn Thân kéo thẳng đến hạt Việt Yên (thuộc huyện La Sơn) hiệp với quân Pháp đóng ở đồn Linh Cảm. Ông cũng nghe tiếng thầy Dư ở làng Dương Phổ bói giỏi, liền cho đòi đến dinh để bói xem việc hành quân có lợi không. Thầy Dư gieo quẻ rồi nói rằng: "Đại quân bất tất phải đánh, cứ đến tháng 11 là kéo về". Ông Nguyễn Thân tin theo. Vả chăng ông cũng dư biết rằng: tuy thế lực cụ Phan lúc này suy kém mặc lòng, nhưng đường trường mà đánh nhau, thì vị tất đã có lợi. Vì một đàng ở trong rừng núi thăm thẳm, một đàng ở ngoài đồng ruộng, thì đánh nhau khó bề chẳng hại. Vì thế, ông không muốn dùng cách đánh mà chỉ đóng binh ở đồn Linh Cảm, tính cách đánh không dùng đến võ lực. Ông biết rằng quân của cụ Phan phải cần có lương thực, mà lương thực ấy là ở dân gian cấp cho, nay nếu làm sao đoạn tuyệt con đường ấy của nghĩa binh thì tự nhiên không đánh cũng tan, không tan cũng chết. Ông bèn chia binh ra đóng rải rác ở hai hạt Nghệ Tĩnh, lại xin thêm 1000 lính nữa, phân đồn đóng ở khắc các chỗ nào quan yếu, hễ ai giúp ngầm nghĩa quân cụ Phan, hay ai bị tình nghi như thế, là bắt chém ngay. Lớp ấy, nhiều người bị chết oan, khiến cho dân gian đều khiếp sợ. Nhân đó mà việc lương thực là huyết mạch của nghĩa quân, từ đây có bề nguy hiểm.
Ôi! Ta đã biết rằng cụ Phan làm việc cách mệnh là nhờ có lòng người giúp đỡ: giúp cho lương thực, giúp cho khí giới, giúp cho con em để sai khiến, giúp cho sự mật báo các tin tức... Lòng người chính là một khí giới rất mạnh của cụ để chống với Pháp, cho nên cụ vẫn từng nói mình không nỡ bỏ, là vì lòng người vẫn tin theo nhiều quá. Nay Nguyễn Thân ra, dùng cái thủ đoạn tuyệt lương thật ác độc, khiến cho lòng người tuy vẫn kính mộ nghĩa quân và sẵn lòng giúp đỡ mặt lòng nhưng cũng chịu cay đắng trong lòng thôi, không dám công nhiên giúp đỡ như trước nữa.
Trong khi ấy, quân Pháp biết nội tình của nghĩa quân đã bị rung động lắm rồi, cho nên càng sai quân đi tiễu riết lắm. Nguyễn Thân tiếng rằng đem quân ra đánh, nhưng chỉ nằm một chỗ, và làm oai giết được một mớ người dân quê thôi.
Nghĩa quân, trong đã không có nội trợ, ngoài lại chẳng có viện binh, làm gì mà chẳng khốn?
Đoạn này cốt nói về Nguyễn Thân, là người quan hệ về lúc tàn cuộc của phong trào văn thân Phan Đình Phùng. Vậy trước khi kết thúc, tôi muốn hiến độc giả xem một bức thư chính ông ta viết để tự kể công lao mình đánh dẹp văn thân, phò tá Bảo hộ những gì.
Ấy là một bức thư dài; Nguyễn Thân viết đưa cho ông Toàn quyền Paul Doumer hồi năm 1902 (năm Thành Thái thứ 18), lúc ông này đã mãn hạn làm thủ hiến Đông Dương, trở về Pháp quốc.
Trước hết, Nguyễn Thân ngỏ lời cảm tạ Toàn quyền Paul Doumer và nước Pháp đã ban cho mình những cái vinh dự tuyệt phẩm rồi thì tự kể công lao như vầy:
"Trong lúc ở kinh thành có cuộc biến động (1885) và lúc Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi xuất bôn để xui giục nhân dân nổi lên chống với nước Pháp, toàn cõi Trung kỳ xôn xao rối loạn. Bọn văn thân hiệu triệu dân chúng, đồng thời nổi lên phản không, một mặt tàn sát dân đạo, một mặt chống cự người Pháp.
Giữa lúc bấy giờ, kế vị của thân phụ tôi qua đời, tôi đang làm chức tiểu phủ sứ các miền sơn cước ba tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định. Tuy có chỉ dụ ở kinh thành triệu về, nhưng tôi chỉ lo việc giữ yên các miền thuộc quyền tiễu phủ của tôi để chờ thời cơ.
Hai tên tướng giặc văn thân là Cử Định và Tú Tâm lúc ấy chiếm cứ tỉnh thành Quảng Ngãi, đồ đảng đông quân. Tôi đem hai ngàn quân lính ở miền trên kéo xuống đánh giặc văn thân ấy. Tôi thâu phục tỉnh thành, bắt được 14 tên tướng giặc, sai chém đầu tại đó để cho dư đảng văn thân thấy mà phải sợ. Tỉnh Quảng Ngãi dẹp yên rồi, tôi vâng mạng của đức Đồng Khánh, đem bổn bộ binh mã kéo vô Bình Định đánh dẹp đám dân khởi loạn ở trong tỉnh này. Tôi tiễu trừ được loạn đảng, khôi phục được trật tự và sắp đặt lại công việc cai trị các phủ huyện. Còn tên tướng giặc sau chót là Mai Xuân Thưởng chạy về miền An Khê, thì tôi đang sai quân lính đuổi theo đánh riết.
Cũng trong lúc đó, ông Đốc phủ Lộc đem toán quân lính ông ở Nam kỳ ra tiễu trừ bọn văn thân do Mai Xuân Thưởng làm đầu. Lúc ấy tôi phụng mạng đức Hoàng đế sai tôi đem quân trở ra Quảng Nam đánh đám giặc văn thân, cầm đầu là tên tướng giặc nổi tiếng, Hường Hiệu, chống cự với nhà nước Bảo hộ bấy lâu, đến đỗi các quan binh Pháp phải lập ra tới 36 đồn lính ở trong miền đó đặng tuần tiễu mà vẫn dây dưa không yên. Tôi dẫn binh ra, sai người tâm phúc đi do thám, khám phá được chỗ ẩn núp của tên tướng giặc ấy tại miệt An Tâm; rồi 25 tên phó tướng của giặc bị bắt trong tay tôi, còn bao nhiêu dư đảng xin ra đầu hàng tôi hết, Hường Hiệu trốn thoát, chạy vô núi Ngũ Hành, sau tôi cũng bắt sống được, bỏ vô trong cũi mà giải về Huế.
Thưởng đền tấm lòng tận trung của tôi đối với công việc nước Pháp, chính phủ Cộng hoà lúc bấy giờ ban tặng Bắc đẩu Bội tinh ngũ hạng cho tôi.
Cách đó ít lâu, tỉnh Bình Định lại có loạn dấy lên nữa; nhà nước sai đi tiễu phủ lần thứ nhì, tôi dẹp được giặc giã tỉnh này yên hẳn từ đó. Nhân việc đánh giặc thành công, quan Toàn quyền Picquet và quan Khâm sứ Hector tư xin chính phủ Cộng hoà ban thưởng cho tôi Bắc đẩu Bội tinh tứ hạng cho tôi.
Rồi trở về chức vị cũ ở miền thượng du Quảng Ngãi, tôi vẫn làm tiễu phủ sứ các miền sơn cước như trước.
Ít tháng về sau, tôi được chỉ triệu về Huế, lãnh chức Binh bộ thượng thư. Quan Toàn quyền De Lanessan thương thuyết với trào đình khâm phái tôi vô làm Tổng thống tỉnh Bình Định, là tỉnh rộng lớn mênh mông, tôi giải quyết được nhiều vấn đề quan hệ đã bỏ dở dang bao nhiêu năm rồi. Rồi đó tôi được phong chức Khâm sai đại thần đem quân ra đánh dẹp giặc văn thân Nghệ Tĩnh. Vì có quan Toàn quyền Rousseau và quan Khâm sứ Brière nói với triều đình, nên chi tôi được lãnh cái trọng trách ấy.
Sở dĩ tôi phụng mạng đem quân ra Nghệ Tĩnh là cốt để tróc nã tướng giặc văn thân Phan Đình Phùng, khởi loạn ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã 10 năm, mặc dầu nhà nước đã ra sức đánh dẹp mãi mà không được.
Thân dẫn một đạo quân 1400 người, tôi đuổi đánh tên tướng giặc ấy hết núi này đến núi kia rồi tôi vây bọc va được là nhờ có những đồn lính phòng trấn lập ra lải rải khắp các ngã đường giao thông.
Thế cùng lực kiệt, lại bị thương tích trong trận đại chiến, Phan Đình Phùng phải uống thuốc độc tự tử. Bao nhiêu bộ tướng của y đều bị bắt hết, mấy ngàn quân giặc ra hàng. Thế là mấy tỉnh ở miền bắc xứ Trung kỳ yên hẳn giặc giã từ đó.
Nhân tôi có công lao như thế chính phủ Cộng hoà thưởng cho tôi Bắc đẩu Bội tinh tam hạng và đức Hoàng đế vời tôi về Kinh làm Phụ chính đại thần".