Phan Đình Phùng
Cái thế lực dây dưa lừng lẫy của đám anh hùng Lương Sơn Bạc chỉ cốt có bấy nhiêu đó thôi. Vậy mà ngày qua tháng lụn, kiệt sức mòn hơi, họ cũng phải nghiêng ngã tan tành thay!
Đến cái đời chiến pháp binh khí Tây phương bắt buộc khắp cả thiên hạ phải thay đổi, phải làm theo để hoặc tự cường lấy mình hoặc chống cự với họ, thì việc chiến đấu dụng binh đâu đó có phải sơ sài chật hẹp như xưa được nữa. Gọi là địa lợi cần phải rộng rãi, thuận tiện cho cả mọi sự chiến thủ tới lui, chứ quanh quẩn một khu núi rừng có hiểm trở mấy cũng không đủ dựa làm thế mạnh, làm gốc bền. Vả lại súng đạn người ta, có thứ ở ngoài mấy chục dặm có thể bắn phá tới sào huyệt mình tan tành như chơi, đến núi còn bể hai, rừng cũng cháy rụi. Nhất là đường giao thông thuỷ lục phải có, cuộc vận tải lương thực phải dễ, nó chính là lỗ thở, là mạch sống của mình, nếu bị người ta chận nghẹt thì tất phải chết. Không chết ngã ngửa tức thời, cũng phải chết lần mòn hoi hóp.
Cụ Phan Đình Phùng dùng binh đối địch với Pháp sự thế cực chẳng đã bao nhiêu lâu phải nhốt mình vào trong những khuôn khổ chiến đấu ngày xưa rồi, bây giờ lại bị lâm vào chỗ hiểm nghèo kiêng kị của binh pháp kim thời như vậy đó.
Tới đây, chúng ta càng phải nên nhớ lại mà thán phục ông thượng tướng quân Cao Thắng là người có đởm lược, có cao kiến.
Độc giả đã biết ông ta chết giữa chiến trường chính là lúc có hoài bão lớn lao, muốn tấn công chiếm thủ cả ba tỉnh Nghệ, Tĩnh, Bình để làm căn cứ, nếu không thì bên đối địch - theo ông đã đoán trước - sẽ dùng cách vây bọc cho mình đến tan ổ và tuyệt lương mà chết.
Thì sự tiên liệu của Cao Thắng bây giờ xuất hiện thật rồi.
Bởi vậy, dầu ai tin hay không tin cũng mặc: "tính việc ở người, nên việc ở trời" chính là một chân là nhất định xưa nay. Lại cũng chứng tỏ ra cái thuyết “tri dị hành nan" (biết dễ, làm khó) của cổ nhân là đúng. Một việc Cao Thắng tính làm và biết làm là hay, nhưng mà có làm được đâu; vẫn biết nhân lực thiếu kém một phần, còn một phần hình như cũng có thiên ý, có vận số cản trở thế nào xui khiến ra sự bất thành như thế.
Lúc này cụ Phan bị vây bọc đến đỗi bôn ba cực khổ chừng nào, chắc lại chạnh nhớ Cao Thắng mà cảm thương thân thế chừng ấy. Lại càng cảm thương thân thế chừng nào, càng biết rõ chủ quyền quốc gia không sao lấy sức người thiếu thốn đủ cách mà hòng xoay đổi trở lại được nữa. Nhưng cụ đã hứa tính mệnh với quốc gia rồi, vậy thì trong khi tính mệnh còn lây lất ngày nào, dầu phải nếm mật nằm gai, tắm sương gội gió đến thế mấy đi nữa, cũng vẫn cam tâm.
Than ôi! Một người có chí khí anh hùng, đến bỏ quê hương nhà cửa, bỏ hương hoả tổ tiên, bỏ cả thân danh tính mệnh mình, chỉ vì nhà nước, vì anh em, đem thân ra lo toan một việc, hiểm trở khó khăn, trăm cay ngàn đắng, chắc hẳn trong trí não cũng quả quyết trông mong việc ấy cho thành, khỏi phụ cái chí khí hùng tráng của mình và khỏi phụ lòng kỳ vọng của người đồng loại. Thế mà sắt son tấc dạ, lao khổ mười năm, tâm huyết mất không, thời vận chẳng có, đến lúc nhịn đói, nhịn khát, chạy ngược, chạy xuôi, gặp toàn những cảnh vạn tử nhất sinh, đường cùng nước bí, cái bước "anh hùng mạt lộ" chứa không biết bao nhiêu nông nỗi đáng cảm, đáng thương, đáng sầu, đáng tiếc, đáng thở dài một hơi cho mạnh, đáng hét lên một tiếng cho to!
Hồi này, chính là hồi cụ Phan gập ghềnh điên đảo trên những bước "anh hùng mạt lộ" đây!
Bước này của cụ, khổ hơn Sở Bá vương mà chỉ thiếu có Ngu Cơ, sướng hơn Văn Tín quốc là không đến đỗi bị bắt. Tướng sĩ đều tuốt gươm ra xin đánh mà chết.
Nghĩa quân có những cơ điên nguy thất bại phát ra từ giữa năm ngọ (1894), vì quân lính Pháp mấy phía đã khởi thế công kích bao vây càng ngày càng chặt, sự thật không phải từ lúc có Nguyễn Thân kéo binh rầm rộ ở Huế ra thì nghĩa quân mới lâm vào đường cùng cảnh khốn.
Ta nên nhớ Nguyễn Thân ở Kinh phụng mạng xuất sư, ra đến Hà Tĩnh, nhằm tháng 5 năm Mùi (1895), chính là hồi cụ Phan và tướng sĩ đang lao đao nguy khốn sẵn rồi, mà Nguyễn Thân định kế chặt gãy vây cánh và làm tuyệt quân lương, là làm cho Phan thêm lao đao nguy khốn đó thôi. Khác nào một cây đã bị gió bão làm bưng gốc lên sẵn rồi, đến Nguyễn Thân chỉ có công xô thêm cho ngã xuống thì có, chứ lão không có công lao chiến trận gì, và cũng không phải nhờ có tài sức của lão thì họ Phan mới bại, nghĩa quân mới tan, theo như ý lão kể công với toàn quyền Doumer ở trong bức thư độc giả vừa đọc trên kia. Sự thật, công lao chiến trận là công lao của anh em lính tập và mấy viên quan binh Pháp. Lúc sau Cao Thắng tử trận mà nội tình nghĩa binh cụ Phan suy kém lần hồi, nhưng quân lính nhà nước ra sức truy tầm chinh phạt cũng gắt, mà nghĩa binh vẫn rán đương đầu không cự được hoài, thành ra Bảo hộ tưởng nghĩa binh còn có thực lực vững bền mạnh mẽ lắm, mới phái Nguyễn Thân đem đại binh ra góp sức tiễu trừ cho mau. Nếu không có Nguyễn Thân, chắc hẳn trong mấy tháng trời nữa nghĩa binh cũng phải đến lúc tàn cuộc tự nhiên.
Cũng có lẽ việc phái Nguyễn Thân ra đánh là một việc quyết thắng về mặt tâm là. Vì Nguyễn Thân chẳng phải giao phong xuất trận gì, chỉ dùng mưu kế chặt vây cánh và tuyệt lương thực, chính là một trận đánh bằng tâm là, nó thần hiệu hơn là đánh bằng binh lực. Huống chi là có trận binh lực trợ chiến với trận tâm là nữa. Nếu như chỉ có bấy nhiêu cũng đủ kể là đại công, thì người ta cũng nên nhìn nhận cho Nguyễn Thân có công đó.
Quả thật, từ giữa năm Mùi trở đi, có thế trận tâm là của Nguyễn Thân bày ra rồi, cụ Phan càng thêm lưu lạc khổ sở nhiều lắm, không như trước đó, nghĩa binh tiếng bị suy vi nguy khốn mặc lòng, nhưng vẫn nhờ được cái sức ngầm của dân nuôi lương giúp sức cho mà cầm cự với quân lính Bảo hộ một cách gắng gượng hăng hái.
Chúng ta thử xem một chuyện sau đây thì biết.
Cũng không nhớ rõ được ngày nào, chỉ biết là hồi ấy nhằm cuối năm ngọ, quân lính Bảo hộ biết cụ Phan đóng trên núi Đại Hàm mà thủ hạ chẳng có bao nhiêu, nhắm chừng có thể tấn lên đánh phá được, bèn phân binh ra hai đội kéo tới Đại Hàm khiêu chiến.
Núi Đại Hàm thuộc về địa phận làng Tình Diệm, có một quân thứ theo cách cụ Phan bố trí ngày trước, gọi là Diệm thứ, do ông Cao Đạn làm chủ tướng.
Lúc hay tin quân lính Bảo họ sắp kéo tới đánh, cụ Phan tính kế lui binh trước để tránh đi thì hơn. Nhưng hai ông Cao Đạn và Nguyễn Mục hiệp lại cản ngăn và xin quyết kế đối địch.
Phan làm thinh cúi mặt ngó xuống hoạ đồ. Ta nên biết lúc bây giờ Phan dụng binh có hoạ đồ những hình thế sông núi đường sá hẳn hoi, đó cũng là một sự nghiệp của Cao Thắng để lại nữa. Cao Đạn và Nguyễn Mục đứng chờ hơi lâu, không nghe trả lời, tưởng cụ không chịu cho đánh, liền rút gươm ra đồng thanh hô lớn:
- Xin nguyên soái chặt đầu hai anh em chúng tôi đi đã rồi sẽ lui binh.
Cụ Phan ngước mắt lên, trả lời một cách ông dung:
- Lấy thế gì mà đánh với người ta bây giờ?
- Bẩm lấy thế núi.
Cao Đạn và Nguyễn Mạc cùng thưa như vậy rồi tỏ bày sự thế lợi hại rõ thêm:
- Chắc hẳn quân Pháp dọ biết ít nhiều là nội tình ta giờ suy yếu, nhất là họ thám được binh lực ở đại đồn ta hiện nay chẳng có bao nhiêu, cho nên muốn thừa cơ đánh ào lên một trận, để đạp nghĩa binh té rụi xuống cho rồi đó. Nguyên soái rủi ro bề nào, tự nhiên toàn cuộc phải nghiêng đổ tan tành tức thời. Họ không đem sức lớn áp đánh mấy quân thứ kia, mà áp đánh trái núi này chủ ý và sở vọng của họ ra sao, không nói cũng biết. Cụ có lòng nhân, không muốn làm quá nhọc sức tướng sĩ lấy ít cự nhiều, mà định kế lui binh để tránh sức lớn kia ào ào đè tới; lấy lực mà bàn, lui binh là sự phải đã đành, nhưng lấy thế mà nói, thì quân ta chẳng phải không có thế chống cự lại được ít nhiều, là vì quân ta chiếm được địa lợi của thế núi.
Núi này vốn có hình thế quanh co, hiểm trở, quân Pháp có kéo tới bao nhiêu đi nữa, chắc cũng chỉ vây bọc ở dưới mà thôi, quyết họ không dám mạo hiểm lên trên, họ chưa thuộc rõ đường đất tự nhiên sợ gặp mai phục thì nguy. Vả chăng, trong quân ta hiện nay còn 400 người, kể số thì có ít thiệt nhưng đều là hạng tráng đinh dõng sĩ, ăn không ngồi nhàn cũng buồn, chỉ cầu có giặc tới mà đánh, có chết cũng mát ruột. Cho tới súng đạn tích trữ của ta cũng có thể đủ sức cầm cự nhau trong một đôi tháng; như thế thì sợ chi mà vội lui, không đánh lại. Không đánh lại bây giờ, tất nhiên người ta cho mình đây là khiếp nhược, rồi càng ngày đem quân xua đuổi dồn ép ta mãi. Vậy thì, bẩm cụ xét lại, ngày nay ta cứ quyết đánh nhau với họ một chuyến, chừng đến nước cùng đường túng thế lắm, bấy giờ ta sẽ lui cũng không muộn gì. Phía sau ta vẫn có sẵn đường lui kia mà!
Cụ Phan trầm ngâm một lát, rồi kiếm lời an ủi ngợi khen hai ông Cao Đạn, Nguyễn Mục làm tướng cầm quân, mỗi khi gặp giặc quyết đánh như thế là anh hùng, là trượng phu lắm. Nhưng nay ta ở trước một cảnh như cờ bí nước, lấy ít cự nhiều, lấy yếu chống mạnh, biết rằng lòng quân ta có muốn đánh hay không? Vì, do nơi một tấc niềm nhân hậu, cụ suy nghĩ những người theo liền bên tả hữu mình bấy lâu toàn là hạng người nghĩa sĩ bỏ cả nhà cửa, vợ con, quê hương, cha mẹ, dấn mình vì việc quốc gia, vì tình thầy trò, đã mười năm nay, biết bao chiến trận công lao, mà cụ chưa làm nên một việc gì để thoả lòng đền công họ được. Gần đây họ lại vì cụ mà chịu thêm nhiều nỗi ấm lạnh gian nan, ăn ở cực khổ, ngày nay quá đòi hỏi sức họ mà dùng, thì người nhân nghĩa không nỡ...
Hai ông Cao Đạn, Nguyễn Mục vâng lệnh rồi ra lấy ông loa kêu gọi quân sĩ tụ lại mà nói:
- Nay Pháp đem đại binh tới vây đánh sơn trại ta. Sự thế anh em ta chỉ có một đánh và một chạy, Nguyên soái muốn hỏi ý của anh em ông đàng nào?
- Ứng đánh! Ứng đánh! Nam quốc vạn tuế.
Quân sĩ không hẹn ước nhau mà đồng thời tay úa miệng la như thế. Nhiều người tung cả gươm và súng lên trên không rồi bắt lại tung lên, tỏ ý vui mừng hớn hở. Cao Đạn và Nguyễn Mục thấy lòng quân hăng hái, bèn vô bẩm lại cụ Phan để quyết định dự bị nghênh địch.
Đất bùn là vật đỡ đạn của ta
Tức thời Cao Đạn, Nguyễn Mục đi xem xét những địa thế nào có thể lập trận phục binh.
Lại sai quân lính đi chặt cây tre về chẻ ra đan những giỏ lớn thật nhiều. Quân lính vâng theo tướng lệnh bảo sao làm vậy, không hiểu dụng ý ra sao.
Công cuộc nghênh chiến sắp đặt có hơn nửa ngày là xong.
Lúc bấy giờ trên sơn trại chỉ có 400 tên quân, còn khí giới tân thời chỉ có 200 khẩu súng kiểu Pháp và một ít đạn dược, ngoài ra, khí giới toàn thì súng trường kiểu ta và những đại đao đoản kiếm. Hai ông Cao Đạn và Nguyễn Mục sắp đặt như vầy: 200 tay súng để làm quân chiến, 200 tay đao thì làm quân phục. Các ngả lên núi, chỗ nào xung yếu thì phục binh chỗ đó, hễ thấy quân nghịch thò đầu lên thì xông ra mà chặt không kể sống thác. Nhất định ban ngày mới ứng chiến, còn ban đêm thì đặt nghi binh. Nghĩa là ban đêm, chính nơi đại dinh tối tăm mù mịt, không thắp đèn đuốc gì hết: còn chỗ khác thì giả thắp đèn lửa lập lòe, khiến cho quân lính Bảo hộ tưởng là đồn trại nghĩa binh ở đó, tất nhiên phải nhắm ngay chỗ có ánh đèn mà bắn.
Nhưng còn lo chống giữ lâu ngày, mình hết thuốc đạn thì làm thế nào?
Hai ông bèn nghĩ đến kế vừa đỡ đạn, vừa lấy đạn.
Lấy đạn của ai?
Thì lấy ngay của quân lính Bảo hộ.
Hai ông sai chặt tre đan giỏ thật nhiều, chính là dụng ý đó. Phàm là đạn súng bắn ra - đạn súng nhỏ hay súng đại bác cũng vậy - hễ đụng nhằm vật gì cứng mạnh dội lại thì nổ dữ. Nhưng trái lại, nếu đụng nhằm mấy vật mềm nhẹ, nhất là bông gòn ướt át và đất bùn, làm nó mất nổ. Hồi văn thân Thanh Hoá chống cự với Bảo hộ tại Ba Đình, đóng ở một làng giữa cánh đồng chiêm xung quanh có nước mênh mông, mà cầm cự được cả tháng, quân lính nhà nước ở ngoài bắn vô như mưa, nhưng phần nhiều không nghe đạn nổ, là bởi văn thân khéo dùng những giỏ tre đựng bùn, đắp lên thành luỹ, cản trở hiệu lực của đạn phải kém bớt đi. Bây giờ, Cao Đạn và Nguyễn Mục cũng dùng mưu kế ấy để đỡ đạn của súng thường, còn đề phòng cả đạn của súng đại bác, thì mắc lưới võng từ cây nọ qua cây kia.
Mọi việc dự bị xong xuôi, chỉ đợi quân lính Bảo hộ tới là đối chiến.
Quả nhiên, quân lính Bảo hộ đến nơi, chỉ ở dưới chĩa súng bắn lên chứ không dám mạo hiểm lên núi, bởi thấy thế núi nghiêng dốc, cây cối rậm rạp quá, sợ lên thế nào cũng bị phục binh thì nguy. Nghĩa binh có cái địa lợi là ở trên có chỗ ẩn núp trong những kẹt đá bóng cây, dòm xuống thấy rõ quân lính Bảo hộ, mà quân lính Bảo hộ dòm lên thì không thấy gì khác hơn là cây cối um tùm mà khói đạn mù mịt mà thôi. Thành ra quân trên bắn xuống thường trúng hơn là quân dưới bắn lên.
Huống chi đạn của quân dưới bắn lên phần nhiều trúng vô những giỏ đựng bùn kia, không nổ. Nghĩa quân lấy những vỏ đạn ấy, nhồi thuốc mình bắn trả lại quân dưới.
Tối lại thì nghĩa quân ăn cơm và dưỡng sức, không đánh. Ở dưới, quân lính Bảo hộ ngó lên thấy chỗ nào có bóng đèn đuốc lập lòe thì cứ chĩa súng nhắm lên đó mà bắn. Té ra mấy chỗ có lập lòe đèn đuốc, chỉ là chỗ đặt nghi binh mà thôi, chẳng có người nào hết.
Hai bên chống giữ nhau đến nửa tháng như thế, trên không dám đánh xuống đã đành, mà dưới cũng không dám leo lên. Chỉ nghe tiếng súng nổ hết ngày này qua ngày kia, luôn đêm này qua đêm khác, hình như một trận mưa sấm sét, vang động cả một vùng núi non. Ai cũng tưởng chắc là nghĩa binh đã cháy ra tro hết rồi, nhưng kỳ thật chưa có một ai tử trận hay là bị trọng thương gì cả.
Quân lính Bảo hộ nghĩ mình bắn phá dữ dội tới hai tuần như thế mà nghĩa binh không núng, không lui, bèn xe súng đại bác lại, định phá tan đốt cháy cả núi Đại Hàm, tất nhiên nghĩa quân phải chết rụi hết, hay là không còn cây cối rậm rạp mà ẩn núp thì sao cũng phải đầu hàng. Nhưng đạn đại bác bắn lên phần nhiều mắc vào lưới võng của nghĩa quân đã dăng tứ tung, thành ra không có mãnh lực như người ta đã tính.
Mấy ngày về sau, tuy là nghĩa binh còn đạn cũng nhiều, nhưng mà chỉ bắn một cách dè dặt, không dám bắn phóng túng như trước nữa. Mỗi ngày giao chiến, cụ Phan đều ra tận chỗ mạo hiểm để chỉ bảo khuyến khích tướng sĩ, nhờ vậy nên lòng quân càng phấn chấn bội phần. Muốn lập kế dụ quân lính Bảo hộ lên núi để cho phục binh làm thịt, cụ Phan sai mấy tên quân lanh lẹ, lén theo đường tắt xuống núi, giả làm dân quê đi cày, tới trước quân lính Bảo hộ nói mình biết đường lên núi, xin làm hướng đạo hầu được lãnh thưởng lập công. Hai viên quản cơ tưởng thiệt đã toan dẫn một toán lính tập đi liều, nhưng viên thiếu uý cầm quân, cản lại không cho, vì sợ mắc kế mai phục.
Bấy giờ, quân Bảo hộ phân ra làm hai, một nửa vẫn ở mặt tiền, một nửa đạp gai lội suối, bọc ra mặt hậu để đánh phía sau lưng nghĩa binh, khiến cho trước sau đều thọ địch, thế nào mà chẳng tan vỡ.