Ngọn cỏ gió đùa

Lối nửa chiều, nắng ui-ui chớ không gắt, mây mỏng mỏng đóng từ chùm. Dưới sông nước lớn chảy lờ-đờ, trên vườn gió quặt nhành quằn-quại.

Từ ngày Vương-thể-Phụng làm đề-lại tại nhà quan Bố-Chánh Ðịnh-Tường thì chàng ở đậu nhà bà hai Tiền, là một bà già không chồng không con, ở dựa mé rạch Vĩnh-Tường. Hôm nay trong nhà rảnh việc, chàng về sớm, nên thủng-thẳng đi theo mé rạch mà hứng mát. Chàng thơ-thẩn trên bờ dừa, khi cúi nhìn giòng nước chảy trong veo, khi ngước coi bầy sóc chuyền rần-rật. Cảnh hữu tình hữu thú, chàng đương vui với cảnh, bỗng đâu lại thấy có một chiếc xuồng nhỏ buộc dựa mé rạch, chàng bèn hỏi mà mượn, rồi bước xuống xuồng bơi mà đi chơi.

Trời mát, nước trong, cảnh vui, thuyền nhẹ khiến cho người nhàn du thơ-thới trong lòng. Thể-Phụng bơi vài cái, rồi ngơi giầm mà nhắm cảnh, ngó hai bên thì thấy dừa giành với cau phơi lá, nhà úp dưới bóng im-lìm. Chàng đi được hơn một khúc sông, bỗng thấy dựa gốc cây dừa quằn gie[1] trên mặt nước, có một nàng thiếu nữ, tuổi chừng lối đôi mươi, tướng mạo đoan-trang, mặt mày sáng rỡ, đương ngồi cầm cần cau mà câu cá. Phía sau lưng nàng ấy, cách chỗ nàng ngồi chừng mười bước, lại thấy có một ông già không có râu, tóc cụt mà đã bạc trắng, bộ tịch rất hầm-hừ, ông chấp tay sau đít ngó nàng lom-lom, dường như ông đứng giữ-gìn, hoặc sợ nàng té nhào xuống sông, hoặc sợ kẻ gian áp bắt trôm.

Thể-Phụng tấy người con gái dung nhan tuấn tú, thuở nay chưa từng gặp gái nào đẹp bằng, bởi vậy chàng đã bơi xuồng qua khỏi rồi, mà còn quay đầu lại mà dòm. Ông già thấy cử chỉ của chàng như vậy, chắc là ông không vừa lòng, nên ông lỏ mắt ngó lườm-lườm. Thể-Phụng hiểu ý ông nên chàng chúm-chím cười rồi bơi xuồng đi tuốt không dám ngó lại nữa. Chàng thả trôi xuồng theo giòng nước mà nhắm cảnh thì cảnh không vui như hồi nãy nữa, trí chàng cứ tưởng tượng hình dạng của người con gái ấy hoài. Chàng bèn quày xuông bơi trở về, có ý muốn thấy mặt người xinh đẹp một lần nữa cho rõ ràng, chẳng dè xuồng của chàng chưa tới, thì người con gái ấy đã đứng dậy vác cần cau đi vô nhà, ông già cũng đi theo, bởi vậy chàng đi tới thì chỉ còn cái gốc dừa quằn trơ-trơ chớ chẳng thấy ai nữa hết.

Thể-Phụng về nhà thì thiệt không chú ý đến việc mình gặp gỡ hồi chiều cho lắm. Nhưng mà tối lại, bà hai Tiền ngủ rồi, chàng dỡ sách ra mà đọc, thì trí bàng-hoàng, lòng khoăn-khoái, tuy lòng không muốn tưởng mà trí cứ tưởng người mỹ-nữ ngồi câu dựa gốc dừa đó hoài.

Qua ngày sau, chàng trông cho mau tới chiều đặng có mượn xuồng mà đi ngang qua nơi kỳ ngộ, hoặc may có thấy mặt người ngọc nữa chăng. Chẳng dè chiều bữa sau trời mưa dầm-dề, làm cho chàng phải ép mình mà ở nhà, nghĩ vì trời như vậy không lẽ người ta ngồi câu được mà mình đi cho thất công.

Từ ấy về sau, chiều bữa nào trời tốt chàng cũng đi, nhưng mà đi thì ngó gốc cây dừa quằn rồi trở về, chớ không thấy mỹ-nữ ngồi câu nữa.

Có một bữa chàng bơi xuồng đi qua, chàng thấy ông già đương đứng dựa cửa mà ngó xuống rạch. Chàng muốn ghé lại hỏi thăm đặng làm quen, mà rồi chàng nghĩ, nếu ghé thì biết nói chuyện gì, lại chàng nhớ bộ tướng ông già hầm-hừ, bởi vậy chàng dụ-dự rồi đi luôn không dám ghé.

Một đêm nọ chàng ngồi đọc sách, mà trong lòng bưng-khuâng hơn các bữa khác. Ðến nửa canh hai, chàng xếp sách lại rồi bước đi ra ngoài đường. Trên trời mảnh trăng khuyết bị mây án lu-lu; dưới đất tàu dừa che nên chỗ mờ chỗ tỏ. Thể-Phụng đi thơ-thẩn trên bờ dừa, nhà ở theo đường đều ngủ im lìm. Chàng đi một khúc xa-xa bỗng thấy có một cái chòi lá, cột xiêu, vách rách, mà trong chòi thì chong đèn leo lét và có hai ba người đi qua đi lại nói chuyện rầm rì. Chàng dòm xuống mé rạch lại thấy có một chiếc ghe lườn đương đậu ngay cái chòi ấy.

Chàng bước tới chừng vài chục bước, chàng lại thấy có một khúc cây khô ai để dựa gốc cây dừa lùn. Chàng bèn ngồi ghé trên khúc cây ấy mà nghỉ chơn. Chàng đương suy nghĩ không biết ai mà hỏi người mỹ-nữ mình thấy hôm nọ là con của ai, có chồng hay chưa, niên canh được bao nhiêu tuổi. Thình-lình mấy người ở trong chòi lá đi ra, hai người đàn ông đi trước, một người đàn bà đi sau. Hai người đàn ông mỗi người đều có cầm một vật trong tay, song trời tối nên không rõ cầm cây hay là dao mác chi đó. Hai người đàn ông nhảy xuống chiếc ghe lườn rồi một người gay chèo [2], còn một người lo nhổ sào. Người đàn bà đứng trên bờ nói rằng: „Thằng cha đó bộ dữ lắm. Hai người làm lại nó hay không? Thôi để kêu thêm vài người nữa rồi khắc sẽ đi.“

Người đương gay chèo đó đáp rằng:

-         Nó giỏi tao cho nó một mác đứt đầu, đặng cho nó giỏi.

-         Trong nhà có mấy người?

-         Có một mình nó với con Thu-Vân.

-         Có nhà nào ở gần đó hôn?

-         Có. Mà hại gì.

-         Nhà ở chỗ nào đâu?

-         Ở trong kia, mà phía sông bển. Chỗ cây dừa quằn đó.

Hai người đàn ông xô ghe ra rồi chèo đi vô phía trong ngọn. Người đàn bà xây lưng trở vô chòi.

Tuy những lời nói của bọn nây nói với nhau không được rõ cho lắm, nhưng mà chúng nó bàn soạn đi lại chỗ cây dừa quằn, đặng làm dữ với một người ở chỗ đó với con Thu-Vân, chớ không có người nào khác trong nhà, bởi vậy Thể-Phụng nghe rồi trong lòng phát nghi, sợ e bọn nầy toan mưu làm hại ông già với nàng mỹ-nữ mình đương chủ ý đó. Chàng ngồi im-lìm coi chừng người đàn bà đã vô chòi rồi, chàng mới đứng dây bươn-bả đi về nhà. Chàng xuống chiếc xuồng chàng hay mượn mà đi chơi đó, rồi bơi riết theo chiếc ghe lườn hồi nãy, tay thi bơi, mà trí thì suy nghĩ, không biết nàng mỹ-nữ mình gặp hôm nọ có phải tên là Thu-Vân hay không.

Chàng bơi dọc theo mé, dường như có ý đi lén không muốn cho ai thấy. Khi gần tới cây dừa quằn, chàng ngơi giầm rồi chong mắt mà dòm. Chàng thấy quả có chiếc ghe lườn đậu tại đó. Chàng tính rình coi cho biết bọn đi chiếc ghe lườn muốn làm sự gì, chàng lén ghé xuồng vô một cái ụ đàng xa, rồi nhảy lên bờ, tay cầm cây giầm, sẻ lén đi qua nhà ông già thấy hôm nọ.

Chàng vừa đi tới thì nghe có tiếng người đứng ngoài đường kêu cửa. Chàng mới núp ngoài hàng rào rình nghe coi động tịnh thế nào. Chàng dòm xuống mé rạch thì thấy chiếc ghe lườn đậu đó không có ai ở dưới ghe. Chàng vạch rào ngó vô sân thì thấy dạng có hai người đương đứng đó.

Trong nhà đốt đèn rồi ông già mở cửa bước ra hỏi rằng: “Ai đó? Làm giống gì mà kêu cửa chừng nầy?” Hai người ở ngoài xốc-xốc đi vô, người đi trước đáp rằng: “Tôi mà. Tôi ghé thăm con Thu-Vân.”

Thể-Phụng ngó thấy hai người lấn ông già mà vô nhà; ông già đứng giữa cửa, muốn cản mà cản không kịp, nên ông cũng xây lưng mà bước vô nhà. Thể-Phụng muốn thấy cho rõ bọn ây toan làm việc gì, nên chàng quên sự nguy-hiểm, tay cầm cây giầm, chạy a vô sân rồi đứng nép tại đầu xông bên tả mà rình. May nhờ tấm vách xông dừng không kín, nên chàng đứng ngoài mà ngó thấy trong nhà rõ ràng. Chàng thấy hai đứa mới vào nhà đó mặt mày hung ác, mà chàng coi kỹ lại thì đứa lớn râu rìa, mặt thỏn, chừng một tháng nay nó vô ra trong dinh quan Bố-Chánh hai ba lần, lại lần nào nó vô nó còn nói chuyện xầm-xì với quan lớn, mà hễ nó đi rồi thì coi bộ quan lớn không được vui.

Ông già nheo mắt nhìn hai người lạ ấy rồi hỏi rằng: “Hai chú ở đâu lại? Ðến nhà tôi có việc gì?”

Người râu rìa mặt thỏn đáp rằng:

-         Ông quên tôi hay sao? Tôi là cha nuôi của con Thu-Vân đây.

-         Ờ, ợ! Té ra chú là Ðỗ-Cẩm há?

-         Phải. Tôi là Ðỗ-Cẩm.

Vương-thể-Phụng đứng ngoài nghe người ấy xưng tên là Ðỗ-Cẩm, chàng sực nhớ lời của cha trối rằng người ấy là ân-nhơn của cha, hễ gặp thì phải lo đền ơn đáp nghĩa thế cho cha, bời vầy chàng ngơ-ngẩn trong lòng, không biết liệu lẽ nào.

Người nầy thiệt là Ðỗ-Cẩm. Còn ông già chủ nhà đây cũng thiệt quả là Lê-văn-Ðó. Trong 10 năm nay hai người nầy đi đâu, làm việc gì, mà ngày nay sao lại gặp nhau?

Số là năm canh-tị (1840 - nhằm Minh-Mạng nhị thập nhứt niên) Lê-văn-Ðó đi với ông sáu Thới lên Vũng-Gù chuộc con Thu-Vân rồi, ông mới tìm kiếm chỗ nương náu, trước được an ổn tấm thân đặng lo nuôi dưỡng Thu-Vân cho tới khôn lớn, sau nữa có người hay chữ dạy con Thu-Vân học, đặng cho nó biết lễ nghi, thông kinh sử, theo như lời ông đã hứa với nàng Ánh-Nguyệt năm xưa. Ông lên vàm Kỳ-Hôn, tìm đến chùa Bình-An-Tự, ông vào bạch dối với ông Hòa-Thượng rằng Thu-Vân là con nhà giàu sang, rủi cha mẹ khuất sơm, nên không ai bảo bộc. Ông là tôi tớ trong nhà, khi cha của Thu-Vân gần chết, không biết ai mà gởi gấm con, nên giao nó cho ông và cậy ông nuôi dưỡng giùm. Phận ông dốt nát, liệu thế không kham, nên ông vào chùa xin ở đặng cậy đạo chúng dạy giùm con Thu-Vân học. Ông lại lấy ra 200 nến bạc với cái bình và bộ chén mà gởi cho ông Hòa-Thượng nói dối rằng tài vật ây là của cha mẹ Thu-Vân dể lại nên ông xin gởi, chừng nào Thu-Vân khôn lớn rồi ông sẽ lấy lại mà giao cho nó.

Ông Hòa-Thương tin lời, nên thâu tài vật mà cất giùm, và cho Lê-văn-Ðó, sáu Thới với Thu-Vân ở trong chùa. Lê-văn-Ðó với ông sáu Thới bèn thí phát ở làm công quả cho Phật. Mỗi ngày hai người lo làm vườn, gánh nước. giả gạo, quét chùa. Con Thu-Vân tuy còn nhỏ, mà mặt mày coi sáng láng, ăn nói có khuôn phép, bởi vậy trong chùa từ Hòa-Thượng cho tới đạo chúng ai thấy nó cũng đều thương.

Trong chùa có một ông Giáo-thọ khi trước học giỏi, mà không có mạng đi thi rớt hoài, nên giận mới đi tu. Hòa-Thương cắt ông hễ có rảnh thì phải dạy con Thu-Vân học. Thu-Vân nhờ vậy nên mới có thầy giỏi mà học sử kinh.

Ðến năm ất-tị (1845) ông sáu Thới già quá, nên đau sơ-sài rồi có mấy bữa mà ông tỵ trần. Lê-văn-Ðó lấy làm thương tiếc, mà rồi ông lại sợ, vì ông cũng già rồi nếu ông chết như ông sáu Thới nữa, thì con Thu-Vân còn ai mà nương dựa.

Qua năm canh-tuất (1850 nhằm Tự-Ðức tam niên) Thu-Vân được 20 tuổi học đã giỏi mà cũng đủ trí khôn. Bữa nọ Lê-văn-Ðó nghe tin Từ-hải-Yến ngồi Bố-Chánh tại Ðịnh-Tường, ông mới tính đem Thu-Vân lên đó mà ở, đặng lo mưu tính kế làm cho cha con nhìn nhau, trước là Hải-Yến khỏi trái luân thường, sau nữa ông hoàn toàn phận sự. Tuy ông sáu Thới đã có thuật rõ sự Hải-Yến bạc bẽo mê con Ánh-Nguyệt cho ông nghe rồi, song ông không muốn tỏ việc ấy lại cho Thu-Vân nghe làm chi. Ông tính thầm trong trí rồi ông bàn với Hòa-Thượng mà xin dắt Thu-Vân đi.

Hòa-Thượng thấy Thu-Vân đã khôn lớn rồi, ông không nỡ cầm ở trong chùa nữa nên ông cho đi, và ông đem 200 nén bạc với bình chén gởi hồi trước mà giao lại cho Lê-văn-Ðó.

Lê-văn-Ðó dắt Thu-Vân lên Ðịnh-Tường, xưng tên mình là sáu Thới, mua một cái nhà lá nhỏ dựa mé rạch Vĩnh-Tường mà ở có ý chờ dịp sẽ cho Thu-Vân giáp mặt cha. Ông ở đó chưa được mấy ngày thì kế Thể-Phụng gặp Thu-Vân ngồi câu cá.

Còn Ðỗ-Cẩm từ ngày nó cho Lê-văn-Ðó chuộc con Thu-Vân rồi thì vợ chồng nó tiếc hoài, chẳng phải chúng nó thương nhớ chi mà tiếc, chúng nó tiếc là tiếc không đòi tiền nhiều hơn nữa. Nén bạc cho chuộc con Thu-Vân ăn không bao lâu thì đã tiêu hết, rồi nghèo cũng trở lại nghèo như cũ mà tánh gian ác cũng chưa chịu bỏ tánh xưa. Vợ chồng Ðỗ-Cẩm bán nhà cửa rồi đi qua xứ khác làm ăn. Chúng nó đi đến đâu cũng nghèo hoài, đến năm canh-tuất lần tới Ðịnh-Tường, nghe Từ-hải-Yến ngồi Bố-Chánh tại đó, Ðỗ-Cẩm mới lần mò vào dinh mà kể công khó ngày xưa, đặng xin tiền xin bạc.

Hải-Yến thấy mặt Ðỗ-Cẩm thì không vui, nhưng vì năm xưa quan lớn đã có làm một việc không tốt, mà việc ấy Ðỗ-Cẩm rõ hết, bởi vậy quan lớn không muốn lậu việc ấy ra nên quan lớn phải ép lòng mà nhìn Ðỗ-Cẩm và mỗi lần đến thăm quan lớn cho một quan tiền, cũng như may phứt cái miệng Ðỗ-Cẩm cho yên.

Vợ chồng Ðỗ-Cẩm không hiểu tình ý của Hải-Yến, tưởng Hải-Yến thương mình nên cho tiền, mới kiếm một cái chòi rách dựa mé rạch Vĩnh-Tường mà ở, cố ý trông nhờ quan Bố-Chánh nuôi cho mãn đời.

Một bữa nọ, Ðỗ-Cẩm đi chơi, ngó thấy Lê-văn-Ðó đứng trước nhà với con Thu-Vân. Tuy Lê-văn-Ðó đã già, và tuy Thu-Vân đã lớn rồi, nhưng mà Ðỗ-Cẩm thấy gương mặt thì nhớ liền, Nó về thuật chuyện ấy lại cho vợ nghe. Vợ chồng mới bàn tính với nhau, phải lập thế bắt con Thu-Vân lại rồi đem nó vào dinh Bố-Chánh, như Hải-Yến nhìn con thì cho chuộc, còn như Hải-Yến không chịu nhìn thì hăm dọa, làm như vậy mới có bạc nhiều. Vợ chồng tính hết sức mà không biết làm sao bắt con Thu-Vân lại được, cùng thế rồi mới toan dụng võ nên cậy thằng Hanh, là đứa côn đồ, ở gần đó, hiệp sức đến nhà Lê-văn-Ðó làm dữ mà bắt Thu-Vân. Ðỗ-Cẩm tưởng thi kế lúc nửa đêm không ai hay, chẳng dè Vương-thể-Phụng tình cờ nghe được, rồi đi theo coi cho rõ hành tàng của kẻ toan làm quấy.

Tuy Thể-Phụng là con nhà nho văn, thuở nay chẳng hề tập võ nghệ, nhưng mà chàng thấy bọn bất lương toan làm hại cái nhà chàng đương lập thế cầu thân, thì chàng không kể sức yếu thế cô, quyết phò khổn cứu nguy mà làm nghĩa. Chàng cầm cây giầm đứng ngoài vách hầm hầm đợi hễ bọn ấy làm việc chi không phải, thì chàng nhảy vào mà tiếp cứu. Thình-lình chàng nghe một đứa xưng là Ðỗ-Cẩm thì chàng biến sắc, đứng ngơ-ngẩn, không biết liệu lẽ nào. Nếu làm hại Ðỗ-Cẩm thì trái với lời trối của cha. Nếu lầm lì bỏ đi về, thì chẳng những là mình giúp kẻ bất lương làm việc quấy mà có lẽ mình còn mang cái tội thấy người ngay bị hại mà mình không cứu, nhứt là người ngay ấy là người trong thân của nàng mỹ-nữ mình đương trộm nhớ thầm yêu...

Chàng đương bưng-khuâng bỗng nghe ông già Lê-văn-Ðó hỏi rằng:

-         Chú đến nhà tôi làm chi?

-         Ðến thăm con Thu-Vân.

-         Chú muốn đến thăm, sao không đến lúc ban ngày, đợi nửa đêm rồi mới đến?

-         Ối! Ðến chừng nào lại không được. Con Thu-Vân nó ngủ đâu? Ông kêu nó dậy đặng tôi coi năm nay nó bao lớn.

-         Nó ngủ, kêu nó làm chi. Chú thương yêu gì nó mà thăm!

-         Ủa! Lão già nầy nói kỳ dữ hôn kìa! Ta nuôi nó mấy năm sao lại không thương?

-         Chú đừng có nói nhiều chuyện. Chú mà thương yêu ai? Chú thương đồng tiền chớ. May tôi đem nó đi, chớ phải tôi để nó ở với chú ít ngày nữa chắc nó chết.

-         Sao mà chết?

-         Chú hành hà đày đoạ thân nó quá chớ sao.

-         Hứ! Khéo nói! Tôi hỏi thiệt ông vậy chớ bây giờ ông không chịu cho tôi thăm con tôi hay sao né?

-         Không. Tôi không muốn cho chú thăm đó.

-         Sao vậy?

-         Thăm làm gì?

Ðỗ-Cẩm giận đỏ mặt, day lại ngó thằng Hạnh, thấy nó đứng dựa cây cột chong mắt lườm-lườm, dường như chờ Ðỗ-Cẩm làm dữ đặng nó có ra tay. Lê-văn-Ðó thấy bộ tịch hai người như vậy thì ông nghi chúng nó muốn hành hung, song ông đứng nghiêm-chỉnh tỉnh táo như thường, sắc mặt coi chẳng có vẻ lo sợ chi hết.

Ðỗ-Cẩm vuốt râu rồi ngó ngay ông mà nói lớn rằng:

-         Tôi nói cho ông biết: hồi trước ông làm ngang ông bắt con nhỏ tôi. Tôi chạy theo tôi đòi, ông chở đi tuốt, ông không chịu trả. Mấy năm nay tôi tìm ông hết sức không gặp. Bây giờ tôi gặp ông đây, vậy ông phải trả con nhỏ tôi lại cho tôi, nếu ông không trả ông coi tôi.

-         Tôi làm sao mà nói tôi làm ngang. Tôi chuộc nó một nén bạc, chú lấy bạc chú ăn, chớ phải tôi bắt không hay sao.

-         Mà bây giờ tôi không chịu, tôi bắt nó lại, ông phải trả nó cho tôi.

-         Trả sao được! Chú có phải là cha mẹ, hay là chú bác gì nó hay sao mà chú đòi.

-         Vậy chớ ông lại bà con gì với nó hay sao mà ông được bắt nó.

-         Tôi không bà con với nó mà tôi được nuôi nó, bởi vì mẹ nó giao nó cho tôi nuôi.

-         Ông nói láo. Tôi có đi tìm đến Cần-Ðước mà hỏi thăm, thì họ nói Ánh-Nguyệt chết đã lâu rồi. Sao ông dám đến ông gạt tôi mà bắt con nhỏ? Nếu ông chịu giao con nhỏ lại cho tôi thì êm, chớ nếu ông cượng lý, tôi thưa với quan Bố ngài đóng gông ông đa, tôi thân với quan Bố lắm, nói cho ông biết.

-         Chú thân với ai thì mặc chú, chú kiện đến đâu thì chú kiện. Chú tưởng đâu chú hăm dọa như vậy rồi tôi sợ chú hay sao?

-         Thằng cha già nầy nói hơi cứng dữ chớ! Thiệt không chịu giao con nhỏ hay sao?

-         Không. Giao sao được.

-         Thằng cha già nầy tới số rồi!

Lê-văn-Ðó nghe hăm nữa, thì chúm-chím cười, song mắt ông ngó Ðỗ-Cẩm trân-trân, dường như ông thách Ðỗ-Cẩm muốn làm việc chi thì làm thử cho ông coi. Ðỗ-Cẩm thấy cử chỉ ông già như vậy càng thêm giận, nên vói tay sau lưng rút ra một cái mác, rồi chờn vờn nhảy tới mà chém Lê-văn-Ðó. Chẳng dè ông già tuổi đã cao, mà mắt còn lanh, sức còn mạnh, ông thấy Ðỗ-Cẩm đưa cái mác lên mà chém ông, thì ông tràn qua một bên, rồi một tay ông chụp cái mác, một tay ông bóp họng Ðỗ-Cẩm, hai người lây-quây vật với nhau.

Ðỗ-Cẩm bị bóp họng thở è-è, song rán kếu: “Hạnh, tiếp tao.”

Tên Hạnh rút cái búa trong lưng ra rồi a vô muốn búa Lê-văn-Ðó. Ông già thiệt là lẹ, ông thấy tên Hạnh vô tiếp, ông vụt Ðỗ-Cẩm xây tròn, hễ tên Hạnh đứng phía nào, ông cứ day lưng Ðỗ-Cẩm qua phía đó hoài, bởi vậy Hạnh vá búa mà chém không được.

Thu-Vân nãy giờ đứng núp trong buồng mà nghe hai người cãi lộn, chừng nàng nghe lụi-hụi mới ló đầu ra mà dòm. Nàng thấy Ðó với Cẩm đương vật nhau, mà Hạnh lại vô tiếp thì nàng kinh khủng nên la bài-hải rằng: “Bớ người ta, họ giết ông tôi đây nè, bớ người ta!”

Thể-Phụng đứng ngoài rình nghe cãi lộn, lại vạch lá mà dòm. Chừng chàng thấy Ðỗ-Cẩm rút mác ra, toan làm dữ, thì chàng chạy vô, sở tâm chàng tính can hai đàng, chớ không tính đánh đập kẻ hung ác. Chàng vừa bước vô tới cửa, bỗng nghe tiếng Thu-Vân cầu cứu, lại thấy tên Hạnh hăm-hở toan búa Lê-văn-Ðó thì cái tánh khẳng khái binh hiền lương ghét hung bạo của chàng nó phát lên, chàng không còn nhớ sự gì khác hơn là trừ hai thằng côn đồ đương toan giết một người ngay, bởi vậy hai tay chàng nắm cây giầm mà bủa ngang qua cần cổ tên Hạnh một cái bốp, nó ngã nằm dài dưới đất, cái búa lăn ra xa lắc. Thể-Phụng đập luôn trên cánh tay mặt của Ðỗ-Cẩm một cây nữa. Ðỗ-Cẩm gần gảy cánh tay, nên buông cái mác cho Lê-văn-Ðó.

Lê-văn-Ðó lấy được cái mác rồi, mà ông không thừa dịp ấy mà chém Ðỗ-Cẩm lại, ông chỉ nắm cổ mà xô nó ra một cái mạnh quá, làm cho Ðỗ-Cẩm té ngửa đập đầu vô cửa lá chầm nghe một cái ầm.

Thể-Phụng một tay cầm cây giẩm, một tay chống nạnh đứng ngó hai thằng bất lương ấy lườm-lườm.

Còn Thu-Vân với Lê-văn-Ðó không biết Thể-Phụng là ai, ở đâu mà vào cứu mình mau lẹ như vậy, nên chăm chỉ nhìn chàng, quên coi chừng Ðỗ-Cẩm với tên Hạnh.

Ðỗ-Cẩm liệu thế không xong, nên bị xô té rồi thì lồm-cồm ngồi dậy và bò ra sân mà chạy. Tên Hạnh ôm cần cổ và cóm róm bước ra cửa rồi cũng chạy theo Ðỗ-Cẩm.

Thể-Phụng, Lê-văn-Ðó với Thu-Vân đứng coi bọn Ðỗ-Cẩm đi, không ai tính bắt buộc chi hết, vì mỗi người đều có một ý riêng: Thể-Phụng vì chữ hiếu nên phải làm lơ; Lê-văn-Ðó thì vì sợ lậu việc của mình, nên không gây tụng, còn Thu-Vân thì sợ Ðỗ-Cẩm bắt mình lại, nên không dám hở môi.

*

*      *

Bọn Ðỗ-Cẩm đi rồi, Thể-Phụng day lại thấy bàn tay trái của Lê-văn-Ðó máu chảy ròng ròng. Chàng tưởng ông bị Ðỗ-Cẩm chém trúng, nên lật đật nắm tay ông dắt lại gần đèn mà coi.

Lê-văn-Ðó nói rằng: “Chút đỉnh, không hại gì. Tôi giành cái mắc với nó nên đứt tay, chớ không phải nó chém trúng tôi đâu.”

Thể-Phụng coi kỹ thì thiệt quả trong lòng bàn tay ông đứt một đường dài, tuy máu ra nhiều, song dấu đứt không sâu. Chàng bèn hối nàng Thu-Vân lấy ruột trái cau tươi mà nhai dập-dập đặng cho chàng đấp trên dấu đứt mà cầm máu. Nàng nhai cau rồi đưa cho chàng. Chàng lại xin một miếng giẻ, rồi đặt cau vô mà nịt tay ông lại.

Thể-Phụng được gần Thu-Vân mới thấy rõ dung mạo của nàng: nước da trắng đỏ, mái tóc đen thui, cặp chơn mày nhỏ rức mà cong vòng, cặp con mắt hữu tình mà sáng rỡ. Răng trắng nõn lại thêm lại thêm môi son che đậy, má miếng bầu lại có núng hai đồng tiến. Gương mặt đã hữu duyên mà bàn tay lại dịu nhiễu; tướng đi đã yểu điệu, mà tiếng nói lại trong ngần. Thiệt là sắc nước hương trời, thấy xa phải động tình, thấy gần phải mê mẩn.

Thể-Phụng nịt tay cho Lê-văn-Ðó mà trong lòng ngẩn-ngơ ngơ-ngẩn quên hết thế sự, cứ tưởng nợ duyên.

Lê-văn-Ðó để cho chàng làm xong rồi ông mới nói rằng: “Thiệt tôi mang ơn cậu nhiều quá. Nếu không có cậu cứu tôi, chắc là tôi mang hại.”

Thể-Phụng lại ván mà ngồi, mắt thì liếc ngó Thu-Vân, song miệng thì đáp với Lê-văn-Ðó rằng:

-         Ông thiệt là giỏi. Tôi khen ông lắm. Ông đã già cả, mà sức lực còn mạnh quá. Chúng nó tới hai đứa, lại cầm mác cầm búa, ông có một mình, lại tay không, mà chúng nó không làm nổi. Giỏi thiệt chớ.

-         Bây giờ tôi đã yếu hơn hồi trai nhiều. Hồi nãy tôi lầy-quầy với thằng Ðỗ-Cẩm có một chút mà tôi đã mệt đuối. Phải mà cậu tiếp cứu trễ một chút, tôi sợ thằng kia nó chém tôi được. Thiệt tôi mang ơn cậu quá. Thưa cậu, không biết cậu là ai, vốn người ở đâu, tên họ là chi, xin cho tôi biết.

-         Tôi họ Vương tên Thể-Phụng, tôi gốc ở phủ Tân-An, cha mẹ khuất sớm, tôi đi du học mấy tháng nay, tôi làm đề lại tại dinh quan Bố mà chờ đến năm tí đặng đi thi.

-         Bây giờ nhà cậu ở đâu?

-         Tôi ở phía ngoài kia mà ở mé sông bển.

Lê-văn-Ðó ngồi lặng thinh, mà coi sắc mặt ông thì biết ông đương suy nghĩ. Thu-Vân ngồi trên cái chõng phía bên kia, lại ngồi nhằm cái bóng cây cột, nàng bèn cất tiếng hỏi Thể-Phụng rằng: “Thưa cậu, hồi nãy có lẽ cậu đứng đâu ngoài sân hay sao, mà tôi vừa la lên thì cậu chạy vô liền?”

Nàng hỏi thiệt tình, mà vì Thể-Phụng có ý riêng nên chàng hổ thẹn. Chàng bợ-ngợ nên nói ú-ớ rằng:

-         Tôi đứng ngoài. Tôi đi chơi … Tôi nghe ….

-         Thiệt hồi nãy tôi thấy thằng cha kia rút cái búa ra, chờn vờn muốn phụ mà chém ông tôi, thì tôi hết hồn hết vía. Tôi la bài-hải, tôi sợ chúng nó giết ông tôi, tôi la dứt tiếng, thì cậu nhảy vô đánh thằng kia một cây té nhào văng cái búa, tôi mừng quá. Nếu không có cậu cứu, thì chúng giết ông tôi rồi chắc là chúng bắt tôi. Cậu đi chơi mà cậu làm được một cái ơn lớn quá.

-         Không phải tôi đi chơi mà gặp. Tôi hay chúng nó bàn soạn đi làm hại người ta. Tuy là tôi không rõ chúng nó muốn đến nhà nào, song tôi cũng nom theo mà coi. Chẳng dè tôi thấy chúng nó vô đây. Tôi mới lần vô theo rồng đứng tại đầu xông đây mà rình, chừng tôi thấy chúng nó làm dữ tôi mới nhảy vô chớ.

-         May quá!

-         May thiệt.

Thể-Phụng nói “may thiệt” mà chàng lại ngó Thu-Vân mà cười. Nàng cũng chúm-chím cười. Chàng day qua hỏi Lê-văn-Ðó rằng:

-         Thưa ông, không biết cô đây là con hay là cháu của ông vậy?

-         Cháu.

-         Hồi nãy tôi đứng ngoài hè, tôi nghe thằng Ðỗ-Cẩm có cãi lẽ với ông, nó có bà con chi với cô đây hay không?

-         Không.

-         Sao hồi nãy nó xưng nó là cha nuôi?

-         Số là vầy, để tôi nói cho cậu nghe. Hồi con nầy được tám chín tuổi, mẹ nó mướn vợ chồng thằng Ðỗ-Cẩm nuôi. Mẹ nó đi xa rồi mắc đau ốm lòng dòng về rước nó không được. Chừng mẹ nó chết, mẹ nó mới cậy tôi rước mà nuôi giùm. Tôi đến rước thì thấy vợ chồng Ðỗ-Cẩm nó hành hà cái thân con nhỏ hết sức, cơm bữa đói bữa no, áo quần lang-thang lưới-thưới, ngủ thì ngủ chuồng heo chuồng vịt, mà nó còn đánh đập chưởi bới tối ngày. Tôi xin rước con nhỏ nó đòi tiền nuôi tới một tháng một quan lại còn đòi tiền áo tiền quần, tiền thầy tiền thuốc. Tôi phải trả cho nó tới một nén bạc, nó mới chịu cho tôi rước. Vợ chồng thằng đó thiệt là đồ ác nghiệt. Vậy mà hồi nãy nó còn hăm nó đi cáo tôi. Nó nói nó thân với quan Bố lắm, để nó làm cho tôi bị đóng gông. Cậu liệu thử coi nó có thế làm hại tôi được hôn cậu?

-         Tôi thấy nó lối một tháng nay nó vô ra trong dinh quan Bố thường. Chắc là nó quen với quan Bố. Tuy vậy mà ông đừng sợ. Ðể sáng mai tôi tỏ trước việc nầy cho quan Bố hay. Có tôi đây, nó không làm gì mà hại đến ông được đâu.

Thu-Vân nghe Thể-Phụng nói như vậy thì nàng bước lại rưng rưng nước mắt và nói rằng : «Xin cậu thương giùm thân của ông cháu tôi. Cậu làm phước bảo bọc giùm, ơn của cậu dầu ngàn năm ông cháu tôi cũng còn ghe tạc. »

Thể-Phụng nghe tiếng dịu dàng thì chàng mê-mẩn, mà nghe hơi bi thảm thì chàng động lòng, bởi vậy chàng ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi nàng rắng :

-         Nếu vậy thì cô không có bà con với Ðỗ-Cẩm?

-         Thưa, không.

-         Mà cô cũng không có bà con với ông đây?

-         Thưa … Thưa, có chớ.

-         Bà con làm sao?

-         Thưa, má tôi hồi trước kêu ông tôi đây bằng chú.

-         Nếu vậy thì cô sợ việc gì?

-         Thưa cậu, Ðỗ-Cẩm đã hung dữ, mà lại quỉ-quyệt lắm. Tôi sợ nó thân thích với quan, nó òn-ỷ, quan nghe nó, rồi dạy tôi phải bỏ ông tôi đây mà đi theo nó. Tôi nói thiệt, nếu quan dạy như vậy thì chắc tôi tự vận tôi chết, chớ tôi không đành bỏ ông tôi.

-         Xin cô đừng có buồn. Ðể sáng mai tôi tỏ trước việc nầy cho quan Bố hay.

-         Xin cậu làm phước giùm.

-         Ðược. Không sao đâu. Ðể tôi tỏ với quan Bố rồi chiều mai tôi qua tôi nói lại cho ông với cô hay.

-         Cậu có lòng chiếu cố, thiệt ơn ấy đáng ngàn vàng.

-         Có chi đâu mà gọi rằng ơn.

-         Cậu đã cứu ông cháu tôi khỏi chết, bây giờ cậu còn lo bảo bọc bữa, dường ấy là ơn sau nghĩa nặng, chớ còn đợi sao nữa.

-         Cô nói nghĩa thì tôi chịu, chớ đừng có nói ơn.

Chàng trả lời như vậy mà lại liếc nàng và chúm-chím cười. Nàng hội ý nên cúi mặt thối lui, không cãi nữa.

Trống đồn đã trở canh năm. Thể-Phụng bèn từ Lê-văn-Ðó với Thu-Vân mà về. Lê-văn-Ðó đưa chàng ra tới cái ụ, chỗ buộc chiếc xuồng hồi nãy. Lúc chàng xô xuồng ra mà đi ông còn dặn vói rằng: “Xin cậu tỏ giùm với quan Bố, rồi làm ơn cho tôi hay.” Thể-Phụng đáp rằng: “Chiều mai tôi qua. Ông vô nghỉ đi.”

Thể-Phụng bơi xuồng về ngang cái chòi của Ðỗ-Cẩm thì thấy chiếc ghe lườn không có dưới bến, mà trên chòi cũng vắng teo.

Sáng bữa sau chàng vô dinh mà làm việc. May gặp bữa quan Bố vui, chàng bèn đem chuyện Ðỗ-Cẩm hành hung hồi hôm mà thuật lại cho quan Bố nghe. Nhơn dịp ấy chàng lại tỏ cho quan Bố hay trước rằng Ðỗ-Cẩm sẽ vào cửa công cáo gian người ta, nên chàng xin quan Bố chớ tin lời của kẻ quấy.

Quan Bố nghe rõ rồi ngài cười và nói rằng: “Ta biết vợ chồng thằng đó lắm. Chúng nó gian trá quỉ-quyệt không ai bì kịp. Hồi ta lên Gia-Ðịnh mà thi ta có ở đậu nhà nó mấy tháng. Nó thừa sự quen biết ấy nên bây giờ đến đây làm bộ chết đói mà xin tiền hoài. Ta không nỡ đuổi nó, mà nếu nó làm quấy thì ta phải làm hại nó. Mi coi chừng hễ nó có làm bậy việc gì nữa, thì phải bẩm cho ta hay.”

Thể-Phụng vì chí tình mà cáo Ðỗ-Cẩm; chàng nghe quan Bố nói như vậy thì chàng mừng. Nhưng mà về đến nhà chàng nhớ Ðỗ-Cẩm là ân-nhơn của cha chàng, chàng gặp người chàng đã không trả ơn, mà còn lại lo ngăn trở đường đi của người nữa, thế thì chàng bất hiếu với cha biết chừng nào. Ban đầu chàng tự trách chàng làm trai mà chàng trọng tình hơn là hiếu, bởi vậy chàng buồn bực vô cùng. Mà rồi chàng nghĩ lại tuy Ðỗ-Cẩm là ân-nhơn của cha, tuy cha có di ngôn hễ ngày sau gặp Ðỗ-Cẩm thì phải trả ơn thế cho cha, song nay mình gặp Ðỗ-Cẩm đương làm việc hung ác, có lý nào mình phải vì ơn riêng ấy mà giúp cho nó làm quấy cho được. Cha mình là người nghĩa sĩ chơn chánh, ví dầu đích thân cha mình gặp Ðỗ-Cẩm làm quấy thì cũng không nỡ giúp cho nó, huống chi là mình. Ðến hồi hôm mình thả cho nó đi, không nỡ bắt nó, ấy là trả ơn cho nó rồi. Bây giờ mình cản không muốn để cho nó làm quấy nữa, ấy là mình trả ơn thêm cho nó, chớ phải mình hại nó hay sao mà sợ trái ý cha.

Thể-Phụng suy xét cùng lý rồi chàng mới hết buồn. Tuy vậy mà trong lòng chàng vẫn còn ái ngại. Chàng bèn tính để chàng nói trước cho Ðỗ-Cẩm biết đặng đừng có làm quấy nữa, chớ nếu để nó làm quấy, quan Bố hại nó, mình chẳng khỏi ăn-năn.

Ðến chiều, ăn cơm rồi, Thể-Phụng mượn xuồng đi qua nhà Lê-văn-Ðó. Chàng muốn gặp mặt Thu-Vân cho mau, nên bơi riết. Nhưng mà khi đi ngang chòi Ðỗ-Cẩm chàng nhớ việc của chàng, nên ghé lại đặng phân trần phải quây cho Ðỗ-Cẩm nghe.

Chàng bước vô chòi thì thấy Ðỗ-Cẩm đương nằm trên cái chõng, người vợ là Thị-Phi thì đương lăng-xăng trong bếp lo nấu cơm.

Ðỗ-Cẩm thấy Thể-Phụng thì lồm côm ngồi dậy, tay trái đỡ cánh tay mặt, còn mắt thì ngó Thể-Phụng trân-trân.

Thể-Phụng cười và hỏi rằng:

-         Tay chú còn đau hay sao?

-         Ðau.

-         Chú biết tôi hôn?

-         Không.

-         Mới hồi hôm đây, mà chú quên mau quá.

Ðỗ-Cẩm lỏ mắt ngó Thể-Phụng mà lại có sắc sợ. Thể-Phụng bước lại cầm cánh tay mặt của anh ta và vạch áo ra mà coi thì thấy có một lằn bầm đen và sưng vù. Chàng mới nói rằng: “Vì tôi thương chú lắm, nên hồi hôm tôi không nỡ đập chết chú, mà tôi cũng không nỡ bắt chú mà nạp cho quan. Tôi nói cho chú biết, tôi đây là đề lại trong dinh quan Bố. Nhà chú đến làm dữ hôm qua đó là nhà bà con của tôi. Tôi đã có thưa với quan bố rồi. Quan bố dạy tôi, hễ nghe chú làm quấy, bất luận là làm việc gì, thì phải bắt chú nạp cho quan Bố làm án chú. Ngài không thương gì chú đâu, chú đừng lấp-lửng mà mang khổ. Tôi thương, nên làm phước nói giùm cho chú hiểu. Chú hãy lo làm ăn, đừng có tính việc bậy bạ, nhứt là đừng có động đến cái nhà hồi hôm đó nữa.”

Ðỗ-Cẩm sợ, nên biến sắc. Thị-Phi cũng chưng-hửng, nên đứng ngó Thể-Phụng trân-trân. Thể-Phụng nói rồi quày quả xuống xuồng bơi mà đi, nghĩ thầm rằng mình làm như vậy thì hiếu tình trọn vẹn cả hai, bởi vì mình cản không để cho ân nhân của cha mình làm việc quấy, mà bị quan bố hại, mà lại mình còn bảo bọc ông cháu Thu-Vân khỏi ai làm hại nữa.

Xuồng còn ở xa, mà chàng đã thấy dạng Thu-Vân đứng dựa gốc cây dừa quằn mà trông. Chàng khoăn-khoái trong lòng, nên chàng bươn-bả bơi riết. Xuồng vừa ghé vô bến, thì Thu-Vân chào chàng và nói rằng: “Cậu qua thiệt tôi mừng quá. Từ hồi nửa chiều cho tới bây giờ ông tôi trông cậu lắm, nên cứ biểu tôi coi chừng cậu hoài.”

Thu-Vân nói mừng mà mặt nàng có sắc lo chớ không có sắc vui. Thể-Phụng muốn giải liền cái lòng lo của nàng, nên chàng còn đứng dưới xuồng mà chàng và cười và nói rằng: “Việc tôi hứa với ông hồi hôm đó, tôi đã làm xong rồi hết. Nếu Ðỗ-Cẩm vào dinh quan Bố mà kiện cáo vụ của cô thì quan Bố sẽ làm tội nó liền. Xin cô an tâm, đừng có lo nữa.”

Thu-Vân nghe mấy lời thì trong lòng hớn-hở ngoài mặt tươi chong, nàng ngó Thể-Phụng mà cười và đáp rằng:

-         Cậu có lòng tốt lo bảo hộ cho ông tôi với tôi như vầy, thiệt là ơn cậu trọng quá, tôi biết làm sao mà đền đáp cho được.

-         Cô nói ơn mà làm chi! Tôi muốn làm nghĩa với … với ông, nên tôi phải lo chớ. Miễn là cô được vui vẻ luôn luôn, tôi đến thăm chơi cô không ngăn cấm, ấy là cô trả ơn cho tôi rồi.

-         Cậu đã cứu ông tôi khỏi bị người ta giết, rồi cậu lại còn lo bảo bọc ông tôi với tôi nữa, tất nhiên cậu là ân-nhơn của nhà tôi, dầu cậu không muốn đến nhà, tôi cũng phải mời thỉnh, huống chi là cậu sẵn lòng đến chơi mà tôi dám ngăn cấm.

-         Cô nói như vậy thì tôi đến hoài; không biết chừng bữa nào tôi thưa với ông rồi tôi ở luôn bên nầy.

Thể-Phụng nói câu sau nầy, mà và nói và cười ngất. Thu-Vân hiểu ý chàng, nên nàng cũng cười, song nàng mắc cở nên nàng cúi mặt, không nói nữa. Chàng buộc chiếc xuồng rồi, nàng bèn đứng tránh một bên cho chàng bước lên bờ. Nàng liền mời chàng vô nhà, chàng đi trước, nàng theo sau, tuy không nói chuyện nữa, song coi mặt hai người đều có sắc vui-vẻ.

Lê-văn-Ðó đương nằm trên cái chõng ở phía trước, bàn tay trái còn nịt giẻ. Ông thấy Thể-Phụng bước vô ông lồm-cồm ngồi dậy mà chào. Chàng đi thẳng lại mở giẻ mà coi bàn tay của ông, thì thấy máu đã khô, mà chung quanh cái vít cũng không sưng. Chàng bèn hỏi ông rằng:

-         Ngày nay tay ông có nhức hôn?

-         Không.

-         Nếu vậy thì chắc trong ít bữa đây sẽ lành. Ông cứ nằm nghỉ, đừng làm việc chi động tới tay đó.

 Thu-Vân bước lại nói với Lê-văn-Ðó rằng: “Ông nè, cậu mới nói việc của mình cậu đã lo giùm xong rồi hết. Vậy xin ông đừng có buồn.”

Lê-văn-Ðó nghe mấy lời thì sắc mừng lộ ra ngoài mặt. Ông ngó sững Thể-Phụng, tuy ông không nói tiếng chi hết, song chàng thấy rõ ông cảm tình và hiểu ý ông muốn hỏi coi chàng lo cách nào.

Thể-Phụng mới ngồi ghé nơi đầu ván, rồi thuật rõ các việc chàng đã lo tính trong ngày nay lại cho ông nghe. Chàng nói rằng hồi sớm mơi chàng có bẩm cho quan Bố hay sự Ðỗ-Cẩm hành hung toan giết người mà đoạt gái tốt, may có chàng đi chơi gặp, nên nó làm việc quấy không được. Chàng nhơn dịp ấy lại có bẩm luôn với quan Bố sự nó hăm dọa để vào đơn mà kiện đặng bắt con cháu của người. Quan Bố hăm nó hễ nó làm việc chi quấy thì ngài sẽ hại nó liền. Ngài lại dặn chàng phải coi chừng nó. Khi chàng đi qua đây thì chàng đã có ghé nhà mà nói cho nó biết trước đặng nó bỏ thói bất lương; chàng có dặn nó đừng động đến nhà ông nữa, nếu nó còn rụt rịt thì chàng sẽ xin với quan Bố bắt nó mà hạ ngục liền.

Thể-Phụng ngồi nói mà Thu-Vân đứng ngó chàng không nháy mắt. Chàng thuật hết chuyện rồi chàng lại nói rằng: “Quan Bố có nói hồi nhỏ ngài lên Gia-Ðịnh mà thi, ngài có ở đậu nhà Ðỗ-Cẩm nên ngài biết vợ chồng nó là quân ngang ngược xảo quyệt lắm. Vì có ơn trước nên bây giờ nó đến xin tiền hoài; tuy ngài không nỡ đuổi nó, song ngài cũng không yêu gì nó đâu.”

Lê-văn-Ðó gặt đầu và chúm-chím cười. Thu-Vân lại đứng gần ông và nói rằng: “Vậy thì mình có lo gì nữa, phải hôn ông? Thiệt là nhờ cậu quá!” Lê-văn-Ðó mới nói với Thể-Phụng rằng: “Tôi mang ơn cậu rất nặng, để rồi tôi sẽ tính mà đền ơn cho cậu. Thuở nay cậu không quen biết tôi, mà cậu không sợ hiểm nguy, cậu liều mình mà cứu tôi khỏi chết, rồi cậu còn lo lắng làm cho ông cháu tôi ở ăn yên ổn nữa, cái ơn ấy không lẽ tôi dám làm lơ. Tôi phải lo đền đáp cho xứng.”

Thể-Phụng cười và hỏi rằng:

-         Ông tính đền ơn cách nào? Ông dùng vật chi mà đền ơn, đâu ông nói cho tôi nghe thử coi?

-         Tuy tôi nghèo, song tôi phải ráng mà kiếm năm ba nén bạc mà đền ơn cho cậu mới vừa.

-         Ông tưởng đâu tôi vì muốn cho ông đền ơn năm ba nén, nên hồi hôm tôi cứu ông, rồi ngày nay tôi lo giùm việc của ông đó há? Nếu ông tưởng như vậy thì tội nghiệp cho tôi lắm. Tôi tuy nhỏ tuổi và làm đề-lại thôi, song tôi làm việc chi, ây là vì nhơn nghĩa chớ không phải vì bạc tiền đâu. Nếu ông muốn để cho tôi tới lui mà chơi, thì xin ông đừng có nói việc đền ơn nữa, chớ ông cứ nói hoài, thì thiệt tôi không dám tới.

-         Cậu làm ơn cho tôi, thì tôi phải lo trả ơn, chớ cậu biểu tôi đừng nói tới ơn nghĩa, thì tôi chịu sao đặng.

-         Tôi không muốn cho ông nói tới sự đó.

Lê-văn-Ðó muốn mở miệng mà cãi thì Thu-Vân lại can rằng: “Cậu dạy như vậy, thì ông cứ nghe lời. Ông cãi lẽ với cậu làm chi cho cậu phiền.”

Lê-văn-Ðó nín khe. Thể-Phụng bước ra ngoài cửa đứng ngó xuống rạch. Mặt trời đã lặn rồi lại thêm chuyển mưa nên mây giăng đen kịt. Chàng đứng dựa cửa mà suy nghĩ, trong bụng bồi-hồi, dường như chàng mới làm một việc chi quấy đó vậy.

Thu-Vân thấy trời đã tối, nên nàng lo thổi lửa đốt đèn, rồi nàng lấy chiếu mà trải lên ván. Lê-văn-Ðó mời Thể-Phụng vô nằm nói chuyện chơi.

Trời mưa tới ào ào; cách chẳng bao lâu nước trên mái nhà đổ xuống nghe rôn rổn.

Thể-Phụng trở vô nói rằng: “Trời mưa lớn quá, làm sao mà về cho đặng.” Lê-văn-Ðó đáp rằng: “Mời cậu nằm trên ván đó mà nghỉ. Cậu ở nói chuyện chơi, để hết mưa rồi sẽ về.”

Thể-Phụng lại ván giữa mà nằm, Lê-văn-Ðó nằm trên cái chõng. Thu-Vân sợ gió tạt tắt đèn, nên đi sập cửa, rồi trở vô ngồi trên chõng, phía dưới chơn của Lê-văn-Ðó.

Vã Lê-văn-Ðó là người ít hay nói chuyện, nên ông nằm mà nghe trời mưa, chớ không nói chi hết, chừng nào Thể-Phụng có hỏi thì ông mới trả lời, mà nhiều khi ông lại để cho Thu-Vân trả lời thế.

Thể-Phụng muốn biết căn-nguyên của ông với của Thu-Vân coi người ở xứ nào, thuở nay làm nghề gì, ngặt vì chàng ái ngại nên không dám mở miệng.

Cách một hồi lâu, Lê-văn-Ðó lại hỏi chàng vậy chớ cha mẹ ở đâu, năm nay chàng được bao chiêu tuổi, đã có vợ con hay chưa. Thể-Phụng uất về việc nhà, bấy nay không gặp người tri kỷ mà tỏ bày, đặng cho thỏa bớt nỗi phiền muộn của mình. Hôm nay chàng đương bưng-khuâng vì ái tình, chàng đương tư-tưởng về duyên nợ, đã vậy mà người yêu lại ngồi trước mặt đó nữa. Thình-lình ông hỏi tới gia đạo của chàng, ông làm cho chàng cảm xúc không thể dằn lòng được, bởi vậy chàng mới ngồi dậy rồi thủng thẳng kể hết các việc của chàng cho ông với Thu-Vân nghe. Chàng kể việc cha mẹ sanh thành, kể khúc ông ngoại nuôi dưỡng, kể công mười năm đèn sách, kể nỗi cha vì thương con mà phải đoạn tình cốt nhục, kể nỗi ông vì thương cháu phân rẽ cha con, kể luôn tới việc thương cha mà phải nghịch với ông, chàng kể hết, chàng giấu có một đều là giấu lời trối của cha về ơn của Ðỗ-Cẩm.

Thể-Phụng thuật việc nhà mà bộ chàng buồn thảm lắm. Thu-Vân ngồi lặng thinh mà nghe, nàng nghe tới lúc thảm khổ về nỗi cha với ông ngoại thì nàng lại day mặt vô vách rồi lén lấy vạt áo mà lau nước mắt.

Lê-văn-Ðó biết rõ căn cội của chàng thì ông càng thêm kính mến. Ông nhơn dịp ấy ông thuật việc của ông và Thu-Vân cho chàng biết, song ông không thuật việc thiệt, ông đặt nguyên một truyện mà nói rằng ông từ nhỏ chí lớn không có vợ con. Mẹ của Thu-Vân là cháu của ông, vì chồng khuất sơm muốn rảnh chơn mà đi mua bán, bèn mướn vợ chồng Ðỗ-Cẩm nuôi con giùm. Khi mẹ của Thu-Vân gần chết, nàng có cậy ông bảo bọc giùm, bởi vậy ông mới chuộc Thu-Vân rồi vào chùa Bình-An-Tự mà ở trọn 10 năm cho Thu-Vân học. Năm nay Thu-Vân lớn rồi không lẽ để nàng ở trong chùa nữa được nên ông mới ra mua nhà ở đây, tính làm ruộng mà nuôi nàng.

Thể-Phụng nghe như vậy thì tưởng thiệt như vậy. Chàng nghe nói Thu-Vân có học ở trong chùa 10 năm, chàng bèn rút một hai câu sách mà hỏi thử nàng, hỏi câu nào nàng cắc nghĩa thông câu nấy, chàng lấy làm khen ngợi vô cùng không dè nàng có sắc lại thêm có tài, rõ ràng bức gấm thêu hoa, tưởng trong đời người người nhi nữ như vậy không phải là dễ kiếm.

Ðến gần nửa đêm trời tạnh mưa, trăng ló ọc, Thể-Phụng từ giả mà về. Chàng biết được căn nguyên, chàng thấy rõ diện mạo, chàng thử được tài học, chàng dòm được tánh tình của Thu-Vân rồi thì chàng càng thêm say đắm, càng thêm ước mơ. Chàng nhứt định sẽ cậy mai-nhơn nói với Lê-văn-Ðó đặng chàng cưới Thu-Vân; mà rồi chàng suy nghĩ lại chàng đã làm ơn cho ông, ông với Thu-Vân có lòng muốn trả ơn cho chàng, nếu chàng đem chuyện hôn nhơn ra mà nói, thi chi cho khỏi nàng nghi cho chàng làm ơn ấy là vì tư ý chớ không là vì háo nghĩa, mà hễ nàng nghi như vậy thì té ra chàng là đứa tiểu nhơn.

Thể-Phụng tính tới bàn lui, không biết liệu lẽ nào, mở miệng thì hổ ngươi, lặng thinh thì xót dạ, vắng mặt thì thương nhớ, giáp mặt thì ngậm-ngùi. Chàng buồn bực không qua thăm ông cháu Thu-Vân nữa, mà cũng vì không đi thăm, mỗi đêm chàng cứ nằm dàu-dàu mà tư tưởng hoài, học không được mà ngủ cũng không được, bởi vậy trong vài ngày thì chàng nhuốm bịnh.

Còn-Thu-Vân từ khi Thể-Phụng cứu ông nàng, thì nàng đã đem lòng ái kỉnh rồi. Ðến chừng nàng thấy chàng hết lòng lo bảo bọc cho nàng thì nàng càng thêm quyến luyến. Mà lòng ái kỉnh quyến luyến ấy, là vì ơn mà thôi, chớ không phải vì ý nào khác. Chừng nàng nghe Thể-Phụng thuật hết việc nhà, nàng mới biết rõ chàng là một bực chơn chánh quân tử, lúc chàng ngồi nói chuyện thì nàng cảm xúc, khi chàng ra về rồi thì nàng động tình.

Mấy bữa sau, hễ chiều ăn cơm rồi, thì nàng ra ngồi dựa mé sông, miệng thì nói ngồi chơi, mà ý thì thiệt ngồi trông Thể-Phụng. Nàng chờ cho đến tối, không thấy chàng qua, nàng đứng dậy thở dài rồi thủng-thẳng đi vô nhà nằm dàu-dàu.

Tuy Lê-văn-Ðó không nói ra, song ông thấy cử chỉ của nàng như vậy, thì ông đã hiểu ý của nàng rồi. Ông nghĩ ông dắt Thu-Vân đến ở đây, là có ý muốn làm cho nàng hiệp với cha, chớ không làm cho nàng kiếm chồng. Nhưng mà sự cha con hiệp nhau không phải là sự dễ, ngày trước Hải-Yến mới thi đậu mà đã không chịu nhìn vợ, ngày nay đã làm quan lớn rồi há anh ta chịu nhìn con hay sao. Tình cờ mà gặp Thể-Phụng đây cũng là một may mắn lắm. Thể-Phụng có tài học hay, có tánh háo nghĩa, có khiếu quân tử, có lòng thảo thân. Nếu nhơn dịp nầy mà gả Thu-Vân cho chàng, thì chẳng những là mình đền ơn đáp nghĩa cho chàng được mà thôi, mà con Thu-Vân có lẽ cũng được chỗ xứng đáng mà nương nhờ về sau nữa.

Ông nghĩ như vậy nên ông tính đợi Thể-Phụng có qua chơi nữa thì ông sẽ bày việc hôn nhơn ra mà nói với chàng. Ông trông luôn cho đến gần 10 bữa mà cũng không thấy Thể-Phụng. Còn ở trong nhà thì Thu-Vân lửng-đửng lờ đờ, biếng nói bặt cười, ăn không ngon, nằm không ngủ.

Một bữa Lê-văn-Ðó thấy Thu-Vân ngồi buồn xo, ông mới hỏi rằng: “Cháu suy nghĩ việc gì mà coi bộ cháu buồn dữ vậy?” Thu-Vân ngồi lặng thinh một hồi lâu rồi mới đáp rằng: “Cháu không hiểu tại làm sao mà cậu Thể-Phụng phiền ông cháu mình nên cậu không thèm tới nhà mình nữa.”

Lê-văn-Ðó cười và nói rằng:

-         Có việc gì đâu mà cậu phiền. Bữa nay tay ông đã hết đau rồi. Ðể chiều ông qua nhà cậu mà thăm coi.

-         Ông biết nhà cậu hôn?

-         Hôm trước cậu có chỉ chừng. Cậu nói cậu ở đậu nhà bà hai Tiền. Ông qua đó ông hỏi thăm thì ra mối, chớ có khó gì.

-         Ðược a. Ông qua thăm, rồi mời cậu qua chơi. Mình mang ơn cậu nhiều, không nên để cậu phiền.

Trời mới xế bóng mà Thu-Vân đã lo nấu cơm dọn cho ông ăn. Ông hiểu ý nàng muốn cho ông đi sớm, bởi vậy ăn cơm rồi thi ông liền đi lại đàng xóm mượn xuồng và mượn một đứa nhỏ bơi đưa ông đi.

Lê-văn-Ðó hỏi thăm nhà bà hai Tiền mà vọ. Ông vừa bước tới cửa thì thấy Thể-Phụng đương nằm trên bộ ván gát tay qua trán mà day mặt vô vách. Ông đáng tiếng, chàng giựt mình day lại thấy ông, chàng lật đật ngồi dậy mời ông vô nhà. Chàng hỏi ông vậy chớ tay đã lành hay chưa. Ông cười và nói rằng:

-         Tay tôi cũng gần lành rồi. Hổm nay tôi với cháu tôi trông hoài mà không thấy cậu qua chơi. Tôi không biết cậu có việc chi, nên tôi qua thăm coi rồi mời cậu qua nhà chơi.

-         Hổm nay tôi muốn qua bển lắm, ngặt vì tôi bịnh, nên đi không tiện.

-         Bịnh sao đó?

-         Bịnh … chút đỉnh. Nhức đầu nóng lạnh vậy mà.

-         Bất nhơn dữ hôn! Tôi có hay đâu. Hổm nay cậu không qua, con cháu tôi nó sợ cậu phiền, nên nó buồn quá. Vậy xin mời cậu qua chơi một lát, đặng cho nó vui, kẻo nó sợ cậu giận hoài.

-         Tôi có phiền giận việc chi đâu. Thôi ông về trước rồi một lát nữa tôi qua.

-         Ừ, để tôi về trước tôi nói cho nó hay, kẻo nó trông.

Lê-văn-Ðó về tới nhà thì thấy nhà cửa từ trong ra ngoài Thu-Vân đã quét tước sạch bót. Ông nói một lát Thể-Phụng sẽ qua sau. Nàng nghe mấy lời thì sắc mừng lộ ra mặt, lật-đật dọn vật nầy, dẹp đồ nọ, làm coi lít-xít lăng-xăng. Tuy nàng ở trong nhà, song một lát nàng lại gần cửa rồi liếc mắt dòm ngoài rạch một cái, có ý coi chừng Thể-Phụng qua hay chưa.

Mặt trời gần lặn Thể-Phụng qua mới tới. Hôm trước chàng với nàng chưa quen cho lắm, mà gặp mặt nhau thì hớn-hở chuyện vãn vui cười. Bữa nay quen biết nhau nhiều, mà chàng với nàng thấy mặt nhau lại có sắc e lệ, không nói chuyện lăng-xăng như hôm nọ nữa.

Lê-văn-Ðó mời Thể-Phụng ngồi, nói chuyện lôi thôi với chàng một lát rồi ông biểu Thu-Vân đi nhúm lửa nấu nước lá cho ông uống chơi. Thu-Vân đi xuống dưới bếp rồi, ông mới ngồi xích lại một bên Thể-Phụng mà nói nhỏ-nhỏ rằng: “Tôi nuôi con Thu-Vân thuở nay tôi thương nó lung lắm. Chẳng giấu cậu làm chi, bấy lâu nay tôi không gả nó lấy chồng, tôi muốn để nó ở với tôi hoài đặng ông cháu hủ-hỉ với nhau. Bây giờ tôi nghĩ lại tôi đã già yếu rồi không biết chết bữa nào, nếu tôi thương nó mà không chịu gả nó lấy chồng, thoảng như tôi chết thình-lình rồi nó biết ai mà nương nhờ. Từ hôm tôi biết cậu đến nay thì tôi mến tánh tình, tôi khen tài đức của cậu lắm. Cậu thiệt là bực chơn chánh quân tử, nếu mà con Thu-Vân có chồng như cậu thì cái ngày tôi nhắm mắt tôi vui lòng không biết chừng nào. Tuy con Thu-Vân là đứa hèn hạ quê mùa, song tôi chắc nó cũng đủ tư cách mà nưng khăn sửa trắp cho cậu. Vậy xin cậu làm ơn thì làm cho trót, cậu để tôi gả nó cho cậu, trước là nó đền ơn cậu cứu tôi hôm nọ, sau nữa chừng tôi nhắm mắt nó có chỗ mà cậy nhờ.”

Thể-Phụng nghe ông nói mấy lời thì mừng quýnh nên nghẹn-ngào không biết sao mà trả lời. Chàng ngó vô cửa buồng thấy dạng Thu-Vân vởn vơ trong đó, chàng lại bối rối hơn nữa.

Chàng ngồi ngẩn ngơ một hồi rồi mới đáp rằng:

-         Thưa ông, phận tôi là bần-sĩ, ông thương nên ông tính như vậy, thì tôi mừng lắm, có lẽ nào tôi dám phụ rãy tình ông. Nhưng mà tôi còn ngại một đều là không biết cô Thu-Vân có khứng kết tóc trăm năm với tôi hôn?

-         Sao lại không khứng, cậu đừng ngại sự ấy.

-         Nếu được như vậy thì tôi xin vưng.

-         Tuy vậy mà tôi còn tỏ với cậu một chuyện nầy nữa: theo như lời cậu nói hôm nọ thì bà con bây giờ cậu còn có một ông ngoại với một bà dì. Tôi muốn sao cậu về thưa cho ông ngoại với dì hay rồi sẽ cưới.

-         Ông ngoại tôi giận tôi nên đã đuổi tôi rồi, bây giờ tôi về sao được.

-         Phận làm cháu chẳng nên oán giận ông bà. Giận thì làm lung một lát rồi thôi, chớ tay cắt tay sao đành. Tôi khuyên cậu hãy về thưa cho ông ngoại hay trước đặng cho tròn lễ nghĩa. Nếu ông ngoại hay bà dì qua đứng chủ hôn mà cưới thì càng tốt lắm.

Thể-Phụng châu mày ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Ông nói vậy thì hay vậy, để vài bữa tôi tính rồi tôi thưa cho ông hay.”

Chàng về nhà nằm suy đi xét lại, thì lời buộc của ông Lê-văn-Ðó không phải là buộc quấy, người ta muốn cho mình thảo thuận với ông bà, chớ có phải người ta buộc mình phải ngổ nghịch hay sao mà mình trách người ta. Khi mình giáp mặt với cha mình thì cha mình cũng khuyên mình đừng có phiền ông ngoại. Tại mình nóng giận mình chống cự, nên ông cháu mới phân rẽ nhau mấy năm nay. Ðã biết ngày trước ông khắc bạc với cha mình lắm, làm cho cha mình khổ não trọn đời, đến chừng nhắm mắt không thấy mặt con được. Mà phận mình là con cháu, hai vai gánh nặng, nếu mình thương cha rồi trở oán ông thì mình chẳng khỏi có lỗi với ông. Vậy thôi mình cũng nên thừa dịp nầy về thăm ông và tỏ việc hôn nhơn luôn thể.

Thể-Phụng quyết định rồi chàng mới xin phép quan Bố nghỉ một tháng đặng về quê thăm ông ngoại. Chàng được phép rồi, lật-đật qua nhà Lê-văn-Ðó mà cho ông hay. Sáng bữa sau chàng mướn ghe đi về Vũng-Gù.

 

[1] Nghiêng ra, xoè ra xa

[2] Quay qua một vòng để siết chặt

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá