Ngọn cỏ gió đùa

Vương-thể-Phụng trở về đến nhà, trong lòng tuy buồn thảm nhưng mà ngoài mặt làm vui như thường. Vì chàng đã có dặn trước thằng Son, nên nó cũng giấu giùm, trong nhà ai hỏi đi đâu, thì nó cứ nói đi theo cậu qua Bến-Tranh, chớ không nói đi Nhựt-Tảo.

Ông Ðàm-tư-Chấn tình cờ tưởng cháu thiệt đi chơi, nên ông cũng chẳng gạn hỏi cho lắm.

Thể-Phụng đi học tối ngày, hễ về đến nhà ăn ba hột cơm rồi thì rút vào trong thơ phòng không nói chuyện với ông ngoại như khi trước nữa. Ông Tự-Chấn tưởng cháu lo ôn nhuần kinh sử đặng chờ ngày thi, nên ông cũng không nghi ngại chi hết.

Một bữa nọ thừa lúc ông nhiêu Khoa rảnh-rang, Thể-Phụng mới hỏi thăm căn nguyên giặc Khôi và hỏi thăm tài lực tướng sĩ làm ngụy. Ông nhiêu Khoa bèn tỏ thiệt đầu đuôi các việc cho Thể-Phụng nghe, nhơn dịp ấy ông lại khen ngợi tài chánh trị của quan Tả-quân, khen trí dõng của Lê-văn-Khôi và khen sự can-đởm của tướng sĩ bị vây trong thành Gia-Ðịnh.

Thể-Phụng hiểu rõ việc ấy lại càng kính phục cha nhiều hơn nữa. Ban đêm chong đèn lấy sách ra đọc, chàng cứ ngồi ngó ngọn đèn mà tưởng cha hoài. Chàng thương cha trước vì nghĩa mà phải mang tật bịnh trọn đời, rồi sau lại vì con mà phải chịu đớn đau hằng bữa, bởi vậy hễ nhớ tới cha thì chàng ứa nước mắt; có khi chàng muốn dẹp hết việc học hành, để theo cha mà nuôi dưỡng, cho cha hết cực- khổ, bớt sầu thảm quạnh-hiu. Chàng muốn như vậy mà chàng lại nhớ những lời cha dặn, bởi vậy chàng sợ trái ý cha nên chàng không dám bỏ học.

Bữa rằm tháng 8 lúc gần tối khi  Thể-Phụng từ thầy cặp sách đi về nhà rồi thì ông nhiêu Khoa tiếp được một bức thơ của ông nhiêu Toại ở Nhựt-Tảo gởi lên nói rằng Vương-thể-Hùng đau nặng, sợ e qua không khỏi, và cậy ông nhiêu Khoa nói giùm lại cho Vương-thể-Phụng hay. Ông nhiêu Khoa lật đật sai một đứa học-trò nhỏ cầm bức thơ lại nhà ông Ðàm-tự-Chấn mà trao cho Thể-Phụng.

Rủi thay bữa ấy Thể-Phụng đi học về gặp sắp bạn trong nhà đương dọn ghe đi câu theo mé sông. Chàng học đã mệt trí mà lại thấy trời tốt bởi vậy chàng ăn một chén cơm rồi đi theo ghe câu đặng hưởng trăng trong gió mát mà giải trí một vài canh.

Ghe câu mới lui một lát thì đứa học-trò đem thơ tới. Ông Ðàm-tự-Chấn hỏi thăm mới rõ mọi việc rồi ông xin lãnh bức thơ, ông nói dối rằng Thể-Phụng đi chơi sau vườn, để một lát trở vô ông sẽ trao lại, Ðứa học-trò trở về, vừa mới bước ra khỏi cửa thì ông Tự-Chấn quạu mặt châu mày nói lầm-bầm rằng: “Quân khốn kiếp mấy năm nay tưởng đâu nó đã chết rồi, té ra còn sống. Ta đã có giao rồi, còn nhắn nhe chi nữa. Thứ đồ đó chết đâu thì chết phứt cho rảnh, sống thêm báo đời chớ có ích gì.”

Cách đã gần 15 năm mà ông Tự-Chấn cũng chưa hết ghét Thể-Hùng. Ông cầm bức thơ trong tay rồi leo lên võng mà nằm. Ông suy tới nghĩ lui một hồi rồi ông nhứt định giấu bức thơ, không cho Thể-Phụng hay.

Lối nửa canh hai Thể-Phụng đi câu về. Ông Ðàm-tự-Chấn còn thức, ông ra mở cửa cho Thể-Phụng vô, mà không nói chuyện Thể-Hùng đau. Thể-Phụng đi ngủ, mà chẳng hiểu vì cớ nào trong lòng bứt rứt, trong trí bưng-khuân, bởi vậy nằm thao thức hoài ngủ không được. Chàng giận nên ngồi dậy đốt đèn lấy sách ra mà đọc cho tới sáng. Bữa sau Thể-Phụng sửa soạn ôm sách đi lại trường. Ông Tự-Chấn sợ cháu lại đó ông nhiêu Khoa nói lậu việc, nên ông cản lại, biểu ở nhà đi đòi lúa giùm cho ông. Thể-Phụng không chịu ở nhà, chàng nói rằng chàng mới làm một bài phú để chàng đem trình cho thầy xem.

Ông Tự-Chấn liệu cản không được, mà nghĩ bây giờ cho người đi dặn trước ông nhiêu Khoa cũng không tiện, bởi vậy ông biểu Thể-Phụng ở nhà cho ông nói chuyện riêng một chút rồi sẽ đi. Thể-Phụng để sách trên ván đứng ngó ông ngoại trân-trân, có ý đợi coi ông nói việc gì. Ông Tự-Chấn lặng thinh một hồi rồi ông tằng-hắng hai ba tiếng và nói rằng:

-         Thuở nay ông nói với cháu rằng cha mẹ cháu chết hết, ấy là vì cha cháu là đứa bất tiếu, ông không muốn cho cháu nhìn nên ông nói như vậy, chớ thiệt cha cháu còn sống.

-         Việc ấy cháu biết.

Ông Tự-Chấn chưng hửng, lỏ mắt ngó thể-Phụng rồi hỏi rằng: “Ai nói với cháu?”

Thể-Phụng cũng ngó ngay ông mà đáp rằng: “Tự nhiên cháu biết. Cha của cháu bên Nhựt-Tảo. Hôm tháng năm cháu có đi thăm một lần rồi. Ông ghét cha cháu nên ông nói cha cháu bất tiếu, chớ theo ý cháu thì cha cháu tuy nghèo, song thiệt là đứng anh-hùng quân tử.” Ông Tự-Chấn giận đỏ mặt, ông vùng đúng dậy trợn mắt nói rằng:

-         Ông nhiêu Khoa chỉ cho mầy đó, phải hay không?

-         Ai chỉ cũng được. Mà người dứt tình phụ tử của người ta mới có tội, chớ người giúp cho phụ tử tương phùng có tội chi đâu.

-         Hay! Cha chả khôn dữ! Thiệt nòi nào giống theo nòi nấy. Nuôi nó từ nhỏ chí lớn rồi bây giờ nó muốn trở mỏ về rừng.

-         Thưa ngoại sao ngoại nói như vậy, ngoại nuôi cháu cho cháu ăn học. Ơn ấy rất nặng nào cháu dám quên bao giờ, còn cha cháu sanh cháu, ơn ấy cũng rất nặng. Sao ngoại nỡ muốn cho cháu trọng ơn của ngoại mà phụ ơn của cha cháu chớ?

-         Cha mầy là cái quân khốn kiếp. Nó theo côn đồ cướp đảng, nó báo hại cho mẹ mầy chết. Tao với mầy đó, thiếu chút nữa cũng bị chết chém. Thứ đồ như vậy còn nhìn nó làm cái gì?

-         Cha cháu tánh tình cao thượng, chớ không phải như lời ngoại mới nói đó đâu! Bây giờ cháu biết phân biệt phải quấy rồi. Xin ngoại đừng có mắng nhiếc cha cháu như vậy, tội nghiệp cho cháu lắm. Nói cùng mà nghe, ví dầu cha cháu có bất hiếu cho mấy đi nữa. Ấy cũng là đấng tạo hoá của cháu. Có lẽ nào cháu dám khinh bạc đó ngoại.

-         Thôi! Ðừng có nhiều chuyện nữa. Tao biết rồi, cha mầy nó xúi mầy chưởi tao đó! Hứ! Cái thứ đồ bạc, phải tao dè như vậy đó thì thuở nay tao để cơm cho chó nó ăn còn có ơn.

Ông Tự Chấn nói mấy lời rồi ngoe ngoảy bỏ ra sau vườn mà sắc giận lộ ra ngoài mặt đỏ au. Thế Phụng có dịp tỏ ý kính trọng cha được thì chàng đắc ý ôm sách đi học mà chẳng có dấu chi ăn năn những lời đối đáp với ngoại hồi nãy đó hết. Khi Thể Phụng bước vô nhà trường ông Khoa ngó thấy liền hỏi:

-         Ủa! Cháu chưa đi hay sao?

-         Thưa đi đâu?

-         Hồi chiều hôm qua thầy biểu bầy trẻ đem thơ của anh Nhiêu Toại cho cháu coi. Vậy cháu không có đọc cái thơ đó hay sao?

-         Thưa, cháu đâu có thấy thơ từ gì đâu? Ðưa cho ai?

-         Ông ngoại cháu lấy thơ nói rồi trao lại cho cháu mà!

-         Thơ không có, thơ nói việc chi?

-         Anh Nhiêu Toại nói cha cháu đau nặng lắm, nên cậy viết thơ nhắn cháu qua cho mau mau.

-         Trời đất ơi! Vậy mà ông ngoại tôi đành dấu thơ chớ! Hèn chi…

Thể Phụng vừa nói vừa khóc, nước mắt nước mũi chàm ngoàm. Chàng bối rối trong lòng, không biết liệu làm sao đi qua Nhật Tảo cho mau được. Chàng dụ dự một hồi rồi trình với thầy mà về. Chàng bước vô nhà thì thấy ông ngoại với dì đang nói chuyện. Vừa thấy dạng chàng bước vô thì nín hết nên chàng không hiểu nói việc gì. Chàng đặt sách rồi thưa lại với ông ngoại rằng:

-         Thưa ngoại cháu mới hay tin cha cháu đau nặng, nhắn cháu qua cho mau đặng cha con thấy mặt nhau lần chót. Vậy cháu xin ngoại cho cháu đi ít bữa mà thăm coi cha cháu đau bịnh gì.

-      Há, Thể Phụng à, cháu dại quá, ngoại nghĩ vì cha cháu là đứa hoang đàng, khi mẹ cháu còn nó không lo làm ăn mà lại tụ đảng với quân bất lương mà làm ngụy nữa.

-         Thưa ngoại, cháu biết hết rồi. Tánh tình của cha cháu…

-         Ậy, để ngoại nói hết cho mà nghe. Cha cháu sanh tâm theo quân ngụy, may đó! Không thì bà con dòng họ chết hết rồi còn gì! Ngoại sợ cháu dại, cháu theo cha cháu rồi tập cái tánh ngang tàng đó mà mang hại nên ngoại dành cháu lại ngoại nuôi. Cha cháu nó cũng bằng lòng bỏ cháu mà. Thuở nay cháu có thấy nó lui tới lần nào không? Cha con như vậy có tình nghĩa gì mà thương. Tuy vậy mà chiều hôm qua ngoại được thơ nói nó đau nặng, ngoại tính dọ lại coi, hễ nó thiệt đau nhiều thì ngoại cho cháu hay để cháu đi thăm. Chớ phải ngoại hẹp hòi gì hay sao! Hồi sớm ngoại mới nói, cháu mắng ngoại thật là bậy lắm nghe!

Thể Phụng nghĩ giây lâu rồi đáp:

-   Thưa ngoại cháu nghe cha cháu đau nặng cháu nóng lòng lắm, vậy xin ngoại cho cháu đi liền bây giờ đi nghe!

-         Ði đâu mà gắp vậy! Ðể ngoại sai bầy trẻ qua coi như thiệt nó đau rồi hẳn đi.

-         Thưa ngoại cháu gặp cha cháu hôm tháng năm, cha cháu có rầy biểu cháu đừng có tới lui, ngoại hay ngoại buồn. Song chừng ra về cha cháu có dặn rầng: “Cha cháu năm nay yếu lắm. Vậy hễ ngày nào đau nặng thì cha cháu cho hay để qua mau mau. Vậy xin ngoại để cho cháu đi, nếu cha cháu không đau nhiều thì hổng nhắn cháu bao giờ đâu.

Ông Tự Chấn ngồi lâu không trả lời. Ðàm Kim Huê mới rước mà nói:

-         Nó nói như vậy thôi cha để cho nó đi đi cha!

-         Cháu sữa soạn rồi biểu bầy trẻ chèo cho mà đi.

Thế Phụng vội vả đi thay áo và muốn đi cho mau nên biểu hai tên gia đinh bơi xuồng mà đưa chớ không chịu đi ghe lớn. Lúc ra đi thì Kim Huê lén cho một quan tiền và nói:

-         Dì gởi một quan tiền cho dượng ba uống thuốc nghe. Cháu thăm rồi về mau mau cho dì hay kẻo dì trông, nghe cháu.

Thế Phụng qua tới Nhật Tảo thì mặt trời đã xế bóng rồi, vừa ghé bến thì chàng nhảy phóc lên, ngó trong nhà thì thấy nhà im lìm, chàng bươn bả đi vô. Thình lình bà Tư Tùng trong nhà chun ra lấy tay che mắt ngó chàng và hỏi:

-         Ai đó, cậu Thể Phụng phải không vậy?

Thể Phụng không biết là ai nên đứng lại mà đáp:

-         Phải! Tôi là thể Phụng đây. Sao bà biết tôi vậy?

-         Cha Chả, cậu qua sao mà trể quá vậy!

-         Cha tôi bịnh sao đó bà?

-         Hứ! Còn đâu mà hỏi nữa, cậu ơi! Tắt hơi hồi nửa buổi sớm mơi rồi.

Thể Phụng nghe nói hồn siêu phách lạc. Chàng chạy a vô nhà, thấy trên một cái võng có một người nằm chiếu phủ sùm sề, bèn dở chiếu ra thấy cha nằm ngữa mắt nhắm thiêm thiếp như ngủ thì thò tay ôm cha mà khóc rống lên, nghe rất thảm thiết. Bà Tư Tùng đứng một bên thấy vậy cũng động lòng. Thể Phụng khóc một hồi rồi day lại hỏi bà rằng:

-         Thưa bà, cha tôi bịnh bửa nào, rồi chết hồi nào vậy vậy bà?

-         Mấy tháng nay chú bịnh hoài mà chú cũng ráng đi câu đi lưới được, mới bốn bữa rày chú đi hổng nỗi nữa. Tôi ở gần thấy chú đau có một mình chú muốn bịnh tôi phải chạy đi chạy lại nấu cháo cho chú ăn. Hồi khuya nầy tôi lại thăm thì chú còn tỉnh. Chú trông cậu quá. Hồi sáng cứ biểu tôi ra ngoài bến mà coi chiếc ghe của cậu hoài. Tới chừng mặt trời mọc chú làm xung, tôi tưởng đã không xong rồi. Ai dè chú còn nuối[1] cậu nên một lát rồi chú khoẻ lại, ông Nhiêu có lại thăm, chú mượn viết mực rồi ráng ngồi dậy viết giống gì ở trong miếng giấy gì đây hổng biết nữa, rồi biểu tôi cất. Chùng nào cậu có qua thì đưa cho cậu. Ông Nhiêu cũng còn ngồi chơi đó tới nửa buổi chú mới tắt hơi.

-         Cha tôi viết làm sao đâu? Bà cho tôi coi một chút được hôn bà?

Bà Tư Phùng mò trong lưng quần lấy ra một miếng giấy cuộn tròn bằng ngón tay cái mà đưa cho Thể Phùng. Thể Phụng mở ra thì thấy có mấy hàng chữ nôm như vầy:

“Con ơi, mạng của cha đã hết rồi! Cha muốn thấy mặt con một lần chót rồi cha sẽ nhắm mắt mà trông con hổng được. Thôi cha chết, cha chẳng có điều chi mà dặn con, chỉ khuyên con ở đời phải trọng nghĩa khinh tài và xin con, con hễ gặp Ðỗ Cẩm thì đền ơn cho cha. Vì năm trước cha nhờ người ấy cứu cha nên cha mới còn sống đến ngày nay mà được thấy mặt con. Cha chết mà cha không ăn năn việc gì hết, duy chỉ có buồn về sự cha làm cho mẹ con sầu não ngày trước đó mà thôi.

Gia định thành, Chánh Vệ Úy Vương  Thể Hùng.”

Thể Phụng đọc bức thơ di ngôn rồi chàng khóc một hồi nữa, chàng xếp bức thơ rất kỹ lưởng rồi bỏ vào túi rồi chàng hỏi bà Tư Tùng rằng:

-         Thưa bà, bà có nghe cha tôi chối lời chi nữa hay không, thưa bà?

-         Hổng có.

-         Gần đây có ai bán hòm không vậy?

-         Có, ở ngoài nhà có bán, mà ông Nhiêu đã đi mua rồi. Ổng đi từ hồi trưa chắc ổng gần về rồi. Kìa, kìa ổng về tới kìa.

Thể Phụng ngó ra sân thì thấy ông Nhiêu Toại đi vô rồi bước ra làm lễ ông rồi hai người nói chuyện với nhau. Ổng cũng nói Thể Hùng trông đợi cũng như bà Tư Phùng nói lúc nãy. Còn chàng tỏ cho ông biết vì cớ nào mà chàng tới trể. Thế Phụng lấy một quan tiền của dì gởi cho mà lo đám tang cha. Hôm bửa sau chôn cất xong rồi Thế Phụng mới tạ từ Nhiêu Toại với bà Tư Tùng mà về. Lúc bước xuống xuồng thì mưa dầm dề. Ðến dọc đường chàng nghĩ, nếu ông ngoại khi được thơ cho chàng biết ngay, chàng đi liền nội đêm đó thì cha con còn thấy mặt nhau một lần nữa được. Tại ông dấu thơ nên cha gìa chết mà không thấy được mặt chàng. Chàng nghĩ tới chuyện đó thì chàng buồn ông ngoại lắm.

Tuy vậy mà về đến nhà Thể-Phụng buồn mà thôi chớ không tỏ dấu chi phiền ông.

Ðàm-tự-Chấn với Ðàm-kim-Huê thấy Thể-Phụng mặc đồ tang-phục thì biết Thể-Hùng đẵ chết rồi, nhưng mà Kim-Huê hỏi thăm chớ Tự-Chấn không thèm hỏi đến.

Thể-Phụng đêm ngày thương tiếc cha nên nằm trong buồng mà khóc hoài. Chàng hết muốn học mà đi thi nữa, nghĩ vì tưởng cha còn sống ráng lập công danh đặng nuôi dưỡng cha và làm vinh hiển cho cha. Hôm nay mẹ cha không có, thì dầu có thi đậu ông nghè ông cống, dầu làm quan tới nhứt phẩm đi nữa, nghĩ cũng không vui-vẻ chi.

Chàng dọn trong buồng một cái bàn để thờ cha. Chàng căng bức thơ di-ngôn của cha mà treo ở giữa, còn hai bên có kềm hai bài vị, bên tả thì bài vị biên như vầy: “GiA-ÐỊNH THÀNH ÐẠi NGUYÊN SOÁi LÊ-VĂN-KHÔi: Còn bên hữu thì bài vị biên như vầy: “GiA-ÐỊNH THÀNH CHÁNH VỆ-ÚY VƯƠNG-THỂ-HÙNG.”

Ðêm ngày chàng đốt đèn đốt nhang mà khẩn cầu cho vong hồn cha được âm cảnh tiêu diêu, mà mỗi lần chàng vái cha thì chàng cũng không quên mẹ. Chàng ước nguyện sẽ tận tâm tận lực mà học đòi chí cao-thượng, tập theo thói trong sạch của cha mà ở đời, nghĩ vì nghèo mà không hổ với lương tâm, hèn mà không thẹn với non nước, dường ấy thì quí báu hơn giàu mà bất nhơn, sang mà bất nghĩa. Chàng cứ bàng-hoàng tư lự hoài, thất chí ngã lòng, không cần cố việc bút nghiên đèn sách như trước kia nữa.

Một bữa nọ lúc nửa chiều, Thể-Phụng buồn nên bước ra ngoài đường rồi thơ thẩn đi dọc theo mé sông mà suy nghĩ việc đời.

Ông Ðàm-tự-Chấn thấy cháu từ khi đi Nhựt-Tảo về đến nay, ngày như đêm cứ lờ-đờ lững-đững, không lo đèn sách nữa thì ông lấy làm bất-bình. Ông chắc tại Thể-Hùng nói với Thể-Phụng chuyện gì đó, nên chàng mới đổi tánh nết như vậy. Tuy ông không nói ra song trong lòng ông giận Thể-Hùng lắm. Ðã vậy mà ông thấy Thể-Phụng cứ lục đục ở trong buồng hoài, thì ông sanh nghi, muốn vô coi chàng làm việc gì, ngặc có chằng ở đó hoài ông vô không đặng. Hôm nay ông thừa dịp chàng đi ra ngoài, ông mới bước vô buồng. Ông dòm thấy cái bàn thờ, ông đọc hai bài vị với bức thơ di-ngôn, thì ông giận run; ông thò tay giựt hai bài vị với bức thơ rồi ông co giò đạp bàn thơ ngả lăn cù, nhang đèn đổ dưới đất hết thảy.

Ông bước ra ngoài rồi lại bộ ván giữa mà ngồi, tay còn cầm 2 bài vị với bức thơ, mà ông giận quá nên môi tái xanh, tay chơn run bây-bẩy. Lúc ấy Thể-Phụng lại trở về, chàng vừa bước vô cửa, ông đương giận nên ông mắng om-sòm rằng: “Vô đây, con ông Chánh Vệ-Úy, vô đây. Mầy tôn trọng quân đó lắm há! Nếu vậy thì mầy cũng một phồn với quân đó rồi. Mầy phải ra khỏi nhà tao cho mau, tao không cho ở một lát nào nữa. Ra cho khỏi nhà tao rồi mầy muốn thờ ai mầy thờ. Ði, đi cho mau! Chánh Vệ-Úy gì! Ðại Nguyên-Soái gì! Quân đó là đồ chó má, mầy sùng bái há!”

Ông nói dứt lời thì ông vò xé hai bài vị với bức thơ di-ngôn của Thể-Hùng, rồi ông chà dưới đít trước mặt Thể-Phụng.

Thể-Phụng tức giận, chàng đứng lỏ mắt ngó ông ngoại mà vì chàng không dám mắng lại ông, nên chàng cuồng trí vùng la lớn rằng: “Vậy chớ họ đó lại hay gì lắm hay sao mà ông sùng bái.”

Ông Ðàm-tự-Chấn đã giận, mà thấy cháu vô lễ và nghịch ý, thì ông càng giận thêm nữa, nên ông giựt cây chổi để trên ván rồi rượt mà đập lên đầu Thể-Phụng và mắng rằng: “Ðồ phản nghịch, đồ ngụy Khôi đầu thai, mầy phải ra khỏi nhà tao cho mau. Tao đố mầy làm sao mà khỏi chết đâm chết chém như thằng cha mầy đó.”

Thể-Phụng chạy vô buồng, ngó thấy bàn thờ cha ngã ngang, hai bài vị xé mất, mà bức thơ di ngôn của cha cũng không còn, chàng mới hiểu mấy tờ giấy ông xé chà dưới đít hồi nãy là giấy ấy, bởi vậy chàng càng đau đớn mà lại càng tức-tủi trong lòng. Chàng không còn kể chi nữa hết, chàng bỏ trở ra cửa mà đi, không thèm lấy một vật chi, mà cũng không thèm nói một tiếng chi. Chàng đi khỏi nhà đã xa rồi mà ông cũng còn ngồi tại bộ ván giữa chưởi mắng Lê-văn-Khôi với Vương-thể-Hùng om-sòm.

*

*      *

Ông Ðàm-tự-Chấn giận Thể-Phụng đến nỗi ông ăn ngủ không được. Ông dặn hết thảy những người ở trong nhà, hễ thấy Thể-Phụng về thì phải đuổi, đừng cho chàng vô. Ông lại cấm nhặt, từ Kim-Huê cho đến tôi tớ hết thảy, không ai được nói tới tên Thể-Phụng, nếu ai chẳng tuân lời thì ông sẽ đập chết.

Tuy ông giận, nên ông dặn như vậy, ông cấm như vậy, nhưng mà Thể-Phụng đi rồi, thì ông buồn bực, ông cứ châu mày xụ mặt hoài. Ông đi thăm ruộng hoặc đi dạo vườn thì thôi, mà hễ ông về nhà thì ông quạu-quọ, nội nhà ông thấy mặt ai ông rầy nấy, việc quấy ông rầy mà việc phải ông cũng rầy, dường như ông oán hết thảy cả nhà, sao ông giận ông đuổi Thể-Phụng mà không ai chịu kiếm chàng đem về, lại bắt chước ông mà giận luôn chàng nữa. Có lẽ ý ông thì giận như vậy, mà vì ông cấm nhặt nên có ai dám hở môi, thậm chí Kim-Huê thuở nay hay cãi lẽ với ông, mà trong việc nầy nàng thấy ông giận qua nên nàng cũng không dám nói.

Còn Thể-Phụng, chàng ra khỏi nhà rồi chàng xâm-xâm đi riệt lại nhà ông nhiêu Khoa mà thuật chuyện ông ngoại mắng chưởi vong hồn của cha mình lại cho ông nhiêu nghe. Ông Nhiêu nghe rõ rồi ông nói rằng:

-         Mấy ông già tánh họ chơn chất, họ không chịu dời đổi, sao cháu không nhịn, lại đi làm mích lòng ông chi vậy?

-         Thưa thầy, ví như cháu ăn ở đời mà cháu có làm đều chi quấy, hoặc cháu có ở vô lễ hay là bất nghĩa với ông ngoại cháu thì ông ngoại cháu đánh chưởi mà sửa trị cháu, dường ây cháu càng cảm ơn đức, cháu đâu dám phiền hà. Ngặc vì cháu không làm đều chi quấy, cháu chỉ muốn báo hiếu cho cha mà thôi, mà ông ngoại cháu không thương, lại sỉ nhục vong hồn của cha cháu, thì cháu còn ở đó nữa mà làm chi. Xin thầy xét đó mà coi, tình cha con mà ông ngoại cháu đành dứt, ngày trước lấy thế lực tiền tài mà ép cho cha cháu phải lìa cháu đi, sau nầy còn nhẫn tâm giấu thơ đặng cho cha cháu nhắm mắt đừng thấy mặt cháu được, bao nhiêu đó thì đã đủ cho cháu phiền rồi. Nhưng mà cháu nghĩ công ơn ông ngoại cháu nuôi cháu từ nhỏ chí lớn, nên cháu ép mình ở mà đền đáp ơn nghĩa cho tròn. Sự nghiệp của cha cháu để lại cho cháu chỉ có mấy hàng chữ là dấu tích mà thôi, mà ông ngoại cháu lại lấy xé mà chùi đít, rồi người đã chết rồi mà còn kêu tên mà mắng chưởi, thế thì thà cháu mang tiếng bạc ơn, chớ cháu không để mang tiếng bất hiếu được.

-         Bây giờ cháu tính sao đây?

-         Thưa, ông ngoại đuổi cháu thì cháu đi, mà dầu không đuổi, cháu ở nữa cũng không được.

-         Cháu tính như vậy thì quấy lắm. Cháu đi đâu?

-         Thưa, đi đâu cũng đặng, đất sáu tỉnh nầy rộng lắm có lẽ nào không có chỗ cho cháu dung thân hay sao.

-         Cháu tính như vậy rồi làm sao mà đi thi?

-         Thôi, thi cử mà làm chi. Cha mẹ cháu chết hết rồi, thân cháu còn kể chi nữa mà lo công danh.

-         Cháu tính như vậy thì uổng công cháu ăn học quá.

-         Thưa, không uổng. Cháu học được bao nhiêu thì có ích cho cháu bấy nhiêu, chớ uổng là sao?

-         Còn gia tài của ông ngoại cháu đây, cháu đi rồi cháu bỏ cho ai ăn?

-         Thưa, cháu có lòng dạ nào mà hưởng gia tài đó. Cháu nghĩ cháu oán cái gia tài đó lắm, vì nó mà cha cháu phải chịu thương thầm thăm trộm cháu mười mấy năm nay, vì nó mà cháu chịu thất hiếu với cha, vì nó mà cha cháu chết không thấy mặt cháu được. Gia tài như vậy mà cháu hưởng sao đành!

-         Những lời cháu nói với thầy nãy giờ đó thầy nghe phải hết thảy. Nhưng mà cháu phải xét lại đều nầy: mấy việc mà ông ngoại cháu làm cho cháu phiền đó, ấy là vì ông thương cháu, ông muốn cho cháu như ông, ông muốn cho trong trí cháu tưởng có một mình ông mà thôi, đừng có tưởng ai khác nữa, chớ không phải ông ghét-gơ chi cháu đâu. Còn sự ông ghét cha cháu đó, là tại hai đàng tánh tình khác nhau, nhứt là tại ông là người kính phục pháp luật triều-đình, mà cha cháu lại nghịch hẵn với chỗ ông kính trọng nên ông ghét, chớ không phải ông có ý chi khác.

Thể-Phụng ngồi ngẫn-nghĩ một hồi lâu rồi thở ra. Ông nhiêu Khoa tưởng ông nói như vậy chàng xiêu lòng, nên ông khuyên lơn chàng trở về lo ôn nhuần kinh sử đặng đến kỳ thi mà lập công danh, chẳng dè chàng quyết chí không chịu về, mà cũng không thèm lo thi cử chi nữa.

Ðến trưa có ghe đi qua Nhựt-Tảo, Thể-Phụng xin quá giang tính qua viếng mồ cha ít ngày rồi sẽ đi kiếm chỗ làm ăn.

Qua đến nơi. Chàng thấy nhà cửa còn y nguyên, duy có chiếc xuồng bà tư Tùng đem về đậu ngay bến của bà mà thôi. Chàng bước vô nhà, thấy chỗ cha nằm ngồi hồi trước, thì chàng động lòng, nên nước mắt tuôn dầm-dề. Ban đầu chàng không tính qua ở đây bao giờ, mà qua đến đây chàng thấy cảnh như vậy, chàng lại quyết ở đây, chớ không tính đi đâu nữa.

Chàng kế nghiệp cha, cũng đi câu tôm câu cá đem mấy xóm gần đổi gạo mà ăn. Chàng lo đấp mồ mả của cha cao-ráo, rồi lo sửa nhà cửa lại cho vẻn-vang. Chàng dọn bàn thờ rồi cũng viết 2 bài vị để mà thờ, còn bức thơ di-ngôn duy đã mất rồi, song chàng nhớ thuộc lòng hết, nên chàng viết lại rồi cũng treo dựa bên bài vị. Bữa nào rảnh rang thì chàng lại nhà ông nhiêu Toại mà đàm luận thế sự, hoặc rèn tập phú thi. Ông nhiêu biết chí của chàng cao, thấy văn của chàng nhã, thì ông khen mà lại tiếc cho chàng lắm.

Thể-Phụng ở Nhựt-Tảo được vài tháng, bữa nọ có hai tên gia-đinh của ông ngoại chở qua 100 quan tiền mà nói rằng Ðàm-kim-Huê lén ông biểu chở tiền châu cấp cho chàng ăn học. Thể-Phụng thấy dì có lòng thương tưởng thì chàng cảm động, nhưng mà chàng cố từ không chịu lấy, biểu gia-đinh về thưa với dì rằng mình có đủ tiền dùng.

Chàng cư tang báo hiếu cho cha, tấm thân tuy cực khổ, song lòng dạ bớt đeo sầu. Có khi chàng nhớ tới phận ông ngoại hiu-quạnh chàng thương, nhưng mà thương thì thương chớ chẳng bao giờ chàng tính trở về mà ở với ông nữa.

Khi mãn tang rồi chàng cũng không tính đi đâu hết, quyết mai một cái mạng bạc trong xứ Nhựt-Tảo nầy, đặng khỏi nếm thế thái đắng cay, khỏi thấy nhơn tình ấm lạnh. Vì ông nhiêu Toại tiếc văn hay của chàng, ông cứ theo khuyên chàng phải lo thi cử hoài, bởi vậy chàng nghe lời, nên năm canh-tuất (1850), nhằm Tự-Ðức tam niên, chàng mới từ biệt mồ mả của cha mà đi du học.

Thể-Phụng qua Ðịnh-Tường, nghe quan Bố-Chánh đương cần dùng một người làm đề lại, chàng bèn đến xin mà làm. Quan Bố-Chánh xem tướng, thấy bộ chàng đoan-trang, thử tài, thấy văn chàng tao nhã, nên ngài liền nạp dụng. Thể-Phụng làm ít ngày, quan Bố-Chánh càng thấy tài càng thêm yêu, càng biết nết càng thêm mến. Từ đây Thể-Phụng được yên ổn tấm thân, ban đêm chàng mới lo đọc sách, đặng chờ khoa thi năm tí.

Hết quyển thứ năm

 

[1] những biểu hiện mong ngóng, chờ đợi

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá