Một đời tài sắc

Dựa mé kinh Rạch Giá qua Long Xuyên, phía bên tay trái, từ cầu Quây Rạch Giá trở vô ước chừng ba bốn trăm thước, có một cuộc ở đồ- sộ, chính giữa một cái nhà lầu rộng lớn, hai bên kềm hai lẫm lúa mỗi cái dài 10 căn, phía sau có một cái nhà bếp, tại đầu lẫm lúa bên tay mặt có nhà để xe hơi, tại đầu lẫm lúa phía bên tay trái lại có một cái nhà chứa đồ làm ruộng. Ai đi ngang cũng biết cuộc ở của một vị điền chủ lớn, tiếc gì cái nhà lầu cất gần cái lộ dựa mé kinh, chừa cái sân chỉ có sáu bảy thước, lại bị hai lẫm lúa kềm khít hai bên bó rọ, sân không kiểng, nhà không vườn; bởi vậy cuộc ở coi hùng hào nhưng thiếu vẻ thanh nhã.

Cuộc ở nầy là cuộc ở của ông Trương Hà, đại điền chủ trong tỉnh Rạch Giá, có công giúp một số bạc rất lớn để cất nhà thương nên được quan trên ân tứ Hàm- Tri Huyện.

Ông Trương Hà vốn là con cháu khách, cha của ông là người Triều Châu, còn mẹ là Việt Nam.

Ông mới được 50 tuổi, vợ chồng chỉ có sanh hai người con, người lớn là gái tên là Trương Thị Lang đã gả cho ông Đốc tơ Triệu Như Hổ, học bên Tây lãnh được bằng cấp y khoa Tấn Sĩ, về cưới vợ, nhờ cha mẹ vợ mua cho cái nhà lầu tại Sài Gòn ở mà khám bịnh cho thuốc; còn người nhỏ là trai trên Trương Hoàng Kiết 20 tuổi, học bên Tây sáu năm, tốn chừng năm muôn đồng bạc, mới lãnh được một cái bằng cấp khiêu vũ, kế cha mẹ kêu về đặng phụ giúp cai quản sự nghiệp không cho học nữa.

Y theo lời hứa hôm nọ, nên đúng ngày hẹn ông Hội đồng Võ Kế Nghiệp đi với vợ và con gái qua nhà ông Cai Tổng Hà Thiện Bình. Bà Tổng với hai đứa con gái nhỏ của bà thấy cô Xuân Hương thì mừng rỡ, tiếp rước rất ân cần vui vẻ không nói được. Ăn đồ lót lòng rồi, ông Hội đồng Nghiệp với ông Cai Tổng Bình vô Rạch Giá đặng tính việc vay bạc mà đóng bạc mua đất.

Hai ông vô tới nhà ông Huyện hàm Trương Hà thì lối 10 giờ sớm mơi.

Xuống xe bước vô sân thì thấy nhà lầu cửa đóng kín mít, không có cho vô.

Hai người đứng ngơ ngáo, thấy trong nhà xe có để một cái xe hơi nhỏ 4 chỗ ngồi còn mới tinh với một cái xe hơi mui kiếng lớn thình lình coi hùng vĩ lắm. Ông Tổng chỉ mà nói rằng: "Cái xe lớn đó máy 40 ngựa, ông huyện ổng mua tám chín ngàn gì đó. Nó chạy dữ quá, nội tỉnh Rạch Giá chưa có ai dám sắm cái xe như vậy".

Ông Hội đồng cười và hỏi rằng:

- Ổng đi đâu mà sắm xe dữ như vậy?

- Ổng ở nhà hoài, không bao giờ ai thấy ổng đi đâu hết.

- Vậy chớ sắm xe hơi làm chi mà lớn dữ vậy?

- Giàu có, tiền bạc không biết làm gì cho hết, nên sắm để coi chơi vậy mà.

- Người mình xài phí quá!

Hai ông đương nói chuyện, bỗng có một người gánh cặp thùng thiếc ở phía sau đi dọc theo lẫm lúa mà ra. Ông Tổng chận mà hỏi rằng:

- Có ông Huyện ở nhà hay không em? Sao đóng cửa bít bùng vậy?

- Thưa có, ông bà tôi ở nhà đủ hết. Ăn cơm rồi ông tôi mới lên lầu, còn bà tôi ngồi ở dưới từng dưới.

- Em trở vô nói có ông Tổng ở ngoài Thạnh Hòa vô thăm ông, rồi mở cửa đi chớ.

Người gánh nước đó trở vô một hồi rồi ra nói rằng: "Thưa, bà tôi mời ông vô nhà. Ông đi theo tôi đây mà vô cửa sau cũng được".

Hai ông đi theo người ấy, đi dọc theo lẫm lúa mà vô cửa sau. Bà Huyện Trương Hà mập mạp, cao lớn, nước da đen, chơn mày rậm, bộ tướng thô tục, y phục sơ sài, bà ngồi tại bộ ván gần cửa sau, bà chào hai ông khách và nói rằng: „Mời hai ông đi ngay lên lầu, ở nhà tôi nằm hút ở trển, hai ông đi ngay lên trển nói chuyện chơi, chớ chờ biết chừng nào ổng hút mới rồi“.

Hai ông khách đi thẳng lại thang mà lên lầu.

Ông Huyện Trương mập mạp mà lùn, mặt tròn, cặp mắt híp, không có râu, đầu hớt trọc lóc, khi hai ông khách bước lên thì ông Huyện bận một cái áo lá trắng có hai cái túi thiệt lớn, đương nằm vít đốc trên bộ ván, quần vén tới đầu gối, dựa bên có để một mâm thuốc á phiện, bên kia có một người nằm làm thuốc cho ông hút. Ông thấy khách thì lồm cồm ngồi dậy chào ông Cai Tổng Bình rồi hỏi rằng:

- Còn ông nầy là ai, tôi không biết?

Ông Tổng đáp rằng: "Ông đây là Hội đồng Nghiệp, anh em với tôi ở bên Cái Tắc".

Ông Huyện mời khách lại ngồi bộ ghế bành tượng cẩn ốc xa cừ để gần bộ ván chỗ ông hút, kêu trẻ lấy thuốc rót nước, ông cũng bận áo lá chớ không thay áo khác. Ông hỏi ông Tổng rằng:

- Mấy tháng nay tôi không gặp ông. Ông mạnh giỏi hả?

- Mạnh.

- Ông đi hầu việc quan rồi ghé thăm tôi chơi hay là có việc chi?

- Ờ! Ghé thăm ông chơi, mà cũng nói chuyện riêng một chút.

- Mời hai ông hút chơi.

- Cái đó hai anh em tôi không biết.

- Hút mà cái giống gì không biết. Hút cho nó khỏe trong mình chớ.

- Xin cho kiếu, không dám đâu.

- Thôi xin lỗi hai ông ngồi đó chơi, cho tôi hút ít điếu.

- Được, được, ông hút đi.

Ông Huyện nằm lại mà hút, kéo ống nghe ro ro.

Ông Hội đồng Nghiệp ngồi ngó cùng trong nhà thấy từng lầu rộng mà lại cao, tiếc vì bàn ghế, tủ gương không xứng đáng nên coi không đẹp.

Ông Tổng thấy ông Huyện đã hút ít điếu bèn hỏi rằng:

- Lúa ông còn nhiều hôn?

- Còn chút đỉnh, chừng năm sáu chài.

- Năm sáu chài, mà ông nói chút đỉnh chớ. Tới tháng nầy sao ông không bán, để lúa sụt còn gì?

- Không có sao mà. Chừng nào bán cũng được, có lo gì.

Có một người lên thang lầu, vì thang bằng cây, mà lại đi mạnh, nên tiếng nghe ầm ầm.

Ông Tổng với ông Hội đồng ngó lại, thì thấy một người trai chừng 20, 21 tuổi, mặc một bộ đồ Tây nỉ xám, may thiệt kéo, chơn mang giày vàng, đầu đội bê rê đen. Người trai ấy thấy khách thì cúi đầu chào rồi đi thẳng vô một cái phòng.

Ông Tổng hỏi ông Huyện rằng:

- Thầy đó là ai?

- Con tôi đa, ở bên Tây mới về vài tháng nay.

- Té ra cậu đây là Trương Hoàng Kiết phải hôn?

- Phải a.

- Tôi có nghe nói, mà thuở nay tôi không gặp. Cậu học bên Tây đã lấy được bằng cấp gì hay chưa?

- Nó gần thi Tú Tài, mà bị việc nhà bê bối, có một mình tôi coi không xiết, nên tôi phải kêu nó về.

- Sao không để cậu học cho đến cùng đặng có bằng cấp với người ta?

- Đời nầy học cho biết thì thôi, bằng cấp bằng kéo làm giống gì. Phải mình tính cho nó đi làm mướn hay sao, nên cần phải có bằng cấp.

- Ông đem cậu về bây giờ ông tính cưới vợ cho cậu rồi bắt cậu coi ruộng nương hay sao?

- Ờ, hổm nay mẹ nó muốn đi coi vợ cho nó, mà nó không chịu. Nó nói cưới vợ thì thà nó cưới đầm, chớ con gái Việt Nam quê mùa lắm, nó không muốn.

- Bên mình đâu có đầm mà cưới.

- Nó đòi trở qua Tây cưới vợ, rồi nó dắt về.

- Ông bằng lòng cho cậu cưới đầm hay sao?

- Đâu được! Mình quê mùa, có dâu đầm rồi làm sao mà nói chuyện.

- Nè, thầy Phó trong nầy mới cất cái nhà tốt quá ông há! Đi ngoài dòm vô coi thiệt là đẹp. Cái nhà đó cất tôi sợ không dưới 30 ngàn.

- Thầy khoe với người ta, thầy cất 35 ngàn đó đa. Thầy không khá gì mà cất nhà chi tốt dữ vậy không biết. Cất nhà hụt tiền nên phải cậy tôi giùm hết 10 ngàn. Người hay làm bướng quá, ít tiền mà muốn se sua, cất nhà tốt sắm xe hơi, cho con đi Tây, mua hột xoàn lớn, không biết rồi họ làm sao?

- Họ cũng liệu cơm mà gắp mắm chớ.

- Liệu giống gì? Họ làm cố mạng rồi hụt hạt cứ bấu lại tôi. Tôi cho vay thì ăn lời, không nói gì, ngặt tôi sợ họ vay bướng trả không nổi, họ xô ruộng đất cho tôi đây, rồi tôi không biết làm sao coi cho xiết chớ.

- Hiện giờ ông có chừng bao nhiêu ruộng?

- Có biết đâu. Hôm thằng con tôi bên Tây về, nó soạn giấy tờ trong tủ nó tính chơi, nó nói đâu chín mười ngàn mẫu gì đó.

- Nhiều quá!

- Tôi có hai đứa con, tôi không thèm sắm ruộng đất nhiều, chớ phải tôi ham như người ta thì tôi có tới bằng hai bằng ba số đó.

- Hai anh em tôi vô đây tính cậy ông một việc.

- Cậy việc gì?

- Hôm nhà nước bán đất quốc gia ngoài làng Thạnh Hòa, hai anh em tôi đấu giá, tôi mua được 400 mẫu, chú Hội đồng đây mua được 200 mẫu.

- Ờ! Tôi có nghe nói hôm đó áp giành với nhau đấu giá mua mắc lắm phải hôn? Đất mà mua mắc làm chi, có bạc để ta cho vay rồi ta lấy đất của họ, giá rẻ rề, cần gì phải giành giựt mà mua cho mắc.

- Đất Thạnh Hòa tốt, cho mướn tới 5 giạ một công. Hai anh em tôi mua giá cũng vừa, chớ không mắc gì. Ngặt vì nhà nước buộc anh em tôi phải đóng bạc phân nửa, còn phân nửa thì cho kỳ qua sang năm sẽ đóng. Bây giờ hai anh em tôi thiếu bạc, nếu hỏi mấy nhà băng thì cũng được, song nếu hỏi người mình cho dễ, nên vô xin ông liệu coi có thì giúp giùm cho hai anh em tôi được hay không?

- Hai ông muốn hỏi bao nhiêu?

- Tôi muốn hỏi 50 ngàn, có chú Hội đồng đây chú hỏi 30 ngàn?

- Số nợ cũ mấy năm nay ông cứ trả lời hoài, ông không trả vốn, mà hỏi nữa rồi làm sao?

- Nợ cũ có 12 ngàn, nhiều nhõi gì đó mà lo. Ông sợ tôi nói ngược hay sao?

- Không phải sợ. Năm nào ông cũng trả tiền lời, mà nói ngược giống gì, ông giàu có làm tới Cai Tổng, có mười mấy ngàn đồng bạc lẽ nào ông chối hay sao mà sợ.

Ông Huyện bước lại rót nước uống, ông suy nghĩ một hồi rồi nói tiếp rằng: "Anh em hễ mích lòng trước thì được lòng sau. Tôi nói thiệt hai ông muốn hỏi bao nhiêu cũng được hết. Nhưng mà hỏi số bạc nhiều như vậy thì phải cố đất. Thuở nay ai hỏi bạc, tôi cũng buộc như vậy hết thảy; bởi vì nếu không buộc cố đất, có người xấu họ vay bạc của mình rồi họ không trả bạc, mình lấy gì đâu mà trừ. Không phải tôi nghi hai ông, song bạc tiền là núm ruột, thà mình làm minh bạch vậy tốt hơn".

Ông Tổng đáp rằng: "Ông muốn anh em tôi cố đất cũng được, không hại gì. Mình thiệt tình, hễ vay thì lo trả, có sao đâu mà sợ".

Ông Tổng với ông Hội đồng lấy bằng khoán đất đưa hết cho ông Huyện Trương Hà coi.

Ông Huyện nói: "Thôi hai ông để hết bằng khoán đây cho tôi coi ít bữa rồi tôi sẽ trả lại. Mà những đất quốc gia hai ông mới mua đó, tuy chưa có bằng khoán, song trong tờ hai ông cũng phải nói cố luôn nữa mới được chớ".

Hai người khách gặt đầu, chịu cố luôn đất đó nữa.

Ông Hội đồng hỏi ông Huyện rằng:

- Nhưng ông coi bằng khoán rồi ông chịu cho, thì ông tính tiền lời bao nhiêu?

- Thường tôi cho tiền lời một phân rưỡi.

- Nặng quá. Cho bạc muôn ông phải giảm tiền lời chớ. Chà và kia nó còn cho một phân.

- Sao được. Ông hỏi băng, họ cũng tính lời ít nữa là một phần tư. Tôi cho phân rưỡi đó là rẻ lắm, bởi vì tôi còn phải tốn tiền bách cầu chứng tờ cố đất nữa chi.

- Xin ông bớt tiền lời, chớ một phân rưỡi nặng lắm, ông.

- Thôi không sao. Để tôi coi giấy tờ rồi sẽ tính. Như ông đây tôi muốn viết thơ trả lời, tôi phải đề bao làm sao?

- Ông cứ viết thơ cho Ông Tổng đây, rồi ảnh cho tôi hay cũng được.

- Như vậy thì tiện lắm. Thôi để ít bữa rồi tôi sẽ trả lời cho ông Tổng.

Trời đã trưa, mà chuyện nói cũng đã xong, hai ông khách đứng dậy từ mà về rồi cũng phải ra cửa sau, chớ cửa trước không mở.

Ông Hội đồng Nghiệp trở về nhà ông Tổng Bình mà ăn cơm, chủ khách thuận hòa, cô Xuân Hương với con gái của ông Tổng cũng thân thiết, nên bữa ăn thiệt là vui vẻ lắm. Bà Tổng hỏi thăm coi việc đi hỏi bạc có thành hay không. Ông Tổng thuật chuyện lại cho bà nghe rồi cười mà nói rằng:

- Ông Trương Hà làm màu đặng mình hầu ổng chơi, chớ tôi biết bề nào ổng cũng chịu. Trời ơi, cho vay mà gặp tôi với chú Hội đồng đây thì cầu mà cho, còn đợi ai nữa. Vậy mà còn cố đất thì chắc quá, còn sợ nỗi gì. Tôi nói không sai đâu, trong năm ba bữa đây ổng kêu làm giấy lấy bạc đa. Mà hễ ổng kêu thì mình dục dặc lại, đặng nài ổng bớt lời cho nhẹ.

Ông Hội đồng nói rằng:

- Ông Huyện ăn lời tới một phân rưỡi nặng quá.

- Được đâu. Chừng làm giấy mình xin tính một phân mà thôi. Như ổng không chịu, thì lên một phân mốt, hoặc một phân hai, chớ một phân rưỡi thì thôi xin vay chỗ khác.

- Ông Huyện đó bộ coi thô tục quá. Ổng ỷ ổng nhiều tiền, nên nói chuyện ổng coi không có trời đất gì hết.

- Nhà giàu mới bây giờ phần nhiều họ như vậy hết thảy. Họ quê mùa dốt nát, không có giáo dục, khi không họ bực lên họ giàu to, rồi tư cách không xứng với sự sản, nên mới vậy đó. Chớ nhà giàu xưa người ta biết lễ nghĩa khiêm nhượng, chớ đâu có kỳ cục như vậy bao giờ.

Ăn cơm rồi vợ chồng ông Hội đồng mới từ giã mà về Cái Tắc.

Cách chừng một tuần lễ, ông Tổng Bình được thơ của ông huyện Trương Hà. Trong thơ ổng nói ổng chịu cho ông Tổng vay 50 ngàn và cho ông Hội đồng vay 30 ngàn, song buộc bà Tổng với bà Hội đồng phải đứng giấy với chồng, lại buộc hai ông phải bảo lãnh vần công với nhau.

Ông Tổng chạy xe hơi qua Cái Tắc đưa thơ cho ông Hội đồng coi và hẹn ngày đi làm giấy lấy bạc. Đúng ngày hẹn, vợ chồng ông Hội đồng qua Thạnh Hòa hiệp với vợ chồng ông Tổng mà đi Rạch Giá.

Hai ông nài quá, nên ông hụyên hàm chịu sụt bớt tiền lời xuống một phân hai. Hai ông làm giấy theo thế thức của chủ nợ buộc, rồi lấy bạc đem qua kho bạc mà đóng phân nữa giá mua đất.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá