Một đời tài sắc
Năm 1929 tháng Juillet.
Mưa dầm dề luôn mấy ngày, rồi một buổi chiều sớm mơi, bầu trời thanh bạch, mặt trời ló ra chói nắng sáng lòa.
Cây cối bị ướt loi ngoi mấy bữa, nay gặp nắng lại, giũ lá phơi ngành, trổ bông đâm tược, từ ngoài ruộng vô tới trong vườn, khoe một màu xanh lặc lìa, coi thiệt là khỏe mắt.
Ông Hội đồng Võ Kế Nghiệp, nhà ở làng Phú Lợi gần chợ Cái Tắc, thuộc tỉnh Cần Thơ, có tánh hay trồng bông trồng kiểng; mấy bữa rày bị mưa, ông không chăm sóc kiểng vật của ông được, nay thấy trời nắng, ông mới bước ra sân. Con gái lớn của ông là Võ Thị Xuân Hương, 18 tuổi, học trên Sài Gòn, thi đậu, ông mới rước về, cô cũng đi theo ông ra ngoài sân mà thăm hoa xem kiểng. Ông hội đồng tay cầm cái kéo nhỏ, đi vòng theo mấy chậu bùm sụm, quít tàu, càng thăng mà hớt đọt bắt sâu. Cô Xuân Hương thì đi dài theo mấy liếp bông hường, lo chỏi mấy nhánh bị mưa oằn, gặp cái bông nào tốt thì cô cầm mà coi, mặt gần bông, bông giọi mặt. Mặt càng đẹp, bông càng xinh.
Thình lình nghe có tiếng xe hơi ồ ồ ở xa chạy lại, tới ngang cửa, xe chạy chậm rồi quanh vô sân. Ông hội đồng ngó ra rồi nói với con rằng: "Xe nầy của ông Cai Tổng bên Thạnh Hòa mà”.
Xe ngừng giữa sân, hai vợ chồng ông Cai Tổng Hà Thiện Bình leo xuống. Ông hội đồng bước tới chào mừng. Cô Xuân Hương cũng lại gần chấp tay cúi đầu thi lễ.
Bà Cai Tổng Bình ngó cô Xuân Hương và hỏi rằng:
- Bày trẻ ở nhà coi nhựt trình nói con thi đậu bằng cấp gì đó rồi phải hôn?
- Dạ thưa phải. Con thi đậu "Brevet Élémentaire".
- Giỏi à! Bác nghe nói nên lật đật qua đây mà mừng cho con. Thằng Ý ở bên Tây nó cũng đậu Tú Tài kỳ nhì rồi, nó mới đánh dây thép về hôm qua. Có má con ở nhà hôn?
- Thưa có.
Ông Cai Tổng Bình tiếp hỏi Xuân Hương rằng:
- Con đậu "Brevet Elémentaire" rồi con tính đi học nữa hay là thôi?
- Thưa, con tính xin với má cho con học thêm ít năm nữa đặng thi "Brevet Supérieur".
- Được a. Con học được thì học luôn cho đến cùng. Thằng Ý đậu Tú Tài rồi nó tính học luật. Học luật phải học 3 năm nữa mới được Cử Nhơn.
Ông Hội đồng Nghiệp mời khách vô nhà. Bà hội đồng nghe nói có hai vợ chồng ông Cai Tổng Bình qua thì bước ra cửa mà tiếp chào.
Ông Cai Tổng Hà Thiện Bình, nhà ở làng Thạnh Hòa, thuộc tỉnh Rạch Giá dựa bên cái lộ mới Long Xuyên - Rạch Giá kêu là lộ Cái Sắn.
Ông Cai Tổng với ông Hội đồng Nghiệp vốn là bạn đồng hương, hai người hồi nhỏ ở Thục Nhiêu, thuộc tỉnh Mỹ Tho.
Ông Hội đồng là con nhà giàu, rủi chừng ông cưới vợ rồi, cha mẹ lại suy sụp, gia tài bị chủ nợ thi hành phát mãi hết, ông phải qua Cái Tắc theo ở quê vợ mà nương dựa làm ăn. Ông lặn lội nhen nhúm lần lần, lại nhờ tám chín năm nay lúa gạo cao giá luôn luôn, ông dùng ít mà gây ra nhiều, nên hiện bây giờ ông có một cái nhà tốt mới cất tốn trên 12 ngàn đồng bạc lại có gần 100 mẫu ruộng trong làng Phú Lợi, 200 mẫu trong Kinh Xà No, và mới đấu giá mua thêm 200 mẫu bên làng Thạnh Hòa, thuộc hạt Rạch Giá nữa. Ông mới 42 tuổi, vợ chồng sanh được ba đứa con, đứa lớn là cô Xuân Hương đã thấy đó rồi, đứa giữa, con trai mới 15 tuổi học Tú Tài năm thứ tư, tại trường Chasseloup Laubat, còn đứa út cũng con trai, còn học tại Cần Thơ.
Còn ông Cai Tổng Bình hồi trước thiệt tên Huỳnh, làng cử ông làm thôn Trưởng, ông xài thâm công nho hơn 1.000 đồng bạc, sợ tội nên bỏ xứ dắt vợ con mà trốn, để cho hương chức Hội tề giăng tay đậu tiền bồi thường. Vô Rạch Giá ông đổi tên lại là Hà Thiện Bình, nương náu ở làng Thạnh Hòa mà làm ruộng, lần lần ông mua điền khẩn đất, trở nên một người giàu, ra làm làng rồi lên chức Cai tổng. Ông năm nay đã hơn 55 tuổi rồi, có bốn người con, người con lớn đương làm Nghị Viên Hội Đồng địa hạt trong Rạch Giá, người kế đó là cậu Hà Thiện Ý 22 tuổi, học bên Tây, một người 18 tuổi, một người 16 tuổi, thôi học ở nhà mà chưa hứa gả nơi nào.
Tuy ông Hội đồng với ông Cai tổng ở xa nhau, lại niên kỷ bất đồng, song thuở nay hai nhà thân thiện với nhau lắm, hay giúp đỡ nhau, hay tới lui thăm nhau, lại thường tính chừng Thiện Ý và Xuân Hương lớn khôn, thì hai nhà sẽ làm sui với nhau.
Chủ khách gặp nhau mừng rỡ cùng dắt nhau vô nhà, rồi ông Hội đồng với ông Cai tổng thì ngồi bộ ghế giữa, còn hai bà thì ngồi tại bộ ván cẩm lai lót gần đó.
Cô Xuân Hương lo trầu nước đãi khách, cô ra vô lăng xăng, mặt tươi cười, bộ nhâm nhẹ, tư cách phải là gái tân học, mà nết na cũng phải là con nhà giàu. Bà Cai tổng ngó theo cô hoài rồi bà nói với bà Hội đồng rằng:
- Con nhỏ năm nay nó lớn đại. Nè, tôi nói với thím nó a, phải chờ thằng Ý tôi, chớ đừng có gả chỗ khác tôi không nghe cho mà coi.
- Ai mà gả! Anh chị đã nói từ hồi nào tới giờ, gả chỗ khác sao được. Có sợ là sợ cậu Ý ở bển rồi cậu cưới đầm chớ.
- Đâu có vậy! Vợ chồng tôi có nói trước cho nó biết rồi mà.
- Ờ! Tôi quên nói cho chị hay nữa chớ. Hôm tháng giêng tôi có bịnh, tôi nghe nói ông Bình ngoài Cần Thơ hay lắm, tôi ra tôi cầu đặng xin thuốc.
- Xác ông Quan Bình phải hôn? Tôi cũng nghe họ đồn hay lắm.
- Thưa phải. Bận đó sẵn có con Xuân Hương bãi trường nên nó ở nhà, tôi biểu nó đi với tôi. Ra đó coi cho tôi rồi, luôn dịp coi cho nó nữa. Nè, ông Bình coi cho nó, ổng nói kỳ lắm chị.
- Nói làm sao?
- Ổng nói nó thông minh, học giỏi lắm, năm nay nó thi đậu, mà sau nó còn đậu một bằng cấp lớn hơn nữa. Tôi hỏi tới căn duyên của nó, thì ổng nói nó vốn tiên phong đạo cốt nên chừng nó lớn khôn không ham phú quí vinh huê, lại ngao ngán nhơn tình thế tục. Cuối 21 bước qua 22 tuổi thì nó có chồng, nhưng mà nó có chồng có con rồi thì nó lại tu. Nói năm thi đậu trúng rồi, còn sau nữa thì không biết ra sao.
- Ối! Hơi nào mà tin chuyện ma ma phật phật. Đã có chồng có con rồi, mà còn tu nỗi gì? Có lẽ ngày sau nó bắt chước người ta ăn chay vậy chăng?
- Tôi cũng nghĩ như vậy đó.
- Ăn chay có hại gì. Đời bây giờ tôi coi người ta ăn chay muốn đều hết. Thím nó sao cứ bịnh hoài, lúc nầy nghe trong mình khá hay không?
- Lúc nầy tôi khỏe lắm, ăn ngủ được. Mà hễ có việc gì phải lo, thì nó cứ rang cái ngực hoài, nên tôi sợ quá.
- Thím đừng có lo chi hết. Có việc gì thì đờn ông họ tính sao họ tính, mình lo làm chi.
- Tôi có cái tật hay lo lắm chị.
- Thím nó làm như tôi vậy, ăn no rồi đi chơi, việc ruộng đất đờn ông họ tính làm sao họ làm. Thím nó có xe thì đi Hà Tiên hay Long Hải mà hứng gió, ở nhà làm chi.
Ông Hội đồng Nghiệp đương nói chuyện với ông Tổng, chừng nghe bà Tổng nói như vậy thì ông day qua nói rằng: "Ở nhà tôi[1] kỳ lắm chị, tôi biểu đi chơi mà bả cứ rút ở nhà không chịu đi đâu hết".
Bà Tổng xỉa thuốc, vảnh bàn tay làm cho ba chiếc cà rá hột xoàn chói lòa, bà cười mà đáp rằng:
- Tại chú a. Chú không thèm dắt, thím đi sao được.
- Nhà có hai vợ chồng, sắp nhỏ mắc đi học; nếu tôi dắt đi chơi rồi nhà cửa làm sao?
- Dữ hôn. Nhà cửa thì mượn người ta coi, ai bưng đi đâu mà sợ?
- Còn ruộng nương làm sao?
- Cấy rồi ta đi.
- Thôi, năm nay tôi nghe lời chị, hễ cấy rồi tôi dắt nhà tôi vô Hà Tiên ở hứng gió chừng một tháng.
- Chú thím có đi thì cho tôi hay, tôi đi với… À, bữa hổm đấu giá đất quốc gia bên Thạnh Hòa đó, chú đấu được mấy trăm mẫu?
- Tôi đấu được 2 lô, 200 mẫu. Cha chả, tôi nóng mũi, tôi đấu mắc quá, chị. Tôi đấu tới 310$00 một mẫu, thành ra 62 ngàn đồng, nếu kể phần bách phần, con niêm, cùng các sở phí khác vô nữa thì non non 65 ngàn. Bây giờ phải trả trước phân nửa với sở phí 35 ngàn nặng quá.
- Có sao đâu mà sợ. Đất đó chú mua rồi mùa tới đây, chú góp tiền lúa mướn lối bốn năm giạ một công mà sợ nỗi gì. Tôi dám chắc chú góp 10 ngàn giạ được, kể về lúa vay. Tính giá lúa tệ hơn hết 1$20 một giạ thì chú cũng có 12 ngàn đồng bạc. Chú thâu góp ít năm thì đủ vốn, có gì mà lo.
- Chị nói thì phải rồi, ngặt bây giờ chạy tiền mà đóng phân nửa giá mua đây cũng ngất ngư chớ.
- Chú nó khéo lo! Thứ có mấy chục ngàn đồng bạc mà sợ gì!
- Tôi bị cất cái nhà tốn nhiều quá, nên hụt tiền. Tôi nghe lời anh Tổng tôi làm bướng hổm nay tôi lo hết sức.
Ông Cai Tổng chen vô nói rằng:
- Có gì đâu mà lo. Ruộng nhà bên đây chú thâu góp mười mấy ngàn giạ. Mua ở bển chú góp thêm 10 ngàn, cộng ít nào cũng 25 ngàn giạ. Theo giá lúa nầy mỗi năm chắc chú có 30 ngàn đồng bạc. Tôi cho chú ăn xài và đóng thuế 10 ngàn, thì còn dư 20 ngàn trả tiền mua đất. Chú trả ba bốn năm thì dứt, có gì mà lo. Tôi dện một cái tới 400 mẫu, bằng hai của chú đây sao.
- Anh nhờ họ vị tình, họ không giành, nên anh mua giá rẻ hơn tôi, vậy cũng đỡ chớ.
- Phải. Nhờ tôi làm Tổng họ có vị một chút, họ ít giành. Mà tôi mua tính bổ đồng thành ra cũng 240 đồng một mẫu, cộng chung là 96 ngàn đồng bạc, chớ phải ít sao. Bây giờ trả phân nửa giá mua với sở phí cũng là 50 ngàn đồng.
- Anh có sẵn bạc hay không?
- Đâu mà có! Nhưng mà lúa tôi còn trên hơn một chài.
- Vậy rồi anh làm sao mà đóng bạc mua đất?
- Ối! Lo gì! Quơ tạm mà đóng rồi tới mùa sẽ hay.
- Anh mua sở đất mới đây nữa, thì số huê lợi của anh chừng bao nhiêu?
- Thuở nay đất cũ của tôi góp 45 ngàn giạ. Mua sở mới đây chắc 20 ngàn giạ nữa, thì thành 65 ngàn giạ.
- Anh lúa nhiều quá, nên anh không lo thì phải, chớ lúa tôi ít, tôi không lo sao được.
- Lớn thuyền thì lớn sóng, thế nào cũng phải lo chớ. Thôi từ rày sắp lên tôi nghỉ không thèm sắm điền đất nữa, để trí rảnh rang mà chơi. Già rồi, lo làm hoài mệt quá.
- Mà chuyện nhà nước đòi đóng tiền mua đất anh tính làm sao?
- Vay tiền mà đóng chớ làm sao?
- Anh biết ở bên Rạch Giá có ai cho vay anh làm ơn chỉ giùm cho tôi vay với. Bên nầy họ làm bộ, hễ tới hỏi họ thì họ nói đâu mình mạt rồi a, nên tôi ghét tôi không muốn tới họ.
- Bên Rạch Giá tôi quen thiếu gì. Như Huyện Hàm Trương Hà ở chợ Rạch Giá đó, chú muốn hỏi mấy chục muôn cũng có bạc sẵn mà. Nhưng mà lấy bạc băng cho vay, muốn lấy bạc nhà băng nào cũng được hết, dễ lắm.
- Cha chả! Rớ tới băng tôi ghê lắm. Thiệt tiền lời thì rẻ, ngặt hễ mình xin vay thì họ buộc phải đóng tiền sở phí đi xét đất, đóng tiền nầy tiền kia nhiều quá thành ra cũng không rẻ hơn Chà-và Việt Nam mình là bao nhiêu. Mà cũng có một điều nầy gay lắm, là hễ trong giấy hẹn ngày nào thì tới ngày ấy phải trả, không nói gì được hết, nếu trễ thì xin Tòa thi hành phát mãi.
- Như chú sợ thì hỏi bạc của Trương Hà. Dầu ổng ăn lời mắc. Tôi còn thiếu ổng 12 ngàn, ổng ăn lời tới một phân rưỡi.
- Như vậy cũng không mắc gì lắm.
- Chú cần dùng hỏi chừng bao nhiêu?
- Tôi phải hỏi tới 30 ngàn mới đủ đóng tiền đất.
- Tiền lời tới 4 ngàn rưỡi một năm… Phần tôi phải hỏi tới 50 ngàn. Mình hỏi nhiều mình nói ổng bớt tiền lời một phân hai có lẽ được. Chú muốn hỏi thì bữa nào chú qua bển rồi tôi dắt chú đi.
- Chắc hỏi được hôn?
- Chắc mà. Tôi lấy bao nhiêu cũng được hết. Song hỏi nhiều phải thế bằng khoán đất. Chú phải đem bằng khoán cho ổng coi.
- Thôi, mốt tôi đem qua được hôn?
- Được. Chú qua rồi tôi dắt đi. Nè, mà mốt chú qua, thím với con Hai qua chơi nghe. Qua đó để thím ở nhà, rồi hai anh em mình đi.
Bà Tổng nghe hai người đờn ông nói chuyện như vậy bà cũng tiếp mời bà Hội đồng với cô Xuân Hương qua nhà chơi. Bà Hội đồng không dám thất lễ, nên bà phải hứa lời.
Ông Tổng với bà Tổng ở nói chuyện chơi và ăn cơm trưa rồi hai ông bà mới về.