Kẻ làm người chịu
Sáng bữa sau Tố Nga viết một bức thơ gởi xuống Láng Thé cho Cẩm Vân mà thuật lại việc nàng bị chồng gạt cho em nghe chơi. Nàng tỏ thiệt rằng, tuy nàng biết chồng giả dối, song nàng thấy chồng năn nỉ khóc lóc quá, nàng cầm lòng không đậu, nên cũng phải cho hết ba trăm đồng bạc. Nàng căn dặn Cẩm Vân giấu việc ấy đừng có cho mẹ biết. Nàng viết thơ rồi nàng lại gạch thêm mà thuật lại chuyện dọc đường gặp Lữ Trọng Quí té xe làm nàng làm ơn, chở dùm lên Chợ Lớn đó nữa.
Nàng ở nhà một mình, không có ai trò chuyện nên nàng buồn, ban ngày còn phải kiếm đồ mà may còn ban đêm thì phải lấy truyện mà đọc. Mà dầu may đồ hay nằm xem truyện, nàng cũng không giải khuây được, trong trí cứ giận chồng bất nghĩa, cứ tủi phận vô duyên hoài.
Một buổi sớm mai, nàng buồn quá chịu không được, nên nàng biểu thằng Điệu coi nhà cho nàng đi lại cô thông Phụng đặng nói chuyện chơi. Lại tới đó, nàng thấy nhà vắng hoe, có một đứa nhỏ chạy ra tiếp chào mà nói rằng, cô thông Phụng có bịnh nên đi nằm nhà thương Chợ Rẫy năm sáu bữa rày rồi.
Tố Nga chưng hửng. Nàng trở về nhà tính thầm để bữa nào sẽ vô nhà thương mà thăm cô thông. Đến ba giờ chiều, nàng thấy trời không nắng lắm, nàng mới thay đồ, tính đi Chợ Lớn trước thăm cô ba Hài sau đó thăm cô thông Phụng luôn thể. Nàng lấy cái khăn trắng rô đê mà đội thì thấy vết máu hôm đó vẫn còn, thằng Điệu đã giặt xã hai lần rồi mà chưa chịu bay. Nàng lấy cái quần trắng hôm nọ mà coi thì dấu máu cũng còn nữa. Nàng chúm chím cười, lấy cái quần khác mà bận, còn cái quần đó nàng xếp lại để dưới đáy tủ. Nàng bận một cái áo hàng tây đen lót màu trứng diệc[1], rồi nàng cũng đội cái khăn ấy mà đi, song nàng xếp lộn dấu máu vô phía trong, nên không ai thấy được.
Tố Nga ghé thăm cô ba Hài một chút rồi nàng vô nhà thương Chợ Rẫy. Nàng đương đi dài theo một dãy phòng nhứt mà kiếm cô thông Phụng thình lình Lữ Trọng Quí ở trong một cái phòng, xô cửa bước ra, gặp nàng vừa tới đó, hai người ngó nhau chưng hửng cả hai. Trọng Quí cúi đầu chào và hỏi rằng: ”Cô vô nhà thương thăm ai hay là có việc chi?”. Tố Nga bợ ngợ nên cúi mặt xuống mà đáp rằng:
- Tôi vô thăm một người chị em nằm trong nầy, không biết ở phòng nào ở đâu.
- Người đó bao lớn tuổi?
- Chừng hai mươi lăm hai mươi bảy tuổi.
- Phòng nhứt đây có một bà già với một cô thông nằm, chớ không có đàn bà khác. Chắc là cô muốn thăm cô thông đó chớ gì. Cô nằm cái phòng chót bên phía tay mặt kia.
- Phải. Tôi thăm cô thông đó.
- Cô đi lại đây tui chỉ phòng cho.
Trọng Quí dắt Tố Nga đi, Tố Nga liếc mắt thì thấy trên đầu Trọng Quí có bao băng trắng. Trọng Quí và đi và hỏi rằng:
- Hổm nay cô mạnh giỏi?
- Thưa, mạnh cảm ơn. Còn đêm hôm đó thầy vô nhà thương quan thầy coi vít tích nặng hay không ?
- Thưa, may quá! Bịnh không có chi trọng. Xe đụng dội lại, va đầu tôi vô kèo mui nên lỗ đầu chảy máu nhiều. Hai đầu gối tôi cụng vô thùng xe nên trầy với sưng. Ngón tay út tôi đây đụng xấp lại tưởng là gãy, té ra không sao. Quan thầy có nói chừng một tuần lễ nữa tôi mới về được.
- May cho thầy quá.
- Thiệt là may, mà tôi cũng nhờ có cô làm ơn chở dùm, chớ bỏ tôi nằm đó, máu ra riết, lại bị mù sương lạnh nữa, sợ không xong.
- Bữa nay thầy ăn cơm được hay chưa ?
- Thưa được. Trong mình tôi bây giờ như thường, duy đầu gối còn đau một chút với vít trên đầu còn chưa thiệt được lành mà thôi.
Đi tới cái phòng chót, Trọng Quí chỉ và nói rằng: ”Đây cô thông ấy ở phòng nầy đây“. Tố Nga cúi đầu tạ ơn rồi gõ cửa phòng bước vô. Trọng Quí trở lộn lại.
Cô Thông Phụng thấy Tố Nga vô thăm thì cô mừng rỡ lắm. Hai chị em nói chuyện chơi với nhau hơn nửa giờ đồng hồ Tố Nga mới từ về.
Tố Nga đi gần tới phòng của Trọng Quí, chẳng hiểu vì cớ nào mà nàng không dám bước mạnh lại trong dạ bồi hồi. Không biết Trọng Quí có rình rập hay không mà nàng vừa đi ngang qua thì chàng cũng xô cửa bước ra nữa. Nàng lấy làm bối rối không có lời mà nói, nên cúi đầu mà chào rồi đi luôn. Trọng Quí cũng cúi đầu chào đáp lễ, rồi đứng ngó theo nàng, chớ cũng không nói chi nữa hết.
Cách chừng tám chín bữa sau lối chín giờ sớm mơi Tố Nga đương ngồi tại sa long mà đọc thơ của Chánh Tâm ở Hà Nội gởi về. Thằng Điệu với con Lại đều ở dưới bếp, nên trên lầu vắng tanh. Thình lình Tố Nga nghe tiếng giày đi lộp bộp ngoài sân nàng giựt mình ngước mặt lên mà ngó, thì thấy Trọng Quí đương đi xăm xăm vào nhà. Nàng chộn rộn, mời Trọng Quí ngồi, kêu thằng Điệu lấy thuốc rồi nàng đi vô phòng mà bận một cái áo dài.
Trọng Quí ngồi tại sa long tay ôm nón mà mắt thì ngó cùng trong nhà. Cách một hồi Tố Nga trở ra mời Trọng Quí hút thuốc rồi nàng quay lại ván ngồi têm trầu và hỏi rằng:
- Thưa thầy, bữa nay thầy thiệt mạnh rồi há.
- Dạ, bữa nay tôi mạnh rồi, ông thầy thuốc cho tôi về.Vả tôi mang ơn cô nặng quá, nên trước khi về tôi phải đến đây tạ ơn cô chớ nếu về luôn thì té ra tôi vong ơn bội nghĩa quá.
- Việc nhỏ mọn, có chi đâu mà thầy gọi là ơn nghĩa.
- Thưa cô, cô làm ơn dầu không kể, song tôi là kẻ thọ ơn, tôi đâu dám quên.
- Thiệt cũng là may cho thầy lắm. Thình lình mà trời khiến xe tôi đi tới, tôi chở thầy đi liền, chớ nếu để thầy ở ngay giữa đồng, máu chảy quá cũng khó đó chớ.
- Đó, vậy sao mà còn nói không phải ơn? Nếu không có cô thì tôi đâu được mau mạnh như vầy, mà tôi còn sợ tiền bạc của tôi mất hết nữa.
- À, ông Cò có trả lại bạc cho thầy chưa?
- Thưa rồi. Tôi mới lãnh lại hồi sớm mơi.
- Thiệt, hôm đó xe ngừng, tôi bước xuống tôi thấy mặt thầy máu chảy đò lòm, tôi hết hồn hết vía.
- Cám ơn cô.
Tố Nga thiệt tình mà ra vô ý, bởi vậy nàng nghe Trọng Quí nói cám ơn thì nàng thẹn thùa, nên cúi mặt xuống. Trọng Quí ngó nàng mà hỏi rằng: ”Thưa cô, xin lỗi cô không biết thầy ở nhà đây buôn bán hay làm việc chi?”. Tố Nga dụ dự một hồi rồi tằng hắng và đáp rằng:
- Ở nhà tôi làm thông ngôn Tòa Án dưới Mỹ Tho.
- Thầy làm dưới Mỹ Tho, còn cô ở trên nầy thì cách bức quá.
Tố Nga lặng thinh một hồi rồi mới đáp rằng:
- Thưa, không cách bức chi lắm. Đường có xe lửa nên lên xuống cũng dễ.
- Sao thầy không xin đổi về trên nầy cho tiện?
- Thưa, Mỹ Tho là xứ sở của ở nhà tôi. Hồi trước cũng làm Tòa trên nầy sau mới xin về dưới đó.
- Xin lỗi tôi không biết thầy tên chi?
- Ở nhà tôi là Lê Phùng Xuân.
- Tôi qua lại Mỹ Tho thường. Vậy để khi nào rồi tôi sẽ ghé thăm thầy cho biết.
- Thầy ở Cần Thơ buôn bán lúa, mà thầy ở tại châu thành hay tại chổ nào?
- Thưa tôi ở tại châu thành, song tiệm lúa của tôi thì ở dựa mé sông vô Cái Răng.
- Thầy mua lúa rồi chở lên Chợ Lớn mà bán hay là xây rồi mới chở đi?
- Thưa, tôi mua bán lúa trữ, đợi có giá tôi bán. Tôi muốn lập nhà máy mà xay, tôi mới đặt máy kế ở nhà tôi mất, tôi buồn quá nên tôi hủy giao kèo làm tôi mất bạc cọc đến 2.000 đồng.
- Té ra cô mất hay sao ?
- Thưa, phải. Ở nhà tôi mất bảy tám tháng nay.
- Cô để lại cho thầy được mấy người con?
- Thưa, không có. Tôi học ở bên Tây, tôi mới về hồi năm kia. Tôi cưới vợ hồi tháng mười năm ngoái, vợ chồng mới ở với nhau có mấy tháng, kế ở nhà tôi mất. Thưa cô hai bác còn mạnh giỏi, đủ hết há?
- Thưa tôi còn một mình má tôi. Thầy tôi đã mất bốn năm năm nay.
- Bác gái không có ở chung với cô hay sao?
- Thưa, tôi ở với má tôi. Má tôi đi thăm ruộng dưới Trà Vinh.
- Cô có anh em được mấy người?
- Tôi có một thằng em trai mà thôi.
- Năm nay được bao lớn? Có vợ con rồi hay chưa?
- Năm nay mới có hai mươi tuổi, có vợ rồi mà chưa có con.
- Cậu ở riêng hay sao mà không thấy ở nhà đây?
- Vợ chồng nó cũng ở đây. Nó đi coi hội chợ ngoài Hà Nội, còn vợ nó thì đi Trà Vinh với má tôi.
Trọng Quí kiếm không ra chuyện nữa mà nói, nên ngồi ngơ ngáo một hồi rồi đứng dậy từ Tố Nga mà về. Tố Nga giữ lệ, đưa chàng ra tới cửa, rồi trở vô ngồi lại trên ván, tay cứ vuốt mái tóc, mắt cứ dòm dưới gạch không nói chi hết, mà cũng không làm chi hết.
Cách chừng ba bốn bữa, Tố Nga lại tiếp được một phong thơ của Trọng Quí ở dưới Cần Thơ gởi lên, trong thơ chẳng có nói điều chi lạ. Trọng Quí gởi lời tạ ơn nàng và chúc cho nàng mạnh giỏi mà thôi. Nàng được thơ rồi nàng muốn viết thơ trả lời mà rồi nàng nghĩ phận đàn bà con gái viết thơ qua lại với đàn ông như vậy thì thất lễ bởi vậy nàng muốn viết rồi nàng bỏ qua, không chịu viết.
Đến tối bà Tổng và Cẩm Vân về tới nhà. Tố Nga mừng rỡ, hỏi thăm việc ruộng đất lăng xăng, chừng Cẩm Vân lên lầu mà ngủ, Tố Nga đi theo lên, và hỏi em rằng:
- Em có được thơ của chị hôn?
- Có.
- Má có biểu em đọc thơ cho má nghe hay không ?
- Không. Chị đã dặn trong thơ, em đâu dám cãi.
- Ừ, đừng có nói chuyện đó cho má nghe đa. Mà thằng ba nó về, em cũng đừng có nói với nó nữa, nghé.
- Dạ.
- Thiệt thằng chồng của chị khốn nạn lắm. Không biết kiếp trước chị có làm tội chi hay không, mà kiếp nầy chị mang một cái quả báo lớn quá!
Tố Nga nói tới đó rồi ngồi buồn thiu. Cẩm Vân hỏi thăm coi Phùng Xuân gạt gẫm cách nào. Tố Nga mới thuật lại đầu đuôi mọi việc lại cho Cẩm Vân nghe, không giấu một chỗ nào hết, song nàng không nói tới chuyện về dọc đường gặp Trọng Quí, mà Cẩm Vân không hỏi đến chuyện ấy.
Lụi hụi không mấy bữa, kế Chánh Tâm đi Hà Nội cũng về tới, trong nhà vui vẻ lại như thường. Tố Nga lần lần nguôi ngoai bớt giận chồng mà cũng không nhớ tới sự làm ơn với Trọng Quí nữa.
Ăn Tết rồi, bà Tổng với vợ chồng Chánh Tâm dắt nhau trở xuống Láng Thé mà coi cho Hương bộ Huỷnh góp lúa, Tố Nga cũng ở nhà coi nhà một mình như lần trước.
Một buổi sơm mai, lối chín giờ, thằng Điệu thì nhổ cỏ ngoài vườn, còn con Lại thì nấu cơm dưới bếp. Tố Nga không ai nói chuyện nên nàng buồn. Nàng nằm dật nằm dựa trên bộ ván một hồi rồi ra cửa mà đứng. Có một người chà-và, ôm cái hộp kè kè bên hông, ghé trước ngõ mà kêu biểu ra lấy thơ.
Tố Nga tưởng là thơ của em ở dưới Láng Thé gởi về, hoặc là thơ chồng ở dưới Mỹ Tho gởi lên, nên thủng thẳng bước ra cửa ngõ mà lấy. Nàng thấy phong thơ ngoài bao màu tím mà trên chỗ đề tên họ nàng lại có in một nhánh bông hường thiệt là tươi. Gần con cò, có đóng con dấu nhà thơ[2] ở cần Thơ. Nàng coi con dấu và nhìn tuồng chữ thì biết của Trọng Quí nên cầm phong thơ mà trở vô nhà, gương mặt coi sắc bàng hoàng, chớ không có được thơ thới tự nhiên, nàng lại ghế xích đu mà nằm, rồi rút móc tai vàng mà rọc bao thơ rất kỹ lưỡng. Nàng lấy bức thơ ra thì mùi thơm bay bát ngát, làm cho nàng phải kề bức thơ gần lỗ mũi mà hưởi, rồi chúm chím miệng cười. Nàng xem thơ nói như vầy:
Canthơ le 20 février 191..
Chère Cô Hai !
Từ ngày tôi có phước gặp cô cứu tôi trong nguy hiểm giữa đường, thì trong lòng tôi ái ngại hoài, không biết làm sao mà đền ơn đáp nghĩa cho được.
Hôm tôi ra khỏi nhà thương, tôi đến tạ ơn cô tôi được giáp mặt với cô mà nói chuyện với cô gần một giờ đồng hồ tôi mới biết rõ cô là một người đàn bà có nhơn có trí, mà lại còn thêm có lễ nữa, bởi vậy hồi tôi ở trong nhà cô tôi bước chân ra về, thì tôi kính trọng cô lung lắm. Chẳng hiểu vì cớ nào, chừng tôi về đến nhà rồi, sự kính trọng cô thì tôi cũng còn kính trọng hoài, nhưng mà trong lòng tôi lại gây thêm một mói tương tư làm cho có đêm tôi tưởng hay là ông trời muốn cho cô với tôi gặp nhau, nên ổng khiến cho tôi phải té xe đặng cô cứu chăng?
Vả cô là gái có chồng, mà cô là một người đúng đắn nữa. Tôi vẫn biết tôi tư tưởng đến cô như vậy thì tôi quấy nhiều, quấy mọi bề đủ hết, bởi vậy tôi dằn lòng tôi đừng có mong mỏi điều chi khác, chỉ lo làm thế nào đặng thân cận với cô, rồi lâu lâu đến thăm cô cho thấy mặt một chút thì đủ rồi.
Tôi xin tỏ thật với cô, vì tôi muốn nuôi cái tình của tôi cho cao thượng, vì tôi muốn gần gũi cô mà cô khỏi mang tiếng với chồng, lại tôi khỏi phải hổ thẹn với đời, nên hôm Tết nầy tôi có qua Mỹ Tho, quyết kết bạn với thầy thông là chồng của cô đặng tới lui chơi mới thấy mặt cô được. Chẳng dè tôi vừa qua tới đó, tôi gặp một người quen, tôi hỏi thăm thầy thông Lê Phùng Xuân, thì họ tả hết tánh tình gia đạo của thẩy cho tôi biết, không sót một chỗ. Chừng ấy tôi mới hay cô là một thuyền huyên mạng bạc, cô có sắc, có đức, cô biết nhơn nghĩa, mà cô lại gặp một người chồng không có liêm sỉ, không có lương tâm, làm cho cô trót bốn năm nay ăn thảm uống sầu, trêu cay nuốt đắng, không có giờ khắc nào mà cô vui vẻ được.
Cô hai ôi! Chuyện nhà của cô tình cờ mà tôi rõ hết rồi. Mà tôi biết được thì tôi đau đớn tức tửi không thể chịu được, người tánh tình đức hạnh như cô, thì chồng phải tưng trọng kính mến, đã phải làm cho cô sung sướng, mà lại còn phải làm cho cô vui vẻ luôn luôn, chớ sao có vật quí đã không biết lau chùi, mà lại còn bỏ bê cho khờn cho mẻ! Tức quá! Phiền quá!
Người như chú Phùng Xuân nầy, tôi không thể làm quen được, bởi vậy tôi nghe người ta thuật lại chuyện rồi thì tôi bỏ tôi về, tôi không cần biết mặt làm gì.
Cô hai ôi! Hổm nay tôi nằm đêm tức giận hoài ngủ không được. Bữa nay tôi dằn lòng không được nữa, nên tôi viết thơ nầy mà tỏ với cô; tôi không có anh em chi hết, cha mẹ tôi khuất rồi, có để lại cho tôi một cái gia tài lớn mỗi năm tôi thâu huê lợi chừng năm chục ngàn giạ lúa. Tôi có vợ mà vợ tôi đã mất rồi. Và cô làm ơn cho tôi hôm nọ, bữa nay tôi quyết trả ơn cô. Nếu cô đành kết tóc trăm năm với tôi thì tôi giao hết cái gia tài của tôi đó cô muốn dùng cách nào cũng được. Tôi thề với cô rằng, nếu tôi còn một tấc hơi, thì tôi chẳng hề khi nào để cho cô cực lòng. Tôi nguyện sẽ làm cho cô sung sướng trọn đời. Tôi nhứt định thà là tôi chịu mang tiếng giựt vợ người ta, chớ tôi không nỡ dể cho thuyền quyên nổi chìm trong biển lâu ngày nữa.
Tôi chờ tin cô mỗi giờ, cô dạy lẽ nào tôi cũng vưng hết thảy.
Lữ Trọng Quí
"Ký thơ"
Sớm mai trời chưa nắng gắt, lại có gió bấc phất mát mẻ mà Tố Nga đọc thơ rồi, nàng đổ mồ hôi trên trán ướt dầm. Nàng xếp bức thơ đút vô bao rồi để trên bụng nằm suy nghĩ.
Tố Nga xét phận mình là gái có chồng, chẳng nên nghe giọng kèn tiếng uyển. Nàng thầm trách Trọng Quí sao đã chịu ơn nàng mà rồi lại nỡ mượn chữ tình mà toan làm cho nhơ danh xủ tiết nàng. Dầu chồng nàng có hư hèn cho mấy đi nữa cũng là người của cha nàng kén chọn, có lý nào bây giờ nàng thấy người khác khôn ngoan hơn chồng, tử tế hơn chồng, học giỏi hơn chồng, giàu có hơn chồng rồi nàng lại theo người ta mà bỏ chồng hay sao. Đã biết thế tình, họ hay tham phú phụ bần, họ hay chơi lê quên lựu; họ làm sao thì mặc họ, mình cứ giữ phận mình còn ai gọi mình là gái đúng đắn.
Tố Nga đứng dậy đi lên lầu, tính gởi thơ mà trả lại cho Trọng Quí, và viết ít hàng mà trách chàng sao nỡ lấy ơn làm tình, phiền chàng là người có học thức sao không biết trọng danh tiết cho gái có chồng. Nàng ngồi tại bàn bu rô lấy giấy cầm viết rồi nàng lại mở bức thơ của Trọng Quí ra mà đọc một lần nữa. Nàng đọc rồi suy nghĩ theo lời nói trong thơ của Trọng Quí nghe thân phận mình vì chồng mà khổ não, nên chàng tức giận mới quyết cứu mình ra khỏi cái biển trầm luân chớ không phải chàng ghẹo nguyệt trêu hoa chi đó. Đã vậy mà chàng thấy mình không ở với chồng nữa, nên chàng mới xin chắp chỉ nối tơ, chớ không phải chàng tính đẩy đưa qua đường mà mình trách chàng không trọng danh tiết của mình, Chàng nói như vậy, mình chịu hay là không chịu, chàng cũng không ép mình được. Bây giờ mình viết thơ mà nói giống gì ? Mình không chịu thì thôi cần gì phải trả lời cho gây sự thêm ra nữa. Còn nếu mình gởi thơ nội bức thơ của chàng mà trả lại không thèm nói chi hết, thì té ra người ta có hảo ý, mình phụ ý người ta, mà mình còn làm nhục người ta nữa sao.
Nàng ngồi bàng hoàng suy tới nghĩ lui một hồi, rồi dẹp viết, cất giấy, xếp thơ bỏ vào túi mà đi xuống. Ngày ấy nàng lơ lơ lửng lửng nằm đâu cũng tơ tưởng, ngồi đâu cũng bàng hoàng. Tối lại, trẻ ở trong nhà ngủ hết rồi, nàng bèn mở bức thơ của Trọng Quí ra mà đọc đi đọc lại hai ba lần. Nàng đọc riết rồi nàng cho lời Trọng Quí hữu tình hữu nghĩa, nàng khen Trọng Quí đáng mặt làm trai, nàng tưởng thầm người như Trọng Quí làm chồng nàng mới xứng. Nàng nằm mơ màng tư tưởng Trọng Quí hoài nên ngủ không được. Qua ngày sau nàng cũng còn bàng hoàng tư tưởng nữa, mà hễ nhớ mặt Trọng Quí nàng khoăn khoái trong lòng.
Đến tối Tố Nga kêu thằng Điệu mà biểu nhắc cái ghế xích đu để trước sân đặng cho nàng nằm chơi. Trăng rằm soi vặc vặc, gió bấc phất riu riu. Nàng nằm ngó lên trên không, thì bầu trời lồng lộng có rải mây khóm trắng trắng, khóm hồng hồng, ngọn cây lung lay nhờ yến nguyệt[3] chỗ mờ mờ, chỗ sáng sáng. Ngoài đường tiếng xe chạy cục kịch, trong có tiếng ve kêu vo vo. Tố Nga nằm nhắm cảnh lặng thinh thì mối tình riêng của nàng nó càng phay pháy rồi trong lòng nàng càng bồi hồi hơn nữa. Chẳng hiểu nàng nghĩ thế nào mà nàng nằm cho đến bảy giờ sáng rồi nàng sai thằng Điệu đi mướn một cái xe cho nàng đi Mỹ Tho.
Xe hơi đem lại, Tố Nga cất phong thơ của Trọng Quí sấp áo quần vào va ly đội khăn choàng mang áo lạnh, dặn thằng Điệu coi nhà, rồi nàng lên xe mà đi. Trời mát cảnh thanh, xe hơi chạy vùn vụt, Tố Nga ngồi khoanh tay trước ngực mà suy nghĩ: chồng mình dầu có quấy cho mấy nó cũng là chồng, thân mình dầu có buồn cho mấy, chớ không nhục. Tại mấy năm nay mình không chịu gần chồng nên bây giờ mình được bức thơ của Trọng Quí mình mới cảm xúc động tình. Vậy mình phải xuống mà ở với chồng một vài bữa, thì tự nhiên cái tình riêng quấy quá của mình nó sẽ nguội lạnh chớ có chi mà sợ.
Nàng nghĩ như vậy rồi trong lòng nàng vui vẻ thơ thới, chớ không bàng hoàng buồn bực nữa. Xe đã chạy mau, mà nàng còn muốn chạy mau thêm, đặng tới Mỹ Tho phứt cho rồi.
Xe hơi xuống tới Mỹ Tho hồi tám giờ rưởi. Tố Nga biểu ngừng tại góc đường, dặn sớp phơ coi chừng va ly, nàng nói dối rằng, để nàng đi kiếm nhà quen, chừng kiếm được rồi nàng sẽ kêu xe đem lại. Nàng thủng thẳng đi đường lại dãy phố Phùng Xuân. Khi đi gần tới, nàng thấy trong căn phố của chồng ở đèn đốt sáng trưng tiếng người inh ỏi. Nàng bèn qua lề đường bên kia, rồi chậm chậm mà ngó vô nhà. Nàng thấy Phùng Xuân với một thầy nữa, không biết là ai đang ngồi tại bàn giữa mà ăn uống, mỗi người lại có cặp một nàng con gái, mặc áo lụa trắng ngồi một bên. Lúc Tố Nga liếc mắt ngó vô thì thấy một nàng con gái tay trái đương choàng ngang qua cổ Phùng Xuân, tay mặt đương bưng ly rượu kê vào miệng chàng uống, miệng thời ngâm một một câu thi[4], tiếng nghe lảnh lót. Phùng Xuân uống rượu rồi hai tay ôm đầu nàng nọ mà hun. Nàng nọ cũng hun lại chàng, rồi thầy lạ mặt với nàng con gái ngồi phía bên kia vỗ tay cười rộ.
Thuở nay tuy Tố Nga biết chồng ăn chơi, song nàng chưa thấy cách ăn chơi bời của chồng là thế nào. Hôm nay nàng vì danh dự nên mới xuống đây, mà vừa bước tới cửa thì lại thấy cái cảnh nhơ nhuốc tồi bại như vậy, thì nàng dửng dừng dưng, đỏ mặt phừng phừng, sôi gan sục sục. Nàng quyết xốc[5] vô nhà mà nhiếc chồng một cấp, đánh đồ đĩ nầy một trận cho chúng biết mặt mình, mà nàng vừa dở chơn thì nàng lại nghĩ chồng nhơ nhuốc như vậy nhiếc cũng uổng tiếng, đĩ tồi bại như vậy đánh cũng dơ tay, bởi vậy nàng thở dài một cái rồi bươn bả đi riết lại xe, nước mắt tuôn dầm dề.
Tố Nga leo lên xe hơi, đóng cửa xe một cái rầm rồi biểu sớp phơ rằng: ”Trở về Sài Gòn, chạy cho mau mau đi anh“. Xe chạy như dông, Tố Nga ngồi sau hai tay ôm riết cái ngực, mà trong tim nhảy thình thịch, nước mắt cứ chảy ròng.
Về tới nhà đúng mười giờ rưỡi. Tố Nga kêu thằng Điệu mở cửa mà biểu nó ra xe xách va ly, thằng Điệu dòm thấy mặt nàng giận giủi, cặp mắt đỏ ao, không biết có việc gì, song nó không dám hỏi.
Tố Nga cởi áo lạnh, lột khăn choàng mà bỏ trên bàn rồi đi xăm xăm lên lầu, nàng dậm chân mấy nấc thang kêu rầm. Nàng ngồi kề lại bàn bu rô mở hộp bao thơ lấy ra một tờ giấy mà miệng nói lầm bầm rằng: "Mầy muốn như vậy thì tao làm cho mầy coi. Dại gì mà tử tế nữa!" Nàng lấy viết chấm mực viết như vầy:
Thưa thầy
Em có tiếp được thơ của thầy. Em đọc mấy lời trân trọng của thầy thì em cảm thấy tình nghĩa lắm.
Em sẵn lòng chờ ngày gặp mặt nhau, đặng em kể hết nỗi lòng thê thảm của em cho thầy nghe. Vậy bữa nào thầy có đi Sài Gòn và thầy ở chỗ nào thì xin cho em biết trước, em sẽ đến đó gặp mặt nhau. Em trông thầy lắm.
Tố Nga
"Ký thơ"
Tố Nga lấy một cái bao thơ đề gởi cho Lữ Trọng Quí, rồi nàng niêm thơ lại, dán cò tử tế và kêu thằng Điệu đưa cho nó hai cắc bạc mà biểu đi xe kéo ra nhà ga mà bỏ thơ cho kịp chuyến xe khuya.
Thằng Điệu đi rồi, Tố Nga để cửa ngồi mà chờ. Có lẽ lúc ấy trong trí nàng lộn xộn lắm, bởi vì nàng ngồi cặp mắt thì ngó sửng, mà giọt lụy ứa rưng rưng.