Kẻ làm người chịu

Từ ngày Lý Chánh Tâm thôi học về ở nhà, chàng mảng đỏng đảnh[1] với mẹ hoặc dan díu với vợ, mà đã gần tròn năm rồi. Qua đến tháng mười một Tây năm sau, các Nhựt trình Tây Nam ở Sài Gòn báo cáo cuộc hội chợ ở Hà Nội mới mở lần thứ nhứt, và cổ động khuyên bực tài gia phú hộ ở Việt Nam hãy ra Bắc việt mà xem. Hội chợ trước cho biết thổ sản cùng đồ công nghệ trong nước, sau kết dây thân ái người làm cho Nam Bắc một nhà.

Chánh Tâm muốn dắt vợ đi coi chơi. Tối lại chàng bàn tính với vợ thì Cẩm Vân nói rằng: ”Mình đi chơi sung sướng, còn bỏ má ở nhà vậy sao phải. Như anh thưa với má, mà má chịu đi với mình, thì em mới dám đi.”

Chánh Tâm thưa với mẹ, thì mẹ cũng muốn đi chơi lắm, ngặt vì lúc ấy đã gần tới mùa góp lúa, nếu Chánh Tâm đi mà bà cũng đi nữa, thì có ai ở nhà mà coi góp lúa. Tố Nga thấy mẹ không đi thì nàng xin mà đi với vợ chồng Chánh Tâm, Bà Tổng nói rằng: ”Nếu bây dắt nhau đi hết, bây bỏ tao ở nhà một mình tiu hiu hay sao? Rồi bữa nào đây tao về Láng Thé thăm ruộng ai mà coi nhà trên nầy?”.

Tố Nga nghe mẹ nói như vậy, nàng không dám đòi đi nữa. Cẩm Vân ái ngại nên nàng cũng không dám đi. Chánh Tâm sữa soạn áo quần rồi mua giấy tàu mà đi một mình.

Chánh Tâm đi được ba bốn ngày, bà Tổng bèn tính về Láng Thé mà thăm ruộng. Tố Nga nói với Cẩm Vân không nỡ để cho mẹ đi một mình, mới phân nhau, chị thì ở nhà coi nhà, em thì theo mẹ mà phục sự, con Nên cũng theo bà Tổng mà phụ với Cẩm Vân.

Bà Tổng với Cẩm Vân đi hồi sớm mơi, thì buổi chiều Tố Nga được một tờ dây thép của chồng ở dưới Mỹ Tho đánh lên nói rằng, đau nặng biểu nàng phải xuống lập tức cho chàng thấy mặt rồi chàng có chết.

Tố Nga được dây thép hồi ba giờ chiều. Nàng coi rồi liền quăng tờ dây thép trên bàn quần quằn không chịu đi. Nàng nói thầm một mình rằng: ”Nhơn nghĩa gì đó mà cần phải thấy mặt, chết đâu thì chết phứt đi cho rảnh. Chết rồi ta xuống ta chôn”.

Nàng bỏ đi vô mùng mà nằm. Ban đầu thì nàng nhứt định không đi, mà nàng nằm một hồi nàng nghĩ lại dầu không thương cũng là nghĩa vợ chồng. Đã biết chồng mình có ở quấy với mình nhiều, theo người ta thì họ đã xin để bỏ từ lâu rồi. Vì mình không nỡ phụ lời của cha trối nên mình mới dây dưa như vầy. Mà ai quấy thì họ chịu, mình phải thì mình phải giữ cho tròn. Tuy mấy năm nay chồng mình ở với mình không có nhơn nghĩa chi hết, song hôm nay nó đau nặng gần chết, nó xin mình về một chút cho nó thấy mặt; nếu mình không đi té ra mình cũng mang tiếng bất nghĩa như chồng còn gì.

Tố Nga nghĩ như vậy rồi nàng vùng ngồi dậy, đi thay áo đổi quần, tính đi Mỹ Tho. Nàng kêu thằng Điệu với con Lại ra mà dặn ở nhà phải coi nhà, tối phải coi đóng cửa nẻo cho chặt chịa nàng lại mở tủ sắt lấy năm tấm giấy săn xếp lại bỏ vô bóp rồi lên xe kéo ra nhà ga mà đi xe lửa. Nàng vừa tới chợ Đủi thì thấy xe lửa bốn giờ hai mươi đã chạy ngang, thổi súp lê inh ỏi.

Chuyến xe lửa nầy là chuyến chót, không chuyến nào đi Mỹ Tho nữa. Tố Nga lấy làm bối rối nên quay xe trở về nhà. Ban đầu nàng tính để chờ chuyến xe khuya rồi sẽ đi. Mà nàng đi vô đi ra, trong lòng bứt rứt, nàng lại tiếc chớ chi mà mới được dây thép, nàng đừng giận lẩy, sửa soạn mà đi liền thì khỏi trễ xe như vầy. Nàng lo tính hoài, nằm ngồi không yên.

Gần năm giờ chiều con Lại dọn bưng cơm lên. Tố Nga nóng nảy quá, chờ đến khuya không được, nàng mới sai thằng Điệu đi kiếm một cái xe hơi lô ca xông mà hỏi giá đi Mỹ Tho có lại là bao nhiêu. Nàng ăn cơm trưa rồi thì thằng Điệu về thưa rằng, có cái xe hơi ở phía chợ Đủi, còn mới tinh, chủ xe nói như xuống Mỹ Tho mà về trước mười hai giờ khuya thì ăn hai mươi lăm đồng, còn như ở tới sáng mới về thì ăn ba chục đồng. Tuy Tố Nga chê giá mắc, song nàng biểu thằng Điệu chay kêu xe hơi đem lại lập tức cho nàng đi. Nàng muốn biểu thằng Điệu hoặc con Lại đi với nàng, mà rồi nàng nghĩ nhà rộng minh mông, không biết chừng mình phải ở luôn dưới Mỹ Tho, nếu dắt một đứa theo thì một đứa ở nhà không tiện, bởi vậy chừng xe hơi đem lại, nàng lên xe đi một mình, không dắt đứa nào theo hết.

Vừa mới đỏ đèn thì Tố Nga xuống tới Mỹ Tho. Nàng chỉ đường cho xe hơi chạy lại đậu ngay căn phố của Lê Phùng Xuân ở. Xe vừa ngừng, nàng lật đật leo xuống. Nàng dòm vô nhà thì thấy nhà mở cửa tác hoác, có đốt một cái đèn leo loét để trên bàn, mà không thấy dạng người nào hết. Nàng bước vô vừa dặn đèn lên cho sáng, thì Phùng Xuân ở đâu đàng xóm chạy về, mình mặc áo sơ mi quần lãnh đen, chơn mang guốc, tóc xấp xơ xấp xải, miệng cười ngỏn ngoẻn và hỏi rằng: “Mình mướn xe hơi mình đi hay sao? Sao không đi xe lửa?”

Tố Nga tức giận nghẹn họng, đứng ngó chồng rồi hỏi lại rằng:

- Thầy đau gần chết vậy hả. Thầy quá quắc lắm! Vậy mà dám đánh dây thép nói gần chết chớ!

- Tội nghiệp tôi lắm mình ôi! Tôi sống đây chớ cũng như chết rồi. Cha chả tôi nguy lắm! Nếu phen nầy mà mình không cứu tôi, chắc là tôi phải chết, chớ sống không được. Mình ngồi xuống đó mình ngồi rồi tôi nói chuyện cho mình nghe.

- Tôi biết chuyện của thầy rồi, thầy đừng có nói mà thất công. Thầy không có tiền đi đánh cờ bạc, không có tiền phụ cấp cho đĩ, nên đánh dây thép gạt tui xuống đặng xin tiền, chớ không có chuyện chi hết.

- Không phải vậy đâu! Mình ngồi đó mà, mình ngồi tôi nói mới hết chuyện. Mình cứ nói tôi cờ bạc hoài, tội nghiệp tôi quá. Tôi đã hứa với mình tôi không chơi nữa. Thiệt hơn hai năm nay tôi có chơi bời gì đâu. Không tin mình hỏi hết mấy thầy ở đây Mỹ Tho nầy mà coi. Mình ngồi chớ.

Phùng Xuân kéo ghế và nắm tay Tố Nga mà biểu ngồi. Tố Nga ngồi cắn móng tay, mắt ngó đèn mà không thèm ngó tới chồng. Phùng Xuân ngồi một bên, bộ coi buồn thảm lắm. Chàng chống tay trên trán và ứa mắt mà nói rằng: “Tôi làm đàn ông mà theo xin tiền của vợ hoài nghĩ thiệt là xấu hổ lắm. Mình giận tôi cũng phải. Tôi đâu dám trách mình. Trước khi tôi đánh dây thép cho mình, lương tâm tôi nó cắn rứt tôi lung lắm. Vì ngặt quá, nên tôi phải liều mạng, chớ thiệt tôi có muốn làm cực lòng mình làm chi. Để tôi nói cho mình nghe: hơn hai năm nay tôi không dám chơi bời chi hết. Mà vì hồi trước trước tôi dại, tôi chơi lỡ, nên có thiếu người chút đỉnh. Hai năm nay tôi lần hồi tiện tặn trả cũng gần hết nợ rồi. Còn có một chủ, là hai Hoành ở gần bên Chợ Củ, tôi thiếu nó hai trăm đồng. Mấy năm nay tôi trả tiền lời mạt kiếp, mà năm nay nó lại làm gắt, phải trả vốn. Tôi xin góp nó không chịu. Nó vô đơn trong tòa án kiện tôi. Tòa lên án định tôi phải trả vốn lời ba trăm nếu không chủ nợ được phép giam thâu. Hôm qua Trưởng Tòa đã rao án cho tôi rồi. Tôi kỳ ba bữa tôi trả. Đến sáng mai mãn kỳ, nếu tôi không trả, thì nó giam thâu. Tôi chạy về trên nhà tôi lạy ông già mà xin tiền. Ông già bị bà dì ghẻ tôi bả đốc, nên ổng rượt đánh tôi, không cho đồng nào hết. Tôi phải chết! Bây giờ tiền bạc đâu có mà trả! Mà đến mai nầy, nếu tôi không trả thì ở tù, hễ ở tù thì mất chức. Làm người mà đến ở tù mất chức, thì thà là chết phứt cho rảnh chớ sông nữa làm gì”.

Phùng xuân nói tới đó rồi chàng khóc rấm rức. Tố Nga thấy vậy thì cười và nói rằng: ”Thầy làm thì thầy chịu, chớ thầy nói với tôi làm chi? Có phải tôi làm nợ cho thầy sao, mà bây giờ trách tôi”.

Phùng Xuân vừa khóc vừa nói rằng: “Tôi đâu dám trách mình. Tôi nói cho mình hiểu cái nguy của tôi mà thôi chớ”.

Tố Nga ngồi lặng thinh một hồi rồi nàng bước ra cửa mà đứng. Phùng Xuân cứ ngồi chống tay trên ván mà khóc. Cách một hồi nàng trở vô hỏi rằng:

- Thầy có bao nhiêu chuyện đó hay là còn chuyện gì nữa, thì nói phứt đi, đặng tôi về cho sớm, kẻo bỏ nhà ở trển không có ai. Má mắc đi dưới ruộng.

- Mình ở dưới nầy mà ngủ rồi sáng sẽ về không được hay sao?

- Không được. Nhà cửa ở trển bỏ hay sao.

- Tôi không còn chuyện gì nữa. Tôi có một cái nguy đó, như mình có nghĩ tình vợ chồng, mình cứu tôi, thì tôi mang ơn; nếu mình không thương, mình bỏ cho tôi chết thì tôi cũng không trách, vì tôi cũng biết việc tôi làm thì tôi phải chịu, lại tôi cũng đã nhờ mình nhiều rồi, bây giờ tôi đâu dám mở miệng nữa.

Tố Nga ngồi suy[2], coi gương mặt thì biết trong trí nàng bối rối lắm. Một lát nàng châu mày đứng dậy bỏ đi ra ngoài trước. Một lát nàng thủng thỉnh trở vô đứng ngó chồng. Đồng hồ gõ tám giờ, Tố Nga bèn hỏi chồng rằng:

- Hồi nãy thầy nói số nợ vốn lời phải trả bao nhiêu?

- Gần ba trăm.

- Thầy có được trăm nào hay không?

- Có đâu!

- Tôi cũng ráng làm phước mà cứu thầy một lần nữa. Thầy ở quấy với tôi, thì tôi cũng để cho ông trời phạt thầy, chớ tôi không nỡ bất nhơn.

Tố Nga nói và móc bóp lấy ra ba tấm giấy săn mà để trên bàn. Nàng đội khăn lên và nói nữa rằng: “Đó, tôi cho thầy ba trăm đồng bạc đó cho thầy trả nợ, mà biết rằng, đó là tôi làm phước cho thầy khỏi ở tù mất chức, chớ không phải tôi vì tình nghĩa chi đâu. Thôi tôi về a, khuya rồi“.

Nàng nói dứt lời rồi bước ra cửa. Phùng Xuân lấy bạc cầm trong tay rồi đi theo mà nói rằng: ”Tôi cám ơn mình lắm. Biểu ở ngủ rồi sáng sẽ về, đi đêm hôm cực khổ quá. Mình ăn mì ăn cháo gì hôn? Để tôi biểu trẻ đi mua cho mà ăn rồi sẽ về.” Tố Nga đáp rằng: ”Thôi thôi, tôi mới ăn cơm rồi tôi đi đây. Thầy vô đi. Tôi về a.” Nàng bèn mở cửa xe hơi bước lên, rồi sốp-phơ vặn đèn đạp máy, xe thủng thẳng rút chạy. Phùng Xuân đứng ngó cho xe chạy khuất rồi chàng phành ba tắm giấy săn mà coi, miệng chúm chím cười.

Trăng trong, gió mát, xe hơi chạy vù vù. Người sốp phơ ngồi phía trước cầm tay bánh, hễ gần qua mấy khúc quanh thì bóp kèn kêu te te, có một thằng nhỏ chừng mười lăm, mười sáu tuổi, ngồi một bên mặc áo thun, đầu đội kết trần, vì nó ngủ gục, nên đầu gật qua ngoẻo lại.

Tố Nga ngồi phía sau có một mình, ngó tới trước thì đèn xe chiếu đường lộ một lằn sáng hoắc còn dòm qua hai bên thì bóng trăng dọi đồng ruộng chỗ xám xám, chỗ vàng vàng. Nàng nhắm cảnh xinh lịch, mà trong lòng nàng không biết vui, vì trí nàng đang giận thói chồng giả dối cứ gạt gẫm mà rút rỉa tiền bạc hoài, lòng nàng đương tủi phận vô duyên, kiếp trước có tội lỗi gì mà trời lại khiến gặp chồng vô tình vô nghĩa như vậy.

Xe chạy vùn vụt, mới qua đò Tân An đó, rồi kế tới đò Bến Lức. Tuy qua mấy nơi hiểm trở, thì Tố Nga ngồi hồi hộp phập phồng, song khỏi mấy chỗ ấy rồi, xe bắt xăng chạy dong, thì nàng lại giận chồng tủi phận. Qua khỏi xóm Bình Chánh chừng ba khoảng dây thép, xe đương chạy vù vù, nàng đương buồn duyên nợ, thình lình thấy phía trước mặt có một cái xe hơi màu xám cụng đầu vào cột dây thép, cột cong queo, xe tan tành, lại có một người trai chận giữa đường, đưa hai tay mà cản. Sốp phơ của Tố Nga, buông ga săn, đạp nhấp thắng, xe hết trớn, chạy dịu dịu rồi ngừng ngang cái xe đụng đó, Tố Nga không hiểu có việc gì, nên ló đầu ra mà hỏi rằng: ”việc gì vậy?”.

Người đứng cản xe đó đáp rằng: ”Xe tôi ở trên Sài Gòn đưa họ đi Mỹ Tho, chạy tới đây vùng nổ bánh trước, tôi bẻ không kịp, xe tạt vô cột dây thép, hư thùng nước, bể đèn pha, gãy hết một bánh. Tôi không sao, rủi cho thầy đi xe của tôi bị bịnh nhiều quá. Xin cô làm ơn chở giùm thầy lên Sài Gòn đặng kiếm thầy thuốc băng bó cho thẩy”.

Tố Nga thấy có một người mặc quần áo trắng đương ngồi trên lề đường, hai tay ôm đầu. Nàng lật đật mở cửa xe leo xuống, rồi bước lại gần mà coi. Nhờ bóng trăng tỏ rạng, nên nàng thấy rõ người bị bịnh mặc đồ tây u-oe trắng, mà bên tay mặt có kết một miếng nỉ đen bao vòng cánh tay. Nàng không biết bịnh nặng nhẹ thể nào, song thấy máu chảy ướt mặt, lại dính tay áo, trước ngực và ống quần đỏ lỏm, thì nàng kinh tâm hồi hộp nên lật đật hỏi rằng: ”Thầy bị bịnh nhiều ít? Trong mình có sao hay không thầy?”.

Thầy ấy đáp nho nhỏ rằng: ”Không có sao. Xin cô làm ơn cho tôi có giang xe trở về Chợ Lớn đặng tôi nằm nhà thương”. Tố Nga gặc đầu và nói lia lịa rằng: ”Ðược, được”. Nàng liền day lại mà nói với người sốp phơ của nàng rằng: ”Anh làm ơn chở giùm thẩy một chút, nghé. Người ta có bịnh tội nghiệp”.

Người sốp phơ của nàng mới phụ với người sốp phơ xe bị đụng, mà đỡ thầy nọ đứng dậy rồi dắt lại xe. Họ muốn để thầy ngồi phía sau, thầy không chịu xin để thầy ngồi dựa bên sốp phơ. Lúc ấy Tố Nga đi coi số cái xe bị đụng, chừng nàng trở lại nghe thầy nọ đòi ngồi phía trước, thì nàng nói rằng: ”Không, không để thầy ngồi phía sau được mà. Ngồi phía sau rộng rãi hơn”.

Hai người sốp phơ kiềm dắt thầy nọ lại phía sau, Tố Nga đứng sớ rớ gần đó, bị tay thầy nọ quẹt trúng nhằm lỗ tai phía trái, nên lật đật bước dan ra. Đỡ thầy nọ lên ngồi rồi, Tố Nga sữa soạn lên xe, mà nàng vừa bước lại cửa thì nàng đứng dụ dự, rồi kêu thằng sốp phơ phụ mà biểu lên ngồi một bên đặng đỡ thầy, còn nàng thì nàng bước lên ngồi dựa sốp phơ ở phía trước.

Xe sửa soạn chạy, thì thầy ấy vùng nói rằng: ”Ý! Còn cái va ly! Lấy giùm cái va ly của tôi, chút”.

Người sốp phơ kia lật đật chạy đi xách cái va ly và ôm cái áo mưa với cái nón trắng có quấn băng nỉ đen, mà bỏ qua xe bên nầy rồi Tố Nga mới biểu xe chạy.

Chẳng hiểu người sốp phơ thấy xe của người ta bị rủi ro mà giựt mình, hay là tại cớ chi khác, mà từ đây xe chạy êm ái, nhứt là tới mấy khúc quanh, hoặc qua cầu thì chạy rờ rờ, chớ không chạy vùn vụt nữa.

Tố Nga đương ngồi suy nghĩ sự đi xe hơi rủi ro thình lình sốp phơ cậy nàng day lại mà hỏi thầy bị bịnh coi muốn vô nhà thương nào. Tố Nga bèn day mặt ra phía sau mà hỏi rằng:

- Thầy muốn vô nhà thương nào, thầy nói cho anh sốp phơ biết, đặng chừng tới Chợ Lớn ảnh đưa luôn thầy lại đó.

- Tôi muốn vô nhà thương Chợ Rẫy. Cha chả, mà trong va ly tôi tiền bạc nhiều quá, vô nhà thương ban đêm, không biết có gặp ông quan thầy đặng tôi gởi cho ổng hay không.

- Thầy muốn cho bà con hay thì thầy chỉ nhà rồi tôi kêu giùm cho.

- Tôi không có bà con trên nầy.

- Thầy ở đâu?

- Tôi ở dưới Cần Thơ.

- Nếu thầy có tiền bạc trong va ly nhiều mà không có bà con đặng gởi cho người cất giùm rồi sẽ nằm nhà thương thì làm sao? Thầy bịnh hoạn, vô nhà thương, không ai giữ giùm, họ lấy hết còn gì.

- Biết làm sao bây giờ! Có lẽ tôi gởi cho quan thầy thuốc được.

- Ban đêm sợ không có quan thầy ở đó chớ. Thôi để tôi chở thầy lại bót cái[3], thầy khai sự xe đụng cho ông Cò hay, thầy gởi tiền bạc lại cho ổng giữ giùm rồi sẽ đi nằm nhà thương. Làm như vậy khỏi sợ chi hết. Được hôn?

- Thưa được. Cô tính như vậy thì phải lắm.

Xe lên tới Chợ Lớn, Tố Nga biểu sốp phơ chạy thẳng lại bót cái. Nàng khuyên thầy nọ ngồi trên xe, nàng chạy riết vô bót cho lính hay. Lính đi báo với ông Cò. Ông Cò liền đi với Tố Nga mà ra xe.

Thầy nọ thấy ông Cò thì thầm tiếng Tây, thuật việc xe đụng, tỏ sự Tố Nga chở giùm và xin gởi tiền bạc áo quần trong va ly đặng vô nhà thương. Tố Nga đứng nghe thầy nói chuyện với ông Cò, vì nàng hiểu tiếng Tây chút đỉnh, nên nàng khen thầy nói giọng chẳng khác là Tây.

Ông Cò biểu lính đỡ thầy xuống rồi dắt vào bót còn ông thì dắt va li đi sau lưng. Ông lại ngoắt Tố Nga mà biểu đi nữa.

Vô bót rồi, lính đỡ thầy nọ ngồi ghế. Ông Cò nhắc một cái ghế khác mà mời Tố Nga ngồi, rồi ông mới khám vít tích của người bịnh. Nhờ có đèn khí. Tố Nga mới thấy mặt tỏ rỏ. Thầy là một người trai, chừng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi, bộ tướng hùng vĩ, diện mạo khôi ngô lắm. Ông Cò coi thì thấy trên đầu có một vít chừng bằng đồng bạc, vì vít ấy nên máu chảy ướt mặt. Ngón tay trái sưng tù tù. Đầu gối mặt tróc da chảy máu, còn đầu gối trái thì bầm đen.

Ông Cò coi rồi bèn nói bịnh không có chi nặng. Ông Cò mở va ly ra lấy đồ mà biên. Có một hộp bánh mì, ông dở ra đếm hai trăm tấm giấy săn. Ông ngó thầy nọ mà cười rồi ôm cái hộp lại bàn ngồi lập vi bằng. Ông hỏi tới Tố Nga thì nàng khai rằng: ”Tôi là Lý Tố Nga, ở đường Thuận Kiều, số 112 ngoài Sài Gòn“.

Thầy nọ nghe nàng khai thì ngước mặt ngó nàng. Ông Cò ngồi viết, thầy nọ ngồi liếc mắt ngó Tố Nga hoài. Cách một hồi thầy nói với nàng rằng: ”Tôi cám ơn cô quá, biết làm sao mà đền ơn cho cô được. Để tôi mạnh rồi tôi đến nhà mà cám ơn cô. Tôi nhớ chỗ ở của cô rồi, 112 đường Thuận Kiều“.

Tố Nga cười và đáp rằng: ”Việc nhỏ mọn có chi đâu mà thầy ngại. Ai cũng vậy hễ đi đường gặp nguy hiểm thì phải cứu người ta chớ“.

Ông Cò làm giấy xong rồi mới biểu thầy nọ ký tên và xin Tố Nga đứng chứng giùm. Ông cũng làm mà trao cho thầy một lá biên lai nhận lãnh giữ đồ đạc với hai trăm tấm giấy săn cho thầy. Các việc xong rồi ông dạy một người biện chà kêu xe đưa vào nhà thương ở Chợ Rẫy, đặng cho Tố Nga khỏi nhọc lòng nữa.

Tố Nga từ Ông Cò và thầy nọ mà về. Thầy lật đật đưa cho nàng một lá danh thiệp mà nói rằng: ”Xin cô vui lòng nhận lãnh danh thiệp của tôi làm kỷ niệm sự cô làm phước bữa nay đây. Thiệt tôi cảm ơn cô lung quá“. Tố Nga bối rối, không biết sao mà trả lời, nên thò tay lãnh danh thiệp của thầy nọ rồi cúi đầu chào mà bước ra cửa bót.

Tố Nga về nhà kêu cửa bước vô rồi dòm đồng hồ thì đã mười một giờ rưỡi. Nàng thay đổi quần áo, mới thấy cái khăn lụa của Cẩm Vân rô đê bìa giùm cho nàng, có dính một bệt máu bằng ngón tay tại chổ tai, phía bên tay trái. Ống quần trắng của nàng bên phía chơn trái, cũng có máu dính năm đóm, mỗi đóm chừng bằng một hột tiêu. Nàng đem lại gần đèn mà coi rồi chúm chím miệng cười.

Nàng kêu thằng Điệu mà dạy phải coi đóng cửa chặt chịa rồi sẽ đi ngủ. Còn nàng, thì nàng rửa mặt cho mát mẽ, rồi lại ván têm một miếng trầu mà ăn. Nàng móc trong túi ra tấm danh thiệp của thầy nọ ra mà coi thì thấy đề như vầy.

LỮ TRỌNG QUÝ

Ingénieur des Arts et Métiers.

Négociant en paddy.

CẦN THƠ

Tố Nga coi rồi, nàng nói thầm một mình rằng: ”Té ra thầy nầy học ở bên Tây, có bằng cấp Bác vật kỹ sư, bây giờ buôn bán lúa. Hèn chi thẩy đi đường mà tiền bạc nhiều dữ. Chắc thẩy đi bán lúa về chớ gì. Phải mà thầy không gặp mình, thẩy nằm ngoài trời một đêm nay chắc thẩy chết, mà dẩu thẩy không chết thì có lẽ họ cũng giựt cái hoa ly của thẩy“.

Nàng ngồi đó hoài, miệng nhai trầu nhóc nhách, tay cầm tấm danh thiếp, tay chống dựa lên bàn, mắt nhắm mắt mở lim dim; đến một giờ khuya thằng Điệu con Lại đều ngủ hết, trong nhà quạnh quẽ, ngoài đường vắng teo, mà nàng cũng còn ngồi đó không chịu đi ngủ.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá