Hạnh phúc lối nào
Cô Giáo Hưởng, một nạn nhơn của ái tình vì ăn năn, hối hận nên cô phải bỏ xứ mà phiêu lưu nơi đất khách, quyết vùi thân trong chốn rừng núi, để chôn lấp thanh danh nhơ nhuốc mà hàn gắn vết thương tâm. Vì không nỡ chịu mang tiếng giựt chồng mà quấy rối gia đạo của người yêu nên cô phải hy sinh xa người yêu 18 năm. Mà cũng vì không đành kéo đứa con thơ ngây chung sống trong cảnh đời phiêu lưu vô định nên phải cắt bỏ rời luôn máu thịt trót 17 năm.
Bụi thời gian đã phủ lấp nhiều lớp trên đống dĩ vãng, là di tích của ái tình, lắm ngọt bùi, mà cũng lắm cay đắng. Tuy vậy mà có khi Cô Hưởng trong đêm thanh vắng ngồi một mình với một ngọn đèn, cô chẳng những hồi tưởng việc năm xưa, nhớ người yêu, không biết bây giờ người có an vui hiển đạt hay không, rồi cũng nhớ đứa con dại không biết bây giờ nó còn hay đã mất.
Đã bốn mươi tuổi, đã từng chịu phong trần nhiều năm, đã bỏ dẹp cái tâm hồn đa sầu đa cảm mà xem cuộc đời như hí trường, như trò chơi, không có chi đáng buồn hay đáng vui nữa, vì cuộc đời là lượng sóng đẩy đưa lôi cuốn con người, chẳng khác nào ngọn gió mạnh hất bay lá cây khô mà bỏ rải rác chỗ cao chỗ thấp, không làm sao mà định trước được. Cô Hưởng chắc nợ đời cô đã trả đủ, tình yêu cô đã lợt phai, nên nhơn có tiền bạc, lại được rảnh rang cô mới trở về Saigon đặng lóng tai nghe thử chuyện xưa liếc mắt dòm qua lối cũ.
Ngày qua tháng lại chỉ có 17 năm trời mà đã nhiều lần sao dời vật đổi, kẻ mất người còn, kẻ mất thì đau lòng ứa lụy đã đành, khổ nỗi người còn không biết ở đâu mà kiếm.
Cô Hưởng rảo bước trót mười bữa mà tìm người bà con, là cô giáo Hạnh, hồi trước ở Bà Chiểu, người cô gởi con rãnh tay mà đi xa. Cô hỏi thăm lần lần, mới hay cô giáo Hạnh cách mười năm trước cô thôi dạy học bán nhà về ở miệt Củ Chi, nhưng cô gả người con gái lớn, tên Thinh, lấy chồng ở vùng cây Quéo. Lên miệt đó hỏi mấy bữa nữa mới hay cô Thinh đã mướn một căn phố lầu trong đường đâm qua hông đất Thánh Tây, ngoài đất Hộ, chồng đi làm việc. Cô mở tiệm may treo bảng hiệu Tân Hưng. Cô Hưởng ra đó thiệt gặp cô Thinh, chị em mừng nhau, rồi dắt nhau lên lầu mà nói chuyện.
Cô Thịnh mới kể chuyện ở nhà cho Cô Hưởng hay. Má cô là cô giáo Hạnh, nuôi em Càn đến 8 tuổi, em mạnh khỏe, học siêng nên khá lắm, trong nhà ai cũng yêu. Rủi má cô đau phổi. Bác sĩ khuyên kiếm chỗ cao ráo mát mẻ mà ở đặng tịnh dưỡng, chẳng nên dạy học nũa. Má cô gả cô lấy chồng, rồi xin từ chức bán nhà ra Củ Chi mà ở. Vì em Càn ham học lại có khiếu thông minh, mà cô không nỡ đem về chốn thôn quê mà ở cho em chịu dốt. Cô Tư Phúc ở trên Tân Định, là em con nhà chú, có chồng làm việc mà không có con, cô xin lãnh em Càn mà nuôi làm con đặng cho em ăn học. Chẳng dè em Càn ở chừng một năm rồi em bỏ đi mất không biết đâu mà kiếm.
Cô Hưởng mất con cô ngơ ngẩn. Chánh lúc ấy là lúc chánh phủ đương lo chấn hưng luân lý, cương quyết cấm nhặt tứ đổ tường, để diệt trừ tục tồi phong. Các nhà báo đều hưởng ứng, gây ra một phong trào mạnh mẽ bài trừ những thói xấu xa, như gái lẳng lơ, trai nhảm nhí. Hội : “Xây dựng đời sống mới” nhơn đó mới tiếp sức mà cổ động bảo thủ trinh tiết của gái thiệt thà, và chỉ trích hạnh kiểm hèn mạt của trai háo sắc, hễ trai gặp gái thì ghẹo chọc, dùng đủ lời ngon ngọt, đủ chước giả dối mà gây cảm tình, để gần nhau cho có con, rồi gái vì muốn cứu thanh danh trai vì trốn trách nhiệm, đồng bỏ đứa nhỏ của mình cấu tạo thành con nhà hoang, còn nhỏ thì vất vả lang bang ở xó chợ góc đường, chừng lớn lên thì ngênh ngang hung dữ, tạo ra một hạng côn đồ đàng điếm mà cướp giựt làm cho xã hội mất vẻ đẹp, mất an ninh.
Những biểu ngữ in chữ lớn mà ván khắp vách tường, hoặc viết thành tấm bảng mà cặm tại ngã ba đường cái, để nhắc nhở gái lẳng lơ phải biết giữ gìn trinh tiết, trai nhảm nhí phải lo sữa lại tánh tình cho đúng đắn.
Gặp phong trào như vậy Cô Hưởng cảm thấy cô lỗi tới hai lần: một là lúc thanh xuân cô không biết thận trọng, để cho tình yêu xô đẩy làm cho cô mất tiết mất trinh, hai là lỡ có con rồi cô không lo nuôi con mà bỏ cho nó mất đi, chắc nhập bọn với hạng trẻ hoang đàng, thù oán mẹ cha, khuấy rối xã hội. Cô tính kiếm chỗ ở cho yên rồi cô đi tìm con, phải tìm cho được mà đem nó ra khỏi vòng “vô gia đình” đặng nó nếm chút mùi thân yêu hạnh phúc.
Vợ chồng Cô Thịnh mới nói tiệm may Tân Hưng lèo hèo chỉ có vài cô thợ, tối thì họ về nhà hết nên tiệm rộng rãi. Vợ chồng bèn nhượng từng trên cho Cô Hưởng ở, có sẵn đồ đạc đủ dùng.
Có chổ ở yên rồi Cô Hưởng mới đi kiếm con. Đi chừng một tháng cô gặp cô giáo Đào, là con gái của Ông Đốc học Thắng ở Cần Giuộc, hồi còn nhỏ cô Đào có học với cô. Cô Đào nhìn cô. Hai đàng mừng nhau, hỏi thăm gia đình, nhắc sơ chuyện cũ Cô Hưởng mới hay cậu Đường là tình nhơn của cô ngày trước, đã chết rồi, chết mà không có con.
Đã yên một mối rồi, bây giờ cô chỉ lo tìm con mà thôi, cha nó đã mất, phải tìm cho được nó đặng bảo bọc. Nhờ có cô Tư Phúc ngày em Càn trốn mà đi, người ta có gặp em theo sắp nhỏ bán sách bán báo, Cô Hưởng phăng lần lần mới gặp được Càn ở chùa nhơn Hòa, bên Chí Hòa mang đạo hiệu Huệ Minh. Mẹ con gặp nhau mà Càn lợt lạt không có cảm tình chi hết, muốn rước ra nhà đặng nói chuyện chơi thì Càn từ khước không chịu đi.
Cô Hưởng về cô buồn nên nằm tiu hiu luôn mấy bữa tuy được biết con tu hành tinh tấn, ấm áo no cơm, khỏi hoang đàng cực khổ, song con không muốn gần mẹ, nên con lơ lãng không có tình nghĩa mẹ con, té ra có cũng như không, thế thì làm sao mà vui mừng cho được.
Cô đương đau khổ nỗi lòng, vì tìm được con mà con lơ lãng nó không muốn nhìn, rồi lại nhớ đến người gặp gỡ ngày xưa, vì quá thương quá trọng người, nên phải hy sinh tình yêu để cho người trọn thảo với mẹ đặng gia đình êm ấm. Nào dè người yêu chết mất lại không có con mà đứa con mình sanh ra cho người thì không được nhìn; té ra mình yêu người thành mình ghét người, yêu mà hại thì thà đừng yêu cũng còn nhẹ tội.
Cô Hưởng nằm tư lự như vậy, thình lình Cô Thịnh lên lầu cho cô hay có một ông xưng là Đốc học hưu trí ở dưới Cần Giuộc; ông ghé tiệm may hỏi thăm cô và muốn gặp cô. Cô Hưởng ngạc nhiên lật đật ngồi dậy thay áo rồi theo Cô Thịnh xuống từng dưới tiếp khách. Cô vừa thấy Ông Đốc Thắng đương đứng tại cửa tiệm thì cô vội vã bước riết ra vừa đi vừa nói:
- Em kính chào Ông Đốc, ông bà đều mạnh giỏi hết phải không?
- Cám ơn, mạnh giỏi.
- Em đã về mấy tháng rồi mà em không xuống thăm ông bà được, thiệt em có lỗi nhiều lắm. Xin ông tha lỗi cho em. Chắc cô giáo Đào có nói với ông nên ông mới biết em ở đây...
- Ừ, tôi nhờ con Đào nó nói nó có gặp cô. Cô nói cô ở đậu tiệm may lối nầy tôi mới biết tôi lại kiếm đặng thăm một chút. Cô đi mất 18 – 19 năm nay tôi hỏi thăm hoài, nhưng không ai biết cô ở đâu mà chỉ. Hôm qua tôi lên chơi, nghe con Đào nói nên sáng nay tôi mới đi kiếm đây.
- Hôm em về Saigon được ít ngày tình cờ em gặp cô Đào. Cô nhớ em cô nhìn. Em mới hay cô có chồng, vợ chồng đều làm giáo viên dạy trường Đa Kao. Em hỏi thăm ông bà thì cô nói ông bà đều mạnh, ông đã hưu trí rồi ở luôn dưới Cần Giuộc.
- Phải. Vợ chồng tôi cất nhà ở luôn cho rộng rãi mát mẻ. Cô đi đâu mà bặt tin gần 20 năm nay vậy ?
Cô Hưởng cười rồi ngó quanh quất mà nói: “Em mời Ông Đốc chịu khó đi lên lầu uống nước. Ở dưới nầy không có chỗ ngồi, lại người ta vô ra hoài, nói chuyện không tiện”.
Ông Đốc Thắng cố ý muốn nói chuyện riêng với Cô Hưởng, nên nghe cô mời lên lầu thì ông đi theo cô liền, không dụ dự chi hết.
Lên lầu rồi Cô Hưởng kéo ghế dựa bàn mà mời Ông Đốc Thắng ngồi. Cô rót một tách nước trà, bưng lại mời ông uống. Cô ngồi cái ghế phía đầu bàn.
Ông Đốc ngó trong ngó ngoài rồi ông hỏi:
- Nghe nói cô có chồng, mà chồng làm việc gì ở đâu?
- Thưa em không có chồng.
- Ủa! Sao cô đi khỏi Cần Giuộc được chừng một năm rồi vợ chồng thầy Hiển nói cô có chồng và vợ chồng cô dắt nhau đi ra Huế làm việc.?
- Thưa, đó là lời em nói dối với cô giáo Huyền trong chợ Quán để cô đồn lại với vợ chồng thầy giáo Hiển cho người ta đừng kiếm tìm đeo đuổi theo em nữa.
- Cô báo hại quá! Cô làm cho cậu Đường tìm kiếm hết sức, tìm không được cậu buồn rầu đến mang bịnh. Còn đứa con trai của cô bây giờ nó ở đây với cô hay là ở đâu?
- Thưa không. Em sanh nó được vài mươi ngày em thấy ở nhà cô giáo Huyền bất tiện, vì anh Đường biết chỗ ảnh lẻo đẻo tới hoài, sợ vợ ảnh hay, tới làm nhục em nữa. Em mới nói dối với cô giáo Huyền em đi mướn người ta nuôi con đặng em kiếm việc làm mà nuôi sống. Em vô Bà Chiểu ở đậu một nhà người bà con. Được vài tháng em cứng cát rồi em kiếm việc mà làm. Em làm ký lục cho một bà cự phú. Bà có vốn nhiều muốn làm ăn lớn, ngặt không biết tiếng Pháp nên đi đứng khó một chút. Bà thương em, dùng em được một năm bà tin cậy em lắm. Bà biểu em đi với bà ra miệt ngoài kiếm đất đỏ mà khẩn hoặc mua để lập vườn mà trồng trà, trồng cà phê, là hai thứ bây giờ bán đắt lắm. Bà hứa cho em ăn lương tháng, lương xứng đáng mà giúp cho bà làm được việc, hễ có lợi thì bà chia cho em hưởng 10 phần 100 nữa, và bà Sáu Hẩu là một người sương phụ, chưa tới 40 tuổi, có phố ở Saigon nhiều, lại có bạc gởi tại nhà băng đến mấy triệu. Em làm ký lục cho bà gần một năm, em biết rõ tánh tình bà. Vì bà thất học nên bà khỏi bận rộn về tôn giáo, về luân lý, khỏi lệt bệt mắc lầy trong cái vũng thành kiến nhơn nghĩa hay cái đống phong hóa cũ kỹ như mình. Bà cứ nhắm thực tế mà đi, đi mau, đi mạnh nhưng đi với trí cẩn thận với mắt sáng suốt. Nghe ai nói tới ái tình thì bà la lớn mà cãi liền. Bà nói loài người không ai biết ái tình là cái quái gì. Họ mượn hai tiếng ái tình nghe cho êm ái đặng dễ gạt gẫm mà làm cho thỏa nhục dục hoặc cho ra bạc tiền mà thôi, chớ không có ái tình gì hết. Loài người chỉ đuổi theo một mục đích là giả dối để lừa gạt mà bóc lột nhau, ám hại nhau, cướp công giựt của lẫn nhau. Bởi vậy bà dạy ở đời mình chỉ cậy sức mình, chớ đừng tin bụng ai hết.
- Bà là bà triệu phú, mà bà quan niệm cảnh đời kỳ quá há?
- Thưa, kỳ thiệt. Tuy vậy em nhận thấy bà chơn thành, ngay thẳng, dám cứu người gặp cơn hoạn nạn, biết thương trong cảnh nghèo hèn. Bà dũng cảm, có quyết đoán mạnh mẽ, nhưng bà biết ơn người giúp công cho bà, bà cũng biết xúc động trước tai hại của người. Em đương đau khổ về tình yêu của em đối với anh Đường; em đương kiếm thế vùi thân nơi xứ xa cảnh lạ đặng trốn tránh anh Đường, bởi vậy em nghe bà biểu em theo bà đặng lên vùng đất đỏ mà lập vườn trà, vườn cà phê thì em chịu liền...
- Khoan. Xin cô ngừng cho tôi hỏi một chút rồi cô sẽ nói tiếp. Tại sao hồi đó cô với cậu Đường yêu nhau, gần gũi nhau đến có thai nghén rồi cô lại lánh mặt, không muốn gặp cậu nữa? Mà chừng cô sanh cho cậu được một đứa con trai rồi cô cũng còn tính trốn tránh cậu hoài? Hay cô có thai cậu có tỏ ý ăn năn, cậu có lợt lạt với cô hay sao mà cô phiền nên cô quyết xa cậu?
- Thưa, không. Hay em có thai, anh Đường mừng lắm. Đối với em, tình yêu của ảnh càng thêm mặn nồng. Mà đối với ảnh, tình em yêu ảnh cũng không lay chuyển.
Tại em yêu ảnh, mà ảnh cũng yêu em, hai đàng yêu nhau với một tấm lòng chơn thành, yêu vì đồng thinh đồng khí, chớ không có ý gì khác. Tại cái yêu đó nên em phải xa ảnh trước cho ảnh trọn thảo với mẹ, được êm ấm trong gia đình, sau em vùi tấm thân nhuốc nhơ trong chốn non cao rừng thẩm. Xin ông Đốc xét lại mà coi, anh Đường là người ở với mẹ chí hiếu. Mẹ cầm trầu, cầm cau mà đi cưới vợ cho ảnh. Nếu em để cho ảnh vì yêu em, mà nếu em vào nhà ảnh; thì ảnh bất nghĩa với vợ, lại thêm bất hiếu với mẹ nữa. Yêu ảnh mà làm cho ảnh hóa ra người bất nghĩa bất hiếu, đó là ghét, chớ đâu phải yêu.
Em không thể làm như vậy được. Em nghĩ chỉ có rời xa thì là thượng sách. Vì em mồ côi cha mẹ nhờ bà cô giúp em ăn học nên em lập thân. Bà cô mất rồi em không còn nơi nương dựa nữa. Em phải níu chưn ngạch giáo huấn để mà sống, bởi vậy khi em có thai, em làm đơn xin đổi qua xứ khác cho xa anh Đường. Em chưa kịp đi thì vợ ảnh làm rầy làm nhục nhã em quá, lại nhục lây cho vợ chồng thầy giáo Hiển nữa. À, nãy giờ em quên hỏi thăm vợ thầy giáo Hiển. Vợ chổng thầy mạnh giỏi, còn ở Cần Giuộc hay không ông Đốc?
- Không. Cô đi được ít năm rồi người anh vợ thẩy lập hãng xuất nhập cảng trên Saigon biểu thẩy xin thôi về giúp. Sau nghe nói vợ chồng thẩy đi hết qua Hương Cỏn học tiếng Anh rồi anh thẩy lập hãng ngành bến đò để cho vợ chồng thẩy coi. Từ đó đến giờ thẩy ở luôn bển.
- Té ra thẩy cũng bỏ ngành giáo huấn.
- Cô cắt nghĩa cho tôi ghe vì cô yêu cậu Đường nên cô phải xa cậu cho cậu trọn nghĩa tròn hiếu. Sống đời nay mà cô cư xử cao thượng quá, thiệt tôi kính phục cô lắm. Nhưng tôi tiếc thái độ ấy làm cho cậu Đường đau khổ hết sức. Mà thôi, xin cô nói tiếp chuyện của cô đi rồi tôi sẽ nói chuyện của cậu Đường cho cô nghe.
- Em chịu đi với bà Sáu Hẩu, mà đứa con của em mới giáp thôi nôi tại em chưa biết công việc của em sẽ ra thể nào, nếu đem nó theo lòng thòng bất tiện, bởi vậy em cho luôn nó cho cô giáo Hạnh ở trong Bà Chiểu nuôi làm con đặng cô dạy dỗ nó cho nên người tử tế.
- Xin cô nói phứt coi nó còn sống hay không; tôi muốn biết gấp cái điểm đó.
- Thưa, còn sống, mà nó…
- Thôi đủ rồi…Cô nói tiếp đi.
- Em đi với bà Sáu Hẩu ra Huế ở mấy tháng vận động mua được một sở đất đỏ rộng được một ngàn mẫu ở dựa chưn núi gần thị trấn Kontum. Em cùng bà lên đó qui dân cất nhà ở khai thác. Dân làm thì ít mà công việc làm thì nhiều, em với bà phải cực nhọc trót 15 năm mới gây thành môt sở trà và một sở cà phê tốt đẹp lắm. Trong 5 năm sau nầy mới có huê lợi vô, mỗi năm mỗi vô thêm nhiều. Nhờ vùi thân trong chốn rừng núi, sống chung với thổ nhơn, làm cực nhọc cũng như người em, mới quên được dĩ vãng đau khổ của em. Năm nay thành công mỹ mãn rồi, em khỏe khoắn, em mới nói với bà Sáu Hẩu mà về Saigon nghỉ một thời gian. Bà cho em đi, nhưng bà dặn em ra mau mau đặng coi sở thế cho bà rồi bà cũng phải về nghỉ. Về tới đây thì cô giáo Hạnh đã chết mất, đứa con của em không biết xiêu lạc ở đâu. May em gặp được cô Thinh, chủ tiệm may nầy, vốn là con gái lớn của cô giáo Hạnh, em mới hay con của em khi được tám chín tuổi, cô Hạnh mới giao nó lại cho cô Tư Phúc nuôi làm con rồi nó trốn đi mất kiếm không được.
- Trời đất ơi! Cậu Đường mong mỏi có con để nối dòng. Sao hồi ra đi cô không giao cháu lại cho cậu nuôi, cô lại cho người khác? Lúc đó cậu cậy vợ chồng thầy giáo Hiển kiếm cô hết sức mà không gặp. Chớ chi cô giao con cho cậu Đường thì xong quá, đâu có xiêu lạc được.
- Thưa ông Đốc, em sợ giao nó cho anh Đường thì nó phải chết mất đi. Ông nghĩ mà coi, vợ anh Đường là một ác phụ nham hiểm. Chồng của chị mà chị không biết thương, con của chồng chị thì chị thương sao được. Giao nó cho anh Đường chắc nó chết mau, chết vì tay mẹ ghẻ. Thà em giao nó cho người khác nuôi giùm, chừng nó khôn lớn rồi, nếu anh Đường không có con trai thì em sẽ chỉ cho ảnh biết đặng nếu ảnh muốn nhìn thì nhìn, còn nếu có con trai khác thì thôi.
- Cô tính xa quá… mà cô sợ như vậy nghĩ cũng phải… mà cô nói con cô còn sống mà bây giờ nó ở đâu?
- Em kiếm trót mấy tháng, em gặp cô giáo Đào em hay anh Đường chết mà không con, em càng kiếm lung hơn nữa. Mấy bữa trước đây em mới gặp được nó làm thầy chùa ở tu trong chùa Nhơn Hòa bên Chí Hòa. Mẹ con gặp nhau mà nó lơ láo không muốn nhìn em là mẹ. Em xin rước nó về nhà đặng em nói nguồn gốc của nó cho nó biết thì nó không chịu đi. Em tủi phận em quá. Sanh con mà bỏ rơi, không ra công nuôi dạy thì nó lơ lãng không có tình nghĩa chút nào. Nếu nó không chịu biết cha thì thôi, chớ em là mẹ nó, em banh da xẻ thịt mà đẻ nó, ít nữa nó có chút tình mới phải chớ. Em tính nếu nó không chịu nhìn bên nội thì em đem nó ra Kontum ở với em. Nó cứ nói nó đã chọn đường tu rồi, nó không muốn biết tới chuyện thế gian nữa.
Cô Hưởng nói tới đó rồi cô khóc.
Ông Đốc Thắng không nỡ cười khi cô khóc, song trong bụng ông mừng thầm, mừng cô Hưởng biết thủ tiết với người yêu chắc hiệp ý với bà Xã Cầm lắm, mà cũng mừng con trai của cậu Đường còn sống, trí đương tu tập đạo đức gần một bên Saigon đây chắc bà Xã Cầm sẽ vui sướng mà gom về đủ hai đứa cháu nội vơi hai con dâu hiền chung một nhà, đặng hưởng hạnh phúc ít năm, lãnh phần thưởng dĩ nhiên của trời Phật dành để cho người biết cư xử hiền lành, biết tận tụy với gia đình, chồng chết mà cũng giữ một mực lo bồi bổ cho tông môn bên chồng cũng như chồng còn sống.
Để cho cô Hưởng khóc một chút đặng giải bớt phiền não rồi ông mới kiếm lời mà an ủi. Ông khuyên cô chẳng nên thối chí. Ông nói cô biết hy sinh tình yêu, cùng các sự vui sướng mà vùi thân trong cực khổ mười mấy năm, cho người yêu được trọn thảo với mẹ già, cho con dại có một đời sống vững chắc, đức hy sinh cao cả dường ấy sớm hay muộn cũng sẽ được đền đáp, không mất đâu mà buồn. Rồi đó ông mới thuật lại cho cô nghe sự cậu Đường tìm không được mẹ con cô thì cậu buồn rầu mà sanh bịnh, bịnh trái tim. Nhưng vì thương mẹ già nên cậu ráng dằn lòng mà tiếp dưỡng đặng duy trì sự sống cho mẹ vui. Cách bốn năm trước cậu mới chết, chết mà không có con. Cô Oanh là vợ cậu, có lẽ vì gia tài cầm chưn cô ở lại với mẹ chồng được lối một năm. Chừng bà Xã Cầm hay con gái của người tá điền sanh được một đứa con gái đã được 12 tuổi rồi, con nhỏ giống hệt cậu Đường, bà mới xuống Mồng Gà mà xem rồi cậy mẹ con cô Thậm lên ở giúp bà, mẹ coi sóc việc nhà, con hầu giùm trầu nước, chớ không có nói nhìn con cháu gì hết.
Thế là cô Oanh tưởng bà nhìn cháu nội gái đặng sau để gia tài cho nó hưởng. Cô giận cô bỏ mà trở về bên cha mẹ bên Rạch Kiến rồi cách ít tháng sau nghe cô đã có chồng khác trên Saigon. Ba năm nay mẹ con cô Thậm ở trong nhà hủ hỉ với bà Xã Cầm nhưng hai bên không ai nói tới chuyện nhìn bà cháu gì hết. Mới đây có dịp mở gói bằng khoán ruộng đất tình cờ bà Xã gặp một xấp giấy của cậu Đường viết mà để lại di ngôn lại cho mẹ. Bữa trước bà Xã đem qua mượn ông Đốc đọc cho bà nghe, mới hay lời của cậu Đường chối với mẹ.
Ông Đốc tóm tắt lời di ngôn đó cho cô Hưởng biết nỗi khổ tâm của cậu Đường. Ông cũng nói cậu Đường có đính tờ khai sanh của Càn với bổn án Tòa nhìn nhận cha con, sữa đỗi họ Võ của Càn trong khai sanh ra họ Nguyễn nên Càn là Nguyễn Văn Càn, cha là Nguyễn Văn Đường, mẹ là Võ Thị Hưởng rành rẽ. Hôm qua, bà Xã đem bạc tiền đưa cho ông Đốc và cậy ông mướn người đi tìm giùm mẹ con cô Hưởng mà rước về cho bà. Vì được biết Càn còn sống ở tu trong chùa, thì ông mừng lắm. Ông xin cô để cho ông mướn xe rước cô xuống Cần Giuộc cho mẹ chồng với nàng dâu biết nhau và cho cô đọc xấp di ngôn của cậu Đường đặng cô thấy rõ lòng dạ của cậu đối với mẹ con cô.