Hạnh phúc lối nào
Ông Lê Đại Thắng, Đốc học hồi hưu, ở nhà ngói ba căn, vách ván sau có một cái nhà bếp chón hón; cuộc nhà tuy không đồ sộ, song có vẻ thảnh thơi, vui vẻ, nằm dựa công lộ Saigon xuống Gò Công. Từ chợ Cần Giuộc lại đó chừng vài trăm thước. Trong nhà bàn ghế tủ ván tầm thường nhưng nhờ sắp đặt, khéo léo nên xem cũng đẹp. Trước cửa có chừa một cái sân vài thước, theo mé lộ có đóng cây làm hàng rào, dọc theo chưn rào có trồng bông rau dừa, bông đỏ chen bông trắng trổ hằng ngày, không kể mùa mưa hay mùa nắng. Đêm trăng nhắc ghế để ngoài sân mà uống trà đàm đạo cũng được thưởng thức ít nhiều thú phong lưu.
Dạy học hơn 30 năm, tuy lương bổng không nhiều, song nhờ ông Đốc siêng năng, bà Đốc tiện tặn, vợ chồng biết ráng chịu cực lúc trẻ tuổi đặng an vui tuổi già, bởi vậy có một đứa con gái với một đứa con trai thì chăm nom nuôi chúng ăn học đặng chúng nó lập thân mà bay nhảy theo đời, lần lần tạo cửa nhà đặng ăn ở cho ấm êm, rồi còn sắm được mấy mẫu ruộng để có sắn cơm áo mà độ nhựt.
Gần một năm nay. Ông Đốc hưu trí, hai con đã làm giáo viên có gia thất xong rồi. Ông Đốc rảnh rang thường thả lên Saigon ở chơi với hai con, để bà Đốc ở nhà chăm nom ruộng đất cửa nhà, có mướn một đứa gái cho bà sai khiến.
Y như lời Bà Xã Cầm hẹn với Ông Đốc Thắng hồi hôm, sớm mai nầy, gần 10 giờ, Bà Xã che dù đi qua nhà Ông Đốc đặng cậy ông đọc tờ di chúc của con. Thấy Bà Xã bước vô thì bà Đốc vui vẻ chào mừng, bà mời lại ván ăn trầu, bà nói Ông Đốc đi ra thăm chủ tiệm thuốc bắc ngoài chợ, ông có dặn nếu Bà Xã có qua sớm thì mời bà ngồi chơi chờ một chút ông sẽ về.
Hai bà hỏi thăm nhau về sức khỏe, rồi bắt qua chuyện mùa màng, vừa nói tới con thì Ông Đốc về ông bước vô, làm cho hai bà phải đứt ngang câu chuyện.
Ông Đốc biết nhiều chuyện về tâm sự của Đường, nhưng thuở nay ông không dám hở môi. Hồi hôm nghe Đường có viết lời trối mà để lại cho mẹ thì ông có ý muốn biết coi Đường trối về chuyện nào, bởi vậy vừa thấy Bà Xã thì ông liền hỏi có đem theo phong thơ hay không. Bà Xã mở cái khăn lấy đưa cho Ông Đốc một phong thơ to lớn lại nặng. Ông Đốc lấy làm lạ. Ông châu mày để phong thơ trên ván, day qua cái bàn lấy cặp mắt kiếng mà mang rồi kéo cái ghế để dựa mé ván mà ngồi giữa hai bà. Ông cầm bao thơ mà xem thì có thấy hàng chữ y như lời Bà Xã nói hôm qua. Ông với lấy con dao ăn trầu rọc một phía kỹ lưỡng, rồi tra ba thứ giấy tờ, một sấp thơ viết tay, một tờ khai sanh với bản sao án Tòa. Ông để khai sanh với bản sao án Tòa một bên. Ông cầm sấp giấy mà nói: Cậu Đường để giấy tờ gì nhiều quá vậy không biết, tôi đọc bức thơ trước cho chị nghe rồi sẽ hay. Tôi đọc chầm chậm đặng chị nghe rõ ràng”.
Ông Đốc mới đọc:
Thưa má,
Con thường nghe người ta nói : “Con là máu thịt của cha mẹ”.
Theo ý con, chưa gồm hết ý nghĩa đầy đủ về đứa con. Phải nói: “Con vừa là máu thịt, vừa là tâm hồn của cha mẹ”. Nói như vậy mới trúng chánh nghĩa, mới hạp thiên ý, mới khỏi thiếu sót.
Riêng về phần con, lúc con vừa mới biết đi biết nói, thì cha vội theo ông theo bà, nên con chưa hiểu tâm hồn của người cha như thế nào. Có một mình má ở lại với con từ ngày đó cho đến bây giờ, chẳng những má chung sống với con, má chăm nom dưỡng dục con hằng ngày, mà má còn rèn lòng mở trí, hướng dẫn ý chí, ung đúc tánh tình cho con luôn luôn, bởi vậy từ khi con lớn lên thì con cảm thấy con với má tuy phân làm hai thân thể nhưng sống chung một tâm hồn rõ ràng. Hễ má vui thì con vui, hễ má buồn thì con buồn, hễ má lo thì con lo, hễ má muốn thì con cũng muốn, ấy là lúc má muốn cưới vợ cho con. Mà con du dự không muốn cưới vợ, chẳng lẽ con tính trái ý má. Con du dự là tại như vầy: con sợ người vợ không hấp thụ chung một giáo dục như con, thì không thể có một tâm hồn giống như tâm hồn của mẹ con mình được. Cưới người về ở chung một nhà, phải ở mãn đời, nếu vợ chồng tánh ý khác nhau thì hòa khí trong gia đình tiêu tan, rồi cái vui thuở nay hóa ra cái buồn, buồn cho con mà buồn lây cho má nữa, tình cảnh như vậy con làm sao mà chịu nổi.
Má mới cắt nghĩa cho con hiểu, má nói: “Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ” vợ chồng là đạo đầu tiên của con người. Phải có vợ chồng rồi mới có cha con, anh em tôi chúa, bằng hữu rồi mới thành gia đình, tông tộc, xã hội mà duy trì giống nòi, kiến thiết quốc gia. Đạo vợ chồng là đạo trọng hệ, không phải hướng về sự ôm ấp, sự vui chơi, mà chánh nó hướng về sự sanh con để nối nghiệp tông môn và phụng tự tổ tiên. Cưới vợ mà biết chủ tâm về ý nghĩa cao thượng đó, thì mặc dầu ban đầu vợ chồng khác tâm hồn, nhưng chung sống lâu ngày, có chung cực chia vui với nhau, thời gian sẽ gây cảm nghĩa cảm tình, rồi tâm hồn biến chuyển cải hóa lần lần, tự nhiên sẽ điệu hòa nhứt tâm nhứt đức.
Thuở nay con kính má như trời biển, con xem lời mà dạy như thánh ngôn, bởi vậy nghe má cắt nghĩa con liền xuôi theo, để cho má dắt đi coi vợ. Đi qua Rạch Kiến về, má rất hài lòng, má nói nhà sui hiền lành tử tế, con dâu hạp tuổi, dễ thương; má hớn hở vui lòng, làm cho con cũng vui mừng như má.
Té ra cưới vợ về với nhau được ít ngày, con cảm thấy vợ chồng con khác nhau như trắng với đen như trời với vực. Cái mà con lo ngại trước đó, nó đã hiện ra trước mắt. Con bắt đầu sợ đời sống của con là chuỗi ngày sầu thảm ăn năn. Con muốn bàn lại với má. Ngặt má đang vui mừng, đương yêu dâu, đương cưng dâu, nếu nói ngay ra con sợ làm cho má mất vui nên con phải ôm lòng ngậm miệng.
Đến chừng vợ con hổn ẩu ta bà thái quá, con chắc má cũng buồn như con, nên con mới dám thở than chút đỉnh với má coi má có liệu lẽ nào mà cứu hạnh phúc của nhà hay không. Chẳng dè má lại khuyên con phải lấy đạo trung thứ mà cư xử, chẳng nên gắt gao cố chấp. Má nói vợ con còn khờ, nên nó hay nhớ anh nhớ chị, mẹ cha, ham vui chơi chút đỉnh. Trong một hai năm có con rồi, nó ham con, thương con, nó sẽ thuần nết, rồi niềm vợ chồng sẽ êm ấm an vui.
Nó không sanh con, mà nó lại sanh tật!
Con xin má hiểu giùm cho con. Làm người, nên thuật việc tốt của kẻ khác, chớ không nên thuật việc xấu. Làm bạn chừng xa nhau đừng nói việc xấu cho nhau. Vì tâm hồn của con như vậy nên má khuyên con ẩn nhẩn mà chờ thì con vâng lời, con không dám trái ý má, mà cũng không nỡ kể tội lỗi của vợ con cho má nghe.
Con ẩn nhẩn được, mà con không bỏ dứt cái buồn được. Cái buồn cứ lẩn quẩn trong đầu óc con hoài, nó làm cho lòng con sanh chán nản, việc nào con cũng chán hết. Từ đó con coi vợ con như một cái cối xay lúa. Con cần dùng nó đặng sanh con nối dòng, chớ không tình nghĩa chi hết, cũng như thiên hạ cần dùng cối xay cho ra gạo, dầu để nó nằm nghênh ngang chật nhà gai mắt cũng phải ráng mà chụi.
Con thưa thiệt với má, lòng con tràn trề ảo não, bầm dập ủ ê, con mới cảm thấy đàn ông con trai cưới vợ, chẳng những là kiếm người giúp tay để sanh con nối dòng mà thôi có lẽ còn có ý kiếm một người bạn đồng thinh đồng khí đặng siết tay kết cánh mà dìu dắt nâng đỡ nhau để đi trên đường đời cho vững bước, khi sung sướng thì chung vui khi đau khổ thì chia buồn với nhau, dám hy sinh tất cả vui sướng để chung sống với nhau, biết phú thác tất cả mạng vận để bồi bổ tình yêu với nhau.
Người vợ con cưới đây nó không để ý giúp cho con có trẻ nối dòng mà nó cũng không nghĩ tới sự vui buồn chung vui với con. Trái lại, vợ con nó muốn đi riêng một ngả, để cho con đi ngả nào tự ý con. Má khao khát cháu nội, còn con tìm kiếm tình yêu. Má không thỏa mãn, mà con cũng thất vọng. Con buồn nên tối ngày con kiếm chỗ thanh vắng ngồi câu cá giải khuây. Thứ năm chúa nhựt con thường gặp vợ chồng thầy giáo Hiển ở bên chợ cũng thích đi câu cá như con. Gặp làm quen nói chuyện với nhau vài lần thì con cảm thấy vợ chồng thầy là một đôi bạn đời thuận hòa êm ấm với nhau hết sức, mà đối với con cũng đồng tình hiệp ý nữa. Đồng thinh tương ứng, đồng khi tương cầu, thầy giáo Hiển mời con qua nhà thầy chơi. Trong nhà thầy có cô giáo Hưởng ở đậu mà đi dạy học. Mới gặp cô lần đầu, nói chuyện với nhau một lát, thì con thấy con với cô Hưởng giống tánh ý nhau, ôn hòa, thành thiệt, ưa thanh tịnh, ghét lòe lẹt, trọng danh dự, ham nghĩa nhơn.
Vợ chồng thầy Hiển mời con bữa chúa nhựt qua sớm đặng hiệp nhau đi xuống miệt dưới câu chơi, trưa về nhà thầy ăn cơm rồi nghỉ một lát rồi xế đi câu nữa. Lần nầy có cô Hưởng đi câu. Hai cô đều vui vẻ, hay nói chuyện, hễ được cá thì mừng la om sòm, làm cho con được tham dự cuộc vui thanh nhã lại thân yêu, mà từ ngày con có vợ con chưa hề được thưởng thức.
Về ăn cơm trưa với nhau, con lại được dự một bữa ăn vui thân yêu nữa, làm cho con cảm hết sức. Vợ thầy Hiển hỏi thăm gia đạo con. Cô nói chúa nhựt cô hay đi Saigon, cô thường gặp vợ con, cô khuyên con chẳng nên để vợ đi Saigon một mình, cô khuyên như vậy, chớ không có nói việc gì phạm đến danh giá của vợ con; nhưng con hiểu ngầm lời khuyên ấy chứa nhiều ẩn ý quan hệ. Con xúc động, con nhớ tâm sự của con, con buồn đến ứa nước mắt, con mới than thở nỗi lòng tê tái của con cho vợ chồng thầy Hiển và cô Hưởng nghe. Cả ba người đều tội nghiệp cho thân con có đủ điều kiện mà sống giữa an vui thanh thã, nhưng vì xấu số nên cảnh đời thơ thới tốt tươi hóa ra cảnh đời u sầu đen tối.
Đi câu buổi chiều, cô Hưởng lựa chỗ ngồi gần con đặng nói chuyện. Cô kiếm lời an ủi cho con dường như kiếm phương pháp cứu chữa tâm bịnh của con. Con đương mang chứng đa sầu đa cảm, được nghe cô thiếu nữ thiết tha khuyên dỗ, tự nhiên con cảm tình mến nghĩa, rồi người có bịnh với người chữa bịnh phát ra yêu nhau, yêu với một tình yêu nồng nhiệt say sưa, gái quên lững phụ nữ tiết trinh, trai hết sợ đạo nhà gai góc.
Con với cô giáo Hưởng gần nhau mới có mấy tháng mà đã thụ thai. Cô hồi tâm mà ngó tương lai, rồi cô hối hận, hối hận cực điểm. Bây giờ con mới tỉnh giấc mà thấy bước đường của con lén đi với cô đã bít lối, không có ngả ra. Con giựt mình, con cũng hối ngộ, một lo danh giá cho người con yêu mà con lại báo hại, hai lo đạo nhà con rắc rối, không biết xử trí thế nào cho vuông tròn.
Không nói cho con bay, cô Hưởng làm đơn xin đổi dạy xứ khác đặng tránh tiếng thị phi. Đồng thời cô cũng lánh mặt, không để cho con gặp được nữa.
Không hiểu ai tọc mạch với vợ con, mà một bữa thứ bảy nó đi Saigon rồi sáng chúa nhựt nó trở về, nhưng ngồi xe đò đi luôn qua chợ. Việc nầy sau thầy Hiển thuật lại con mới hay. Thầy nói vợ con lại nhà thầy, có dắt theo hai chị đàn bà mặt mày dữ tợn lắm. Nó bước vô hỏi có con qua đây hay không. Thầy Hiển nói không có, nó hỏi cô Hưởng và xin kêu cô ra cho nói chuyện. Vừa thấy mặt cô Hưởng thì nó làm dữ, vừa mắng chưởi, vừa xông vô muốn đánh người ta, cử chỉ như hàng tôm hàng cá. May nhờ có thầy Hiển ngăn cản nó đánh không được. Nó cứ chưởi quân trôi sông lạc chợ dám đến đây giựt chồng nó. Nó xúi hai chị bộ hạ của nó vô sởn tóc cô Hưởng. Vợ chồng thầy hiển nhỏ nhẹ can gián nó không biết nghe, lại mắng luôn vợ chồng thầy chứa điếm đặng ăn tiền đầu. Thầy Hiển nổi giận không thèm kể phải quấy gì nữa. Thầy xô hết bọn nó ra sân. Nó ra đứng ngay cửa kêu tên cô Hưởng mà chưởi, biểu phải ra cho nó sởn tóc và lột quần. Chòm xóm lại coi, ai cũng bất bình. Có người khuyên can mà cũng có người nổi cáu, biểu cô Hưởng ra, coi ai dám làm gì thì làm, có cả xóm đây cô sợ gì. Cô ra thử coi ai lột quần ai cho biết.
Có một anh đánh xe ngựa, có tánh hảo hớn, anh thấy vợ con làm phách ăn hiếp cô Hưởng là người tử tế thiệt thà, anh dằn lòng không được. Anh bước lại điểm mặt vợ con mà nói: “Cô muốn đánh lộn thì đánh với tôi đây chớ cô giáo yếu đuối thiệt thà, kéo cả bầy tới cửa om sòm có giỏi gì đâu. Cô nói người ta giựt chồng cô, giựt hồi nào? Cô bắt được hay không mà dám nói? Mà cô có ngu dại hay là cô có lấy trai, chồng cô hết yêu cô nữa, nó đi kiếm tình yêu khác, thì cô phải xét mình mà hổ thẹn, chớ sao cô lại chưởi người ta? Cô đừng ỷ có cơm tiền rồi muốn nhục mạ ai cũng được. Hạng bình dân nầy biết trọng người hiền dám trừ kẻ dữ, chớ không phải như cô ỷ có cơm tiền coi thiên hạ như rơm như rác vậy đâu. Cô thử đánh chưởi tôi đi rồi cô sẻ biết sức dân Cần Giuộc nầy dám làm dám chết với nghĩa lắm, không khiếp nhược như cô vậy đâu. Cô còn nói một tiếng nữa tôi mần liền cô ngay bây giờ”.
Sắp nhỏ trong chợ áp lại coi chúng nó vỗ tay khen rộ. Vợ con mắc cở mà lại sợ, nên tái mặt, đứng nín khe. Hai chị bộ hạ cũng ghê, nên bước lại nắm cánh tay kéo đi. Vợ con lẩm bẩm nói: “ Để rồi coi”. Anh đánh xe ngựa đi theo mà kêu hỏi : “Ê! Còn hăm he hả? Tính cắn trộm hay sao? Tôi làm ơn nói trước cho cô biết: nếu cô cắn trộm thì tôi trả đũa liền. Mà tôi trả đũa trước mặt, chớ không thèm làm lén”.
Vợ con ríu ríu lại bến xe đò rồi cùng với hai bộ hạ lên xe mà đi Chợ lớn, hết dám hó hé nữa.
Vợ con náo động bên chợ, xấu hổ hết sức mà con nằm êm bên nhà con có hay gì đâu. May thầy giáo Hiển viết thơ, rồi chiều tối thầy sai một đứa học trò đem qua cho con. Con đọc thơ thì con bủn rủn tay chân, con vô mùng con khóc. Con tư tình với cô Hưởng gần nửa năm con biết con có tội lỗi với gia đình nhiều. Khi cô Hưởng có thai thì con ăn năn vì con làm hư tiết gái mà con không tìm được cách nào để cứu chữa. Thiệt con sợ cái hậu quả là đời sống tương lai của mẹ con đứa nhỏ sắp sanh ra đời con biết làm sao mà bảo bọc dưỡng nuôi. Con không dè cái hậu quả của vợ con nó gây ra đây nữa, nó làm xấu hổ cho nhiều người quá, cho nó, cho cô Hưởng, cho vợ chồng thầy Hiển và luôn cho má nữa.
Làm tưng bừng như vậy rồi vợ con nó trở lên Saigon chớ không có về nhà. Đêm đó con muốn lạy má mà thú tội rồi xin má tha thứ và tính giùm cho con. Biết má nằm ngoài ván, con dợm hai ba lần mà con không dám ra.
Con thổn thức đến khuya con nghĩ lại con sợ vợ con quá. Nếu nó có chút tình yêu với con thì con có cần phải đi kiếm tình yêu nào khác mà sanh rắc rối như vậy. Con phải mang tội lỗi là tại nó thúc đẩy con, chớ không phải tự ý con có vợ bé vợ nhỏ. Vậy con tính đợi vợ con về con kể hết tội lỗi của con cho nó hiểu, con nói trắng ra trước mặt má, rồi dầu nó chịu hay không chịu con cũng lạy má mà xin làm hôn thú bực nhì với cô Hưởng rồi rước cô về với mình, trước con cứu chữa danh giá cho cô Hưởng, chừng cô sanh con, con nuôi dạy đứa nhỏ là máu thịt của con. Nếu vợ con nó không bằng lòng nó tính lẽ nào tự ý nó. Con là người Việt, con được hưởng luật đa thê. Vợ con không phép ngăn cản, bất quá nó ly dị.
Tính như vầy rồi con yên lòng, con giấu má, đợi vợ con về rồi sẽ hay. Sáng bữa sau con qua nhà thầy giáo Hiển thì người nhà nói thầy đã đi vô trường dạy học, còn vợ thầy thì đi Saigon với cô Hưởng hồi khuya. Con đi luôn vô trường kiếm thầy Hiển mà thăm. Thầy không phiền con, nhưng chưa hết giận vợ con. Thầy nắm tay con kéo lại đứng dựa cửa sổ rồi nói nhỏ nhỏ mà thuật lại chuyện xô xác hôm qua, y như thầy đã viết trong thơ mà con biên ra phía trên kia. Thuật hết rồi thầy kết luận: “Từ hôm qua bên chợ nầy ai cũng khinh bỉ vợ bạn thái thậm. Con dâu nhà tử tế mà láu táu hổn hào như bọn hàng tôm hàng cá, làm cho ai cũng ghét hết. Bởi vậy cả chợ áp lại binh cô Hưởng, làm bà mợ xò, rồi anh ba Thẹo, đánh xe ngựa, ảnh tiếp mà dạy cho một bài học khôn trước mặt thiên hạ, bà mợ xuống nước chạy te như gà mái mắc mưa, thiệt tệ hết sức”.
Con xin lỗi tại con mà vợ chồng thầy phải mang tiếng chung. Thầy nói con không có lỗi gì hết, có phải con xúi vợ con làm như vậy đâu. Vợ chồng thầy không phiền, chỉ tội nghiệp cho má với con đều là người hiền đức, ai cũng thương yêu kính trọng, rủi rước một con ác phụ như vậy vào nhà, cho nó ăn mặc sang trọng, rồi nó thả lên Saigon làm xấu làm hổ mà chưa đã còn về đây diễn một lớp tuồng hào hứng đặng bia danh trong xứ cho thiên hạ biết. Thầy cũng tội nghiệp cho phận cô Hưởng bối rối hết sức. Bị tình yêu lôi cuốn, lỡ có thai nghén, cô biết ở đây không được nữa. Hôm đầu tháng cô đã có gởi đơn xin đổi đi tỉnh khác như không cho thì cô từ chức. Nha học chánh chưa quyết định, kế xảy ra vụ nầy. Cô hổ thẹn với thiên hạ nên cô khóc dữ quá. Hồi hôm cô gởi thơ cho ông Đốc hay cô phải bỏ xứ mà đi, dầu bị cách chức cô cũng chịu, chớ cô không còn mặt mũi nào mà ở đây nữa. Ông Đốc thương phận cô nên ông cho phép cô nghỉ ít bữa đặng cô vận động đổi đi chỗ khác. Hồi khuya nầy cô về Saigon có vợ thầy Hiển đưa cô đi. Cô chở hết áo quần đồ đạc theo chắc dầu thế nào cô cũng không trở lại Cần Giuộc nữa. Con lau nước mắt mà về.
Đến chiều con lấy một ngàn trong số bạc má giao cho con giữ để xuất phát đó, rồi con trở qua nhà thầy Hiển coi vợ chồng thầy về hay chưa đặng con hỏi thăm. Cô về rồi, cô Hưởng lên ở nhà cô giáo Huyền trong chợ Quán. Vợ thầy Hiển nói Cô Hưởng buồn lắm, thà cô bị cách chức chớ cô không chịu trở xuống Cần Giuộc nữa. Cô cậy nói với Đường đừng đeo đuổi theo cô nữa, để cho cô ẩn núp cho an thân, đợi sanh đẻ rồi cô kiếm người mà cho đứa con đặng cô đi cho xa mà vùi lấp cái thân nhơ nhuốc. Con nghe như vậy con khóc. Tan học thầy Hiển về. Vợ chồng hỏi con bây giờ tính lẽ nào. Con mới nói con đợi vợ con về coi nó nói làm sao. Con vái nó gây gổ với con, thì con hài hết tội lỗi của nó cho má nghe, rồ con xin phép làm hôn thú bực nhì với Cô Hưởng. Con sẽ châu cấp cho mẹ con Cô Hưởng no ấm mãn đời. Nếu vợ con không bằng lòng nó nài ly dị thì con rứt quách cho xong đặng con rước Cô Hưởng về nhà mà ở. Vợ chồng thầy Hiển cho con tính như vậy là phải. Con mới đưa một ngàn đồng bạc cậy giao giùm cho Cô Hưởng ăn xài chừng sanh đẻ con sẽ bao hết.
Cách ít bữa sau, vợ con ở trên Saigon về, nó xin lỗi với má và con, nó vui vẻ lăng xăng nói lên Saigon rồi tối lại nó cảm, nên nóng lạnh rồi chị hai nó bắt ở trển cho bác sĩ tiêm thuốc, bữa nay mạnh nó mới về được.
Con biết đó là lời xảo trá, nhưng thấy má tin quá, má ân cần biểu nó phải tiếp dưỡng; nó lại mơn trớn chìu chuộng con, nên con không biết liệu làm sao.
Con đương lửng lơ dụ dự, thầy Hiển lại cho con hay có nghị định gởi xuống chấp thuận đơn từ chức của Cô Hưởng và vợ thầy giao một ngàn đồng bạc cho Cô Hưởng thì cô không chịu nhận, cô nói nếu cô lấy tiền của con té ra cô bán trinh tiết hay sao.
Cô cậy nói giùm với con một lần chót đừng có tiếp xúc với cô nữa mà gây họa thêm. Cô lại còn khuyên con chẳng nên để ý đến đứa con tội lỗi cô đương mang trong bụng, vì nó là quả báo của tội cô với con làm quấy, nó ra đặng gây khổ, chớ không phải ra để giúp vui mà mong muốn. Con phải cạn lời năn nỉ với vợ chồng thầy Hiển cứ gởi số tiền con gởi đó và ráng khuyên lơn Cô Hưởng bớt buồn rầu để tiếp dưõng thai bào, là sanh mạng của tạo hóa phú cho, vậy không nên khuấy phá mà thêm nặng tội. Con phải thề thốt dầu thế nào con cũng không quên được Cô Hưởng là một phụ nữ duy nhứt đã giúp cho con biết say sưa tình yêu chơn thành nồng nhiệt trót mấy tháng trường, mà con cũng không bỏ được đứa con sắp ra đời, vì nó là máu thịt của con cấu tạo, dầu họa, dầu phước con cũng sẵn lòng nhìn nhận.
Trước tình cảnh biến chuyển bất ngờ, vợ con thì đổi hẳn thái độ, nó không nói tới Cô Hưởng, không nhắc chuyện xô xác bên chợ; còn Cô Hưởng thì quyết bứt đứt mối tình yêu của con, lại còn tính bỏ rơi đứa nhỏ là hậu quả, là dấu tích của tình yêu nồng nàn đó nữa, con mất hết phương hướng, không tìm được ngả nào mà đi. Công cuộc con tính toán sắp đặt để xin phép má mà hất ác phụ vô hậu ra và rước hiền phụ có con vào, mà vì tình cảnh xáo trộn làm cho sự con toan tính đều hư hỏng hết, không thể thực hành được.
Lúc ấy con chẳng khác nào như người đi lạc trong rừng rậm mịt mù, không tìm được ngả mà ra. Con vu vơ trót mấy tháng, kế được thơ kín của thầy Hiển cho hay Cô Hưởng đã sanh rồi, sanh được một đứa con trai, mẹ con đều khỏe mạnh.
Đã mấy tháng rồi vợ con không ló mòi ghen tuông chi hết. Mà dầu khó dầu dễ con cũng quyết đi thăm Cô Hưởng, trước tỏ cho cô biết tình yêu của con không phai lạt, sau thấy mặt đứa con trai của con, là hy vọng tối cẩn, là mục đích duy nhứt của má trông mong thuở nay. Con qua nhà cậy vợ thầy Hiển dắt giùm con đi thăm Cô Hưởng. Cô chịu và cô nói sáng bữa sau cô cũng đi thăm. Con hẹn giờ với cô rồi bữa sau con lấy một ngàn đồng bỏ vào túi và con thưa với má con đi Saigon ở chơi ít bữa đặng kiếm sách mà mua rồi con qua chợ đi xe đò với vợ thầy Hiển.
Lên tới Chợ Quán vợ thầy Hiển dắt con ghé nhà cô giáo Huyền hỏi thăm coi Cô Hưởng nằm tại nhà bảo sanh nào, rồi mới đi lại đó. Con đưa trước số bạc con đem theo cho vợ thầy Hiển mà cậy trao cho Cô Hưởng. Cô Hưởng cấm không cho con vào phòng, cô nhứt định không chịu thấy mặt con và nghe con nói chuyện nữa.
Con phải ngồi ngoài phòng khách để một mình vợ thầy Hiển vô thăm. Cách một hồi thiệt lâu vợ thầy Hiển mới ra nói cô an ủi hết sức mà Cô Hưởng không chịu lấy tiền, cô nhét đại trong gối mà để đó. Con xin cho con thấy mặt đứa nhỏ một chút rồi con đi khai sanh mà nhìn nhận đó là con. Cách một hồi nữa vợ thầy Hiển bồng em nhỏ ra, có cô mụ đi theo. Hai người đều nói thiệt em nhỏ giống con. Cô mụ lại nói sanh bữa nay được 6 ngày rồi, hôm qua cô đã vô Tòa thị sảnh Chợ lớn mà khai sanh cho em rồi nữa. Vì vợ chồng không có hôn thú nên phải khai theo họ mẹ là họ Võ đặt tên là Càn, không có cha.
Con bối rối thêm nữa. Ra khỏi nhà bảo sanh rồi, con cám ơn vợ thầy Hiển con tẻ ra Saigon ghé thăm người quen, chỗ con ở học hồi trước. Con bày tỏ việc của con. Người đó nói muốn nhìn con không có khó gì cứ giao cho trạng sư họ làm cho, con chíp trong bụng, đi mua vài quyển sách thăm anh vợ và chị vợ mỗi nhà một chút rồi về; thầm tính ít ngày sẽ trở lên lo việc nhìn con và nếu có thể được thì lãnh con đem về nuôi dạy.
Cách chừng một tháng con đi Saigon nữa. Con đã biết chỗ rồi nên con đi một mình và đem tiền theo đặng mướn trạng sư lo việc nhìn con. Con đến nhà cô giáo Huyền mà thăm mẹ con Cô Hưởng thì cô Huyền nói Cô Hưởng không có ở nhà cô nữa. Nằm trong nhà bảo sanh Chợ Quán 8 bữa rồi Cô Hưởng bồng con về. Cô ở được mười bữa rồi cô cáo biệt, nói đi kiếm bà con cậy nuôi giùm em nhỏ đặng cô làm mà nuôi sống.
Con chắc thế nào con cũng kiếm được Cô Hưởng, bởi vậy con không lo. Con ra văn phòng của một vị trạng sư mà cậy làm giấy tờ cho con nhìn nhận là cha của một đứa con trai tại nhà bảo sanh Chợ lớn ngày 5 tháng chạp dương lịch, mẹ là Võ thị Hưởng, 22 tuổi, cựu giáo viên vì cha mẹ không có làm hôn thú nên đứa nhỏ theo họ mẹ và đặt tên là Võ Văn Càn, không có biên họ cha. Ông trạng sư biên các điều con nói, ông hỏi địa chỉ, tuổi và nghề nghiệp của con mà biên nữa. Ông biểu con đóng trước 500 đồng để trả sở phí giấy tờ; ông sẽ làm đơn rồi buổi chiều con quay lại ký tên. Ông sẽ thay mặt cho con xin sao lục khai sanh để đính theo đơn mà gởi. Con cứ về để ổng lo cho, nếu có điều chi trắc trở cần phải có mặt con thì ổng sẽ gởi thơ mời con lên.
Con về nói chuyện lại cho vợ chồng thầy Hiển hay. Tuần sau vợ thầy Hiển đi Saigon về nói cô có ghé thăm cô Huyền và cô Huyền cũng nói y như lời đã nói với con. Qua tháng 3 năm sau con mới được thơ của ông Trạng sư cho hay công việc đã xong rồi hết và ông biểu con đem lên đóng thêm 500 đồng nữa đặng lãnh giấy tờ. Con lên đóng tiền rồi ông Trạng sư bèn giao cho con một tờ khai sanh tên Võ Văn Càn, không có cha, còn mẹ là Võ Thị Hưởng với một bản bổn sao án Tòa sửa khai sanh đó lại tên Nguyễn Văn Càn, cha là Nguyễn Văn Đường, mẹ là Võ Thị Hưởng. Con đính hai tờ ấy theo thơ nầy để chứng minh cho má biết con có một đứa con trai tên là Nguyễn Văn Càn con của Võ Thị Hưởng đẻ.
Con rất tiếc con có con trai mà thấy mặt nó có một lần hồi mới sanh rồi từ ấy đến nay con với vợ chồng thầy Hiển kiếm hết sức mà không biết nó ở đâu đặng đem về mà nuôi. Cách vài ba năm sau thầy Hiển cho con hay thầy nghe chắc Cô Hưởng có chồng rồi cô theo chồng ra ở ngoài Huế, còn đứa con của cô thì người nói cô đem theo, kẻ nói cô cho người khác nuôi làm con, nhưng ai cũng nói mờ ớ như vậy chớ không ai biết rõ ra Huế Cô Hưởng ở đâu, làm nghề chi, còn nói con cô cho người khác nuôi, mà người đó tên gì, ở đâu cũng không biết.
Thưa má.
Trót mười mấy năm nay con sống giữa tình cảnh như vậy đó, có vợ mà như người không có vợ, có con mà cũng như người không có con; vợ con đều có mà không và không mà có. Thiệt trớ trêu hết sức!
Đời con hư hỏng, con không tiếc gì. Con chỉ buồn cho bổn phận con làm trai mà con không trọn thảo với cha mẹ ông bà, con lại làm hại một cô thiếu nữ có học thức nhiều ít, có tương lai tươi cười, vì con yêu mà cô phải chịu nhực nhã hư tương lai rồi bỏ tất cả mà phiêu lưu nơi đất khách, mà con còn bỏ bơ vơ một đứa con thơ của con cấu tạo, không hiểu nó còn hay mất, sướng hay cực, không biết giờ nầy nó có được no ấm vui cười như người ta, hay là nó vất vả lang thang ở bên chuồng trâu hay nằm dưới mái chợ!
Ngó lên trên, ngó xuống dưới, ngó ra ngoài, ngó vô trong, ngó chỗ nào con cũng thấy con lầm lỗi, nên con buồn bực vô cùng. Sống mà như có lưỡi dao cắt ruột gan, hay có mũi dùi đâm đầu óc, sống như vậy năm nầy qua năm khác, phẩm chất con đã yếu sẵn, tự nhiên sức khỏe con phải hao mòn, trái tim con phải hồi hộp, rồi con bịnh, đó là lẽ thường chớ có chi là lạ.
Vì con sợ má buồn nên con phải gượng gạo ăn uống cho má vui, chớ thiệt con biết con bịnh nhiều, trái tim con yếu lắm má à. Con sợ con không thể sống lâu cho má vui nhiều ngày nữa được. Con ghé mắt vào cảnh tương lai của nhà mình, con cảm thấy hễ con chết rồi thì má khổ tâm nhọc trí nhiều lắm. Má đã già rồi, má còn sức khỏe với nghị lực đâu mà đảm đương để phá tan giặc sầu thảm cho nổi! Con sợ má cũng sẽ ngã như con vậy nữa! Mà má ngã rồi, sự thờ phượng ông bà, má gởi lại cho ai? Cửa nhà với tài sản của ông bà lưu lại, rồi má dày công mở rộng ra thêm nữa, má sẽ giao lại cho ai gìn giữ?
Con nghĩ tới tương lai thảm đạm nầy con tức quá! Con tức con tập tánh nhu nhược, nhẫn nhịn, nên con thua thiên hạ. Con tức con thiếu dũng cảm, thiếu cương quyết, nên con không đi kịp với đời. Con tức con muốn làm quân tử giữa đám tiểu nhơn, nên bị tai hại. Con tức con đeo theo hiếu đạo một cách mù quáng, dại khờ, con không biết day trở nên con được hiếu nhỏ mà mất hiếu lớn. Con tức con cư xử lỗi thời, nên đời sống của con là chuỗi ngày thảm sầu, rồi chìm ngấm trong đen tối. Nếu má may cho con một cái áo, con bận chật hẹp, coi không hạp mắt, thì con cởi mà quăng phứt nó đi, rồi may cái áo khác mà bận cho vừa, dầu má có phiền con, thì phiền trong ít ngày, rồi má thấy con y phục vừa vặn dễ coi, tự nhiên má sẽ vui lại, vui nhiều lắm, mà đời con cũng an vui, khỏi hư hỏng.
Con biết con không sống lâu được, bởi vậy hổm nay con có ý muốn tỏ hết nỗi lòng của con cho má hiểu, rồi con xin má tha lỗi cho con trở về âm cảnh, trí an ổn, lòng nhẹ nhàng. Ngặt nói ra con chắc má sẽ buồn hay má lo vì con, bởi vậy con không dám nói ngay với má. Con phải cậm cụi ngồi viết mấy trương giấy nầy mà để lại cho má, viết với tất cả thành kính của con.
Lúc con ngồi viết ở đây, trí con bình tĩnh, con không có ý phiền má hay là giận ai hết. Con chỉ tiếc cho con cư xử lỗi thời, con giữ đạo hiếu mù quáng, con thiếu cương quyết nên con không làm vui lòng má được. Con chỉ muốn má sáng suốt mà nhận định đường lối để má đi, sau khi con lìa má mà theo cha xuống chín suối.
Má muốn hạ lớp tuồng bi hỷ kịch thế gian, má muốn giũ sạch hồng trần để lo tìm đường về đức Phật hay lên cõi Tiên hoặc má vì nhơn nghĩa mà lân la nơi cửa thánh má chọn đường lối nào tự ý má.
Còn nếu má vì tình nghĩa với cha con, má không đành để tông môn của cha chấm dứt, thì có thằng Càn đó, nó là máu thịt của con, có giấy tờ minh chứng tính theo sấp giấy di bút của con đây. Có lẽ trời phật không nỡ phụ tấm lòng ngay thành kính của má đối với người quá vãng, sẽ giúp cho má mãn nguyện.
Trước khi lạy má mà vĩnh biệt, con sực nhớ con còn một mối nợ trần nầy nữa. Đứa cháu ngoại gái của ông Hương nghị Thiệt ở Mồng Gà, nó tên Cát, con của Thị Thậm, nó cũng là di tích của con. Nếu má thương con thì con cúi xin má sang tình thương của má qua chút nợ của con đó. Con vẫn biết nó là con gái không nối dòng được, bởi vậy con yêu cầu má châu cấp cho nó no ấm vậy thôi, đặng dưới suối vàng con khỏi ân hận.
Đứa con bất hiếu Nguyễn Văn Đường của má khóc lạy má mà vĩnh biệt.
Ký tên Nguyễn Văn Đường”.
Ông Đốc Thắng đọc dứt rồi ông xúc động cực điểm, thấy bà Xã Cầm ngồi khóc, ông đưa xắp thơ với giấy tờ cho bà rồi ông ra đứng trước cửa mà ngó ngoài đường.
Bà Đốc coi cho con nhỏ ở dọn cơm ở trên bàn, bà mời bà khách gặp bữa qua ăn cơm với bà. Bà Xã Cầm cám ơn bà nói bà ăn cơm rồi mới đi đây.
Vợ chồng Ông Đốc biểu con nhỏ ở rót nước trà mời khách uống, rồi ngồi lại ăn cơm.
Bà Đốc nói:
- Tôi nghe đọc thơ của cậu Đường tôi cảm động quá. Tội nghiệp cậu hết sức. Con nhà có tiền, mà bị con vợ không biết điều nên đời của cậu không vui sướng chút nào hết. Bữa mợ nọ mướn hai người theo đặng làm nhục Cô Hưởng đó, có tôi chứng kiến. Công chuyện thiệt y như lời cậu nói trong thơ. Con nhà mất dạy nên khờ quá. Tính làm nhục cho người ta còn bị thiên hạ ghét nên họ nhục mạ.
Bà Xã nói:
- Việc vỡ lỡ như vậy mà tôi có hay đâu. Nếu hồi đó tôi hay thì tôi thâu xếp, có lẽ yên ổn được, đâu có khổ như vầy.
Ông Đốc nói:
- Việc nhà của chị, ai biết bụng chị thế nào nên dám chen vô mà nói. Lúc đó tôi đổi lên Cần Giuộc vừa mới được một năm, tôi chưa quen biết chị cho lắm. Cô Hưởng khóc nói cho tôi hay cô phải bỏ trường mà đi, bị cách chức thây kệ. Tôi thấy vậy tôi thương, tôi lén cho phép cô nghỉ đặng cho cô đi vận động xin thôi, khỏi bị cách chức. Mà việc đã qua rồi nhắc lại không ích gì đâu. Bây giờ thơ di chúc của cậu Đường nói như vậy đó chị tính làm sao đây?
Bà Xã nói:
- Cần gì phải tính. Tôi hay tôi có tới hai đứa cháu nội. Trời khiến tôi thấy đứa con gái tôi thương, tôi đã đem về tôi nuôi mấy năm nay rồi. Bây giờ còn đứa cháu nội trai nữa, tôi phải kiếm, dầu mất công tốn của bao nhiêu tôi cũng quyết kiếm cho được.
Ông Đốc nói:
- Chị xử như vậy là phải hơn hết. Có tiền bạc để làm gì mà bỏ rơi con cháu. Chị làm như vậy cậu Đường ở dưới cửu tuyền chắc cậu vui lòng lắm, mà danh giá của chị càng lớn thêm.
- Con tôi nó nói nó có lỗi tại nó tập tánh nhu nhược, nó cư xử lỗi thời nên nó mới bị hại. Tôi nghĩ lại lỗi tại tôi chớ đâu phải tại nó. Tôi mù quáng không biết dạy nó ăn ở hạp thời. Bây giờ tôi mới thấy tôi lỗi thời chớ không phải nó. Cậu Đốc có biết vợ chồng thầy Hiển bây giờ ở đâu hay không?
- Tôi nghe nói bây giờ ở bên Hương Cỏn[1]. Cách mươi năm nay anh vợ thầy lập hàng xuất nhập cảng trên Saigon, biểu thầy xin thôi về giúp rồi cho hết hai vợ chồng thầy qua Hương Cỏn ở học tiếng ăng lê và coi giùm cái chành lập để rước hàng bên nầy qua và gởi hàng ở bển về. Vợ chồng ở luôn bển từ đó đến giờ.
- Còn cậu Đốc có nghe Cô Hưởng với con của cô ở đâu hay không?
- Không.., À, tôi nhớ mày mạy dường như sắp nhỏ tôi có nói có gặp Cô Hưởng, mà đứa nào nói tôi quên rồi, để ít bữa tôi lên hỏi lại coi.
- Chừng nào cậu đi?
- Tôi về thăm nhà chơi năm ba bữa rồi tôi sẽ đi nữa.
- Được a. Cậu đốc lên hỏi thăm rồi ráng kiếm Cô Hưởng hoặc thằng Càn giùm cho tôi. Cậu làm ơn mướn người ta đi kiếm, chịu tiền xe cho họ, tốn hao bao nhiêu tôi chịu hết. Cậu đừng ngại chỗ đó. Được một đứa cháu nội trai dầu mất mấy dãy ruộng tôi cũng vui lòng.
- Giống gì mà tới mất ruộng lận!
- Vậy chớ sao cậu. Không có con, mà không kiếm được cháu nữa thì ruộng để cho ai ăn? Để chiều tôi đem một số tiền qua tôi gởi cho cậu dùng làm sở phí mà đi kiếm. Cậu mướn xe mà đi. Tìm được cậu bao xe lô chở về đây giùm cho tôi cậu được phước đức lớn lắm.
- Đọc thơ của cậu Đường hồi nãy tôi quá cảm. Tôi sẽ ráng kiếm cho được Cô Hưởng mới ra thằng Càn, kiếm đặng làm ơn cho chị, mà cũng làm ơn cho Cô Hưởng nữa.
Bà Xã Cầm đút hết giấy tờ vô bao thơ rồi gói lại trong khăn và từ giã vợ chồng Ông Đốc Thắng mà về, hứa chiều bà sẽ trở qua nữa.