Hai Thà cưới vợ

Con nhà làm ruộng ở làng Bình Thạnh cũng như nhiều chỗ khác trong xứ nầy, mỗi năm cực-nhọc có mấy tháng: đầu mùa mưa dọn đất gieo mạ, rồi cày ruộng mà trở đất, đợi mạ đúng lứa mới trục hoặc bừa cho chín đất đặng nhổ mạ đem qua cấy. Hễ cấy rồi thi rảnh-rang luôn mấy tháng. Người làm đất rẫy, nghĩa là ruộng nước mặn, thì phải cắt cỏ một ít bữa cho lúa nở thong-thả. Còn người làm đất đồng thì chỉ coi chừng nước mà thôi. Ai siêng thì đi câu hoặc đặt lờ kiếm cá ăn mỗi bữa. Chừng lúa chín mới làm việc lại mà làm việc cũng có vài ba tháng: gặt, gom về sân, đạp rồi hết chuyện, đợi tới mùa mưa sau mới làm mùa khác.

Hai Thà ở nhằm chỗ nửa đồng nửa rẫy, nhưng qua mùa khô hễ gặt và đạp rồi thì tối ngày ngồi khoanh tay không biết làm việc chi. Ðàn-bà họ tràn xuống rẫy đặng nước cạn họ bắt vọp mánh, nước lớn họ bắt vọp sôi, hoặc họ bắt còng hay vớt rạm. Ðàn-ông họ làm giẹp mà dặt cá bống dừa, hay làm vó mà câu cua biển. Thà tuy chưa có chức-phận, song đứng vào hạng có cơm tiền bởi vậy Thà không thà đi bắt vọp, bắt còng, hay câu cua, câu cá như họ vậy được.

Mà xẩn-bẩn ở trong nhà. Thà thấy bàn thờ vợ, Thà ngó hai đứa con, thì Thà ruột thắt mắt buồn, thương vợ đã cực-nhọc lúc nhà nghèo, lại không sống mà hưởng lúc có tiền có lúa; thương phận con côi-cút còn thơ-ngây mà không có mẹ dạy-dỗ, nưng-niu. Thà buồn cứ nằm trên võng gác tay qua trán tối ngày, đến nỗi bà Hương-bảo khoe bầy vịt tơ đã bắt đầu đe đều, Thà không mừng, mà con Nên đi bắt vọp sôi nó bưng về cả thúng, Thà cũng không ngó.

Con Nên thấy bộ Thà nghiêm-nghị nó ít dám nói chuyện với Thà, có việc chi thì nó cứ thỏ-thẻ với bà Hương bảo. Mà tánh-nết nó dè-dặt phận-sự nó vuông tròn, Thà không có chuyện gì là nói. cũng không có gì mà rầy nó được, thành ra chủ với tớ lợt-lạt, bơ-thờ, mặc dầu lối xóm người ta khen bà Hương-bảo có phước mới mướn được Nên, hay là người ta thầm nghi Thà sẽ đánh ụp với Nên cho khỏi tốn tiền cưới vợ.

Một đêm, bà Hương-bảọ thấy Nên đem Ðồ vô mùng dỗ ngủ đã lâu rồi, mà Thà vẫn còn đốt đèn ngồi lại bộ ván giữa hút thuốc, bà mới ra võng mà nằm và nói với Thà: “Bữa hổm chú Cai-thôn Ðâu ghé thăm, chú nói con Lê là con gái ông Chánh-bái, có chồng trên Chợ Dinh mấy năm nay. Bây giờ nó đã thôi chồng trở về ở ngoài ông Chánh-bái từ hôm Tết. Chú xúi má ra mà nói cưới cho con.

- Gái lộn chồng mà cưới làm chi má.

- Có hại gì. Tại không phải duyên-nợ, nên vợ chồng mới rời-rã chớ. Không biết chừng nó có duyên-nợ với con nên Trời khiến con chết vợ, còn nó thôi chồng đạng hai đàng gặp nhau.

- Duyên-nợ sao hồi nhỏ không hiệp nhau, để kẻ có vợ, người có chồng, rồi mới gặp ?

- Duyên-nợ nhiều khi ban đầu phải trắc-trở như vậy. Nghe nói cỏn[1] không có con. Con cưới nó thì nó săn-sóc hai đứa nhỏ của con, khỏi có cái họa con mầy con tao.

- Biết họ săn sóc hay là họ cú họ véo. Có lẽ cô ta hư lắm, hoặc cô dữ lắm, nên chồng cô phải tống-bôi tống,-khứ cô đó đa má.

- Con nghe gái chồng để là gái hư. Không sao đâu con, hễ có phước thì có phần, nhiều khi ở với người ta thì hư nhớt, chừng về với mình thì tử tế. Năm nay con đã 35, 36 tuổi rồi, lại có tới 2 đứa con. Con muốn cưới gái còn son-giá, có dễ gì đâu. Lại cưới con nít đem về nó nhỏng-nhẻo chớ có biết làm công chuyện gì.

- Sao má chắc cô Lê không nhỏng nhẻo và biết làm công-việc.

- Người ta trộng tuổi rồi, nghe nói năm nay đã được 20 tuổi, tự-nhiên phải biết công ăn việc làm chớ.

- Không. Con nhứt-định không cưới vợ khác; con không muốn sắp nhỏ có mẹ ghẻ.

- Má thấy con buồn quá, nên má mới khuyên con chấp nối. Ông Chánh-bái là người có bề thế; như con muốn làm sự gì, ông giúp-đỡ cho con được. Má nghĩ hổm nay, má thấy chỗ đó xứng đáng.

- Ông Chánh-bái giúp con cách nào? Ổng già quá, có cày ruộng hoặc vác lúa giùm cho con được đâu.

- Có phải giúp như vậy đâu con. Ổng có thân-thế, trong làng ai cũng kiêng-nễ; ông giúp là đỡ đầu cho con đặng làm ông nầy ông kia với người ta chớ.

- Ối! Ông nầy ông kia làm chi nà! Làm cho có tiền có lúa nhiều là quí hơn hết. Con nghĩ bây giờ người la kêu con là “thằng Hai Thà" chừng con giàu, họ phải kêu “ông Hai Thà” chớ. Ông hai Thà rành nghề làm ruộng, ông gieo phải đất, chỗ cấy hợp-thời, siêng giữ bờ, biết lựa giống, nên ruộng ông trúng luôn luôn, con chắc ông đó sướng hơn ông nào hết.

- Nói như con vậy sao được. Cha con hồi trước tuy nghèo, song cũng làm chức Hương-bảo. Con bây giờ có cơm tiền. Có nhà cửa tử-tế, con làm dân hoài hay sao. Phải ra làm làng với người ta chớ.

- Con muốn làm ruộng.

- Làm làng cũng làm ruộng được vậy chớ.

- Ðể con làm ruộng ít năm nữa rồi sẽ hay.

- Cưới vợ cho có người coi trông đặng con ra làm làng, đó là điều má muốn hơn hết.

- Má muốn lắm sao?

- Muốn lắm.

Thà chúm-chím cười rồi vặn đèn lu mà đi ngủ. Cách một lát Nên nghe bà Hương-bảo trở vô buồng thì nó dở mùng chun ra, rồi lại mở cửa nhà dưới mà đi ngoài.

Qua tháng 3, hồi xế trời mưa một đám thiệt lớn. Trong xóm nhà nào cũng chộn-rộn. sửa-soạn đèn đặng tối đi soi nhái. Nên thạo các công việc của người ở ruộng, biết bắt vọp, bắt còng, biết đặt cua, đặt cá; duy có soi nhái, soi ếch thiệt nó chưa biết. Chiều tối nó thấy ở xóm ngoài tốp 5 tốp 3 người ta đi vô Xóm Mới dập-dều, người cầm đèn chai, người xách giỏ lớn. Trên Bình-Lạc người ta cũng đi theo lộ me mà xuống, có đàn-ông, có đàn-bà. có con gái, có con trai. Tới Xóm Mới ai quen nhà nào thì ghé nhà nấy. Ai không có quen thì ngồi giụm nhau ngoài lộ mà chơi.

Với sự náo-nhiệt phi-thường ấy, Nên không khỏi rộn-rực trong lòng, bởi vậy ăn cơm chiều, dọn-dẹp xong rồi, Nên thỏ-thẻ hỏi bà Hương-bảo: “Thưa bà, không biết làm giống gì mà họ tựu lại xóm mình đông quá?”

- Họ tựu đặng khuya họ soi nhái.

- Họ đông quá, nhái đâu có đủ cho họ bắt?

- Thiếu gì! Có mấy ổ nhái phía trước kia. Ðể tối một lát rồi nghe nhái kêu.

- Thưa bà, tại sao ở xóm mình lại có nhái nhiều?

- Ðất rẫy nước ngập mãn năm, nhái ở sao được, ở theo bờ theo bụi một ít con mà thôi. Ðất đồng mùa nắng khô-khan, nhái cũng không thể ở, có chút đỉnh theo mấy bào mấy trũng vậy thôi. Ở xóm mình, nhờ có mấy đám ruộng biền[2] đó, dầu mùa nắng nước sông cũng rịn vô, ướt-át luôn luôn, bởi vậy nhái ở được mà sanh-sản ra nhiều. Ðầu mùa mưa, hễ có mưa lớn nước ngập hang, thì tối nhái phải trồi lên mặt đất uống nước mà kêu, chừng nào mưa dào-dẫn, nhái no nước rồi nó mới rút uống hang, không kêu nữa.

- Ngộ dữ há. Ðể tối coi họ soi làm sao?

- Bữa hổm rày có gởi cho hàng gánh mua cây đèn chai rồi đó. Ðể khuya một chút rồi biểu thằng Thảo đi coi kiếm ít con, sáng ăn.

- Cháu thấy bà gởi mua đèn chai, cháu tưởng bà mua để dành đặng nhúm lửa chớ.

- Mua đèn soi nhái. Thằng Hai nó ưa soi, nên mua đèn hờ cho nó, chớ thằng Thảo con mắt nó tỏ, nó bẻ cóp thiếc làm đèn chóa mù soi cũng được không cần đèn chai.

Hai Thà đi chơi về, vừa bước vô cửa thì hỏi mẹ:

- Nhà có đèn chai hay không má?

- Có, má có gởi mua một cây đèn dài dựng trong buồng đó.

- Ðược. Lát nữa con đi soi nhái, ở các xóm người ta tựu đông quá. Khuya nay đèn đỏ biền chắc vui lắm.

Nên vui-vẻ nói: “Thưa bà để cháu dỗ em ngủ rồi bà cho phép cháu theo coi cậu hai với thằng Thảo soi nhái ra làm sao. Thuở nay cháu chưa thấy.” Thà vội-vã nói: “Ừ, được. Biểu thằng Thảo đi nữa, đi cho đông đặng bắt cho nhiều. Hôm nay trời nắng, hồi xế mưa lớn lại nhằm tối trời, chắc đêm nay soi trúng lắm. Má ở nhà coi chừng hai đứa nhỏ được má. Ðể biểu thằng Thảo sửa-soạn giỏ với đèn cho sẵn.

Mới tối một lát thì Nên đã dỗ em ngủ và đem vô mùng rồi. Nên đứng trước cửa dòm ra biền, nghe nhái kêu rân, lại thấy đã có đèn rải-rác. Nên nói: “Ý, họ đi soi rồi kia kìa!”.

Thà nói: “Mấy người đó không biết soi nhái. Ðầu hôm nhái kêu rân như vậy, song có mấy con mà soi. Phải đợi khuya khuya nhái nó dạn, nó bắt cặp rồi ta soi mới nhiều chớ. Ngủ đi! Ðể nửa canh hai rồi sẽ đi”.

Nên không dám cãi, liền trở vô mùng nằm với em. Thà cũng khép cửa lại rồi lại nằm với con Chỉ. Nên nằm nghe tiếng nhái kêu thì rộn-rực không buồn ngủ; lại nó không dám nhắm mắt, sợ ngủ quên rồi không được đi. Nằm một hồi lâu, nó nghe có tiếng nhiều người và đi và nói chuyện ngoài lộ, nó ngóc đầu lên mà dòm ra cửa song, thì thấy có đèn sáng trưng, nó trông Thà dậy mà đi. Thà cứ nằm êm. Khuya lắm, nhưng không biết canh mấy. Thà dậy mở cửa rồi vấn thuốc mà hút. Nên lật-đật chun ra và hỏi: “Ði soi nhái được chưa, cậu Hai?”. Thà nói: “Bây giờ đi vừa. Ra kêu thằng Thảo dậy đặng đi.” Nên liền đi ra nhà trống kêu Thảo. Bà Hương-bảo thức dậy ra võng nhà nằm. Thảo cầm vô hai khúc đèn chai, còn Nên xách ba cái giỏ. Thà lấy một khúc đèn mà đốt rồi đưa Thảo cầm, nói để ra tới ruộng rồi sẽ đốt khúc kia.Thà bịt khăn trùm và xăn ống quần, vo tay áo gọn-ghẽ rồi khép cửa ra đi. Thảo với Nên theo sau. Nên ra sân rồi cũng bắt chước xăn quần vo áo cho gọn.

Ra khỏi nhà, Nên thấy ngoài đồng đèn đốt tứ giăng, lại nghe nhái kêu inh-ỏi, quang-cảnh coi thiệt lạ-lùng. Nên khoăn-khoái nói: “Trời ơi, đèn nhiều quá. Mình đi trễ, họ soi hết nhái rồi, còn đâu mình soi”. Thà cười mà đáp: “Lo dữ hôn! Không hết đâu mà sợ. Nên chưa biết soi nhái cầm đèn thêm bối-rối chớ không ích gì, vậy Nên xách giỏ cứ theo đèn của Thảo hoặc của tôi, hễ thấy nhái thì chụp bỏ vô giỏ. Nè mà phải coi chừng đặng đi theo đa. Ðèn nhiều nên dễ lộn, đi bậy rồi lạc không biết đâu mà kiếm, chớ không phải chơi. Ban đêm, đèn chóa, phải quen lắm mới biết hướng mà về xóm mình. Người ta đi lạc bị ma giấu chết”.

Nên nghe nói đi lạc ma giấu thi lo sợ, song không nói ra, thầm tính cứ đi theo một bên Thà thì không làm sao lạc được.

Ra tới biền, thiệt người ta soi đông lắm. Thà biểu Thảo mồi thêm một khúc đèn chai nữa mà đưa cho Thà. Thà đứng nhắm hướng, nhớ coi vạt đất nào gò, vạt đất nào sâu, rồi chia giỏ mỗi người xách một cái mà xuống ruộng.

Nên theo Thà, chụp được một con nhái trước hết. Nên lấy làm đắc ý, cứ kiếm nhái chụp bỏ vô giỏ. Thiệt bữa nay nhái nhiều lại đi khuya nên có nhái bắt cặp. Thà chụp không ngừng tay, mặc dầu Nên dã choán hết một bên. Mê-mẩn bắt nhái một hồi, Nên đứng ngóng thấy đèn tứ giăng, song không biết Thảo ở chỗ nào thì nói: “Thảo lạc mất rồi!”. Thà nói: “Nó soi đâu đó, không lạc đâu. Nó biết mấy bờ ruộng ở đây cháo-chang[3] mà”.

Nên lo, bởi vậy mặc dầu thấy nhái nhiều thì ham, nhưng Nên không dám rời xa Thà.

Bắt một hồi, Nên đưa giỏ gần đèn mà coi thì nhái đã được nửa giỏ. Nên quyết bắt cho đầy giỏ đặng về khoe với bà Hương-bảo, Nên càng chăm chỉ. Nên đương chụp một con nhái lớn, thình-lình một con rắn nằm trong vũng nước, nó nhảy vọt lên phớt ngang tay Nên. Nên hết hồn hết vía, buông con nhái, nhảy ôm cứng cánh tay Thà và la và run. Thà ngó Nên mà cười và nói: “Không có sao đâu, thứ rắn nước cắn mổ gì mà sợ”. Nên buông tay Thà, vì sợ quá nên quên thẹn. Thà cứ soi tới, nhiều khi chụp nhái phải đụng Nên. Bây giờ Nên bớt hăng hái, cứ đi sát bên Thà, thấy nhái phải dòm kỹ rồi mới dám chụp. Thà đã đầy giỏ, còn Nên chỉ mới được có hai phần. Thà đưa giỏ của Thà cho Nên và nói: “Thôi xách cái giỏ đầy mà đi theo đặng đưa giỏ lưng đặng tôi bắt thêm cho đầy hết hai giỏ rồi sẽ về”.

Bây giờ Nên xách giỏ nhái đầy mà đi theo Thà, có chụp được con nào thí bỏ qua giỏ lưng, hai người bắt một hồi thì giỏ kia cũng đầy nữa. Thà chỉ hướng rồi khêu đèn, rọi cho Nên lên bờ mà về. Nên nài xin xách luôn hai giỏ, rồi Nên đi trước, Thà đi sau rọi đèn, nhái trong ruộng vẫn kêu chét-chét không dứt tiếng.

Thà đã bắt đầy giỏ, đã về trước rồi. Thà biểu cột miệng mỗi giỏ cho chặt, rồi để ngoài nhà trống, sợ đem vô nhà nhái kêu bà già với sắp nhỏ ngủ không được.

Ðến sáng, Nên thuật việc soi nhái cho bà Hương-bảo nghe, nó nói thiếu chút nữa nó bị rắn cắn tay. Bà Hương-bảo nói: “Ði soi nhái phải coi chừng rắn. Thứ rắn mái-gầm[4] ưa theo đèn chai đặng ăn chai rớt”.

Nhái nhiều không thế ăn cho hết: Trong xóm ai cũng có, nên khôug ai cần-dùng mà cho. Còn đem xuống chợ mà bán thì không mấy đồng tiền lại bị người ta chê mình cằn-xảy[5] từ chút. Bà Huơhg-bảo biểu Nên xách xuống Cái-Nhồi cho bớt bà Tư một giõ đặng bà ăn, vì ở xóm dưới không có nhái.

*

* *

Hồi vào ở thì Nên chịu ở thử 6 tháng mà thôi, không bằng lòng ở trọn năm. Qua tháng năm thì đủ 6 tháng. Thế là Nên không xin về, lại mẹ con bà Hưong-bảo cũng không nhắc tới chuyện thôi mướn.

Trót sáu tháng nay, bà Hương-bảo cũng như Hai Thà, không bao giờ nói nặng lời với Nên. Chỉ với Ðồ cũng trìu mến Nên. Ðã vậy mà Nên bồng ẵm Ðồ, ngủ với Ðồ mấy tháng đã quen hơi rồi làm sao đành rời Ðồ mà về Cái-Nhồi cho được?

Còn mùa ruộng đã tới, trọn một tháng nay Thà ở ngoài đồng tối ngày, dọn đất gieo mạ, cày ruộng đồng, làm cỏ rẫy, nếu để Nên về thì ai lo cơm nước, ai làm việc nhà, ai săn-sóc hai đứa nhỏ, một mình bà Hương-bảo bao gồm sao xiết mà tính thôi mướn Nên? Nên cứ ở luôn tới tháng 6, tháng 7, rồi tháng 8, ruộng của Thà cấy xong rồi hết, ngày làm tuần giáp năm cho vợ Thà đã gần tới mà Nên cũng chưa về.

Một buổi sớm mơi, trời thanh-bạch, đường khô ráo. Bà Hương bảo chơi với hai đứa cháu nội, bà bảo Chỉ dắt mà tập cho Ðồ đi trong nhà. Nên hốt phân rơm đặng đem bón đám rau thơm ở sau hè. Còn Thà thì chiết chuối con đem trồng theo hàng rào.

Cô Lê, con ông Chánh-bái Nhiều, mình mặc quần lãnh đen, áo xuyến tím, đầu choàng hầu khăn lục-soạn đỏ, tay cặp cây dù máy lợp hàng màu da trời, cô thủng thẳng đi vô sân, nét mặt vui-tươi tướng đi yểu-điệu. Nên đương xúc phân dưới gốc rơm, thấy có khách thì bỏ thúng phân đi vô nhà đặng lo trầu nước cho chủ đãi khách.

Cô Lê bước vô cửa nhà trên thì Nên cũng tới cửa nhà dưới. Nên nghe chủ khách chào nhau:

- Phải con ba là con ông Chánh-bá hôn?

- Thưa, phải.

- Lâu gặp quá, nên coi lạ. Nghe nói xưa rày cháu ở dưới nầy phải hôn?

- Thưa, phải. Cháu về từ hôm Tết tới nay. Má cháu nghe họ nói thím có nuôi vịt xiêm nhiều lắm. Bữa nay cháu có dịp đi vô trong nầy, má cháu dạy ghé thưa với thím làm ơn để cho má cháu một con vịt xiêm mái.

- Trời ơi, tôi đâu có nuôi vịt xiêm nhiều. Tôi nuôi có một con xiêm mái để nó giữ vịt ta. Ai mà đồn bất-nhơn vậy?

- In[6] là chú Cai-thôn Ðâu nói với má cháu.

- Ờ, kỳ xưa Cai-thôn Ðâu có ghé thăm tôi. Chắc chú có chén chú thấy bầy vịt ta của tôi rồi chú tưởng vịt xiêm chớ gì. Em về thưa lại với bà Bái, tôi không có vịt xiêm. Nếu có thì tôi để cho bà Bái, chớ để dành làm chi.

Nên nghe hai người nói chuyện thì hiểu khách là cô Lê, người bà Hương-bảo muốn Thà cưới. Nên rửa tay ra lên nhà trên bưng trầu nước đặng coi mắt cô Lê luôn thể. Chỉ với Ðồ thấy Nên liền đi theo. Nên bồng Ðồ và dắt Chỉ lại đứng dựa cửa, xuống nhà dưới nhà ngó Lê.

Thà ở ngoài vườn vô chào cô Lê. Cô Lê hỏi: „Anh hai, nghe nói anh làm ruộng trúng luôn. Tôi tính năm tới tôi cũng đấu giá mướn công-điền mà làm. Phải làm cách nào cho ruộng trúng, xin anh làm ơn chỉ dùm cho tôi“. Thà cười ngỏn ngoẻn mà đáp: „Tôi cũng làm như người ta, nhờ Trời cho trúng, chớ tôi có giỏi hơn người ta đâu“.

Lê ngó Chỉ và Ðồ rồi hỏi bà Hương-bảo:

- Ảnh được mấy đứa con?

- Có hai đứa đó.

- Hai đứa nhỏ ngộ quá.

Lê đưa tay ngoắt con Chỉ và nói: "Lại đây chơi em“. Con Chỉ ngoẻo đầu vói nắm vạt áo Nên chặt cứng, không chịu đi.

Cô Lê ngồi chơi một chút rồi từ-giã ra về. Khi cô ra sân thì mẹ con bà Huơng-bảo đứng dựa cửa ngó theo. Nên cũng dắt hai đứa nhỏ lại đứng gần đó nhà ngó. Bà Hương-bảo nói với Thà: "Con Lê lớn rồi coi ngộ quá, lại ăn nói giòn giã dữ. May bữa nay nó ghé nhà cho mình coi mắt, khỏi thất công đi coi“.

Thà chúm-chím cười đứng ngó theo cô Lê cho đến khi cô ra khỏi nhà trống, không còn thấy dạng nữa, Thà mới trở vô vấn thuốc mà hút, song không nói chi hết.

Ðến xế, Thà đi thăm ruộng. Thấy trời mát, bà Hương-bảo dắt con Chỉ đi thăm thím Cai-tuần Hươi, ở trên đầu xóm. Thằng Ðồ cũng biết đi lẩm-đẩm, khỏi bồng ẵm nữa. Nên thấy đã nửa chiều rồi bèn để Ðồ đứng chơi, nó đi lấy gạo nấu cơm. Chừng cơm cạn, Nên vùi lửa rồi không còn công việc gì nữa, bèn dắt Ðồ lên võng nằm mà giỡn với nó và dạy nó nói. Nên nằm trở đầu ra cửa, để Ðồ nằm sấp trên ngực. Nên dạy nó kêu "cha" rồi dạy nó kêu "má". Hễ nó kêu "má" thì Nên ôm nó mà hun trơ hun trất, rồi biểu nó kêu nữa, cứ tiếng má mà dạy hoài.

Thà đi ruộng về bao giờ Nên không hay. Mà Ðồ kêu "má" Nên hun, rồi day lại thấy Thà đứng chần-ngần trên đầu võng. Nên biến sắc, lật-đật bồng Ðồ đứng dậy và nói: “Tôi dạy em học nói“. Thà ngó Ðồ và cười và hỏi: “Dạy giống gì kỳ vậy? Sao lại dạy nó kêu má?“ Nên bồng Ðồ đi riết xuống bếp không trả lời.

Cách vài ngày sau, ăn cơm sớm mơi rồi thì có Cai-thôn Ðâu đến thăm bà Hương-bảo, gặp Thà ở nhà. Bà Hương-bảo vừa thấy chú Ðâu, bả liền trách: "Chú nó tệ quá. Chú nó thấy tôi ấp vịt xiêm nhà nuôi hồi nào đâu sao chú nó thèo-lẻo với bà Bái, nói tôi nuôi vịt xiêm nhiều?“

- Tôi thèo-lẻo hồi nào? Sao chị hay?

- Con Ba Lê nó nói đây nè. Nó nói nhờ chú điềm-chỉ nên nó mới biết vô nài một con vịt mái đặng nuôi.

- Con Ba Lê vô đây hay sao? Vô hôm nào?

- Hôm kia.

- Có gặp thằng Hai ở nhà hay không?

- Có.

Cai-thôn Ðâu cười rồi day lại nói với Thà: ”Té ra có Ba Lê vô đây... Sao mậy Hai?...Mầy thấy Ba Lê rõ ràng rồi, con coi được quá phải hôn? Mầy đành chưa?”

Thà chúm-chím cười, không trả lời. Cai-thôn nói tiếp: ”Bà Bái nói chuyện, tao coi bộ bả ưa mầy lắm. Hai à. Bả nói bả thấy mầy ham lo làm ăn, nên bả thương, bả muốn gả Ba Lê cho mầy. Bả gả mà bả không đòi bạc vàng chi hết, lại cho gộp một lễ, khỏi đám hỏi, khỏi sĩ lời. Cưới vợ mà dễ như vậy thì cầu chớ, còn làm bộ gì nữa”. Bà Hương-hảo nói: ”Vợ chồng ông Chánh Bái là người hiền-đức lại rân-rát. Tôi thấy con Ba Lê tôi cũng thương. Không biết tại sao mà thằng Thà cứ làm thinh hoài, không mốn bước tới”. Cai-thôn nói: ”Hôm qua tôi có nói chuyện với ông Chảnh-bái. Ổng nói nếu thằng nầy cưới Ba Lê, thì qua năm tới ổng đỡ đầu cho nó làm Thôn trưởng liền. Chị Hương-bảo có một mình mầy. Chỉ đã già rồi. Mầy phải cưới vợ đặng lo phục-sự chỉ, chớ mầy cứ bắt chỉ giữ con và lo cơm nước cho mầy hoài hay sao mậy? Mầy chịu đi. Hễ chịu thì tao làm mai tay trong xin cưới liền. Tháng nầy rảnh-rang, cưới phứt cho rồi. Sao mầy làm thinh hoài vậy?”

Thà châu mày đáp:

- Vợ tôi chết chưa giáp năm, tôi lật-đật cưới vợ khác, coi kỳ quá.

- Sách lễ có buộc không phải thủ-tiết với vợ đâu. Vợ còn sống mình cưới thêm vợ bé cũng được, tức nhiên vợ chết mình chắp nối liền cũng không ai cười chê. Chừng nào làm tuần giáp năm cho vợ mầy?

- Hai mươi tháng 9.

- Bữa nay 12 tháng 8, còn một tháng 8 ngày nữa. Mầy muốn để làm tuần cho cỏn rồi sẽ làm đám cưới cũng được. Mà bây giờ hai đàng phải tính toán trước mà định ngày cưới. Mình cứ kiếm coi, hễ qua khỏi 20 tháng 9 rồi, có ngày nào tốt thì mình chọn trước. Chớ chi ở nhà có lịch thì tôi coi liền bây giờ, coi ngày nào làm đám cưới được.

Bà Hương-bảo lật-đật nói: “Có mà. Hôm Tết nó đi chợ có mua một cuốn lịch để coi mưa, coi nắng và coi giá lúa trồi sụt. Con để đâu con? Lấy cho chú con coi thử coi”.

Thà cứ chúm-chím cười hoài, không chịu mà cũng không cãi, song vưng lời mẹ đi lại bàn thờ lấy cuốn lịch đưa cho Cai-thôn Ðâu. Cai-thôn dở lịch ra, nheo mặt và coi và nói: “Tháng 9.., đây, ngày 20 đây... 21 kỵ giá-thú, không được... 22 sát chủ kỵ lắm... 23 không kỵ, nhưng nhằm ngày Tam-nương... 24 chủ-sự bất nghi, không được... 25 nghi kết hôn, giá-thú, được lắm, được lắm; chọn ngày 25 làm đám cưới thì phải rồi.”

Bà Hương-bảo nói: “20 làm tuần rồi 25 làm đám cưới sợ rấp[7] quá. Chú coi giùm coi có ngày nào xa xa một chút hôn?” Cai Thôn lật lịch coi một hồi nữa rồi đáp:

- Nếu chị không chịu 25 tháng 9 thì phải để qua mùng 4 tháng 10 mới có ngày cưới. Bước xa ngày cúng tuần, mà bước qua tháng 10 chắc cũng hết mưa.

- Thôi, nhứt-định mùng 4 tháng l0 đi. Ðể tôi về tôi nói lại với vợ chồng ông Bái. Hai Thà nhớ nghe hôn mậy.

Thà cười và đáp:

- Ðể coi...

- Coi cái gì? Ê! Cưới vợ làm ông Thôn chơi mà, Chị Hương-bảo, chị để tôi nói trước, rồi bữa nào chị ra chơi chị nói cho giáp mặt vợ chồng ông Bái thì xong. Hễ chị ra thì chị cho tôi hay trước đặng tôi đi với chị.

- Ừ, bữa nào trời tốt tôi ra.

- Thôi, đi tôi về... Hai Thà, mai mốt ra nhà chú chơi, ra rồi chú dắt lại nhà ông Bái. Ðàn bà họ dám tới nhà cháu, cháu là đàn-ông, cháu sợ gì. “Muốn ăn phải lăn vào bếp, biết hôn?”.

Thà cười chớ không nói.

Cai-thôn Ðâu từ mà về.

Nên chơi với hai đứa nhỏ ở nhà dưới, nãy giờ Nên lóng tai nghe chủ khách nói chuyện, nghe không sót một tiếng. Chừng khách về rồi Nên nghe bà Hương-bảo nói:

“Vợ chồng ông Bái thương thì dễ quá. Vậy mình cứ bước tới, khỏi lo gì hết. Mùng 4 tháng 10... còn gần 2 tháng nữa mình lo kịp”. Nên không nghe Thà trả lời, lại thấy Thà lấy nón ngựa đội mà đi, không biết đi đâu...

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá