Hai Thà cưới vợ
Cách vài ngày sau.
Buổi trưa trời nắng chang-chang, nhưng nhờ có ngọn gió chướng thổi lao-rao, nên không nóng-nực.
Trước nhà Hai Thà, ba con trâu đứng chung-quanh đống rơm, đương rút rơm mà ăn, đuôi ngoắt hàm nhơi, bộ vô tư vô lự.
Trong cái nhà trống gần dó, một đầu đóng cổng nhốt trâu, một đầu để xay lúa giã gạo. thằng Thảo nằm ngửa trên cái võng rách lý hát nghêu-ngao, đợi mặt trời trịch bóng rồi sẽ cỡi trâu đi ăn chiều.
Ở trong nhà, Hai Thà ăn cơm sớm mơi rồi mắc đi thăm ruộng, chỉ có bà Hương-bảo với hai đứa nhỏ mà thôi. Bà ngồi tại đầu ván vá áo cho Thà, một lát bà vói tay kéo cái võng mà đưa cho thằng Ðồ ngủ. Con Chỉ ngồi chơi ngoài hàng ba, gần bên cạnh con chó vện nằm khoanh, cặp mắc lim-dim, cái mỏ dài thượt.
Trong cái sân rộng lớn ở trước cửa, sân để mùa khô đạp lúa nên không trồng-tỉa thứ chi hết, thì mặt trời giọi nắng sáng-lòa. Chung quanh gốc cây me đứng sừng-sựng ở bên chái nhà dưới, thì con vịt xiêm xám đương núp bóng nằm nghỉ mát với một bầy vịt con mới có lông cánh.
Giữa lúc an-tịnh, thình-lình con chó vện cất tiếng mà sủa. Bà Hương-bảo nheo mắt ngó ra, bà thấy ngoài nhà trống có một người đàn bà mặc quần lãnh, áo xuyến đen, đầu đội khăn trắng, đương đứng nói chuyện với thằng Thảo. Bà không biết là ai, nghi người ấy là cháu ngoại của bà Tư Phải, nên buông cây kim ngồi chờ.
Thiệt quả người lạ đó là con Nên, cháu bà Tư Phải. Nó chịu ở nên bà Tư biểu nó lên. Thuở nay nó chưa đến Xóm Mới lần nào. Vì ở đây duy có nhà của bà Hương-bảo lợp ngói mà thôi, nên bà Tư chỉ chừng mà nó vô cũng trúng. Tuy vậy mà vô tới nhà trống, nó gặp thằng Thảo, nó hỏi thăm cho chắc ý rồi mới xăng-xớm bước qua sân, tay có xách một gói đồ nho-nhỏ.
Con chó vện xông ra đón sủa. Nên sợ nó cắn nên đứng khựng lại. Bà Hương-bảo phải bước ra mà la, con chó mới chịu xụ đuôi trở vô, để cho Nên thong thả lên thềm.
Nên thấy bà, liền chấp tay mà xá và nói:
- Thưa bà, cháu là cháu ngoại của bà Tư ở dưới Cái-Nhồi”.
- Vậy hả? Vô đây coi.
Con chó sủa làm cho thằng Ðồ giựt mình thức dậy nên nằm lên võng co tay giụi mắt. Bà Hương-bảo bước vô nắm võng mà đưa và hát nhỏ nhỏ dỗ Ðồ ngủ lại.
Nên lột khăn choàng xuống vai, tay ôm gói đồ, đứng dựa cửa ngó cùng trong nhà. Con Chỉ thấy Nên lạ thì đứng ngay trước mặt, ngó Nên trân-trân. Bà Hương-bảo tuy miệng hát, song mắt cũng chong ngó Nên. Ba thấy Nên mập-mạp, mạnh mẽ, đen-đúa, nhưng nhà gương mặt vui-vẻ, thiệt-thà, lại hai hàm răng khít-khao, cặp con mắt sáng-sủa, làm cho Nên tuy không phải là đóa hoa thơm trong chốn thôn-quê, song cũng không phải là xấu-xa, thô-bỉ. Nên e-lệ khó chịu.
Ðồ ngủ lại rồi, bà Hương-bảo mới bước lại ván ngồi và hỏi Nên: "Nhà bà đơn-chiếc quá. Cháu coi đó một mình bà mà phải lo trong bếp, rồi còn lo giữ hai đứa nhỏ nữa thiệt cực hết sức. Hôm kia chị tư lên thăm. Bà than với chỉ. Chỉ nói để về chỉ hỏi cháu coi cháu chịu ở giúp với bà hay không. Cháu chịu ở phải hôn?”
- Thưa bà, ngoại cháu về có nói chuyện lại với cháu. Cháu mồ côi nên tính về ở giúp đỡ ngoại cháu. Thiệt nhà ngoại cháu không có việc chi cho lắm, bởi vậy ngoại cháu biểu cháu lên giúp bà ít ngày.
- Ðược lắm. Chị Tư có nói giá cả cho cháu nghe hay không?
- Thưa có. Nhưng cháu xin ở chừng sáu tháng.
- Sao vậy? Ở luôn một năm không được sao?
- Thưa bà, không biết cháu làm công việc bà có vừa lòng hay không, bởi vậy cháu tính ở thử ít tháng.
- Bà không khó như người ta đâu cháu. Thằng Hai ở nhà đây cũng vậy. Cháu đừng ngại. Ðể cháu ở ít ngày rồi cháu biết. Công việc cũng không có gì lắm. Mỗi ngày chỉ lo hai bữa cơm và săn-sóc hai đứa nhỏ. Mà con Chỉ đã trộng rồi, tối nó ngủ với cha nó. Cháu chỉ coi tắm rửa và giặt áo quần cho nó mà thôi. Cháu có cực là cực với chú bé Ðồ đây, vì dứt sữa sớm nên chú rầy-rà dữ lắm.
- Thưa bà. Em nhỏ đã giáp “đôi-tôi”[1] hay chưa?
- Chưa. Bữa nay mới được l0 tháng.
- Nhỏ quá, mà bà dứt sữa sớm, ban đêm sợ em đói.
- Cho ăn cháo.
- Phải bà mua sữa hộp để dành ban đêm khuya cho em uống. Ăn cháo sợ nó ngán.
- Sữa hộp ra làm sao?
- Thưa, sữa bò họ làm đặc mà đựng trong hộp. Mỗi lần mình múc vài muỗng nhỏ khuấy với nước sôi cho em uống. Uống sữa bò cũng bổ như sữa mình.
- Vậy hả? Bà có biết đâu. Ðể biểu cha nó mua cho nó uống thử coi. Cháu tên gì?
- Dạ, tên Nên.
- Thuở nay cháu có đẻ chửa lần nào hay chưa?
Nghe câu hỏi nầy Nên mắc-cỡ, gục mặt ngó xuống đất rồi đáp nhỏ nhỏ:
- Thưa, cháu có chồng đâu mà đẻ chửa.
- Vậy hả? Chưa đẻ chửa, vậy mà cháu ưa con nít hay không?
- Thưa, con nít có ai mà không thương.
- Ðược lắm. Thôi cháu ở với bà, lo cho ăn, dỗ ngủ giùm chú bé nầy. Bà nói trước, ban đêm nó hay cằn-nhằn lắm. Nhưng không sao có bà phụ với cháu. Ðể bà dắt mà chỉ công việc trong nhà cho cháu biết.
Thừa dịp Ðồ đương ngủ mê, bà Hương-bảo dắt Nên đi từ nhà trên xuống tới nhà dưới cho
Nên biết mỗi chỗ trong nhà. Bà chỉ cái giường lót gần cửa xuống nhà dưới, biểu Nên để gói đồ trên đó, định ban đêm Nên sẽ ngủ đó với Ðồ, đặng Ðồ có khóc thì đem xuống võng mà dỗ cho gần; bà ngủ trong buồng, còn Hai Thà với con Chỉ sẽ dời ngủ bộ ván dựa vách xông[2] phía bên kia. Bà chỉ khạp gạo, sóng chén, lu nước nấu ăn, chỉ chỗ để muối, chỗ để nước mắm, chỗ chứa củi, chỗ úp nồi trách, chỉ đủ hết.
Con Chỉ lóc-cóc chạy theo, cứ ngó Nên hoài, ngó và cười, coi bộ nó không thấy lạ mà ái-ngại.
Coi đủ mỗi chỗ trong nhà rồi, Nên đem gói áo xuống nhà dưới, mở lấy ra một cái áo cụt bằng vải trắng mà thay cái áo xuyến dài rồi lấy cây chổi lại quét bếp cho sạch-sẽ, không cần đợi bà Hương-bảo biểu. Quét bếp rồi, nó thấy nước lớn đầy, nó bưng hết nồi ơ ra để trên sàn nước ngồi cạo lọ ở ngoài, chùi lau ở trong. Nó úp nồi, ơ trên giàn bầu mà phơi, rồi lấy chổi lên quét nhà trên, làm liền liền không nghỉ, mà cũng không ngại ngùng chi hết.
Bà Hương-bảo ngồi tiếp vá áo và đưa em, nhưng bà thấy công việc của Nên làm đủ hết. Bà mừng và khen thầm, đoán chắc Nên không phải là gái hẫng-hờ biếng-nhác.
Thằng Thảo lùa râu ra lộ mà cho ăn cỏ. Nên đứng ngó theo ba con trâu. Con Chỉ theo đứng một bên, đỏ đẻ hỏi: “Chị ở đây hả?”. Nên cười và ngồi chồm-hổm ôm em Chỉ vào lòng mà nói: “Ừ, chị ở đây, ở chơi với em”. Con Chỉ cười.
Thằng Ðồ nằm trên võng óe khóc. Nên buông con Chỉ lật-đật chạy vô bồng Ðồ. Bà Hương-bảo nói: “Ðâu cháu em dỗ thử chút coi”.
Nên bồng úp sáp Ðồ vô ngực, đi qua đi lại, tay vỗ trôn thằng nhỏ. Ðồ không khóc nữa, day mặt nhìn Nên mà cười, rồi đưa tay rờ miệng, rờ mũi Nên, dường như đã quen lâu rồi. Nên cầm tay thằng nhỏ và hun và lỏi: “Em tôi giỏi lắm, em tôi không bao giờ khóc đâu. Có chị bồng thì em còn đòi chi nữa đâu mà khóc, phải hôn em?”.
Bà Hương-bảo ngó Nên mà cười.
Hai Thà đi thăm ruộng, chánh lúc ấy anh về tới. Chỉ thấy cha vô sân thì chạy ra mừng. Hai Thà cúi xuống bồng con đi vô. Nên ẳm Ðồ lại đứng gần chỗ bà Hương-bảo ngồi.
Thà thấy Nên bồng em thì hỏi mẹ:
- Ai đây má? Phải cháu bà Tư hay không?
- Ừ, cháu bà Tư, nó mới lên đó. Nó bồng em coi giỏi quá thấy hôn. Mà coi thằng Ðồ cũng chịu nó rồi. Có vậy mới bớt cực cho má một chút. Lúa trổ đều hay chưa con?
- Trổ đều hết, tốt lắm. Năm nay trúng hơn năm ngoái nữa.
- Cha chả, gặt rấp Tết đây cực chết.
- Không chừng mùng 10 tháng chạp thì gặt, có đâu tới Tết lận má. Trong năm mình gặt đồng rồi ra ngoài giêng mình gặt rẫy, năm nay khỏe ru, có mệt đâu.
- Nếu vậy thì ít cực. Nầy tối con giăng mùng ở bộ ván tựa xông trên kia mà ngủ với con Chỉ, để cái giường gần võng đây cho con Nên nó ngủ với thằng Ðồ, đặng em có khóc nó dỗ cho tiện.
- Ðược.
Thà để con Chỉ xuống đất, cởi áo máng dựa vách rồi đi ra sau xối nước mà tắm. Nên bồng em đi ra hàng ba, kêu con Chỉ đi theo nói chuyện chơi. Chừng nó thấy trời mát, nó mới trở vô, để em ngồi trên ván, dựa bên bà Hương bảo, mà nói: “Thưa bà, cho cháu gởi em một chút đặng cháu nhúm lửa nấu cơm chiều”.
Bà Hương-hảo vui-vẻ đáp: “Ừ, để nó ngồi chơi, đi vo gạo nấu cơm thử coi. Chiều nấu hai vùa[3] lùm-lùm[4] nghe hôn cháu”.
Nên đi xuống bếp, con chỉ cũng đi theo, dường như nó đã mến Nên, không chịu rời. Bà Hương-bảo nói nhỏ với Thà: “Con nhỏ nầy bộ giỏi lắm”.
Thà lặng thinh, bộ như không tin lời mẹ đoán trước. Anh bồng thằng Ðồ đem lại võng nằm nựng-nịu. Bà Hương-bảo đi xuống bếp, thấy nồi cơm đã đặt lên bếp rồi, còn Nên thì đương tắm rửa cho con Chỉ. Bà trở vô buồng lấy một cái áo với một cái quần sạch để Nên thay cho con Chỉ; bà chỉ cá mắm cho Nên biểu đặng chừng cơm cạn nó hâm lại, và bà đưa lọn rau muống biểu rửa rồi luộc đặng chắm mắm. Bà thấy Nên làm việc gì cũng gọn-gàng vén khéo, bà vừa ý lắm. Bà chắc trong năm mười bữa Nên thạo hết công-việc trong nhà rồi, thì nó bao soát cả nhà dưới nhà trên, bà khỏi thất công dòm ngó.
Cơm chín, rau luộc, cá mắm hâm xong rồi hết, Nên mới múc dọn một mâm. Bà Hương-bảo biểu bưng để trên bàn thờ đốt nhang cúng vợ Hai Thà một lát rồi sẽ bưng xuống cho bà ăn với Hai Thà và con Chỉ. Trong nhà ăn cơm thì Nên bồng nách thằng Ðồ và bưng chén cơm nó đã chan sẵn nước cá mà đi ra sân dỗ đút cho em nhỏ ăn.
Thằng Thảo lùa trâu về và đuổi vô chuồng đóng cổng lại. Con vịt xiêm dắt bầy con lên sân, lại có một bầy vịt tơ sà lối 15 con cũng đi theo sau, vịt lớn, vịt nhỏ kêu om-sòm. Bà Hương-bảo kêu thằng Thảo biểu xúc ít vùa lúa cho vịt ăn rồi lùa hết vô chuồng. Nên đứng coi Thảo làm và phụ với Thảo mà nhốt vịt.
Bà Hương-bảo ăn cơm rồi bà bồng em cho Nên ăn Cơm Với Thảo. Còn Thà thì xách nước tưới đám rau và tưới hàng ớt trồng phía sau nhà.
Mặt trời lặn thì Nên rửa chén rửa nồi, dọn dẹp trong bếp đã sạch-sẽ rồi hết. Mẹ con bà Hương-bảo lấy làm vui mà mướn đuợc một đứa bạn gái nhặm-lẹ, giỏi-giắn.
Ðêm ấy Nên dỗ Ðồ ngủ êm, đến khuya em nhỏ có chúng-chứng một chút, nhưng Nên đem xuống võng mà đưa, thì nó nín mà ngủ lại, khỏi nhọc lòng Thà với bà Hương-bảo.
*
* *
Thiệt quả Nên vào ở chưa được 10 ngày thì nó bao làm hết các công-việc trong nhà. Khuya nó dậy sớm nấu nước và nấu cháo. Nước để chế trà cho bà Hương-bảo uống còn cháo đề cbo Ðồ thức dậy có sẵn cho nó ăn. Tảng sáng vịt kêu thì nó lật-đật mở chuồng thả vịt đi ăn, rồi xách chổi quét nhà. Nó lại kêu mà thúc thằng Thảo hốt dọn chuồng trâu, quét sân cho sạch-sẽ, rồi cỡi trâu đi ăn.
Hai Thà thấy gạo gần hết thì xúc lúa đổ phơi đặng xay ăn. Nên phụ xay với Thảo, không để cho chủ làrn. Nên ngồi sàng gạo, bà Hương-bảo không cho; mà nó đứng giã gạo chày đôi với Thảo, thì hơi nó cũng dài hơn Thảo, mặc dầu Thảo mới 17 tuổi. Sức trai đương đầy-đủ.
Bây giờ Hai Thà rảnh-rang, bữa nào cũng đi thăm ruộng, bữa đi buổi mai bữa đi buổi chiều. Bà Hương-bảo cũng đi chơi lối xóm được mà tới nhà nào bà cũng khoe Nên giỏi-giắn, siêng-năng.
Một bữa Nên nghe bà Hương-bảo than không ai mua vịt đặng bà bán bớt ít con vịt tơ lấy tiền mua trầu cau ăn. Nên bèn xin bả cho nó đem xuống chợ mà bán có lẽ được giá cao hơn. Bà Hương-bảo chịu. Ðến khuya, Thà lựa bắt 5 con vịt tơ cột cẳng chắc-chắn mà giao cho Nên.
Nên đặt om cháo lên bếp, soạn thúng gióng đặng gánh vịt, rồi mới gỡ đầu và thay áo dài. Thà dặn mua thuốc giấy; bà Hương-bảo dặn mua trầu cau, thịt cá, dầu lửa, nước mắm. Thà có tánh kỹ-lưỡng sợ bán vịt không được nên đưa hờ 2 đồng bạc cho Nên.
Trời rạng đông, Nên nghe có tiếng mấy chị hàng gánh đi chợ, họ nói chuyện ngoài đường, Nên mới ôm hun thằng Ðồ rồi gánh vịt đi theo người ta cho có bạn.
Buổi sớm mơi ấy, Nên vắng mặt, thì trong nhà công chuyện đã có mòi bê bối; Thà mắc xách nước đổ vô lu đặng rửa-ráy thì không ai thả vịt đi, vịt kêu cạp-cạp om sòm. Bà Hương-bảo mắc coi em thì không ai mở cửa quét nhà, để mặt trời mọc mà nhà còn bi-bít.
Bữa nay cơm sớm mơi cũng trễ, mặc dầu Thà phải vo gạo và bà Hương-bảo phải bồng thằng Ðồ vô bếp mà chụm lửa.
Chợ Gò-Công cách xa nhà tới 6 ngàn thước, thế mà trống ngoài nhà việc[5] làng chưa đánh tan học thì Nên đã về tời nhà, trước mấy chị hàng gánh hết thảy.
Bà Hương-bảo đương ngồi ăn cơm với Thà và Chỉ, có để Ðồ ngồi chơi một bên, bà thấy Nên gánh gánh vô sân thì bà cười và nói: “Con nhỏ đi chợ về sớm dữ, giỏi thiệt. Bán vịt được hông?”
- Thưa, được.
- Bán mấy cắc?
- Bốn cắc.
- Khá quá há! Vậy mà trên mình họ cứ trả hai cắc rưỡi, ba cắc hoài. Từ rày sắp lên cứ đem xuống chợ mà bán, đừng thèm bán tại nhà nữa.
Thà nói: “Còn một chục vịt tơ đó để cho nó đẻ chớ bán chi nữa”. Bà Hường-bảo đáp: “Nói chuyện mà nghe, chớ bán chi nữa. Có bán là đợi bầy vịt nhỏ nó lớn rồi sẽ bán chớ”.
Nên bưng hai cái thúng để trên ván, lật-đật đi thay áo, rồi xớt bồng thằng Ðồ mà hun, để cho bà Hương-bảo ăn cơm thong-thả. Nên nói với con Chỉ: “Chị có mua bánh bò bánh cam cho em Chỉ đây ern. Em ăn cơm rồi ăn bánh”. Nên và nói và bồng em đi lấy một cái dĩa mà sắp 3 bánh cam với 3 bánh bò rồi bưng lại để trước mâm cơm.
Thà ăn cơm vừa rồi, liền lấy một cái bánh cam ăn tráng miệng.
Nên lại đem đưa cho bà Hương-bảo một hộp sữa bò và nói: “Thưa bà cháu làm bướng mua một hộp sữa bò để cho em Ðồ uống thử”.
Bà Hương-bảo cầm hộp sữa mà coi rồi hỏi:
- Làm sao mà cho uống?
- Thưa, khuấy với nước sôi, rồi nó đục-đục cũng như sữa mình vậy. Ðể trưa rồi cháu khuấy cho em uống.
- Bao nhiêu một hộp vậy?
- Thưa, tới hai cắc tư, mắc quá.
- Ừ, rnắc dữ há! Gần bằng giá con vịt.
Thà nói: “Thây kệ nó, như Ðồ chịu uống thì mua cho nó uống. Uống năm bảy bữa chớ phải uống một lần mà hết một hộp hay sao. Bị dứt sữa sớm nên nó ốm, để uống thử coi.”
Thà uống nước rồi bồng Ðồ cho Nên rảnh tay mà sắp đồ mua ra. Thịt cá, trầu cau, giấy thuốc, dầu lửa, nưởc mắm. Các món dặn đều có mua đủ hết. Nên trả 2 đồng bạc lại cho Thà, lại đưa thêm một cắc hai chiêm, nói đó là tiền bán vịt, mua đồ rồi còn dư. Thà trao hết tiền ấy cho mẹ cất để mua cá tôm mỗi bữa.
Ðến trưa, Nên dỗ Ðồ ngủ rồi quét dọn trong nhà. Chừng em thức dậy, Nên khui hộp sũa, múc một muỗng đầy, chế nước sôi khuấy ra nửa chén, đợi ấm-ấm rồi cho Ðồ uống. Ðồ uống sữa coi bộ biết ngon, nên lai tay bấu cái chén, miệng chăm ực riết. Mẹ con bà Hương-bảo thấy vậy thì động lòng. Thà hứa sẽ mua sữa để cho con uống mỗi ngày ba lần: sớm mơi, trưa và tối.
Qua tháng Chạp, lúa đồng đã chín. Thà tối ngày mắc đi coi gặt, chiều phải coi gánh lúa bó đem về sân đặng chất cà-lang[6]. Ðương lúc lăng-xăng công-việc như vậy, bà Hương-bảo lại đau, bà nóng nằm mê man, mà Thà không thể bỏ ruộng để ở nhà săn-sóc mẹ được. May có Nên thế cho Thà, Nên lo thuốc men, cơm cháo, luôn luôn ở một bên bà Hương-bảo, lau mồ hôi, đỡ đi tiêu, bưng thuốc uống, thay áo quần, cực cũng vui, dơ không gớm, hết lòng săn-sóc bà cũng như một đứa con gái của bà. Sự tận-tụy của Nên làm cho bà Hương-bảo cảm-động hết sức, lòng bà thương Nên lại càng tăng thêm, bà thương như thương con ruột của bà, bởi vậy từ ấy về sau bà nói chuyện với Nên nhiều khi bà kêu “con”, ít khi kêu "cháu”.
Lúa bó đem về sân xong rồi thì gần tới Tết. Lúa rẫy cũng đã chạy lá gai[7], có trễ lắm là mùng 3 Tết phải bắt tay gặt. Thà tính để gặt lúa rẫy rồi sẽ đạp một lượt, trong nhà có trâu sẵn, nên không lo gì lại không túng tiền ăn Tết, nên không cần phải có lúa hột gấp.
Một đêm, lúc nửa canh tư. Ðồ thức dậy khóc. Nên cứ để trong mùng mà dỗ, vi trời lạnh, sợ đem em xuống võng mà đưa thì sợ lạnh em. Ðồ càng khóc lớn, lại khóc ngất. Bây giờ Nên phải bồng xuống võng đưa hát. Ðồ lại khóc lớn nữa. Nên dỗ hết sức mà em không nín. Thà quẹt hột quẹt đốt đèn bưng lại và nói với Nên: “Không biết chừng, sợ em đau bụng đa. Ðưa nó đây coi”
Thà để đèn trên ván rồi đưa tay bồng Ðồ. Nảy giờ Ðồ khóc và chòi đạp làm sứt nút áo của Nên mà Nên không hay.
Bây giờ Nên đứng dậy đưa Ðồ cho Thà bồng, có đèn tỏ rõ, Nên thấy sút nút áo thì mắc-cỡ, lật đật đưa cánh tay mà che rồi đi vô buồng và đi và nói: “Tôi có dầu măn[8], để tôi lấy tôi thoa rún cho em. Như thiệt em đau bụng, hễ thoa dầu măn chắc hết”.
Nên gài nút áo rồi mở gói lấy ve dầu mặn đem ra chấm thoa rún cho Ðồ. Em nhỏ cũng cứ khóc. Nên mới mồi đèn đi xuống bếp, nói để nhúm lửa đặng hơ bụng em. Lửa chưa cháy thì Ðồ đã thôi khóc. Nên trở lên nhà trên. Ðồ thấy Nên thì cười, lại đưa tay đòi Nên bồng. Vì cái nút áo sút hồi nãy mà Nên không dám ngó Thà, đưa tay bồng em, sắc mặt sượng-sùng hổ-thẹn.
Hoặc không thông tâm lý học, hoặc không lưu ý đến sắc-dục, Thà vẫn bình-tĩnh như thuờng trả Ðồ lại cho Nên và nói: “Chắc nó đau bụng nhờ dầu mặn nên hết chớ gì. Dầu đó thiệt hay. Bữa nào có đi chợ, mua một ve mới, để dành trong nhà”.
Trong xóm ai cũng lo ăn Tết.
Nên xin lãnh 10 đồng bạc, rồi bữa 25 bà Hương-bảo sai nó đi chợ mua cải, mua giá, đặng làm dưa. Nó nhơn-dịp ấy mới mua, đặng Tết đem về cho bà Ngoại nó, một quần lãnh và một áo vân, còn phần nó thì áo quần còn mới, nó không cần sắm sữa, chỉ mua một cái khăn lụa mà thôi, bà Hương-bảo trong mình không được khỏe, nên bà không đi chợ Tết được. Năm nay Hai Thà phải đi, đi đặng mua Cam, quít, dưa, chuối, chớ cá thì đã mua của họ tát đìa rồi. Còn thịt thì chia với bà con họ làm hàng heo trong xóm. Khuya 29, Hai Thà đi chợ, dắt Nên theo đặng gánh đồ, vì thuở ấy ít xe nên không thể mướn xe chở đồ như bây giờ vậy được. Thà nghĩ Nên ở được vài tháng rồi, luôn luôn tận-tụy với con mình, với mẹ mình, với nhà mình, đến ngày Tết mình phải thưởng chút đỉnh cho Nên vui lòng, bởi vậy xuống chợ Thà đưa cho Nên một đồng bạc, biểu muốn mua đồ gì để dùng riêng thì mua. Nên mua 2 thước vải bông với một hộp sữa thì tiêu đồng bạc.
Chừng về nhà, Nên đem vải ra tính cắt may cho con Chỉ và thằng Ðồ mỗi đứa một cái áo. Thà không cho, nói rằng đồng bạc đưa đó là cho Nên, chớ khòng phải bạc để mua đồ cho sắp nhỏ. Bà Hương-bảo cũng đồng ý với con mà cản. Túng thế Nên phải cắt may một cái áo vắn cho mình, nhưng vải còn dư, Nên cũng nối may được cho Ðồ một cái áo.
Ăn Tết ba bữa, qua mùng 4 thì Thà cho gặt đất rẫy. Ðến mùng 10 thì lúa đã chở hết về sân, chất riêng một cà-lang không cho lộn với lúa đồng. Bây giờ Thà lo dọn sân đặng thừa con trăng rầm tháng giêng mà đạp lúa như người ta, đạp lúa đồng trước rồi đạp lúa rẫy sau.
Ðạp lúa là một dịp vui của con nhà làm ruộng. Năm nay lúa trúng, Thà rất vừa lòng, nên kêu ghe vườn mua một bó mía để đãi anh em trong xóm đến giúp chất bã bắt bó, và ra rơm. Bà Hương-bảo cũng noi theo lệ cũ, bà gói bánh tét bánh chưng thiệt nhiều. Nên đều có phụ tiếp mỗi việc, từ sân, gói bánh, việc nào Nên cũng thạo hết.
Ngày rầm, vừa mới xế qua, thì sáu bảy đàn ông, con trai trong xóm, đều là người có gặt trong ruộng của Thà, tựu lại nhà Thà, rồi hai người leo lên cây cà-lang lúa đồng nắm từ bó lúa mà quăng xuống sân. Mấy người đứng dưới xách đem vô giữa sân chất dựng bề hột lên trên, chất một lớp, bắt trong chất vòng ra ngoài, chất thành một đống tròn. Công việc nầy nhà nông kêu là “chất bã”.
Trời mát, bã chất xong, Thà biểu Thảo dắt cặp trâu lớn ra sân, anh em lối xóm người phụ bịt mồm, người phụ cột niệt, rồi bổn thân Thà cầm roi và nắm dây rún cho trâu lên bã lúa, đi được năm sáu vòng mới giao lại cho Thảo. Bà con lối xóm rải-rác rút về ăn cơm đợi tối sẽ trở lại mà bắt bó.
Bây giờ cả nhà đều lo bữa cơm chiều bỏ Thảo một mình ngoài sân đánh trâu đạp lúa. Nó hát ra-rít mà giải buồn, câu hát nhiều khi có chen tiếng “ví” hoặc tiếng “thá”.
Nên ăn cơm trước rồi ra thay đánh trâu cho Thảo vô ăn cơm. Trăng mọc sáng lòa, gió thổi mát mẻ. Thà đem hai con ra sân trải đệm ngồi chơi. Thà thấy Nên đánh trâu đạp lúa cũng rành thì thầm khen Nên biết đủ nghề hết.
Thảo ăn cơm rồi trở ra sân, Nên mới giao trâu lại cho Thảo mà đi dọn-dẹp nhà bếp, rồi bồng Ðồ vô dỗ ngủ.
Trăng lên nửa buổi, bà con lối xóm lần-lượt trở lại ngồi chung-quanh bã lúa hút thuốc nói chuyện chơi.
Con Chỉ buồn ngủ nên vô ngủ trước. Mà bà Hương-bảo bây giờ lại ra sân, ra nói chuyên chơi với bà con trong xóm. Nên dỗ Ðồ ngủ rồi nên cũng ra chơi. Thà biểu Nên vô lấy vài cây mía với con dao đặng anh em chặt chia nhau mỗi người một khúc ăn cho vui.
Trăng trong gió mát người thơ-thới, trí hiệp-hòa, sự sống ở thôn-quê thiệt là yên-vui đầm ấm. Giữa cuộc nói cười vui-vẻ. Thà bước vô bã lúa rút ít cọng lúa mà coi, rồi nói vừa bắt bó và biểu Thảo đem trâu ra nghỉ.
Các anh em trong xóm đều đứng dậy lấy mỗi người một cây mỏ xải và bao chung quanh bã lúa mà xốc lên. Làm cho rã các bó lúa ra và trải đều lại trên bã lúa, việc ấy kêu là “bắt bó”.
Thà cũng cầm mỏ xải bắt bó với người la. Nên thấy còn dư một cây mỏ xải, nó cũng xách ra mà làm việc, vì tánh siêng-năng không thể để nó ngồi yên mà coi người ta làm. Nó đứng gần Hoài, một người trai chưa vợ ở dưới cuối xóm, còn bên kia là chú Ðiển, một người sồn-sồn có râu le-the. Hoài thấy Nên bắt bó lanh-lẹ thì nói: “Chà, mợ nầy bắt bó cũng gọn-gàng dữ hả”. Nên hỏi: “Tại sao anh kêu tôi bằng mợ?” Hoài cười ngất rồi hỏi lại: “Nếu không muốn kêu bằng mợ thì kêu bằng thím hai được hôn?” Nên hiểu Hoài muốn cáp-đôi mình với chủ nhà, thì giận nên nói:
- Anh đừng có nói bậy.
- Tôi nói trúng ngay, trúng chảnh, chớ có bậy đâu.
- Tôi mét với cậu hai cho anh coi.
- Thôi mà. Mét làm chi? Tôi biết mợ thân mà.
Chú Ðiển kêu Hoài mà rầy: “Hoài, mầy đừng nói chơi như vậy. Nói bậy mích lòng đa mậy”. Hoài cười, chớ không nói nữa, nhưng cái cười với cái nín đó làm cho Nên càng khó chịu hơn là cãi lẽ hoặc gây-gỗ.
Bắt bó rồi, Thảo đem trâu lên đạp tiếp. Bà Hương-bảo mời hết anh em vô nhà ăn bánh tét,
bánh chưng, bà hứa đêm sau bà sẽ cho ăn xôi đậu. Ăn uống no rồi kế nằm nghỉ, người ngồi nói chuyện. Quá nửa đêm Thà coi lúa đạp đã chín mới kêu anh em xúm lại «ra rơm » rồi ai về nhà nầy mà ngủ.
Sáng bữa sau, Thà kiểu lúa. Bà Hương-bảo với Nên bịt khăn trùm mà quét kiểu. Ðến xế anh em trong xóm lại chất bã thứ nhì mà đạp nữa. Lúa đồng đạp tới 3 bã mới dứt. Xúc giê, đổ vô vựa rồi mới đạp lới lúa rẫy, cũng đạp ba bã mới rồi. Thà đong lúa ruộng rồi còn dư được l.200 giạ, hơn lăm ngoái gần 200 giạ.