Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ
Câu thành ngữ có ý muốn nói đến việc lợi dụng người ta gặp điều không hay hoặc khó khăn, hoạn nạn để lấn lướt, áp đảo.
Chuyện kể:
Hàng giậu không biết có từ bao giờ, cứ sừng sững đứng bao lấy khu vườn. Nó hãnh diện ca ngợi đôi tay khéo léo của người vì đã cắm chặt nó xuống đất, lại lấy lạt buộc chúng vào với nhau nên tin rằng chẳng bao giờ bị đổ.
Cạnh giậu có cây bìm bìm mấy lần cố ngóc cái đầu để rồi bám vào bờ giậu, hòng dựa vào đó mà leo cao một chút mong hưởng chút ít ánh nắng trời. Nhưng mỗi lần như thế, hàng giậu lại tỏ ra bực bội, không muốn cho bìm bìm phủ kín cả hàng giậu nhà mình. Vì vậy nó mách người, nó bảo:
- Bìm bìm nó sắp lấn át hàng giậu của chúng tôi. Nếu chúng tôi đổ thì chó gà vào phá hết rau.
Người nghe nó nói thế cho là phải mới phạt bìm bìm không leo lên hàng giậu nữa. Nhiều lần như thế, bìm bìm tức lắm.
Rồi thời vụ cũng qua đi, người ta thu hoạch hết rau trong vườn, không còn ngó ngàng gì đến hàng giậu. Hàng giậu đứng đấy chịu nắng khô nỏ, giờ lại bị nước mưa làm mục hết chân. Một đêm, mưa to gió lớn đùng đùng, hàng giậu bỗng xiêu vẹo. Nó nghiêng ngả xuống gần cây bìm bìm. Vụ khô hanh qua đi, giờ được nước, bìm bìm phởn phơ hẳn lên, nó thấy hàng giậu nghiêng xuống mới bám vào. Lúc đầu còn một vài dây, sau thì mấy dây khác cũng hùa nhau bám vào, làm cái giậu bị nặng quá nghiêng hẳn xuống. Cả họ nhà bìm bìm lúc đấy được đà mới nói với hàng giậu:
- Xưa giậu hắt hủi họ bìm bìm nhà ta, lúc ta cần thì chẳng cho nương tựa, giờ giậu nhà ngươi đổ kêu người nào có thấy ai. Không là hàng giậu ngăn chó, ngăn gà thì cứ để họ nhà ta leo lên, dẫu sao cũng còn có ích.
Cái sự tự nhiên là loại cây dây leo bao giờ cũng cần nương tựa vào tường, giậu hay cây khác để vươn ra ánh sáng để mà tồn tại. Cây bìm bìm là loại cây dây leo, sống dai và sức vươn mạnh mẽ. Cũng từ đặc tính này mà có câu chuyện trên, từ đó người ta liên tưởng vào cuộc sống, ám chỉ khi ai đó gặp khó khăn, hoạn nạn thì kẻ khác lợi dụng, lấn át nhằm hại thêm hoặc kiếm chác một chút gì đó. Quả thật là cuộc đời phù thịnh, ít phù suy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn