Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ
Câu thành ngữ ý nói may mắn gặp được nơi sung sướng, đầy đủ một cách tình cờ, ngẫu nhiên, ví như chuột lọt được vào chĩnh đựng gạo, tha hồ mà ăn không phải khổ công tìm kiếm hàng ngày.
Chuyện kể:
Đời xưa, chuột vốn là giống linh thiêng ở trời, trời giao cho chìa khóa giữ kho lúa. Lợi dụng quyền hành, chuột thường đến kho, mở khóa rả rích ăn bao nhiêu là thóc, trấu còn lại vương khắp kho.
Trời biết, lấy làm giận, bèn đuổi chuột xuống hạ giới. Nó khấn trời từ nay không dám ăn thóc nữa. Trời cứ tưởng nó ngứa răng, hạt thóc lại có trấu, nó mới cắn, còn cái khác thì nó không ăn, nên thương tình cho nó giữ chĩnh gạo của trần gian. Khi được giao việc, chuột sướng quá, vắt chân chữ ngũ giữa chĩnh gạo mà rung đùi. Cái thói ăn tham một mình không đành, nó còn rủ cả đàn, cả lũ đến ăn vô kể. Vì gạo không có trấu, nên chúng ăn không để lại dấu tích, lúc đầu người không phát hiện ra, chỉ khi cạn kiệt dần mới biết. Người tức giận tâu lên vua Bếp. Vua Bếp bắt chuột lên trả trời và tâu rằng:
- Từ khi Ngọc Hoàng cử thằng chuột đến canh chĩnh gạo cho người, dân ngày càng đói kém đi, bếp nổi lửa ít. Tại thằng chuột này cả. Nó ăn vụng gạo dữ lắm, cứ đà này thì dân chết đói hết.
Chuột cãi:
- Trước đây bảo tôi ăn vụng thóc, tôi chịu vì có trấu làm dấu tích. Giờ bảo tôi ăn vụng gạo, lấy bằng chứng đâu?
Vua Bếp và trời không có bằng chứng bỏ tù nên đành thả nó về trần gian, nhưng cho con mèo xuống để canh gác. Từ bấy, nó cũng không được giữ chìa khóa chĩnh gạo nữa và lại sợ mèo, nên nó không được ăn gạo thỏa thuê như trước đây mà chỉ rình khi vắng người, vắng mèo, ra ăn trộm vài ba hạt thóc lúa, ngô, khoai mà thôi.
Tuy vậy nó vẫn chờ dịp để lại được giao giữ chìa khóa chĩnh gạo của người.(1)
Chuột sa chĩnh gạo ở đây là nói người. Chuyện chuột sa chĩnh gạo đâu mà chẳng có. Nhưng điều may đến với một số người dốt nát, lười biếng do dựng nhau lên, do xếp đặt, cứ ngồi đó mà hưởng lộc, sống chết mặc bay, dân tình đói kém thì khác chi loài chuột bọ gặm nhấm.