Chị Đào, Chị Lý
Chủ tiệm Thái Hòa đóng và bán tủ giường bàn ghế ở dựa đường Đất Hộ vô Bà Chiểu, nhờ tay thợ khéo, lại đóng thứ gì cũng đóng theo kiểu tối tân, coi đẹp mà giá rẻ, mà nói cho đúng, thiệt cũng nhờ ông bà chủ đều vui vẻ, bặt thiệp, mềm mỏng biết chiù chuộng mối hàng, bởi vậy mấy năm sau đây tiệm Thái Hòa nổi danh, rồi bực giàu sang ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Phú Nhuận, Hòa Hưng, ai muốn dọn nhà cho rực rỡ, theo điệu kim thời, thì cũng tìm vô tiệm nầy lựa đồ mà mua, hoặc muốn kiểu nào hạp với ý mình thì đặt cho tiệm đóng. Tối ngày khách hàng vô ra không ngớt. Bà chủ phải giúp với ông chủ mà tiếp khách, bởi vậy cả vợ chồng đều phải mặc y phục đàng hoàng cho ra mặt chủ nhơn của cuộc công thương lớn, chớ không phải bận đồ mát xập xệ như hồi trước nữa.
Trót mấy năm thời cuộc lộn xộn, binh đội Nhựt choáng hết mấy trường trung học lớn ngoài Sài Gòn, rồi kế binh đội Pháp tiến chiếm lại nữa. Vợ chồng Thái không muốn để sự học hỏi của con phải gián đoạn nên đem cho học đỡ tại trường tư thục ngoài Tân Định, lúc nào êm thì đi học, bữa nào lộn xộn thì ở nhà.
Đến nửa năm 1946 trường trung học Trương Vĩnh Ký với trường nữ học Gia Long mới mở dạy lại.
Thái liền xin cho Đào với Lý vào trường Gia Long học lớp ba đặng năm sau dự thi bằng trung học đệ nhứt cấp. Còn Tòng 13 tuổi có bằng tiểu học rồi thì xin vào trường Trương Vĩnh Ký học tiếp.
Đã hơn hai năm rồi thấy con đi học mà đi xe kéo thường về trễ và đi sớm mệt nhọc, nên ông bà chủ tiệm Thái Hòa đã có mua một chiếc xe hơi 4 chỗ ngồi để đưa rước con cho mau.
Năm nay Đào với Lý lên lớp cao, bài vở nhiều về nhà phải làm bài, học bài, hai chị em học giỏi thường xuyên được thầy khen, nên ráng sức mà giữ cho được ưu hạng trong lớp hoài không chịu để cho chị em bạn qua mặt.
Cha mẹ thấy con gắng sức cần học thì vui lòng.
Ông nghĩ con học lớp cao cần có chỗ thanh tịnh an ổn mà học mới tiện, chớ ở tiệm buôn bán rần rộ quá không thể khỏe trí định thần được. Lại bây giờ cả ba con đều học ngoài Sài Gòn hết nên cần phải có một cái nhà để ba con ở mà học cho yên và cho gần trường. Bà chủ để ý về việc đó đã lâu, nghe ông tính mua nhà ngoài Sài Gòn thì bà đốc thêm vô nữa. May mà lúc ấy người ta rao bán một tòa nhà trệt theo kiểu biệt thự có đất, có đèn nước, có nhà xe lại đường Testard bây giờ gọi là đường Trần Qúy Cáp, gần ngã tư đường Flandin bây giờ gọi là đường Bà Huyện Thanh Quan.
Một buổi chiều vắng khách ông bà chủ tiệm Thái Hòa lên xe đi rước con rồi nhơn dịp ấy về ghé xem cái nhà rao bán đó. Nhà tuy cũ song còn chắc, nếu sửa chút đỉnh thì ở được. Đất thì rộng, trước có sân lớn, hai bên với phía sau có sẵn cây cao che tàn mát mẻ. Chung quanh miếng đất lại có xây tường làm rào phân biệt, nên cuộc ở có vẻ êm ấm, khỏi chung chạ với ai hết.
Xem rồi ông bà chủ với ba con đều ưng ý lắm. Nhưng ông chủ dục dặc, ông chê kiểu nhà xưa mà định giá tới 150 ngàn thì mắc quá. Thiệt hồi đó mà bán giá như vậy thì mắc. Bà chủ muốn quá, mà mấy con cũng đốc mua, bà nói được miếng đất lớn dầu mắc chút đỉnh, sau còn có chỗ cất thêm hoặc muốn bán lại cũng không lỗ mà sợ.
Vì vợ con đều muốn mua, ông chủ phải chiù lòng. Ông tiếp xúc với người bán, hai đàng thương thuyết hơn một tuần lễ. Chủ nhà dứt giá chót là 125 ngàn không thể bớt được nữa.
Ông chủ tiệm Thái Hòa nghĩ giá đó thì vừa nên chịu mua. Hai đàng dắt nhau đến phòng Chưởng khế, giao bằng khoán cậy lập giấy tờ mua bán. Ký tên xong rồi chủ mua chồng đủ số bạc chủ bán dọn đồ đạc chở đi.
Ông chủ tiệm kêu thợ hồ mướn dậm sửa mấy chỗ hư và sơn phết trong ngoài cho sạch sẽ. Ông cũng mướn vài công nhơn phát cỏ, xây bồn bông giữa sân, trồng thêm cây trái theo mấy khoảng đất trống. Còn đồ đạc để dọn trong nhà mới thì ông biên theo thước tấc, định kiểu vở cho thợ trong trại Thái Hòa đóng toàn đồ mới hết, lại đóng bằng danh mộc, vì đồ cũ dùng thuở nay cây không tốt mà kiểu cũng lỗi thời nên ông tính để luôn trong tiệm coi có ai muốn thì bán lại cho người ta dùng. Nhà của chủ tiệm Thái Hòa thì phải dọn bàn giường ghế theo kiểu tối tân để quảng cáo mà kiếm khách hàng thêm nữa. Ông cũng mướn thợ chạm khắc một tấm bảng đồng để gắn trụ cửa rào, đề chữ “Biệt thự Thái Hòa“ cho người quen dễ kiếm nhà.
Từ đó mỗi buổi sớm mơi xe đưa ba trẻ đi học thì bà chủ đi theo. Bà ghé nhà mới trước đặng thăm chừng công cuộc sửa nhà và dọn vườn. Xe đưa trẻ em vô trường rồi trở lại, có bữa bà về liền, có bữa bà chờ sắp nhỏ học mãn giờ rồi bà rước luôn về. Buổi chiều thường ít khách, ông để bà thế coi tiệm cho ông đi. Vợ chồng thay phiên với nhau ân cần coi cho người ta dọn dẹp sửa soạn gần một tháng mọi việc mới xong xuôi hết, bàn đóng cũng đủ rồi.
Bà mướn thêm một chị bếp nữa đặng chị nấu ăn cho nhà ngoài Sài Gòn, để cô Thành quét dọn trong nhà và săn sóc 3 đứa nhỏ. Còn ông đã có cậy một ông giáo viên hưu trí tên Hiệp, góa vợ, con đã có gia thất hết, phụ giúp công việc trong tiệm cho ông. Ông giáo coi biên chép sổ sách. Lúc nào chủ tiệm vắng mặt thì ông thay thế bán đồ và thâu tiền. Đêm nào ông chủ có về Sài Gòn thì ông giáo coi tiệm. Ông giáo lớn tuổi, giúp việc mấy tháng nay, ông bà chủ tiệm thấy người ôn hòa, chín chắn, kỹ lưỡng, đàng hoàng đáng tín nhiệm, nên không nghi ngại chi hết cũng như tín nhiệm ông thợ Hai ở dưới trại cây.
Vợ chồng ông chủ tiệm lại lăng ông Thượng vái lại xin xăm đặng yêu cầu Ông chỉ ngày lành tháng tốt mà dọn về nhà mới. Xâm cho biết ngày hạp rồi ông bà mới đặt quay một con heo cho ông cúng đất đai. Cúng xong rồi chở heo quay bánh hỏi đem về tiệm đãi hết thầy thợ ăn nhậu một bữa.
Ông dạy chở bàn ghế tủ giường đem hết ra, ông đứng sắp đặt chỉ chỗ cho người ta để. Bà với cô Thành thì tom góp áo quần mùng mền cùng đồ lặt vặt cần dùng hàng ngày mà chở đi, bà không quên cái rương của cô Lý hồi trước, bà chở riêng một xe với bà cùng tiền bạc và đồ nữ trang. Chị bếp mới thì chở dĩa chén chảo soong một mớ ra đó rồi coi thiếu thứ gì sẽ mua thêm, vì phải để lại trong tiệm đủ đồ cho chị bếp cũ nấu nướng cho ông chủ, ông giáo cùng mấy người gia dịch ăn, có lẽ chúa nhựt bà chủ với mấy cô cậu vô chơi rồi ở ăn cơm nữa.
Bữa đầu vợ chồng chủ tiệm Thái Hòa phải ở ăn cơm rồi tối phải ngủ nhà mới với ba con; vợ chồng con cái đều vui mừng phỉ chí. Nhưng bữa sau ông chủ dậy sớm, ông biểu sốp phơ đưa ông vô tiệm rồi trở về sẽ đưa mấy em đi học.
Bà chủ kêu chị bếp đưa tiền cho chị đi chợ rồi bà thay đồ đợi xe đưa mấy em đi học rồi trở về bà mới lên xe vô tiệm nữa, dặn cô Thành ở nhà coi nhà. Chừng gần tan học bà rủ ông về ăn cơm. Ông nói để ông ở trong tiệm ăn cơm với ông giáo và ông thợ Hai cho vui. Ông biểu bà lo nuôi ba con ăn học, để ông lo cuộc công nghệ.
Từ đó về sau bà về thăm tiệm thường, còn ông thì năm ba bữa ông mới ra thăm vợ con một lần, mà có ra thường ra ban đêm ở nói chuyện chơi, chừng ngủ thì ông về ngủ chớ không bỏ tiệm. Cứ mỗi buổi chiều chúa nhựt ông mới về đặng chở vợ con đi chơi, rồi ở ăn cơm và ngủ ngoài Sài Gòn mà thôi.
Mấy cô cậu hiểu ý cha như vậy thì sớm mơi chúa nhựt nào cũng vô tiệm thăm cha rồi rước cha về nhà đặng ăn cơm cho vui.
Một bữa đương ngồi ăn cơm với vợ con ông chủ khen cái nhà lầu của ai ở một bên đây đẹp và lớn quá, lại cất trên một miếng đất rộng bằng hai đất bên nầy. Ông hỏi biết nhà của ai hay không?
Bà chủ nói: “Ở mấy tuần nay em ra vô thì thấy cửa ngõ bên đó đóng hoài. Không thấy chủ nhà đi đâu, mà cũng không thấy khách nào tới. Em không hiểu nhà của ai mà ngày đêm im lìm. Ban ngày mở cửa ban đêm đốt đèn mà không thấy dạng ai hết“.
Cậu Tòng nói: “Có một anh lớn tuổi hơn con, học một trường với con, song học trên con tới 3 lớp. Ảnh mặc áo có gắn một một miếng nỉ đen trên ngực, chắc ảnh có tang chế. Ảnh đi học ảnh cỡi chiếc xe máy. Có bữa con thấy ảnh ở trong nhà đó mở cửa ra đi học. Vì học khác lớp con không quen nên không biết ảnh tên gì“.
Cô Thành đứng coi ăn, cô tiếp nói: “Bên nhà lầu đó có bồi có bếp đủ hết. Bồi bếp cũng hay mở cửa rào đi chợ hoặc đi mua đồ. Em thấy trong ga ra có để một chiếc xe hơi nhưng hổm nay em chưa thấy xe đi đâu. Mới vài bữa trước đây mấy cô đi học, bà đi vô tiệm, em ở nhà ra ngoài cửa đứng chơi. Tình cờ bên nhà lầu đó có một chị đàn bà chắc là chị bếp nấu ăn, hoặc ở dọn phòng – chỉ mở cửa ngõ đi ra. Chừng đi ngang qua cửa nhà của mình chỉ đứng lại mà hỏi ai mua nhà dọn về đây. Em nói ông bà chủ tiệm Thái Hòa trong Bà Chiểu. Rồi em cũng hỏi lại cho biết coi nhà lầu đó là nhà của ai. Chỉ nói nhà của quan lớn hồi trước mà không nói tên. Chỉ nói quan lớn mất gần một năm rồi, bây giờ bà lớn ở với cậu con trai còn đi học. Chỉ nói có mấy lời rồi chỉ đi. Em không hiểu ông lớn bà lớn nào đó. Mà thiệt hồi sớm mơi nầy tình cờ em thấy trên lầu có một bà bận áo đen đứng dựa cửa sổ mà ngó xuống vườn. Chắc bà lớn đó. Để thủng thẳng có dịp em sẽ hỏi coi bà lớn nào đó“.
Bà chủ nói: “Ừ, nếu có gặp chị đó nữa thì hỏi thử coi. Hỏi cho biết đặng tôi qua thăm mà làm quen. Ở khít một bên nhau mà không quen coi cũng kỳ lại mình là nhà công thương phải rộng giao thiệp đặng kiếm mối hàng“.
Ông chủ nói: “Phải gặp người ta ở ngoài đường hay là chỗ nào đó em làm quen trước rồi sẽ qua thăm sau, chớ chưa biết mặt, chưa biết tên mà em đến thăm ngang, ví như người ta không chịu tiếp, thì hổ thẹn cho em quá, thăm như vậy sao được. Em phải dè dặt. Mấy bà lớn không phải dễ đâu“.
Bà chủ nói: ”Vậy chớ sao. Em dọ coi nếu người vui vẻ tử tế, ưa tiếp khách, thì em mới thăm, còn nếu người kiêu hãnh thì em tới làm chi, họ giàu sang mặc họ“.