Chị Đào, Chị Lý

Cũng như chiếc thuyền đi nước xuôi gió thuận, vợ chồng Thái với Hòa đã có chí lại thêm gặp thời, bởi vậy cuộc buôn bán càng ngày càng phát triển mạnh nên bành trướng ra lớn thiệt mau. Cách có ba năm sau, em Đào và Lý lên 7 tuổi còn bé Tòng mới được 3 tuổi, mà tiệm Thái Hòa đã biến đổi kinh dinh. Ba căn nhà lá hồi trước bây giờ biến đổi 4 căn nhà ngói nền cao, vách gạch, hai căn để chủ tiệm ở, còn hai căn kia thì một căn chứa tủ, bàn ghế để bán, và một căn chứa ván ngựa, di-van, với ghế sa-lông. Đồ đạc phần nhiều đóng với cây gõ và cẩm lai, có một phần đóng với cây sao, giá-tỵ và thau-lau sơn vec-ni chớ ít có cây dầu. Mà dầu đóng thứ cây nào cũng đóng theo kiểu tối tân, nên đẹp mắt ai cũng chịu lắm.

Trại mộc bây giờ cất riêng ở phía sau cất dài 5 căn lợp ngói, vách ván, có nhiều cửa sổ nên sáng sủa lại mát mẽ. Mười mấy anh thợ mộc làm việc rần rật tối ngày dưới quyền chỉ biểu của ông thợ Hai, ông đặt bàn ngồi giữa trại mà phân phát công việc, dặn dò mực thước và vẽ kiểu cho em út coi mà làm.

Tiệm có sắm sẵn một chiếc xe tay với hai anh phu lực lưỡng mạnh mẽ để khiêng bàn khiêng tủ cho khách xem và ai mua xong thứ gì thì chở đến giao tới nhà. Lại cũng có sắm một chiếc xe kéo nhà để mỗi ngày đưa rước Đào với Lý đã bắt đầu vào học tại trường nữ học Bà Chiểu. Cô Thành cũng vẫn tận tâm chăm sóc hai em, giặt áo quần, phơi mền gối, coi cho em ăn uống no đặng em đi học chừng em về thì tắm rửa cho em.

Đào với Lý dầu ở nhà hay là đi học cũng vậy, ăn món gì, mặc thứ gì cũng giống hịt với nhau. Cô Thành ở giúp việc mấy năm, cô biết ý ông bà chủ ngay thẳng, hiền lành, lại thương phận cô bơ vơ, cô quả, thì cô cảm tình mến nghĩa nên cô lấy dạ trung thành mà đền đáp, cô chăm nom tất cả mọi việc trong nhà, cô yêu Đào, Lý với bé Tòng cũng như em cháu ruột, lãnh săn sóc luôn cả ba em. Hễ Đào, Lý đi học thì cô chơi với bé Tòng để cho Hòa rảnh rang mà tiếp giúp chồng trong cuộc công thương.

Vợ chồng Thái thấy Thành tận tụy với mình đem lòng tín nhiệm, mến yêu, xem Thành như người trong thân tộc, không phân biệt giai cấp chủ tớ. Nhiều khi chị Hòa bận việc chị đưa bạc trăm cho Thành ra Sài gòn mua đồ cần dùng trong nhà. Mua áo quần hay mua giày cho ba em nhỏ, cũng một tay Thành lo hết.

Đào với Lý tuy ăn mặc như nhau, tuy cha mẹ yêu đồng nhau, tuy ở nhà hay ở trường ai cũng tưởng là chị em song thai, nhưng mà hình dáng hay tánh nết hai em khác xa nhau quá. Đào thì to xương, sung sức nước da ngăm ngăm chớ không trắng lắm, khuôn mặt sáng sủa, miệng cười có duyên, tánh vui vẻ bặt thiệp, hay nói chuyện hay hoạt động. Còn Lý thì mỏng mảnh, yểu điệu đằm thắm, nước da trắng, má miếng bầu, có vẻ đẹp hơn Đào, mà tánh nết lại nghiêm trang trầm tĩnh, ít cười, ít nói.

Tuy chị em không giống nhau, song từ khi mới lọt lòng được cha mẹ tưng tiu, cho bú, cho ăn, tắm rửa, săn sóc, dạy dỗ, tập đi, tập nói chung với nhau, bởi vậy hai chị em yêu thương nhau như một máu một thịt mà vui chơi với nhau luôn luôn thuận hòa, không bao giờ gây gổ, xích mích. Vì cha mẹ đã tập từ khi mới học nói, hai trẻ quen rồi, nên bây giờ hai trẻ nói chuyện với nhau cứ gọi nhau là chị và xưng mình là em. Mà vợ chồng Thái muốn hai con giữ luôn thói quen ấy mãn đời, nên kêu con là “chị Đào, chị Lý” làm cho cô Thành, bà nấu ăn cùng các anh thợ trong trại mộc cũng bắt chước gọi “chị Đào, chị Lý” thét rồi quen miệng không đổi được.

Từ ngày có thêm bé Tòng, Đào với Lý cũng yêu thương em như nhau, hồi em còn nằm ngửa thì Đào với Lý thường nằm hai bên mà hun hít em, chừng em biết đi biết nói thì cứ xẩn bẩn theo em mà chơi chung, ăn thứ gì cũng chia với em, hễ em la khóc thì áp lại mà dỗ. Bây giờ đi học mà hễ về đến nhà thì kiếm Tòng mà hun trước rồi mới mừng cha mẹ sau.

Tuy khác hình dáng, khác tánh tình, song Đào với Lý đều có trí thông minh, lại có chí ham học như nhau, bởi vậy mới 8 tuổi thì đọc và viết đều giỏi hết, rồi đến 12 tuổi cả hai đều thi bằng tiểu học đậu dễ dàng.

Vợ chồng Thái với Hòa đều vui mừng hết sức, mà còn mong ước gì nữa.

Có đêm nằm rảnh rang vợ chồng Thái to nhỏ nhắc việc đã qua, tính việc sắp tới. Vợ chồng không quên cái lúc còn bần hàn ở trong chòi lá bên Thị Nghè. Chồng đi làm mỗi tháng có hai mươi đồng bạc; vợ phải buôn gánh bán bưng mà kiếm tiền thêm mới đủ đấp đổi. Lúc vợ sanh đẻ, không đi buôn bán được nữa, lại đau không đủ sữa cho con bú. Trong nhà thì hết tiền. Chồng phải tính bán xe máy mà chạy thuốc cho vợ, mua sữa cho con. Thời may Trời nhiểu phước, ban cho thêm một đứa con, lại còn giúp tới 5 ngàn đồng bạc. Nhờ ân huệ đó vợ tiêm thuốc phục sức, con có sữa bú no, vợ chồng có vốn ra làm ăn với thiên hạ.

Trời thương giúp vận vợ chồng con cái đều mạnh giỏi, đã có hai con gái còn giúp thêm con trai, con gái học siêng năng đã thi đậu, con trai đã đi học rồi coi bộ cũng chuyên cần. Vợ chồng chia nhau, chồng chăm lo mở cuộc công thương, vợ cứ nuôi dạy trẻ nhỏ. Mới có muời hai năm mà đã gây ra một sự nghiệp đáng vài trăm ngàn chớ không phải ít. Mà cuộc làm ăn coi thế còn tiến mạnh, người phụ sẵn lòng tận tụy, số khách hàng mỗi năm cũng tăng lên cao, lại vợ chồng đầm ấm thuận hòa, các con ăn học tấn phát hạnh phúc đã nhiều rồi, còn ham muốn cao xa làm chi nữa.

Ngặt Đào với Lý thi đậu bằng tiểu học rồi hổm nay hai đứa cứ đòi đi học nữa, nài xin khai trường phải cho chúng nó vào trường trung học ngoài Sài Gòn đặng cho chúng nó tiếp tục học thêm mà lấy cho được bằng tú tài. Hai con quyết chí học cho cao, mà trong nhà lại sẵn có tiền bạc dư nhiều, có lẽ nào lại bít đường tấn thủ của con, bắt nó ở nhà đặng ngày sau nó thua sút bạn gái.

Nghĩ tới đây vợ chồng Thái nhớ hồi trước người ta giao Lý với một số bạc lớn, người ta yêu cầu mình thương yêu, nuôi dưỡng và dạy dỗ dùm Lý đặng ngày sau nó khỏi vất vả nghèo hèn, người nào đó có việc nhà chi thế mình không hiểu, mà dấu tánh danh, dấu địa chỉ không cho biết mình là ai. Tuy giao con giao tiền cho mình có ít hàng chữ tha thiết cậy mình làm ơn làm phước dùm, nên phải dấu mà nuôi Lý song kỳ thiệt người ấy là người làm ơn làm phước cứu vợ chồng mình. Vì không biết ai ở đâu nên mình thệ tâm để âm thầm mà yêu Lý như con ruột, nuôi và dạy Lý cũng như con mình. Bởi mình quyết tâm làm tròn nhiệm vụ y như lời người phú thác, nên khi cho Đào với Lý đi học được vài năm, nhà trường buộc phải nạp khai sanh, mà cả hai đứa đều không có, vợ chồng phải đến Tòa Hộ xin lên án thế vì khai sanh nhìn nhận Đào với Lý là con song thai của vợ chồng mình.

Hôm nay Lý muốn học thêm cho cao, nhà mình nhờ Lý mới có cơm tiền. Nếu mình chận lại không cho học thêm nữa, thì mình lỗi với lời người ta ký thác, lỗi về nhiệm vụ dạy dỗ.

Chịu ơn của người phải đền đáp ơn cho vuông tròn dẫu mình nghèo mình cũng phải ráng cho hết sức, huống chi là giàu rồi.

Thái với Hòa xét tới khoảng đó nên quyết định dầu tốn hao bao nhiêu, dầu cực nhọc thế nào cũng phải cho Đào với Lý học cho đến cùng, học chừng nào hai cô hết muốn học nữa rồi sẽ để ở nhà.

Thái dạy vợ rảnh thì ghi tên Đào với Lý đặng chừng khai trường hai con vào học trường nữ trung học Sài Gòn cho chúng nó học. Mỗi bữa cho xe kéo nhà đưa đi rồi rước về. Còn Tòng thì để học trong Bà Chiểu cho gần. Chừng nào Tòng có bằng tiểu học xong rồi em phải ra trường lớn ngoài Sài Gòn mà học bực cao hơn nữa, rồi sẽ tính mua nhà hoặc phố gần trường đặng ba con ở mà đi học cho tiện.

Thái cũng nhắc vợ phải nhớ thăm chừng đồ đạc của Lý hồi còn nhỏ để hư mất. Hòa nói thơ với dây chuyền chị cất trong tủ sắt; còn áo mền giày mũ để trong rương thì lâu lâu chị đem ra mà phơi, nên không hư hao gì hết.

Chị suy nghĩ rồi nói với chồng:

- Đào với Lý còn khờ quá. Mà cho con đi học tới ngoài Sài Gòn, em không yên lòng. Lại đi xe kéo chậm lắm, sợ buổi trưa về trễ hai đứa nó đói. Rồi buổi chiều phải đi sớm, thì trưa chúng nó có nghỉ ngơi gì được. Vậy hồi nãy anh tính mua nhà hay một căn phố gần trường cho hai đứa nó ở đi học tiện hơn. Để cô Thành ngoài đó lo cơm nước cho chúng nó. Tối vợ chồng mìmh rảnh thay phiên ra đó mà ngủ. Chúa nhựt nghỉ học cho cô Thành đem chúng nó về trong nầy.

- Nhà hay phố ngoài Sài Gòn họ bán mắc mua làm sao cho nổi. Lại mua nhà mua đất chết vốn. Có tiền phải dùng đúng việc chi cho sanh lợi mới được chớ.

- Mua nhà mua đất như sau mình không dùng mình cho mướn hoặc ai muốn mình bán cho họ cũng có lời vậy chớ. Như anh không chịu mua nhà hay phố, thôi thì có ai bán xe hơi cũ anh mua để đưa rước hai đứa đi học cho lẹ.

- Cha chả! Em tính mua xe hơi, kình rình quá.

- Mua xe hơi cũ và xe nhỏ không tốn bao nhiêu.

- Mua xe cũ máy trục trặc hoài, sửa riết rồi mang nghèo chớ. Lại còn phải mướn sớp phơ, đổ xăng nhớt, mua vỏ ruột, tốn hao dữ lắm, thà là mua nhà tuy xuất vốn nhiều hơn, song khỏi tốn hao, lại sau mình bán lại hoặc may có lời. Thôi việc đó để sau sẽ tính; để cho hai đứa nó đi học, coi nếu có điều chi bất tiện rồi sẽ hay.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá