Băn khoăn
II
Cảnh đi vòng ra lối bờ sông. Lòng chàng buồn buồn. Chàng hơi lấy làm lạ. Chàng mong mỏi thi hỏng, thì bây giờ chàng đã được như ý sở nguyện. Vậy sao chàng lại buồn?
Cảnh tự hỏi thế và thấy khó trả lời quá. Chàng hình như cảm thấy mình thất vọng điều gì. Thất vọng vì hỏng thi? Cảnh bật lên tiếng cười. Nhưng dù chàng cười, cái thất vọng vẩn vơ vẫn không nao núng. Gần như đứng vững lại mà thách thức chàng, mà trang nghiêm nhìn thẳng vào mặt chàng. Lần đầu tiên Cảnh thấy áy náy sau một cuộc dự thi. Cái ý tưởng thất bại như mỗi lúc một thêm rõ rệt. Chàng cho rằng có lẽ đó là một ảnh hưởng, một sức mạnh của tập quán. Chàng đã quen từ lâu với sự đắc thắng với cái ý nghĩ thi để đỗ. Bỗng chàng đăm đăm nhớ tới cái diện mạo phớn phở của Song, một người bạn đồng học mà ban nãy chàng gặp ở cửa trường nhưng không lưu ý tới cái cười kiêu hãnh, tự phụ của hắn, chàng lại thấy vẽ ra trước mắt, vui vẻ nghĩ thầm: "À ra thế, ra vì hắn ta mà mình sinh ra khó chịu, buồn phiền, chỉ có thế. Mình cứ tưởng vì một cớ sâu xa gì... ừ có thế chứ!"
Cảnh tưởng như đã giải quyết xong một vấn đề và tâm trí trở lại bình tĩnh. Nhưng không, lòng chàng vẫn như nước thủy triều đương dâng. Chàng cáu kỉnh tự hỏi: "Hay ta ghen tức với Song?" Không, không bao giờ Cảnh ghen tức với Song là vì Song lên mặt đứng đắn, đạo đức thường nhìn chàng bằng cặp mắt lạnh lùng như để thầm trách, thầm khinh bỉ cái đời phóng đãng của chàng. Mọi lần Cảnh bỏ qua không thèm nghĩ tới. Sao lần này chàng lại để tâm? "Vì mình hỏng thi? Vô lý! Nếu mình muốn đỗ thì đã đỗ tự bao giờ. Mình có cần gì ganh tị với cái anh chàng ‘hủ nho’ với cái anh chàng như ‘thư sinh’ ấy". Lâu nay Cảnh vẫn gọi Song là "hủ nho" là "thư sinh" vì thấy Song chẳng biết chơi bời gì, chỉ cắm đầu học và xem sách. Chàng đùa bảo các bạn: "Học như thế có khác gì tự tử" về phần Song thì Song cho Cảnh là sống một đời vô lý tưởng. Nghe người ta đem câu ấy thuật lại, Cảnh chỉ cười và đáp lại vắn tắt: "Hừ lý tưởng!"
Sự thực là trước khi sống cái đời chơi bời, bừa bãi, liều lĩnh hiện thời, Cảnh đã cố tìm lấy một lý tưởng để phụng sự, tìm một cách rời rạc, lười biếng, với một ý định thiên lệch và cố chấp. Và cố nhiên chàng thấy rằng có một tư tưởng nào đích đáng cho thiếu niên. Để khỏi nghĩ ngợi miên man, Cảnh vừa đi vừa huýt sáo một điệu tango. Tự nhiên chàng nhớ đến Nguyên, cô bạn xinh xắn mà chàng mới làm quen ở một trà thất. "Con bé thế nào cũng sẽ khổ với mình!" Chàng vui sướng cười thầm. Hành hạ tình nhân bằng đủ mọi cách, đó là lối tiêu khiển lý thú nhất của Cảnh. "Việc làm trước hết của mình là cướp cô ả ở trong tay anh chàng bảnh trai. Vì nếu không thì cô ả đã không phải tình nhân của mình mất, cái lý rất giản dị và dễ hiểu... Việc ấy mình sẽ thi hành ngay tối nay". Cảnh mở ví đếm tiền: "Còn gần năm trăm, binh lực tạm đủ để tấn công và chiến thắng... Thằng cha nghe chừng cũng vững chãi... Nếu phải dùng đến quả đấm càng hay". Cảnh nắm hai tay, đấm móc không khí hai cái, rồi nhoẻn miệng cười, tự phụ có một sức mạnh đáng kể. Sức mạnh ấy chàng có là nhờ về sự luyện tập thân thể, và sự ham thích các môn thể thao, ngày chàng còn là một thiếu niên siêng năng, chăm chỉ, sống có điều độ và quy tắc. Nhiều khi ngồi nghĩ lại, chàng cũng tự nhận thấy rằng chính thời kỳ thứ nhất đã sửa soạn cho thời kỳ thứ hai, và hỗn loạn đã do cái trật tự mà nảy nở ra. Chàng nhớ tới cái thuyết "tương phản tương sinh" của Platon, mà chàng đã đọc bốn, năm năm về trước khi còn theo lớp triết học.
"Ngày ấy mình ngốc thực! Chỉ suốt ngày chúi mũi vào quyển sách. Ngoài ra không biết trời đất là gì nữa". Chàng như xấu hổ về cái tuổi khờ dại ấy, cứ nghĩ đến là thấy nóng cả mặt. Một chuyện tình mà chàng thường kể cho bạn nghe, với một giọng phù phiếm và khôi hài, nhưng mỗi khi tự thầm kể cho một mình mình nghe, chàng lại thẹn muớt mồ hôi. Khi người ta tự thú với người ta thì bao giờ người ta cũng thành thực hơn. Vì câu chuyện đã không xảy ra như những lời chàng thuật lại với bạn: Người thiếu nữ xinh đẹp và con nhà ấy quả có tha thiết hiến thân cho chàng. Nhưng nói rằng vì không muốn làm hại một đời con gái ngây thơ mà chàng đã giữ được không phạm tội lỗi là nói khoác. Sự thực, thời ấy chính chàng còn ngây thơ hơn người con gái: chàng bẽn lẽn, rụt rè, và nhất là trong trắng quá. Cách đây mấy tháng, chàng đã gặp người đàn bà - ngày nay là một bà tham - và chàng bảo bà ta: "Nếu ngày ấy tôi không can đảm thì có lẽ ngày nay chúng ta không dám nhìn mặt nhau đấy nhỉ?" Người kia chỉ mỉm cười, cái mỉm cười tinh ranh và chế nhạo nữa. Tự nhiên chàng thấy mình đóng vai anh hùng rơm, và đóng một cách vụng về, vì trong sự giao thiệp với đàn bà, chàng đã rạng rỡ ra nhiều, và chàng đã hiểu rằng về tâm lý ái tình họ hơn mình, họ đáng là thầy mình. Lừa dối, giấu diếm họ sao nổi!
- Cảnh! Cảnh!
Nghe tiếng gọi, Cảnh quay sang bên đường ngơ ngác nhìn. Thì ra chàng đã về đến phố nhà rồi, một phố mới mở ở vùng hồ Bảy Mẫu.
- Cảnh! Thế nào?
Cảnh ngẩng nhìn lên. Bản tựa lan can trên hiên gác cúi xuống vẫy, và nhắc lại câu hỏi:
- Thế nào?
Cảnh mở rộng hai hàm răng, đáp lại:
- Vẫn như thường, cám ơn.
- Người ta hỏi tin tức kia mà.
- Tin tức gì thế? Nếu là tin tức về việc lấy vợ thì chưa có gì đâu.
- Không, tin tức đại đăng khoa chứ không phải tin tức tiểu đăng khoa.
Bấy giờ Cảnh mới chợt nhớ lại rằng mình đi xem kết quả kỳ thi luật về.
Cái cười càng rộng và theo liền câu trả lời ngắn ngủi:
- Trượt!
Bản tưởng nên an ủi một câu, nhưng chẳng biết nói sao cho xuôi. Chàng ấp úng:
- Trượt! Vô lý!
Cảnh vẫn vui vẻ:
- Có lý lắm chứ! Vì chính tôi bảo anh rằng tôi trượt.
- Vậy lên đây đã!
- Xuống đây thì có. Lại tôi chơi đi.
Nhà Bản ở cách nhà Cảnh một quãng ngắn. Oanh đứng cổng chờ tin, vẻ mặt băn khoăn lo lắng. Nàng yên lặng nhìn anh, hai má hơi tái. Cảnh hiểu thấu nỗi khổ tâm của em, của cô em út yêu mến, nên không dám kéo dài sự mong đợi. Chàng đến gần khẽ nói:
- Anh lại hỏng em ạ.
Cô em gái cười buồn, đáp:
- Em không lạ, vì anh định tâm thi hỏng kia mà!
Cảnh thấy hối hận:
- Có lẽ anh định tâm thật đấy. Nhưng nếu anh biết trước rằng sẽ làm phiền lòng em đến bực này, thì anh đỗ quách cho rảnh.
Cả ba cùng cười. Và Oanh âu yếm bảo anh:
- Còn kỳ thi Octobre nữa. Anh lo gì!...
- Được! Em sẽ thân đến trường thi em kèm anh.
- Nhưng bây giờ thì em đi sửa soạn bữa trà năm giờ cho anh đã.
- Anh Bản ở chơi xơi nước với chúng tôi nhé. Dự tiệc trà mừng hỏng thi.
Oanh hỏi:
- Em bày bàn ở vườn như mọi lần nhé?
- Ở vườn em ạ. Rồi em viết giấy mời anh Thứ, anh Phú, anh Đoan vân vân, nghĩa là anh để em muốn mời ai tùy ý.
Oanh giọng làm nũng:
- Em chỉ muốn chả mời ai cả.
- Cũng tùy em. Anh nghĩ sao, anh Bản?
Bản nhìn Oanh mỉm cười:
- Tôi đồng ý với cô Oanh.
Oanh hậm hực:
- Vậy để không đồng ý với anh, em sẽ mời tất cả các anh ấy đến.
Bản nhìn Oanh, vẻ mặt oán trách. Tuy chàng chưa ngỏ lời hỏi Oanh làm vợ, nhưng hai người có chiều thân mật, và như đã thầm hứa hẹn với nhau rồi. Bản hiện đương học năm thứ năm trường Thuốc và chỉ đợi thi xong bác sĩ là sẽ cùng Oanh lập gia đình. Oanh không đẹp lắm, nhưng có duyên và nhất là rất ngoan ngoãn dễ thương. Cái học vấn của nàng đã không làm cho nàng trở nên một cô "thông thái" khó chịu.
Làm theo như Cảnh mọi ngày, Oanh viết thư vào một tờ giấy lớn dưới kê bảng tên những người bạn mời đến dự, rồi đưa lần lượt đến từng người, ai nhận lời thì ký vào bên, ai không nhận lời cũng ghi vào một câu xin lỗi. Viết xong, Oanh đưa cho Cảnh xem lại.
- Em không nói đến mừng anh lại trượt?
Oanh nhìn trách móc:
- Em không thích đùa như thế đâu. Các anh người lớn mà tính trẻ con quá.
Cảnh cười:
- Trời ơi, em tôi mới hai mươi tuổi đầu mà đã đạo mạo như một bà giáo già rồi! Có phải không Bản?
Bản chừng để báo thù lại Oanh, đáp liền:
- Chính thế?
Oanh trang nghiêm:
- Chứ sao! Người ta hai mươi tuổi trở đi là già rồi, phải đứng đắn mới được.
- Vậy lão giáo già cho đưa ngay thư đi thôi. Rồi đi sửa soạn cho anh thì vừa, vì đã hơn bốn giờ, chẳng còn sớm sủa gì đâu.
Oanh cười the thé bảo anh:
- Anh xoàng quá, trong giấy có mời thầy mà anh đọc lại hai ba lượt vẫn chưa lưu ý tới.
Cảnh chau mày:
- Mời thầy?
- Vâng, mời thầy. Thầy lên đồn điền Phú Lưu về. Coi bộ thầy vui vẻ lắm, sung sướng lắm, như trẻ hẳn đi mười lăm tuổi. Anh có biết tại sao không?
- Anh còn biết tại sao! Với lại thầy cũng chưa già gì cho lắm, mới năm mươi tuổi đầu.
- Em thì em biết tại sao thầy trẻ hẳn đi như thế.
Oanh liếc nhìn Bản, và khi thấy Bản đang chăm chứ xem một tập truyện ngắn của Somerset Maugham, nàng đi lại gần anh, khẽ nói:
- Vì thầy sắp lấy vợ.
Cảnh thét lên cười. Chàng bảo Bản:
- Bản ơi! Có biết Oanh vừa báo tin gì với tôi không?
Bản ngửng lên ngơ ngác nhìn Cảnh vẫn cười:
- Bản ạ, Oanh mách tôi rằng thầy tôi sắp tục huyền. Anh có biết không, thầy tôi góa từ năm tôi lên mười. Năm nay tôi hăm nhăm nghĩa là đã mười lăm năm nay rồi. Nếu tục huyền thì tục huyền ngay lúc băm nhăm băm sáu, chứ ai lại chờ đến năm mươi chẵn mới làm cái việc vô lý ấy, phải không anh.
Oanh bực tức:
- Có anh vô lý thì có, ai lại câu chuyện như thế mà réo ầm lên.
Cảnh gắt lại:
- Câu chuyện như thế nào? Với lại chuyện như thế ấy có đâu mà sợ.
- Không có? Không có thì sao em lại nói rằng có. Em nói láo em bịa ra.
Oanh láu lỉnh:
- Thôi vậy! Em tưởng anh biết điều thì em thuật câu chuyên cho anh nghe, nhưng anh đã cứng cổ như thế thì đừng hòng!
Cảnh lạnh lùng:
- Nào ai hòng nghe!
Bản đương tìm cách để hòa giải hai anh em thì có còi ô-tô ở cổng. Oanh chạy ra, nói:
- Thầy đã về!
Cảnh nghe tiếng âu yếm và dịu dàng như tiếng hát:
- Bonjour papa!
Chàng nhìn Bản mỉm cười:
- Anh có tin câu chuyện của Oanh không?
Bản nhìn ra phía cổng đáp:
- Không có lửa sao có khói!
- Nghĩa là anh tin rằng thầy tôi tục huyền.
- Có thể... Cụ trông còn tráng kiện lắm.
Cảnh gắt với bạn:
- Anh luận lý cám hấp quá... anh nói thế có khác gì tôi bảo anh: "Anh sắp chết đuối vì anh không biết bơi". Sự thực thì tuy anh không biết bơi mà anh vẫn không chết đuối như trăm nghìn vạn mớ bọn không biết bơi như các anh. Thầy tôi cũng vậy, tuy rằng tráng kiện, nhưng vẫn không tục huyền như trăm nghìn vạn mớ các ông góa tráng kiện khác. Nếu anh muốn nói đến một sự cần thiết cho bọn đàn ông tráng kiện, thì sự cần thiết ấy, thầy tôi đã có, hiện đang có và sẽ có mãi cho tới ngày không thể ham được nữa. Như thế thì còn tục huyền làm gì cho bận.
Bản đã suỵt luôn hai ba lần, vì nghe tiếng giày lạo xạo trên lối đi rải sỏi trong vườn, chàng biết rằng ông Thiện đang lại gần. Nhưng Cảnh vẫn bị lôi kéo trong sự biện luận liều lĩnh.
Bản phải kêu lên: "Kìa cụ đã ra!"
Chàng mới ngừng lại.
Đi trước Oanh, một người đàn ông lực lưỡng mặc short màu sáng, mạnh mẽ bước tới, giơ cánh tay rắn chắc ra nói:
- Con! Cậu Bản ngồi chơi!
Hai người thiếu niên cùng chào: "Lạy thầy! Lạy cụ ạ?" Quả như Oanh đã nói, Cảnh nhận thấy trên diện mạo cha sự vui mừng, sự sung sướng bồng bột rạng rỡ, và chàng nghĩ thầm: "Không thể không tin được rằng mới có một sự biến cải lớn trong đời cha". Cặp mắt sáng như sáng thêm lên, những nét dăn trên trán như giãn phăng ra. Da dẻ hồng hào, đôi má phình phình. Nhờ về bộ ria Hoa Kỳ và hàm răng trắng bóng vì mới sửa lại ở một nhà trồng răng, cái cười rất có duyên, hầu như cái cười của vai kép nhất trên màn ảnh. Nhưng Cảnh lưu ý nhất đến mớ tóc đen và lốm đốm bạc, cái đầu như nhỏ thon đi trên tấm thân vạm vỡ, nở nang.
Cảnh mỉm cười nói:
- Oanh bảo thầy trẻ ra, quả thực trẻ ra.
Ông Thiện không giấu nổi vui sướng:
- Thế à? Kể thì độ này thầy cũng thấy trong người khỏe mạnh.
Rồi ngượng ngùng trước ba cặp mắt tò mò, ông Thiện đổi ngay sang chuyện khác:
- Thầy báo cho hai con biết một tin mừng. Thầy tậu một cái villa ở Sầm Sơn.
Oanh vỗ tay reo:
- Ô! Thế thì thích quá nhỉ! Chúng ta vào Sầm Sơn đi, anh Cảnh nhé, anh Bản nhé?
Ông Thiện tươi cười kể:
- Thầy lên đồn điền về có người rủ vào Sầm Sơn, thầy đi liền. Thầy ở Hôtel Tây. Một buổi chiều đi chơi mát thấy cái villa có treo biển bán, thầy vào xem ưng ý. Giữa lúc ấy người chủ nhà đến với người thầu khoán để bàn về việc xây cái giậu xi-măng. Thế là thầy hỏi mua. Và chỉ trả một tiếng là xong. Người ta đòi vạn rưỡi thầy trả vạn hai. Hiện giấy má mua bán, thầy đã giao cho quản lý văn khế làm và xong cả rồi, không có một điều gì ngán trở, chỉ còn thiếu một chữ ký của con nữa. Vậy con nhớ làm, tám giờ sáng mai lại Notaire nhé. Con biết đấy chứ, ở phố Tràng Tiền ấy mà...
- Vâng con biết, nhưng sao lại phải...?
Ông Thiện mỉm cười:
- Vì cái villa đứng tên con... Thầy mua là mua cho các con, chứ thầy thích gì nghỉ mát, mà cũng chẳng có thì giờ nghỉ mát.
Cảnh cảm động nhìn cha:
- Con thực chả xứng đáng được thầy mua cho cái nhà ấy một tí nào. Vì con lại vừa trượt kỳ thi cử nhân luật một lần nữa.
Ông Thiện như chợt nhớ ra:
- Thế à? Nhưng không hề gì! Còn có một phần nữa, thi xong lúc nào hay lúc ấy... Ừ phải, con nên vào Sầm Sơn mà nghỉ và học ôn lại để thi kỳ thi tháng mười này, cậu Bản cũng vào học với em cho vui, cả Oanh nữa nhé?
Oanh láu lỉnh:
- Vâng, con xin vào để kèm anh con học.
Ông Thiện cười vui vẻ như không lưu ý một chút nào tới sự hỏng thi của con. Cảnh cũng nhận thấy thế. Và chàng tò mò ngắm cha, tự hỏi: "Ông có tục huyền thực chăng?"
Lúc đó một người hầu gái đem khăn trắng ra trải trên chiếc bàn mây vuông rộng rồi bày những chiếc đĩa trắng sáng viền chỉ vàng, và những dao, đĩa, thìa cà phê toàn bằng bạc.
Ông Thiện đứng dậy nói:
- Các con mời bạn uống nước trà phải không? Vậy thầy lên gác thay quần áo đi chơi để các con được tự do.
Oanh vừa giúp người hầu gái bày bàn vừa đáp:
- Chúng con có mời cả thầy nữa đấy.
- Vậy thầy xin kiếu, vì thầy bận chút việc.
Rồi ông đưa tay ra bắt tay Bản:
- Cậu ngồi với các em nhé, tôi xin lỗi.
Ông đi được một lát thì bọn Thứ, Chí, Đoàn, Liên lục tục kéo đến. Thấy một bàn đầy những bánh ngọt và bích quy, Liên hỏi:
- Làm gì mà tiệc to thế này?
Cảnh không trả lời câu hỏi, chỉ đăm đăm nhìn Liên và tấm tắc khen:
- Lạ thực? Liên đẹp hẳn ra, tại sao thế Đoan?
Liên ghé tai Cảnh nói thầm:
- Tại em yêu anh.
Cảnh cười ngây thơ:
- Thực à?
Đoan hỏi:
- Liên bảo gì anh thế?
- Liên bảo Liên yêu anh.
Thứ tinh quái hỏi:
- Anh nào?
Liên đáp:
- Rõ hỏi ngớ ngẩn! Còn anh nào vào đây nữa.
Cảnh cười tự phụ và tự ái. Không bao giờ chàng tin ở sức mạnh của chàng bằng lúc này. Chàng cảm thấy rằng chàng đã yêu ai, đã nhất định yêu ai thì người ấy khó lòng mà cưỡng lại được. Và chàng tính toán.
"Cuỗm Liên của Đoan chơi. Không, không cuỗm. Được một con tình nhân mà mất thằng bạn chẳng bõ. Không cuỗm, chỉ cắm đôi sừng lên trán nó tiện hơn, im lặng hơn, thú vị hơn, và nhân đạo hơn" và chàng quả quyết trong ý định.
- Đáng lẽ tôi mời các anh và Liên vào Sầm Sơn ngay tối hôm nay, nhưng tám giờ sáng mai còn phải đến phòng Quản lý văn khế. Vậy chín giờ sáng mai khởi hành nhé? Bảy kẻ chất lên cái Ford của papa còn rộng chán.
Oanh ngắt lời:
- Nhỡ thầy cần xe?
Cảnh bảo em:
- Thầy còn trên gác, em lên hỏi thầy xem.
Oanh đi ngay. Sáu người ngồi yên lặng, mong ngóng tin tức, trước những chén trà bốc khói thơm. Ba phút sau, Oanh chạy trở về, tay giơ lên chùm chìa khóa, và cất tiếng nói từ đằng xa:
- Thầy bảo được, thầy dùng chiếc Mathis cũng đủ chán. Đây chìa khóa villa, thầy giao lại cho cậu chủ nhân.
Ai nấy vỗ tay hoan hô:
- Bravo! Petit papa! 1
Cảnh trỏ các đĩa bánh ngọt nói:
- Mais, attaquons! 1
Oanh nâng chén nói:
- A la Santé de papa! 1
Tất cả thét:
- A la Santé de papa!
Rồi tiệc trà bắt đầu trong tiếng cười nói nô đùa ầm ỹ.
--------------------------------
1 | Hoan nghinh ông bố nhỏ! |
2 | Nhưng xung phong đi chứ! |
3 | Chúc ông bố trường thọ. |