Băn khoăn
PHẦN THỨ NHẤT
I
Cảnh rời trường Cao đẳng trở về nhà, lòng hớn hở, trí thảnh thơi: chàng vừa đến xem bảng và không thấy có tên mình trong số người được vào vấn đáp kỳ thi tốt nghiệp trường Luật. Chàng sung sướng, nghĩ thầm: "Hú vía! Thực là hú vía! Nếu đỗ thì mình chẳng biết đời mình sẽ ra sao, sẽ xoay về ngả nào".
Luôn mấy hôm nay, Cảnh lo lắng. Vì chẳng hiểu sao bài vở kỳ này chàng làm khá cả, vẫn biết chàng học chơi học bời và đọc sách luật như đọc tiểu thuyết thì những bài thi của chàng cũng không lấy gì làm sán lạn được. Nhưng nói chi sán lạng? Chỉ có đỗ với rớt, mà những bài thi đều đầy đủ thì chàng có thể đỗ lắm, và chàng đã hối hận tự nhủ: "Sao mình không làm như những kỳ trước?" Những kỳ trước chàng đã định bụng thi để hỏng. Lần thứ nhất, chàng ốm ngay vào hôm bắt đầu thi. Lần thứ hai, chàng bỏ trắng bài thi về môn "kinh tế học" mà chàng rất giỏi. Lần này chàng đã quả quyết sẽ hỏng nữa. Nhưng hôm thi tự nhiên chàng đâm ra thích viết, nhất là các đầu bài, chàng lại thấy hay hay, ngộ ngộ... Hôm nay chàng đến Cao đẳng lòng băn khoăn, áy náy, lo sợ, hầu như người đi nghe tuyên cái án của mình mà tòa lưu lại từ phiên trước. Thì cái án đã tuyên: chàng được vô can. Nghĩa là chàng đã trượt.
Cảnh xuất thân ở một gia đình đã hai đời cự phú. Ông nội chàng trước kia là một nông phu cần cù và thông minh, thứ thông minh khôn ngoan, lừa lọc, của trời phú cho đám dân quê để họ có thể sống, hay hơn thế, trở nên giàu có lớn. Chính nhờ về cái thông minh đặc biệt ấy mà ông ta đã từ địa vị nông phu lần lần đi tới địa vị lý trưởng, chánh tổng, bá hộ, rồi hàn lâm, và đã gây cái vốn hầu không có gì dần dần thành một tư bản hàng nghìn, hàng vạn, hàng chục vạn. Ông ta đã theo đủ nghề: làm ruộng, cấy rẽ, cho vay lãi, làm hàng sáo, buôn sợi, buôn bông, gá bạc, buôn thuốc phiện, cả thuốc phiện lậu, và sau hết trưng thầu việc vệ sinh ở Phủ Lý. Không một công chuyện gì, không một dịp nào có thể kiếm lợi được mà ông ta lại chịu bỏ qua dù công việc ấy bọn người chung quanh khinh là bần tiện, là nhơ nhớp.
Ông ta cầu cạnh để lấy lòng và cung phụng những nơi quyền quý, những quan địa phương. Tuy vậy, cũng không phải ông ta cốt dựa thế dựa thần bề trên để đè nén, hà hiếp dân quê. Đè nén, hà hiếp, đó là những tiếng không những không bao giờ ông ta nói đến, mà người trong làng, người hàng tổng, hàng huyện cũng không mấy khi đem ra dùng để trỏ những hành vi của ông ta. Đối với ông ta, câu tục ngữ: "Mật ngọt chết ruồi" có nhẽ gần gũi hơn và thường được công việc hàng ngày của ông diễn đạt, chứng thực mật ngọt lắm, ruồi cứ việc đậu vào mà ăn, không ai xua đuổi, ăn kỳ cho đến khi nặng bụng, không cất cánh bay lên được, người ta sẽ để cho nó tự do mà chết dí trong đĩa mật. Những đĩa mật đây là những thửa ruộng mầu mỡ, béo bở. Ai muốn đem cầm đợ cho ông hàn, thì, tuy đã có hàng trăm mẫu rồi, ông vẫn vui lòng nhận và giúp đỡ cho họ món tiền khá lớn, ít ra cũng bằng nửa giá ruộng đợ. Ông lại chỉ lấy lãi chút đỉnh thôi, khiến kẻ cần tiền không bao giờ tưởng có ngày mất ruộng. Nhưng ngày ấy thế nào cũng tới mà tới rất gấp.
Ông hàn làm việc khôn ngoan đến nỗi trong vòng có hai ba mươi năm mà ruộng đất của ông rải rác trong khắp hàng tổng, hàng huyện. Còn ở làng ông ta và ở những làng lân cận, thì quá nửa tư điền đã thuộc quyền sở hữu của ông rồi. Lúc ông ta qua đời, số ruộng nương đem chia cho ba con trai và hai con gái trên ngàn mẫu hầu hết là thượng đẳng điền. Thanh Đức là biệt hiệu của Thiện, con út ông hàn Na. Thiện không như cha và hai anh chỉ sinh trưởng và dựng cơ nghiệp ở vùng thôn quê. Tin vào óc thông minh mẫn tiệp và có ý quả quyết, mạo hiểm, ông ta muốn bay nhảy cao hơn và xa hơn, ầm ỹ hơn nhiều. Trái với người cha, suốt đời chỉ theo đuổi những việc dễ dàng, chắc chắn để mà ngồi thu lấy lãi, người con luôn luôn nghĩ tới kinh doanh, những công việc khó khăn, nguy hiểm đến tính mệnh mình nữa.
Có thể nói được rằng đời Thanh Đức hoàn toàn là một đời kinh doanh: ông ta không bỏ qua một ngày nào, một giờ nào không theo đuổi công việc nọ kia, cả những khi ông ta nhàn rỗi. Nhàn rỗi chỉ là cái trạng thái bề ngoài, thực ra không mấy lúc tâm trí ông ta thư thái. Đi nghỉ mát, ông ta cũng nghĩ tìm cơ hội và lợi dụng những sự may mắn xảy đến. Trong câu chuyện phiếm, một ý hay nảy ra, bất ngờ, rồi chẳng bao lâu, có khi ngay vài hôm sau trở nên một công nghiệp, một thương nghiệp vĩ đại, có tổ chức vững vàng và chu đáo. Ông ta có con mắt rất tinh đời, bất cứ việc gì thoáng qua cũng thấy tận gốc tận ngọn, thấy hết những chỗ lợi, chỗ hại, với cả những chi tiết phức tạp, ngoắt ngoéo ở trong. Và khi xét đã tới lúc thì ông ta nhằm trúng đích mạnh bạo, quả quyết tiến công ngay, không để chậm một ngày, không phí mất một giờ một phút. Đức tính này hầu như một lương năng, chẳng khác lương năng con tò vò đoán không bao giờ sai nơi huyệt vi tế ở gáy con nhện để châm vào đó một nhát kim, chỉ một nhát mà thôi, khiến cái mồi sống kia mê sảng hẳn chứ không chết và sẽ trở nên cái tài sản quý báu dành lại cho lũ tò vò con sau này.
Nhờ về kinh nghiệm, đức tính ấy một ngày một phát triển, bành trướng mãi ra, nhưng nó đã nảy nở ngay ra từ thời Thiện mười tám, mười chín tuổi, thời còn sống trong đại gia đình: chàng đã trông thấy rõ ràng mọi việc, mọi việc hơn thiệt trong các công cuộc xa gần. Những công cuộc mà cha và anh theo đuổi, chàng có chí làm to hơn. Chàng biết ở các thành phố lớn, ở những vùng đồi núi trung du và thượng du kia người ta đương hăm hở làm giàu. Và mỗi lần những ông cụ bạn cha chàng về chơi, lại như mang đến cho chàng thêm một chút thèm muốn, thêm một chút hy vọng, thèm muốn hy vọng cái đời sống trong tiền rừng bạc biển. Cái đời phú quý mênh mang hầu như huyền ảo nó ám ảnh, thôi miên, quyến rũ tuổi thanh xuân cường tráng.
Thiện nhìn, nghĩ, tìm. Thị hiếu bừng bừng nung đốt tâm trí.
Con tò vò mới phá tổ bay ra nhăm nhăm chờ dịp châm nhát kim thứ nhất trúng huyệt vi tế trên đầu con nhện béo mập đang ẩn núp đâu đó.
Dịp ấy đã tới.
Một ngày Thiện bỏ nhà ra đi, ra đi với một số tiền lớn lấy ở tủ sắt của cha, và để lại một bức thơ xin lỗi, lời lẽ thống thiết. Liền ba năm Thiện không về thăm quê. Năm thứ tư chàng nổi tiếng là một nhà thầu khoán lớn. Và từ đó chàng mở mang ngày một thêm to tát, trong khắp các ngành ngọn công, thương. Chàng thầu làm nhà, làm đường, làm cầu, làm mỏ, chàng chạy ô-tô vận tải, khai khẩn đồn điền, đứng đại lý rượu, đại lý dầu, buôn sơn, buôn bông, buôn tơ, buôn hàng ngoại quốc, xuất cảng gạo, ngô và các đồ nội hóa; không một việc gì có lãi lớn và có thể làm được mà chàng lại bỏ qua không làm.
Cảnh ra đời giữa thời cha bắt đầu mê mải làm giàu. Những ngày thơ ấu của Cảnh toàn là những ngày tươi đẹp, sung sướng, nưng niu. Cảnh là đứa con trai mong đợi đã lâu, hai người con sanh trước chàng đều là gái. Sự nuông chiều của cha mẹ đối với cậu con một càng tăng mãi lên khi hai đứa em theo liền lại là gái. Nói sự nuông chiều của người mẹ là đúng hơn, vì người cha tuy rất có lòng thương, nhưng suốt ngày, suốt tháng, bận bịu công kia việc nọ, ít khi có thời giờ nhàn rỗi để âu yếm con. Không những thế đối với con, ông Thiện là một sự bí mật và một sự khủng khiếp nữa. Những lúc thấy cha băn khoăn, lo lắng, đi đứng không yên, bóp trán thở dài, Cảnh thường cố tìm hiểu những ý nghĩ thầm kín của cha. Cảnh đoán lờ mờ rằng cha đương buồn bực điều gì. Kỳ thực ông Thiện chỉ xoay sở mưu kế để được toàn thắng trong một công việc lớn. Cảnh sợ hãi nhất cái giấc ngủ trưa ngắn ngủi của cha. Chỉ vào quãng độ hơn nửa giờ thôi, nhưng nửa giờ ấy phải hoàn toàn yên lặng. Một tiếng thét, một câu hỏi lớn, một tiếng guốc mạnh đủ đánh thức ông Thiện dậy. Lúc bấy giờ thì phải biết, kẻ phạm lỗi bất cứ là ai, dù là Cảnh hay mẹ Cảnh đi nữa, cũng sẽ bị mắng tàn tệ. Một lần hai em gái Cảnh đánh nhau, ông Thiện dậy giựt phắt cái phất trần vụt lấy vụt để vào mông đít hai đứa trẻ khốn nạn. Cảnh sợ hãi cắm đầu chạy trốn biệt.
Nhưng sau khi vợ chết thì tính nết người cha thay đổi hẳn, hay ít ra cũng thay đổi hẳn đối với các con. Gắt gỏng, ông trở nên dịu dàng, âm thầm, ông trở nên hay nói. Có lần ông bế Cảnh vào lòng kể truyện cổ tích cho nghe, điều mà không bao giờ ông làm khi còn sinh thời vợ. Cái chết của người đàn bà đã làm nảy nở một chút tình cảm trong lòng ông. Tuy ông vẫn tha thiết với công việc, nhưng có nhiều lúc ông ngồi thừ ra suy nghĩ, mà đây không phải suy nghĩ kinh doanh, đây chỉ là mơ mộng vơ vẩn. Hình như ông thương yêu vợ hơn lên, thương yêu linh hồn người quá cố, và hình như tới nay ông mới nhớ đến nhà vợ. Đó là một gia đình quý tộc. Ông hàn Na ngỏ lời cầu thân. Tức thì tất cả các ông chú, ông bác, bà cô, bà dì nhao nhao lên phản đối, cản trở việc nhân duyên. Chỉ một mình ông Phủ, ông bố vợ, quả quyết ưng ý gả và người con gái cũng quả quyết ưng lấy Thiện làm chồng. Kể thì Thiện cũng đẹp trai và thông minh, nhưng hai điều kiện ấy không đáng kể, khi người ta là con một nhà "trọc phú" mà lại muốn làm rể một nhà quan xuất thân khoa bảng.
Cảnh thấy mất mẹ là mất một phần lớn trong tình yêu, tuy Cảnh được hai chị và hai em chiều chuộng, sự chiều chuộng êm ấm của những cô gái sớm mồ côi mẹ.
Tiếp theo một thời kỳ hỗn độn, bừa bãi của người cha, tới một thời kỳ lạ lùng đối với lòng bỡ ngỡ của Cảnh. Ấy là nói hỗn độn bừa bãi trong sự sống hàng ngày, chứ trong việc làm ăn của ông Thiện, thì sự ngăn nắp, sự trật tự, sự phát đạt cùng sự kinh nghiệm vẫn một ngày một tăng tiến. Cảnh bắt đầu sống gần những sự mà trí ngây thơ của mình chưa từng bao giờ tưởng tượng tới: Thỉnh thoảng ông Thiện lại đưa về một người con gái rồi đùa bỡn ầm ỹ với người ấy ở phòng bên cạnh, sát tường với phòng các con. Vú già mỉm cười ranh mãnh bảo Cảnh rằng đó là nhân tình, còn nhân tình nghĩa là gì Cảnh đành chỉ hiểu lờ mờ rằng có lẽ cũng như vợ, chứ không dám tò mò để biết hơn nữa.
Cái đời sống ấy cứ kéo dài hơn hai năm. Một đời nhiễu loạn, vô gia đình giáo dục, vô gia đình luân lý đi song song với một đời hoàn toàn có trật tự, có kinh nghiệm, có tổ chức về thương mại và kỹ nghệ. Nhưng Thiện cũng nhận ra, tuy hơi muộn, rằng đời sống sẽ có ảnh hưởng tai hại, nguy hiểm tới đàn con, nhất là tới hai cô con gái đầu lòng, đã mười lăm mười sáu tuổi. Ông ta thấy cần phải thi hành ngay: ông ta liền đưa gia đình lên Hà Nội, nhờ vợ chồng một người chị vợ hiện buôn tơ lụa trông coi giúp. Còn ông ta thì vẫn ở nơi tỉnh ly để đeo đuổi công việc đang tiến hành.
Sự thay đổi chỉ riêng có đối với một mình ông Thiện. Còn đối với người bản tỉnh thì nào có gì gọi là thay đổi. Năm ấy Ngọc và Dung cùng đỗ bằng Sơ học Pháp Việt. Ông Thiện lấy cớ để hai con gái lớn ra Hà Nội theo học trường Đồng Khánh và tiện thể cho tất cả các con nhỏ cùng đi một chuyến. Ông ta vẫn săn sóc đến học vấn của các con, và sự đắc thắng của chúng trên con đường trí thức, ông ta thấy cũng cần như sự đắc thắng của mình trên đường công thương. Ông ta thường ân hận rằng thuở bé không được cha mẹ cho học nhiều Pháp văn; và chút ít Hán tự lãnh nạp được, ông ta thấy thiếu thốn quá đỗi cho cái đời hoạt động của ông ta. Vì thế ông ta nuôi thầy dạy thêm và mua sách xem cho rộng kiến thức. Nay chữ Pháp, và chữ Hán của ông cũng đủ tạm dùng trong sự giao thiệp thương mại. Ông ta muốn lũ con sau này đều trở nên những bực trí thức lỗi lạc với những bằng cấp Cao đẳng rực rỡ. Ông ta lấy làm bực tức khổ sở bị người đời liệt vào hạng trọc phú. Vậy phải tỏ cho thiên hạ biết rằng ông ta phú chớ không trọc và nếu ngày nay con ông ta đắc thắng trong phạm vi học vấn thì trước kia ông ta cũng có thể đắc thắng rõ ràng.
Ông ta thường nói chuyện với bạn đồng nghiệp của ông ta rằng trong họ ông ngày xưa cũng có khoa bảng, và ông tổ ngũ đại của ông ta đã đậu tiến sĩ làm quan đến học bộ Thượng thư triều Cảnh Hưng. Ông ta đem cái quá khứ vẻ vang đó ra khuyến khích các con. Cảnh bẩm tính thông minh. Đó là kết quả của những bản tính mẫn cán, cần cù khôn ngoan bên ngoại đã di truyền từ mấy đời nay. Lại thêm thấy cha mong mỏi về tương lai sự học của mình, Cảnh càng hết sức chăm chỉ cố gắng, từ lớp sáu, đến lớp triết học trường trung học Albert Sarraut, năm nào Cảnh cũng đứng đầu và khi tốt nghiệp đỗ bình hạng. Chàng đem cái trí ganh đua vào Cao đẳng và luôn hai năm chàng đậu xong hai phần cử nhân luật.
Nhưng sang năm thứ ba, một hôm như chợt lởn vờn trong đầu chàng câu hỏi: "Học để làm gì? Và đỗ để làm gì?" Rồi câu hỏi trở nên ám ảnh ròng rã hàng tháng, ám ảnh kỳ cho tới khi nảy ra câu trả lời mới thôi. Câu trả lời ấy là: "Học chẳng để làm gì ráo. Đỗ cũng chẳng ích lợi gì cho chàng, cho tương lai của chàng". Rồi chàng lý luận ầm ĩ trong nguyên tắc, quan niệm, ý nghĩa của sự sống, của đời mình. Luận lý cho tới lúc đến một kết cục chán nản, đau đớn. Sống không mục đích, đời là vô vị.
Chàng đem những tư tưởng hắc ám của chàng ra chất vấn bạn và những người chàng phục là có nhiều kinh nghiệm về cuộc đời, thì người ta trả lời chàng rằng phần nhiều trong bọn thanh niên trí thức đến cái tuổi hăm ba hăm bốn thường phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng như thế. Rồi cũng qua đi không hề gì, cần nhất là phải biết thế và cố gắng lại cho cái thời kỳ ấy qua đi. Câu trả lời đã làm cho chàng rùng mình lo sợ vì một dạo chàng đã lờ mờ cảm thấy rằng đợi chờ cái thời kỳ ấy đi qua cũng không phải một việc dễ dàng, và cái ý nghĩ tự sát nhiều lần lởn vởn trong óc chàng. Chàng không rõ nó đến từ đâu, phát sinh ra do một nguyên cớ xa hay gần nào. Một điều chắc chắn là không phải do một sự thất vọng. Nó đến như gặp thời tiết, một bông hoa độc nở ra. Để quên nó đi, để xa lánh nó, chàng cho chỉ có một cách là dấn thân vào những cuộc chơi bời phóng đãng. Và những gương xấu của cha hiện ra, tự vẽ ra, rõ rệt; những thị hiếu thiên riêng hẳn về một phía, một chiều và lâu nay vẫn ngủ ở khu tiềm giác trong lòng chàng. Một đôi khi chàng tỉnh ngộ, nhưng lại tự dối ngay, để tự tha thứ rằng chơi để qua cái thời kỳ khủng hoảng của tuổi thanh xuân, và càng chơi càng chán nản càng thấy cần phải chơi.
Một sự đã cứu chàng thoát chết. Ấy là lòng yêu bạn. Chàng không thể vắng bạn, không thể sống xa bạn. Chết đi chàng chỉ thương nhớ bọn anh em còn ở lại trên trần. Và chính cũng vì đám bạn thân mà chàng giải quyết xong cái vấn đề học và thi: chàng rất cần ở mãi Hà Nội để gần bạn bè. Muốn thế chỉ có một cách là theo học Cao đẳng mãi mãi, và vì thế, đã hai năm chàng cố ý thi trượt và năm nay chàng vui mừng, sung sướng được hỏng thi.