Việt Nam sử lược
CHƯƠNG X
NHÀ HẬU-LÊ MẤT NGÔI VUA
1. Tây-sơn rút quân về Nam |
2. Nguyễn hữu Chỉnh chuyên quyền ở đất Bắc |
3. Tây-sơn lấy đất Bắc-hà |
1. TÂY-SƠN RÚT QUÂN VỀ NAM. Nguyễn Huệ đã dứt được họ Trịnh rồi, vào thành Thăng-long, xuống lệnh cấm quân-lính không được cướp phá dân-gian, và định ngày xin yết-kiến vua Lê ở đền Vạn-thọ.
Bấy giờ vua Hiển-tông đang đau, không ngồi dậy tiếp được, ngài mời Nguyễn Huệ vào ngồi gần sập ngự, lấy lời ôn-tồn mà phủ-dụ. Nguyễn Huệ tâu bày cái lẽ đem binh rà phù Lê diệt Trịnh, chứ không dám có ý dòm ngó gì. Vua mừng rỡ mà tạ Nguyễn Huệ.
Khi quân Tây-sơn ra đến Thăng-long, các quan triều-thần chạy trốn cả, chỉ còn có mấy người nội-giám ở lại hầu-hạ vua. Nguyễn hữu Chỉnh thấy vậy vào tâu với vua xin xuống chiếu tuyên triệu các quan về triều ; được mấy hôm có độ mươi người lục-tục kéo nhau trở về. Vua bèn định đến ngày mồng 7 tháng 7 lập đại-trào ở điện Kính-thiên, Nguyễn Huệ đem các tướng vào lạy và dâng sổ quân-sĩ, dân đinh, để tỏ rõ cái nghĩa tôn-phù nhất thống, nghĩa là tự đó về sau nhà Lê có quyền tự-chủ.
Vua phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên-soái Uy-quốc-công 元 帥 威 國 公, và lại gả cho bà Ngọc-Hân công-chúa 玉 欣 公 主 là con-gái của ngài. Chẳng bao lâu vua Hiển tông mất, Hoàng-tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi, đặt niên-hiệu là Chiêu-thống.
Nguyên lúc trước vua Tây-sơn là Nguyễn Nhạc vốn không có ý ra đánh Bắc-hà, đến khi tiếp được thư của Nguyễn Huệ nói sắp ra đánh ngoài Bắc, Nguyễn Nhạc vội-vàng sai người ra Thuận-hóa ngăn lại. Nhưng khi sứ-thần ra đến nơi, thì Nguyễn Huệ đã cử binh đi rồi. Sau lại tiếp được thư nói rằng quân Tây-sơn đã lấy được Thăng-long rồi, và còn phải ở lại để giúp nhà Lê. Nguyễn Nhạc sợ em ở lâu ngoài Bắc-hà có sự biến chăng, bèn đem 500 quân ra Thuận-hóa, rồi lấy thêm 2.000 quân nữa, đi không kỳ ngày đêm ra Thăng-long.
Vua Chiêu-thống được tin vua Tây-sơn ra Bắc, bèn đem bách quan ra đón ở ngoài Nam-giao. Nhưng Nguyễn Nhạc cứ đi thẳng, rồi cho người đến nói rằng : xin để ngày khác tiếp kiến. Được mấy hôm Nguyễn Nhạc mời vua Chiêu-thống sang phủ-đường là lễ tương kiến. Nguyễn Nhạc ngồi giữa, vua Chiêu-thống ngồi bên tả, Nguyễn Huệ ngồi bên hữu, các quan văn-võ đứng hầu hai bên.
Khi vào làm lễ xong rồi, vua Chiêu-thống xin nhường mấy quận để khao quân. Nguyễn Nhạc nói rằng : « Vì họ Trịnh hiếp chế, cho nên chúng tôi ra giúp nhà vua ; nếu bằng đất nước họ Trịnh thì một tấc cũng không để lại, nhưng mà của nhà Lê thì một tấc cũng không dám lấy. Xin mong nhà vua gắng sức làm việc, giữ yên cõi đất, để đời đời giao hiếu với nhau, ấy là cái phúc của hai nước đấy».
Đoạn rồi vua Chiêu-thống về điện, hôm sau anh em Tây-sơn bàn rút quân về Nam, và thấy Nguyễn hữu Chỉnh là người giảo-quyệt, định bỏ lại ở Bắc-hà, bèn mật truyền cho các tướng thu-xếp quân thủy-bộ, kho-tàng có gì lấy hết, rồi đến nửa đêm ngày 17 tháng 8, kéo quân về Nam. Sáng hôm sau Nguyễn hữu Chỉnh biết Tây-sơn về rồi, sợ-hãi lắm, hoảng-hốt bỏ cả đồ-đạc, chạy xuống chiếc thuyền buôn vào Nghệ-an, theo vua Tây-sơn. Nguyễn Nhạc thấy Hữu Chỉnh lại theo về, không nỡ bỏ, cho ở lại cùng với Nguyễn Duệ 阮 睿 giữ đất Nghệ-an.
Bấy giờ quyền-bính ở đất Bắc-hà về cả vua nhà Lê, thật là một cái cơ-hội ít có để lập lại cái nền tự-chủ của nhà Lê, nhưng tiếc vì vua Chiêu-thống không có tài quyết đoán, mà đình-thần lúc bấy giờ không có ai là người biết kinh-luân : hễ thấy có giặc thì bỏ chạy, giặc đi rồi thì kéo nhau ra bàn ngược bàn xuôi, người thì định lập lại nghiệp chúa, kẻ thì muốn tôn-phù nhà vua. Lại có dòng dõi họ Trịnh là Trịnh Lệ 鄭 棣 và Trịnh Bồng 鄭 槰 chia đảng ra đánh nhau để tranh quyền. Vua Chiêu-thống bất-đắc-dĩ phải phong cho Trịnh Bồng làm Án-đô-vương 晏 都 王, lập lại phủ chúa. Đảng họ Trịnh lại toan đường hiếp-chế nhà vua, vua Chiêu-thống phải xuống mật chiếu vời Nguyễn hữu Chỉnh ra giúp.
2. NGUYỄN HỮU CHỈNH CHUYÊN QUYỀN Ở ĐẤT BẮC. Nguyễn hữu Chỉnh từ khi trở về Nghệ-an, chiêu-mộ dũng-sĩ, ngày đêm luyện-tập, nhân có chiếu nhà vua vào gọi, bèn thu-xếp được hơn một vạn quân ra giúp vua Lê. Trịnh Bồng đem quân ra chống giữ, đánh thua phải bỏ chạy. Hữu Chỉnh vào yết-kiến vua Chiêu-thống và chuyên giữ binh-quyền.
Trịnh Bồng có khởi binh mấy lần để toan sự khôi-phục, nhưng không thành công, cho nên cũng chán sự đời bèn bỏ đi tu, về sau không biết chết ở đâu. Họ Trịnh mất từ đấy.
Nguyễn hữu Chỉnh đánh đuổi họ Trịnh đi rồi, vua phong cho chức Đại-tư-đồ Bằng-trung-công 大 司 徒 鵬 忠 公. Từ đó Hữu Chỉnh cậy công khinh người, làm lắm điều trái phép, vua cũng lấy làm lo. Nhưng không biết trông-cậy vào ai, cho nên đành phải chịu vậy.
3. TÂY-SƠN LẤY ĐẤT BẮC-HÀ. Ở trong Nam thì từ khi vua Tây-sơn là Nguyễn Nhạc về Qui-nhơn rồi, tự xưng làm Trung-ương Hoàng-đế 中 央 皇 帝, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông-định-vương 東 定 王, ở đất Gia-định, cho Nguyễn Huệ làm Bắc-bình-vương 北 平 王, ở đất Thuận-hóa, lấy Hải-vân sơn làm giới-hạn.
Được ít lâu Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ có chuyện hiềm-khích với nhau, Nguyễn Huệ đem binh vào vây đánh thành Qui-nhơn, ngặt đế nỗi Nguyễn Nhạc phải thân lên thành mà kêu khóc, gọi Nguyễn Huệ mà bảo rằng : « Nỡ lòng nào lại nồi da nấu thịt như thế »[1].— Nguyễn Huệ động lòng mới giải vây rút quân về Thuận-hóa.
Trong khi anh em Tây-sơn đánh nhau, thì Nguyễn hữu Chỉnh ra Bắc-hà, đến khi anh em Tây-sơn đã giảng-hòa rồi, Nguyễn-Huệ ở Phú-xuân thấy Hữu Chỉnh lừng-lẫy ở đất Bắc, bèn sai Vũ văn Nhậm ra bắt.
Tháng 11 năm đinh-vị ( 1787 ) Vũ văn Nhậm phá quân Nguyễn hữu Chỉnh ở Thanh-quyết-giang ( làng Thanh-quyết, huyện Gia-viễn ), và ở Châu-cầu ( phủ Lý-nhân ) rồi đánh đuổi ra đến Thăng-long.
Vua Chiêu-thống thấy quân của Nguyễn hữu Chỉnh đã thua rồi, bèn bỏ Kinh-đô, chạy sang Kinh-bắc, và sai Lê Quýnh 黎 cùng với hơn 30 người tôn-thất đem bà Hoàng-thái-hậu bà Hoàng-phi và Hoàng-tử lên Cao-bằng. Còn vua thì cùng với Hữu Chỉnh về đóng ở núi Mục-sơn 睦 山 ở đất Yên-thế.
Tướng Tây-sơn là Nguyễn văn Hòa đem binh lên đánh bắt được Hữu Chỉnh đem về làm tội ở Thăng-long.
Vũ văn Nhậm giết Nguyễn hữu Chỉnh rồi, cho đi tìm vua Chiêu-thống không được, bèn tôn Sùng-nhượng-công tên là Lê duy Cẩn 崇 讓 公 黎 維 槿 lên làm giám-quốc để thu-phục lòng người.
Bấy giờ các quan không ai theo, Sùng-nhượng-công ở trong điện chỉ có vài người hoàng thân và mấy viên võ tướng, sớm tối hầu-hạ, còn thì không ai tâu hỏi việc gì cả. Ngày ngày cứ đi bộ sang chầu-chực bên dinh Vũ văn Nhậm. Văn Nhậm cũng không biết xử ra làm sao. Người kinh-thành thấy vậy gọi Sùng-nhượng-công là thầy đề-lại giám-quốc. Khi Bắc-bình-vương Nguyễn Huệ sai Vũ văn Nhậm ra đánh Nguyễn hữu Chỉnh thì đã có lòng nghi Văn Nhậm, cho nên lại sai Ngô văn Sở 吳 文 楚 và Phan văn Lân 潘 文 璘 làm tham-tán quân-vụ để chia bớt binh-quyền. Đến khi Văn Nhậm lấy được Thăng-long, bắt được Hữu Chỉnh rồi, có ý cậy tài và ra bộ kiêu-ngạo. Ngô văn Sở đem ý ấy viết thư về nói Văn Nhậm muốn làm phản. Bắc-bình-vương lập tức truyền lệnh kéo quân kỵ, đêm ngày đi gấp đường ra Thăng-long, nửa đêm đến nơi bắt Vũ văn Nhậm giết đi, rồi truyền gọi các quan văn võ nhà Lê cho vào yết-kiến, đặt quan lục-bộ và các quan trấn-thủ, để Lê duy Cẩn làm giám-quốc, chủ-trương việc tế lễ, dùng Ngô thời Nhậm 吳 時 任 làm Lại-bộ tả-thị-lang. Còn các quan nhà Lê thì có người ở lại nhận chức, có người trốn đi, cũng có người tuẫn tiết.
Bắc-bình-vương đã đổi đặt quan quân, chỉnh-đốn mọi việc xong cả rồi, chọn ngày về Nam, để bọn Ngô văn Sở ở lại giữ đất Bắc-hà.
Vua Chiêu-thống từ khi thua trận Mục-sơn chạy về núi Bảo-lộc, rồi nay ở Hải-dương, mai ở Sơn-nam, cùng với mấy người trung-nghĩa lo sự khôi-phục, nhưng vì thế-lực mỗi ngày một kém, bề tôi như bọn Đinh tích Nhưỡng thì giở mặt làm phản, còn thì ai nấy trốn-tránh đi mất cả, bởi thế cho nên cơ-nghiệp nhà Lê đổ-nát vậy.
Nhà Lê kể từ vua Thái-tổ khởi nghĩa, đánh đuổi quân nhà Minh về Tàu, lập lại cái nền tự-chủ cho nước nhà, truyền đến vua Chiêu-tông thì họ Mạc cướp mất ngôi. Sau nhờ có họ Nguyễn và họ Trịnh giúp đỡ, nhà Hậu-Lê lại trung-hưng lên, truyền đến vua Chiêu-thống tức là Mân-đế 愍 帝 thì hết.
Nhà Lê làm vua, kể cả Tiền-Lê và Hậu-Lê, được 360 năm (1428-1788), trước sau sửa-sang được nhiều việc: sự học-hành, việc luật-pháp, việc canh-nông đều được mở-mang ra hơn trước. Nhưng từ khi trung-hưng lên trở về sau nhà vua bị họ Trịnh hiếp-chế thành ra có vua lại có chúa. Vua ngồi làm vì, chúa giữ cả quyền chính-trị. Đến khi nghiệp chúa suy thì ngôi vua cũng đổ vậy.
Chú thích cuối trang
- ▲ Tục người trong Bình-định hễ đi săn được hươu nai gì thì lột da ra làm nồi mà nấu thịt : ở đây Nguyễn Nhạc có ý nói rằng cùng da cùng thịt nỡ nào hại lẫn nhau vậy.