Truyện ngắn Nhất Linh

Liệt nức tiếng là xinh nhất làng Nghi Hồng. Đôi khi quán sớm chợ chiều, cái sắc đẹp tươi tắn, cái vẻ duyên mặn mà của nàng đã làm xiêu lòng bao khách đi đường.

Nhà nàng rất nghèo. Cha mất sớm, nàng phải lo làm ăn để phụng dưỡng mẹ già, nên đã hai mươi tuổi mà không tưởng gì tới đường chồng con. Mẹ nàng nghĩ đến việc ấy vẫn áy náy không an tâm; bà mẹ phần nghĩ đến con phần nghĩ đến mình nên hai đường chưa dứt. Người trong làng thì không ai xứng mà xa xôi thì không tiện. Năm qua tháng lại mẹ con vẫn xum vầy vui vẻ.

*
* *

Tổng bên kia, cách làng Liệt một con sông, có một ông chánh tổng tuổi còn trẻ, người rất hào hoa, dân làng Nghi Hồng vẫn thường sang vay mượn. Ông chánh vốn có mươi mẫu ruộng bên Nghi Hồng, sợ đi lại không năng nên nhờ người làng làm mối cho một người vợ lẽ để trông nom ruộng nương thay. Họ mời ông sang xem mặt Liệt thấy nàng có nhan sắc thanh tao bằng lòng ngay.

Liệt nghĩ nhà mình nghèo cũng khó kiếm được tấm chồng danh giá, thấy ông chánh là người tử tế, còn trẻ tuổi, tuy phận lẽ mọn nhưng được ở gần mẹ già lại có sẵn ruộng nương của ông chánh cày cấy làm ăn, nên ngỏ ý nhận lời.

Có cheo cưới hẳn hoi song chỉ riêng bên làng Nghi Hồng, còn bên vợ cả thì không ai biết. - Ông chánh thỉnh thoảng là sang dăm bữa nửa tháng lấy cớ sang thăm ruộng, thu tiền. Hai vợ chồng rất là tương đắc.

Người bên Nghi Hồng sang vay thóc gạo, vợ cả ông chánh thường bắt nọn:

- Các ông xem bên Nghi Hồng có người nào nom được và chịu khó thời các ông làm mối cho một người để trông nom ruộng nương bên ấy.

Mọi người đều thưa:

- Dạ, thưa bà, bà nghĩ thế rất phải nhưng con gái làng chúng cháu thời toàn xấu như ma, đen như bồ hóng, chả có người nào tươm tất trông được cả. Nếu có thì chúng cháu xin hết lòng.

Người vợ cả thấy nói vậy, nên không nghi ngờ gì nữa. Liệt cũng được yên thân, mà tình chồng ngày thêm khăng khít.

Bỗng một hôm nhà ông chánh bị cướp vào đốt cháy sạch cả. Khi cướp đã tẩu thoát, ngọn lửa còn rực trời, người nhà không thấy bóng ông chánh, bà chánh và người con đâu, lấy làm lạ đổ xô đi tìm cũng biệt tăm. Người nói bị cướp bắt đi, người đoán chết trong đống lửa.

Hai hôm sau, người ta thấy xác người vợ và người con nổi ở trên sông, còn xác ông chánh thì không thấy đâu. Nhưng có một điều chắc là ông chánh cũng không còn sống vì có người tìm thấy cái áo của ông vướng vào bờ sậy.

Có người sang báo tin cho Liệt biết, nàng cứ thờ ơ như không. Mẹ nàng bảo dẫu sao cũng là vợ chồng, nên sang bên ấy chịu tang mới là phải. Nàng thưa:

- Sự cưới xin chỉ riêng bên này biết mà thôi. Con sang lễ, nhận làm vợ để chịu tang người nhà bên ấy ai biết con là ai, ngộ nhỡ họ đuổi ra, có phải là nhục không? Xin mẹ cứ để con không sang là hơn.

Người trong làng trước khen Liệt thế nào, bây giờ lại chê như thế. Ai ai cũng nói:

- Cái con ấy thế mà bạc, ăn ở với người ta gần một năm trời, bây giờ cứ thờ ơ, lạnh nhạt như không. Con người vô tình quá.

Liệt nghe thấy lời mai mỉa cứ thản nhiên, nét mặt lại tươi lên bội phần, cười đùa luôn.

Đi đâu nàng ăn mặc cho thật gọn gàng đẹp đẽ, cái khăn vuông thắt thế nào cho thật xinh, săn sóc làm dáng để tô điểm cái vẻ đẹp vốn sẵn có. Bà mẹ cũng không hiểu vì sao con mình lại vô tình đến thế.

*
* *

Mấy tháng sau, Liệt bỏ nghề dệt vải, làm nghề chăn tằm, ngày ngày đi hái lá dâu các làng quanh đấy - trước còn mua dâu bên này sông, dần dần qua đò sang bên làng ông chánh. Lân la mỗi nhà mua một ít, hễ gặp bà cụ nào ngồi rỗi thì nàng đến vẩn vơ chuyện hão.

- Cụ này, năm ngoái chúng cháu đến nhà ông chánh mua dâu thấy nhà ngói cây mít san sát, mà bây giờ cháu đến thì không biết sao trông tiều tụy thế?

- ấy, năm ngoái nhà ông ta bị cướp đốt phá, nó lại giết cả hai vợ chồng với đứa con. Khốn nạn! Ông ta vẫn là người tử tế, ai ai cũng có bụng mến.

Liệt lại đến mua dâu làng khác, gặp mấy người lại kề cà mở túi trầu nói những chuyện đâu đâu rồi mới đả động đến:

- Gớm nhà ông chánh bây giờ cướp phá tan tành không còn gì. Tôi đến đấy mua dâu nghe họ nói đám cướp ấy to lắm. Các quan cho người về dò xét cũng không ra, chuyện ấy lại lỉm đi. Thương hại ông chánh người tử tế mà bị cướp nó giết.

- Cướp gì đấy, lại người trong tổng nó thù nó giết chứ gì - cướp với kiếc gì...

- ấy chết bà nói khẽ chứ... mình dám đâu chắc, ngộ nhỡ thì oan gia.

Bà kia lại càng nỏ mồm:

- ở đây ai chẳng biết, còn phải giấu giếm gì... Chỉ có lão bá Mịch làng Ngang. Hai nhà ấy họ vẫn thù hằn nhau đã lâu, nó cho mấy đứa đầy tớ giả vờ làm cướp giết phăng đi... ai biết đó là đâu.

- Sao bảo có mật thám về xét.

- Mật thám về mà làm gì. Biết nhưng tang chứng không có.

Bây giờ Liệt chỉ còn tìm cách gần lão bá Mịch.

Nàng lại ngày ngày cắp rổ đi mua dâu, gặp ai cũng than thở:

- Độ này túng quá, nghe nói có cụ bá bên này, muốn sang vay mượn ít đồng mà không biết có ai quen đưa đến.

Họ mách có nhà bà Hậu là thân với ông bá lắm. Hôm sau Liệt đến mua dâu nhà bà Hậu, đáng độ hai, ba xu thì trả tăng lên bốn, năm xu. Ngày nào cũng đến, dần dần không mặc cả, cứ hái xong là trả tiền về. Có khi lần khân ở lại nói chuyện, thấy việc gì thì làm:

- Cái sân này rác quá, bà đưa chổi cháu quét đỡ.

- Cối thóc này xay giở, bà đưa cháu xay một lúc thì xong chứ gì.

Liệt làm gì cũng nhanh nhẹn thoăn thoắt, bà Hậu thấy vậy đem lòng mến, có khi sẵn cơm thì giữ ở lại ăn cơm, lâu lâu thân như người nhà. Hỏi đến cha mẹ nàng thì nàng nói cha mẹ mất đã lâu, ở với chú thím tận dưới làng Hoài.

Một buổi chiều về, bà Hậu thấy Liệt đến, mang cái khăn gói to, lấy làm lạ, hỏi thì nàng khóc như mưa, vật mình than thở:

- Chú thím tôi định ép tôi lấy một đứa rất hèn hạ, chỉ đáng xách dép cho nhà tôi mà thôi. Cưỡng quá tôi phải bỏ nhà đi, không mặt mũi nào mà lấy thằng ấy được. Bây giờ tôi đi đâu không biết, nhưng thế nào cũng phải đi. Tôi thấy có bà là chỗ tử tế nên đến đây chào bà để đi, mà đi phen này thời không biết có về nữa không.

Nói xong lại khóc, lại nói, thật là thảm thiết.

Bà Hậu mọi lần thấy nàng vui vẻ, nay thấy nàng như vậy động lòng thương, nhất định giữ lại không cho đi đâu. Liệt khăng khăng nhất định đòi đi, bà Hậu phải giấu kín khăn gói mới giữ được nàng ở lại.

ở đấy được hơn một tháng, thấy bà Hậu nói chuyện sang vay thóc bên cụ Bá nàng xin đi theo để gánh thóc.

Trước khi đi, nàng vào trong buồng trang điểm giấu bà Hậu.

Lúc ra ngõ thấy bên giậu có bông hoa hồng mới nở, Liệt bỗng nảy ra một ý hay, liền hái trộm bông hoa, trở về buồng, vò nát mấy cánh hoa, rồi xoa lên má: đôi má hồng như tôn cái sắc của nàng lên nhiều lắm.

Ông Bá đương nằm ở sập thấy bà Hậu vào vội ngồi dậy. Ông ngồi dậy không phải vì bà Hậu nhưng chính vì thấy bóng Liệt thấp thoáng theo sau. Ông Bá mới trông thấy đã mê mệt. Cô Liệt bước vào khúm núm, e lệ ngồi ở tràng kỷ, lát lát lại đưa mắt nhìn trộm ông Bá nửa như ngây thơ, nửa như lơi lả.

Ông Bá góa vợ đã lâu, ý muốn tìm người vợ kế, nên hôm sau mời bà Hậu lên chơi, hỏi xem Liệt là ai, người ở đâu, và nhờ bà Hậu lo giùm cho, sẽ tặng riêng rất nhiều tiền.

Bà Hậu thường đêm khuya đến tỉ tê nói chuyện khuyên lơn Liệt:

- Chẳng nhẽ cô cứ ở vậy sao? Lấy người trai tơ thường nhà nghèo khó cả, vả lại lấy phải những đứa vũ phu, nhỡ xẩy việc gì nó thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thì khổ. Giá đi lấy lẽ những người danh giá, giầu có mà chưa con thời tôi tưởng cũng là sung sướng lắm chứ.

Liệt đáp:

- Bà cứ nói chuyện không đâu, những người ấy thời ai người ta lấy đến những hạng như chúng cháu.

Bà Hậu biết nàng thuận, liền đem việc ông Bá nói lại. Liệt trước còn khăng khăng cự tuyệt, tìm cớ chê bai, sau thấy bà Hậu nói mãi, cũng làm bộ xiêu dần.

*
* *

Thế là Liệt vài tháng sau đã nghiễm nhiên là vợ ông Bá. Nhưng từ hôm cưới trở đi, hễ ông Bá vào buồng thì nàng ôm bụng kêu trời kêu đất:

- Ông ra ngay, không thời nó đâm chết tôi bây giờ, tôi đau lắm... Kìa có ba đứa nó theo sau ông, hai người đàn ông và một người đàn bà nó đương cầm dao sắp đâm tôi đấy, mau lên không thời chết cả bây giờ.

Một hôm Liệt đón ngõ gọi một người thầy bói vào xem, có cả ông Bá ngồi đó.

Cô thầy bói gieo quẻ, nói:

- Nhà này như có oan hồn lẩn quất, phải lập đàn giải thoát không thì tai họa (hôm trước Liệt đã có cho tiền và dặn phải nói như thế).

Lúc thầy bói đi rồi, Liệt gọi ông Bá lại, rươm rướm nước mắt, nói:

- Ông muốn cho tôi sinh nở với ông thời phải lập đàn giải thoát cho oan hồn ấy. Việc là việc hệ trọng, ông không nên coi thường. Nếu không thế thì cho tôi về thôi, chứ vợ chồng với nhau thế này thì cả hai đều cực cả. Bây giờ làm chay cho oan hồn đi nơi khác thì mới mong vợ chồng ăn ở với nhau được.

Liệt nói xong, lấy tay ôm mặt khóc nức nở.

Ông Bá nói:

- Oan hồn nào, lại cái thằng Chánh ở Cốc chứ gì, ừ làm chay thì làm chay.

Liền cho người đi thỉnh các sư ở vùng ấy đến, lập đàn chay giải oan, tiếng chiêng tiếng trống rộn rịp ba bốn ngày trời. Người trong làng rủ nhau đến xem như hội.

Bỗng một hôm, Liệt đương ngồi đối diện ông Bá, giật mình như người vừa nghĩ ra việc gì hệ trọng rồi nói với ông Bá:

- Tôi quên mất, bây giờ mới nghĩ ra. ừ thì lập đàn, nhưng cúng ai, cúng ai mới được chứ. Chuông trống long tong cả ngày thế này thì còn có nghĩa lý gì nữa.

Rồi nàng ghé vào tai ông Bá nói:

- Việc không nên hở cho ai biết. Vậy ông phải làm tờ sớ viết tên tuổi những oan hồn ấy...

- Nhưng đừng cho người ngoài biết mới được.

- Chính vậy, ông viết xong đưa tôi để tôi đem lên cho vào hòm sớ, rồi chính tay tôi đốt, việc này không thể để các nhà sư được, nhỡ lộ thì lôi thôi.

Tối hôm ấy, ông Bá lấy giấy viết tên tuổi cẩn thận gập lại đưa cho vợ. Liệt đã gấp sẵn một tờ giấy như thế, lúc lên đàn, gặp khi bối rối, nàng bỏ tờ giấy có chữ ông Bá vào trong yếm, đem tờ giấy trắng ra đốt.

Sáng hôm sau, ông Bá không thấy Liệt đâu, cho người vào buồng xem thì buồng không, đi hỏi khắp các nhà quen cũng không ai gặp Liệt.

Trong lúc đó, trên con đường đá, Liệt nhẹ bước, cắm đầu đi thật nhanh.

ở nhà, ông Bá đợi mãi... đến trưa không thấy nàng về ăn cơm... đến chiều... lính trên phủ về có giấy bắt ông Bá giải đi. Các sư lục tục giải tán. Xôi, nến, chuối, vàng, oản lổng chổng khắp mặt đất. Tin ông Bá bị bắt, vợ ông Bá trốn, đồn rầm khắp nơi.

Lão Bá lên đến phủ, quan hỏi còn một mực chối, đương gân cổ cãi thì ở buồng bên cạnh Liệt lững thững bước ra. Lão Bá giương mắt nhìn tưởng mình chiêm bao, định há miệng nói thì ông phủ giơ ra trước mặt một tờ giấy trên có mấy dòng chữ. Lão Bá thấy rõ chữ mình mới viết đêm qua, không thể cãi vào đâu nữa, kêu lên:

- Trời ơi! Nó giết tôi rồi!

Mấy hôm sau, lính giải lão Bá về chỉ chỗ chôn ông Chánh. Liệt gần hai năm nay nuốt lệ, gượng vui, bấy giờ trông thấy xương chồng, không sao cầm được nước mắt, than khóc rất thảm thiết.

Những người đi xem và người làng xưa kia vẫn chê nàng bạc bẽo, vô tình, thấy thế ai cũng cảm động.

Rút từ tập truyện ngắn Anh phải sống, 
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1934

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá