Trống mái
Bà Hậu và Hiền ngồi trên một cái mảng ngắm ánh trăng nhảy lộn với làn sóng biển. Hai người cùng yên lặng theo những ý tưởng riêng của mình. Bỗng bà Hậu bảo con:
- Mai về Hà- Nội thôi Hiền ạ.
- Vâng, tùy mẹ.
Bà Hậu còn nhớ hôm mới ra Sầm Sơn, Hiền chỉ nặng nặc đòi về... Nào kêu buồn, nào nóng không ngủ được, ôi thì đủ thứ!... Thế mà từ đó tới nay đã gần một tháng, không một lần Hiền nhắc đến chuyện về nữa. Bà ghĩ thầm:
- “Hay nó...”
Bà thường thấy Lưu đến nhà bà luẩn quẩn quanh con gái bà. Cả một thời niên thiếu của bà hiện lại với những tiến cười đùa ròn rã trong khoái lạc. Muốn dò ý con, bà hỏi:
- Lưu học trường Luật phải không con?
- Vâng.
- Nghe chừng là người hiền lành?
Hiền cười:
- Vâng, hiền lành lắm.
Rồi nàng đứng dậy cúi lom khom ghé nhòm trên mặt cát.
- Mày tìm cái gì thế?
- Thưa mẹ, con cua.
Dứt lời, nàng chạy đuổi. Nhưng vụt một cái, con dã tràng đã lẩn trong lớp sóng đương cô vào bãi cát. Con ấy biến đi, con khác hiện ra tức khắc. Và Hiền vừa đuổi, vừa đi ngược mãi lên phía mỏm đá.
Biết con vật chỉ cắm đầu chạy thẳng xuống nước, Hiền rón rén ra phía biển đứng ngắm rồi săn ngược lên làm nó cuống quít chui vào một cái lỗ để ẩn thân. Cái cảnh tượng hiện ra và biến đi trong chớp mắt của con cua trên khoảng ánh trăng in làn cát khiến nàng ngây người tìm môt sự so sánh. Nhiều khi nàng cảm thấy sự sung sướng chẳng biết từ đâu vụt hiện ra trong tâm hồn nàng rồi chỉ một phút sau đã bị một ý nghĩ buồn tẻ xóa mất ngay không còn để dấu vết chẳng khác nào bóng con cua lướt qua ánh trăng.
Rồi từ hạnh phúc, Hiền nghĩ tới thời thơ ấu. Mới ngày nào nàng còn bé dại mà nay đã 20 tuổi rồi. Ngày tháng trôi mau chóng quá!
Có một nhóm ba người đang dạo mát. Khi đi ngang qua liền dừng lại tò mò nhìn nàng. Một người cười hỏi:
- Chị Hiền tìm gì mà cúi lom khom thế kia?
Nhận được tiếng của Lưu, Hiền đứng thẳng lên đáp:
- À, tôi ngắm những con cua. Chúng nó chạy hay lắm!
Lưu trỏ vào Hiền:
- Kìa, đàng kia có một con.
Rồi chàng đuổi bắt nhưng không cúi xuống nên ánh trăng phản chiếu lên mặt làm cho chàng quáng lòa chẳng biết con vật chạy đàng nào nữa, chỉ biết đứng ngơ ngác tìm. Mọi người cười rội lên.
Lưu rủ Hiền nhập bọn nhưng nàng từ chối, vịn cớ mỏi chân. Thật ra, nàng hẹn với Vọi đêm nay lên bãi Sầm Sơn đánh rút nên đứng đó để chờ. Đã hơn tuần lễ nay, Vọi không kéo cá ở bãi xóm Sơn. Chiều chiều, Vọi chỉ đem phần lưới của mình đến kéo chung với cậu của chàng.
Đêm nào Hiền cũng ra xem, nhất lại gặp thời kỳ có trăng. Một lần đứng nói chuyện với Vọi, nàng bỗng bật cười vì nghĩ đến cái cảnh hẹn hò của cặp tình nhân. Và nàng nói đùa:
- Sao độ này anh hay đánh cá ở đây thế?
Nàng chắc rằng câu hỏi sẽ làm cho Vọi bẽn lẽn thẹn thùng. Nhưng trái với sự tiên đoán của nàng, Vọi vẫn thản nhiên trả lời:
- Thưa cô, vì ở đây sẵn cá hơn. Với lại, vì tôi nể lời cậu tôi.
Thì ra không phải vì nàng mà Vọi đến bãi Sầm Sơn. Hiền lại bật cười tự nhủ thầm:
- “Vì mình thế nào được? Anh dân chài kia khi nào dám mơ tưởng đến mình! Và anh chàng đã hiểu tình yêu là cái quái gì!”.
Hiền đương nghĩ ngợi liên miên thì bà Hậu lại gần bảo về ngủ.
- Thưa mẹ, hãy còng sớm. Ở đây hóng mát đã!
Bà Hậu vừa gặp Lưu nên ngờ rằng Hiền đứng đó chờ đợi chàng ta. Nhưng giữa lúc ấy, một người đánh cá đi đến. Hiền nhận ngay ra Vọi nên vui mừng hỏi:
- Anh Vọi đi đánh rút đấy phải không?
Vọi lễ phép chào bà Hậu rồi nói cho Hiền biết rằng cậu của chàng cùng hai con và phường bạn đương thả lưới ở mạn dưới.
- Nhưng sao anh lại không ở đây?
- Tôi muốn dao mát một lát.
Câu trả lời của Vọi đang làm cho Hiền nghĩ vẩn vơ đến nhiều chuyện thì Vọi lại nói:
- Thưa bà, thưa cô. Bàn chân đặt lên cát ướt sáng loáng như bạc.
Sự nhận xét của chàng rất đúng và lại rất tình tứ khiến Hiền phải kinh ngạc. Bà Hậu cúi xuống nhìn đáp:
- Ờ nhỉ!
Hiền cười:
- Thưa mẹ, anh Vọi làm thơ đấy.
Bà Hậu nói đùa:
- Vậy mai kéo được cá, ‘thi- sĩ’ đem đến bán cho tôi nhé!
Vọi thật thà đáp:
- Thưa bà, xin vâng.