Tiêu Sơn Tráng Sĩ
Thanh Xuyên hầu, Trương Đăng Thụ là một trang thiếu niên tuấn tú, con quan Kiến Xuyên hầu, người làng Thanh Nê, trấn Sơn Nam.
Kiến Xuyên hầu làm thượng thư bộ lễ thời chúa Trịnh Sâm. Khi Sâm mất, Khải và Cán chia ra hai phe đánh cướp nhau ngôi chúa, thì hầu chán nản cáo quan về làng, Trương Đăng Thụ hồi đó đang làm hiệp trấn Lạng Sơn.
Kịp khi Tây Sơn dứt nhà Lê, vua Chiêu Thống qua trấn Lạng sang Tàu, Thụ xin hộ giá tòng vong, nhưng vua truyền ở lại xem xét tình hình trong nước và để sau này làm nội ứng cho quân cứu quốc ở ngoài đưa vào. Thụ ép lòng nhậm chức cũ, đợi xem Tây Sơn xử trí ra sao. Chàng nghĩ thầm: "Dù có vì thế mà bị hại, thì cũng là một cách báo đền ơn vua".
Triều đình Tây Sơn có rõ điều ấy chăng? Chỉ biết rằng vua Quang Trung săn sóc đến bọn bầy tôi nhà Lê một cách tha thiết, chu đáo. Ai đi trốn thì tìm về cho làm quan, ai ở chức cũ thì cất nhắc lên chức trên, còn những người nào nhất quyết từ chối không chịu nhận quan tước thì đẽ mặc ý về quê an cư lạc nghiệp, không phiền nhiễu tới. ĐÓ chỉ là một chính sách thu phục nhân tâm, có chi lạ.
Cũng vì thế mà Trương Đăng Thụ đương ở chức hiệp trấn được nhắc lên chức trấn thủ. Nhưng ta đừng vội tưởng đó là sự khoan hồng của nhà Tây Sơn. Trong chính giới, không có cai gì người ta làm vì tình cảm hết, ở đời nay hay ở đời Tây sơn cũng vậy. Trước kia, Trương Đăng Thụ còn ở chức hiệp trấn thì tuy dưới quyền quan trấn thủ nhưng bao binh lực chốn biên thuỳ đều ở trong tay mình. Nay được thăng chức trấn thủ tức là bị tước hết binh lực. Vả viên hiệp trấn mới lại là một tướng thân tín của vua Tây Sơn từ Quảng Nam theo vua ra Bắc, và một số đông binh lính mới lại là người đường trong, trung thành với nhà vua, với triều đình Vậy thì quan trấn thủ Trương Đăng Thụ thực chẳng khác một tên tù giam lỏng, tuy vẫn được quan hiệp trấn và các viên liêu thuộc rất tôn trọng.
Trương Đăng Thụ cũng thừa hiểu, nhưng phải vờ trung thành với triều đình mới, dù ngày đêm vẫn lo mưu khởi nghĩa để phục hưng nhà Lê.
Một hôm lòng buồn bực, trí chán nản, Thụ đến vãn cảnh chùa Tam thanh, và nhận thấy sư cụ Phổ Mịch là một bậc cựu thần nhà Lê. Hai người liền đem tâm sự ra kể lể. Lúc bấy giờ sư cụ mới bỏ lòng khinh bỉ Thanh Xuyên hầu, vì trước kia vẫn tưởng lầm rằng hầu ham công danh, phú quý, bỏ vua theo giặc.
Nghe sư cụ thành thực tạ lỗi, Thanh Xuyên thở dài mà rằng:
- Sư cụ, - xin cứ xưng hô như thế cho tiện - sư cụ ngờ oan cho Thụ này, thật chẳng có gì là quá đáng. Thời này, ai đã dễ mà tin hẵn được ai? Bậc trung thần nghĩa sĩ, anh hùng khảng khái thì ít, mà đồ siểm nịnh ham danh vụ lợi thì nhiều.
Những hạng siểm nịnh ấy, tôi có trách đâu. Cái chí bình sinh của họ ở chổ vinh thân phì gia, thì họ cứ việc mà theo cái chí lớn ấy cho kỳ tới mục đích, nào ai cấm đoán, mà nào ai bảo sao... Tôi chỉ trách riên bọn bầy tôi nhà Lê ngoài miệng leo lẻo những chữ trung quân, ái quốc, phò Lê diệt tặc, mà trong lòng chứa đầy sự ham muốn cho mình, cho vợ con mình. Tôi chẳng cần kể tên bọn họ ra đây, vì chính tôi cũng đương ở một điạ vị vừa khả nghi vừa khó xử... Nhưng sư cụ thử nghĩ xem, lúc phò thánh giá, bọn kia nói những gì khảng khái biết bao? Thế mà bây giờ tôi chỉ biết mấy thằng trong đám nghĩa binh xưa đang dự vào những chức trọng yếu trong triều... Sư cụ đừng ví họ với tôi. Tôi chỉ là một tên tù giam lỏng mà thôi, không có quyền binh gì trong tay. Chứ bọn họ - bọn đồng chí xưa của ta - thì trái hẳn, nay họ chỉ hô một tiếng là đầu chúng ta rụng, họ chỉ vẫy tay một cái là cả một hạt bị tàn phá. Công to của họ đối với triều đình Tây Sơn là đã hoặc dụ hàng, hoặc chém giết hàng trăm hàng nghìn bậc cựu thần nhà Lê. Tôi đây hẳn là cái gai trước mắt bọn họ, họ chỉ chờ dịp bứt đi mà thôi.
Phổ Mịch hết lời an ủi Thụ, rồi đem công việc đảng Tiêu Sơn ra bàn. Thanh Xuyên hầu cả mừng mà rằng:
- Tôi vẫn nghe đất Kinh Bắc có nhiều bậc anh hùng. Bây giờ mới biết rằng một đảng lớn mới thành lập ở đấy. Thực là đại phúc cho nhà Lê ta!... Nhưng có phải dư đảng của Nguyễn Đoàn không?
- Không, đảng trưởng đảng Tiêu Sơn là Phổ Tĩnh thiền sư. Nhưng mới có cựu quân sư của Nguyễn Đoàn nhập đảng.
- Phạm Thái phải không, bạch sư cụ?
- Chính Phạm Thái, thế ra ngài biết cũng tường tận lắm nhỉ.
Từ hôm đó thỉnh thoảng Trương Đăng Thụ lại đến vãn cảnh động - chàng không ra luôn, sợ gợi lòng nghi ky của viên hiệp trấn. Nhưng sau chàng nghĩ được một diệu kế là vờ ham mê đạo Phật, mua đủ cách thứ kinh về xem, rồi đoạn sách nào không hiểu, lại thân ra chùa Tam Thanh hỏi sư cụ.
Viên hiệp trấn thấy vậy chỉ cười, cho trấn thủ là người mê tín đạo Phật và không đáng đề phòng cẩn mật lắm như triều đình đã có lệnh: "Phải, còn có việc gì, chẳng xem kinh Phật thì làm cái gì?" Viên hiệp trấn lấy làm đắc chí, tâu luôn mấy điệp sớ về triều, kể tình trạng sự thay đổi tâm tính của Thanh xuyên hầu.
Nhưng trong khi ấy Phổ Mịch và Trương Đăng Thụ vẫn được bình tĩnh cùng nhau bàn quốc sự. Rồi nhờ Phổ Mịch giới thiệu, Thụ xin vào đảng Tiêu Sơn và biên thư xin Phổ Tĩnh phái Phạm Thái lên trấn Lạng để cùng hai người lo toan việc lớn.