Tân Phong nữ sĩ

Một bữa chúa nhựt, cô Tân Phong uống cà phê sớm mơi rồi, cô ngồi xe vô trường Chasseloup-Laubat rước em là Nghĩa, đem về Chợ Quán mà thăm cha mẹ.

Cũng như các chúa nhật khác, bữa nay vợ chồng ông Từ Đại Đạo cũng có ý trông hai con, song bà ngồi tại bộ ván giữa cứ ăn trầu hoài, còn ông thì đi xẩn bẩn trước sân, vạch lá cây mà bắt sâu, cắt nhánh úa cho sạch sẽ.

Xe hơi vô sân rồi ngừng. Cô Tân Phong với trò Nghĩa nhảy xuống mừng cha, rồi mỗi người nắm một tay mà dắt vô nhà. Ông Đại Đạo đi với hai con, mặt ông tươi rói.

Vô tới nhà, cô Tân Phong với trò Nghĩa thấy mẹ, liền buông cha ra mà chạy lại, rồi cô Tân Phong ôm ghì mẹ mà hun, trò Nghĩa thì ngồi trước mặt, nói giọng nhõng nhẽo theo con cưng. Bà Đạo xô cô Tân Phong nhẹ nhẹ mà nói: ”Con xuống bảo bầy trẻ dọn đồ lót lòng đặng ăn với thầy con. Từ hồi sớm mai tới bây giờ, ổng chờ bây nên ổng chưa ăn lót lòng”.

Cô Tân Phong coi dọn đồ rồi mời cha mẹ đi ăn. Hai ông bà ngồi lại bàn mà ăn với hai con, hai ông bà vui cười mà hai con cũng hớn hở. Cô Tân Phong nói: ”Con xin phép thầy má Tết nầy cho con đi Nha Trang nghỉ ít bữa”.

Bà Đạo hỏi:

-         Con đi với ai?

-         Con mời chị em bạn đi với con.

-         Đi chơi xa, mà con gái đi với nhau như vậy sao được?

-         Má sợ họ bắt cóc con hay sao?

-         Biết chừng đâu.

-         Má đừng lo, gái nào thì con không biết, chớ chị em bạn của con với con đây thì đủ sức giữ mình.

-         Con đừng có nói giỏi. Như đi dọc đường kẻ hung hãn nó đón nó ăn cướp con thì sao?

-         À, với bọn cường khấu thì con phải chịu thua. Má nói như vậy, thôi để con rủ hai vợ chồng anh bác vật Qui đi với con. Có ảnh thì khỏi lo, mà như ảnh không chịu đi thì con bảo anh Hạo Nhiên đi cũng được.

-         Má nghe nói đi đâu con cũng dắt Hạo Nhiên theo hết thảy. Hạo Nhiên chưa có vợ, con làm như vậy khó coi quá.

-         Hạo Nhiên là bạn thiết của con. Ảnh kính trọng yêu mến con lắm, dầu con bảo anh chết thì ảnh cũng vui lòng mà chết liền. Ấy vậy có đi đâu con cũng dắt ảnh theo, đặng ảnh bảo vệ cho con, có gì đâu mà khó coi.

-         Trai chưa vợ, gái chưa chồng mà đi cặp với nhau hoài thiên hạ người ta dị nghị chớ.

-         Thiên hạ họ biết gì mà dị nghị. Con thường nói với má, con là con trai, chớ không phải là con gái mà sợ họ dị nghị. Vậy chớ hơn một năm nay con ở một mình, con giao thiệp với đờn ông con trai má có thấy con hư chỗ nào hay sao mà má lo.

-         Phải, về cái hạnh của con thì má không thể trách con được. Tuy vậy mà con cũng phải vừa vừa vậy, đừng có làm thái quá.

-         Trong việc nào cũng vậy, hễ con liệu không phạm đến danh dự hoặc nhân phẩm của con thì con làm, không biết sao là vừa sao là thái quá. Thầy hiệp ý với con nên thầy cho con tự do hành động. Con xin thầy phán đoán cho quân bình, thầy nói ngay ra hơn một năm nay con có làm gì trái mắt hay thầy không?

Ông Đại Đạo ăn rồi, ông đứng dậy dợm đi qua phòng khách, ông nghe con hỏi thì ông đáp:

-         Được lắm, nếu con giữ được như vậy hoài thì thầy toại ý không biết chừng nào. Má con lo, chớ thầy có lo chi đâu.

-         Con nói thiệt, con lập tờ „Tân Phụ Nữ” thì con cũng như người cầm đuốc mà soi đường cho chị em phụ nữ thấy mà đi theo. Con phải giữ phẩm hạnh cho cao mà làm gương cho chị em phụ nữ, nhứt là con quyết làm cho thiên hạ khỏi chê bọn con gái tân thời nữa.

Bà Đạo với hai con cùng ăn rồi trở qua phòng khách mà uống nước.

Ông Đại Đạo ngồi hút thuốc phì phà mà nói: “Đốc tơ Vĩnh Xuân chê con mình không có nết na, nó từ hôn đặng kiếm con nhà gia giáo mà cưới. Sao cưới vợ không đầy một năm, rồi lại nghe bỏ nhau không biết”.

Bà Đạo chưng hửng nên hỏi:

-         Vĩnh Xuân thôi vợ hay sao? Sao ông hay?

-         Bữa hôm tôi ghé trạng sư Hùng mà giao cái toa của thầu khoán Kiển mua cây mà cậy ông kiện. Tôi đương nói chuyện, kế Vĩnh Xuân vô. Tôi nghe nó nói chuyện với trạng sư Hùng, tôi mới hay.

-         Té ra ông có gặp Vĩnh Xuân, nó biết ông hay không?

-         Cái đó tôi không hiểu. Nó vô nó cúi đầu chào tôi rồi đứng nói chuyện với trạng sư. Chừng đi nó cũng cúi đầu chào, chớ không nói một tiếng chi với tôi hết.

Cô Tân Phong chen vô nói: “Con chắc Vĩnh Xuân không biết thầy đâu. Người đó không nhớ ai hết. Nói chuyện với con đã hai lần mà cũng không biết con”.

Ông Đại Đạo ngạc nhiên hỏi con:

-         Nói chuyện với con ở đâu? Nói chuyện gì?

-         Ảnh lại thăm con một lần tại báo quán, một lần tại nhà con. Lần đầu tại báo quán thì ảnh cải tôn chỉ tờ báo của con. Lần sau tại nhà thì ảnh đến đặng ve con.

-         Người như vậy mà con tiếp rước nói chuyện làm chi?

-         Có hại chi đâu, thầy. Nói chuyện đặng coi ý họ muốn việc gì chớ.

-         Con tiếp rước nó, ví như nó nhìn nó biết con thì kỳ quá.

-         Dầu họ nhìn họ biết con, thì họ hổ, chớ con có hổ đâu mà con sợ.

Bà Đạo chen vô nói:

-         Thiệt như vậy. Họ chê con, mà bây giờ họ lết đít đến nhà, thì họ mắc cỡ, chớ mình có mắc cỡ đâu. Ham cưới vợ giàu, rồi sao bây giờ lại để bỏ đi.

-         Chớ ở sao được mà ở, má. Tính cưới vợ theo nề nếp xưa. Nề nếp ở đâu không thấy, mà nói chuyện gì nó cũng không hiểu, nó giỏi có cái tài ghen. Ghen làm sao ai rước đi coi bịnh nó cũng ghen, ai đến coi mạch nó cũng ghen bởi vậy mà trong nhà tối ngày sáng đêm ghe những tiếng vô vị, mà đi đâu cũng không được. Vợ chồng như vậy thì ở với nhau sao được. Mà để cũng không phải dễ đâu. Vĩnh Xuân vô xin đơn để vợ, viện cớ vợ hỗn ẩu, lại bỏ nhà chồng. Bà vợ hay, lại mướn trạng sư cãi lại về tội sang đoạt, viện lẽ hồi cưới có đưa cho chồng 20 ngàn đồng bạc đặng lập nhà thương, bây giờ chồng muốn giựt số bạc ấy, nên kiếm chuyện để bỏ. Tòa còn đương tra xét. Con  tưởng thoát cho khỏi cái ách vợ nề nếp ấy không dễ gì đâu.

-         Đáng kiếp! Có vậy họ mới tởn, mà chuyện của người ta sao con rõ dữ vậy.

-         Con biết hết, bà trạng sư Hùng quen với con, nên bà thuật hết cho con nghe. Anh Vĩnh Xuân cũng thuật rõ việc nhà của ảnh cho con hiểu nữa.

-         Hồi nầy coi nó lết tới nó ve con. Nó không biết con là ai, mà sao nó dám tới ve?

-         Bởi ảnh không biết con nên ảnh mới dám tới chớ.

-         Nó ve nó nói làm sao?

-         Ảnh nói chuyện với con lần đầu, coi thế ảnh mê con nên lần sau ảnh năn nỉ xin con hứa để ảnh để vợ xong rồi thì con ưng ảnh đặng ảnh cưới.

-         Hứ! sao hồi trước chê, rồi bây giờ năn nỉ xin cưới. Con chịu hay không?

-         Thưa không. Con nói hẳn hòi, con không chịu ưng ảnh. Ảnh thất vọng, ảnh xin kết làm anh em bạn với con, con cũng không chịu.

-         Con trai với con gái mà kết làm anh em bạn lỗi gì?

-         Cũng được vậy chớ, có hại gì. Con có mấy người bạn đờn ông, họ yêu mến kính trọng con lắm, có sao đâu. Mà con không chịu kết bạn với anh Vĩnh Xuân, con muốn để ảnh chơi vơi giữa dòng sông cho ảnh sáng con mắt. Lúc nầy ảnh coi bộ muốn đuối rồi.

-         Sao nó xin cưới con, con không nói thiệt con là ai, cho nó mắc cỡ chơi?

-         Có gấp gì đâu má, trước sau rồi thì ảnh sẽ biết. Mà biết muộn chừng nào thì càng hổ thẹn thêm chừng ấy.

-         Ví như Vĩnh Xuân nó để vợ xong rồi, nó ăn năn chuyện cũ, nó tới đây năn nỉ với thầy má mà xin cưới con, con có ưng hay không?

Cô Tân Phong nghe mẹ hỏi như vậy thì cô cười ngất. Cô không trả lời theo câu hỏi ấy mà cô lại nói:

-         Hôm nọ con có khuyên ảnh như vậy, mà coi bộ ảnh mắc cỡ quá, ảnh không dám tới đây đâu.

-         Hồi trước nó từ hôn vì nó sợ con không có nết na. Bây giờ nó không dè con là người nó chê hồi trước, mà nó thấy nết na con nó lại ái mộ. Má tưởng hồi nó biết con là ai rồi, nó đến đây năn nỉ thì thầy con với má cũng nên hỉ xả, đặng con có đôi bạn với người ta.

-         Ý! không được đâu má. Sự hứa hôn hồi trước đã dự[1] rồi. Bây giờ phận con tự do. không có cái gì ràng buộc con hết. Ưng hay không đều tự ý con, má đừng có ừ bất tử.

-         Nếu người ta biết lỗi, người ta xuống nước thì con cũng hỉ xả cho xong.

-         Má cứ muốn cho con lấy chồng hoài!

-         Không muốn sao được. Con gái ở một mình, làm việc với đờn ông con trai, mà đi chơi cũng với đờn ông con trai. Má lo quá, má muốn con lấy chồng phứt cho rồi.

-         Con làm việc và đi chơi với đờn ông con trai luôn luôn, mà con không hư thì con mới giỏi. Má nghĩ lại coi, ví như bông sen trắng nó trổ trên ngọn cây, không có bụi cát gì dính nó được, thì nó có quí chi đâu, nó quí là tại vì nó từ dưới bùn mà trổ ra, mà nó không có chút đen đúa, nhơ bợn đó chớ. Một người đờn bà cạo đầu rồi lập tịnh thất, vô đó ở mà tu, đóng cử kín mít, chẳng bao giờ ngó thấy đờn ông con trai, dầu được thành phật cũng chẳng hay gì. Con năn lộn giữa hồng trần mà con không dính bụi trần, con lội lặn trong ao vũng mà con không vấy bùn đất con mới giỏi.

Ông Đại Đạo cười mà nói: “Con Tân nó nói trúng lý lắm. Để cho nó thong thả mà tự xử, ép nó lấy chồng làm chi”.

Bà Đạo đáp:

-         Ông cứ đưa hơi theo nó hoài, bởi vậy mà nó sồ sộ rồi mà chưa có chồng.

-         Có chồng có ích lợi gì, còn không chồng mà thiệt hại chỗ nào, nên bà cứ theo ép nó lấy chồng. Nó đã nói nó nguyện độc thân trọn đời mà còn ép nó làm chi. Chừng nào nó muốn lấy chồng thì nó lấy, còn nó chưa muốn thì thôi đừng có khuyên lơn ép uổng chi hết.

Bà Đạo không thèm cãi nữa.

Cô Tân Phong ở chơi tới chiều, ăn cơm rồi cô đưa em về trường rồi cô mới về nhà riêng của cô.

 

[1] qua

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá