Tân Phong nữ sĩ
Đồng hồ gõ 5 giờ.
Cô Tân Phong viết dứt bài xã thuyết cho số báo ngày mai, cô buông cây viết, duỗi hai chưn ra, rồi dựa lưng vào ghế mà đọc. Cô đọc rồi, chắc cô đắc ý, nên miệng chúm chím cười.
Cô ngó đồng hồ, rồi tính đi qua phòng rửa mặt mà dồi phấn lại. Mà cô vừa mới đứng dậy thì cô Thiên Hương với chồng là bác vật Qui mở cửa bước vô. Ba người chào nhau rất vui vẻ.
Cô Tân Phong hỏi bác vật Qui:
- Bữa nay anh về trước tan hầu hay sao, mà mới chừng nầy mà hai ông bà đã xuống tới đây?
- Phải. Tôi về hồi 4 giờ.
- Sớm mai chị Thiên Hương hẹn 6 giờ sẽ đi, nên tôi chưa kịp rửa mặt dồi phấn.
- Để như vậy coi cũng đẹp lắm rồi, cần gì phải dồi phấn lại.
- Tôi đẹp lắm hay sao?
- Đẹp lắm.
- Vậy mà có người chê tôi đa anh.
- Tại họ khờ nên họ mới chê chớ.
Cô Tân Phong cười rồi ngó cô Thiên Hương mà nói:
- Chị nầy bữa nay bận áo tốt dữ!
- Ở nhà tôi kiếm mua cho tối đó.
- Chị được chồng cưng, kiếm áo tốt mua cho như vậy, thì chị sung sướng quá!
- Chị muốn sung sướng như tôi thì chị lấy chồng đi, rồi chồng cũng mua áo cho chớ gì.
- Cám ơn, tôi chưa mắc lấy chồng.
- Chị nầy nói nghe phát ghét, lấy chồng mà “mắc ” nỗi gì? Anh Chí Thành quyến luyến chị quá. Chị ưng ảnh đi. Chị làm vợ anh Chí Thành, chị sung sướng hơn người ta hết thảy.
- Chắc hôn?
- Chắc lắm chớ.
- Chị đừng nói bướng. Tôi không tin chắc chút nào hết.
- Ảnh có học thức đủ dùng, mà ảnh giàu lớn, lại ảnh yêu chị nữa, có chồng như vậy, làm sao mà không sung sướng được.
- Được giàu, được yêu, chưa phải là có hạnh phúc đâu chị. Như người ta yêu mình theo cách mà chị không thích, thì mình có sung sướng gì đâu? Như người ta giàu, mà mình không cần sự giàu ấy, thì có ích gì cho mình?
Cô Thanh Lệ bước vô cửa, thấy ba người thì cô đứng lại nói lớn rằng: ”Sửa soạn đi Biên Hòa phải không? Còn sớm lắm mà. Cha chả, chị Thiên Hương bận áo tốt dữ! Buổi chiều nay ở nhà gò cái áo đó, hèn cho không xuống báo quán. ”
Cô Thiên Hương đáp:
- Đi ăn tiệc mà không gò áo sao được kìa.
- Tôi bận như vậy đi được hôn?
- Bận như vậy thì thôi, chớ còn muốn gì nữa.
- Ối! Mà anh Chí Thành muốn chị Tân Phong, chớ phải ảnh muốn tôi hay sao mà tôi phải chưng diện.
Cô Tân Phong bước tới vả mặt cô Thanh Lệ mà nói: ”Chị yêu nầy cũng còn nói như vậy nữa! Nè. Tôi cấm nhặt không cho ai được nói người ta muốn tôi. Tôi sanh ra để làm việc gì, chớ không phải là để người ta muốn đâu.”
Bác Vật Qui cười và hỏi:
- Trời sanh đờn bà con gái cốt để cho đờn ông con trai muốn, chớ để làm gì?
- Thủ cựu! Óc xưa! Trời sanh đờn bà để trừng trị những người đàn ông quấy, để sửa lòng sửa tánh cho đờn ông trở nên đứng đắn, biết hay chưa?
- Cô nói như vậy sao cô không trừng trị anh Chí Thành, để ảnh theo ve cô hoài vậy?
- Ve hồi nào? Ảnh tới lui, chà lết, ảnh mời đi ăn uống chớ ảnh có dám nói một tiếng chi khiếm nhã với tôi đâu. Chừng nào ảnh ló mòi quấy, rồi mấy anh chị sẽ thấy mà.
- Tốt! Tốt! tôi sẽ chống mắt mà coi.
Cô Tân Phong cười và nói: ”Bữa nay anh Chí Thành đãi tiệc lớn trên vườn cao su của ảnh. Ảnh mời bọn mình, mà cũng mời người ta nữa. Vậy tôi phải thay đồ rửa mặt cho sạch sẽ mới được. Thôi, mấy anh chị ngồi đó chờ tôi một chút. Chị Thanh Lệ, chị làm ơn sai lon ton chạy xuống bảo anh Hạo Nhiên sửa soạn đi với mình.”
Cô nói dứt lời, vừa xây lưng, thì nghe chuông điện thoại reo ren ren. Cô lấy ống kề vô tai mà nghe mà nói: ”Phải đây là phòng Tổng lý báo "Tân Phụ Nữ" …Phải, tôi là Tổng lý báo…Tôi hân hạnh nói chuyện với ai đó…Hả…ông đốc tơ Vĩnh …Vĩnh Xuân?...A! Tôi kính chào ông đốc tơ, ông cần tôi về việc chi? …Ông muốn đến thăm tôi đặng nghị luận về tôn chỉ tờ "Tân Phụ Nữ" …Xin ông cho tôi biết coi ông muốn đến giờ nào, rồi tôi sẽ liệu mà trả lời…6 giờ chiều nay đây? Xin lỗi ông! Tôi không thể hầu chuyện với ông được, bởi vì tôi mắc đi Biên hoà liền bây giờ đây…Tôi cũng tiếc lắm, mất một dịp đàm luận với một nhà bác sĩ cao tài… Cám ơn ông …Được, bữa khác được, song ông đến giờ nào, xin ông làm ơn cho tôi hay trước, bởi vì tôi hay đi lắm, nếu ông đến thình lình chắc không gặp tôi …Cám ơn. Tôi cũng kính chúc ông mạnh giỏi. ”
Cô Tân Phong gác ống điện thoại, mặt coi biến sắc.
Cô Thanh Lệ liền hỏi:
- Đốc tơ Vĩnh Xuân xin phép đến nói chuyện với chị phải hôn?
- Phải.
- Bữa hổm ổng có nói với tôi để bữa nào rảnh ổng sẽ đến thăm chị mà nghị luận về vấn đề phụ nữ. Sao chi không chịu tiếp rước ổng? Mình định 6 giờ đi, nếu nói chuyện thì bất quá đi trễ một chút, có hại gì?
- Tôi không thể tiếp chuyện với người đó được.
- Sao vậy, chi sợ nỗi gì?
- Tôi có sợ ai đâu? Tại sao mà tôi không muốn giáp mặt với ổng, hôm nọ tôi đã nói chuyện với chị rồi, sao chị còn hỏi nữa.
- À, à, tôi nhớ rồi.
- Nếu mai mốt ổng còn xin đến nói chuyện nữa thì tôi cậy chị, hoặc chị Thiên Hương tiếp dùm, chớ tôi không thể tiếp được. Thôi, để tôi thay áo, trễ rồi.
Cô Tân Phong quày quả qua phòng rửa mặt mà trang điểm.
Hạo Nhiên lên bắt tay chào ba người, rồi dắt tay ra phòng khách ngồi nói chuyện.
Đúng 6 giờ cô Tân Phong bước ra, tay cầm bóp, miệng chúm chím cười. Cô mặc bộ đồ hàng màu trứng gà, may thiệt khéo, gương mặt rạng rỡ, tướng đi dịu dàng.
Cô hiệp với bốn người kia mà xuống lầu. Cô kêu sốp phơ biểu đem xe về, rồi hết thảy lên đi chung xe của bác vật Qui, hai người đờn ông ngồi trước, ba cô ngồi phía sau.
Ông Tạ Chí Thành có một cơ sở vườn cao su rộng lớn mà thạnh mậu ở trong tỉnh Biên Hoà, dọc theo đường đi Long Thành. Cách tỉnh lộ chừng 50 thước, ông có cất một cái nhà cao cẳng, cột với thang đều đúc bằng đá sạn. Nhà tuy không lớn mà kiểu coi đẹp đẽ, trong chia phòng ngủ, phòng ăn, phòng rước khách, phòng làm việc, có chỗ thọc bi-da[1], có chỗ tắm rửa.
Trước nhà có dọn một cái sân tròn, xe hơi vô quanh được. Vòng theo cái sân thì trồng cây cao su, trên lá sum xuê, dưới gốc sạch sẽ. Từ sân ra tới lộ thì có dọn một con đường ngay. Hai bên đường trồng cây soài lại trồng xen những cây lá đỏ vàng, nên ở ngoài lộ ngó vô thấy có vẻ im lìm mà mát mẻ.
Xe hơi của bác vật Qui quẹo vô cửa ngỏ, thì thấy ttừ trong nhà ra đến ngoài sân tuy trời có trăng mà đèn măn-sông (manchon) đốt sáng trưng, lại dọc theo đường vô và vòng xung quang sân đều có đốt đèn giấy đủ màu, coi có vẻ long trọng lắm. Vô gần tới sân, bác vật Qui thấy có mấy cái xe hơi sắp hàng đậu đó, nên ông cũng ngừng noi theo.
Mấy cô mở cửa xe bước ra. Thì có Chí Thành đứng sẵn mà tiếp rước chào hỏi.
Cô Tân Phong vừa thấy Chí Thành thì nói:
- Ông mời thì ông nói lên ăn thịt bò tái lụi sơ sịa trong vườn chơi, mà sao ông đốt đèn cùng hết, dường như có một cuộc lễ lớn vậy?
- Tiếp rước cô Tổng lý báo "Tân Phụ Nữ" tự nhiên phải đốt đèn cho sáng sủa, chớ để lờ mờ sao mà được.
- Ông trọng tôi quá làm cho tôi ái ngại hết sức.
- Hễ gặp tôi thì cô cứ nói ái ngại hoài. Tôi xin cô bỏ hai tiếng ấy đi. Tôi thiệt tình! Cô phải coi nhà tôi như là nhà của cô vậy, đừng ái ngại chi hết.
Cô Tân Phong châu mày, rồi ngó vô sân thấy năm sáu khách đang ngồi uống rượu thì hỏi rằng:
- Ông mời khách đông lắm sao?
- Không đông gì lắm, tôi chỉ có mời ít anh chị em thân thiết đến chơi đặng làm quen với mấy cô ở báo "Tân Phụ Nữ" mà thôi. Tôi xin mời mấy cô, mấy ông vô đặng tôi giới thiệu cho biết nhau.
Chủ khách đắt nhau vô sân. Chí Thành giới thiệu mới biết khách đó trước đờn ông là ông Hộ Hai ở Chợ Lớn, ông Trạng sư Hùng ở Sài Gòn và ông Đốc học Liễng ở Biên Hoà, còn đờn bà là bà Trạng sư Hùng và bà Đốc học Liễng.
Chào mừng nhau rồi, bà Trạng sư Hùng kéo ghế ra mời cô Tân Phong ngồi một bên và nói:
- Tuy chưa gặp nhau, nhưng đọc báo "Tân Phụ Nữ" mấy tháng nay tôi vẫn biết bà và biết hết mấy bà trong toà soạn. Bữa hổm anh Chí Thành ghé mời vợ chồng tôi lên vườn ăn cơm chơi, ảnh nói có mời đủ mấy bà trong toà soạn báo, thì tôi mừng quá. Nhờ dịp nầy tôi mới được hội diện với mấy bà mà khen ngợi lòng nghĩa hiệp của mấy bà đối với chị em phụ nữ.
- Bà khen chúng tôi thì chúng tôi cám ơn bà lắm. Có vậy chúng tôi càng thêm phấn chí mà theo đuổi cái mục đích của chúng tôi.
- Tôi xin bà kể tôi là một người đồng tình với bà và thường cầu nguyện cho tờ "Tân Phụ Nữ" vững bền rực rỡ đặng làm biểu hiện cho chị em tấn hóa.
- Tôi thay mặt cho cả toà soạn mà tạ ơn bà. Ước mong chị em trong ba Kỳ đều có lòng hưởng ứng như bà vậy hết, thì chắc hẳn đường chúng tôi mở đó chẳng có chông gai chi hết.
- Tôi cũng mong lắm.
Ông Trạng Sư Hùng nãy giờ ngồi nói chuyện với ông bác vật Qui, bây giờ ông mới xen vô nói với tới rằng: ”Mấy bà đương hạ đờn ông đó, xin mấy ông hãy giữ mình. Phận tôi thì tôi không lo, bởi vì tôi đã mời vợ tôi lên đứng trên tôi lâu rồi”.
Cô Tân Phong đáp rằng: ”Xin ông Trạng sư đừng nhạo chị em chúng tôi tội nghiệp. Có bao giờ chị em chúng tôi nài đứng trên đờn ông đâu, chị em chúng chỉ xin đờn ông rộng lượng cho phép chị em chúng tôi đứng ngang hàng mà thôi chớ.“
Chí Thành sợ khách lấy tư tưởng mà cãi nhau rồi câu chuyện không vui, nên lật đật bước lại mời cô Tân Phong dùng rượu khai vị. Cô Tân Phong đứng dậy nói rằng:
- Cám ơn ông. Việc ấy tôi không dám. Hễ tôi uống một chút rượu thì mặt phừng lên, rồi nhức đầu liền.
- Cô uống một ly nhỏ rượu
- Cám ơn. Để tôi đi một vòng theo sân coi cây chơi.
- Tôi xin dắt cô đi.
- Vườn ông coi mát mẻ quá.
- Mát lắm.
Cô Tân Phong ngó quanh quất rồi ngó lên nhà mà nói tiếp:
- Nhà vườn để nghỉ mát mà ông cất coi thiệt là đẹp.
- Chẳng những coi đẹp mà thôi, mà dọn ở trong cũng có thứ tự lắm. Ngặt vì trong nhà không có đờn bà, nên dầu coi đẹp chớ cũng còn thiếu cái nét vui vẻ. Tôi xin mời cô bước thẳng lên nhà mà coi chơi cho biết.
- Xin ông đi trước.
- Tôi đâu dám. Tôi phải nhượng cho khách chớ. Cô Tân Phong thấy mấy ông mấy cô mắc đàm luận với nhau, thì cô cũng chúm chím cười rồi đi lại cái thang mà lên nhà.
Chí Thành dắt cô đi coi đủ hết các phòng chẳng sót một chỗ nào. Cô Tân Phong khen nhà cất kiểu vở tối tân, thấy bàn ghế cái nào cô cũng trầm trồ khen khéo. Chí Thành đắc chí bèn mời cô đi luôn ra coi suối.
Hai người dắt nhau đi dưới một giàn nho, hai bên trồng dạ lý hương bốc mùi thơm ngát. Ra tới suối, cô Tân Phong thấy cây cối rậm rạp, Đường nước trên cao chảy xuống ro re cô đứng ngắm trăng, ngắm cảnh rồi cô nói: ”Chỗ nầy đẹp quá. Nếu ông xây một cái hồ tắm thì phải chỗ lắm”.
Chí Thành cười mà đáp: ”Tôi vẫn có ý đó đã lâu rồi; nhưng mà chưa làm vì tôi biết vui chơi với ai mà làm. Chớ chi có người nào chẳng chê tôi quê dốt, khứng làm bạn trăm năm để chung vui chia buồn với tôi, thì chẳng là tôi xây hồ tắm trong vườn đặng khi trời nóng nực vợ chồng ra đây lội chơi cho mát mẻ, mà tôi còn tạo thêm nhiều cái cảnh khác nữa, để uống rượu thưởng trăng để nhậu trà hứng gió. Tôi sẽ xuất tiền dọn dẹp đủ cách cho thục nữ hưởng đủ mùi sung sướng trên trần gian, dầu tốn hao bao nhiêu tôi không cần, miễn là bạn trăm năm của tôi khỏi buồn là tôi vui lắm vậy.”
Chí Thành vừa nói vứa liếc mắt nghó cô Tân Phong. Trăng rằm tỏ rạng soi mặt cô sáng loà. Cô mỉm cười mà đáp:
- Đời nầy thiếu gì gái ham hưởng mùi sung sướng thế gian. Nếu ông muốn kiếm bạn trăm năm để hiệp với ông mà hưởng thú bồng lai, thì ông hô lên một tiếng, tự nhiên họ giành nhau chạy tới mà xin vô chớ gì? Ông có ý đó sao mà ông không chịu bố cáo lên? Ông muốn tôi bố cáo dùm trong báo "Tân Phụ Nữ" tôi bố cáo giùm, tôi không ăn tiền đâu.
- Không, Không …Chọn một người bạn trăm năm có phải như mua vườn mua đất hay sao mà rao trong nhựt trình.
- Thì ông muốn chọn, ông phải rao lên người ta mới biết mà đến cho ông chọn chớ.
- Không được, chọn bạn trăm năm cũng không phải như mua cau tươi nên coi mặt mà chọn được.
- Vậy chớ phải làm thế nào?
- Người bạn trăm năm của tôi phải là người cho có tài có sắc, có đức có hạnh, mà cũng là người tôi thương yêu mới được chớ.
- Cha chả, ông buộc nhiều khoản quá, khó cho tôi giúp ông được.
- Được. Cô giúp cũng được, duy có một mình cô giúp được mà thôi.
- Giúp thế nào?
Chí Thành bước lại đứng gần cô Tân Phong vừa cười mơn vừa hỏi:
- Tôi nói như vậy cô không hiểu hay sao?
- Không, tôi không hiểu.
- Người bạn trăm năm mà tôi muốn chọn đặng chung hưởng thú bồng lai với tôi đó chính là cô! Mấy tháng nay nhiều lúc tôi muốn nói thiệt với cô, mà tôi sợ quá, tôi sợ cô chê tôi lớn tuổi, lại có một đời vợ rồi, nên tôi không dám nói.
Cô Tân Phong ngó ngay Chí Thành, rồi cô cười và xây lưng đi vô. Chí Thành theo hỏi:
- Tôi nói vậy, sao cô lại cười mà không trả lời?
- Tôi cười là cười ông chọn sai chỗ.
Chí Thành ngẩn ngơ rồi hỏi nữa:
- Tại sao mà tôi chọn sai chỗ? Cô chê tôi hay sao?
- Không. Tôi có nói tôi chê ông đâu. Tôi nói ông chọn sai chỗ chớ.
- Nếu cô không chê, thì cô cắt nghĩa cho tôi hiểu coi tại sao mà tôi chọn sai chỗ.
- Ông nhè ông chọn người thệ tâm cô đơn, thì không sai sao được.
- Cô có thề cô không chịu lấy chồng hay sao?
- Chớ sao.
- Trời đất ôi! Tại sao vậy?
- Tại tôi đã tự quyết hy sinh cái đời của tôi cho chị em Việt
Chí Thành đứng chần ngần, không nói một tiếng chi được nữa.
Cô Tân Phong thấy dạng Hạo Nhiên đi ra thì kêu mà nói: “Ngoài sau đây có một ngọn suối, nước tốt mà lại chảy mạnh lắm. Tôi mới khuyên ông Chí Thành xây một cái hồ tắm để tháng nóng nực mình lên đây tắm nhờ chơi”. Cô nói rồi dắt Hạo Nhiên trở vô sân.
Chí Thành thở dài rồi cúi mặt đi theo sau.
Chủ nhà coi bồi đã đặt bàn xong và coi khách cũng đã dùng rượu khai vị rồi, bèn mời nhập tiệc.
Cô Tân Phong ngồi ngang với chủ nhà, cô ăn uống tự nhiên, nói cười vui vẻ như thường. Chí Thành cũng làm vui mà đãi khách, nhưng mà ông thất vọng nên vui là vui gượng, chớ không phải là vui thiệt.
Đến 10 giờ mãn tiệc. Vợ chồng ông trạng sư Hùng nói rằng hôm nay được kết bạn với cô Tân Phong nữ sĩ, thì vợ chồng ông mừng lắm nên mời cô trở về Sài Gòn phải ghé nhà hàng Bá Lạc dùng với vợ chồng ông một tiệc rượu sâm banh. Vợ chồng ông cũng mời luôn hết các ông các cô đi dự tiệc rượu ấy rồi sẽ giải tán. Duy có vợ chồng ông đốc học Liễng cáo từ, còn bao nhiêu đều nhận lời mời, nên lên xe mà đi.
Chí Thành mời cô Tân Phong đi xe của ông. Cô chịu nên bước lên xe của ông, lại kêu cô Thanh Lệ mà biểu đi với cô.
Xuống tới Sài Gòn, ba xe là xe của trạng sư Hùng, xe của bác vật Qui và xe của Chí Thành nối đuôi nhau mà đậu trước nhà hàng Bá Lạc.
Bà trạng sư Hùng bây giờ là chủ tiệc, nên bà ân cần mời khách vô nhà hàng, còn ông trạng sư thì kêu bồi biểu dọn hàng, sắp ghế, và đem rượu sâm banh.
Tuy đã khuya rồi, nhưng mà khách uống rượu còn ngồi được năm sáu bàn, còn khách khiêu vũ cũng được bốn cặp đương ôm nhau mà nhảy theo nhịp đờn.
Rượu sâm banh rót rồi. Vợ chồng ông trạng sư bèn đứng dậy mời khách cụng ly mà uống, chủ khách vui cười, tiếng luận đàm không dứt.
Ông trạng sư ngó quanh quất một hồi rồi kêu bác vật Qui mà nói:
- Ê, bữa nay là ngày rằm, mà Phật bỏ toà sen, lén vô nhà hàng khiêu vũ ngồi kia chớ!
- Phật nào đâu?
- Phật Vĩnh Xuân kia, chớ phật nào.
- Đâu?
- Kia kìa, ngồi cái bàn trong góc đầu đằng đó; ngồi với đốc tơ Mười và cô Julie Mai đó, thấy hôn. Cha chả, cặp với cô Julie Mai mà đi chơi đó thì không dở đâu!
Ai nấy đều chong mắt ngó cái bàn trong góc, thì thiệt quả thấy hai ông đương ngồi uống rượu với một cô, y phục không loè loẹt, mà dung nhan rất xinh đẹp, nhưng vì cô trang điểm khéo nên không ai dám đoán cô mấy tuổi cho được.
Cô Tân Phong cũng dòm coi như chúng bạn, nhưng mà ai nấy đều chúm chím cười, còn cô thì biến sắc.
Bà trạng sư Hùng nói với chồng: “Thôi, đừng có ngạo người ta! Mình cũng vậy, chớ không giỏi gì đâu. Mà ông đốc tơ Vĩnh Xuân đi chơi còn có cớ, chớ mình đi chơi mà không có cớ thì cái tội của mình còn lớn bằng hai người ta nữa”.
Ông trạng sư ngó cô Tân Phong vừa cười vừa hỏi:
- Cô thấy hay chưa hử?
- Thưa, ông muốn hỏi thấy việc chi?
- Cô có nghe bà nhà của tôi mới nói đó hôn?
- Tôi nghe.
- Những lời ấy đủ chứng tỏ đờn bà đã có quyền rầy đờn ông rồi, cần gì còn phải đòi quyền thêm nữa.
- Thưa, những lời ấy là lời của một người vì thương chồng nên ghen rồi nói bướng đặng gìn giữ ái tình của mình, chớ nào phải có quyền nên mới được nói như vậy đâu.
- Thì đờn bà bây giờ dám rầy chồng, dám trách chồng trước mặt công chúng, là có quyền hơn chồng rồi, còn muốn sao nữa?
- Thưa, đó là ỷ chồng thương nên mới dám nói, chớ không phải cậy quyền mà nói. Bởi vì ông thương bà, mà ông tự xét ông cũng có khi làm cái lỗi bà trách đó, nên ông cười rồi thôi. Ví như ông không thương bà, mà bà ghen bà dám nói như vậy, ông đuổi bà đi, hoặc ông vô đơn xin ly dị, bắt lỗi bà làm nhục ông trước mặt công chúng, thì bà có quyền gì mà chống cự lại đâu.
Ai nấy đồng vỗ tay khen cô Tân Phong nói phải. Ông trạng sư không chịu thua, ông vừa muốn cãi lại, thì bác vật Qui cản và hỏi bà trạng sư:
- Thôi, chịu thua đờn bà không xấu hổ gì đâu mà phải tranh biện cho mất thì giờ. Để cho tôi hỏi bà trạng sư một chút.
- Thưa bà nói ông Vĩnh Xuân được đi chơi có cớ, những lời ấy làm tôi điên đảo quá; tôi xin bà làm ơn cho tôi biết cái cớ mà ông Vĩnh Xuân cậy đặng đi chơi cho khỏi lỗi đó, được hay không?
- Được lắm chớ. Mà ông muốn biết chi vậy?
- Tôi muốn biết đặng tôi liệu coi tôi có thể cậy cớ ấy mà đi chơi hay không?
- Không được. Bà bác vật thương ông mà lại trọng ông, không áp chế ông, thì ông không được lấy cớ nào mà đi chơi.
- Ạ! Vậy chớ sao ông Vĩnh Xuân mà được?
- Ông Vĩnh Xuân được, vì vợ ông thương ổng hay không, mình không hiểu, song ở trong gia đình áp chế nhục mạ ổng thái thậm, làm cho ổng phải vào đơn tại tòa mà xin li dị. Bây giờ vợ chồng ai ở nhà nấy, ổng buồn, tự nhiên ổng phải đi chơi. Tôi nói ông Vĩnh Xuân đi chơi có cớ là tại vậy đó. Còn ông được vợ yêu, được vợ trọng thì có cớ chi mà đi chơi đâu?
- Ạ! Nói rành như vậy tôi mới hiểu.
Cô Tân Phong ngó cô Thanh Lệ và cô Thiên Hương, bộ ngẩn ngơ.
Cô Thiên Hương hỏi bà trạng sư:
- Tôi nghe nói ông Vĩnh Xuân cưới vợ chưa đầy một năm, mà sao vợ chồng li dị nhau lẹ quá. Bà nghe như vậy có chắc hay không?
- Chắc lắm chớ. Ổng cậy ông trạng sư chồng tôi lãnh vụ kiện ấy mà cãi lẽ cho ổng, không chắc làm sao được.
- Nếu vậy thì chắc rồi.
- Cô Thanh Lệ vỗ vai cô Tân Phong mà nói: ”Chị coi ông Vĩnh Xuân kìa; ổng ngồi bộ như trên mây mới rớt xuống, cô Julie ghẹo ổng mà ổng không muốn cười”.
Ông trạng sư Hùng nói: ”Phật mới nhập trần gian nên còn bợ ngợ chút đỉnh. Đi chơi được vài lần đây, rồi mấy cô coi mà”.
Mấy ông mấy cô bắt tay từ giã nhau. Cô Tân Phong kêu ông Hạo Nhiên. Dắt ông đi xê ra mấy bước, nói nhỏ với ông ít câu, rồi cậy ông Chí Thành đưa giùm cô với cô Thanh Lệ về nhà cô. Chí Thành lật đật mở cửa xe mời hai cô lên rồi ba xe lần lượt rút chạy hết, duy chỉ còn ông Hạo Nhiên thủng thẳng trở vô nhà hàng.
Xe về tới nhà ngừng ngoài cửa, cô Tân Phong biểu cô Thanh Lệ leo xuống, cô ngỏ lời cám ơn ông Chí Thành rồi dắt cô Thanh Lệ vô nhà. Ông Chí Thành không được mời vô nhà, thì ông thất vọng một lần nữa, song ông cũng ngó theo hai ông mà cười, không phiền trách chi hết.
Vô nhà, cô Tân Phong vặn đèn trong phòng khách sáng trưng, kêu bồi biểu nấu nước làm cà phê rồi cô ngồi nghiêm chỉnh, không nói tới chuyện Vĩnh Xuân.
Cô Thanh Lệ liếc mắt ngó bạn một hồi rồi hỏi:
- Chị biểu tôi về đây làm chi?
- Tôi muốn noí chuyện với chị một chút.
- Chuyện gì?
- Chuyện anh Vĩnh Xuân.
- Tôi đoán không sai! Tôi biết chắc chị muốn nói chuyện đó. Nên mới dắt tôi về đây chớ.
- Sao chị biết trước?
- Có khó gì mà không biết? Hồi nãy thấy Vĩnh Xuân, thì chị biến sắc, rối chừng nghe nói Vĩnh Xuân ly dị vợ rồi thì ngơ ngẩn, bao nhiêu đó cũng đủ cho tôi thấy lòng dạ của chị rõ ràng.
Cô Tân Phong ngồi êm, cô châu mày suy nghĩ một hồi rất lâu, rồi cô cười mà hỏi:
- Thiệt hồi nãy chị thấy tôi như vậy hay sao?
- Tôi thấy rõ ràng.
- Nếu vậy thì người ta nói trái tim đờn bà yếu đuối lắm, lời ấy không sai hay sao? Tôi hứa với chị tôi sẽ sửa trái tim tôi lại. Từ rày về sau tôi sẽ cứng cỏi, chớ không yếu ớt như vậy nữa đâu.
- Cứng sao được? Về ái tình, thì có ai dám khoe mình cứng? Kìa, xưa kia bao nhiêu anh hùng hào kiệt họ cũng cứng lắm chớ, mà vì ái tình họ ngã lăn hết thảy, chị không thấy hay sao?
- Chị không tin thì để chị coi mà.
- Tôi sẽ chống mắt mà coi. Tôi đố chị cái đời của anh Vĩnh Xuân sẽ trở ra làm sao?
- Đời của anh ấy hỏng rồi, sự ấy mình thấy rõ ràng, chị còn đố làm chi nữa?
- Phải, cái đời của anh ấy hỏng thì đã đành. Mà theo ý tôi, thì lúc nầy ảnh đương đứng ở ngã ba đường: một ngã là ảnh chịu lỳ mà ở với cô Ngọ; một ngã là ảnh rứt cô Ngọ mà cưới vợ khác, lập gia thất lại; một ngã là ảnh ly dị vợ rồi sống độc thân trọn đời. Tôi đố chị theo ba ngã ấy thì anh Vĩnh Xuân sẽ theo ngã nào?
- Chịu lỳ mà ở với vợ, thì trọn đời ở trong vòng địa ngục. Thôi vợ rồi sống với vợ khác, thì cái tình đã tán loạn rồi, dầu có lập gia thất khác thì cũng không vui sướng gì. Còn cô thân độc lập thì tự nhiên phải chơi bời, lâu ngày chầy tháng ắt sẽ gặp một cô giang hồ sanh con rồi mang một cái gia đình không chánh đáng trọn đời. Ấy vậy trong ba đường ấy, đường nào cũng chông gai nguy hiểm hết thảy mà tôi muốn cho ảnh đi đường thứ nhứt là ở với vợ đặng ảnh trả cái nợ của ảnh vay. Mà tôi sợ ảnh đi theo con đường thứ tư nữa, là ảnh hoặc cạo đầu đi tu, hoặc là tự vận mà chết chớ.
- Chị rủa người ta làm chi!
Hai người nói chuyện đến đó thì ông Hạo Nhiên bước vô.
Cô Tân Phong mời ngồi rồi hỏi:
- Sao anh về mau vậy?
- Cô đi rồi tôi trở vô nhà hàng uống rượu, Vĩnh Xuân khiêu cũ với cô Julie Mai một chập rồi kêu đốc tơ Mười ra xe hơi mà đi. Tôi không có xe mà theo nên trở về đây.
- Cám ơn anh. Bao nhiêu đó đủ rồi. Bồi làm cà phê mau mau đem ra đây uống chớ.
Cô Thanh Lệ hỏi cô Tân Phong:
- Té ra hồi nãy chị cậy anh Hạo Nhiên theo rình anh Vĩnh Xuân hay sao?
- Ế! Cái gì mà rình! Tôi cậy ngồi nán lại coi cử chỉ của anh Vĩnh Xuân ra làm sao đặng mình biết mà cười chơi chớ. Xin anh đừng phiền, nghe hôn anh.
Hạo Nhiên cười và đáp:
- Có chi đâu mà phiền. Tôi giúp cô được một chút gì, tôi vui lắm chớ.
- Tôi nói thiệt với anh trong đời tôi oán một người là anh Vĩnh Xuân, vì đã khinh bỉ tôi và tôi sợ một người là anh Chí Thành, vì cứ theo ve tôi. Phận tôi là gái yếu đuối tôi sợ người ta lập thế hoặc làm nhục tôi, hoặc áp bức tôi. Tôi tin cậy anh nên tôi xin anh bảo hộ cho tôi.
- Tôi sẵn lòng nhận lời cô. Tôi nói thiệt tôi không sợ ai hết. Họ phải giết tôi chết thì họ mới làm nhục cô được. Mà muốn giết tôi, không phải là dễ đâu. Cô muốn việc gì, cô cứ nói ngay cho tôi biết, tôi sẽ làm theo ý cô muốn.
- Nếu tôi muốn giết một người nào, anh cũng dám giết nữa hay sao?
- Dám.
- Cám ơn, vậy thì từ rày tôi có hai người bạn thiết: gái thì chị Thanh Lệ còn trai là anh.
Cô Tân Phong đứng dậy bắt tay Hạo Nhiên rồi bắt tay cô Thanh Lệ tỏ dấu kết nghĩa đồng tâm.
Bồi bưng cà phê lên bỏ trên bàn. Ba người uống rồi Thanh Lệ với Hạo Nhiên mới mời từ cô Tân Phong đặng về nghỉ.
[1] (billard), một loại chơi banh bàn