Tân Phong nữ sĩ
Ông Từ Đại Đạo mở cửa buồng bước ra, rồi ông đi thẳng lại cái bàn giữa tại salon, lấy một điếu thuốc đút vô ống đót và quẹt hộp quẹt đốt mà hút. Ông mặc đồ âu phục bằng tussor, mới ủi thẳng thớm, cổ thắt noeud đen, chơn mang giày da láng, tóc chảy láng mướt, râu cạo sạch trơn. Ông đã gần 50 tuổi rồi, tóc đã bạc hoa râm song da mặt chưa dùn, sức lực còn mạnh. Một tay cầm điếu thuốc, một tay thọc trong túi quần, ông đi qua đi lại trong phòng khách chưng dọn hực hỡ.
Một lát ông ngó cái đồng hồ treo trên tường, ngay bàn viết của ông, rồi ông bước qua phòng ăn, thấy vợ đương coi dạy bồi đặt bàn sắp ghế thì ông hỏi: ”Con Tân chưa về hay sao?”.
Bà Đạo tuổi đã 45, nhưng mà da mặt còn thẳng, mái tóc còn đen, đeo hột xoàn thiệt to, mặc quần lụa trắng, bà nghe chồng hỏi thì bà day lại mà đáp:
- Con nhỏ tệ quá nó đi mất biệt, có thấy tăm dạng gì đâu. Đi đâu vậy không biết.
- Nó nói má nó[1] mua bánh nhiều mà không mua trái cây, nên nó lấy xe chạy ra Sài Gòn mua trái cây chớ đi đâu!
- Nó sai bầy trẻ đi mua cũng được, cần gì nó phải đi. Nó đi mất, rồi vợ chồng anh Hội Đồng lên tới, nó về không kịp, mới làm sao?
- Chưa lên tới đâu. Mới 2 giờ 10 phút. Trong thơ anh Hội Đồng nói ảnh ăn trưa dưới Mỹ Tho, rồi ảnh mới đi. Có sớm cũng 2 giờ rưỡi hoặc 3 giờ ảnh mới lên tới.
- Thì bây giờ đã gần 2 giờ rưỡi rồi.
- Chưa, mới 2 giờ 10. Nó đi lâu rồi, chắc nó về cũng gần tới.
- Nó về trễ rồi làm sao? Hồi nãy tôi biểu nó đừng đi, mà nó cãi tôi.
- Bà hay la quá! Ví như vợ chồng anh Hội Đồng với đốc tơ tới trước, còn con Tâm đi chợ về sau, lại hại gì.
- Sao lại không hại? Ông cưng con rồi nó muốn thế nào ông cũng chìu theo nó hết thảy. Thuở nay ông có thấy ai đi coi vợ, mà tới ngồi đó chờ nàng dâu hay không?
- Coi vợ giống gì hổng biết! Hai đàng đã hứa lam sui với nhau mấy năm nay. Sắp nhỏ nó cũng gởi thơ đổi hình với nhau. Bây giờ đốc tơ về mình cho hai đứa nó gặp mặt nhau, chớ coi vợ nỗi gì. Ví như ở dưới họ tới trước thì họ ngồi chơi, họ chờ có một chút, chết chóc gì đó mà sợ.
- Làm sui mà ông nói nghe dễ quá!
- Đời nay mà khó dễ giống gì.
Vợ chồng đương cãi cọ nhau thì nghe tiếng xe hơi chạy vô sân. Ông ngó ra và nói rằng: “Vợ chồng anh Hội Đồng lên tới kìa”. Bà nói: “Chết chưa! Tôi nói hay hôn hử?”
Hai vợ chồng vội vã bước ra thềm đứng chực mà tiếp khách.
Ông đốc tơ Cao Vĩnh Xuân, trạc chừng 27-28 tuổi, vóc ốm mà cao, mặt sáng sủa, bộ nghiêm chỉnh, đầu đội nón nỉ màu ma-rông[2], mình mặc một bộ đồ Tây xám, mở cửa xe nhảy xuống gọn gàng, rồi tay nắm cửa xe đứng chờ cha mẹ leo xuống.
Vợ chồng ông hội đồng địa hạt Cao Vĩnh Thạnh tiếp nhau xuống xe, ông mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng, bà mặc áo tím than lót màu cặn rượu chát. Xuống xe rồi vợ chồng đi trước, con nối theo sau mà lên thềm.
Ông Đạo thì bắt tay chào mừng ông Thạnh; bà Đạo thì tiếp rước bà Thạnh, chủ khách đều hớn hở vui cười. Ông đốc tơ Vĩnh Xuân dở nón, cúi đầu mà chào ông và bà chủ nhà. Ông Đạo vội vã bắt tay và hỏi:
- Hôm đó tàu tới hồi mấy giờ?
- Dạ, tàu tới đúng 4 giờ.
- Hèn chi! Tôi nghe nói 5 giờ chiều tàu tới. Đúng 5 giờ tôi qua đó, thì tàu tới đã lâu rồi, hành khách đã lên hết.Tôi kiếm anh Hội Đồng, chị Hội Đồng cũng không có.
Ông Hội đồng Thạnh nói: “Tàu tới, vợ chồng tôi rước thằng nhỏ rồi chạy về Cai Lậy liền ”.
Chủ khách dắt nhau vô nhà, Bà Đạo mời bà Thạnh đi thẳng vô ngồi bộ ván phía trong, còn ông Đạo thì mời ông Thạnh với Vĩnh Xuân ngồi tại bộ ghế salon phía ngoài, hai ông ngồi ngang nhau, Vĩnh Xuân ngồi sụp xuống, mà một bên với cha.
Ông Đạo mời khách uống nước hút thuốc lăng xăng, rồi hỏi Vĩnh Xuân rằng:
- Từ bên Tây về bên nầy, ở dưới tàu tới hai mươi mấy ngày, chắc cháu mệt lắm hả?
- Dạ, ở dưới tàu lâu, nên tù túng một chút, mà cháu về ba bữa rày, nghỉ cũng đã khỏe.
- Cháu lấy được bằng cấp Y khoa tấn sĩ rồi, bây giờ về đây cháu tính xin vô ngạch lương y của nhà nước, hay là cháu muốn mở phòng khám bịnh riêng ở ngoài?
- Thưa, cháu muốn mở phòng khám bịnh cho thuốc riêng đặng thong thả mà khảo cứu thêm về cái nghề thuốc.
Cô Hai Tân vừa nói vừa kéo tay Vĩnh Xuân mà dắt qua phòng ăn. Hai ông và hai bà ngó nhau mà cười. Bà hội đồng Thạnh nói rằng: “Gái đời nay dạn dĩ quá!” Bà Đạo cười mà đáp rằng: ”Tại thầy cho nó học chữ Tây, nên tánh nó như đầm. Tôi rầy nó hết sức, muốn sửa cho nó theo con gái An Nam, mà sửa không được”.
Ông Đạo nói rằng: “Đời nào phải theo đời nấy, sửa giống gì. Đờn ông đời nầy người ta cùng là giao thiệp đều theo cách người Âu Mỹ. Đờn bà con gái tự nhiên phải tập ăn ở như đầm, mới hiệp ý nhau được chớ ”.
Bà Đạo hỏi bà Thạnh rằng:
- Anh chị đã có tính tháng nào cưới hay chưa?
- Nó về hổm nay, vợ chồng tôi nói chuyện với nó thì nó nói để thủng thẳng ít ngày rồi sẽ hay.
- Chừng nào cưới, xin anh chị phải cho hay trước lâu lâu một chút, chớ đừng có nói gấp quá sắm đồ không kịp.
- Có lẽ phải đi lễ hỏi rồi mới định ngày cưới chớ.
Ông Đạo lắc đầu nói rằng: “Vợ chồng tôi đã hứa làm sui với anh chị bốn, năm năm nay rồi, sắp nhỏ nó cũng biết việc đó. Bây giờ đốc tơ về rồi, chừng nào cưới thì cưới, bày nhiều lễ làm chi. Đời văn minh, mà còn giữ theo tục xưa, coi kỳ quá”.
Ông Thạnh cười và đáp rằng:
- Anh chị thương, nên dễ như vậy, thì vợ chồng tôi mang ơn lắm.
- Tôi với anh mà khó dễ giống gì. Anh chị muốn thế nào cũng được hết, miễn tiện thì thôi.
- Anh nói như vậy,thôi để tôi tính việc nhà ít bữa rồi tôi lên, hoặc tôi gởi thơ cho anh hay.
- Ruộng anh năm nay lúa tốt hôn?
- Tốt lắm. Ruộng của anh trong Kinh Mới anh bỏ hoang uổng quá. Nghe nói phía trỏng năm nay họ làm lúa trúng dữ.
- Tôi mua sở đất đó hết ba chục ngàn, làm mấy năm bị thất thoát hoài, lỗ vốn gần mười ngàn nữa; tôi đã thèm, hết muốn theo ruộng, để lo cơ sở cao su với vườn sầu riêng dễ chịu hơn.
- Cao su lúc nầy có lên giá hôn?
- Có lên chút đỉnh, làm ăn được.
- Còn trại cưa của anh khá hôn?
- Mấy năm trước thì đủ vốn chớ không lời. Từ năm ngoái tới giờ coi mòi khá.
- Sở ruộng của anh ở dưới Cai Lậy, để coi có ai muốn mướn, thì tôi chỉ cho họ lên họ mướn. Mùa nầy lúa phía trỏng trúng đây, chắc qua sang năm thiếu gì người mướn.
- Nếu có ai đó muốn mướn xin anh làm ơn cho mướn giùm cho tôi. Chắc là tôi không dám mà làm nữa. Ở trên nầy mà xuống dưới làm ruộng bất tiện quá.
Cô Hai Tân với Vĩnh Xuân dắt nhau trở qua salon. Cô thưa cho cha mẹ hay bánh trái đã dọn rồi.
Ông Đạo bèn đứng dậy mời khách qua phòng ăn mà dùng bánh.
Hai ông ngồi trên, hai bà ngồi giữa, sau chót là Vĩnh Xuân với cô Hai Tân ngồi ngang mặt nhau.
Vĩnh Xuân ngồi nghiêm chỉnh song chàng ngó cô Hai Tân luôn luôn và cứ chúm chím cưòi hoài, chớ nói ít. Còn cô Hai Tân thì cô lăng xăng, lấy bánh bỏ đầy dĩa cho chàng, gọt trái bom ép chàng ăn, rót cà phê mời chàng uống.
Ăn uống xong rồi, chủ khách trở qua salon. Cô Hai Tân mới nói với Vĩnh Xuân rằng: ”Em yêu bông lắm. Bởi vậy trước sân em không cho thầy em trồng cây, để trống mà xây bồn trồng bông chơi. Trời mát rồi, vậy mời anh bước ra sân coi mấy gốc hường của em đây. Đã biết dẫu thế nào cũng không bằng hường bên Tây được, nhưng mà bông coi cũng có vẻ đẹp đẽ, lại ở xứ nắng nên nó có cái màu theo trong xứ. Anh ra đây coi ”.
Cô vừa nói vừa bước lại cặp tay Vĩnh Xuân mà dắt đi ra sân.
Vĩnh Xuân bước xuống thềm và hỏi rằng:
- Đây kêu là Chợ Quán, mà chợ chỗ nào đâu tôi không thấy, lại thấy vườn nhiều?
- Tuy là Chợ Quán, song không có chợ, đường trước nhà đây đi xuống một chút thì tới mé sông. Anh quẹo qua tay mặt đi một đỗi tới nhà thương, đi khỏi nhà thương thì gặp chợ, người ta kêu chợ Hòa Bình. Anh không biết phía nầy hay sao?
- Hồi nhỏ tôi lên Sài Gòn có một năm rồi tôi đi Tây, tôi không có dịp đi vô phía trong nầy.
- Từ rày sắp lên anh sẽ có dịp. Anh có hay em thi tú tài kỳ nhì em đậu rồi hay không?
- Hay rồi.
- Ai nói?
- Thầy tôi nói tôi mới hay.
- Hôm em thi đậu thì anh đã xuống tàu rồi, nên em không biết làm sao mà viết thơ cho anh hay được. Em muốn gởi thơ xuống chận tàu anh ở Singapour, mà rồi em nghĩ để anh về tới rồi anh hay thình lình ngộ hơn.
- Tôi lấy làm mừng và khen cô.
- “Cô chớ”! Kêu bằng em, chớ kêu bằng cô nghe lợt lạt quá. Anh kêu bằng cô nữa, em giận đa, biết hôn?
- Nếu em cho phép thì tôi mới dám.
- Cho phép liền. Anh về dưới Cai Lậy hổm nay chắc anh buồn dữ hả?
- Đi lâu quá về nhà thấy cha mẹ, ông bà thì mừng, chớ có buồn gì đâu.
- Phải, anh mới về thì anh mừng. Mà anh ở nhà tới ba bữa rồi anh hết mừng, thì chắc anh phải buồn. Em biết chợ Cai Lậy mà. Mấy năm trước thầy em làm ruộng ở dưới, em có theo thầy em xuống chơi mấy lần, lần nào em cũng ghé thăm hai bác. Chợ gì mà chật hẹp, đường sá nhỏ xíu, phố xá dơ dáy quá. Còn đi mới ra khỏi chợ thì tứ phía là ruộng hết thảy, cảnh coi buồn muốn chết.
- Ở nhà quê thì là vậy chớ sao.
- Buồn lắm chắc em ở không nổi.
- Nhà quê thì không có các cuộc vui như thành thị, song được bề thanh tịnh, mình ở thì khỏe trí hơn.
- Nếu muốn thanh tịnh cho khỏe trí thì thà là lên ở miệt trên, cao ráo, sạch sẽ hơn. Để bữa nào em dắt anh lên sở cao su của thầy em trên Củ Chi cho anh coi, thanh tịnh mà sạch sẽ lắm. Còn nếu qua vườn sầu riêng bên Bình Nhâm, thì vui hơn nữa. Để thủng thẳng rồi em dắt anh đi chơi cho biết.
- Tôi sanh trong chỗ ruộng lúa, nên tôi ưa ruộng, ngó ra đồng tôi vui trong lòng. Mỗi chỗ đều có thú vui khác nhau. Ở ruộng, đến mùa cấy rồi, mình đi theo mấy bờ ruộng mà câu cá, thú vị lắm.
- Ở trên nầy câu cá cũng được vậy. Qua trại cưa của thầy em, bên Rạch Ông, rồi ngồi trên cầu mát mà câu, cá ăn giựt không kịp. Em câu chơi hoài. Như anh thích câu cá thì em dẫn anh đi câu.
Hai người vừa nói chuyện vừa dắt nhau đi vòng trong sân mà xem bông, xem hường, xem huệ, coi họ vui vẻ lắm.
Bà Thạnh tính từ[3] đặng đi Cần Đước cho sớm, nên bà bước ra cửa kêu Vĩnh Xuân mà nói rằng: “Thôi, trở vô đặng thưa với hai bác mà đi Cần Đước, con. Bốn giờ rưỡi rồi”.
Cô Hai Tân chưng hửng nên hỏi Vĩnh Xuân:
- Gấp như vậy hay sao?
- Tôi phải xuống Cần Đước đặng thăm bà ngoại tôi.
- Vậy mà tôi tưởng ăn cơm chớ.
- Xin lỗi cô để khi khác.
- Kêu cô nữa kìa!
Vĩnh Xuân cười rồi đi vô nhà với cô Hai Tân.
Vợ chồng ông hội đồng Thạnh với Vĩnh Xuân từ giã mà đi. Vợ chồng ông Đạo với cô Hai Tân đưa ra xe.
Khi Vĩnh Xuân sửa soạn bước lên xe, thì cô Hai Tân níu áo mà nói rằng: “Khoan, xin chờ em một chút”. Cô đi lại một bụi hường, hái một bông vừa mới bán khai, đem giắt trên miệng túi áo của Vĩnh Xuân vừa cười vừa nói: ”Xin anh giữ cái bông nầy để kỷ niệm ngày nay”.
Vĩnh Xuân tạ ơn rồi lên xe. Xe rút chạy, cô Hai Tân đứng ngó theo, sắc mặt hân hoan, cặp mắt rất hữu tình.
Bà Đạo ngó chồng rồi lắc đầu nói rằng: “Con gái đời nay làm kỳ quá, coi không được. Hồi trước người ta đi coi vợ, mà người ta thấy dâu lý lắc như con Tân vậy người ta sợ, người ta dám cưới đâu”.
Ông Đạo rùn vai rồi bước lên thềm và đáp rằng: “Bà thủ cựu quá! Đời nào có phong tục theo đời nấy chớ”.
[1] em, tiếng xưng hô với vợ một cách thân mật
[2] màu hột marron, Kastanien: màu nâu đậm
[3] từ giả