Tại tôi
Hữu Nhơn là một người trai, năm nay đã được 23 tuổi nhưng vì chàng nhỏ vóc, lại con nhà giàu, từ nhỏ cứ đi học chớ không làm viêc lao động, mà cũng không tập thể thao, nên gương mặt coi còn non ai cũng tưởng chàng mới 19 hoặc 20 tuổi.
Chàng đã thi đậu Tú tài kỳ thứ nhứt rồi, hiện bây giờ chàng đương học lớp triết học tại trường Chassloup-Laubat như cô Thanh Nguyên. Mấy năm nay chàng với cô học chung một lớp với nhau hoài, nên quen biết nhau nhiều, lại mến nhau mà đàm luận, bởi vậy tuy chàng ở trong trường, song chúa nhựt chàng hay lên Phú Nhuận mà thăm cô, có khi ở chơi đến tối mới vô trường.
Ông Tự Cường dưỡng nuôi và dạy dỗ con, ông để cho con được tự do, lại ông thấy cử chỉ của con còn cử chỉ con nít nên ông không ái ngại về sự trai gái kết niềm bằng hữu.
Vì Thanh Nguyên đã mời trước, Hữu Nhơn xin phép ông hiệu trưởng cũng rồi, nên chiều thứ bảy tan học rồi hai trẻ đi với nhau ra ngoài cửa trường đứng chờ xe của ông Tự Cường lại rước đi Vũng Tàu, hai trẻ đi lên đi xuống dài theo lề đường nói chuyện, cô hớn hở vui cười, chàng bình tĩnh nghiêm nghị.
Chờ gần nửa giờ mới thấy xe ông Tự Cường lại. Xe vừa ngừng thì ông nhảy xuống nói rằng: "Chờ lâu lắm hả? Mắc chạy xuống chợ mua đồ đem theo xe mà ăn, vì sợ ra tới Vũng Tàu khuya quá rồi đói bụng. Thôi lên xe đặng đi cho sớm".
Thanh Nguyên hỏi sớp-phơ có đem cái va-ly áo quần cô giao hồi trưa đó không. Sớp-phơ nói có, cô mới leo lên xe ngồi chính giữa. Tự Cường ngồi bên tay mặt, còn Hữu Nhơn thì ngồi bên tay trái.
Xe chạy khỏi Biên Hoà, Tự Cường bèn trao hai gói bánh mì và thịt hộp cho Thanh Nguyên, và biểu cô mở ra ăn. Cô mở gói bánh mì, lấy một ổ đưa cho cha, rồi lấy một ổ bẻ hai đưa cho Hữu Nhơn phân nửa, còn phân nửa thì cô ăn.
Cô cũng phân phát thịt rồi ăn ngon lành.
Cô vui vẻ khác thường, nói cười ngả ngớn, còn Hữu Nhơn vốn tánh nghiêm chỉnh, mà chàng lại cung kính Tự Cường, nên chàng ngồi im lìm có hỏi chàng mới dám nói, song nói chàng phải lựa lời, chớ không lả lơi vụt chạc.
Vì xe chạy chậm, nên quá 8 giờ rưỡi tối mới xuống tới Vũng Tàu, Tự Cường ghé lại một nhà hàng khách trú mướn hai phòng, một phòng để cho Thanh Nguyên, còn một phòng để ông với Hữu nhơn.
Thanh Nguyên mặc Âu phục, cô vô phòng rửa mặt và trang điểm lại, và xin cha dắt xuống bãi trước hứng gió, cô nói ăn đồ trên xe đã no rồi, không cần ăn cơm nữa.
Tự Cường dắt hai đứa trẻ xuống bãi biển, trên trời mặt trăng tỏ rạng trước mặt thì nước biển mênh mông, lại thêm gió thổi lao rao, trăng dọi nước sáng loà, nước mừng trăng dợn sóng.
Tự Cường ngồi trên một cái băng nhìn trăng xem nước còn Thanh Nguyên với Hữu Nhơn dắt nhau đi dài trên bãi mà chơi, thấy trời nước thì khấp khởi trong lòng, nên bây giờ Thanh Nguyên đứng lại ngó mặt nước lao xao và hỏi Hữu Nhơn:
- Anh ra mé biển như vầy trong lòng anh có vui không?
- Vui.
- Em cũng vậy, thấy biển thì em vui lắm mà biển phải có núi như ở đây, hoặc bên Long Hải hoặc Phan Thiết, Nha Trang em mới chịu chớ bãi biển như bãi Long Thành ở Gò Công, bãi Ba Động ở Trà Vinh thì em không thích. Phải ý anh cũng vậy không?
- Tôi biết Vũng Tàu mà thôi, chớ tôi chưa biết chỗ khác, nên không hiểu tôi có thích mấy chỗ cô nói đó hay không.
- Nhà quê! Anh nói ra mé biển anh vui mà nãy giờ em coi anh ý anh buồn chớ không vui chút nào hết. Tại sao vậy? Hay là tại anh đi chơi với em, nên anh không vui?
Hữu Nhơn châu mày ngó ngay Thanh Nguyên, trăng tỏ soi mặt cô sáng rỡ, lại thêm gió phất tóc cô vướng hai gò má, làm cho cô càng thêm duyên, chàng ngó cô rồi châu mày cúi mặt mà nói:
- Cô nói kỳ quá. Sao đi chơi với cô mà tôi lại không vui? Nếu không vui thì tôi đi làm chi đây?
- Anh vui mà sao từ hồi mới lên xe cho tới bây giờ không nghe anh cười một lần nào hết?
Hữu Nhơn đứng trơ trơ, dường như kiếm không ra lời để đáp.
Thanh Nguyên cười ngất và nói: "Đó rõ ràng anh buồn đó, thấy chưa.”
Hữu Nhơn gật đầu rồi chậm rãi nói nhỏ nhỏ. "Lời cô nói quả đúng như vậy. Không hiểu tại cớ nào, mà gần một năm nay, hễ tôi ngó mặt cô trong lòng tôi có cái gì không biết, nó làm cho tôi khó chịu buồn bực quá".
- Nếu vậy thôi, từ rày sắp lên em không dám cho anh thấy mặt nữa.
- Không phải vậy.
- Chớ sao? Nếu thấy mặt em mà anh khó chịu, cho anh thấy mặt làm gì.
- Bữa nào không thấy mặt tôi lại còn buồn hơn nữa. Như thứ năm, chủ nhựt cô không đi học tôi chịu không được, trông tới sáng cho mau đặng cô vô trường để tôi gặp cô.
- Nói kỳ quá! Thấy mặt thì buồn, mà không thấy cũng buồn, nói như vậy thì làm sao hiểu được.
Hữu Nhơn ngó mông ra biển, mà nói nhỏ nhỏ: "Dễ hiểu lắm, có chi đâu. Tại tôi thương cô, nên lòng tôi mới khó chịu như vậy đó".
Thanh Nguyên đưa hai tay mà xô vai của Hữu Nhơn một cái rất mạnh đoạn cười ngất và nói lớn: "Anh điên hả? Thương thì vui, chớ sao lại buồn. Anh vui đi. Em cấm anh không đựơc buồn nữa".
Hữu Nhơn lắc đầu ngồi bẹp dưới cát và nói: "Tôi nói như vậy cô lại cười, thiệt cô không hiểu gì hết! Cô làm cho tôi càng buồn thêm chớ có vui làm sao đựơc".
Thanh Nguyên cũng bắt chước ngồi bẹp trên cát duỗi hai cái chân ngay trước mặt, chống hai tay phía sau lưng, nẩy ngực, liếc mắt ngó Hữu Nhơn và đáp:
- Em vui lắm, chớ em có buồn đâu mà không cười. Tại sao mà phải buồn?
- Nếu vậy thì tôi thương cô mà cô không thương tôi.
- Em cũng thương anh vậy chớ. Nếu em không thương thì mấy năm nay hễ đến giờ nghỉ học em thèm kiếm anh mà nói chuyện đâu, chúa nhựt em có thèm rủ anh lên nhà chơi làm chi.
- Đó là cô ưa tôi chớ không phải thương.
- Theo tiếng Việt Nam ưa cũng như thương, hai tiếng có một nghĩa.
- Không. Khác nghĩa chớ, mình ưa một người nào nghĩa là mình thấy cử chỉ, hoặc tánh người ấy vừa ý, nên hễ gặp thì mình vui mình muốn tới lui nói chuyện chơi. Còn thương một người nào có nghĩa là mình yêu mến người ấy, muốn gần nhau luôn luôn… muốn làm vợ chồng… hễ xa cách người ấy thì mơ tưởng thương nhớ ăn ngủ không được.
- Ồ! Cái thương anh nói đó là thương về ái tình- chớ gì!
- Phải tôi thương cô là thương như vậy đó. Còn cô thương tôi, phải cô cũng thương như vậy không?
- Không.
- Tôi khốn nạn lắm! Tôi vô phước thiệt! Nếu vậy thì còn học làm gì nữa.
Hữu Nhơn nói xong rưng rưng nứơc mắt. Nhờ trăng tỏ rạng, Thanh Nguyên thấy rõ mặt chàng buồn thảm thì cô động lòng, nên cô đã hết vui cười nữa, mà cô lấy tay đùa cát suy nghĩ.
Trăng vẫn tỏ, gió vẫn mát, núi vẫn chần ngần sau lưng, nước vẫn mênh mông trước mặt, mà hai trẻ vẫn ngồi im lìm, đã không nói chuyện và cũng không ngó nhau nữa. Cách một hồi lâu Thanh Nguyên mới hỏi nhỏ nhỏ.
- Tại sao anh lại thương em mà thương về ái tình?
- Tôi có biết đâu. Có lẽ tại tôi học chung một lớp với cô mấy năm nay, tôi yêu cô mỗi ngày một chút, lần lần rồi tôi mới sanh mối ái tình trong lòng tôi.
- Còn tại sao bữa nay anh nói cho em biết làm chi vậy?
- Tôi muốn nói cả năm nay rồi, mà mỗi lần nói chuyện với cô, tôi tính bày tỏ tâm sự của tôi, thì có cái gì không biết nó khiến cho tôi ngần ngại hoài, mở miệng không được. Hồi tôi ngồi một bên cô trên xe tôi lấy làm khó chịu, nên tôi quyết định ra đây tôi sẽ nói phứt một lần cho rồi, nếu cô không thương tôi, thì tôi quyết định bỏ đi về làm ruộng cho rồi:
- Nếu em không thương anh, thì sẽ có người khác thương, chuyện gì mà phiền đến nỗi bỏ học.
- Tôi nói thiệt với cô, dầu tiên trên trời xuống tôi cũng không thèm nữa. Tôi phải cưới cho đựơc cô làm vợ mà thôi nếu không được chắc tôi buồn tôi phải chết.
- Lửa ái tình nhen nhúm trong lòng anh là tại anh đọc tiểu thuyết nhiều quá. Nếu anh lựa sách xã hội, hoặc triết lý mà đọc như em, chắc anh khỏi bị cái hoạ ấy.
- Phải lắm. Có lẽ tại như vậy mà bây giờ ngọn lửa đã cháy bừng lên rồi, biết làm sao!
- Phải dụi tắt đi. Hai anh em mình còn đương học mà gây ái tình thì học sao được.
- Có hại chi đâu. Không phải tôi tính cưới cô liền bây giờ. Tôi muốn biết trước coi cô có ưng làm vợ chồng với tôi hay không, rồi ít tháng nữa thi tú tài xong rồi tôi sẽ xin cha mẹ tôi lên nói với ông mà cưới cô. Tôi muốn biết trước đặng tôi yên lòng mà học. Cô chịu hứa làm vợ tôi hay không?
Thanh Nguyên châu mày ngồi nín khe không chịu trả lời liền, làm cho Hữu Nhơn bồi hồi trông đợi hết sức. Cách một hồi cô đứng dậy phủi cát trong áo quần. Hữu Nhơn cũng đứng dậy mà nói:
"Tôi xin cô trả lời giùm câu tôi mới hỏi đó"
Thanh Nguyên ngó ngang Hữu Nhơn mà đáp:
- Lấy chồng là điều quan hệ nhứt trong đời của con gái. Thuở nay em mắc lo học, em chưa có để ý đến việc ấy. Anh hỏi thình lình quá, nên em không biết làm sao mà trả lời.
- Cô cần phải suy nghĩ hay sao?
- Cần lắm. Từ hồi nhỏ cho tới bây giờ em tự do, muốn làm việc chi hay là muốn đi đâu, ba em cũng để cho em thong thả luôn luôn. Em sợ lấy chồng em mất tự do hết. Vì vậy nên em cần phải suy nghĩ, phải cân coi cái lạc thú vợ chồng nó có nặng bằng cái lạc thú tự do không chớ.
- Tôi hứa chắc với cô, hễ cô làm vợ tôi thì tôi sẽ để cô được tự do, chớ chẳng bao giờ tôi kiềm chế cô đâu mà sợ.
- Hễ có chồng rồi thì còn tự do gì nữa được đến tên họ cũng còn phải mất nữa ạ. Bây giờ em đi đâu em xưng em là Mademoiselle Thanh Nguyên. Nếu em làm vợ anh, em xưng như vậy nữa sao được, em phải xưng Madame Hữu Nhơn. Mất tên rồi.
- Tại phong tục như vậy biết làm sao. Mà đổi tên nghĩ chẳng hại gì.
- Ý! Hại lắm chớ. Cha mẹ đặt tên cho mình, mình phải quí trọng tên ấy. Mình đem mà đổi tên khác, nghĩ cũng đau đớn lắm chớ.
- Phải, cô nói chớm mà tôi hiểu rồi. Cô sợ đem tên trong sạch mà đổi lấy tên hèn hạ, nên cô ái ngại. Ví dụ đem tên trong sạch mà đổi lấy tên khác cũng trong sạch có lỗ lãi chi đâu mà sợ.
- Mà tại sao anh muốn em làm vợ anh chi vậy? Chớ làm anh em như mấy năm nay vậy không được hay sao?
- Tại, tôi thương cô.
- Thôi, anh đừng thương em, anh thương người khác đi.
- Tôi không thèm ai hết.
- Hứ! Đời bày tục kỳ cục. Thương thì phải kết vợ chồng, thương như vậy thấp thỏm quá, chớ có cao thượng gì đâu. Kết vợ chồng rồi sanh con, rủi chết bỏ chồng, bỏ con như má em vậy, thì khốn nạn quá, có vui sướng chỗ nào đâu.
- Lập gia thất là nghĩa vụ của loài người, dầu trai hay gái cũng phải vậy, cô quên hay sao?
- Bắt chước theo sách, mà lại sách xưa nữa! Anh nói thế ấy, ba em nghe, ba em phiền lắm.
- Ông không muốn cho cô lấy chồng sao?
- Không phải vậy. Ba em nghịch với chủ nghĩa gia đình chớ.
- Ạ! Tại bà mất ông buồn, nên ông mới nghịch.
- Có lẽ tại vậy. Thôi, trở về kẻo ba em trông.
- Khoan xin cô trả lời câu hỏi hồi nãy rồi sẽ về.
- Em đã nói để cho em suy nghĩ rồi em sẽ trả lời.
- Cô làm như thế nầy chắc tôi buồn rầu tôi học không được nữa.
- Chớ phải làm thế nào anh mới vui?
- Cô phải làm cho tôi có cái hy vọng sẽ làm chồng cô được thì tôi mới vui.
- Anh cứ nuôi cái hy vọng ấy đi.
- Phải nuôi chừng nào cái hy vọng ấy mới thành sự thiệt?
- Có lẽ tới chừng chúng ta thi đậu Tú tài kỳ nhì rồi.
Hữu Nhơn vội vã nắm tay Thanh Nguyên vừa cười vừa nói: "Cám ơn. Tôi cám ơn cô lắm, cô làm cho lòng tôi bây giờ phơi phới, trí của tôi bây giờ sáng sủa, mắt tôi thấy tương lai đẹp đẽ xán lạn vô cùng. Tôi sẽ đền bồi cái ơn ấy bằng tấm lòng yêu mến vô hạn. Tôi hứa chắc tôi sẽ đem hạnh phúc rải dài theo đời cô. Tôi sẽ làm cho cái đời của cô là đời tiên nga, đã không ưu sầu, lại hưởng đủ mùi ngọt ngon trong trần thế. Tôi chắc tôi sẽ làm được"
Thanh Nguyên nghe Hữu Nhơn nói thì cô cười. Chừng chàng nói dứt rồi, cô nói: "Lãng mạn quá! Tiểu thuyết quá! Em sợ một ngày kia anh sẽ điên vì tình".,
Hữu Nhơn nói; "Được kết chung tình với cô, dầu phải điên tôi cũng vui lòng".
Hai người kề vai nhau thủng thẳng trở lại chỗ ông Tự Cường ngồi, ngoài biển vẫn mênh mông, trong núi vẫn đồ sộ