Tại tôi
Hội đồng Quyền ăn cơm trưa rồi thầy ra đứng trước thềm xỉa răng và ngắm cảnh vật. Tên trạm làng đem tờ nhựt trình “Lục tỉnh” lại phát cho thầy.
Thầy lấy tờ nhựt trình rồi thủng thẳng trở vô nhà. Thầy đốt một điếu thuốc rồi kéo ghế ngồi và mở nhựt trình ra coi. Thầy mới coi một chút thì vùng đứng dậy ngó cô Hội đồng đương ngồi trên ván phía trong mà la lớn rằng: “Trời đất ơi! Thằng Thạch chết rồi!”.
Cô Hội đồng chung hửng hỏi rằng:
- Thạch nào?
- Thằng Thạch của chị Cả chớ Thạch nào?
- Úy! Cha chả! Chết hồi nào ở đâu?
- Nhựt trình nói chết tại Bà Chiểu, chết đêm hai tây, qua bốn tây chôn.
- Bữa nay mấy tây?
- Bữa nay năm tây. Chôn hôm qua rồi. Khốn nạn quá!
- Tôi sợ Thạch nào đó, chớ thằng Ba còn nhỏ, lại nếu nó có đau nó cũng cho mình hay chớ.
- Nó mà! Nhựt trình nói rõ rằng: Lý Như Thạch giáo sư trường “Vân Thế” thì là nó chớ ai.
- Bất nhơn dữ hôn! Vậy mà xưa rày tưởng nó giận chị Cả nó trở ra ngoài Bắc chớ.
- Thì lúc nó mới đi, nó có gởi về cho tôi một cái thơ. Nó không có nói nó sẽ đi đâu. Tôi cũng tưởng nó dắt vợ nó ra Bắc, chớ ai dè nó ở trên Bà Chiểu.
- Không biết chị Cả hay rồi chưa?
- Chắc là chỉ chưa hay. Nếu hay lẽ nào chỉ không cho mình hay. Để tôi vô trong chỉ coi.
- Cha chả, chỉ hay đây chắc chỉ rầu lắm.
- Vậy cho sáng con mắt chỉ. Có một đứa con trai mà ở nghiêm khắc với nó quá lẽ.
- Mình đi vô trỏng tôi cũng đi nữa. Vô thăm chỉ một chút.
Thầy Hội đồng không kịp thay đồ. Thầy lấy nón trắng đội lên đầu rồi cầm tờ nhựt trình ra đi. Cô Hội đồng che dù đi theo, cũng không thay áo đổi quần kịp.
Buổi trưa, bà Cả Kim nằm ngửa trên bộ ván dựa cửa sổ phía trước biểu con Tý nhổ tóc ngứa. Hữu Nghĩa ăn cơm rồi dắt vợ con xuống ghe đi vô làng Định Môn thăm ruộng. Tôi tớ đều làm công việc ở nhà sau, nên phía trước vắng teo.
Từ ngày Như Thạch bị đuổi đi rồi, thầy Hội đồng Quyền phiền bà Cả và ghét vợ chồng Hữu Nghĩa nên thầy ít vô. Bữa nay thầy buồn mà lại bực tức nữa, nên bước lên thềm thầy đi mạnh chân, tiếng giày kêu lớn. Bà Cả giật mình lồm cồm ngồi dậy. Bà thấy dạng vợ chồng Hội đồng thì bà mừng nên lật đật bới đầu và nói lớn rằng: “Vô chơi sao mà đi trưa nắng quá vậy?”
Thầy Hội đồng đứng ngó ngay chị mà hỏi: “Thằng Thạch nó chết rồi! Chị hay chưa?”
Bà Cả biến sắc hỏi lại:
- Hả? Chết ở đâu sao cậu nó lại hay?
- Tôi đọc nhựt trình đây tôi mới hay chớ. Để tôi đọc cho chị nghe:
“Ông hiệu trưởng và các giáo sư trường tư thục Vân Thế lấy làm đau đớn báo cáo rằng ông Lý Như Thạch, giáo sư tại trường ấy, đã tỵ trần tại biệt xá của ông, ở Bà Chiểu, trong đêm 2 Janvier 19... hưởng được 25 tuổi.
“Lễ an táng cử hành ngày 4 Janvier 19... đúng 7 giờ sớm mơi tại căn phố phía sau rạp hát thầy Cai”.
Thầy Hội đồng đọc dứt rồi, thầy ngó bà Cả mà nói: “Rõ ràng hay chưa Lý Như Thạch, giáo sư là thằng Ba chớ ai!”
Bà Cả sửng sốt, bà ngồi trân trân, không nói được tiếng chi hết, lõ cặp mắt chao oãu, nhỏ hai giọt nước mắt chảy dài xuống hai gò má.
Cô Hội đồng để cây dù trên ván, rồi cô vén áo ngồi sau lưng chị lấy khăn lau nước mắt, cô cũng không nói được một lời.
Trong nhà nằng nặng chứa đầy không khí buồn thảm, làm cho sự đau đớn ba chị em càng thêm nặng nề khó chịu.
Thầy Hội đồng quăng tờ nhựt trình trên bàn, kéo một cái ghế ngồi ngang đó rồi thủng thẳng nói rằng: “Đã biết mạng số cùng rồi thì ở đâu cũng phải chết. Nhưng mà chết ở đất khách quê người, cha mẹ bà con không được thấy mặt, thiệt tức quá. Chớ chị nghe lời tôi thì đâu có tai họa khốn nạn như vầy!”
Bà Cả thở một hơi dài rồi nói: “Tại tôi, tại tôi nên con tôi mới chết!”.
Thầy Hội đồng thấy chị đã tự hối, thầy không nỡ trách nữa, song trong lòng thầy vẫn còn đau đớn quá, nên thầy hỏi rằng:
- Bây giờ chị tính sao đây?
- Cậu tính làm sao thì tính giùm, chớ tôi còn biết làm sao mà tính.
- Nó chết đã chôn hồi sớm mơi hôm qua rồi... Tuy vậy mà mình cũng phải lên Bà Chiểu, hỏi thăm coi nó đau bịnh gì mà chết, mồ mả nó nằm ở đâu, chớ bây giờ tính bỏ luôn hay sao.
- Đi thì đi. Cậu nó đi giùm với tôi, chớ tôi đi một mình lên trển tôi có biết chỗ nào đâu mà hỏi thăm.
- Vợ chồng thằng Xã đi đâu mà nãy giờ không thấy mặt? Hay tin thằng Thạch chết, ai buồn thì buồn, chớ con Phụng có buồn đâu. Thương yêu gì mà buồn.
- Vợ chồng nó mới đi vô trong đồn điền Định Môn.
Thầy Hội đồng ngẫm nghĩ một chút rồi nói: “Thế nào tôi cũng phải đi. Tưởng có thằng Xã ở nhà, tôi biểu nó đi với tôi. Nó đi khỏi thì thôi. Còn chị đi, tôi tưởng không ích gì. Thôi, chị ở nhà, để tôi đi lên trển tôi hỏi thăm coi công chuyện ra làm sao, tôi tìm vợ nó đặng tôi biểu chỉ mồ mả cho tôi biết, rồi sau tôi sẽ dắt chị lên đặng mướn làm mả cho nó”.
Cô Hội đồng tiếp nói: “Ở nhà em nói phải lắm. Thôi, để ổng đi trước một mình lên hỏi thăm coi, rồi chị sẽ đi. Chừng chị đi, em sẽ đi với chị”.
Bà Cả ngồi lặng thinh một hồi rồi mới nói: “Cậu tính như vậy cũng được. Thôi, đi trước một mình lên trển coi, chớ tôi đi theo, lên đó chắc là tôi không chịu nổi. Cậu phải ráng kiếm giùm con vợ nó mà dắt về đây đặng tôi hỏi thăm cho rõ ràng, chớ chết như vậy thì tức quá”.
Thầy Hội đồng đứng dậy nói: “Thôi để tôi đi thẳng vô chợ Ô Môn mướn một cái xe hơi rồi tôi chạy về nhà thay đồ đặng đi liền”. Thầy Hội đồng đội nón ra đi.
Bà Cả kêu nói:
- Cậu nó lấy bạc bỏ theo lưng đặng trả tiền xe chớ.
- Thôi, tôi có bạc sẵn đây, chị đừng lo.
- Cậu nó đi thì về mau mau, ở nhà tôi trông lắm.
- Bề nào cũng ngày mai tôi về mới tới chớ.
- Nhớ kiếm con vợ nó, nghe hôn.
- Việc đó là việc cần nhứt, quên làm sao được.
Thầy Hội đồng đi rồi, thì cô Hội đồng ở lại đó mà hú hí với chị cho chị bớt rầu. Tôi tớ trong nhà nghe tin chẳng lành ấy thì xì xầm truyền ngôn với nhau, cách một giờ sau chòm xóm hay hết, nên tựu lại hỏi thăm.
Cô Hội đồng ở tới tối, vợ chồng Hữu Nghĩa đi Định Môn về rồi, cô mới chịu về nhà. Sáng bữa sau cô trở vô sớm mà đón chồng về coi công chuyện ra thế nào. Ông Chánh bái Thành cũng lại ngồi đó mà chờ tin.
Đến chiều, thầy Hội đồng về mới tới.
Bà Cả thấy thầy bước vô nhà có một mình, bà chảy nước mắt mà hỏi:
- Nó đau bịnh gì mà chết vậy? Kiếm không được vợ nó hay sao?
- Vợ nó đâu mà kiếm!
- Nó về ngoài Bắc rồi hay sao?
- Nó đã chết năm sáu tháng nay rồi.
- Úy cha chả, vợ nó cũng chết nữa.
- Chớ sao? Công chuyện nghe thảm thiết hết sức, để rồi tôi thuật lại cho chị nghe.
Thầy Hội đồng ngồi tại bàn giữa với ông Chánh bái, kêu sơp-phơ vô trả tiền xe, trong nhà lặng trang, ai nấy đều ngồi im lìm chờ nghe tin tức, duy chỉ có Hữu Nghĩa đi rót một tách nước trà bưng lại để trước mặt thầy Hội đồng.
Sơp-phơ lấy tiền đi rồi, thầy Hội đồng mới nói:
“Hôm qua 4 giờ chiều. Tôi lên mới tới Bà Chiểu. Tôi đi lại dãy phố ở phía sau rạp hát thầy Cai mà hỏi thăm. Họ chỉ căn phố của thằng Ba ở cho tôi coi, mà họ nói chôn nó rồi thì có một ông giáo sư trường Vân Thế chở đồ đạc đi hết rồi trả phố lại cho chủ, nên bây giờ phố bỏ trống. Tôi hỏi thăm vợ nó, thì họ nói cách năm sáu tháng trước vợ nó đẻ một đứa con gái, đẻ được đâu chừng một tháng thì vợ nó đau tim mà chết. Nó mướn một người vú nuôi con nhỏ, người vú tên Thì, hồi trước cũng ở gần đó. Hôm kia chôn nó rồi, thì vợ chồng người vú dọn đồ đi chỗ khác, không biết ở đâu”.
Bà Cả khóc và nói: “Té ra nó có con”.
Thầy Hội đồng gật đầu.
Ông Chánh bái nói: “Vợ chồng nó chết hết, mà nó có con, thì mình phải đem con nó về nuôi chớ. Người vú dọn nhà ở chỗ khác, nên mình ráng hỏi thăm, thì có lẽ cũng phải ra mối. Họ nói có ông giáo sư nào dọn đồ đạc của nó chắc ông cũng lãnh nuôi giùm con nó chớ gì. Sao cậu Hội đồng không kiếm giáo sư đó hỏi rồi đem con nhỏ về cho thiếm Cả.
Thầy Hội đồng đáp: “Tôi có đi kiếm chớ. Nhờ có đi kiếm nên tôi mới biết nhiều việc đáng buồn lắm”.
Bà Cả hỏi:
- Mà thằng Ba tôi nó đau bịnh gì nó chết gấp vậy?
- Đau lâu lắm mới chết, chớ có chết gấp đâu chị? Nó mang chứng bịnh ho lao đã lâu rồi, vì buồn rầu, vì không có tiền uống thuốc, lần lần thân thể gầy mòn nên mới chết chớ.
- Bất nhơn quá! Chớ chi nó đau nó cho mình hay, thì có lẽ nào chết như vậy.
- Có! Nó có cho hay. Để tôi thuật lại hết công chuyện cho chị nghe. Hỏi trong Bà Chiểu rồi tôi trở ra Tân Định kiếm trường Vân Thế. Tôi hỏi thăm thì ông hiệu trưởng nói thằng Ba dạy trường ông hơn 10 tháng rồi.
- Từ ngày nó đi cho tới bữa nay thiệt đã hơn 10 tháng. Té ra lên Sài Gòn rồi nó vô trường đó mà dạy, chớ có trở ra ngoài Bắc đâu.
- Phải, chị đuổi nó thì nó lên đó xin dạy học liền. Tới bây giờ tôi mới hay, chớ xưa rày tôi cũng tưởng nó ra Bắc. Tôi hỏi ông hiệu trưởng vậy vợ chồng nó đau bịnh gì, mà chết hết, còn con của nó, nó có gởi cho ai nuôi giùm. Ông hiệu trưởng nói có ông giáo sư Tự Cường là bạn thân thiết của nó, lúc nó đau ổng săn sóc, lúc nó chết ổng lo tống táng, vậy tôi phải hỏi ông ấy mới rõ được. May lúc ấy mãn giờ học, ông hiệu trưởng bèn cho ông Tự Cường lại phòng khách cho tôi hỏi thăm. Ban đầu ổng dè dặt, tôi hỏi ông nói lơ là, coi bộ không chịu nói rành việc gì hết. Tôi mới nói tôi là cậu ruột của Như Thạch, tôi thương nó lắm, hồi nó dắt vợ nó về Ô Môn, chị rầy rà thì tôi can gián hết sức. Bữa chị đuổi nó đó tôi không hay mà xưa rày tôi vẫn tưởng vợ chồng nó trở ra Bắc, chớ chi tôi hay nó lên Sài Gòn mà dạy học thì tôi đã đem vợ chồng về tôi nuôi, rồi tôi bao bọc cho nó làm ăn. Nghe nói vậy ông Tự Cường mới chịu nói thiệt. Ông nói thằng Ba bị chị đuổi thì nó lên Sài Gòn xin vô trường Vân Thế liền. Vì ăn lương ít nên vợ chồng phải vô ở một căn phố chật hẹp trong Bà Chiểu. Nó nghèo cực lung lắm, vợ nó có nghén mà lại đau tim nữa. Đẻ một đứa con gái đâu được một tháng thì vợ nó chết. Nó phải mướn vú nuôi con, mà nó cũng đã mang bịnh ho mấy tháng trước rồi. Phần buồn việc gia đình, phần không có đủ tiền uống thuốc, nên bịnh càng ngày càng thêm nặng rồi mới chết, nó chết thì anh em đồng nghiệp hùn tiền mà chôn cất nó. Vì không biết bà con nó ở đâu đặng cho hay, nên anh em mới cậy ông hiệu trưởng ấn hành tờ ai phó trong nhựt trình, lại xin chở bàn ghế chút đỉnh đem về trường mà gởi. Như tôi muốn lãnh đồ ấy thì nói với ông hiệu trưởng lãnh về, ông Tự Cường lại dắt tôi vô trong ngã năm Gia Định chỉ mồ mả của vợ chồng nó cho tôi biết, ổng có mướn làm trụ đá cắm trên đầu mả rành rẽ lắm. Bà Cả nghe nói tới đó thì bà khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Ông Chánh bái với vợ chồng thầy Hội đồng cảm động nên cũng chảy nước mắt.
Ông Chánh bái hỏi: “Sao cậu không hỏi ông Tự Cường coi bây giờ con nó ở đâu?”.
Thầy Hội đồng trợn mắt đáp: “À, nãy giờ tôi thuật chuyện lại mà tôi bỏ sót việc ấy”.
- Tôi có hỏi chớ. Ông Tự Cường nói cách 10 ngày trước thằng Ba nó biết nó sẽ chết, nên nó có viết thơ về mà xin lỗi chị Cả. Trong thơ nó có nói chuyện đứa con của nó. Nó đợi hoài, không thấy bà con ai lên hết, nó chắc chị Cả bỏ đứt nó, nên nó phải kêu người ta mà cho đứa nhỏ. Nó cho ai ông Tự Cường không hiểu, nên ông không biết đâu mà chỉ. Ông Tự Cường nói quả quyết với tôi rằng cách mười bữa trước ngày thằng Ba chết, nó có gởi thơ về cho chị Cả. Vậy chớ chị Cả không có được cái thơ đó hay sao?
Bà Cả đáp: “Từ ngày nó ra đi cho tới bây giờ, tôi có được cái thơ nào của nó đâu?”
Thầy Hội đồng châu mày nói: “Không, mới mười mấy bữa rày đây chị không có được thơ của nó hay sao? Thơ nó gởi có lý nào lạc được. Hay là thơ lại, chị không có ở nhà, rồi vợ chồng thằng Xã bỏ dẹp đâu đó chớ gì. Con Hai a, hổm nay có thơ nào gởi lại cho chị Cả hay không vậy cháu. Cháu nhớ lại coi?”.
Cô Phụng đương ngồi phía sau lưng bà Cả, nghe hỏi thì cô đứng dậy nói không có, nhưng mà lời nói nghe yếu xịu, lại bộ tịch bợ ngợ lắm.
Thầy Hội đồng trợn mắt nói:
- Không lý không có, ông Tự Cường nói thằng Ba có trối với ổng, nó nói cách mười bữa trước nó có gởi thơ về cho chị Cả hay nó gần chết và xin chị Cả lên đem con nó về nuôi. Nó đợi hoài không thấy ai hết nên nó phải kiếm người mà cho con nó. Cháu nhớ lại coi, chừng mười mấy bữa rày đây có được cái thơ nào hay không?
- Thưa... cháu không thấy.
- Hứ? Kỳ quá, đâu cháu kêu hết bầy trẻ ở trong nhà ra đây cho cậu hỏi coi, kêu hết ra đây.
Cô Phụng vâng lời kêu con Tý, chú Hưng, chị Thình ra đủ mặt. Thầy Hội đồng hỏi: “Cách chừng mười bữa rày hoặc nửa tháng nay, đứa nào có thấy trạm đem thơ lại đây hay không? Bây nhớ coi”.
Chú Hưng nhanh nhẩu nói: “Thưa có. Hôm trước tôi đứng ngoài cửa ngõ, trạm có đưa tôi một cái thơ. Tôi đem vô nhà, cậu Xã đi khỏi, bà mắc nghỉ trưa nên tôi đưa cho cô Hai”.
Thầy Hội đồng ngó cô Phụng, cô ngó chú Hưng hỏi:
- Đưa hồi nào đâu?
- Cô đương nằm trên võng tôi đưa thơ cho cô đó, cô quên hay sao?
- Ờ ợ? Chuyện đó lâu rồi mà.
- Không, mới chừng mười mấy bữa rày đây mà.
- Ơ ờ. Tôi nhớ rồi, hôm trước cha thằng Nhơn đi khỏi, chú Hưng đưa cho tôi một cái thơ. Tôi bỏ vô trong tủ, tôi tính để cha thằng Nhơn về tôi sẽ biểu đọc coi thơ của ai, hổm rày tôi quên. Để tôi kiếm lại coi cái thơ còn đó hay không.
Cô Phụng đi vô buồng. Hữu Nghĩa ngồi tại bàn viết gục mặt, không nói chi hết.
Thầy Hội đồng nóng nảy ngồi không được, thầy đứng dậy ngó bà Cả mà nói: Chắc cái thơ đó rồi! Ăn ở như vầy thì giết người ta được! Khốn nạn quá!”.
Bà Cả kêu nói: “Hai ạ, lấy đem ra đây cho mau đặng đọc nghe coi. Nếu bỏ trong tủ thì còn đó, chớ ai vô đây lấy”.
Cô Phụng cầm cái thơ đem ra thì thơ đã xé bao rồi. Thầy Hội đồng biểu đưa cho thầy. Thầy cầm coi ngoài bao rồi nói: “Phải rồi chữ của thằng Ba đề bao đây. Mà thơ ai đã xé coi rồi đây mà”.
Bà Cả muốn nghe coi con gởi nói việc gì, nên bà biểu: “Đâu cậu nó đọc thơ nghe coi mà”.
Thầy Hội đồng rút thơ ra đọc:
THƯA MÁ
“Mấy tháng nay con mang một chứng bịnh không thể trị được, là chứng bịnh ho lao. Bịnh đã nặng lắm rồi, nên sự sống của con chắc chẳng còn bao lâu nữa.
Vợ của con cũng đã chết rồi, chết cách năm tháng trước, ấy vậy trong ít ngày nữa đây thì hai đứa ngỗ nghịch dám trái chế độ gia đình, đều phải bị trời phạt không cho ở thế gian nầy mà phản ngược với thành kiến của xã hội nữa.
Trước khi lìa cõi dương trần con viết thơ nầy kính gởi đôi lạy mà từ giã má và cúi xin má tha tội cho con là đứa không kể ơn sanh thành, làm cho má buồn má giận.
Sau nầy con xin thưa cho má hay: vợ chồng con có sanh một đứa con gái, hiện nay nó vừa mới được sáu tháng. Nếu má nhìn nhận nó có một phần máu thịt của má, hoặc là di tích của dòng họ LÝ thì má cho người lên đem nó về mà nuôi dưỡng chớ hễ con chết rồi thì nó sẽ trở nên một đứa vô gia đình, vô thân tộc.
Con cúi đầu vĩnh biệt má, ơn sanh thành con xin để kiếp sau con sẽ đền đáp”.
LÝ NHƯ THẠCH
ở phố phía sau rạp hát thầy Cai
tại Bà Chiểu (GIA ĐỊNH)
BÁI THƠ
Thầy Hội đồng đọc thư rồi thì thầy châu mày đỏ mặt, la lớn rằng: “Phụng, thiệt rõ ràng vợ chồng mầy hiệp nhau mà giết em mầy. Ngày thằng Thạch dắt vợ nó về, chị Cả giận đuổi nó, vợ chồng mầy không có được một lời can gián. Khi nó gần chết, nó viết thơ nói như vầy, mà vợ chồng mầy giấu biệt không cho chị Cả hay. Bây ăn ở như vầy thì khốn nạn quá. Nếu bây cho chị Cả hoặc cho tao hay thì tao lên tao rước em bây về dưới nầy mà nuôi nó, ví dầu nó phải chết đi nữa, thì cũng khỏi chết nơi đất khách quê người, lại con nó cũng khỏi phiêu lạc. Bây giờ biết con nó đâu mà tìm!... Tao hiểu hết. Bây muốn cho thằng Thạch chết mà lại tuyệt tộc nữa đặng bây muốn ăn gia tài cho trọn. Không được đâu, thái độ của bây như vậy trời không cho bây trọn hưởng giàu sang đâu. Tao hứa chắc với bây tao sẽ cản đường bây. Tao sẽ kiếm con của thằng Thạch cho được tao mới nghe. Để tao cất cái thơ nầy đặng ngày sau tao đưa cho con của thằng Thạch nó coi cho nó biết lòng dạ của cô nó”.
Thầy Hội đồng xếp thơ mà bỏ vô bốp phơi, bộ thầy giận lung lắm.
Hữu Nghĩa với cô Phụng mặt mày tái xanh, ngồi nín thinh, không chối cãi một lời nào hết.
Bà Cả cứ ngồi khóc, nước mắt tuôn dầm dề. Bà nói bệu rằng: “Thôi, tại tôi hết thảy. Cậu nó nóng giận rầy rà, bây giờ thằng Thạch cũng không sống lại được. Thôi để giúp tôi mà lo làm mồ mả cho vợ chồng nó hoặc xin lấy cốt đem hết về dưới nầy cho nó nằm một bên cha nó. Tôi cũng còn cậy cậu nó làm sao kiếm giùm cho được con nhỏ đặng cho tôi nuôi. Máu thịt của tôi lẽ nào tôi bỏ cho đành”.
Thầy Hội đồng cười gằn mà đáp: “Chị không cậy tôi cũng làm”.