Sống thác với tình
Đi Ở PHÂN VÂN
Sáng hôm sau, ông Hai Cường lui cui ở ngoài rẫy lo chăm sóc đồ của ông trồng. Diệp nói bữa nay không có việc chi ở nhà và biểu Xuân Sơn với Thu Thủy đi đào trùn đặng lát nữa ba dì cháu đi câu kiếm cá ăn.
Ăn cớm sớm mơi rồi ông Hai muốn tìm chỗ thanh vắng đặng vừa làm việc, vừa suy nghĩ coi nên ở lại đây hay là nên trở về Sài Gòn. Ông cầm cái mác đi vô vườn chuối đặng đốn chuối cây ăn buồng rồi mà bỏ và bứng chuối con trồng rải ra thêm.
Diệp với hai trẻ vác cần câu và xách giỏ đi ra mé biển.
Hai chị em Thiên Hương với Lê ở nhà mới bàn với nhau về chuyện ông chú nói hồi hôm.
Thiên Hương nói:
- Theo lời ông chú thuật rõ công chuyện em từ lúc ban đầu thì chị nhận thấy ông Khải Quang hồi trước đã giàu có, rồi bây giờ lại được địa vị cao, tuy vậy mà ông là người biết điều chớ không là bợm bạc tình bội nghĩa như mình tưởng. Vì muốn được hiếu nên ông phải mất tình thì mười mấy năm nay, chị chắc về phần trí ông không được vui sướng như em đâu. Vì cha mẹ nên ông phải xa em, nhưng ông gặp ông chú ông khóc và giao bạc tiền cậy ông chú đem em đi xa mà nuôi, ông hứa sẽ chu cấp luôn luôn, ông lo cho đời sống của em và cũng lo cho đứa con của ông cấu tạo nên, chớ ông không có ý gạt đem đi cho xa đặng ông bỏ, không tin tức ông viết thơ đến mấy lần mà cậy tìm kiếm, đó là bằng cớ ông không quên mẹ con em. Hôm nay tình cảnh biến đổi sao đó, ông liệu hòa hiệp với em được, nên ông muốn ông chú đem mẹ con em trở về. Xét cho kỹ, chị nhận thấy ông không có lỗi gì với em mà em phiền trách nên em không chịu đem Xuân Sơn về đặng chồng gặp vợ, cha nhìn con, chồng vợ cha con sum hiệp.
- Em tỏ thiệt với chị, em không phiền trách chi hết. Hồi hôm nghe chú nói em liền nói em ở luôn đây chớ em không muốn đi đâu hết là vì mười mấy năm nay hễ nhớ tới cuộc tình duyên hồi trước thì em ăn năn lắm. Tại hồi đó em còn nhỏ dại, nên em mới lầm lạc mà hư thân. Em là con nhà nghèo, dốt nát, quê hèn, còn anh Khải Quang là con nhà giàu, khôn ngoan, học giỏi, hai bực cách nhau xa quá, làm sao mà hòa hiệp với nhau cho được. Dầu anh Khải Quang không kể giai cấp, tình yêu làm cho anh mù quáng, anh bước xuống thấp nắm tay kéo em lên cao, còn cha mẹ anh, còn anh chị của anh, còn bà con cô bác của anh, họ có mù quáng như anh, họ có thương yêu quí trọng em đâu. Em đem thân hèn hạ chen vào nhà giàu sang, cả nhà sẽ ngó em có nửa con mắt, em ở làm sao được. Tại hồi đó em chưa lịch duyệt nhơn tình nên em đem lòng yêu ảnh, mà cũng tại ảnh làm bướng, không kể thế thái nhơn tình, nên mới bị cha mẹ cấm cản làm cho em nhục nhã hư thân, còn ảnh phải ăn năn hối hận. Thôi, mười mấy năm mưa nắng đã rửa sạch và phơi khô tình yêu khờ dại đó rồi, vậy nên để cho nó nằm êm trong mé rừng góc núi, cho nó sạch sẽ khô khan luôn tốt hơn là bày đem nó ra lại đặng hai đàng còn phải chia khổ một lần nữa.
- Ổng liệu hòa hiệp được ổng mới tìm chớ. Nếu tìm mà em phải khổ thì ổng tìm làm chi.
- Ví như bây giờ cha mẹ ảnh có xuôi thuận đi nữa thì ảnh còn chị vợ của cha mẹ cưới hồi đó. Em về em ở nhà lầu đi xe hơi mà em phải uật hạ kiêng nể người ta, thà là em ở đây em uống nước suối, ăn mắm, ăn khô, mà em thong thả vậy không tốt hơn hay sao? Ví như bây giờ cha mẹ ảnh đã trăm tuổi già rồi, còn vợ ảnh hoặc cũng mãn phần, hoặc đã ly dị, nghe nói ảnh làm lớn, ngồi trên trước quan Quận mình nữa, ảnh rước em về đặng làm vợ ảnh ở trong nhà, cha chả khó lắm chị ơi, phận em hèn hạ, em không xứng đáng với địa vị cao sang đó, em làm cho xấu con mắt người ta và cực lòng cho ảnh chớ không ích gì.
- Nãy giờ em nói phận em, còn em không nhớ tới Xuân Sơn. Em nên nghĩ tới đời tương lai của nó nữa chớ. Bây giờ mình biết cha nó đã chiếu cố đến nó rồi chớ không phải bỏ. Mình cũng biết cha nó giàu sang. Vậy mình phải đè nén lòng thương yêu của mình mà để cho nó gần cha nó đặng bây giờ thân nó được sung sướng, rồi chừng lớn khôn nó nhờ của phụ ấm mà khỏi cực khổ tấm thân. Cha đã muốn nhìn con, mà mình cản trở không cho cha con gần nhau, chị sợ ngày sau nó khôn lớn, nó cực khổ, rồi nó phiền trách chị em mình. Việc đó em phải suy nghĩ.
Cô Lê ngồi lặng thinh một hồi rồi cô thở một hơi dài mà nói:
- Chị nghĩ như vậy thì phải lắm. Ngặt từ nhỏ tới giờ nó xẩn bẩn trong vùng nầy chớ chưa đi đâu hết. Đi một mình nó có biết đường sá, có biết Sài Gòn ở chỗ nào đâu mà đi.
- Chị có dạy nó học địa dư trong xứ mình. Tuy chưa đi đâu song nó đã hiểu tỉnh nào nằm chỗ nào, vô Hà Tiên nó hỏi thăm người ta đặng lên xe đò mà qua Châu Đốc hay xuống Rạch Giá rồi sang xe mà lên Sài Gòn, có khó gì. Hay là cậy ông chú đưa nó đi.
- Nhỏ lớn nó không rời mình. Để cho nó đi em nhớ, em chịu sao được. Mà hồi hôm Xuân Sơn có nói nó cũng không chịu đi. Chắc nó không chịu rứt con Thu Thủy ra mà đi chớ gì. Nó nói phải đi hết cả nhà nó mới đi. Đi hết sao được. Em đố chị nói làm sao cho Xuân Sơn chịu đi một mình thì chị giỏi lắm. Hai đứa nó yêu nhau, thuở nay, một bước không rời. Thủy đâu thì Sơn đó, không thể nào nó chịu bỏ Thu Thủy ở nhà mà đi một mình đâu. Đi ăn vàng nó cũng không thèm.
Thiên Hương lơ lửng, trầm ngâm, rồi nói:
- Nếu Xuân Sơn chịu đi vô Sài Gòn ở với cha nó một hai năm cho nó khôn lớn, cha con nhìn nhau, nó biết đó, biết đây, thông thạo việc đời, rồi nó trở về đặng mình cho nó phối hiệp với Thu Thủy thì tiện quá, em hả?
- Em sợ con Thu Thủy cũng không chịu cho thằng nọ đi nữa chớ.
- Chuyện nầy theo người ta thì dễ ợt. Tại mình biết phải biết quấy, biết xét phận mình, biết vị lòng người, nên nó thành khó. Ông chú bối rối, than khó liệu, thiệt phải lắm.
- Chú than trời đương thanh tịnh, thình lình nổi dông thiệt nổi dông, nổi gió mà.
- Thôi, để tối nay coi ông chú tính lẽ nào. Mình cũng phải hỏi gắt Xuân Sơn coi nó bằng lòng đi cho biết cha hay không, hỏi mà dọ ý nó, mà cũng dọ luôn tình ý của Thu Thủy nữa rồi sẽ liệu định.
Hai chị em, kẻ tính tới, người tính lui hoài, không quyết định được việc gì hết.
Ngoài vườn chuối, ông Hai Cường bứng trồng một hồi rồi ông ngồi trong bóng mát khoanh tay ngó mông và suy nghĩ tính coi có nên dắt hết trở về Sài Gòn cho con cháu thưởng thức cảnh rực rỡ chốn phiền ba, hay là nên ẩn núp luôn trong chỗ rừng núi nầy mà hưởng cảnh thú thiên nhiên, tuy im lìm, hẩm hút, nhưng khỏe trí an thân, khỏi cạnh tranh, khỏi ganh ghét, khỏi nghe tiếng thị phi, khỏi mắc vòng tục lụy. Đi hay là ở, vấn đề chỉ bao nhiêu đó mà thôi, mà ông suy nghĩ hoài, không giải quyết được.
Còn Xuân Sơn với Thu Thủy ngày nay ra mé biển ngồi cũng vì vấn đề đó mà hai trẻ cứ bàng hoàng trong trí. Sơn cứ hỏi thầm trong trí vậy chớ có nên đi lên Sài Gòn cho biết cha rồi ở với cha hay không, còn Thủy cứ lo ngại sợ Sơn bỏ mình mà đi thì mình bơ vơ rồi buồn rầu chịu không nổi.
Gần nửa chiều, Diệp biểu về đặng lo cơm nước. Diệp xách giỏ cá đi truớc, Hai trẻ vác cần câu đi theo sau.
Thu Thủy nói với Xuân Sơn:
- Thuở nay em tưởng Hai đứa mình đều không có cha. Té ra bây giờ anh có cha, thiệt anh có phước hơn em quá.
- Có phước hay không, làm sao mà biết được. Em chưa thấy ông cha đó, em chưa hiểu ông muốn cái gì, sao em dám gọi là có phước?
- Dầu ông muốn cái gì, ông cũng là cha. Ông tìm kiếm ngoại, ông hỏi thăm má với anh, ông cậy quan Quận đưa hết về Sài Gòn cho ông. Mấy điều ấy đủ chỉ ông yêu anh, chớ nếu không yêu thì ông nói tới làm chi?
- Có khi người ta tìm kiếm là tại cần dùng chớ không phải tại thương yêu. vậy chớ thuở nay không có cha, hai đứa mình vô phước lắm hay sao? Mình cũng vui sướng, cũng có phước vậy, cần gì phải có cha?
- Nói vậy thiệt anh không chịu đi hay sao?
- Đi hết cả nhà thì qua mới chịu đi.
- Anh yêu em như vậy thì em mừng lắm, đừng bỏ em mà đi nghe hôn. Hôm trước anh bỏ anh đi với ngoại lên Chóp Chài có một ngày mà em buồn, em muốn chết. nếu anh bỏ em mà về Sài Gòn chắc em sống không được.
- Qua bỏ em sao được, không có em thì đời sống của qua có ý nghĩa gì đâu.
Thu Thủy nghe như vậy thì liền nắm tay Xuân Sơn mà nói nho nhỏ: „Cám ơn! Em mừng lắm”.
Về tới nhà, Diệp lo cạo rửa cá mà kho. Thu Thủy phụ nấu cơm, Xuân Sơn đi kiếm ông ngoại rồi ông cháu đi vô nhà.
Ăn cơm rồi cả nhà cũng ra ngồi dưới gốc cây nói chuyện với nhau như bữa trước. Mà câu chuyện cũng chẳng có chi khác hơn là bàn tính coi phải trả lời với quan Quận cách nào. Nên chịu đi về Sài Gòn hay từ chối? Ông Hai Cường hỏi thử từng người dọ ý. Mỗi người đều có một ý kiến riêng. Mến tiếc hạnh phúc thiên nhiên của Tạo Hóa sắp đặt cho mình quen hưởng 16 năm rồi, sống giữa cảnh đầm ấm, thân yêu, an vui, thong thả, nên không ham thứ hạnh phúc rực rỡ mà phải rần rộ tranh đua, liệu lo giành giựt bởi vậy không ai hăng hái muốn bỏ Phú Quốc mà về Sài Gòn, điều đó thì mỗi người đồng ý. Nhưng không muốn đi thì mỗi người viện một lý riêng không giống nhau.
Cô Lê nói cô đã chán nản về cuộc tình duyên, tình đã cạn, chí đã mòn, bởi vậy cô muốn thủ phận an nhàn chớ không muốn vượt bực rồi không có đủ tài đức với khả năng cho xứng với địa vị. Vì vậy nên cô không muốn đi đâu nữa hết, quyết sống luôn ngoài hòn Phú Quốc đặng vui với trời biển, bạn với núi rừng, tuy hẩm hút song thảnh thơi, khỏi nghe những tiếng thị phi, khỏi sa vào vòng ganh ghét. Về phận Xuân Son nó là máu thịt của Khải Quang, cô là mẹ cô không phép vị kỷ mà đoạn tình nghĩa cha con của nó. Vậy cô phải để nó thong thả mà liệu định về sự đi ở, nó định lẽ nào tự ý nó, cô không xúi mà cũng không cản. Nhưng nó bỏ cô mà theo cha, tự nhiên cô buồn, vì nó cũng là máu thịt của cô, lại công cô mang nặng đẻ đau, rồi còn dưỡng nuôi dạy dỗ, hôm nay lìa con, cô còn gì mà vui nữa.
Cô Thiên Hương, thì nói lúc cô bị hoạn nạn thấy tứ bề tối tăm mù mịt, không biết đường mà đi; may gặp ông Hai nhận cô làm con, cô Lê nhận cô làm chị, từ ấy đến nay, mặc dầu không phải là bà con dòng họ, mà chung sống với nhau rồi, cô yêu ông Hai như cha, yêu cô Lê như em, yêu như ruột thịt. Nếu ngày mai phải phân rẽ thì tự nhiên cô buồn.
Nhưng buồn cô cũng rán mà chịu, chứ cô không nỡ bịn rịn mà cản trở bước tấn thủ của mẹ con cô Lê, mẹ được sum họp với chồng, con được thả thắm với cha, mẹ con vui hưởng thú hạnh phúc gia đình đặng bù trừ 16 năm biệt ly đau khổ. Nếu ông Hai dắt hết mẹ con Lê trở về Sài Gòn thì cô Thiên Hương xin để cho mẹ con cô ở luôn ngoài hòn; dầu buồn phân rẽ mà cô được tiếp tục an hưởng cảnh thú thiên nhiên âm thầm, vắng vẻ, chớ cô đã lỗi lầm ngang ngược, đã bị cha mẹ từ bỏ, bị anh chị không nhìn nữa, cô còn gia đình đâu mà trở về quê quán. Nhơn dịp nầy cô Thiên Hương nói ngay cho ông Hai hay, nói trước mặt Xuân Sơn, Thu Thủy, rằng từ ngày cô sanh côn gái thì cô LÊ với cô đã có thầm ước với nhau mà chung nuôi dạy Hai trẻ đặng chừng chúng nó không lớn thì cho chúng nó phối hiệp vợ chồng. Hôm nọ thấy tình Hai trẻ dan díu với nhau quá nên muốn thực thiện lời nguyện ước. nhưng nghĩ vì Hai trẻ còn nhỏ tuổi, chưa đủ trí khôn mà làm cha làm mẹ, nên chị em đều thoả thuận chờ một vài năm nữa cho Hai trẻ khôn lớn rồi sẽ cho phối hiệp vợ chồng. Hôm nay tình cờ Xuân Sơn có cha, mà cha lại giàu sang. Nếu Xuân Sơn nhìn cha, thì cha sẽ có quyền quyết định đôi bạn, chớ mẹ không được tự chuyện. Vì thấy từ chiều hôm qua, Hai trẻ có sắc buồn lo, Xuân Sơn dụ dự là tại không muốn rời Thu Thủy, còn Thu Thủy lơ lửng là sợ Xuân Sơn bỏ đi. Vậy cô phải nói ngay ra giữa đây rằng theo ý cô thì Xuân Sơn nên về Sài Gòn mà nhìn cha vài năm cho khôn lớn rồi nếu không quên tình xưa, nghĩa cũ thì sẽ thưa cho cha biết cuộc tình duyên đã hưa hẹn, chừng đó sẽ tính việc tơ tóc trăm năm. Tuy phân cách nhau, song mẹ con cô cũng vẫn ở đây mà chờ, chớ không mất đâu mà ngại.
Ông Hai Cường hỏi ý Xuân Sơn thì chàng cứ nói y như bữa trước, nếu cả nhà đều đi hết với chàng thì chàng mới chịu đi, chớ chàng không chịu đi mà bỏ một người nào ở lại.
Ông lại cắc cớ hỏi luôn ý của Thu Thủy thì nàng ngồi lặng thinh không chịu nói, song liếc mắt ngó Xuân Sơn lộ sắc buồn.
Thăm dò ý kiến đủ hết rồi, ông Hai Cường mới nói: „trót 16 năm nay, hai con với chú đồng tâm đồng chí xa lánh chốn phiền ba rộn rực, vui sống cùng nhau với thành thiệt thân yêu, hòa thuận giữa cảnh thú thiên nhiên an tịnh nầy. Tuy hẩm hút âm thầm, song chú lấy làm mừng mà nhận thấy hai con không than phiền cực khổ. Trái lại hai con đều yêu mến cảnh đời thiên nhiên, cho đó là hạnh phúc của Tạo Hóa dành để cho Hai con. Thiệt chú mỗi năm mỗi già thêm, sức khoẻ lần lần phải giảm bớt. Nhưng chú vui sướng trông thấy Xuân Sơn với Thu Thủy càng ngày càng thêm lớn, lại cũng như mình, hai đứa nó cũng vui sống cảnh thú thiên nhiên nầy, không ham lợi danh, không ưa so sánh. Vì vậy nên chú không lo ngại về tương lai. nếu chú già chú chết thì hai đứa nhỏ sẽ thay thế cho chú mà duy trì hạnh phúc chung. Hai con không đến nỗi cực khổ mà sợ. Nào dè việc xưa tưởng như đã vùi lấp, lại cũng tưởng biển rộng giúp ngăn ngừa, tình cờ mình không nhắc nhở mà nó lần mò bò ra tới đây phá rối cảnh đời ấm êm vui vẻ của mình như vầy. Trót đêm hồi hôm rồi têm ngày nay nữa, chú suy nghĩ hết sức kỹ lưỡng. Bọn ham danh lợi hễ nghe người giàu sang kêu gọi thì họ dạ dạ co giò chạy theo liển, họ có cần gì phải suy nghĩ. Tại mình ham hạnh phúc thiên nhiên, mình cho hạnh phúc đó bền vững lâu dài, còn mình chê hạnh phúc rực rỡ, mình cho hạnh phúc dó xây dựng trên tham lam gian dối nên dễ sụp đổ, bởi vậy mình mới nhọc lòng rối trí. Vấn đề gồm có hai lẽ: phải trở về Sài Gòn hay là phải ở luôn ngoài Phú Quốc. Hai lẽ đều giành phần phải hết, mà bên nào cũng có lý vững chắc như nhau, không bên nào hơn, bên nào thua. Nhưng ở đây là mình vì mình, bởi vì mình muốn thảnh thơi vui vẻ cho phận mình, còn trở về là mình vì người, bởi vì mình làm theo ý người muốn.
Cô Lê chận nói: „Mình kể phận mình, chớ lo cho người làm chi chú. Nếu mình vì người, thì mình sống cho người, họ đặt đâu mình phải ngồi đó, mất hết thong thả, thì có vui sướng chi đâu mà sống”.
Ông Hai Cường cười mà nói: „Đã biết mình xa lánh người đời để tìm với cảnh đời thiên nhiên là cảnh đời đặc biệt ít ai muốn thì mình lo cho phận mình chẳng kể thiên hạ; nhưng hoàn cảnh của mình khác, mình không thể không kể đến người con à. Để chú nói cho con nghe. Hôm qua chú đã có tỏ thiệt chú đón gặp Khải Quang năm xưa cho con hiểu rồi. Nười đó không phải bợm giàu sang hiếu sắc, dụ dỗ con gái nhà nghèo làm cho ô danh xủ tiết rồi hất bỏ. Người ăn ở có hậu, bây giờ chú mới thấy rõ. Khi người trao cho chú một ngàn đồng bạc năn nỉ cậy chú đem ra Phú Quốc ở làm ăn mà nuôi giùm con, chừng con sanh rồi chú cũng nuôi giùm luôn đứa nhỏ nữa. chú thấy người vì hiếu mà phải khinh tình chớ không phải bội bạc nên chú bất nhẫn, không nỡ báo oán gây thù. Người có căn dặn gặp việc chi trắc trở hay là làm ăn thiếu hụt cứ viết thơ cho người hay đặng người gởi tiền bạc thêm mà châu cấp cho mẹ con của con luôn luôn được no ấm. Hồi đó chú tưởng lời căn dặn đó là lời phỉnh phờ; lỡ gần gũi cho con có thai rồi bị cha mẹ rầy rà không trọn tình với con được, phải cho một ngàn như đền bồi trinh tiết của con. Dặn gởi thơ và hứa châu cấp thêm là nói cho chú mát ruột mà xuôi thuận cho êm vậy thôi, chớ không có nghĩa gì, bởi vậy chú không thèm cần cố tới. Bây giờ mới hay mười mấy năm nay Khải Quang có viết thơ cậy tìm chú nhiều lần, lần nầy còn cậy hễ tìm được thì ra tiền cho chú đem hết mẹ con của con trở về Sài Gòn cho người. Té ra lời căn dặn là lời thành thiệt do thâm tâm mà ra, chớ không phải lời phỉnh phờ ở khóe môi chót lưỡi. Khi con sanh Xuân Sơn chú không gởi thơ cho người hay, chú đã thất ước với người. Nguời gởi con cậy chú nuôi giùm, bây giờ nguời đòi lại, chú nói làm sao mà không trả đuợc. con tính thử coi”.
Cô Lê không trả lời.
Ông Hai Cường nói tiếp: „Thuở nay bà con mình cứ khoe khoang mình vui sống trong đạo thiên nhiên. Tình cha con với nghĩa vợ chồng là đạo thiên nhiên chớ gì. Nếu chú cấm cản không cho con về cho gần chồng, không cho Xuân Sơn về cho biết cha, thì chú đã lỗi hứa hẹn, mất lòng tin cậy của người, mà chú còn trái với đạo thiên nhiên, té ra xưa nay chú giả dối với đấng Tạo Hóa, không thế đuợc. Tuy gốc chú ở trong chỗ bần hàn đê tiện mà ra, song chú biết giữ trung tín, chú ham thở liêm sĩ. Theo ý chú, thì chú muốn đem con trở về Sài Gòn chú giao lại cho Khải Quang cho tròn nhiệm vụ của chú, rồi con chịu ở với người hay không thì Hai đàng tính với nhau, chú không biết tới nữa”.
Cô Lê vụt nói: „ý! Không đuợc đâu chú. Con xin ở luôn đây với chị Thiên Hương, con không chịu về Sài Gòn đâu”.
Ông Hai Cường cứ bình tĩnh nói tiếp: „còn Xuân Sơn cũng vậy. Theo lời ước hẹn của người mà cũng theo lý thiên nhiên của Tạo Hóa, ngoại phải đưa con vô Sài Gòn cho cha con biết nhau rồi con muốn ở với cha hay là trở về đây mà ở với ngoại thì tự ý con hoặc do cha con liệu định chớ không lẽ ngoại giành con ở luôn ngoài nầy với ngoại. Tuy kông có giấy tờ chứng minh nghĩa cha con, song ngoại biết thì đủ cần gì tờ giấy”.
Xuân Sơn châu mày mà nói: „Mẹ con không đi thì con đi làm chi. Con đã nói phải đi hết con mới chịu đi”.
Ông Hai Cường than: „Ai cũng cự nự không chịu đi, rồi tôi phải trả lời với quan Quận làm sao đây!”
Cô Thiên Hương mới nói: „Xin chú chậm chậm, khoan trả lời. Để ít bữa cho yên trí rồi sẽ bàn tính lại.”
Ông Hai Cường cười mà nói: ”Bài toán coi rẻ ợt, té ra mắc quá, cả nhà tính không ra. Hồi mới hay kiếm chú thì chú đã nghi rồi, nghi cảnh đời êm ấm an vui của nhà mình sẽ lay chuyển. Thiệt quả chú nghĩ không sai. Tuy vậy mà đừng buồn. Mình sống giữa cảnh đời thiên nhiên thì phải đặt tất cả đức tính vào lý thiên nhiên của Tạo Hoá. Nên hư, còn mất đều do ý Trời, dầu sao cũng đừng buồn, đừng sợ chi hết. việc trả lời với quan Quận để năm mười bữa nữa cũng được, không gấp gì”.
Trưa bữa sau, tình cờ sư huynh An Viên trên núi Chóp Chài ghé thăm. Ông Hai Cường mừng rỡ mời ngồi. Sư huynh hễ ghé thăm thì hay giảng dạy việc đời, bởi vậy hai cô với hai trẻ ra chào rồi xúm ngồi bên ván đặng nghe sư huynh nói chuyện.
Ông Hai Cường nói trong nhà mới xảy ra một việc rắc rối quá. May có sư xuống đây để cậy sư chỉ giùm coi phải liệu lẽ nào. Sư huynh hỏi có việc chi, ông Hai bèn kể sơ cuộc tình duyên lỡ dở hồi trước giữa Khải Quang và cô Lê lại cho sư huynh hiểu, rồi ông thuật qua chuyện quan Quận mới đòi hầu mà cho biết sự Khải Quang cậy kiếm và dạy ông đưa giùm mẹ con cô Lê trở về Sài Gòn.
Thuật xong rồi, ông Hai Cường mới than: „Có hai lẽ: nên trở về Sài Gòn hay là nên ở luôn ngoài nầy. Cả nhà đều muốn ở luôn ngoài nầy. Lê thì không nỡ dứt tình chị em với Thiên Hương mà đi, còn Xuân Sơn vì bận bịu tình của Thu Thủy nên cũng không chịu cách mặt mẹ con Thu Thủy. Mẹ con Thu Thủy không dính dấp gì với Khải Quang, lại trước đã lỗi đạo nhà nên không đi theo được. Riêng về phần tôi, thì tôi đã có lời ước với Khải Quang, nên thế nào tôi cũng phải đem mẹ con của Lê về Sài Gòn mà trả vợ cho chồng, giao con cho cha cho tròn nhiệm vụ rồi mẹ con của Lê muốn ở luôn trển hay là muốn về ngoài nầy tự ý chúng nó. Ngặt mẹ con nó không chịu đi, nên không biết phải trả lời thế nào cho xuôi. Tôi bối rối là tại chỗ đó, tại không biết liệu lẽ nào cho khỏi lỗi lời ước hẹn.
Sư huynh suy nghĩ rồi hỏi:
- Hồi trước ông có giao kết với ông Khải Quang ông dắt cô Lê đi xa, rồi chừng nào người muốn đem về thì ông phải dắt về mà trả hay sao?
- Không có giao rành như vậy. Khải Quang đưa tiền bạc cậy đem Lê ra ngoài nầy ở làm ăn mà nuôi Lê, chừng Lê sanh thì nuôi luôn giùm đứa nhỏ, coi thiếtu hụt thì gởi thơ rồi người sẽ gởi tiền bạc thêm mà châu cấp cho no ấm vậy thôi.
- Vậy thì ông có ước hẹn phải đem mẹ con cô Lê trở về đâu mà sợ thất ước. May cô Lê không chịu cải giá, chớ nếu cô có chồng khác rồi ông cũng biểu phải bỏ đặng đem trở về mà trả cho chồng trước hay sao. Mà theo lời ông nói thì Khải Quang bây giờ giàu sang tột bực. Tai sao cô Lê không muốn gần người đó nữa. Tại sao Xuân Sơn không muốn sum hiệp với cha ?
- Mẹ con nó nói 16 năm nay sống giữa cảnh thú thiên nhiên, tuy hẩm hút âm thầm song vui vẻ, thảnh thơi, an hưởng hạnh phúc của Tạo Hoá dành để, nên đã quen mùi hạnh phúc đó rồi, không còn muốn hưởng hạnh phúc nào khác.
- Mẹ con cô Lê nói như vậy là phải. Ông còn muốn đưa về Sai Gon làm chi?
- Cho chúng nó nếm thử mùi hạnh phúc khác thử coi chúng nó có thành thiệt yêu hạnh phúc thiên nhiên hay không!
- Hứ! Ông làm chi vậy? Năm nọ nói chuyện với nhau, chúng ta đã nhìn nhận ở đời có hai thứ hạnh phúc. Trước hết là hạnh phúc thiên nhiên của Tạo Hóa sắp đặt để cho con người hưởng. Thứ hạnh phúc nầy âm thầm, êm ấm, an ổn, thảnh thơi, không làm cho con người phải chộn rộn tranh đua, phải chen lấn giành giựt, phải gây thù oán, phải lo đêm ngày. Thứ hạnh phúc nầy có sẵn, mà lại bền vững đời đời, khỏi thất công xây dựng, mà cũng khỏi lo sợ sụp đổ. Thế mà ít người biết tìm mà hưởng. Còn một thứ hạnh phúc nữa là hạnh phúc nhơn tạo, vì nó do lòng ham muốn của con người tạo ra. Có người muốn lấy đạo đức, nhơn nghĩa mà gây hạnh phúc, nghĩa là muốn làm phước, làm lành cho lòng dạ nhẹ nhàng, cho lương tâm thơ thới. Số người biết gây hạnh phúc như vậy thì ít lắm, cả trăm, cả ngàn người đếm được một người đó là may. Ở đời đại đa số họ xây dựng hạnh phúc trên đống bạc tiền, trên mồ hôi, nước mắt xương máu, tóc tang của kẻ khác, mà họ say mê mết mát, rồi họ sợ chúng ganh ghét, giựt giành, nên đêm ngày phải lo giữ gìn, phải chống cự đầu nầy, bợ đỡ đầu nọ, bởi vậy hạnh phúc của họ rực rỡ tưng bừng, ồ ạt rần rộ, mà chẳng bao lâu rồi sụp đổ, tiêu tan, họ chưa được hưởng an vui chút nào hết. Ấy vậy mẹ con cô Lê muốn an hưởng hạnh phúc thiên nhiên là phải, ông còn muốn cho nếm thử hạnh phúc nhơn tạo làm chi? Và hạnh phúc nhơn tạo có rực rỡ nên nó hay hấp dẫn làm cho lòng người dễ say mê. Mẹ con cô Lê đã đứng trên chỗ cao ráo nên sạch sẽ rồi, sao ông còn tính đem đến mé vũng sình lầy mà làm cho phải lem luốc.
- Tôi với Lê và Thiên Hương đã cố nếm mùi đời, chúng tôi chán, nên bây giờ vui hưởng hạnh phúc thiên nhiên là phải. Còn Xuân Sơn với Thu Thủy từ ngày sanh ra chưa biết mùi đời là cái gì. Vậy để cho chúng nó nếm mùi đời chút đỉnh cho chúng nó hiểu cao thấp chớ.
- Tôi sợ e ông đem chúng nó đến mé vũng rồi chúng nó té xuống sình lầy tội nghiệp chúng nó chớ. Mà mùi đời có đủ thứ, ông muốn cho Xuân Sơn nếm thứ nào?
- Trước hết nếm mùi sang trọng.
- À!… Tôi nhớ có một nhà nho đời xưa nói muốn ăn cho ngon cứ để quá bữa cho bụng đói rồi ăn cơm với rau cải cũng ngon như ăn với thịt cá. Đi bộ mà trong trí thảnh thơi thì suớng hơn đi xe mà trong trí lo sợ. Người vô tội là người sang trọng. Xuân Sơn chưa hề phạm tội lỗi gì hết tức thì cháu là người sang trọng chánh hiệu. Ông còn muốn cháu sang trọng thế nào nữa! Các cách sang trọng khác là sang trọng giả, sang trọng bề ngoài, nếu lấy kiếng mà rọi vào lương tâm thì thấy tội lỗi dẫy đầy, thứ sang trọng đó có quí báu gì mà ông muốn cho cháu tập.
- Thôi thì cho nó nếm mùi giàu có, cho nó có tiền bạc nhiều, muốn thứ gì có thứ nấy, vui sướng ngỏa nguê không thiếu vật chi hết.
- Nếu ông muốn cho cháu vui sướng ngỏa nguê, muốn thứ gì cũng có sẵn, khỏi cực nhọc hay ham muốn chi hết, thì cháu sẽ hóa ra người vô dụng. Vậy chớ ông không cảm thấy phải có mệt thì nghỉ mới biết vui, biết thỏa mãn, phải có đói thì ăn mới biết vui biết ngon, phải có khát thì mới vui biết đã khát hay sao! Về tình yêu cũng vậy; mình muốn vui mà được thương người hay là được người thương, thì trước hết mình phải rán đè nén tình yêu, rán chịu đau khổ ngóng trông chờ đợi, chừng được thỏa mãn mình mới biết vui. Những người giàu có, họ muốn thứ gì cũng có sẵn, thì họ có được thưởng thức mấy cách vui sướng trông mong đó đâu. Có sẵn mà ăn hoài sẽ chán, có sẵn mà vui hoài rồi sẽ buồn. Dầu có cuộc vui lớn cho mấy đi nữa họ cũng không ham, rồi họ chê bai hân hủi mà sanh tật khinh ngạo. Nhà giàu họ sống giữa cảnh vui sướng luôn luôn, hễ gặp một chút gì buồn hay cực thì chịu không nổi. Còn nhà nghèo họ quen sống giữa cảnh buồn bực, nếu được một chút nào vui sướng htì họ khoái lạc vô cùng. Tạo hóa cân phân công bình lắm. Nhà giàu cái gì cũng có đủ hết nên hết biết ham muốn, mà cái gì họ cũng sợ hết, nên phải lo đêm lo ngày. Còn nhà nghèo không có cái gì mà họ biết sợ, nhưng cái gì cũng mong muốn. Hai cảnh đời đều khó chịu hết cả Hai, giàu hay nghèo cũng vậy. Thế thì sống với cảnh thú thiên nhiên của tạo hóa, không sợ mà cũng không muốn gì hết, há chẳng vui sướng hay sao mà nghĩ tới cảnh giàu sang!”
Ai nấy đều ngó nhau, không nói gì được hết.
Sư huynh An Viên đứng dậy nói về sớm, sợ tối, đường khó đi, rồi sư lấy cây gậy cáo từ mà đi. Ông Hai Cường đưa khách tới mé rừng rồi ông trở vô nhà mà nói: „Vậy thì sáng mai chú ra trả lời với quan Quận cho rồi. Chú nói đi không được, vì không ai chịu về Sài Gòn hết”.
Cô Thiên Hương khuyên ông kiếm lý mà nói cho êm vì Khải Quang có hảo ý, không nên làm cho người buồn.
Ông Hai Cường gật đầu rồi ông đi ra ngoài vườn xách nước tuới cây.