Sống thác với tình
KẾT NGHĨA CHỊ EM
Hòn Phú Quốc có dân cư kể đã mấy thế kỷ rồi, nhưng dân ở rải rác trong mấy cái vịnh, núp sóng gió cho êm ấm mà sống với cái nghề chài lưới, chớ chưa nghĩ tới cuộc khai thác rừng núi mà xây dựng nghiệp nông thương.
Cách chừng 40 năm trước đây, người ta cũng chưa thấy có tổ chức cuộc khai thác nào đáng kể. Dân cư tuy tăng số nhiều hơn, song họ chòm nhom mà ở với nhau thành xóm thành làng, bên phía Đông là phía ngó vô Hà Tiên thì ở tại Hàm Ninh, đầu dưới thuộc phía Nam thì ở tại Cây Dừa, còn phía bên Đông ngó ra hải đại thì ở tại Duơng Đông. Trong mỗi chỗ, dân đốn cây phá rừng, trồng đồ chút đỉnh mà ăn, chớ chưa làm ruộng hay lập vườn. Ghe biển chở nước mắm, đồi mồi, thuyền đem vô Hà Tiên hoặc Rạch giá mà bán rồi mua gạo, muối, vải, cùng các vật dụng cần yếu khác chở về bán lại cho người trong hòn.
Có làng có xóm, mà chưa có đường bộ để giao thông cho mau và cho dễ. Cũng chưa có đường xuyên ngang qua hòn để nối liền Dương Đông với Hàm Ninh là hai làng lớn có đông dân cư nên thành chợ. Thiệt có một số người sống rải rác trong giữa hòn, hoặc ở theo mấy trảng nhỏ trồng dừa, hoặc cất am, cất chùa ở trên triền núi mà tu; nhưng mấy người ấy giao thông với làng xóm ngoài mé biển thì họ vẹt cây, xô đá, đạp đường mòn để vô ra cho dễ vậy thôi.
Lúc ấy ở phía sau chợ Dương Đông có một con đường mòn đi vô Giếng Tiên rồi đi thẳng lên vùng Suối Đá. Qua khỏi Giếng Tiên một đỗi, nếu người ta băng rừng đi qua phía tay trái, đi một khoảng xa thì người ta sẽ gặp một cái trảng nhỏ được hơn một mẫu đất vậy thôi. Phía sau có một cái đồi nằm dốc dốc từ trảng vô tới chơn núi, lại có một cái suối đưa nước trên núi xuống, chảy ngang qua trảng, rồi đi luôn ra ngoài một đỗi gặp ngọn rạch nhỏ rút nước đi thẳng ra biển. Dưới chân đồi, dựa bên suối, có một cái chòi tranh xệch xạc nhưng sạch sẽ.
Năm đó, trong khoảng thượng tuần tháng ba, trời đã mưa được ít đám, nước suối tuôn xuống nhiều, mà đất cũng mềm nên dễ cuốc. Buổi sớm mơi người ta thấy trong chòi tranh nầy có một nàng thiếu phụ chừng vài mươi tuổi, mặt mày sáng rỡ, nằm trên cái chõng tre cho đứa con trai mới sanh chừng vài tháng bú và dỗ ngủ rồi đi lấy nồi vo gạo nấu cơm.
Dọc theo mé suối thì một người đàn ông ở trần, mặc quần vắn, tuổi lối 45 tới 50, râu lún phún, da đen, sức mạnh, đương lui cui cuốc mương đặng tỉa bắp, dưới cả chục giồng khoai lang giâm ở phía trên, lang đã đâm ngọn, bò gần phủ giồng.
Nàng thiếu phụ nấu cơm chín rồi nàng đi ra suối mà kêu: ”Chú Hai vô ăn cơm, rồi sẽ làm tiếp, trưa rồi chắc chú đói bụng”. Người đàn ông cười mà nói: ”Thiếu gì. Ăn không hết chớ, đất tốt quá, để rồi con coi mà. Chú trồng đồ mà bán, chắc đủ cơm gạo cho chú cháu mình ăn; mãn mùa mưa nầy chú sẽ trồng giáp mé đặt tiêu phía bên đồi kia. Có người ở phía sau chợ tử tế quá, họ đã có dạy chú cách trồng tiêu và có hứa cho chú dây tiêu đặng chú trồng. Họ nói trong hai năm mình sẽ có tiêu mà bán, họ lại chịu bán tiêu giùm cho chú nữa”.
Hai người dắt nhau lên chòi dọn cơm ăn với nhau, ăn với một thèo cá khô nướng với nửa dĩa mắm biển chớ không có cá thịt chi hết, nhưng đói bụng nên ăn coi ngon lắm.
Ăn cơm vừa rồi, chưa kịp uống nước, thì em nhỏ nằm ngủ bên chõng chòi đạp và khóc, thiếu phụ lật đật lại cái khạp để tựa vách múc một chén nước mà uống rồi bồng em ngồi cho bú. Người đàn ông góp chén đũa mà dẹp, thiếu phụ nói: ”Chú để đó cho con. Con cho em bú một chút rồi con sẽ dọn rửa”.
Thiếu phụ nầy tên Lê, còn người đàn ông đó tên Hai Cường. Cha của Lê là anh em chú bác với Hai Cường. Cha của Lê thuộc nhà bác, nên Lê kêu Cuờng bằng chú.
Hai Cường quen tánh sạch sẽ không chịu bầy hầy, bởi vậy mặc dầu Lê cản, Hai Cường uống nước rồi anh ta cũng bưng chén dĩa dơ đem xuống suối ngồi rửa.
Trong lúc ấy có một thiếu phụ khác cũng cỡ tuổi cô Lê áo lụa quần hàng, da trắng môi son, diện mạo thanh bai, tướng đi yểu điệu, ở trong rừng phía sau chòi đi ra trảng. Nàng mang thai nghén nên bụng u lên lùm lùm. Nàng nhắm cái chòi của cô Lê mà đi tới, sau lưng có một đứa con trai chừng 12 tuổi đội một cái gói lớn mà nhẹ trên đầu với một đứa con gái, lối 15 tuổi, tay xách cái hoa ly đi theo.
Cô Lê cho con bú no, thấy nó nhả vú mà ngủ, cô mới đặt nó xuống chõng và lấy mền đắp lại. Cô day mặt ra cửa thì thấy một nàng thiếu phụ lạ với hai đứa nhỏ đương đứng dòm vô chòi cô liền bước ra hỏi:
- Thưa cô, cô muốn kiếm ai? Hay là vô đây có việc chi?
Thiếu phụ bợ ngợ đáp:
- Thưa cô, em ở phương xa, ở trong đất liền chẳng may em bị tai nạn dồn dập nên em trôi nổi ra đây. Em tính kiếm chùa xin ở mà tu, em cậy thằng em đây dắt đường cho em lên chùa ở đậu trên núi phía trong nầy. Ði ngang qua giăng rừng thằng em nói năm ngoái có một cô ở đâu không biết, cũng có chửa như em, lại cất nhà ở trong nầy, em nghe như vậy, em mới cậy nó dắt em ghé vô đây coi bề ăn ở thể nào và nếu có thể được, thì em cũng sẽ lập thế ở như cô có lẽ tiện hơn là ở chùa.
- Vậy mời cô vô. Vô nhà ngồi nói chuyện.
Thiếu phụ bước vô chòi tum húm chỉ có một cái chõng tre chỗ em nhỏ nằm ngủ đó mà thôi. Cô Lê chỉ cái chõng mời khách ngồi. Khách bước lại dòm em nhỏ rồi hỏi:
- Em nhỏ là con của cô phải hôn?
- Phải, con của em.
- Con trai, bộ mạnh mẽ, ngộ quá. Cô sanh đuợc mấy tháng rồi?
- Hai tháng. Sanh hôm mùng 8 tháng giêng.
- Dễ thương dữ. Cô đặt cho em tên chi?
- Chú em nói nó sanh trong chốn núi non, lại sanh nhầm mùa xuân, nên chú em đặt cho nó tên Xuân Sơn.
- Tên tốt quá.
Hai Cường rửa chén dĩa rồi ở dưới suối đi lên, thấy hai đứa nhỏ thả đi xem mấy giồng khoai, lại trước chòi có để hoa ly, với gói, không hiểu có khách nào đến, nên xăm xăm đi riết vô chòi. Bước vô thấy một thiếu phụ tướng mạo đoan trang xinh đẹp, lại mặc hàng lụa như gái sang giàu, anh ta úp chén dĩa vào cái rổ để dựa vách rồi day lại hỏi: "Cô em đến đây có việc chi vậy?"
Cô Lê giành mà đáp: ”Thưa chú, cô đây ở bên đất liền, cô bị hoạn nạn nên ra hòn tính kiếm chùa xin ở mà tu. Cô đi ngang qua khoảng nầy, hay có mình ở đây, cô ghé xem coi, nếu cô có thể ở như mình được thì cô xin ở với mình có lẽ tiện hơn là ở chùa”.
Hai Cường nói: ”A! Té ra cô em cũng bị tai nạn như con nên cô cũng kiếm chỗ dung thân mà lánh xa đời như con. Cô em ngồi đó chơi, ngồi đặng tôi nói cho mà nghe”.
Cô Lê tiếp mời người khách ngồi trên cái chõng và cô cũng ngồi một bên.
Hai Cường bước ra ngoài lăn vô một viên đá lớn để dựa cửa rồi anh ta ngồi trên viên đá ngó khách mà nói: ”Núi rừng cây nước, đều là vật của trời sanh chớ không phải của ai hết. Trong hòn nầy, nhơn số thì ít, mà đất đai thì nhiều, ai muốn ở chỗ nào thì dọn dẹp cất nhà mà ở, chẳng cần phải hỏi ai, phải xin ai. Chú cháu tôi ở Sài Gòn, năm ngoái ra đây, con cháu tôi cũng tính kiếm chùa mà nương náu như cô em bây giờ vậy. Tôi hỏi thăm người ta rồi đắt nó lên cảnh chùa ở phía trên đây mà xem thử. Trong chùa có mấy bà vãi sẵn lòng cho chú cháu tôi ở mà tu. Nhưng tôi thấy có chỗ không tiện. Tu đặng làm gì? Chắc thành Phật được hay sao? Không chắc, nếu nó tu đặng cầu phước về kiếp sau, thì ở đâu cũng có chùa cho mình ở tu, cần gì phải vượt biển băng ngàn cho xa? Mà phải làm phước mới được phước. Chú cháu tôi không có bạc tiền, không có thế lực, làm sao giúp đỡ ai được mà mong phước báo? Chú cháu tôi tính lánh đời, không muốn chung chạ với thiên hạ cho khỏi đau khổ, khỏi bực tức, nên mới ra tới ngoài nầy, nếu ở chùa thì phải theo kỷ luật trong chùa, phải tuân pháp giới về đạo, mất tự do hết. Tôi không bằng lòng nhưng tôi không nói ra. Tôi hỏi trong hòn nầy còn chùa nào nữa hay không, thì mấy bà vãi nói trong vùng núi Chóp Chài có am An Viên của một sư huynh ở tu. Tôi hỏi thăm đường rồi tôi gởi con cháu tôi ở lại chùa đặng tôi đi tìm am An Viên. Tôi gặp được sư huynh, té ra am thờ “Thái Thượng Lão Quân“ chớ không phải thờ Phật như dưới nhà chùa. Tôi hỏi huynh tu có ý mong ước việc gì. Huynh nói đời gian tà, giả dối, cướp giựt, tham lam huynh muốn tìm nơi an tịnh ở một mình mà ung đức ”tinh, khí, thần“ đặng biết quá khứ vị lai và được trường sanh bất tử. Huynh cắt nghĩa đạo ”Vô Vi“ cho tôi nghe. Huynh nói con người tại ham giàu sang, mong hưởng hạnh phúc, nên phải lao tâm tiêu trí, chịu cực nhọc, chịu đau khổ, chịu tủi nhục mãn đời rồi chết, dầu giàu sang cũng không vui sướng gì. Chi bằng mình sống một cách thiên nhiên, sống với thảo mộc, giang sơn của tạo hóa, không chiều lụy ai, không bợ đỡ ai, không cần làm việc chi, khỏe thì làm, mệt thì ngủ, muốn đi đâu, muốn ở đâu tùy thích đó là cảnh đời hạnh phúc tốt đẹp không có hạnh phúc nào bằng. Tôi mới tỏ thiệt với huynh, tôi không tin cái thuật thông quá khứ vị lai với cái thuật trường sanh bất tử. Nhưng tôi phục cái đạo Vô Vi nên tôi đương kiếm một chỗ an tịnh cất chòi mà ở đặng sống với cảnh đời thiên nhiên ngoài vòng tục lụy, sống không buồn, chết không sợ, xem không là có, biết có là không, tuy không làm trái với lý tự nhiên, song cái gì cũng làm được hết. Sư huynh cười mà nói tôi thuộc về phái yểm thế phẫn tục, huynh khen tôi hiểu đạo Vô Vi. Nhưng huynh không rủ tôi ở mà tu với huynh mà huynh lại chỉ cho tôi biết cái trảng nhỏ nầy, khuyên tôi đến đây mà ở, chắc tôi sẽ được hưởng một cảnh đời êm ấm thiên nhiên theo trí ý tôi muốn. Tôi trở lại chùa rước con cháu tôi đến xem địa thế. Chú cháu tôi thấy ở đây (thiếu) mà ở từ năm ngoái đến bây giờ đây”.
Cô Lê tiếp mà nói: ”Khi em ra đến hòn nầy thì em có thai hơn ba tháng. Chừng lên chùa em thấy mấy bà vãi ở tu niệm thì em tủi phận em, nên em hết muốn nương náu với chùa. Cô nghĩ coi chùa là chỗ tinh khiết để cho người mộ đạo ở mà tu. Em mang bụng chửa vào đó, tới ngày sanh đẻ, em làm nhơ uế trong chùa, điều đó em không thể chịu được. Mấy bà nói trong chùa có một bà giỏi nghề làm mụ giúp sanh. Chừng em gần gới tháng, tới ngày thì che đỡ một cái chòi phía sau chùa cho em sanh, ít bữa cứng cáp rồi sẽ trở vô chùa mà ở. Em nghỉ ở trong chùa mà có xuống coi chỗ nầy, em đành bụng liền. Chú em mới lo cất chòi cho em ở rồi hôm đầu năm mới sanh em nhỏ đó”.
Cô khách nói: "Vô đến đây em thấy cảnh em đành bụng quá. Lại được nghe cô với ông chú kể chuyện nãy giờ thiệt em rất cảm tình. Em có thai đã được bảy tháng rồi, nếu ở trong chùa thì đến ngày sanh bất tiện thiệt. Em muốn xin ông chú với cô thương giùm phận em lỡ bước lạc loài, làm phước cho em che chòi đùm đậu ở đây với cô và ông chú, không biết cô với ông chú có vui lòng không”.
Hai Cường nói:
- Tôi đã có nói: đất, nước, núi, rừng là vật của Tạo hóa sắm sẵn cho muôn loài sanh sống. Cô em muốn ở đâu tùy ý, chẳng cần phải hỏi chú cháu tôi. Nhưng chúng tôi là người lánh đời, cô em ở đây với chúng tôi chắc là cô em không còn biết cảnh đời vui sướng nữa. Xem tướng mạo và thấy cách ăn mặc của cô em tôi đoán cô em thuộc về hạng sang giàu. Tại sao cô em ra chỗ mặt biển chưn trời nầy ở làm chi! Cô em có chồng hay không? Chồng ở đâu mà có thai lại đi bơ vơ như vầy? Gốc gác ở đâu? Không có cha mẹ bà con mà nương dựa hay sao?
- Thưa ông chú, để cháu tỏ thiệt tâm sự của cháu cho ông chú nghe. Cháu tên Thiên Hương, năm nay được 21 tuổi. Cháu là con nhà rân rát, cha mẹ còn đủ, ở tỉnh lỵ Mỹ Tho. Anh chị cháu người ở Sài Gòn, người ở Mỹ Tho, ai cũng có địa vị rực rỡ hết. Cháu là con út. Năm kia cháu còn ở học trên Sài Gòn, có một cậu sinh viên vốn con nhà quan ở Nhật Tảo, cậu kết tình với cháu, hứa hẹn trăm năm sống thác với nhau. Hai đứa thưa cho cha mẹ hay đặng bên trai đi nói và bên gái chịu gả. Không phải tại chê giàu nghèo, hay là chê tài đức, mà buộc hai cháu phải rời rã. Hai bên không chịu cưới gả chỉ vì sự không đồng tôn giáo mà thôi. Hai cháu bực tức quá, nghĩ vì vợ chồng khác đạo thì ai thờ đạo nấy, can hệ gì đến tình yêu mà cản trở. Hai cháu năn nỉ hết sức mà không được nên năm ngoái cả hai đều ly gia đình, dắt nhau lên Nam Vang kiếm việc làm mà chung sống với nhau, ngoài quyền ưng thuận của cha mẹ Hai bên. Trót hơn một năm vợ chồng cháu đều có việc làm hết, số lương dư dùng, nên sống cùng nhau trong một cảnh đời thân yêu, khắng khít, đầm ấm, thảnh thơi. Không biết tại hai cháu chống với gia đình, nghịch với phong hóa, nên Trời phạt hay sao mà hôm tháng trước chồng cháu bịnh sơ sài có mấy bữa rồi chết, bỏ cháu ở lại bơ vơ một mình nơi đất khách. Cháu muốn tự vận chết theo chồng cho tròn chung thủy, ngặt cháu đương mang thai, bào thai là di tích tình yêu của chồng cháu, nên cháu phải gượng gạo mà sống đặng duy trì dấu tích ấy. Cháu tính trở về xứ sở, xuống tới Châu Đốc, đạp chưn lên đất nước của tổ tiên sao lòng cháu bồi hồi hết muốn về Mỹ Tho, Sài Gòn nữa. Mẹ cha, anh chị đều từ cháu hết, nói cháu làm nhục nhã cho tông môn, không còn thương yêu gì nữa mà về. Cháu mới quay vô Hà Tiên tính kiếm chỗ kín đáo, hẻo lánh mà vùi lấp tấm thân nhơ nhuốc với cảnh đời hư hỏng. Vô Hà Tiên thấy hòn Phú Quốc, lại sẵn có ghe qua bán nước mắm sắp về hòn, cháu mới xin quá giang mà ra đây.
- Té ra cô em cũng là một nạn nhơn của ái tình như con Lê của tôi đây vậy. Người đồng bịnh đồng thuyền thì phải thương nhau, giúp nhau, kết tình chị em với nhau mà sống cho đỡ khổ. Đời là cảnh tạm, con người là kép hát của Trời. Mỗi người đều lãnh một vai tuồng mà nhảy múa một hồi rồi nghỉ, bởi vậy chẳng có chi mà phải buồn, cùng chẳng có chi đáng vui mừng. Nếu cô em muốn ở đây thì cứ việc ở. Nhưng cái chòi của chú cháu tôi thì lúm túm bẩn chật quá, không có đồ đạc chi hết, sợ cô em không quen chịu cực, cô em ở không nổi.
- Thưa, nếu ông chú cho cháu ở đây thì cháu kiếm người mướn cất thêm một cái chòi nữa đặng ở cho rộng.
- Ở ngoài chợ ai cũng chuyên nghề đánh cá nuôi sống, không có người làm mướn, làm thuê như trong xứ mình, bởi vậy cất chòi không phải dễ. Như cô em tính cất chòi mà ở riêng thì đất còn rộng minh mông, lựa chỗ mà cất, muốn ở phía bên nây hay là mé bên kia suối tùy ý.
- Thưa, không. Cháu muốn cất sát một bên đây đặng ở chung, ăn chung với nhau cho tiện.
- Cũng được. mà cất chòi thêm thì phải đốn cây, cắt tranh, công phu cả tháng mới rồi. Trong lúc chờ đợi, cô em với hai đứa tùy tùng kia phải ở đỡ trong chòi nầy.
- Thưa, đứa con trai ở ngoài chợ cháu mướn nó dắt đường cho cháu đi, chớ không phải nó ở với cháu. Cháu có đứa con gái đó mà thôi. Nó mồ côi cha mẹ, nó ở với cháu từ hồi 11 tuổi tới giờ, nó mến cháu nên cháu đi đâu nó cũng theo giúp tay chưn cho cháu.
- Ở với nhau ban ngày mấy người ở cũng được, trưa nắng thì vô rừng phía sau đây nằm chơi mát lắm. Còn ăn cơm thì dọn dưới đất hoặc dưới bóng cây mà ăn với nhau cũng xong. Ngặt mùa mưa tới rồi, lại ban đêm phải có chỗ mà ngủ, tôi chỉ có một cái chõng đó, để cho mẹ con con Lê ngủ. Cô em chen ngủ với mẹ con nó được. Phận tôi thì tôi có cái nóp, nằm ngoài sân hay trên đá, chỗ nào cũng xong. Có con cháu nhỏ kia, nó phải ngủ dưới đất, mà phải có manh đệm hay chiếc chiếu cho nó nằm, vậy để tôi đi liền ra chợ mua chiếu, đệm và mua thêm chén bát ít cái cho đủ đồ mà ăn ngủ.
- Ông chú đã cho cháu ở lại còn lo bề ăn ngủ cho cháu, thiệt cháu cảm xúc vô cùng. Ông chú đã dạy Hai cháu kết nghĩa chị em đặng nâng đỡ nhau. Vậy cháu xin ông chú coi cháu cũng như ruột trong nhà và cho phép cháu kêu bằng chú như chị Lê vậy.
- Được. Mà sớm mơi nầy cháu có ăn cơm rồi hay chưa! Như cháu chưa ăn thì con Lê nấu cho mà ăn.
- Thưa, hồi sáng ở dưới ghe cháu nấu cơm ăn no rồi cháu mới đi đây.
- Vậy để tôi đi chợ một chút rồi về đặng chiều tưới bắp.
Hai Cường bước lại đầu cái chõng mở giỏ lấy bạc lận vào lưng quần và lấy một cái áo vắt lên vai sửa sọan đi. Cô Thiên Hương xin ông chú chờ Hai đứa nhỏ đi với ông. Cô kêu Hai đứa biểu xách đồ đem vô để dưới cái chõng. Cô móc túi lấy bạc ra mà đưa một đồng cho thằng nhỏ dắt đường. Cô cám ơn nó và biểu nó theo ông Hai Cường mà về. Cô lại kêu con nhỏ tùy tùng đã được 15 tuổi tên con Diệp mà đưa cho nó 30 đồng bạc biểu nó đi theo ông Hai ra chợ rồi cậy ông dắt chỉ cho nó biết chỗ nào bán thứ gì, đặng sau có sai nó đi mua đồ thì nó khỏi thất công tìm kiếm. Còn bữa nay thì mua liền vài chiếc chiếu đặng trải mà ngủ, mua tộ, chén, đũa, muỗng, mỗi thứ ít cái để ăn cơm, mua một cái thúng mà đựng, mua khô, mắm, mỗi thứ một mớ, và mua luôn mười lít gạo để dành mà ăn.
Cô Lê nói ở nhà còn gạo nhiều. Cô Thiên Hương biểu cứ mua thêm để dành cho khỏi lo thiếu hụt. Cô Thiên Hương dặn dò xong rồi, Hai Cường mới đi với Hai đứa nhỏ.
Em nhỏ Xuân Sơn thức dậy đòi bú, cô Lê bồng con lại ngồi trên viên đá dựa cửa chòi mà cho bú.
Cô Thiên Hương ngồi ngó hai mẹ con, thấy cô Lê tuy mặc vải lam lũ, song nước da trắng nõn, gương mặt tươi cười, cặp mắt sáng ngời, hai môi ửng đỏ, bàn tay dịu nhỉu, bàn chưn no tròn. Cô có một vẻ đẹp thiên nhiên, đẹp đẽ mà hiền lành, chớ không phải đẹp theo vẻ lả lơi khêu gợi. Còn em nhỏ mới được Hai tháng mà bậm trợn, cứng quành, tay chưn no tròn, biết cười, biết liếc, cô bước lại ngồi chồm hổm dựa bên cô Lê, tay nắm tay em nhỏ, miệng hỏi thăm gốc gác cô Lê ở đâu, chồng cô bây giờ làm việc chi, tại sao cô ra hòn mà ẩn trú.
Cô Lê nghĩ chị em thiệt tình, hồi nãy bạn đã kể hết tâm sự cho mình nghe, vậy mình không phép giấu giếm. Cô mới nói cô vốn con nhà bình dân ở Sài Gòn, cha đi giấy tờ cho một hãng buôn, mẹ bán rau cải tại chợ Bến Thành, anh làm tài xế cho xe đò chạy đường Tây Ninh, hai đứa em còn đi học. Cô làm thợ phụ trong một tiệm may ở phía sau chợ. Một cậu thanh niện, con nhà giàu sang ở Cầu Kho, cậu mới thi đậu vào làm việc trong một sở lớn của nhà nước. Một đêm cô đi coi hát ngồi nhằm cái ghế khít bên cậu. Hai người nói chuyện làm quen với nhau rồi chừng vãn hát, cậu mời cô đi ăn mì, lời qua tiếng lại gây tình với nhau. Hẹn hò gặp nhau được vài lần, cậu biếu cho cô một đôi bông tai với một chiêc cà rá, tình nghĩa đã gắn chặt, không còn sụt sè, ái ngại gì nữa. Cách một tháng, cậu lại đưa một trăm đồng bạc, biểu mua hàng may quần áo mà bận cho tử tế. Gần gũi với nhau được nửa năm, cô biết cô đã đậu thai. Cô thỏ thẻ nói thiệt cho cậu hay. Không mừng mà hỏi thăm thì người ta nói cậu sắp cuới vơ, cưới một cô gái con nhà phú thương trong Chơ Lớn. Cô hỡi ôi, biết người ta dụ dỗ mình cho thỏa mãn dục vọng rồi hất bỏ chớ không có tình nghĩa gì! Cô tủi nhục phát đau. Bụng mỗi ngày một thêm lớn. Cha mẹ trách con làm nhục nhã nên đánh đuổi không chứa ở trong nhà nữa. Bà con than tộc chỉ có chú Hai Cường, lúc đó chú làm công bên bến tàu, không có vợ con, chú ở trong một chòi lá bên Xóm Chiếu. Cô qua kiếm chú, khóc nói cha mẹ đuổi nên xin phép chú cho đùm đậu ít ngày.
Chú dắt về nhà, chú nói cha mẹ không thương thì cứ ở với chú, coi nhà nấu cơm cho chú ăn để chú đi làm chú nuôi. Đến tối chú mới gạn hỏi tại sao mà cha mẹ đuổi. Cô thuật tâm sự cho chú nghe. Chú nổi giận. chú trách anh chú mù quáng, người ta dụ dỗ làm hư hỏng đời xuân xanh của con gái mình, đã không dám trừng phạt trai bất nghĩa mà lại trở khó khắc với con mình khờ dại. Chú hỏi tên họ, nhà cửa và sở làm của cậu thanh niên đó, rồi cách Hai bữa sau chú bỏ sở đi kiếm cậu mà tính sổ. Bộ chú hầm hừ lắm. Chú đi luôn trót ba bốn bữa, ngày nào cũng đi. Rồi chú kêu người ta mà bán cái chòi, chú nói có người rủ ra hòn Phú Quốc ở phá rừng, lập vườn mà làm ăn. Chú biểu cô đi theo cho chú làm chú nuôi. Cô hỏi không có bạc tiền, chú đưa cô một ngàn biểu cô giữ cho chú rồi chú cháu thâu xếp áo quần dắt nhau xuống Rạch Giá kiếm ghe bán nước mắm quá giang mà ra hòn.
Cô Lê nói ở chỗ hẻo lánh, lại không có bà con với ai, bởi vậy chú cháu phải tiện tặn không dám mua sắm đồ đạc trong nhà, chớ cô cũng còn được tám chín trăm để dành hộ thân. Cô Thiên Hương tỏ thiệt cô có trong mình hơn Hai ngàn, lại còn nữ trang cũng đáng bạc ngàn nữa. vậy để cất chòi xong rồi kiếm mua vài bộ ván để nằm ngồi, mua đồ cần thiết cho có mà dùng, vì tiền bạc của Hai chị em nhập lại thành số nhiều, không nên hà tiện quá mà phải chịu cực khổ.
Hai cô bàn tính đã kết nghĩa chị em thì không nên kêu nhau bằng cô nữa nghe lạt lẽo lắm, phải một người làm chị, một người làm em. Hai cô cứ nhượng nhau, không ai chịu lãnh vai chị, mới định ai lớn tuổi hơn phải làm chị. Cô Thiên Hương 21 tuổi, còn cô Lê tuy có con trước, song cô mới 20 tuổi, nên Thiên Hương phải làm chị, không từ chối nữa được.
Em nhỏ bú no, ngủ mê rồi, cô Lê đem để em trên chõng, đắp mền tử tế rồi dắt cô Thiên Hương ra ngoài xem địa thế chơi.
Cô Thiên Hương chỉ chỗ cô tỏ ý muốn cất thêm một cái chòi nữa khít một bên chòi cũ có cửa thông qua làm như một cái nhà Hai căn cho rộng mà ở với nhau. Phía sau che một cái trại để nấu ăn, cô sẽ nói với chú Hai kiếm người ướn phụ đốn cây, cắt tranh, mà cất cho mau rồi, vì mùa nầy mà ở chật, rủi có mưa đêm thì cực lắm. Theo ý cô thì ban đầu phải rán chịu tốn tiền đặng gây cuộc ăn ở khoảng khoát sạch sẽ hợp vệ sinh, được tiện nghi một chút ở mới lâu dài khỏi bịnh họan.
Cô Lê nói ở đây có nhiều phương tiện: tránh khỏi đường người ta qua lại nên an tịnh ấm êm, trảng đủ đất mà trồng trọt những đồ cần dùng nuôi sống, giữa trảng có suối chảy ngang, mùa nắng cũng có nước mà dùng, mùa mưa nhờ nước suối tuôn ra rạch lẹ nên khỏi ngập; không xa chợ lắm, nên mua gạo muối rất dễ, cũng không xa mé biển, nên rảnh đi câu cá đủ ăn; trên chưn núi phía trên kia đồi có chùa lại có một bà vãi biết giúp sanh, bà có giúp cho Lê rồi, chừng tới phiên Thiên Hương thì cũng sẽ cậy bà giúp nữa; lại thêm có sư huynh Anh Viên thích chú Hai, hễ có dịp xuống phía nầy huynh Anh Viên ghé mà giảng dạy cách ở đời thanh cao, an ủi đặng phá tan phiền não mà vui sống với cảnh đời thiên nhiên tiêu diêu tự tọai, tự túc.
Dắt nhau đi xem mấy giồng khoai rồi tới đám bắp mới bỏ hột hồi sớm mơi, cô Thiên Hương thấy suối nước trong cô lấy làm vui lòng.
Cô Lê cắt nghĩa năm ngoái đến đây chú cháu cô mắc lo cất chòi mà ở, chừng xong rồi đã gần hết mùa mưa, nên chưa trồng tỉa thứ gì kịp. Trong mùa nắng, chú cô đi câu kiếm cá ăn và kiếm nài bắp giống, dây khoai cho sẵn, nên hôm sau mưa mới có mà trồng đó. Chú tính lần lần chú kiếm dừa ương mà trồng dài theo Hai bên mé suối. Phía bên nầy sẽ trồng một vạt đu đủ và một vạt chuối. Còn phía bên kia suối, chú sẽ gây cho thành một rẫy khóm và thơm, có xoài, mít, chen lộn. Trên đồi phía trong, chú sẽ lập một vườn tiêu nho nhỏ. Chú lạc quan lắm, chú chắc trong năm năm nữa vườn chú sẽ có huê lời giúp cho mình sống một cách trưởng giả, hết sợ đói rách, khỏi cần đầu lụy ai. Cô Thiên Hương nghe bạn tả cảnh tương lai an nhàn hứa hẹn như vậy thì cô mê, nên quên buồn rầu, chắc tai họa đã qua và hạnh phúc sắp tới.
Hai cô đương đứng trò chuyện kế thấy chú Hai Cường với con Diệp đi chợ về, con nhỏ bưng thúng kè kè, còn vai vác chiếu với đệm, tay xách cá. Hai cô đi riết vô chòi. Chú Hai vui vẻ nói: „chú dắt con Diệp giáp chợ hết, chỉ chỗ nào thứ nào cho nó biết. Đồ của cháu Thiên Hương dặn thì mua đủ hết, có mua một đôi chiếu để ngủ với một chiếc đệm để trải ngồi ăn cơm. Con nhỏ bất nhơn quá, mua thứ gì nó cũng giành trả tiền, làm phận chú mua được có một cái lon để uống nước, một ve nước mắm với vài con cá để chiều kho cho cháu Thiên Hương ăn, sợ không quen ăn khô, ăn mắm, ăn cơm không no. Thiên Hương nói ở đây được với chú Hai và em Lê thì dầu ăn cơm với muối, cô ăn cũng ngon. Lê đem cá đi cạo rửa kho liền, sợ để lâu cá ươn.
Thiên Hương với con Diệp sắp đồ trong thúng ra cất. Hai Cường dẹp đệm chiếu mới mua rồi cởi áo, xách thùng đi xuống suối múc nước tưới bắp. Thiên Hương đi theo chú thuật chuyện cô tính cất nhà với cô Lê hồi trưa cho chú nghe và khuyên chú mướn người phụ làm cho mau đừng sợ tốn tiền. Hai Cường nói: ”Cháu đừng lo gì hết, để đó cho chú. Sang mai sẽ làm liền”.