Phong thần diễn nghĩa
Nói về Lôi Khai dẫn năm mươi binh mã kéo qua ngả Nam Ðô, đi như giông gió.
Trời tối, Lôi Khai truyền quân lấy lương thực ra ăn rồi đi suốt đêm, không cho nghỉ.
Chẳng ngờ vừa đi hết canh một, đến một khoảng đồng trống mênh mông thì ngựa mỏi mệt, quân sĩ buồn ngủ bước không nổi, kẻ nhào xuống ngựa, người mở mắt không ra.
Lôi Khai nghĩ thầm:
- Ta đi đây mục đích theo đuổi hai vị Thái Tử đâu phải việc bôn ba chiến trận. Nếu dọc đường trời tối ta cứ thúc quân đi riết, không thấy hai vị Thái Tử có phải uổng công không. Chi bằng tìm chỗ nghỉ chân lại nơi đây, đợi sáng rõ mặt sẽ đi tiện hơn.
Nghĩ như vậy liền truyền quân tìm một xóm nhà nào để nghỉ chân.
Quân sĩ mừng rỡ trưng lồng đèn lên sáng rực, thấy xa xa trong cụm rừng tòng có một ngôi miễu lớn, liền báo cho Lôi Khai.
Lôi Khai truyền vào miếu ngủ đỡ, đến sáng sẽ tiếp tục lên đường.
Quân sĩ ồ ạt kéo đến miếu đường, ỷ là quân triều đình nên không cần dè đặt gì cả.
Miếu hoang vắng lạnh lâu ngày, nay có đông người làm quang cảnh tưng bừng sống lại. Một số quân sĩ hâm hở vào trước tìm chổ ngủ, khi đến trước điện thờ bỗng thấy một người vóc nhỏ đang nằm dưới án ngủ khì, xem kỷ lại thì đúng là Ân Hồng đệ nhị Thái Tử.
Quân sĩ vội vã báo với Lôi Khai.
Lôi Khai mừng rỡ chạy vào nghĩ thầm:
- May lắm, nếu ta cho quân đi suốt đêm nay thì không gặp rồi. Số trời đã định như vậy, chạy trốn sao nổi.
Liền gọi lớn:
- Ðiện Hạ ơi! Ðiện Hạ ơi!
Ân Hồng đang ngủ ngon, nghe kêu giật mình thức dậy, thấy đèn đuốc trong miếu sáng choang, người ngựa đông đặc, biết có chuyện chẳng lành liền hỏi Lôi Khai:
- Lôi tướng quân đi đâu đó?
Lôi Khai thưa:
- Tôi vâng lệnh Thiên Tử đi rước Ðiện Hạ về trào. Nay có các quan can gián, không sao mà sợ.
Ân Hồng nói:
- Ngươi chớ nhiều lời. Ngươi tuân lệnh Phụ Hoàng đem binh theo bắt ta. Ta không sợ chết đâu. Tai nạn nầy dĩ nhiên ta không tránh khỏi.
Lôi Khai nói:
- Nếu Ðiện Hạ đã biết, xin cùng tôi trở về phục lệnh Thiên Tử kẻo tôi phạm tội với Ðiện Hạ.
Ân Hồng nói:
- Ta đi mỏi chân, bây giờ trở về không nổi.
Lôi Khai nói:
- Có ngựa tốt, xin Ðiện Hạ dùng.
Ân Hồng nói:
- Ðược, nếu có ngựa tốt thì dâng đây cho ta.
Thấy Thái Tử không chống đối, Lôi Khai mừng quá truyền quân đem ngựa đến dâng.
Ân Hồng đành theo đoàn quân của Lôi Khai trở về ngã ba đường để chờ Ân Phá Bại.
Lúc đó, Ân Phá Bại đi về ngã Ðông Lổ, hai người tới trấn Phong Lôi, rồi đi tiếp một hồi nữa đến dinh cựu Thừa Tướng Thương Dung.
Ân Phá Bại nghĩ thầm:
- Thừa Tướng Thương Dung trước kia là quan thầy của ta, nay về quê hưu trí, tiện đường ta cũng nên ghé thăm để tỏ tình thuở nọ.
Nghĩ rồi truyền quân đình lại trước dinh, một mình thẳng vào nội điện.
Khi vào đến nơi gặp lúc Thừa Tướng Thương Dung và Ân Giao đang ăn uống.
Ân Phá Bại bái dài nói:
- May mắn gặp được Ðông Cung ở đây. Tôi vâng lệnh Thiên Tử đi thỉnh Ðông Cung về trào.
Thừa Tướng Thương Dung thấy Ân Phá Bại liền nói:
- Tướng quân đến đây tốt lắm. Ta nghĩ lại trong triều hơn bốn trăm văn quan võ tướng mà không tìm cách nào can gián Bệ Hạ, để xảy ra chuyện như thế nầy thật đáng trách.
Còn Ân Giao trông thấy Ân Phá Bại đã hiễu rõ sự tình, mặt biến sắc nói:
- Tướng quân đem binh theo bắt tôi đem về cho Phụ Hoàng tôi xử trị. Ðiều đó tôi biết rồi. Dù chết tôi cũng chẳng trở về mang nhục.
Thừa Tướng Thương Dung nói:
- Ðiện Hạ chớ ngại. Ðã có lệnh vua, xin mời Ðiện Hạ cứ trở về, tôi nguyện theo Ðiện Hạ trở về triều can vua. Nếu không được tôi xin liều chết.
Nói rồi liền gọi gia nhân thắng ngựa, theo Ân Giao về trào.
Ân Phá Bại sợ về một lượt sẽ bị quở về tội mang tiếng vị tình. Xin để Ðông Cung theo tôi về trước, còn Thừa Tướng thong thả đi sau.
Thương Dung nói:
- Cũng được. Tướng quân phò Ðông Cung về trước. Ta theo sau lập tức.
Ân Giao nghe nói lưỡng lự, không muốn cùng Ân Phá Bại ra đi. Thương Dung hiễu ý, liền gọi Ân Phá Bại dặn:
- Ta gởi Ðiện Hạ cho Tướng quân. Tướng quân chớ ham chút công danh mà làm việc lỗi đạo.
Ân Phá Bại nói:
- Tôi đâu dám thất lễ vua tôi. Xin Thừa Tướng đừng ngại.
Báy giờ Ân Giao mới thuận tình theo Ân Phá Bại ra đi.
Ân Giao lại nghĩ thầm:
- Ta dù chết cũng không sao, miễn em ta thoát thân được để sau nầy báo thù cho Mẫu Hậu là quí rồi.
Nghĩ như vậy nên gượng gạo làm khuây.
Ði một lúc đến ngã ba đường, bỗng thấy Lôi Khai ra rước vào, nói:
- Mừng Ðiện Hạ trở về.
Ân Giao không thèm để ý, xuống ngựa vào chổ trung quân thấy Ân Hồng ngồi đó, thất kinh nhãy vội xuống ngựa đến ôm em khóc lớn:
- Anh ngỡ em được may mắn hơn anh, không ngờ trời bắt chúng ta phải gặp cảnh như vầy. Nay anh em ta trở về trào còn mong gì sống sót để báo thù cho Mẫu Hậu.
Ân Hồng cũng ôm anh sụt sùi đau đớn.
Ba ngàn binh sĩ ai thấy cũng thương tâm, nước mắt chảy dầm dề.
Người sau có thơ than:
Dám trách trời già không xét suy
Người ngay mắc nạn chẳng phò trì
Viện binh ý định đi hai ngả
Tai nạn rủi ro bắt một kỳ
Oán mẹ thế nầy sao trả được?
Thân con dường ấy kể còn chi?
Ai ai xem thấy đều rơi lụy
Buồn bã bên đường tiếng tử qui
Hai Tướng mừng được xong việc, liền kiệu hai vị Hoàng Tử lên ngựa theo quân về trào.
Hoàng Phi Hổ từ khi phát một mớ binh đau mã liệt cho hai tướng ngỡ là hai tưóng không sao theo kịp hai vị Hoàng Tử, nên an tâm ngồi toan tính chuyện khác, xảy nghe quân báo:
- Lôi Khai và Ân Phá Bại đã bắt được hai vị Ðiện Hạ giải về Triều Ca.
Hoàng Phi Hổ giận dữ mắng thầm:
- Ðồ thất phu. Tham danh vọng không biết gì phải trái. Nếu để giòng giống Thành Thang bị tuyệt thì còn gì? Ta phải làm cho chúng mày biết mặt.
Liền sai Hoàng Minh, Châu Kỷ, Long Hoàn, Ngô Khiêm đi mời các quan triều thần đến nhóm họp nghị sự.
Bốn tướng vâng mệnh đi liền.
Lúc Hoàng Phi Hổ vào đền thì thấy bá quan văn võ đã hội đủ mặt.
Hoàng Phi Hổ nói:
- Nay Ân Phá Bại và Lôi Khai đã bắt được hai vị Ðiện Hạ về đây. Tôi bổn phận là võ quan, không dám dự vào việc can vua, xin các quan liệu định.
Kế đó, Ân Giao và Ân Hồng được hai tướng dẫn vào.
Vừa trông thấy các triều thần, Ân Giao sụt sùi nói:
- Tôi lên ngôi Ðông Cung đã mấy năm, không làm điều gì trái, nay trong cung xảy ra chuyện biến, khiến con xa mẹ, cha chẳng nghĩ tình con. Thảm trạng như vầy, nếu các quan không can thiệp thì tôi còn biết nhờ vào đâu?
Các quan đều thở dài. Vi Tử Khải nói:
- Không hề gì. Hiện các quan làm sớ tâu việc nầy rất nhiều, tôi chắc Bệ Hạ không lẽ nào hại tánh mạng hai vị Ðiện Hạ đâu.
Lúc đó Ân Phá Bại và Lôi Khai vào cung Thọ Tiên tâu với Trụ Vương:
- Chúng tôi tuân lệnh Bệ Hạ đem quân truy nã bắt được Ðông Cung nhị vị Ðiện Hạ đem về trước đền.
Trụ Vương nói:
- Hai Khanh đã bắt được hai đứa nghịch tử ấy thì chém quách cho rồi, còn vào tâu với Trẫm làm gì?
Ân Phá Bại tâu:
- Tôi chưa có chiếu của Bệ Hạ nên không dám ra tay.
Vua Trụ truyền viết hai chữ "Hành Hình" rồi trao cho Ân Phá Bại và nói:
- Khanh chém đầu chôn xác hai đứa nghịch tử ấy rồi vào đây báo cho Trẫm biết.
Hai tướng lạy tạ, cầm lệnh "Hành Hình" bước ra. Ðến cửa đền gặp Hoàng Phi Hổ.
Hoàng Phi Hổ trông thấy hai tướng cầm lệnh "Hành Hình" thất kinh cản lại, hỏi:
- Hai vị Tướng quân vừa tuân lệnh bắt hai vị Ðiện Hạ đem về đây, nay còn lệnh gì nữa đó?
Hai Tướng giơ lệnh hành hình của Vua Trụ ra.
Triệu Khải từ đàng sau bước tới, giật tấm giấy có viết hai chữ "Hành Hình" xé nát, và nói:
- Hôn quân vô đạo đã giết vợ hại con, hai ngươi không can gián còn giúp cho hôn quân làm dữ như vậy. Ðông Cung tội gì mà đem chém, Nhị Ðiện Hạ tội gì mà hành hình? Chúng ta vào đền nổi trống mời Bệ Hạ ra cản ngăn mới được.
Hai Tướng thấy các quan có cảm tình với hai vị Ðiện Hạ không kể mệnh vua, xé mất chiếu chỉ, đành đứng trơ trơ như pho tượng gỗ.
Hoàng Phi Hổ sai bốn tướng của mình canh giữ hai vị Ðiện Hạ kẻo hai viên nịnh tướng làm ẩu.
Bấy giờ hai viên quan Phụng Ngự đã bắt trói hai vị Ðiện Hạ rồi, song chiếu chỉ "Hành Hình" bị xé, chưa dám ra tay, cứ đứng nhìn nhau sợ sệt.
Các quan họp mặt, nổi trống đền rất gấp.
Vua Trụ đang ở trong cung Thọ Tiên nghe trống đền inh ỏi, liền khiến một quan Phụng Ngự ra xem.
Viên quan ấy vào tâu:
- Văn võ nội trào đồng họp mặt, thỉnh Bệ Hạ lâm triều.
Vua Trụ nói với Ðắc Kỷ:
- Chắc không có gì lạ. Trẫm đoán triều thần muốn ngăn cản Trẫm giết hai đứa con phản nghịch ấy. Bây giờ phải làm sao?
Ðắc Kỷ tâu:
- Bệ Hạ truyền chém hai vị Ðiện Hạ trước rồi mai sẽ lâm triều nghị việc là yên chuyện.
Vua Trụ y lời, thảo chiếu triệu quan Phụng ngự đem ra trước đại điện tuyên đọc cho bá quan nghe:
- Chiếu rằng:
"Làm tôi trái mệnh vua là tôi bất trung, làm con trái ý cha là con bất hiếu. Ðó là lẽ xưa nay không thể đổi khác. Nay Ân Giao, Ân Hồng không tuân phép nước, cầm gươm chém Khương Hoàn để hủy diệt nhân chứng, lại dám tiến vào cung vua toan hành thích Phụ Vương. Hai tội ấy tày trời, đã bất trung lại bất hiếu. Nay bắt được hai đứa ấy rồi, Trẫm truyền chiếu luật hình xử trãm. Còn việc nước thì ngày mai Trẫm sẽ lâm triều đàm luận.
Nay sắc"
Các quan nghe chiếu không còn biết làm sao để cứu cái chết oan ức của hai vị thế tử.
Lúc bấy giờ có ông Xích Tinh Tử ở động Vân Tiêu, núi Hoa Sơn và ông Quản Thanh Tử ở động Ðào Nguyên, núi Cửu Tiêu đang đi dạo trên vừng mây, bỗng có hai luồng hào quang của Ân Giao và Ân Hồng xông lên cản lại.
Xích Tinh Tử và Quảng Thành Tử đều là hai vị tu luyện hơn một ngàn năm trăm năm, vì phạm tội sát sanh, nên ông Nguyên Thỉ không dạy nữa, đuổi ra khỏi sư môn.
Thấy hai đạo hào quang ấy, Quảng Thành Tử nói với Xích Tinh Tử:
- Nay số nhà Thương đã hết, nhà Châu sắp ra đời. Hai người bị trói kia đều nên vị tướng. Chúng mình thuộc đạo tâm, chẳng lẽ không giúp đời. Vậy thì hiền huynh cứu một người, tôi cứu một người đem về núi, dạy thông phép tắc, mai sau nhà Châu dấy nghiệp, chúng ta cho xuống núi làm tướng cho Tử Nha. Như vậy một công mà được hai việc.
Xích Tinh Tử nói:
- Lời đạo huynh nói rất phải. Chúng ta mau nổi gió to, đưa hai người ấy về núi kẻo trễ.
Ðàm luận xong, hai vị tiên làm phép, một trận gió to nổi lên, cát bay đá chạy, mù mịt cả đất trời.
Các quân đao phủ đang chực khai đao giết Ân Giao, Ân Hồng đều thất kinh, bụm mặt chạy trốn.
Chừng tan trận gió, thấy hai vị Ðiện Hạ biến đi đâu mất, ai nấy đều kinh ngạc, tìm kiếm khắp nơi vẫn không thấy đâu cả.
Các vị triều thần đang cùng nhau bàn bạc, bỗng nghe bên ngoài có tiếng la hoảng.
Hoàng Phi Hổ và Tỉ Can bước ra hỏi:
- Chuyện vì vậy?
Châu Kỷ chạy vào báo:
- Lạ lùng lắm! Vừa rồi có một trận gió lớn thổi hai vị Ðiện Hạ bay mất.
Bá quan, nghe nói nữa mình nữa kinh ngạc:
- Trời không dứt mối Thành Thang, đất không nỡ diệt người oan ức.
Ân Phá Bại thấy việc lạ, vội chạy vào báo cho Vua Trụ hay.
Người sau có làm thơ:
Gió tiên một trận nực mùi hương
Mù mịt bụi bay chẳng thấy đường
Tiên tử ra tay che tánh mạng
Tả đao che mặt bỏ gươm trường
Hoài công ngàn dậm tìm Nam,Bắc
Uổng tiếng trong phòng cắt thịt xương
Mới biết hưng vong trời đã định
Nhà Châu vua Võ dứt triều Thương
Vua Trụ hay tin sửng sốt, nhưng nghĩ hoài không ra duyên cớ.
Còn Thương Dung tới Triều Ca nghe thiên hạ đàm luận việc hai Ðiện Hạ bị gió thổi bay mất, kinh hãi, lật đật đi thẳng vào trong.
Các quan ra nghênh tiếp, chào cựu Thừa Tướng mới về.
Thương Dung nói:
- Tôi là kẻ bất tài không kham việc nước, phải về quê nhường chức lại cho quí vị. Nay nghe vua lỗi đạo, giết vợ hại con, tại sao quí vị không có ai can gián?
Hoàng Phi Hổ nói:
- Thiên Tử cứ ở mãi trong cung không ra ngoài điện, có việc gì thì truyền chỉ mà thôi. Vua tôi không gần nhau được, cách nhau không bao xa mà biệt muôn trùng. Khi Ân Phá Bại và Lôi Khai bắt được hai vị Ðiện Hạ rồi, chúng tôi cùng nhóm họp ở đây can gián, nhưng Bệ Hạ một mực hạ chỉ truyền đem chém, và hẹn ngày mai mới lâm triều. Quan ngoài không dám vào trong, biết làm sao để tỏ lời ngay với Chúa.
Giữa lúc đó có Ân Phá Bại vừa ở nội cung ra.
Thương Dung đón lại hỏi:
- Hai vị Ðiện Hạ bị gió thổi mất. Tôi mừng cho Tướng quân lập được công lớn, nay mai chắc được phong vương và chia đất đấy.
Ân Phá Bại đỏ mặt nói:
- Ðó là tại lệnh vua truyền, tôi đâu dám vị tình. Thừa Tướng quở tôi oan lắm.
Thương Dung nói với các quan:
- Nay tôi về đây cố tình can gián, liều chết vì giang sơn. Vậy nhờ các vị nổi trống đền để thỉnh Bệ Hạ ra điện.
Các quan vội nổi trống chuông một lần nữa.
Vua Trụ đang buồn rầu về việc giết hụt hai vị Hoàng Tử, bỗng nghe chuông trống ngoài điện đánh liên hồi, nổi giận ngự ra đền.
Bá quan trong triều bái xong, Vua Trụ hỏi:
- Các Khanh tâu việc chi?
Thương Dung dập đầu quì trước sân chầu.
Vua Trụ thấy một người mặc quần áo trắng, không phải quan triều, liền hỏi:
- Ai quì đó?
Thương Dung tâu:
- Tôi là Thương Dung đang yết kiến Bệ Hạ.
Vua Trụ sững sốt hỏi:
- Khanh đã trở về quê quán sao còn trở lại kinh đô? Trẫm không có chiếu đòi, sao Khanh lại dám ra điện? Khanh không biết phép nước sao?
Thương Dung bò lần đến bệ, vừa khóc vừa nói:
- Trước kia tôi làm Thừa Tướng chưa trả được ơn vua, lòng vẫn ngậm ngùi, mong có ngày đem thân trâu ngựa nầy báo đáp. Nay thấy Bệ Hạ đắm mê tửu sắc, giết hại con, gần kẻ nịnh, hại tôi trung, như vậy xã tắc sẽ đi đến chỗ lầm than, cơ nghiệp chẳng bao lâu nữa sẽ đổ nát. Hạ thần chẳng ngại rìu búa, dâng sớ can ngăn, xin Bệ Hạ nhận lấy lời ngay cho an xã tắc.
Thương Dung tâu rồi dâng sớ. Tỉ Can lấy trải lên bàn.
Trụ Vương thấy trong sớ như vầy:
"Tôi là Thương Dung cúi tâu việc chánh. Xưa Bệ Hạ mới lên ngôi, cần kiệm nghĩa nhân, siêng năng việc chánh, kính chư hầu, yêu văn võ, thương dân tiếc của, vui hưởng thái bình, mưa thuận gió hòa, xa trong gần mến, chẳng kém gì vua Nghiêu vua Thuấn đời xxưa. Nay Bệ Hạ bỏ việc triều đình, nghe lời dua nịnh, đắm say Ðắc Kỷ, giết Hoàng Hậu, chém Ðông Cung, lại quá hơn vua Kiệt nhà Hạ nữa.
Hạ thần liều chết, đem loạn ra an, xin Bệ Hạ truyền Ðắc Kỷ phải thắt cổ để rửa hờn cho Hoàng Hậu, phá Bào Lạc để thỏa ý tôi trung, giết đứa nịnh để khỏi hư xã tắc. Như vậy thì nước mới an, dân mới mạnh, ngai vàng mới bền vững. Hạ thần dẫu chết cũng an lòng ".
Vua Trụ xem qua giận lắm, xé nát tờ biểu, hét lên:
- Lão tặc, dám khi quân đến thế à?
Liền truyền tả hữu bắt Thương Dung đem ra pháp trường lấy trái đấm đập cho nát đầu tức khắc.
Tả hửu áp tới, Thương Dung đứng dậy nạt lớn:
- Tôi phò nhà Thương ba đời, tiên vương đã phó thác Bệ Hạ cho ta, ta có quyền đổi loạn ra trị. Ai dám bắt ta.
Nói rồi điểm mặt Vua Trụ mắng lớn:
- Hôn quân vô đạo, mê Ðắc Kỷ hành hình Chánh Cung là lỗi đạo phu thê, nghe lời dua nịnh hại hai con là lỗi tình phụ tử, làm Bào Lạc hại tôi trung là bỏ đạo quân thần. Trung cang đổ nát, không sợ đất trời, không sợ tiếng nghĩa nhân nguyền rủa, không tiếc cơ nghiệp của tiên vương, mai sau chết đi còn mặt mũi nào mà thấy mặt tiên đế?
Vua Trụ mặt phừng phừng, hối võ sĩ:
- Kéo đầu lão tặc ra đập chết cho mau.
Thương Dung nạt bọn võ sĩ:
- Ta không sợ chết. Ta làm tôi vua Ðế Ất mà không cứu nổi giang sơn, chết cũng xấu hổ với tiên quân.
Nói rồi đập đầu vào cột tự vận. Thương hại cho Thương dung già bảy chục tuổi mà vẫn không thoát khỏi cái chết đáng thương.
Người sau có thơ khen:
Cỡi ngựa về trào gián Trụ Vương
Liều mình dưới bệ đáng trung lương
Mắng vua chi xa gần đao búa
Nạt chúa bao nài nát thịt xương
Lửa đỏ, gan vàng đâu có sợ?
Lòng son, mang bạc nghĩ mà thương
Lời ngay chẳng được vua ưng thuận
Thà chết nghìn thu để tấm gương
Các quan thấy Thương Dung đập đầu chết đều nhìn mặt nhau than thở.
Trụ Vương hơi giận chưa nguôi, truyền lệnh vứt thây Thương Dung ngoài đồng không cho chôn cất.