Phong thần diễn nghĩa
Văn Trọng dẫn binh đi rồi Trụ Vương cùng bá quan văn võ trở lại đền rồng.
Tâm hồn Trụ Vương lúc nầy có vẻ thư thái không khó chịu như lúc có mặt Văn Trọng nữa.
Việc đầu tiên sau khi ngự triều là Trụ vương truyền tha tội cho Vưu Hồn, Bí Trọng.
Vi Tử thấy vậy quì tâu:
- Vưu Hồn, Bí Trọng có lỗi, bệ hạ hứa với Thái Sư cầm ngục hai người ấy để đưa ra tòa Pháp Ti xử tội. Nay Thái Sư vừa mới ra đi bệ hạ đã tha ngay, làm như vậy phụ lòng Thái Sư chăng?
Trụ Vương nói:
- Hai người ấy không có tội gì, bởi Thái Sư bức hiếp nên ta phải nể mặt truyền xử phạt thế thôi. Hoàng bá chớ theo lời nghị đó mà hại kẻ trung lương.
Vi Tử làm thinh không dám nói nữa.
Bí Trọng, Vưu Hồn được phục chức, theo hầu xa giá như cũ.
Vua Trụ bãi chầu, bá quan trở về phủ.
Từ ấy Trụ vương trở lại con đường cũ, muốn làm gì thì làm không ai dám can ngăn nữa.
Ngày kia, nhằm tiết Xuân, gió hòa nắng ấm, hoa nở ngát hương nhất là giống hoa mẫu đơn ngoài ngự viên, mùi thơm nồng nặc.
Vua Trụ truyền bá quan vua võ đi theo ra vườn Ngự uyển hưởng hoa.
Bá quan tuân lệnh, ai nấy theo hầu.
Có thơ rằng:
Nắng ấm người vui hứng gió hòa
Muôn hồng ngàn hạ đượm trăm hoa
Vương hương gió lộng trờí xanh ngắt
Nhuộm biếc cành đưa lóng lại qua
Các phụng lầu hồng xem rất lịch
Cửa vàng then ngọc ngắm không nhòa
Sương rơi mất giọt đeo cành gió
Nồng nực mùi hương mấy dặm xa.
Sau khi thưởng hoa, Trụ Vương còn truyền dọn tiệc thết đãi các quan văn võ tại nhà mát, còn vua và Hoàng hậu cùng với Hỉ Mị uống rượu ngự Thi các.
Trong tiệc, Võ Thành Vương than với Cơ Tử và Vi Tử:
- Chơi chẳng phải thời, tiệc không nhằm cách. Ðang lúc bốn phương giặc giã, trăm họ loạn ly, vui gì mà xem hoa, rảnh gì mà ăn tiệc? Phải chi Thiên tử chừa lỗi cũ, bỏ dữ làm lành, họa may trời cho thái bình đổi họa làm phước.
Cơ Tử nói:
- Tôi xét thấy bệ hạ đã không sửa đổi lỗi còn tệ hại hơn. Chúng ta không biết rồi đây sẽ thế nào trước cơn quốc biến?
Vi Tử nói:
- Chúng ta nên rút ngắn bữa tiệc nầy về phủ ngồi cho yên ổn tinh thần, chớ kéo dài mãi bữa tiệc nhạt phèo nầy có ích chi?
Các quan đều đến trước mặt Trụ Vương lạy tạ xin về.
Trụ Vương phán:
- Ngày xuân đầm ấm, cảnh vật tốt tươi, hãy uống rượu xem hoa cho thỏa thích, sao lại từ tạ vội vàng thế?
Hoàng Phi Hổ nói:
- Dù cuộc vui có kéo dài đến đâu cũng có lúc phải mãn. Chúng tôi để dành cái vui ấy cho dịp khác khi thấy nước nhà được thịnh trị xã tắc được an vui.
Trụ Vương nói:
- Trẫm còn chưa thỏa nguyện vậy để trẫm ngự ra nhà mát cùng bá quan văn võ vui chung.
Các quan thấy Trụ Vương xuống lầu ai nấy buộc lòng ngồi nán lại hầu tiệc.
Trụ vương đến Mẫu Ðơn đình truyền dọn thêm tiệc rượu, vua tôi ăn uống cho đến tối.
Trụ Vương lại truyền thắp đèn lên tổ chức đờn ca múa hát để cho bá quan đồng thưởng thức.
Trong khi ấy Ðắt Kỷ và Hỉ Mị khỏi phải hầu Trụ vương liền xuất hồn yêu tinh, nổi trận gió bay bay ra khỏi lầu tìm người mà ăn thịt.
Khi đó gió thổi mạnh, trời đất âm u, âm khí bốc ra rờn rợn, các cành mẫu đơn tươi đẹp đều khép mình run rẩy.
Bá quan thấy trận gió lạ đều kinh hãi. Bỗng có quan Thị tửu vùng la lớn:
- Có yêu tới.
Hoàng Phi Hổ lúc ấy rượu đã xoàng xoàng, nghe nói có yêu vội vàng bước ra xem thử thì thấy con thú:
Mặt tợ song đăng chiếu sáng lòa
Chờn vờn làm dữ giữa vườn hoa.
Nhăn nanh không khác hùm thèm thịt
Giơ vút dường như thú bắt gà
Mình vắn lẹ làng coi vẩn vẩn
Ðuôi dài lược thưọc kéo sà sà
Mập mờ đêm tối xem cho kỷ
Rỏ thiệt trên non một cáo già.
Hoàng Phi Hổ thấy hồ ly làm dữ, nhưng trong tay không có khí giới, nên lấy làm bối rối, nghĩ mãi mới bẻ lan can đánh nó.
Hồ ly nhanh nhẹn tránh khỏi và trở đòn chụp lại, Hoàng Phi Hổ tràn ngang gọi quân thả con Kim nhãn thần oanh (nguyên con chim Kim nhãn từ ngoài Bắc dâng vào, có tài săn chồn rất hay).
Nghe lệnh khẩn cấp tả hữu vâng lệnh, mở lồng đỏ thả thần oanh ra. Chim ấy bay lên, mắt mở rực sáng, vồ lấy hồ ly một cái. Hồ ly hoảng sợ bỏ chạy vào hang đá bên Thái Hồ.
Trên cao Vua Trụ thấy rõ ràng sai quân lấy cuốc đào xuống tìm bắt loài chồn.
Vâng lệnh nhà vua quân đào hơn ba thước thì ngạc nhiên vô cùng vì nơi ấy xương người chồng chất đầy hang.
Vua Trụ cả kinh nghĩ đến lời nói của quan Gián nghị:
- Trong cung có yêu, thật đúng chẳng sai.
Rồi lầm lủi trở về Ngự Thơ Các để ba quân lạy tạ lui về.
Hồ Ly bị thần oanh vồ xể mặt, bay nhanh về nhập xác, giựt mình tỉnh đậy, biết việc chẳng lành, nhưng ăn năn đã muộn, vua Trụ vén màn lên giường rồng ngủ với hai nàng.
Lúc bừng tĩnh mặt ra Vua Trụ thay mặt Ðắt Kỷ có dấu trầy trụa nên hỏi:
- Ngự thê làm sao mà bị thương trên mặt?
Ðắt Kỷ day nắm cánh tay nhà vua nũng nịu:
- Ðêm rồi bệ hạ cùng bá quan yến tiệc, để thiếp thui thủi một mình, thiếp buồn ra ngự viên dạo kiễng bị nhánh hải đường gie xuống, thiếp tuông phải nên mặt mảy trầy xể thế nầy.
Nghe Ðắt Kỷ nói vẻ thương tâm vua Trụ an ủi can dặn:
- Từ nay về sau, ngự thê đừng dạo ngự viên nữa, vì nơi ấy có yêu khí, hồi khuya nầy trẫm và văn võ bá quan có thấy xuất hiện một con hồ ly tinh chụp người, Hoàng Phi Hổ nhanh tay bẻ lan can đánh, nhưng nhờ thả Kim nhãn thần oanh ra chụp nó, vì thế mà vuốt chim thần còn máu và lông của nó.
Ðắt Kỷ nghe rõ giận thầm Hoàng Phi Hổ nên hăm:
- Ta chẳng chọc mi, sao mi lại hại ta thì chỉ e cho mi khó tránh khỏi họa.
Thơ đề:
Vua Trụ vầy vui tiệc thưởng hoa
Chúa tôi uống rượu tới canh ba
Khí yêu mù mịt nơi vườn ngự
Hình quái đua tranh với vô già
Kim nhãn ra oai quào sạt sạt
Hồ ly xể mặt chạy xa xa
Trả thù sao hại người trinh tiết
Khiến Võ Thành Vương học Tử Nha?
Khương Tử Nha nghe tin Vua Trụ say mê tửu sắc, dùng gian nịnh, Bình Liêu vương ở Ðông Hải trở lòng, Văn Thái Sư kéo quân dẹp loạn, Sùng Hầu Hổ a dua theo Trụ bày làm đài cao khắc khổ lê dân, nhập bọn Vưu Hồn, Bí Trọng hăm he đũ điều không ai dám mở miệng can gián vua. Tin ấy làm cho Khương Tử Nha nổi giận lôi đình:
- Nếu không trừ Sùng Hầu Hổ thế nào tên giặc ấy cũng làm náo loạn hoàng cung.
Hôm sau Tử Nha vào chầu thiên tử.
Văn vương hỏi:
- Thừa tướng có nghe điều chi lạ trong triều hay không?
Tử Nha tâu:
- Tôi nghe Trụ vương lấy tim Tỉ Can làm thuốc trị bệnh cho Ðắt Kỷ. Sùng Hầu Hổ xu nịnh, hiếp dân dọa chúa. Quan quân thấy mà chẳng dám ngửa mặt than, thấy máu đổ xương tan mà không dám giận. Hồ Mị mượn thế vua lộng hành, tôi cậy chúa gây điều tội lỗi. Xin Ðại vương cử hùng binh đánh Sùng Hầu Hổ trừ con giặc tôi loàn. May ra nhà vua còn biết hối lỗi sửa mình mà vì trăm họ.
Văn vương đắc ý cho là việc phải nên nói:
- Thừa Tướng nói đúng! Nhưng ta cũng là người đồng liêu với Sùng Hầu Hổ, thì sự chinh phạt sẽ bị miệng đời chỉ trích chăng?
Tử Nha tâu:
- Trong đời mọi việc phải hay quấy xét ngay thì rõ. Nay lòng Sùng Hầu Hổ đã thay trắng đổi đen, hại tôi trung, gây náo loạn trong quần chúng thì tội ấy đâu được dung tha. Ngoài ra nếu Chúa công lấy lòng hà hải bố thí cho dân no cơm ấm áo, dạy dân theo lễ nghĩa, sửa mình theo Nghiêu Thuấn thì nhà vua sẽ được đời ca tụng vị minh quân.
Văn vương nghe những lời nói chí phái của Tử Nha mừng rỡ hỏi:
- Thừa Tướng sai ai cầm binh đánh Sùng Hầu Hổ?
Tử Nha ngẫm nghĩ rồi tâu:
- Tôi xin thay Ðại vương đem binh phạt Sùng Hầu Hổ.
Văn Vương e sợ Tử Nha dùng binh phạt nặng nên xin theo:
- Ðể tôi đi cùng Thừa Tướng, để giúp nhau bày luận bàn kế sách.
Tử Nha lại nói:
- Nếu Ðại vương thân chinh thì thiên hạ nể phục lắm.
Văn vương truyền lấy cờ, gươm đao giáo mác và chọn mười ngàn quân và ngựa xem ngày tốt tế cờ. Phong Nam Cung Hoắt làm tiên phuông, Tân Giáp làm Phó tướng, bốn hiền tám giỏi theo hộ giá thân chinh.
Tử Nha nổ súng kéo binh, mấy ông già nghinh tiếp, gà chó chẳng sợ, chợ búa không tan. Dân chúng nghe nói đại binh đi đánh Bắc Hà ai ai cũng vui mừng.
Thật là:
Ra khỏi Bàn Khê công thứ nhứt
Dẹp yên Hầu Hổ tiếng sanh đôi.
Tử Nha kéo binh ngang các huyện, các phủ chẳng hề phạm của dân. Ngày đi đêm nghỉ, thắm thoắt đã đến Sùng thành. Tử Nha dừng binh cắm trại, sai tướng tuần dinh.
Lúc đó Sùng Hầu Hổ còn bận việc Triều Ca, để con là Sùng Ứng Bưu giữ nước.
Sùng Ứng Bưu nghe quân báo nổi giận truyền nổi trống đền, các tướng đã có mặt hầu hạ.
Sùng Ứng Bưu nói:
- Cơ Xương lung lạc, không biết giữ mình, năm trước trốn về xứ, binh vua đã đuổi theo, chẳng biết hổ, nay đem binh làm dữ, vô cơ muốn lấy thành ta. Từ lâu hai nước thuận hòa cõi ai nấy giữ. Nay dấy binh sanh sự thì đừng trách ta sự sanh. Truyền Ðại tướng quân Huỳnh Nguyên Tế, Trần Kế Trinh, Mai Ðức và Kim Thành, hãy điểm binh đánh bắt giải về triều trị tội.
Hôm sau Tử Nha sai tiên phong Nam Cung Hoắt đem quân khiêu chiến.
Nam Cung Hoắt kéo binh trước thành hét lớn:
- Nghịch tặc Sùng Hầu Hổ hãy ra đây chịu chết cho mau.
Nam Cung Hoắt nói vừa dứt đã thấy trong thành có một tướng kéo quân ra ứng chiến. Tướng này xưng là Phi Hổ Ðại tướng Huỳnh Nguyên Tế, một tướng dõng mãnh nhất của Sùng thành.
- Huỳnh Nguyên Tế, ngươi vào gọi Sùng Hầu Hổ ra đây để ta cắt đầu trừ đứa dữ, chớ chúng ta không có ý định đoạt thành lấy sĩ của các ngươi.
Huỳnh Nguyên Tế nghe Nam Cung Hoắt xúc phạm đến Chúa mình thì giận lắm, múa gươm tới chém liền. Hai tướng đánh nhau hơn hai mươi hiệp, tiếng vũ khí chạm nhau chan chác. Ðánh thêm mười hiệp nữa, Nam Cung Hoắt múa siêu đao vun vút làm cho Huỳnh Nguyên Tế đuối sức, nhắm cự không lại, liền quay ngựa bỏ chạy.
Nam Cung Hoắt là một võ tướng khét tiếng của Tây Kỳ, đao pháp rất lợi hại, nên biết trước giục ngựa đuổi theo, vớt một đao, chém đầu Huỳnh Nguyên Tế đem về nạp cho Khương Thượng.
Bên Sùng thành, quân thua chạy về báo với Sùng Ứng Bưu:
- Nam Cung Hoắt chém đầu chủ tướng Huỳnh Nguyên Tế rồi!
Sùng Ứng Bưu vỗ án hét:
- Cơ Xương thật ngoan cố, đã làm phản còn dám chém tướng của triều đình, nếu phen này không bắt nó đem về Triều Ca xử tội thì còn gì uy danh ta nữa?
Nói rồi truyền các tướng điểm binh, đợi ngày mai ra trận bắt Văn Vương, báo thù cho Huỳnh Nguyên Tế.
Rạng ngày Sùng Ứng Bưu nổi ba tiếng súng lệnh, kéo đại binh đến Châu ải, gọi lớn:
- Cơ Xương và Tử Nha hai đứa già ấy mau ra đây ta bảo.
Tử Nha nghe tin liền mời Văn Vương đi trước, Tứ hiền và Bát tuấn theo sau bộ giá, còn mình và các tướng đi hai bên.
Sùng Ứng Bưu thấy Châu binh phất cờ nổ súng, binh mã kéo ra như nước, có một Ðạo sĩ cỡi ngựa trung quân hai bên có tướng tùy tùng thì biết Ðạo sĩ đó là Tử Nha rồi.
Có thơ rằng:
Tóc râu như bạc, kiếm như vàng
Bát quái liên y mặc rỡ ràng
Mão đội dường như xuôi cá lý
Khác nào Giáo chủ xuống trần gian.
Tử Nha giục ngựa đến trước trận hỏi lớn:
- Tướng Sùng thành ở đâu, hãy ra đây chịu chết.
Tức thì, có một người phi ngựa đến, đầu đội mão vàng, mình mặc áo đỏ, treo roi buộc giản, mang cung giắt tên, tay cầm xà mâu mười tám thước giục ngựa tới hỏi:
- Ngươi là đồ cẩu đạo ở đâu đám đến đây hung hăng như vậy?
Tử Nha biết tướng ấy là Sùng Ứng Bưu, liền nói:
- Ta là Khương Thượng, hiện làm chức Thừa Tướng nước Tây Kỳ. Cha con ngươi là một lũ nịnh thần dối vua phản nước, làm lắm điều độc hại, tham nhũng của dân giết hại trung lương gây nhiều tội lỗi, đứa con nít năm tưổi cũng muốn banh gan xẻ thịt cha con ngươi để trả thù cho dân chúng. Chúng ta lãnh búa Việt, cờ Mao, vâng lệnh Thiên Tử trừ ác đảng, dẹp tôi loàn, cứu nạn muôn dân, nay ta đã đến đây sao cha con ngươi không lại mà ăn năn sám hối?
Sùng Ứng Bưu nghe Khương Thượng mắng mình như tát nước vào mặt nổi giận hét lớn:
- Tử Nha, ngươi chỉ là một lão già câu cá ở Bàn Khê, tài cán bao nhiêu dám lãnh chức Thừa Tướng, đem quân gây rối chư hầu? Nếu không biết phận mình ta e hối hận thì muộn lắm.
Dứt lời quay lại hỏi các tướng:
- Ai dám bắt tên cẩu đạo thay cho ta?
Trong đám tướng lãnh Sùng thành có một người toan giục ngựa tới, thì lúc ấy Văn Vương cũng đến nơi, gọi Sùng Ứng Bưu nói:
- Sừng Ứng Bưu, chớ làm dữ, có ta đến đây.
Sùng Ứng Bưu quay lại thấy Văn Vương, giận quá chỉ mặt nói lớn:
- Cơ Xương, ngươi là đứa phạm tội triều đình, lẽ ra phải ăn năn hối lỗi, sửa đổi tính tình, sao lại cố gây điều ác, bội phản thiên triều đem quân phá rối chư hầu. gây nên việc dữ?
Văn Vương nói:
- Cha con ngươi tham nhũng, khi dễ chư hầu, kết liên với bọn nịnh xúi vua làm điều quấy, để oán lại cho dân, nếu ta không trừ cha con ngươi trăm họ lầm than, muôn dân khôn đốn. Nếu biết điều cha con ngươi mau theo ta về Tây Kỳ, ta chặt đầu tạ tội với trăm họ.
Sùng Ứng Bưu hét lớn:
- Tặc tử, nói nhiều lời nghịch thiên bội chúa. Các tướng hãy bắt nó cho ta.
Tức thì, Trần Kế Trình, một viên tướng Sùng thành vỗ ngựa tới.
Bên Tây Kỳ, Tân Giáp cũng vỗ ngựa xông ra, vung búa nói lớn:
- Chớ quen thói hung hăng, có ta đối địch đây.
Hai tướng kẻ thương người búa hỗn chiến với nhau một hồi.
Sùng Ứng Bưu thấy Trần Kế Trình đánh không lại Tân Giáp liền khiến Kim Thành và Mai Ðức ra trợ lực.
Tử Nha thấy vậy liền sai Mao Công Toại và Châu Công Ðáng ứng chiến. Bốn tướng đánh vùi một hồi, phía Tây Kỳ Nam Cung Hoắt không chịu được, liền cùng với Thiệu Công Thích, Doãn Công, Tân Miếng áp vào một lượt.
Sùng Ứng Bưu thấy tướng Châu đông quá cũng xông vào trận.
Hai bên đánh nhau không còn phân biệt được nữa, cát bụi bay ngất trời, tiếng quân reo tán loạn.
Chẳng mấy chốc, Doãn Công đâm Mai Ðức một thương nhào xuống ngựa chết tươi. Tân Giáp bửa xuống một búa trúng đầu Kim Thành chẻ làm đôi. Quân Bắc Hà thấy chủ tướng bị hại thất kinh bỏ chạy.
Tử Nha không muốn sát hại sinh linh, liền thâu quân trở về.
Sùng Ứng Bưu thất trận lập tức bế thành, thương nghị với các tướng. Bàn định suốt buổi vẫn không ai có mưu kế gì hay làm lui binh Tây Kỳ được.
Bây giờ Khương Tử Nha muốn thừa thắng phá thành, Văn Vương can:
- Cha con Sùng Hầu Hổ bất nhân, ác đức, ta đến đây cốt để trừ đứa ác mà thôi, nếu Thừa Tướng phá thành trăm dân lâm nạn, làm như vậy ta mang tiếng với thiên hạ!
Tử Nha thấy Văn Vương nói phải không đám trái ý, song lại nghĩ thầm:
- Bởi tánh vua Văn Vương nhân đức, không nỡ làm khổ muôn dân, nhưng nếu đánh giặc mà dụ dự như vậy biết bao giờ mới thắng.
Nghĩ rồi viết một phong thơ sai Nam Cung Hoắt qua Tào Châu trao cho Sùng Hắc Hổ, còn mình đóng quân chờ tin Sùng Hắc Hổ trả lời, không khiêu chiến nữa.