Phong thần diễn nghĩa
Nói về Tây Bá Hầu bị cầm nơi Dũ Lý đến nay đã bảy năm, thường ngay đóng cửa làm sách Diệc là loại sách về bói toán, có ý truyền lại đời sau. Nhân khi rảnh, Tây Bá đem đàn ra khảy, nghe tiếng đàn kêu chan chát, biết có việc chẳng lành, liền cất đàn lấy tiền ra gieo quẻ.
Sau khi bói xong, Tây Bá khóc và than:
- Ôi con ta đã bỏ mạng rồi! Bởi không nghe lời ta nên phải mang hại. Giờ đây, nếu ta không ăn thịt con thì chết, bằng ăn thịt con thì nuốt sao vô. Lời xưa có nói: "Hùm dữ cũng chẳng ăn thịt con". Ta chưa phải là loài cầm thú!
Than thở một lúc, Tây Bá oán trách kẻ đã bày mưu độc, khiến cha con phải đành mang tiếng bất nhân.
Buồn quá, Tây Bá lấy viết mực ra làm một bài thơ điếu như sau:
Muôn dặm đến Triều Ca
Một mình đi viếng cha
Chưa vào thành Dũ Lý
Trước túi chốn chương tòa
Quyết ném đờn trừ quỉ
Ðành liều mạng, hóa ma
Măng khô tre thảm thiết
Thương trẻ động lòng già
Tây Bá Hầu viết bài thơ ngũ ngôn, ai nấy đều không hiểu.
Bỗng có Thiên sứ đến, Tây Bá Hầu mừng rỡ ra chào. Thiên sứ nói:
- Bệ hạ thấy hiền hầu bị giam cầm đã lâu nên đem lòng thương sót nay săn được ít thịt nai, gởi đến hiền hầu một thố, hiền hầu dùng đỡ gọi là tình vua tôi.
Tây Bá lạy tạ và nói:
- Nhờ ơn Thiên tử cho bánh thịt nai, tôi xin cầu chúc bệ hạ sống muôn năm ngõ đặng trị vì bốn biển.
Lạy rồi lấy ba chi bánh ăn. Sứ thần thấy vậy cười thầm:
- Ai cũng đồn Tây Bá Hầu xem quẻ như thần, đoán việc như Thánh, té ra ăn thịt con mà không biết.
Tây Bá vương nói với Thiên sứ:
- Tôi không dám đến lạy tạ, vì là kẻ có tội, xin ngài thương tình tâu giùm rằng tôi khao khát bấy lâu được Bệ hạ ban vật quí.
Nói rồi giã từ, Thiên sứ ra về.
Người sau có bài thơ như vầy:
Từ thuở dời chân dặn rõ ràng
Ðừng thăm mà mắc họa liên can
Những ngờ dâng lễ tìm đầu bạc
Hay nói liều thân xuốnq suối vàng
Gián Chúa dạn dày gan bảy lá
Thương con chan chứa lụy đôi hàng
Hồn oan theo gió còn linh hiển
Sử sách đề tên để thế gian.
Tây Bá Hầu ăn bánh rồi buồn bã vào phòng ngủ.
Bấy giờ Trụ Vương đang đánh cờ với Bí Trọng, Vưu Hồn, tại đền Hiển Ðức, xảy thấy thiên sứ bước vào tâu việc Tây Bá Hầu ăn hết bánh và tạ ơn.
Vua Trụ nói với Bí Trọng:
- Ta nghe đồn Tây Bá bói hay, trăm quẻ không sai một, nay ăn thịt con mà không biết, thế thì không phải là Thánh. Trẫm nghĩ lại cầm tù Cơ Xương đã gần bảy năm, nay cũng nên cho va về nước, chứ giam giữ một kẻ ngu si như vậy chẳng ích gì.
Bí Trọng tâu:
- Cơ Xương bói hay lắm lẽ nào chẳng biết thịt con? Chắc Cơ Xương là kẻ trí, không ăn sợ họa đến mình, nên phải dùng đỡ, xin Bệ ha suy đi nghĩ lại, kẻo mắc kế hắn.
Trụ Vương nói:
- Nếu Cơ Xương biết thịt con lẽ nào lại ăn như vậy? Dù hùm dữ cũng chẳng nỡ ăn thịt con huống hồ một người hiền?
Bí Trọng tâu:
- Cơ Xương ngoài mặt tuy làm bộ thật thà, nhưng bên trong thừa điều dối trá. Nhiều người lầm kế, ít kẻ rõ được lòng gian, xin Bệ hạ cầm Cơ Xương lại làm chắc, ví như cọp ngồi trong rọ, chim ở trong lồng, còn thả ra tôi e họa tới. Vả lại phía Ðông và phía Nam còn đang có loạn, dẹp hơn mấy năm nay chưa xong. Nếu Cơ Xương về nữa thì lại thêm một mũi giặc.
Vua Trụ khen:
- Lời khanh bàn rầt hợp ý trẫm.
Ấy là tại vận mạng của Tây Bá Hầu chưa mãn nên khiến tôi nịnh ngăn trở như vậy.
Người sau có bài thơ:
Bảy năm chưa đủ vận còn suy
Bí Trọng bày ra tiếng thị phi
Nếu chẳng Nghi- Sanh dâng hối lộ
Làm sao Tây Bá lại Tây Kỳ.
Lúc nầy quân theo Bá Ấp Khảo hay việc giết chủ, liền trốn về nước.
Cơ Phát là vị Công tử thứ hai đang ngồi trên điện bàn việc nước thấy quân về quỳ lạy khóc, lật đật hỏi:
- Việc gì bi lụy như vậy hãy nói mau?
Quân nhân thưa:
- Ðệ nhất công tử vào triều cống sứ chưa rõ mặt Chúa công, không biết vì sao Vua Trụ phân thây công tử.
Cơ Phát chết điếng trên ngai, qua một lúc mới khóc lên được.
Ðại tướng công là Nam cung Hoát nổi giận hét lớn:
- Ấu chúa đi cống lễ, Trụ Vương lại phân thây như vậy đã cắt nghĩa chúa tôi gây ra thù oán. Nay bên Nam cũng làm phản và phía Nam cũng trở lòng, chăng ta nhân cơ hội này kéo muôn binh xuống đánh Nam ải trước đánh vua dữ sau làm chúa hiền, đổi loạn ra bình cứu dân trong cảnh khốn đốn.
Các tướng võ đồng gật đầu nghiến răng đồng ý với Nam Cung Hoát, Các tướng lãnh lúc này lòng rối như tơ không biết đường nào suy xét nữa.
Táng Nghi Sanh bước đến thưa:
- Xin Công tử yên lòng nghe hạ thần tâu việc.
Cơ Phát hỏi:
- Quan Ðại Phu có kế gì hay hãy nói thử?
Táng Nghi Sang thưa:
- Xin Công tử chém Nam Cung Hoát trước rồi mới mưu việc được.
Cơ Phát và các quan đều ngơ ngáo hỏi:
- Nam Cung Hoát có tội gì mà chém?
Táng Nghi Sanh nói:
- Nam Cung Hoát là tôi phản chúa đòi cử binh, ỷ mạnh không mưu. Nếu chúng ta báo thù thì Chúa công không khỏi bị chết ở thành Dũ Lý. Ðã khiến làm điều hại như vậy còn để làm chi.
Nam cung Hoát biết lỗi lui ra, các tướng lãnh cũng đều ngậm miệng.
Táng Nghi Sanh nói:
- Xưa Chúa công đi có dặn đợi mãn hạn bảy năm thì về chẳng cho ai đến viếng. Bỡi Công tử thương nhớ Chúa công, chẳng nghe lời can gián, nên mới bị bỏ mình. Bây giờ phải viết thư sai người bí mật đến dâng cho Bí Trọng, Vưu Hồn. Hai người nầy là tôi nịnh, hễ được của hối lộ thì ắt tâu cho Chúa công khỏi tội. Chừng Chúa công về nước dùng đức mà dụ dân làm cho vua Trụ hết thời rồi sẽ đem binh lấy ải. Nếu vội vàng thì không nên việc.
Cơ Phát nghe nói khen:
- Khanh luận phải lắm song không biết phải dùng vật chi để dâng cho Vưu Hồn, Bí Trọng?
Táng Nghi Sanh thưa:
- Châu sáng ngọc lành, vàng ròng đai tốt. Lễ phân hai mớ, tướng dụng đôi người là Thái Ðiên và Hoằng Yêu, giả dạng khách thương đem dến. Thái Ðiên dâng lễ cho Bí Trọng, Hoằng Yêu dâng lễ cho Vưu Hồn như vậy nội trong ít ngày Chúa công ắt về nước.
Cơ Phát khen phải truyền sắm đủ lễ sai ngươi bí mật ra đi.
Người sau có bài thơ khen:
Ngọc lành châu sáng với vàng ròng
Ém miêng tôi gian việc mới xong
Quả thiệt thầ tiên hay cứu mạng
Làm cho quỷ sứ phải xuôi lòng
Ðua tài với cọp thần như kiến
Ðưa thuốc cho hùm nọc quá ong
Mới biết mưu cao hơn sức mạnh
\/ăn Vương chức trọng sắt dà phong.
Thái Ðiên và Hoằng Yêu được Cơ Phát sai khiến liền giả làm thương gia, đến thành Triều Ca lập tức. Cách ít ngày sau lại người nầy tìm được cách liên lạc với Bí Trọng, Vưu Hồn, đem dâng lễ vật.
Bí Trọng thấy Thái Ðiên liền hỏi:
- Ngươi là ai vậy?
Thái Ðiên nói:
- Tôi làm chức Thần Võ tướng quân ở Tây Kỳ vâng lệnh Táng Nghi Sanh đến dâng lễ vật cho quan lớn.
Bí Trọng tiếp lấy bức thư của Táng Nghi Sanh, mở ra xem. Trong thơ đại ý viết:
"Tôi là Táng Nghi Sanh ở Tây Kỳ cúi lạy dâng thư cho Bí ân công Thượng Ðại phu.
Lâu nay tôi hằng nghe danh quan Thượng Ðại phu, song chưa thấy mặt, lấy làm tiếc. Chúa tôi là Tây Bá Hầu vì nặng lời can vua được quan Thượng Ðại phu thương tình tâu xin không giết, cho ở thành Dũ Lý đã gần bảy năm, ơn ấy chúng tôi Tây Kỳ không thuở nào quên. Tôi không được phép vào chầu Thiên Tử để đền ơn trời biển, nên sai Thái Ðiên đem chút lễ mọn đến dâng, xin quan Thượng Ðại phu nghĩ tình dung nạp. Chúa tôi nay đã già tuổi tác cũng chẳng được bao nhiêu nữa, nếu quan Thượng Ðại phu nghĩ tình tâu với Thiên Tử một tiếng để cho Chúa tôi về nước, đoàn tụ với mẹ già chôn xương nơi cố quốc thì cả dân xứ Tây Kỳ nầy thảy đều mang ơn ".
Bí Trọng thấy lễ vật quá nhiều, lòng tham nổi dậy ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói với Thái Ðiên:
- Ngươi về thưa với Táng Nghi Sanh ta nhận lễ thế nào cũng tâu với Thánh hoàng cho Chúa ngươi về nước. Ta không viết thơ hồi âm vì sợ lưu tiếng khó lòng. Chẳng sớm thì muộn, thế nào việc cũng xong.
Thái Ðiên từ tạ lui ra quán dịch đợi tin Hoằng Yêu.
Trong lúc đó Hoằng Yêu cũng dâng lễ cho Vưu Hồn và cũng được Vưu Hồn hứa như vậy.
Khi Hoằng Yêu trở ra quán dịch, hai người kể lại sự việc vừa qua cho nhau nghe, rồi cùng trở lại Tây Kỳ.
Bí Trọng và Vưu Hồn tuy cùng một đường lối, nhưng mỗi khi có việc hối lộ lại giấu nhau, không dám nói. Vì vậy phần ai nấy giữ.
Ngày kia vua Trụ đánh cờ với Vưu Hồn, Bí Trọng thắng luôn hai bàn một lúc, lòng vua phơi phới, truyền mở tiệc vui vầy.
Ðang khi ăn uống! Trụ vương vui miệng nói:
- Bá Ấp Khảo đờn rất hay con vượn bạch múa cũng thật khéo ước gì trong bữa tiệc nầy có tiếng đờn, tiếng ca của chúng nó mới thú vị.
Ba người cùng cười Vua Trụ lại nói thêm:
- Chỉ tội nghiệp có lão thầy bói dở làm tuồng hay, ăn thịt con mà không biết, ngỡ là thịt nai.
Bí Trọng nhân dịp ấy, tâu:
- Tôi nghi Cơ Xương bị cầm nơi Dũ Lý, có lòng oán hận bệ hạ, nên thường ngày bí mật cho người đến dò xét luôn.
Trụ Vương hỏi:
- Khanh nghĩ thiên hạ đồn Cơ Xương thế nào?
Bí Trọng tâu:
- Khắp cả dân trong thành Dũ Lý đều ca tụng Cơ Xương là kẻ trung nghĩa. Cứ hằng tháng, vào ngày Sóc, Vọng đều thắp hương cầu cho Thiên tử nước thạnh dân yên, mưa hòa gió thuận, bốn phương lặng lẽ, trăm họ bình yên. Họ còn ca tụng Cơ Xương là ngươi chung thủy, gần bảy năm giam cầm không một lời oán than.
Trụ Vương hỏi:
- Trước kia khanh bảo Cơ Xương là kẻ nham hiểm ngoài mặt thật thà, trong lòng gian trá, sao nay lại nói Cơ Xương trung liệt?
Bí Trọng tâu:
- Trước đây tôi lầm tưởng Cơ Xương như vậy nên mới sai người đi dọ thám. Chẳng ngờ Cơ Xương quả là bậc quân tử khác đời. Thật là đường dài mới biết sức ngựa, sống lâu mới rõ bụng người.
Trụ Vương quay lại hỏi Vưu Hồn:
- Khanh xét lời nói ấy thế nào?
Vưu Hồn sẵn dịp tâu liền:
- Lời nói của Bí Trọng quả đúng sự thật. Từ lúc Cơ Xương bị cầm nơi Dũ Lý thường dạy dỗ nhân dân, khiến nhiều kẻ trung thành nhiều người hiếu đạo. Bởi Cơ Xương ở phải, nên dân chúng mới noi theo. Dầu Bí Trọng không tâu, hạ thần cũng trình cho Bệ hạ rõ.
Trụ Vương hỏi.
- Bây giờ có nên tha cho Cơ Xưong về nước hay không?
Bí Trọng tâu:
- Tha hay không là quyền của Bệ hạ chúng tôi đâu dám bàn đến. Chúng tôi chỉ thấy giam cầm người hiền lâu ngày rất tội nghiệp. Nếu Bệ hạ tha Cơ Xương về nước dĩ nhiên Cơ Xương không thể quên ơn. Rất đỗi bị giam cầm mà chưa oán trách, thì nếu được tha lẽ nào phản bội.
Vưu Hồn thấy Bí Trọng cố gỡ tội cho Tây Bá Hầu hiểu ngay Bí Trọng đã ăn của hối lộ khá nhiều rồi. Nhân dịp nầy, Vưu Hồn cũng muốn làm một cái gì đặc biệt để lưu tình với Tây Bá, liền xen vào nói:
- Như Bệ hạ muốn tha Tây Bá về xứ thì cũng nên lưu chút nhân tình. Nay Văn Hoán đánh mãi ải Du Hồn, Ðậu Dung chống bảy năm đã mỏi mệt. Ngạt Thuận phá ải Tam Sơn, Cửu Công chống giử lâu ngày cũng đã mỏi mệt. Theo ý hạ thần thì Bệ hạ nên phong Vương cho Tây Bá, cấp bút việt cờ mao, truyền Tây Bá đem quân đánh Ðông dẹp Bắc. Tây Bá là người hiền, đã được lòng quân sĩ, lại nói gì thiên hạ cũng nghe, dùng Tây Bá dẹp giặc chẳng khác nào dùng chánh đẩy lui tà. Hạ thần dám chắc Tây Bá chưa đánh, quan giặc đã tan, thật có lợi cho Bệ hạ.
Vua Trụ khen:
- Vưu Hồn đáng mặt kẻ tài trí, luận rất hiệp ý trẫm, còn Bí Trọng ưa trung ghét nịnh, Cơ Xương sẽ mang ơn.
Nói rồi truyền chỉ đến thành Dũ Lý, tha tội Tây Bá Hầu lập tức.
Tây Bá Hầu tiếp được chiếu chỉ liền nhắm phương Bắc lạy tạ ơn. Dân trong thành hay được tin Tây Bá khỏi tội về nước mến đức không cùng, khiêng rượu và lễ vật đến tiễn chân đông nức.
Các vị bô lão thay mặt cho dân, nói:
- Thiên tuế ngày nay về nước chẳng khác rồng ra biển, phượng đậu cành ngô. Mấy năm nhờ ơn dạy dỗ, kẻ già nguời trẻ đền rõ đạo hiếu trung, con gái đàn bà đều giữ gìn danh tiết, nay Thiên tử về xứ, chẳng lẽ chúng tôi không mừng. Nói rồi sa nước mắc ròng ròng.
Tây Bá nói:
- Bảy năm sống chung trong thành Dũ Lý, tôi nhờ bá tánh hết lòng giúp đỡ mới được ngày nay, ơn ấy tôi chưa biết ngày nào trả được, xin các ông chớ nhọc lòng đưa đón. Nếu còn nhớ nhau thì xin giữ lấy nề nếp xưa nay, để khỏi điều tội lỗi.
Tây Bá nói xong từ giã khắp dân chúng trong thành xong thẳng đến Triều Ca yết kiến vua. Vừa ra khỏi thành đã thấy các quan đến đón, cùng nhau mừng rỡ hỏi thăm.
Trụ Vương truyền đòi Tây Bá vào chầu. Tây Bá mặc đồ trằng quỳ trước sân nói:
- Tôi là Cơ Xương, kẻ có tội, nay nhờ Bệ hạ mở đức tái sanh, xin chúc Bệ hạ sống lâu muôn tuổi.
Trụ Vương phán:
- Ðã bảy năm, khanh bị cầm nơi Dũ Lý không oán trách trẫm còn cầu chúc cho trẫm sống lâu, thiên hạ thái bình, thật là một đấng tôi trung. Trẫm đã phụ khanh nhiều lắm. Nay trẫm quyết định tha tội cho khanh, cấp cờ mao, búa việt, nhờ khanh đem binh chinh phục các nơi, lấy đức vỗ an lê thứ. Ðược như vậy trẫm sẽ không phụ lòng. Bắt đầu ngày mai trẫm phong cho khanh làm chức Văn Vương cho dạo khắp Triều Ca ba ngày để phô trương quan tước, sau đó sẽ truyền hai viên quan võ, hộ tống khanh về nước.
Tây Bá Hầu lạy tạ, đội áo mão tước Vương, đến đền Long Ðức cùng các quan dự tiệc. Văn võ tụ họp đủ mặt chúc mừng.
Trong lúc dự tiệc, Văn Vương tỏ ý cảm tạ ơn vua, bá quan đều khen ngợi.
Tiệc mãn, Văn Vương tuân lệnh đi tham quan ba bữa, cỡi ngựa dạo khắp thị thành, dân chúng khắp Triều Ca hay tin đều ra đường đón xẹm mặt, và thì thầm:
- Thật ông trời có mắt. Người trung liệt trước sau cũng được đền bù.
Văn Vương đang dạo chơi, xảy thấy trước mặt bóng cờ phất phới tiếng nhạc ngựa vang vầy, giáo gươm lố nhố không rõ là đạo binh nào, liền hỏi kẻ tùy tùng:
- Binh nào kéo đến Triều Ca như vậy.
Quân hầu thưa:
- Ðó là đạo quân của Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ hàng ngày đi tập luyện ở thao trường.
Văn Vương vội vàng xuống ngựa, đứng nép bên đường, vòng tay đợi Hoàng Phi Hổ đến xá dài một cái, và nói:
- Tôi là Cơ Xương xin ra mắt.
Hoàng Phi Hổ cũng lật đật xuống ngựa, nắm tay Văn Vương nói:
- Tôi không kịp tránh đường, xin Ðại Vương miễn chấp.
Văn Vương nói:
- Võ thành Vương dạy quá lời. Tôi là kẻ có tội vừa được vua rải đức ban ơn phong tước Vương, có gì phải nhọc lòng ngài như vậy.
Hoàng Phi Hổ nói:
- Ðây cũng gần tư dinh của tôi, xin mời hiền vương quá bộ chơi, uống chén rượu lạt trao đổi tâm tình, chẳng biết hiền vương có vui lòng không?
Văn Vương nói.
- Võ Thành Vương đã dạy, tôi đâu dám trái lời.
Hoàng Phi Hổ dắt tay Văn Vương rước về tư dinh, hối quân mở tiệc đãi đằng. Hai người ngồi đối diện tỏ khúc tâm tình cho đến lúc trời tối mịt, quân thắp đèn nến bưng ra, Hoàng Phi Hổ mới nhớ việc quan trọng mình sắp bàn với Văn Vương, liền đuổi quân hầu ra hết, kề tai nói nhỏ.
- Hiền vương ơi! Hôm nay tuy là ngày vui, song lúc này vui buồn lẫn lộn, kỷ cương bị tửu sắc và nịnh thần làm đổ vở mất rồi. Hiền vương may mắn được vua tha tội, phong chức Văn vương, đó là trời giúp người ngay, sao hiền vương không tự xét mình sớm lánh mặt, dạo phố khoe quan làm chi. Hiền vương về nước sớm được ngày nào chẳng khác rồng ra biển, cọp vào rừng, còn ở đây tai họa có thể rơi xuống không lường trước nổi.
Văn Vương nghe nói tay chân bãi hoải trán toát mồ hôi, trìu mến nhìn Hoàng phi Hổ, nói:
- Ngài có lòng thương tôi như vậy dẫu chết tôi cũng chưa quên. Tôi cũng biết lúc nầy Bệ hạ vui buồn bất thường lắm, cũng muốn xa lánh chốn Triều Ca, ngặt vì trốn đi thì không làm sao qua được năm ải...
Hoàng Phi Hổ nói:
- Chuyên ấy không khó gì. Tôi có thể giúp đỡ hiền vương được.
Liền lấy cờ, lệnh tiễn trao cho Văn Vương, và dặn:
- Phải thay đổi áo quần giả dạng người có việc gấp đi đêm, thì qua năm ải không ai cản trở.
Văn Vương mừng rỡ nói:
- Ơn Võ Thành Vương như trời biển, không biết ngày nào tôi mới đền đáp nổi.
Bây giờ đã đầu canh hai Hoàng Phi Hổ truyền đòi hai tướng Long Hoàn và Ngô Khiêm đến đưa Văn Vương ra khỏi thành Tây lập tức.