Phong thần diễn nghĩa
Nói về tại núi Côn Lôn, cung Ngọc Hư, có ông Nguyên Thỉ làm Giáo chủ Xiển Giáo, có mười hai người đệ tử đều là tiên phạm luật sát sanh, nên bị đọa, ngày sau phải xuống trần để gánh chịu tai nạn.
Bởi cớ ấy nên ông Nguyên Thỉ không dạy nữa, đóng cửa động không giảng kinh.
Hơn nữa Thượng đế đã có lệnh truyền mười hai vị tiên phạm tội ấy xuống trần, làm tôi nhà Châu. Và, cả hai giáo phái: Xiển giáo và Triệt giáo, số người tu hành phạm tội gom có hơn ba trăm sáu mươi lăm người, đều được biên tên vào bảng Phong Thần để đủ số cho Trời sai khiến.
Bảng Phong Thần nầy chia ra làm tám bộ.
Bốn bộ trên là: Bộ Lôi, Bô Hoa, Bộ Ôn, Bộ Ðẩu.
Bốn bộ dưới là: Thần Mây, Thần Mưa, Thần Sao, Thần Núi.
Nhân khi Trụ Vương mất nước vua Võ ra đời, ông Nguyên Thỉ được Thượng đế ủy nhiệm phong thần, xét ông hiền, ông dữ, ngôi cao, ngôi thấp mà định đoạt.
Nguyên Thỉ định cho học trò mình là Tử Nha xuống làm tướng, vì vậy ông sai Bạch Hạc đồng tử đi đòi Tử Nha (Khương Thượng) đến dạy việc.
Bạch Hạc đồng tử tuân lệnh đến đòi. Tử Nha ứng hầu lập tức.
Ðợi Tử Nha làm lễ xong xuôi. Nguyên Thỉ truyền:
- Ngươi lên núi nầy được mấy năm?
Tử Nha thưa:
- Ðệ tử tu hồi hai mươi ba tuổi đến năm nầy đã được bảy mươi hai rồi.
Nguyên Thỉ nói:
- Số ngươi thành tiên chưa được, còn vương vấn công danh. Nay Thành Thang ra hết vận Tây Châu ra đời vậy ngươi phải thay mặt ta xuống trần ra công giúp nước. Sống làm tướng, chết làm thần, như vậy công tu luyện của ngươi mấy mươi năm trời không uổng. Còn chỗ này không phải là chổ ngươi ở được lâu.
Tử Nha năn nỉ:
- Ðệ tử cố bỏ nhà lên núi. Dốc lòng lánh tục tìm tiên bốn chục năm dư nguyện bỏ đời theo đạo. Vẫn biết tu hành là khổ, muốn thành chánh quả không phải một sớm một chiều, nhưng đệ tử đã theo thầy học lâu nay, xin thầy làm ơn cứu rỗi, nỡ nào đuổi đệ tử trở lại phàm trần.
Nguyên Thỉ nói:
- Vẫn biết ý muốn ngươi như vậy, song số phần ngươi không được toại nguyện, ta biết làm sao? Thần tiên đều một cõi như nhau, ngươi chớ tị hiềm việc ấy.
Tử Nha năn nỉ:
- Xin sư phụ thương con, tìm cách cho con được lánh cõi trần này.
Nam Cực tiên ông khuyên:
- Số ngươi đã không thành tiên đạo mà lại từ bỏ công danh thì hai đàng đều hỏng. Chi bằng xuống giúp thế gian, sau được phong thần rồi sẽ lên non giữ đạo mới yên.
Tử Nha không còn biết nói sao hơn, đành sửa soạn ra đi, và hỏi Nguyên Thỉ:
- Nay đệ tử vâng lời về chốn phàm trần, chẳng hay việc sắp đến ra thế nào, xin thầy chỉ giáo.
Nguyên Thỉ nói:
- Ta có tám câu kệ, chỉ rõ trọn đời ngươi. Ngươi hãy nhớ lấy.
Nói rồi ngâm rằng:
Mười năm chịu túng áo còn bâu
Gượng gạo mua vui chớ chác sầu
Ngồi đá Bàn Khê câu đợi vận
Chờ xe vương giả rước về lầu
Tám mươi lẻ nửa mang đai ngọc
Chín chục dư ba buộc ấn hầu
Mậu ngũ chư hầu trăm trấn phục
Phong Thần chín tám bốn xuân thu
Nguyên Thỉ ngâm kệ rồi nói:
- Tuy bây giờ ngươi xuống đời, nhưng ngày sau cũng về núi.
Tử Nha lạy thầy giã bạn, ra khỏi cung Ngọc Hư.
Nam Cực tiên ông theo đưa ít dặm, đến núi Kỳ Lân dặn Tử Nha:
- Mấy lời thầy đã dạy hiền hữu chớ bôn chôn. Ngày nay xa cách, nhưng có lúc gặp nhau. Xin tạm biệt.
Tử Nha lạy tạ, cáo từ Nam Cực tiên ông rồi một mình thơ thẩn, nghĩ thầm:
- Mình bỏ nhà lên núi tu tiên đã lâu, nay không còn mẹ cha, con cháu, bà con, họ hàng cũng chẳng còn ai, biết trú ngụ vào đâu. Mình xuống trần chẳng khác chim lìa rừng cá xa vực, lẻ loi, cô độc.
Suy đi nghĩ lại, Tử Nha sực nhớ đến một người anh em bạn ở Triều Ca, trước kia thường lui tới tên Tống Dị Nhân. Nhưng chẳng biết mấy mươi năm qua, người ấy còn hay mất. Thế sự có đổi dời chăng? Nhưng nếu không đến với Dị Nhân thì biết trú ngụ vào đâu?
Tữ Nha đành nhắm hướng Triều Ca lần đến tìm người xưa cảnh cũ.
Ðến nơi thấy nhà cửa Tống Dị Nhân vẫn như thường, tường rêu lóm đóm, khung cửa trang viện màu hồng tuy có vẻ phai nhạt hơn trước, song không khác mấy. Tử Nha bước đến gọi gia nhân, nói:
- Có viên ngoại ở nhà không?
Gia nhân hỏi:
- Ông là ai xin cho biết tên họ để chúng tôi tiện bề thưa lại.
Tử Nha nói:
- Ngươi vào thưa với Tống viên ngoại có ta là Khương Tử Nha đến viếng.
Tống Dị Nhân đang tính sổ, nghe có Khương Tử Nha đến thăm, hồi tưởng lại tình bạn thuở xưa, liền buông viết bước ra nghênh tiếp mời vào đối diện dùng trà.
Dị Nhân hỏi:
- Vì sao mấv chục năm biền biệt đã không lui tới, lại chẳng có thư từ. Tôi trông hiền hữu đến mỏi mắt. Ngày nay hiền hữu ở đâu, đến thăm tôi hay nhân tiện việc gì ghé chơi?
Tử Nha nói:
- Từ thuở quen nhau dạo ấy, tôi bỏ nhà lên núi tu tiên. Chẳng may số kiếp tôi không thành nên trở về đây nối lại tri kỷ.
Dị Nhân nói:
- Hiền hữu bây giờ ăn chay hay ăn mặn, cho tôi biết để sai trẻ dọn cơm.
Tử Nha nói:
- Ðã mang tiếng tu hành, đâu dám dùng rượu thịt?
Dị Nhân nói:
- Lâu ngày gặp nhau, tình tri kỷ không có rượu sao tìm thấy thú vị. Vả lại rượu là đồ chay, các vị tiền bối gọi là Quỳnh tương, sao hiền hữu không dùng?
Tử Nha hỏi:
- Hiền huynh đã có lòng đoái tưởng, tiểu đệ đâu đám từ chối.
Dị Nhân hỏi:
- Hiền hữu đi tu được bao lâu?
Tử Nha nói:
- Ðã bốn mươi năm.
Dị Nhân chắc lưỡi:
- Bốn mươi năm ẩn thân trên núi, kể cũng lâu quá rồi, chẳng biết hiền hữu đã học được phép tắc gì chưa?
Tử Nha nói:
- Nếu không học được phép tiên thì ở núi làm gì!
Dị Nhân hỏi:
- Phép tiên thế nào xin nói cho tôi rõ.
Tử Nha nói:
- Gánh nước tưới cây, chụm lửa nấu thuốc.
Dị Nhân tức cười:
- Tiên tìm tiên học phép mà lại gánh nước, chụm lửa, thì ở thế gian lại không có chuyện gánh nước, chụm lửa hay sao? Ðó là cái nghiệp làm đầy tớ, đâu phải làm tiên?
Tử Nha thấy Dị Nhân không thông đạo lý, nên chẳng giải thích làm gì, chỉ cười nửa miệng.
Dị Nhân nói tiếp:
- Tôi với hiền hữu trước kia là bạn nay tình ấy chưa phai, vậy hiền hữu ở đây với tôi chung hưởng giàu sang, không phải gánh nước chụm lửa như lúc tu tiên nữa, hiền hữu bằng lòng chứ?
Tử Nha thấy Dị Nhân thật tình lòng cũng được an ủi phần nào nói:
- Hiền huynh đã có lòng tưởng đến, tiểu đệ lẽ nào dám trái.
Dị Nhân nói:
- Trong đời không gì bất hạnh bằng không con nối hậu. Tôi sẽ lo việc vợ con cho hiền hữu, để dòng họ Khương khỏi mai một.
Tử Nha khoát tay nói:
- Tuổi đã chừng này, anh đừng tính chuyện ấy.
Hai người chuyện vãn cho đến nửa đêm mới đi nghỉ.
Ngày hôm sau Dị Nhân cỡi lừa, lén sang nhả họ Mã lo việc hỏi vợ cho Tử Nha.
Khi đến trang viện. Mã viên ngoại hay tin mừng rỡ ra rước vào trà nước. Mã viên ngoại nói:
- Lâu lắm mới gặp anh. Lâu nay anh làm gì bên ấy mà không sang chơi?
Dị Nhân nói:
- Bấy lâu mắt lo kế sinh nhai, không thì giờ rảnh nếu không vì chút việc quan hệ chắc cũng chưa ghé thăm anh được.
Mã viên ngoại hỏi.
- Cha chả! Việc gì mà quan hệ vậy?
Di Nhân nói:
- Tôi tính đến trước thăm anh, sau làm mai ái nữ cho một người tử tế...
Mã viên ngoại ngắt lời:
- Người nào cậy anh vậy. Chỗ anh em cứ nói thiệt tình đừng ngại gì cả.
Dị Nhân nói:
- Không ai xa lạ. Người nầy chính là bạn thân của tôi lúc truớc, quê ở Hứa Châu,. thuộc Ðông Hải, họ Khương tên Thượng, tên chữ là Tử Nha, biệt hiệu là Phi Hùng. Thật là đấng anh hùng thời nay.
Mã viên ngoại nói:
- Tôi với ông là chỗ thâm tình, con tôi chẳng khác con ông, ông đã định trước, tôi chẳng lẽ không vâng.
Tống Dị Nhân được lời liền lấy bốn nén bạc trao cho Mã viên ngoại làm lễ cầu hôn.
Mã viên ngoại nhận lãnh rồi hối gia đinh dọn tiệc đãi đằng rất hoan hỉ.
Tiệc mãn, Dị Nhân từ tạ ra về.
Bấy giờ Tử Nha ở nhà một mình thấy Dị Nhân đi vắng suốt ngày không về, lòng ái ngại, hỏi bọn gia đinh:
- Viên ngoại đi đâu suốt ngày vậy?
Bọn gia đinh thưa:
- Gia gia chúng tôi ra đi từ sáng sớm, chắc đi đòi nợ đâu xa.
Tử Nha còn đang hoài nghi thì có bóng người từ ngoài ngõ bước vào, Tử Nha chạy ra thấy Dị Nhân đã về, mừng rỡ hỏi:
- Anh đi đâu suốt ngày, tôi tìm mãi không thấy?
Dị Nhân nói:
- Mừng cho hiền đệ đấy!
Tử Nha ngạc nhiên, hỏi:
- Tôi có việc gì đâu mà mừng?
Dị Nhân bảo gia đinh dắt lừa vào chuồng, rồi theo Tử Nha vào sảnh đường nói:
- Tôi đi tìm vợ cho hiền đệ. Duyên thắm đã đượm rồi. Quả thật nợ ba sinh nên tình giai ngẫu.
Tử Nha mỉm cười hỏi:
- Anh đến nói con gái ai vậy?
Dị Nhân tỏ bày Mã Hồng. Cô nầy tài sắc vẹn toàn, nết na có tiếng.
Tử Nha nói:
- Nay tôi tuổi đã già, ngoài bảy mươi, biết người ta có chịu không?
Dị Nhân nói:
- Sao lại không chịu. Nhà họ Mã đã nhận tiền sính lễ rồi. Vả lại con gái nhà họ Mã tuy còn trinh, nhưng tuổi hơn sáu mươi, sánh với hiền đệ xứng đôi lắm. Có lẽ trời dành riêng cho hiền đệ đấy.
Nói rồi truyền gia đinh dọn tiệc ăn mừng, hai anh em bạn vui cười không ngớt. Hôm sau, Dị Nhân chọn ngày lành, sắm sanh lễ vật, bảo Tử Nha đi cưới vợ.
Tử Nha nói:
- Anh đã thương tình, cố lòng bao bọc thì anh muốn thế nào tôi cũng nghe theo.
Dị Nhân bảo vợ sửa soạn đâu đó đàng hoàng, dọn phòng huê chúc để Tử Nha cùng cô gái họ Mã đẹp duyên.
Ngày cưới vợ của Tử Nha cũng rất rộn rịp, trai già đi cưới nàng tóc bạc. Nếu đời loài người là một trăm năm thì đôi vợ chồng nầy còn hưởng dư hai mươi năm tình ái cũng không phải ngắn ngủi gì?
Ðời sau có thơ nói về Tử Nha có vợ muộn:
Tu chẳng thành tiên tiếc Tử Nha
Về trần cưới vợ cũng vui nhà
Sáu mươi tám tuổi, cành dâu xế
Bảv chục dư hai chú rể già
Xem đuốc hàm râu e táp lửa
Soi gương mái tóc tợ sương sa
Lá lay Nguyệt Lão xe tơ muộn
Dẫu đến trăm năm nhắm chẳng xa!
Tử Nha tuy cưới vợ mặc lòng, song lòng hoài vọng núi non xưa cũ, quen kiếp tu hành, nên việc ái ân không nồng thắm. Mã thị không rõ tánh chồng, ngỡ anh chàng vô dụng, không phải khách đa tình.
Ngày kia, Mã thị hỏi chồng:
- Lang quân định ở như thế này mãi sao?.
Tử Nha hỏi:
- Hiền thê nghĩ gì mà hỏi tôi như vậy?
Mã thị nói:
- Tôi thường nghe nói: Dầu anh em ruột mà ở chung nhau lâu ngày không lo sinh kế thì cũng mất lòng nhau, không thể hòa thuận nhau được. Lang quân đối với Tống huynh chỉ là tình bằng hữu, sao không lo tính chuyện làm ăn, cứ ăn nhờ ở đụt với Tống huynh mãi coi sao được.
Tử Nha nói:
- Hiền thê nói cũng phải. Song tôi từ nhỏ đến lớn lo việc tu hành không biết nghề nghiệp gì cả. Nay phải mưu kế thì biết tính thế nào.
Mã thị nói:
- Phải tìm cách sanh nhai mới được. Trước kia phu quân không có gia đình chưa vợ con, thì việc ấy chưa cần, nay đã thành gia thất, chuyện trăm năm đâu phải nhỏ.
Tử Nha suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Lúc nhỏ tôi có biết đan gàu giai, chẵng biết ngày nay có thể dùng sinh sống được không?
Mã thị nói:
- Ðó cũng là một nghề sanh sống. Ðã là nghề nghiệp thì dầu lớn dầu nhỏ cũng có thể kiếm ra tiền. Vả lại sau vườn nhiều tre phu quân có thể dùng tre này đan gàu giai đem xuống chợ bán, vợ chồng giả ăn cũng đủ.
Tử Nha nghe lời Mã thị đan một gánh gàu giai, gánh xuống chợ Triều Ca, ngồi từ sớm mai đến chiều vẫn không thấy ai hỏi đến. Tử Nha sợ trời tối, gánh gàu chạy riết về nhà.
Con đường xa hơn ba mươi lăm dặm, Tử Nha đi về ngót bảy chục dặm, bụng đói như cào chân mỏi rũ rượi, không có một đồng xu trong túi để vào quán uống nước.
Về đến nhà, sắc mặt Tử Nha đượm buồn. Mã thị thấy chồng gánh gàu về không mất cái nào, lòng không đẹp, hỏi:
- Không bán được cái nào sao?
Tử Nha nỗi xung càn nhằn với vợ:
- Mụ bất nhân tâm, cứ để tôi ở không cho rảnh, bày chuyện buôn bán thêm phiền. Từ sáng đến chiều tôi ngồi giữa chợ không ai hỏi đến tên, báo hại tôi sưng vai, mỏi gối mà chẳng ích gì.
Mã thị háy chồng:
- Gàu giai là vật dụng cần thiết của mọi người, tại sao không ai mua. Buôn bán đã không xong lại trở về mắng vợ.
Hai vợ chồng tiếng lại, la ó vang nhà. Tử Nha đứng vuốt râu. Mã thị ngồi trề miệng, hai người không ai nhịn ai.
Tống Dị Nhân nghe được vội bước ra hỏi:
- Việc gì mà vợ chồng gây gỗ nhau vậy?
Tử Nha thuật lại mọi điều, Dị Nhân lắc đầu nói:
- Thôi, hiền đệ không cần tính chuyện bán buôn nữa. Dẩu có mười miệng ăn đi nữa tôi cũng nuôi hết. Hãy dẹp bỏ bất bình vợ chồng thuận hòa nhau mới vui.
Mã thị nói:
- Vẫn biết lòng anh chị đối với vợ chồng chúng tôi tốt như vậy, song chúng tôi đã thành vợ chồng dĩ nhiên phải lập nghiệp, không thể sống nhờ vả mãi cho đến trọn đời.
Dị Nhân nói:
- Nếu muốn làm ăn thì thiếu gì chuyện, cần chi phải bán gàu giai? Trong vựa tôi có sẵn lúa mì, thiếm xoay bột cho chú đem đi bán.
Mã thị nghe lời xúc lúa đem ra xay bột, phơi thật khô. Tử Nha lại gánh xuống chợ Triều Ca bán.
Tử Nha ngồi suốt ngày vẫn không có người nào hỏi đến. Tử Nha nghĩ thầm:
- Hay là ta không miệng lưỡi, mời mọc khách hàng như những kẻ khác, nên họ chê?
Nghĩ như vậy. Tử Nha thấy ai đi qua cũng mời mua hàng.
Mặc dù Tử Nha đã mời đến khan giọng, gánh bột vẫn còn nguyên.
Tử Nha ngồi một hồi lâu thấy trời đã về chiều, vội cất gánh lên vai trở về kẻo tối.
Tử Nha vừa bước đi một quảng không xa lắm, bỗng có người gọi lại mua:
- Ông già bán bột, hãy để tôi mua.
Tử Nha mừng quá, đoán chừng mình gặp may bạn hàng chiều. Nào ngờ người ấy chỉ mua có một đồng tiền, thế mà cũng làm Tử Nha mất công gánh lên để xuống.
Mặc dù vậy Tử Nha cũng không phiền, vì có bán hơn về không, Tử Nha lay hoay múc bột trong gánh gói lại trao cho khách hàng, bỗng đàng sau có tiếng vó ngựa chạy đến rầm rập. Tử Nha thất kinh quay lại thì thấy một con ngựa chạy đến, trên lưng có một vị quan lại, hình như đang đi việc gì khẩn cấp.
Hai thúng bột của Tử Nha bị con ngựa ấy vướng vào vó mang đi, đổ rải rác cùng đường.
Tử Nha la lên chói lói con ngựa vẫn không dừng lại.
Tiếc của quí, Tử Nha chạy theo, bột dính đầy cả quần áo mốc xếnh.
Người mua bột thấy vậy bỏ đi, không mua nữa.
Tử Nha biết ngựa của nhà quan, không thể bắt đền được, đành nhặt thúng gánh không, lểnh mểnh trở về mặt buồn như ma đói.
Mã thị thấy chổng quảy gánh không về, mặt hớn hở, ngỡ chồng bán đắt, bước ra tận ngoài sân đón rước.
Tử Nha ném gánh xuống đất mắng vợ:
- Mụ bày chuyện không xong!
Mã thị cười mơn:
- À, hôm nay chẵc là bán đắt nên lên mặt với tôi chứ gì.
Tử Nha nói:
- Không thâu được đồng điếu nào. Suốt buổi không ai hỏi đến, lúc ra về bị ngựa máng đổ hết cả gióng gánh giữa đường. Từ chợ Triều Ca về đây đói quá đi không nổi.
Mã thị mặt nhăn lại:
- Thiệt tốt phước! Già đầu mà làm gì cũng chẳng nên trò, chỉ biết ăn thôi. Quả đời tôi gặp nghiệp báo.
Tử Nha bị vợ mắng, giận quá toan bước tới nắm đầu đánh cho một trận. Nhưng không may, Mã thị cũng chẳng vừa, Tử Nha vừa bước đến đã bị mụ nắm râu chặt cứng. Hai vợ chồng té nằm một đống.
Dị Nhân và Tôn thị bước ra can:
- Một gánh bột giá đáng là bao nhiêu, vợ chồng đối xử với nhau như vậy sao phải!
Tôn thị đỡ Mã thị dậy, còn Dị Nhân dắt Tử Nha vào thư phòng nói nhỏ:
- Hiền đệ chớ nên nóng giận như vậy. Nghĩa vợ chồng ấm lạnh có nhau.
Tử Nha nói:
- Thân trai vô dụng, chừng này tuổi mà không làm nên việc nhỏ mọn như vậy để vợ mắng tôi thấy hổ thẹn quá.
Dị Nhân nói:
- Hoa nở có mùa, người nên có vận. Lúc chưa gặp vận thì đủ có tài giỏi đến đâu cũng chẳng làm gì nên. Hiền đệ hiện giờ tuy nghèo khó, nhưng lúc gặp thời cũng vinh hoa phú quý như ai. Hiền đệ đừng nản lòng. Tôi có nhiều phương tiện giúp đỡ hiền đệ được.
Tử Nha nói:
- Ðược anh đùm bọc, ơn ấy không biết lúc nào mới trả nổi.
Di Nhân nói:
- Vợ chồng hiền đệ dẫu ở không suốt đời cũng chẳng hại gì. Nhà tôi đủ nuôi tất cả. Song để làm vui lòng hiền đệ, tôi sẽ giúp hiền đệ việc nầy, chắc chắn không sợ thất bại.
Tử Nha hỏi:
- Anh định việc gì vậy?
Dị Nhân nói:
- Tôi có ba mươi lăm cái quán bán rượu tại chợ Triều Ca. Ðể tôi mời các chủ quán đến đây chơi cho biết mặt hiền đệ rồi bảo họ nhường quán cho hiền đệ bán mỗi quán một ngày. Cứ luân phiên như vậy mà làm. Việc này họ đã tổ chức sẵn sàng nhân công trong mỗi quán đều có sẳn, hiền đệ chỉ đến đó thu tiền thôi.
Tử Nha nói:
- Nếu thế tôi nhờ ơn anh nhiều quá!
Hôm sau, Dị nhân mời các chủ quán đến để bày tỏ sự tình.
Ai nấy đều bằng lòng, định ngày mai khởi sự nhường cho Tử Nha bán tại quán họ Trương là chỗ đông khách nhất, vì quán này ở ngay tại ngã ba đường, chỗ nhiều người qua lại. Ðã vậy ngày nào quân lính ở Triều Ca đi tập cũng vào quán ấy ăn uống.
Chủ quán họ Trương truyền cho bọn giúp việc trong quán theo thường lệ làm thịt heo, thịt dê, dọn bày đặc biệt, để Tử Nha có cơ hội đắt hàng.
Rượu thịt ê hề, Tử Nha đứng làm chủ quán thu tiền, ai nấy cũng đinh ninh Tử Nha sẽ thu lợi một ngày gấp bội. Nào ngờ hôm ấy trời mưa xối xả, Hoàng Phi Hổ ra lệnh quân binh nghỉ tập, còn bộ hành lo đụt mưa chẳng ai vào quán cả.
Ðợi cho đến chiều tối, trời vẫn còn mưa lai rai, đồ ăn nguội hết. Tử Nha sợ thiêu thối, nên bảo những người làm công trong quán đem ra ăn, còn lại cho những người làm công ở quán khác.
Thấy thời vận không thông Tử Nha mặt buồn ủ rũ. Ðến tối trở về nhà. Dị nhân hỏi:
- Hôm nay hiền đệ thu được bao nhiêu tiền?
Tử Nha nói:
- Trời mưa, quân binh không đi tập, bộ hành không một người vào quán. Ðồ ăn thiu hết, tôi phải cho những người làm công thanh toán cho xong. Ðã không có lời lại bị lỗ vốn.
Dị Nhân tươi cười nói:
- Hiền đệ chớ lo, bởi chưa đến thời nên mới khiến xui như vậy.Ngày mai tôi sẽ sai bọn gia đinh đi mua cho hiền đệ một số heo, dê để hiền đệ đem ra chợ bán lấy lời. Những con vật sống nếu bán không được thì đem về chờ ngày khác không lỗ đâu mà sợ.
Tử Nha tuy tuân lời, song đã thất bại nhiều phen, lòng không tin việc gì có thể thành công được.
Bấy giờ Trụ vương càng mê say Ðắt Kỷ hơn trước, làm lắm điều lỗi đạo vua tôi, trăm họ thán oán. Ðã vậy trời lại sanh tai biến nơi Triều Ca nửa năm không được một giọt mưa, Trụ vương nghe lời Bí Trọng, Vưu Hồn bày chuyện đảo võ, cấm sát sanh yết thị khắp nơi, cấm dân chúng không được làm thịt súc vật trong ngày ấy.
Tử Nha không hề hay biết, hôm ấy đem heo dê, ra chợ. Vừa ló mặt đến đã bị bọn lính tuần nạt lớn:
- Lão già nầy trái lệnh cấm, hãy bắt trói lão giải về triều.
Tử Nha thất kinh chưa biết làm sao đã thấy một bọn lính tay cầm giáo mác, đuổi đến, làm Tử Nha phải bỏ cả heo dê thoát thân.
Tuy Tử Nha trốn được, nhưng bầy heo, dê bị lính triều bắt hết, chỉ còn mình không chạy về nói với Di Nhân:
- Thôi thôi, công việc chẳng ra sao, tôi làm phiền anh quá sức.
Dị Nhân thấy Tử Nha mặt mày tái ngắt, bộ tịch xụi lơ, liền hỏi:
- Có việc gì chẳng lành xẩy ra vậy?
Tử Nha kể lại đầu đuôi câu chuyện, Di Nhân cười lớn:
- Ðã không kiếm được tiền, thôi thì cứ lấy rượu giải khuây, đợi chừng nào thuận tiện sẽ tính chuyện buôn bán.
Dứt lời truyền gia đinh bưng rượu thịt lên, mời Tử Nha cùng ngồi ăn uống với mình, chuyện trò rất thân mật.
Thấy Tử Nha không vui vì ám ảnh những việc vừa rồi, Dị Nhân sai gia đinh đem rượu thịt ra vườn hoa để Tử Nha cùng mình vừa ngắm cảnh, vừa uống rượu cho tiêu sầu.