Phan Đình Phùng
Trận đánh sau cùng với quân Pháp là trận ở Huế đêm 23/5/1885, quân đội chính quy của triều đình Việt Nam cũng thất bại nốt.
Thành mất vua chạy.
Bây giờ chống với Pháp chỉ là văn thân với dân binh.
Người này đánh một hai trận, nhóm kia giữ được đôi ba năm rồi cũng tan vỡ.
Duy còn một người cố gắng cưỡng lại, triệu tập ít nhiều anh em đồng chí, rót dầu nhiệt huyết vào trong cây đèn dân tộc tự lập, khêu cao ngọn lửa ái quốc còn bừng đỏ lên ở một góc Hà Tĩnh, Quảng Bình mười năm sau nữa mới tắt.
Ấy là Phan Đình Phùng.
Người làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Phan Đình Phùng sinh năm 1847, dòng dõi nhà nho.
Đông Thái vốn là một làng nổi tiếng nhất trong tỉnh Hà Tĩnh, vì xưa nay có người đậu đạt lớn, làm quan to rất nhiều. Khởi lên từ đời nhà Lê, phát một ông Quận công, nhà giàu có lớn, hay làm việc phúc đức, dân trong địa phương đều được nhờ cậy, cho nên người ta sùng bái lắm, tôn ông là "Kiều Quận công".
Đến đời gần đây, làng Đông Thái lại càng đại phát, thi đậu hay làm quan cũng vậy. Tức như Quận công Hoàng Cao Khải, và hai tổng đốc Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu, ba cha con hiển hách một thời; còn nhớ lúc quận Hoàng bày tiệc thọ bảy mươi, có người mừng câu liễn như vầy đúng lắm: “Con cái một nhà hai tổng đốc, Pháp Nam hai nước một công thần”.
Họ Phan thì từ ông Phan Như Tính, làm tổng đốc tỉnh Hải Dương hồi còn thuộc về Nam triều và chính là thày học của cụ Phan Đình Phùng cho tới các ông tiến sĩ Phan Đình Du, Phan Trọng Mưu, Phan Huy Nhuận... đều là người đồng hương và đồng thời với cụ Phan.
Người ta vẫn bảo hai thái cực không gặp nhau. Đằng này chúng ta thấy hai thái cực cùng ở một làng Đông Thái: họ Hoàng phò tá Bảo hộ được vinh hiển đến tột bậc, họ Phan chống cự Bảo hộ cũng quyết liệt tột bậc!
Họ Phan, từ thuỷ tổ ở đời Lê, truyền đến Đình Phùng là 12 đời, mà đời nào cũng có người thi đậu lớn, làm quan to, cho nên người ta thuở trước đã từng đặt tên cho xóm họ Phan ở là "Ô y hạng", tỏ ý là một xóm toàn người đậu đạt cao sang.
Ông thân sinh ra Phan Đình Phùng là Phan Đình Tuyển, đậu phó bảng khoa giáp thìn (1814) về thời vua Thiệu Trị. Làm quan tới Phủ doãn phủ Thừa Thiên, sau vâng mệnh vua sai ra Bắc làm chức Tán là quân vụ dẹp giặc ở tỉnh Lạng Sơn, bị tử trận.
Phan Đình Phùng có năm anh em.
Anh cả là Phan Đình Thông, đậu tú tài, làm Phó quản đốc một đội thuyền chiến; thứ hai là Phan Đình Thuật, đậu cử nhân làm Giáo thọ; thứ ba là Phan Đình Tuấn mất sớm; cụ tức là thứ tư; còn người em út là Phan Đình Vận, đậu Phó bảng làm Tri phủ. Cụ lại còn hai em khác mẹ nữa, nhưng không ai thành đạt gì.
Phan Đình Phùng phu nhân là con gái một quan phủ ở làng Thọ Tường cũng thuộc về tổng Việt Yên, lấy cụ sinh ra được bốn người con trai. Về sau, phu nhân và mấy người con trai lớn đều mất sớm về bệnh điên, nhằm lúc Phan đang cầm quân không cự binh Pháp ở núi Vụ Quang, cho nên cụ đã có câu than thở:
- Mình sinh gặp phải lúc gia biến, quốc biến, thê biến, tử biến.
Trong bốn người con trai của cụ, duy có người sót lại là Phan Đình Cừ có tiếng thông minh can đảm.
Phan Đình Cừ tự là Bá Ngọc, hồi nhỏ theo cụ ở luôn trong quân. Đến năm bính thân (1896), nghĩa là sau khi cụ mất một năm, thì trốn đi du học ở Nhật Bản, đứng vào hạng thanh niên anh tuấn trong đám Việt Nam chí sĩ vong mệnh qua Đông Kinh lúc bấy giờ. Nhiều người tưởng chắc mai sau Bá Ngọc có thể nối được chí lớn của cha. Nhưng về sau xoay đổi xu hướng, có thể suy nghĩ việc nước không thể cứu lại được nữa, dầu có làm gì, chẳng qua cũng như "dạ tràng xe cát biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì", rồi người ta thấy Nguyễn Bá Trác về trước đưa Bá Ngọc về sau, quy thuận chính phủ Bảo hộ.
Tôi nhớ có một lần được gặp Bá Ngọc ở Hà Nội, nét mặt tỏ ra người hiền lành cứng cỏi; nhưng hỏi chuyện chi cũng ngập ngừng không muốn nói ra; hình như có một tâm sự gì uẩn khúc khó nói lắm vậy. Lúc ấy sau cuộc thế chiến 1914-1918 vừa tan ít lâu.
Cách sau đó một năm, nghe tin Bá Ngọc lại đi sang Tàu, song lần này đi một cách đường hoàng. Không biết Bá Ngọc lại đi như thế có mục đích gì, chỉ biết cuối năm 1921, có tin ngoài báo về rằng một hôm Bá Ngọc đang dạo chơi ở Hồng khẩu công viên tại Thượng Hải, thình lình bị một người cầm súng lục chĩa ngay Bá Ngọc mà bắn bảy phát chết tươi. Không nói, ai cũng đủ biết người bắn Bá Ngọc chính là một người đồng bào Việt Nam.
Nhân đó mà đương thời có dư luận phân vân nổi lên, kẻ bàn vầy người nói khác. Nhưng mà thôi! Chúng ta nên để người dưới suối vàng yên nghỉ là hơn.
Cụ Phan lại còn một bà vợ thứ nữa, tức là em ruột ông Lại bộ Tham tri Trần Trạm. Bà này về ở với cụ sinh được một người con trai là Phan Đình Cam mất sớm; lại sinh hạ một người trai nữa, hồi 1925-1926, tôi tới Hà Tĩnh nghiên cứu tài liệu để viết cuốn sách này, được thấy bà và cậu thứ nam đó ở làng Đông Thái. Sau đó tới giờ, tin tức ra sau không rõ.
Hồi cụ Phan cầm quân khởi nghĩa, những lúc lên ghềnh xuống thác, xông pha hòn đạn mũi gươm, sớm tối đều có bà truy tuỳ ở trong quân cho tới khi chung cuộc, nên người ta gọi bà là "cố nguếch rừng". Nguếch là một tiếng ở Nghệ Tĩnh dùng để chỉ người đàn bà nào đẻ con đầu lòng là gái; rừng cốt để chỉ tỏ rằng bà theo hầu cụ Phan ở trong rừng rú vậy.
Đáng tiếc những giấy tờ và thủ bút của họ Phan bị tiêu tán thất lạc hết sạch. Phần thì mất ngay trong lúc binh hoả bôn ba, phần thì mất bởi những dư đảng bị hàng đầu bắt bớ, những nhà đồng chí bị khám xét tịch thâu. Có nhà phải ngậm ngùi tự động đốt đi, kẻo sợ liên luỵ. Phải biết, với khâm sai Nguyễn Thân lúc bấy giờ, một chữ của Phan Đình Phùng còn nằm sót lại ở trong tay ai, cái đầu người ấy chỉ là củ chuối!
Thành ra công việc sưu tầm tài liệu nhiều nỗi gian nan.
Còn chăng, chỉ là năm ba mảnh đoạn giản tàn biên, mực đã mờ, giấy đã nát. Đến nỗi ông kính hòm ảnh phải từ chối, không chịu bắt sang, và nếu ta đưa lên nặng tay, sợ giấy rời rã. Nhưng mấy cái di tích mong manh sứt mẻ ấy cũng còn lập lòe chút ít tia sáng để cho kẻ sưu tầm có thể hiểu thêm được ít nhiều về quân sự bố trí của cụ Phan. Và một đôi phần về ý kiến cụ đối với thời cuộc.
Có người nói sinh thời cụ Phan cũng nghiện nha phiến. Tôi không thể tin. Mặc dầu bảo đó là sự mục kích của một vị cố lão, người Bắc, đã truy tuỳ cụ Phan rất lâu và mới qua đời ở Hà Nội độ năm năm nay.
Những bậc kỳ cựu đáng kính ở đất Lam Hồng mà tôi đã được phỏng vấn, xưa kia hoặc đồng niên cộng sự, hoặc giao thiệp thân mật với cụ Phan, không nghe một ai nói cụ có cái ác tật đó.
Vẫn biết thuở người Anh đã đem súng bắn đạn thuốc phiện vào nước Tàu (nha phiến chiến tranh năm 1840) và tất người Tàu đã truyền bá sang bên ta rồi, nhưng vua ta có lệnh cấm đoán rất nghiêm. Thật thế, quân chủ Việt Nam ngày xưa không nỡ lòng lợi dụng món thuế thuốc độc hại dân để làm một nguồn lợi cho công khố.
Hai triều Thiệu Trị, Tự Đức, vua nhiều lần hạ dụ cấm ngặt quan lại hút nha phiến, ai không tuân lệnh có thể bị cách chức và kết án bị đồ, bị lưu.
Cụ Phan là một nhà nho trì trọng, một vị quan thanh liêm mực thước, không lẽ đâu tự hại sức khỏe mình và phạm phép nhà vua?
Hay là năm ba tháng trước khi anh hùng mạt lộ, cụ Phan ta ở quân thứ mắc phải bệnh lị trầm trọng, không chừng trong bộ hạ có kẻ hiến kế dùng một vài điếu thuốc phiện để hoạ may cứu nguy, rồi những người bàng quan vì đấy tưởng rằng bình thời cụ vẫn có cái lạc thú ấy chăng?