Ông Cử
Bữa sau, bà Hội-đồng kêu Biện Huỡn vào phòng giấy, bà nói nhỏ mà căn-dặn trót một giờ đồng-hồ rồi liệu gần đến giờ gặp ông Cử được, bà mới biểu kêu xe hơi lô-ca-xông mướn cho cô Minh-Nguyệt với Biện Huõn đi lên chợ Xã Tài.
Từ ngày cô Minh-Nguyệt theo mẹ về Bến-Lức mà ở cho tới ngày nay tính đã hơn 10 năm, cô không gặp mặt cha lần nào, mà cũng không nghe mẹ nóì cha ở đâu, làm nghề gì. Hôm nay cô nghe nói cha làm thợ sơn ở chợ Xă Tài thì cô lấy làm lạ. Tại sao mà làm thợ sơn? Tại sao mà lên ở chợ Xã Tài? Cô định trí mà nhớ chuyện cũ lại. Cô nhớ mài-mại hồi cô còn nhỏ thì cha hay bồng-ẵm, nựng-nịu cô, cha có râu, miệng hay cười nói dịu-ngọt. Cha ở một cái nhà lớn, trong nhà có bàn ghế tốt, chung-quanh nhà có vườn trồng cau, dừa, mít, mận. Tại sao bây giờ lại làm thợ sơn ở trên chợ Xã Tài. Cô Minh-Nguyệt ra đi mà trong lòng không vui, nên mặt không tươi-tắn.
Cô mặc một bộ đồ lụa trắng, đầu choàng khăn cũng trắng, cô đeo sơ một sợi dây chuyền nhận hột xoàn nhỏ, song tai cô đeo một đôi bông, và tay cô đeo một chiếc vàng nhận hột xoàn thiệt lớn. Mặt cô cũng dồi phấn sơ-sài, mà môi không thoa son, chơn mày không vẽ mực. Tuy vậy mà nước da cô trắng đỏ gương mặt cô có duyên ngầm, bởi vậy tay xách bóp đầm, chơn mang dày thêu, bước lên xe coi thiệt là đẹp.
Xe chạy khỏi Chợ Lớn, cô bèn hỏi Biện Huỡn rằng:
- Anh Biện, anh biết cha tôi nhiều hôn?
- Hồi trước tôi làm Biện cho ngài.
- Nghe nói hồi trước cha tôi làm Cai-Tổng phải hôn?
- Thưa phải.
- Tại sao bây giờ lại làm thợ sơn?
- Cái đó tôi không hiểu.
- Tại sao rná tôi thôi cha tôi mà lấy chồng khác?
- Cái đó tôi cũng không hiểu.
- Anh giấu, chớ hồi trước anh làm Biện cho cha tôi mà không hiểu sao được.
- Thiệt chớ.
Cô Minh-Nguyệt cười gằn rồi hỏi rằng:
- Anh thương cha tôi hồn. Cha tôi nghèo lắm hả?
Biện Huỡn nghe hỏi tới mấy câu đó thì anh ta ứa nước mắt, nghẹo cổ, day ngó cô Minh-Nguyệt rồi mới đáp rằng:
- Ngài bây giờ nghèo lắm. Tôi thấy tôi đứt ruột.
Cô Minh-Nguyệ mở bóp lấy khăn chặm nước mắt. Bữa nay ông Cử với Ba Sang đi làm về một lượt, cất nón, rửa mặt rồi sửa-soạn dắt nhau lại quán chị Năm Tiền mà ăn cơm.
Hai người mới bước ra cửa thì xe hơi của cô Minh-Nguyệt đã chạy tới ngừng ngay đó. Biện Huỡn leo xuống xá ông Cử, cô Minh-Nguyệt biết người nầy là cha mình, nên cô lật-đật xách bóp leo xuống xe. Ông Cử và Ba Sang đều đứng ngó sững cô. Cô nói: “Cha, con đây, cha”, rồi cô đứng ngó ông, nước mắt tuôn dầm-dề. Biện Hưỡn với Ba Sang đứng dan ra xa, thấy cảnh cha con gặp nhau như vậy, thì hai người cũng động lòng. Ông Cử nói: „Con vô đây“ rồi ông Cử trở vô nhà. Cô Minh-Nguyệt đi theo, lụy sa không dứt.
Ðèn dầu lửa lờ-mờ. Ông Cử ngồi trên một cái ghế đẩu, tay chống trán, mắt ngó con mà nói rằng: “Con còn nhớ cha hay sao ? Cha con phân cách nhau đã hơn 10 năm, mà con còn nhớ cha…”. Ông nói có mấy lời, rồi trong lòng cảm quá, nói nữa không được, ông ngồi khóc, nước mắt nước mũi chàm-ngoàm. Cô Minh-Nguyệt đứng một bên cha, cô cũng khóc.
Cách một hồi lâu, cô Minh-Nguyệt mới hỏi rằng:
- Tại sao mà cha không thương con, cha đành bỏ con?
Ông Cử khóc một hồi nũa rồi đáp rằng:
- Thú-vật còn biết thương con, huống chi loài người. Cha lìa con, cha đau-đớn thế nào duy có Trời-Ðất biết cho cha mà thôi. Mà chuyện xưa con chẳng cần biết làm gì. Cha khuyên con hãy tin rằng cha mà xa con, ấy là sư bất đắc dĩ mà thôi chớ không phải ý cha muốn như vậy.
Cô Minh-Nguyệt hỏi tiếp rằng:
- Ðến cha mà cha cũng còn giấu con, thì con biết hỏi ai?
- Con hỏi làm chi ?
- Hỏi cho biết cái căn-nguyên của con chớ. Hay là tại mẹ con có lỗi điều chi với cha, nên cha phiền mà bỏ hết mẹ con của con?
- Cha mẹ là đứng tạo-hoá của con. Làm con chẳng nên nghi cha mẹ. Nhứt là mẹ con có công sanh thành, mang nặng đẻ đau, lại còn có công dưỡng nuôi dạy-dỗ. Vậy con chẳng nên nghi mẹ con có lỗi, nếu con nghi thì là trái thiên-luân lắm.
Hai cha con lặng-thinh một hồi nữa rồi ông Cử nói rằng:
- Cha biết mẹ con nó khứng cho con tới đây đặng con gặp mặt cha là tại việc hôn-nhơn của con. Cha đã cắt nghĩa rồi mà coi bộ mẹ con không hiểu. Chẳng phải cha làm khó không chịu ký tên cho phép con lấy chồng, đặng làm ngăn-trở cuộc hôn-nhơn của con đâu. Vì con lấy chồng mà buộc cha phải ký tên cho phép, nên cha nài xin cho biết chàng rể rồi sẽ ký tên chớ. Con nghĩ đó mà coi, nếu không biết chàng rể mà nhắm mắt ký tên, thì còn gì thể-diện của cha. Phận con làm con, há con đành để cha nhục hay sao?
Cô Minh-nguyệt đứng suy-nghĩ rồi đáp rằng:
- Cha nói con hiểu rồi, nếu cha không biết mặt chồng của con mà cha ký tên cho phép thì ngày sau chồng của con biết cha đâu. Cha nài như vậy phải lắm.
- Nghe nói người xin cưới con đó học giỏi mà lại giàu lớn lắm phải hôn?
- Thưa phải. Nhưng mà con ưng người ấy, con hứa làm bạn trọn đời, không phải là tại con ham học giỏi hay là ham giàu. Con ưng người là vì con thấy tánh-tình được lắm, nên con mới ưng.
- Con biết chọn-lựa như vậy thì cha khen con lắm. Tánh con như vậy thì mới thiệt giống cha. Vậy thôi con biểu người ấy đến thăm cha, cho cha biết rồi cha ký tên liền cho con làm đám cưới.
Cô Minh-Nguyệt suy-nghĩ một hồi nữa rồi cô nói rằng:
- Việc nầy thiệt là khó tính. Ðời nầy thiên-hạ thường ham giàu khinh nghèo. Hồi nãy con nói với cha rằng tánh-ý của ông Tấn-sĩ cũng được lắm, là con thấy bề ngoài mà thôi, chớ con chưa gần-gũi người nên con không thấu hiểu tâm-để của người được. Nếu con biểu người đến thăm cha thì chắc đi liền, ngặt vì người thấy cha ở chỗ như vầy, dầu người không khinh-bỉ cha con mình, mà con nghĩ cũng thẹn-thùa cho phận cha quá.
Ông Cử nói rằng:
- Người đó thương con hay không?
- Con chắc thưong con, mà lại trọng con lắm.
- Còn con thương người đó hay không?
Cô Minh-Nguyệt day mặt vô vách lấy khăn lau nước mắt và nói nhỏ-nhỏ rằng:
- Con cũng thương nhiều, nếu con không thương thì con ưng sao được.
Ống Cử ngồi ngó chăm-chỉ ngọn đèn rồi ông thở dài mà nói rằng:
- Thôi, cha vì con, cha không cần danh-giá, thể-diện gì nữa hết. Bây giờ con muốn lẽ nào, cha cũng vui lòng làm y theo hết thảy miễn là hôn-nhơn của con thành thì thôi, thân cha khồng kể gì”.
Cô Minh-Nguyệt day lại đáp rằng:
- Thưa, cha nói như vậy không được. Thà là con không lấy chồng, chớ con đâu đành lo cho được việc của con mà để cho cha bị người ta khinh-bỉ. Bề nào con cũng buộc người đi nói con phải giáp mặt cho biết cha rồi mới cưới con được. Ngặt có một điều nầy là má con đã nói dối lỡ với người ta rằng cha ở trên Battambang lo làm ruộng và mua thủy lợi, công việc đa-đoan không thể xuống Sài Gòn được. Bây giờ nếu con cho người ta hay cha ở đây, lại ở chỗ như vầy, thì lòi cái sự gian-dối, má con với con mắc cỡ chịu sao được.
Cô nín mà suy nghĩ rất lâu, rồi nói tiếp rằng:
- Con tính được rồi, song con xin cha phải chịu cực lòng mà giả-dối một chút, thì mọi vệc đều xong.
- Giả-dối cách nào?
- Ðể con may áo quần tử-tế cho cha mặc, con mướn một căn phòng nhà hàng dưới Sài Gòn cho cha ở, rồi con nói với ông Tấn-sĩ Càng rằng cha ở trên Battambang mới xuống đặng ký tên tờ cho phép con lấy chồng. Ổng nghe nói như vậy, tự-nhiên ổng tìm đến nhà hàng mà thăm cha. Cha gặp ổng rồi thì cha ký tên. Cha chịu khó giả-dối một chút đó.
- Ví như chừng cưới rồi, người nài lên Battambang kiếm thăm cha, rồi không có cha mới làm sao?
- Cái đó không lo gì. Con đủ lời biện-bạch được. Ví như đi kiếm không được thì thôi, con có tới nhà cha lần nào đâu, mà biết chắc chỗ cha ở được.
- Cha nghèo, cha có tiền đâu mà sắm áo quần cho tử-tế nhứt là trả tiền nhà hàng...
- Việc đó xin cha đừng nghĩ tới làm gì mệt bụng. Ðể một mình con lo. Cha ở nhà hàng tới Tết con chịu cũng nổi, huống chi ở năm, mười bữa.
- Thôi, con muốn tính lẽ nào cũng được. Vì thương con nên cha không kể chi hết.
- Mà cha phải nói dối rằng cha ở trên Battambang mới xuống đa.
- Cũng được nữa.
- Ngày nay con mới hiểu cha thương con, chớ có phải phân-cách nhau rồi cha không thương đâu. Thôi, sáng mai cha vô sở cha làm đó mà xin phép nghỉ năm, mười ngày rồi về ở nhà chờ con. Hễ ăn cơm sớm mơi rồi thì con ra đây rước cha đi xuống Bến Thành đặt áo quần, mua giày vớ và mướn nhà hàng cho cha ở.
Ông Cử gặc đầu, cô Minh-Nguyệt mừng quá, căn-dặn ngày mai lối l l giờ, ông phải ở nhà chờ cô, rồi cô từ-giã ông, kêu Biện Hưỡn đi về.
Xe chạy rồi, ông Cử kêu Ba Sang mà hỏi rằng:
- Nãy giờ cháu ở đâu?
- Tôi ngồi ngoài lộ nói chuyện chơi với anh Biện. Nè, anh Biện ảnh thương, mà ảnh phục chú lắm. Còn cô hai coi bộ cô tử-tế quá. Anh Biện nói cô học giỏi, thi đậu bằng cấp Tài-Năng rồi phải hôn?
- Ừ.
- Cô sửa-soạn lấy chồng phải hôn?
- Ừ. Cháu nè, việc nhà của chú, chú không muốn cho ai biết hết. Vậy cháu nghe lời chi, hay là thấy việc chi thì cháu để bụng, đừng có học lại cho anh em ở chợ nầy họ biết làm chi.
- Chú tưởng tôi dại sao? Chuyện nhà của chú ai đi học cho thiên-hạ hay làm gì.
Hai người khóa cửa dắt nhau lại quán ăn cơm.
Cồ Minh-Nguyệt về thuật lại cho mẹ hay chuyện mình đã tính với cha. Bà Hội-đồng Quỳnh lấy làm mừng, mà nói rằng: “Con tính cái đó hay lắm. Làm như vậy thì vẹn toàn, khỏi lòi cái dối của má, mà con cũng được xuôi việc nữa. Con cứ làm đi, dầu tốn hao năm ba trăm má không tiếc, miễn là được việc thì thôi“.
Sáng bữa sau, ông Cử vô sở xin phép nghỉ 10 ngày rồi trở về nhà nằm chờ con; l l giờ trưa cô Minh-Nguyệt với Biện Hưỡn đi một cái xe kiếng đến rước ông xuống chợ Bến-Thành. Cô Minh-Nguyệt dắt ông Củ vô tiệm may đặt may cho ông một cái áo tố xanh thêu bông bạc, hai cái áo cổ giữa, hai cái áo dài trắng, hai bộ áo mát bằng lụa trắng, một cái quần lãnh đen, dặn phải may cho mau, chiều bữa sau phải cho rồi một bộ áo dài với một bộ đồ mát. Cô lại dắt ông đi lựa mua một cái khăn đen, một đôi giày Tây da láng, một đôi giày hàm ếch, một cây dù, một cái va-ly da, và mua vớ, mua khăn mu-soa đủ hết.
Ðặt áo quần, mua đồ-đạc xong rồi, cô đưa về chợ Xã Tài, hứa chiêu bữa sau cô lấy áo quần đem lên cho ông mặc tử-tế rồi sẽ đem ông xuống Sài Gòn mướn phòng cho ông ở.
Khi cô Minh-Nguyệt từ giã cha mà về cô mở bóp lấy ra một trăm đồng bạc mà đưa cho cha và nói rằng: “Cha hãy cất cái nầy để mà xài vặt còn tiền đặt áo quần và tiền phòng, tiền ăn để cho con trả riêng. Ông Cử từ chối, không chịu lấy tiền, Cô bỏ đại trên bàn mà nói: „Tiền của con, cha đừng ngại chi hết. Chừng con có chồng rồi, con còn tính việc khác nữa, chớ con không đành để cho cha hèn-hạ cực-khổ như vầy đâu.”
Chiều bữa sau, cô cũng đi với Biện Hưỡn ra tiệm may lấy áo quần đem lên cho ông Cử mặc tử-tế rồi rước ông xuống nhà hàng “Nam-Kỳ Palace” mướn một cái phòng thượng-hạng cho ôngg ở xưng-đáng. Ông ở nhằm phòng số 2 trên lầu, phòng rộng rãi, trong có chỗ ngủ, ngoài có chỗ rước khách. Tuy ông có áo quần tốt song ông cũng còn đem một bộ đồ thợ sơn theo.
Minh-Nguyệt để Biện Huỡn ỏ tại đó mà phục-sự ông, và cô có nói bữa nào Tấn-sĩ Càng đến thăm, thì cô sẽ cho hay trước, rồi từ-giã mà về. Cô Minh-Nguyệt về rồi, ông Cử mặc áo tốt đi qua đi lại trong phòng, ông ngó Biện Huỡn mà cười và nói rằng: “Từ ngày qua khôn-lớn cho tới bây giờ, dầu nguy-biến đến thế nào, qua cũng chẳng hề chịu giả-dối. Bây giờ, qua vì thương con mà phải mang lốt làm hề như vầy, em thấy hay không, Biện ?“
Biện Huỡn đáp:
- Ái tử chi tâm vô sở bất chí. Ngài vì thương con mà phải giả-dối, tôi nghĩ có tội gì.
- Nhằm, nhằm lắm! Mà ai biết cho qua?
- Tôi biết.
Ông Cử gặc đầu mà cười rồi thay áo mát đỉ nghỉ.
Bà Hội-đồng Quỳnh nhờ sức con mà được mãn-nguyện, bởi vậy bà vui-vẻ chớ không còn quạu-quọ với con nữa. Bà viết thơ sai người cầm ra Sài Gòn mời ông Tấn-sĩ Càng vô cho bà nói chuyện.
Ông Tấn-sĩ Thái Duy Càng ở tại nhà chú, là ông Nghị-viên Quản-hạt Thái Duy Cư gần Chỡ-Ðũi. Khi tiếp được thơ, ông lật-đật thay áo quần rồi kêu sơp-phơ đem xe hơi ra cho ông đi Lò Gốm.
Bà Hội-đồng Quỳnh thấy ông Tấn-sĩ bước vô, bà chào hỏi vui-vẻ và mời ông ngồi lăng-xăng. Cô Minh-Nguyệt là gái tân-học, lại mẹ rèn tập tánh-tình theo gái kim-thời, bởi vậy cô cũng ra chào ông Tấn-sĩ rồi ngồi gần một bên, không ké-né chút nào.
Bà Hội-đồng nói vớ ông Tấn-sĩ:
- Má kêu con vô đặng nóỉ cho con hay. Cha của con Minh-Nguyệt ở trên Battambang mới xuống hồi hôm.
- May dữ hôn! Cha con ở đâu bây giờ má?
- Ở ngoài Sài Gòn. Hôm trước má nói với con rằng ổng mắc công việc làm ăn bề-bộn lắm, ổng xuống không được, nên má biểu Nô-Te làm giấy tơ sẵn đặng con Minh-Nguyệt gởi cho ổng ký tên. Hổm nay ổng không trả giấy tờ lại, té ra ổng để ổng cầm xuống chớ ổng không chịu gởi. Ổng xuống tới, ổng mới nhắn cho con Minh-Nguyệt hay đó.
- May lắm! Vậy thì đám cưới tính gắp được rồi, mà đám cưới có cha dự nữa, thì con vui không biết chừng nào. Ðể con đi thăm cha và con năn-nỉ đặng cha con ở mà làm chủ hôn luôn thể. Cha con ở ngoài Sài-gòn, mà ở nhà nào vậy má^?
- Con hỏi con Minh-Nguyệt, chớ má có biết đâu.
Ông Tấn-Sĩ day qua mà cười; ông chưa kịp hỏi thì cô Minh-Nguyệt đã nói trước: „Cha ở nhà hàng „Nam-Kỳ Palace” phòng số 2. Cha nhắn anh Biện Huỡn ra, rồi cha bắt luôn ảnh ở ngoải“.
Ông Tấn-sĩ đứng dậy, mắt ngó vợ rất hữu tình, rồi thưa với bà Hội-đồng: “Thưa má, nếu má không còn dạy con việc chi nữa, thì con xin phép má cho con về đặng con đi thăm cha con một chút. Bề nào con cũng năn-nỉ xin cha con ở luôn tới đám cưới. Con xin được hay không, tối con cũng trở vô mà cho má hay“.
Bà Hội-đồng đáp:
- Má không có nói chuyện gì nữa. Con muốn về thì về song việc đi thăm đó có gắp gì, chiều hay là mai con đi cũng được mà.
- Thưa, con phải đi liền, nếu để trễ thì con lỗi lắm. Còn ba đi hứng gió ngoài Long-hải chừng nào ba về má há?
- Ổng có gởi thơ nói mai mốt gì đây ổng về. Phải về đặng lo đám cưới, chớ một mình má lo sao cho nổi. Ổng lấy xe hơi ổng đi hổm nay, ở nhà đi mua đồ không có xe, thiệt bất tiện hết sức.
- Thôi, má lấy xe của con đây mà đi.
- Lấy xe của con rồi con đi đâu con làm sao?
- Thưa, con có xe của chú con.
- Không được đâu. Thôi, để coi như mai mốt ổng chưa về rồi sẽ hay. Nè mà con đi thăm cha con thì được, chớ mời ổng ở tới đám cưới sợ e không được, vì công việc làm ăn của ổng đa-đoan lắm.
- Thưa, má để đó mặc con.
Ông Tấn-sĩ về rồi, bà Hội-đồng lo nếu ổng mời mà ông Cử chịu dự đám cưới, thì cô Minh-Nguyệt có tới hai cha; khó coi lắm, Cô Minh-Nguyệt an-ủi, khuyên mẹ đừng lo, cô đoán chắc dầu mời thế nào cha cô cũng không chịu ở.
Ông Tấn-sĩ Càng mặc y-phục rất tinh-khiết song ông mặc đồ trắng, sợ đi thăm cha vợ như vậy thất lễ, bởi vậy ông về nhà mà thay đồ, ông mặc một một bộ đồ nỉ đen thiệt mới, đổi bâu cứng, thắt nơ đen, rồi mới lên xe ra nhà hàng “Nam-Kỳ Palace”.
Ông lên tới phòng số 2 thấy Biện Huỡn đứng ngoài cửa, ông đưa ra môt miếng danh-thiếp và hỏi rằng:
- Anh Biện, tôi nghe nói có ông gia tôi xuống, nên tôi lật-đật ra thăm. Có ông gia tôi ở trong phòng hay không?
- Thưa có. Ngài nằm trong phòng.
- Ông gia tôi thức hay ngủ?
- Thưa, thức.
- Anh làm ơn đưa danh-thiếp nầy cho ông gia tôi, và thưa có tôi đến, xin phép vô thăm một chút.
Biện Huỡn bước vô phòng, ông Tấn-sĩ đi lại đứng dựa cửa sổ ngó xuống đường chơi mà chờ. Ông Cử hay có rể lại thăm, thì ông liền mặc đồ dài đàng-hoàng, rồi biếu Biện Hưỡn mời vô. Ông Tấn-sĩ Càng bước vô cửa phòng thấy ông Cử ngồi nghiêm-chỉnh tại phòng rước khách thì ông đứng ngay lại, cúi đầu chào theo lễ Tây. Ông Cử đứng dậy, bước ra nắm tay chào rồi dắt vô chỉ một cái ghế mà mời ngồi. Ông liếc mắt ngó chàng rể thấy tuổi chừng 25, 26, nước da trắng-trẻo, gương mặt thông-minh, tướng-mạo đoan-trang, hình-dạng dong-dảy, ông đã bằng lòng.
Ông Tấn-sĩ ngồi ghé nửa cái ghế rồi nói rằng:
- Con mới hay tin cha xuống, nên con lật-đật ra đây mà mừng cha. Theo như lời má con nói, thì hổm nay con tưởng đám cưới xong rồi, vợ chồng con cũng dắt lên Battambang mà làm lễ lạy cha, nhưng nếu đám cưới mà thiếu cha, thì sự vui-mừng của vợ chồng con đã mất một phân nửa.
Ống Cử gặc đầu đáp rằng:
- Phải. Việc nhà của cha đa-đoan lắm, hôm trước cha tưởng xuống không được. Nay rảnh được nên cha phải nhơn vài bữa đi xuống đây, trưóc là cho biết mặt con, sau nữa ký tên vào tờ giấy cho phép con Minh-Nguyệt lấy chồng luôn thể.
- Con cám ơn cha lắm. Con xin cha vui lòng ở luôn tới đám cưới đặng đứng chủ hôn cho bên vợ con luôn thể.
- Sợ e ở không được, công việc nhà của cha không có ai coi.
- Xin cha đánh dây-thép về cậy ai đó coi giùm, đặng cha ở lại với con cho vui. Ðám cưới mà thiếu cha, thì vợ chồng con buồn lắm. Bên con thì không có cha mẹ chi hết. Nếu bên vợ con mà cũng thiếu cha nữa, thì đám cưới lợt-lạt quá đi, tội-nghiệp cho vợ chồng con lắm.
Ông Cử thấy ông Tấn-sĩ Càng lộ vẻ buồn, ông liền kiếm chuyện khác mà nói. Ông hỏi:
- Con ở học bên Tây hết thảy là mấy năm ?
- Thưa, con đi hồi 15 tuổi, năm ngoái con về con 25 tuổi, con ở học bên Tây 10 năm.
- Con đi Tây mà học thành danh như vậy thiệt đáng mừng, chớ có nhiều người đi Tây tốn tiền mà học không ra cái gì hết, chừng về nước chỉ giỏi cái nghề nhảy đầm, thì uổng công, uổng của biết chừng nào.
- Thưa, con học được thành công thì con không vui chút nào hết.
- Tại sao vậy?
- Thưa cha, đạo làm con người ai cũng vậy, lúc còn nhỏ xuất thân đi học, ai cũng quyết cho giỏi, học cho thành công, trước là làm vẻ-vang cho tổ-tông, sau nữa làm vui lòng cho cha me. Phận con đây, cha mẹ đều khuất sớm; anh em cũng không có, ngày nay con học thành công rồi con vui với ai? Con thưa thiệt với cha, con mà học được hoàn-toàn, ấy là cái may của con vì con không dè được vây. Trong 10 năm con ở bên Tây có nhiều lúc con nghĩ tới thân-phận con, con nhớ cha mẹ không có, thì làm con ngã lòng thối chí, con muốn bỏ mà về không thèm học nữa làm gì. Cha nghĩ lại mà coi, làm việc chi cũng phải có mục-đích thì mới phấn-chấn mà làm cho đến cùng được chớ. Con không có cha mẹ, con học đặng làm vui lòng cho ai? Học không có mục-đích như vậy, thì có vui gì mà học?
- Sao con không lấy quốc-gia hay là xã-hội mà làm mục-đích?
- Thưa cha, có cái gì mà sánh với cha mẹ cho kịp.
Ông Tấn-sĩ Càng nhắc tới cha mẹ thì ông động lòng nên buồn hiu. Ông Cử thấy rõ người đã học giỏi mà lại có hiếu, thì trong bụng khen thầm, song ông muốn dọ tánh tình cho đáo-để nên ông lặng thinh, để cho người thong-thả mà tỏ bày tâm-sự, ông Tấn-Sĩ nói tiếp rằng: “Con mà học được đó, ấy là nhờ cái chí bền-bĩ của con, nhứt là con sợ mang tiếng “bán đồ nhi phế”. Việc học của con thì vậy đó. Còn việc hôn-nhơn của con là việc tình-cờ. Con thưa thiệt với cha, vì con đau-dớn cho phận côi-cút của con từ hồi nhỏ, nên cái tánh của con thuở nay thường buồn-bực hoài hoài. Ai rủ chơi cuộc gì vui cho mấy đi nữa cũng không biết vui. Lúc ở học bên Tây cũng vậy, mà từ năm ngoái đến bây giờ con về bên nây cũng vậy con ưa chơi mấy chỗ thanh-vắng, con ưa nằm một mình mà suy nghĩ việc đời. Bởi cái tánh của con như vậy nên con không muốn cưới vợ, nghĩ vì con sợ cưới vợ rồi con làm cho một người đàn-bà ham vui-vẻ, ham bay nhảy phải chịu cái thói buồn thảm của con đó trọn đời, thì tội-nghiệp cho người ta lắm. Cách bốn tháng nay, con dự tiệc tại nhà của một viên quan trong Chợ-lớn, tình-cờ con gặp cô Hai cũng đến dự tiệc ấy. Hai con làm quen nói chuyện với nhau, con hỏi thăm cô Hai còn đủ cha mẹ hay không, cô nói rằng cô còn đủ cha mẹ, nhưng mà cha một nơi, mẹ một ngả, mẹ lại lấy chồng khác, thành ra cô phải ở với mẹ và cha ghẻ, cô nói với con như vậy rồi cô khóc. Con về nhà, con suy nghĩ, con biết cô thân-phận thì khác con, mà tánh-tình lại giống với con lắm, Phận con đau-đớn vì của mẹ khuất hết, phận cô tuy cha mẹ còn đủ, song không sum-hiệp, nên cũng buồn-rầu. Hai con cũng đồng một bịnh bi-thảm về ơn sanh-thành. Cách ít ngày con gặp cô Hai trong một tiệc khác nữa, hai con bày tỏ tánh-tình với nhau, con thấy rõ hai con tâm đầu ý hiệp con mới thưa với chú con cậy mai đi nói, thiệt quả từ ngày hứa hôn rồi, con tới lui nói chuyện với cô Hai, thì hai con tánh nết giống nhau lắm, hễ nhắc tới cha thì cổ khóc liền. Con tưởng hai cái tánh buồn của hai con mà hiệp lại thì chắc khắn-khít trọn đời, không chinh không mích, mà lại có lẽ đối với nhau củng bớt buồn chút đỉnh được”.
Ông Cử mang lớp giả-dối là tưỏng làm bướng cho vui lòng con mà thôi, miễn nó được kết tóc trăm năm với người nó yêu thương và nó khen đúng-đán, còn phận ông thì ông chẳng kể gì. Nào dè làm giả-dối mà đưọc biết tình con không quên mình, lại được biết chàng rể có hiếu nghĩa, ông vừa cảm, vừa mừng, nên gục-gặc đầu mà nói rằng: “Con nói chuyện nãy giờ cha đã hiểu tánh-tình con hết. Cha có rể như con, cha vui mừng, mà con Minh-Nguyệt có chồng như con, nó cũng có phước lắm. Theo như lời con nói, thì con uất về phận côi-cút, còn con Minh-Nguyệt thì nó uất về nỗi biệt-ly, thành ra hai con đều mang cái thảm trong lòng, cái thảm ấy làm cho phải ngán đường đời, rồi không hưởng hạnh-phúc gì hết. Cha mới gặp con có một lần đầu, nếu cha đem việc đời ra mà đàm-luận thì e khiếm-nhã. Nhưng vì tại con đã khởi nói trước làm cho cha thấy tánh con chán đời, nên cha không lẽ không tỏ ít lời mà khuyên con đưọc. Con hãy ngó rộng ra ngoài, con hãy suy nghĩ cho xa, ắt con sẽ thấy Trời Ðất sanh ta làm loài người đây là phạt ta, chớ không phải thưởng ta. Cái kiếp của con người là cái kiếp khổ, trong mấy chục năm chúng ta sống mà làm người đây là sống đặng chịu cái khổ hoặc khổ về ly-biệt, hoặc khổ về cơ-hàn, hoặc khổ về gia-dình, hoặc khổ về xã-hội, hoặc khổ về vật-chất, hoặc khổ về tinh-thần, hoặc khổ về lợi danh, hoặc khổ về bịnh-hoạn. Tuy Tạo-hoá chia loài người làm nhiều hạng, nhưng mà từ sang chí hèn, tư giàu chí nghèo, hạng nào cũng phải dãi-dầu về sống gió bụi, hạng nào cũng phải loi-nhoi trong biển trầm-luân. Ngày nào chúng ta chết thì cái kiếp khổ của chúng ta mới tạm đình lại được. Phận con đây tuy con giàu lớn, tuy con học nhiều, song con lại phải chịu cái khổ không có mẹ cha, phận con Minh-Nguyệt tuy thân nó sung-sướng, song nó lại phải chịu cái khổ phân rẽ cha con. Phận người khác thì chịu cái khổ hhác nữa, mỗi người đều chịu một cái khổ, nào có sót ai. Ấy vậy con chẳng nên thấy cái khổ của con mà ngao-ngán. Con làm người thì con phải tập cho có đủ can-đảm mà chịu các cái khổ của loài người, nếu con thấy khổ mà thối chí ngã lòng thì ai cho con là người cứng-cỏi, Theo như lời con nói hồi nãy, thì con buồn rầu là tại sự sống của con không có nghĩa, tại cái đời của con không có mục-đích. Bây giờ nếu con muốn đổi cái tánh buồn mà làm thành tánh vui, muốn hưởng chút đinh hạnh-phúc trong cõi dương-trần, thì con phải kiếm mục-đích đặng làm chủ-hướng mà sấn bước trong đường đời. Mục-đích chẳng thiếu gì, duy phải biết lựa cái cao mà theo, phải biết lọc cái thấp mà tránh. Con chẳng phảỉ là thầy tu, con còn vướng nợ trần, theo ý cha thì con nên lấy quốc-gia mà làm mục-đích. Con chủ tâm làm cho vẻ-vang nước nhà, làm lợi ích cho xã-hội. Hễ con vui với cái chủ-nghĩa của con thì con quên cái khổ-não của loài người, rồi tự-nhiên con hăng-hái mà bước trong đời, hết chán-ngán, hết ngã lòng nữa. Con là người có học-thức rộng. Cha nói sơ ít lời thôi, để sau con chiêm-nghiệm rồi sẽ biết cha nói phải hay là nói quấy”.
Ông Tấn-sĩ Càng ngồi chăm-chỉ nghe, chừng ông Cử dứt lời, ông liền đáp: “Những lời cha dạy bảo con coi như vàng như ngọc. Tuy cha nói sơ, mà con đã hiểu nhiều, con nghĩ chẳng khác nào như thuở nay con đi đường tối, bây giờ cha rọi đèn sáng-sủa cho con bước cho dễ vậy. Từ rày về sau con sẽ ráng làm theo lời cha dạy, đặng gỡ cái mối thương tâm, mà hưởng chút đỉnh hạnh-phúc với đời”.
Ông Cử cười. Hai người mới gặp nhau, nói chuyện chưa bao nhiêu, mà coi bộ tương-đắc lắm, cha vợ khen chàng rể, mà chàng rể cũng phục cha vợ.
Ông Tấn-sĩ Càng đứng dậy thưa rằng: „Chú của con mắc đi Bạc-Liêu nên chưa hay có cha xuống Sài-gòn. Mai chú của con về, chắc là chú sẽ ra thăm cha. Bây giờ con xin cha một điều là cha ở luôn đặng chứng đám cưới củo hai con. Nếu cha không nhận lời thì hai con buồn lắm”.
Ông Cử châu mày đáp rằng:
- Cha liệu khó ở cho tới đám cưới được.
- Thưa cha, phận con không còn cha mẹ. Con tính cưới cô Hai thì cha mẹ của cô là cha mẹ của con. Mấy tháng nay tuy con chưa biết cha, song con thường nói với cô Hai rằng con sẽ thương cha cũng như cha ruột con vậy. Nay con gặp cha, con biết cha, thì con mừng quá, con muốn sao cha con đừng rời nhau. Con xin cha đừng làm vỡ tan sự mừng của con tội-nghiệp.
- Con biết thương cha như vậy thì cha cảm tình lắm. Ngặt vì cái phận của cha kỳ quá, xin con xét giùm. Cha không có nhà cửa ở đây. Ðám cưới làm tại nhà má con mà cha không tới đó được. Như cha dự đám cưới thì cái địa-vị của cha khó coi quá đi.
- Thưa cha, việc đó cha dừng ngại. Con hiểu cái địa-vị của cha là khó thiệt. Bởi vậy con mời cha ở dự đám cưới, con đã tính cho cha bữa cưói đó cha ở tại phòng quan Ðốc-Lý Thành-phố đặng chứng lễ hôn-thú rồi cha đi thẳng lên nhà con mà dự tiệc, chẳng cần phải vô Lò Gốm làm chi nữa. Cha dự lễ đám cưới như vậy thì có điều chi phạm đến danh-dự của cha đâu mà cha ái-ngại. Xin cha vui lòng nhận lời con, ở lại mà chứng cuộc hôn-nhân của hai con, cho hai con hưởng nhờ phước đức của cha với.
- Con đã nói hết lời, thôi để cha tính lại thử coi.
Ông Tấn-sĩ thấy cha muốn xiêu lòng thì mừng quá, nói chuyện một hồi nữa rồi từ mà về, hẹn để mai rồi sẽ trở lại.
Ổng về rồi, Biện Huỡn bước vô phòng thấy ông Cử ngồi mặt tươi-rói, mới hỏi:
- Bẩm ngài, ngài coi ông Tấn-sĩ tánh tình được hay không?
- Ðược lắm, được lắm! Người theo năn-nỉ quá nên chắc qua phải ở luôn tới đám cưới.
- Nếu được như vậy thì càng tốt. Cô Hai cổ dặn riêng tôi, cô nói ngài ở tới chừng nào tôi cũng ở theo đây mà phục-sự ngài luôn luôn. Cô có giao tiền bạc cho tôi nhiều đặng trả tiền phòng tiền ăn và tiền xe, hễ hết về lấy thêm, xin ngài đừng lo.
- Em biết Nô-Te ở đường nào, em dắt qua lên đó ký tên phứt cho rồi.
- Tôi biết. Bây giờ còn sớm, thôi ngài sửa soạn đi với tôi.
Ông Cử đi với Biện Huỡn lên phòng Nô-Te mà xin ký tên. Ông Nô-Te cười và hỏi ông đã gặp mặt rể rồi chưa. Ông Cử cũng cười mà đáp rằng: “Gặp rồi nên tôi mới chịu ký tên đây chớ ».
Còn ông Tấn-sĩ Càng gặp được cha vợ và thấy cha vợ tỏ ý muốn chịu ở tới đám cưới, thì ông mừng quýnh nên biểu sớp-phơ chạy thẳng vô Lò Gốm mà nói cho mẹ vợ và vợ hay. Cô Minh-Nguyệt lộ sắc mừng, còn bà Hội-đồng Quỳnh thì im-lìm, coi bộ không vui. Ông Tấn-sĩ hiểu ý mẹ vợ, nên nói : “Ban đầu cha từ cha không chịu ở. Con năn-nỉ quá, cha động lòng nên cha mới chịu, song cha nói cha không vô đây để chực đưa dâu đâu. Cha đón ngoài Xã Tây dự lễ hôn-thú rồi tiếp với hai họ lên nhà con dự tiệc mà thôi. Má nghĩ coi làm như vậy có được hay không ?”
Bà Hội-đồng Quỳnh sợ là sợ chồng cũ tới nhà thì khó coi cho bà, chớ đón ngoài Xã Tây rồi đi lên đàng trai thì chẳng can-hệ chi, nên bà đáp : “Làm như vậy cũng được”.
Sáng bữa sau, ông Hội-đồng Thái Duy Cư đi Bạc-liêu về, nghe nói ông Tổng Ngô Minh Tâm ở Battambang xuống, ông liền biểu cháu dắt ông ra nhà hàng mà thăm. Hai người gặp nhau nói chuyện vui-vẻ lắm. Ông Hội-đồng Cư mời ông Cai-Tổng Tâm chiều lên nhà ông ăn cơm.
Ông Cử không biết lấy cớ gì mà từ được, lại theo lễ hễ người ta thăm mình thì mình phải thăm lại, bởi vậy ông phải ép bụng mà hứa lời.
Chiều bữa ấy ông Tấn-sĩ đem xe hơi ra nhà hàng mà rước cha vợ. Trong lúc ăn cơm ông Hội-đồng Cư cho hay rằng ông Hội-đồng Quỳnh đi Long-Hải dưỡng bịnh đã về rồi, và vợ chồng đã bàn tính rồi định ngày rằm, nhằm chúa nhựt, nghĩa là còn 8 bữa nữa, thì cho làm lễ cưới. Ông Cử nghe nói như vậy thì ông than còn xa ngày sợ ở không tiện. Ông Tấn-sĩ Càng theo năn-nỉ quá, mà ông Hội-đồng Cư cũng ân-cần mời hoài, ông Cử không biết tính làm sao được, cùng thế ông phải hứa lời chịu ở dự lễ cưới.