Ông Cử

Bà Lý-Thị-Phương là nguyên-phối của ông Cai-Tổng Ngô-Minh-Tâm hồi trước ở Mỹ-tho, Khi bà được án Tòa cho bà để chồng bắt con được rồi, bà mới dắt con trở về quê-quán tại Bến-lức cất nhà mà ở. Bà ở đó được vài năm kế có một người ở Chợ-lớn, tên là Cao-Xuân-Quỳnh, nhà giàu lớn, nửa chừng gãy gánh cang-thường, nên cậy mai nói mà cưới bà. Bà vẫn có ruộng đất, có bạc tiền, có nữ-trang, nên khi mới để chồng bà tính ở một mình mà nuôi con đặng khỏi ai động tới sự-nghiệp của là được.

Nay ông Cao-Xuân-Quỳnh nhỏ hơn bà đến 5 tuổi, ông theo quyến-luyến hoài, lại bà thấy ông giàu có lớn, có nhà máy xay gạo tại Bình-đông, có nhà lầu ở Lò Gốm, có mấy dãy phố lầu tại Ðèn Năm Ngọn, ở với vợ trước không có con, bà nhắm làm bạn với ông nầy không lổ, bởi vậy bà mới ưng ông Cao-Xuân-Quỳnh rồi dắt con về ở với chồng mới tại cái nhà lầu rất đẹp ở Lò Gốm. Nhờ cái hoàn-cảnh ấy, bà mới có thế mà cho cô Minh-Nguyệt vào học tại trường đầm ngoài Sài Gòn, nên cô mới thi đậu Brevêt Elémentaire đó. Bà lại muốn có danh-dự với người ta, nên năm trước bà xúi ông Cao-Xuân-Quỳnh ra tranh-cử Nghị-viên Thành-phố, tuy tốn tiền nhiều, song may đắc cử, bởi vậy hơn một năm nay thiên hạ mới kêu bà là „bà Hội-đồng Quỳnh”.

Ông Hội-đồng Cao-Xuân-Quỳnh lúc nầy trong mình không đặng mạnh, nên vưng lời thầy thuổc ra mé biển Long-hải ở mà hứng gió dưỡng bịnh.

Bà Hội-đồng Quỳnh ở nhà một mình, bà lo sắp-đặt việc gả con lấy chồng. Bà năm nay đã 45 tuổi rồi, mà da chưa dùn, vóc chưa ốm, răng còn chắc, tóc còn đen. Bà cũng làm y theo cách trang điểm của mấy bà sang-trọng đồng-thời, tối ngày mặt giồi phấn môi thoa son, tóc chải láng-nhuốt, dầu ở trong nhà cũng mặc áo màu như sửa-soạn đi chợ.

Buổi chiều mà ông Nô-Te với Biện Hưỡn đi kiếm nói chuyện với ông Cử đó thì bà Hội-đồng Quỳnh ở nhà, trong lòng không yên, không chắc có kiếm được ông hay không, lại không biết như kiếm được mà ông ký tên hay là ông làm khó.

Bà đương đi vô đi ra mà tư-lự, còn cô Minh-Nguyệt thì ngồi thêu trên lầu. Tối một lát, xe hơi về ông Nô-te biểu thầy thông-ngôn thuật chuyện lại cho bà Hội-đồng Quỳnh hay rằng, mình đã kiếm được ông Ngô-Minh-Tâm, song ông nài cho ông nói chuyện với chàng rể rồi ông mới chịu ký tên cho phép con ông lấy chồng.

Bà Hội-đồng Quỳnh cám ơn ông Nô-Te, bà nói để thủng-thẳng bà tính, va bà xin ông về nghỉ, chừng nào ký tên được rồi bà sẽ cho ông hay.

Ông Nô-Te về rồi, bà Hội-đồng kêu Biện Hưỡn vào phong giấy, bà biểu ngồi trước mặt bà rồi bà hỏi nhỏ-nhỏ rằng:

-         Thiệt em có gặp ổng hay không ?

-         Thưa, gặp thiệt chớ Ngài có nói chuyện với tôi nữa mà.

-         Nói nhỏ-nhỏ vậy, đừng có nói lớn con Minh-Nuyệt nó nghe. Ổng có nói tại sao mà ổng không chịu ký tên hôn?

-         Thưa, có chớ. Ngài nói không phải ngài không chịu ký tên. Ngài nghe cô Hai có chồng, ngài mừng lắm. Song cô Hai là máu thịt của ngài, bây giờ suy-sụp, sự quí-báu của ngài chỉ còn có bao nhiêu đó mà thôi. Ví như cô Hai lấy chồng mà không cho ngài hay thì thôi, còn như lấy chồng mà buộc ngài phải ký tên cho phép thì ngài nài phải cho ngài gặp mặt chàng rể đặng ngài coi người ra sao, ngài nói chuyện một chút, rồi ngài sẽ ký tên.

-         Sao em không nói cho ổng nghe, sao em không cắt-nghĩa cho ổng hiểu chàng rể xứng-đáng lắm, dân Tây học có bằng Tấn-sĩ luật-khoa, mồ-côi mà làm chủ một cái gia-tài lớn, lại là cháu một ông Hộ-đồng Quản-hạt có danh-giá nữa?

-         Thưa, ông Nô-Te có cắt-nghĩa rành-rẽ hết. Ông còn nói chàng rể nay mai sẽ được nhà-nước cấp bằng làm tới chức quan Tòa. Mà nói giống gì ngài cũng không nghe, ngài nài cho gặp mặt chàng rể rồi ngài mới chịu ký tên.

-         Gặp mặt sao được! Sợ gặp mặt rồi ông nói chuyện bậy-bạ nghe kỳ lắm. Ổng ở chỗ nào đâu ?

-         Thưa, ở gần chợ Xã Tài, tại nhà chợ đi lên chừng 50 thước.

-         Ở làm giống gì đó? Nhà cửa tử-tế hay không? Bộ ổng có tiền hay là nghèo?

-         Úy! Nghèo lắm bà ơi. Nghe nói ngài làm thợ sơn.

-         Làm thợ sơn! Trờỉ ơi! Vậy mà đòi gặp mặt rể chớ!

-         Ngài ở một căn phố lá chật-hẹp dơ-dáy lắm, tiền phố mỗi tháng chừng một hai đồng,  trong nhà không có gì hết.

-         Trời ơi! Vậy mà muốn sanh chuyện chớ! Ðể sáng mai em lên nói với ổng mà cho ổng ít chục đồng bạc rồi biểu ổng ký tên chớ gì.

-         Úy! Cha chả! Không được đâu. Hồi nãy ông Nô-Te nói thôi để về xin bà cho ngài một vài trăm đồng bạc đặng ngài ký tên thì ngài giận đỏ mặt, ngài hỏi ông Nô-Te sao đám khinh-bỉ ngài, ngài đòi đuổi ông ra khỏi cửa. Nói tiền bạc không được đâu.

-         Mạt rồi mà cũng còn làm-phách! Bộ ổng giận qua hay không? Ổng có nhắc chuyện cũ, có nói tiếng gì động tới qua hay không?

-         Thưa, không. Ngài gặp tôi ngài mừng quá. Ngài nói chuyện nghe hòa-hưõn, không nhắc chuyện cũ, mà cũng không hỏi tới bà.

Bà Hội-đồng Quỳnh ngồi suy-nghĩ một hồi rồi bà nói:

-         Thân ổng bây giờ hèn-hạ nhà ổng thì như chòi ăn mày, cho ổng gặp ông Tấn-sĩ sao tiện. Ông Tấn-sĩ ổng thấy cha vợ như vậy, chắc ổng hồi hôn đi còn gì! Khổ quá! Mà ổng buộc như vậy nếu mình không cho gặp thì ổng không chịu ký tên rồi làm sao mà lập hôn-thú cho được”

Biện Hưỡn đáp:

-         Tôi tưởng làm như vầy có lẽ được.

-         Làm sao?

-         Bà may áo quần tử-tế cho ngài mặc, rồi bà mời ngài với ông Tấn-sĩ lại đây mà cho giáp mặt nhau.

-         Không được. Ổng tới nhà qua sao được. Ông Hội-đồng tử-tế thiệt, nhưng mà qua có phép nào mời chồng trước của qua tới nhà ổng. Làm như vậy coi kỳ lắm chớ.

-         Ông Hội-đồng ở ngoài Long-hải mà...

-         Ổng về ổng hay ổng phiền qua chớ.

-         Thôi, biết làm sao ? Chớ biểu ông Tấn-sĩ lên chợ Xã Tài thì khó coi quá.

-         Lên trển sao được...  Khó quá!... Qua muốn gặp mặt ổng đặng qua cắt nghĩa cho ổng nghe …

-         Thưa, cái đó thì dễ. Bà muốn đi thì tôi dắt đi … Tôi biết rồi, hễ chiều tối mình lên đó thì chắc gặp ngài.

-         Qua lên nhà ổng cũng không tiện. Qua như vầy mà lết tới cái chỗ như vậy thì còn gì thể-diện của qua. Ðã vậy mà qua tới nhà ổng, rủi ổng nói bậy-bạ rồi bụm miệng ổng sao được.

-         Thôi thì mời ngài xuống đây.

-         Mời ổng tới nhà, lại sợ e ông Hội-đồng ổng hay rồi ổng phiền.

-         Bà đừng cho trong nhà biết ngài là ai, thì ông Hội-đồng hay sao được.

-         Làm sao mà giấu người trong nhà cho nhẹm?

-         Thưa, việc đó có khó gì đâu. Ví như bà cho ngài gặp ông Tấn-sĩ tại đây, ngài phải ăn-mặc tử-tế phải ngồi nói chuyện đàng-hoàng, cái đó giấu không được; chớ nếu bà mời ngài tới đây nói chuyện riêng với bà, ngài bận đồ thường, bà cho vô phòng giấy nói chuyện như nói với tôi nãy giờ đây thì người trong nhà biết sao cho nổi. Tôi dắt ngài vô nhà tôi nói với người trong nhà rằng ngài là một người tá-điền dưới Mỹ-tho lên làm giấy mướn vườn, thì có ai mà nghi.

-         Em tính kế đó hay thiệt, Ðược đa. Thôi, để chiều mai em lên mời ổng, coi ổng định giờ nào xuống thăm qua được, thì em lên rước ổng. Tới giờ ổng lại, qua saì bầy trẻ trong nhà đi đầu nầy đầu nọ, còn con Minh-Nuyệt thì bắt nó ở trên lầu hoặc qua cho nó đi thăm chị em bạn nó, tự-nhiên nó không gặp ổng. Việc nầy qua cậy một mình em thôi. Em phải hết lòng đa, đừng có xì hơi cho họ biết, nhứt là đừng có nói cho con Minh-Nguyệt hay đa nghé.

-         Tôi làm tôi bà, tôi đâu đám không hết lòng. Xin bà an tâm, để chiều mai tôi đi mời.

Chiều bữa sau, Biện Hưỡn đi xe lửa ra Sài Gòn rồi kêu xe kéo lên chợ Xã Tài. Anh ta lên sớm một chút, ông Cử đi làm chưa về, nên nhà còn khóa cửa kín mít. Anh ta ngồi dựa lề đường mà chờ, đến 6 giờ tối ông Cử mới lơn-tơn về. Biện Hưỡn chào ông, thầy trò gặp nhau mừng-rỡ rồi dắt nhau vô nhà.

Ông Cử mời Biện Hưỡn ngồí rồi hỏi rằng:

-         Em trở lên đây có chuyện chi hay không?

-         Thưa ngài, hôm qua ngài không chịu ký tên, tôi về tôi nói chuyện lại với bà, thì bà buồn lắm. Nếu ngài không chịu ký tên thì làm sao cô Hai lấy chồng cho được.

-         Không phải qua không chịu ký tên. Qua muốn biết chú rể là người thế nào rồi qua sẽ ký tên chớ.

-         Bà nói ngài nài việc đó khó quá. Làm sao mà cho ông Tấn-sĩ gặp ngài cho được bây giờ.

-         Sao vậy? Chú rể không có ở đây hay sao?

-         Thưa có. Ở Sài Gòn đây chớ đâu.

-         Nếu có ở Sài Gòn thì biểu lên đây, có gì đâu mà khó?

-         Việc đó khó nói quá.

-         Ờ, ờ. Em nói một chút đó đủ cho qua hiểu rồi. Trong thế mẹ con Minh-Nguyệt thấy qua nghèo-nàn, còn chàng rể là người giàu có, sang-trọng, nếu cho chàng rể gặp qua thì e mất thể-diện chàng rể đi há.

-         Thưa...

-         Qua biết hết. Cái óc của mẹ con Minh-Nguyệt là cái óc của kẻ giàu-sang đời nay, không lạ gì. Hễ tiền nhiều, hễ làm chức lớn thì là quí; người mà không được hai món đó, nó đều cho là đê-tiện hết thảy!

-         Thưa, không lẽ bà dám khinh rẻ ngài. Bà không muốn cho ông Tấn-sĩ gặp ngài đó, chắc là bà có ý gì riêng, tôi không rõ được. Bà nói để bà gặp ngài rồi bà sẽ cắt nghĩa cho ngài hiểu.

-         Bà muốn gặp qua?

-         Thưa, phải. Bà sai tôi lên đây mời ngài chịu phiền vô nhà bà ở trong Lò Gốm đặng bà nói chuyện cô Hai lấy chồng cho ngài nghe.

Ông Cử châu mày, suy-nghĩ, rồi ông lắc đầu nói rằng

-         Qua thương con qua lắm. Nhưng mà tới nhà bả, qua tới sao được! Việc nhà của qua có lẽ em đã biết rõ hết. Hồi qua cưới bả thì bả là người gì? Qua vẫn biết vợ chồng đã để bỏ nhau rồi, nếu qua còn nói việc xấu của bả ra, thì té ra qua chẳng phải là quân-tử. Nhưng mà ở đây không có ai, còn em là em út trong nhà, vậy để qua nhắc chuyện cũ lại cho em nghe. Qua là con nhà giàu có, lại là con một nữa. Hồi nhỏ đi học ít năm cho biết chút-đỉnh với thiên-hạ rồi cha mẹ bắt về cưới vợ. Nhà bả suy-sụp rồi, nhưng mà bả có sắc nên đi coi thì qua đành liền. Cha mẹ mới cậy mai nói. Gần ngày cưới qua được nhiều bức thơ rơi nói chuyện bả nhơ-nhớp lắm. Qua vì cái thương, qua không thèm kể chi hết, nên qua giấu cha mẹ để đi cưới cho rồi. Khi qua cưới về được ít năm, kế sanh con Minh-Nguyệt. Cha mẹ qua lần-lần khuất hết, qua làm chủ một cái gia-tài cộng trên 300 mẫu về ruộng, về vườn. Bả là người nội-trợ, tự-nhiên bả cai-quản việc trong nhà cho qua. Bả thừa dịp ấy bả làm tư làm riêng, ý bả như muốn lập thêm một cái gia-tài khác cho bả vậy. Bả mua vuờn, mua ruộng bả đứng bộ, bả cho vay đặt nợ bả để riêng, Qua thấy hết, nhưng mà qua nghĩ tình vợ chồng, dầu của vợ hay là của chồng đều là của chung, bởỉ vậy qua không thèm để ý tới. Khi qua ra lãnh chức Cai-tổng thì qua phải giao-thiệp với người ta. Bả sanh tánh ghen, bả cứ rầy-rà trong nhà hoài. Thiệt có một lúc nọ qua có gần-gũỉ chơi với cô Sáu Hảo là một cô đào hát có danh. Qua chơi theo cái thú phong-lưu vậy thôi, chớ không phải tính việc gì. Bả thừa cái dịp ấy bả hành-hung, nói qua mê đĩ-thõa, làm tiêu hết sự-nghiệp, rồi ngày sau con không có cơm ăn, bả ép qua, nếu muốn cho bả tin qua còn thuơng vợ con, thì qua phải làm tờ sang ruộng vườn cho bả đứng bộ mới được. Qua không có lòng nghi bụng với con, vả lại qua cũng muốn tỏ cái chỗ thiệt của qua ra, nên qua cứ làm tờ sang ruộng vườn cho bả đúng bộ, mười phần qua sang hết tám. Chẳng dè khi bả được làm chủ gia-tài của qua rồi, bả liền vào đơn tại Tòa mà xin phá hôn-thú. Ban đầu bả nói bả làm như vậy là vì bả thấy qua mắc nợ, bả phá hôn-thú đặng cho chủ nợ thi-hành ruộng đất không được. Nào dè bả được án Tòa cho để-bỏ rồi bả mới tom-góp tiền-bạc, đoạt hết ruộng vườn, dắt con về Bến-lức cất nhà mà ở. Qua thấy nhơn-tình như vậy qua chán-ngán quá, qua mới xin từ chức Cai-Tổng, qua bỏ phế việc nhà hư hết, nên ngày nay tấm thân qua mới ra như vầy đây... Em nghĩ coi, con người ăn ở như vậy qua còn mặt-mũi nào mà gặp mặt nữa cho được”.

Ông Cử nói tới đó, ông vừa tức giận, vừa buồn rầu, nên lai làng nước mắt rưng-rưng. Biện Hưỡn biết chuyện ông nói đó là chuyện có thiệt như vậy, nên không biết lấy lời chi mà khuyên giải. Anh ta bèn nói rằng: „Việc Ngài phiền bà, tôi không dám đút miệng vô. Nhưng mà nếu ông bà phiền nhau. rồi cuộc hôn-nhơn của cô Hai lỡ-dở thì tôi-nghiệp cho phận cô lắm”.

Ông Cử nghe nói tới con, thì động lòng, nên ông khóc, nước mắt chảy ròng-ròng. Cách một hồi, ông mới nói với Biện Hưỡn: „Em về nói lại với bà vì qua thương con qua lắm, nên qua nài cho biết mặt chàng rể. Tuy qua nghèo, nhưng mà qua tiếp rể qua trong căn phố lá nầy qua không hổ-thẹn chút nào hết. Nếu rể qua nó chê qua nghèo hèn, không đáng mặt cho nó thăm, thì nó không xứmg-đáng làm rể của qua nữa. Còn việc bả mời qua tới nhà bả đó thì qua xin từ. Tuy bây giờ qua nghèo cực, song cái nhơn-phẩm của qua vẫn còn vững-vàng luôn-luôn, chớ không phải nghèo mà mất hết liêm-sĩ đâu“.

Biện Hưỡn về nói lại với bà Hội-đồng Quỳnh rằng: „Tôi nói hết sức mà không được. Ngài đã không chịu xuống đây, mà ngài cứ nài cho gặp mặt ông Tấn-sĩ rồi ngài mớ chịu ký tên”.

Bà Hội.đồng Quỳnh nhăn mặt châu mày, bà tính sao đó không biết mà bà nói: “Thôi, vì con mà qua phải chịu sụt ổng một lần. Ổng không chịu tới nhà qua, thôi để qua tới nhà ổng. Em đừng nói cho ai biết, để chiều mai em đắt qua đi”.

Chiều bữa sau, bà Hộ-đồng Quỳnh nói dối với cô Minh-Nguyệt rằng bà ra Chợ-lớn bà mua đồ. Bà biểu kêu hai cái xe kéo rồi bà đi với Biện Hưỡn. Ra tới Chợ-lớn bà mướn một cái xe hơi đi chợ Xã Tài. Mấy bữa rày Ba Sang đi làm về trễ luôn-luôn. Ông Cử về trước đương nằm trên võng mà đưa tòn-ten và nhìn vào vách.

Xe hơi ngừng ngay cửa, Biện Hưỡn bước vô chào ông Cử và nói: „Có bà ra, bà muốn nói chuyện với ngài“. Ông Cử đứng dậy nói: “Mời vô đây”. Biện Hưỡn ra ngoài xe nói sao đó không biết mà bà Hộỉ-đồng leo xuống xe rồi thủng-thẳng đi vô. Bà mặc áo màu cẩm-thạch, quần lụa trắng, đầu choàng khăn màu trứng gà, chơn mang giày thêu cườm cao gót. Bà đi khoan-thai, bộ tự-đắc lắm. Khi bà bước vô khỏi cửa rồi, hai ông bà đứng nhìn nhau, không ai chào ai hết. Ông Cử chỉ một cái ghế đẩu, tỏ ý mời bà ngồi rồi ông ngồi trên cái võng giăng ngang đó. Bà ngó cùng trong nhà, miệng chúm-chím cười. Ông đã phiền ngầm trong lòng, mà thấy bộ bà kiêu-căng, thì ông lại càng thêm giận nên hỏi:

-         Bà tới nhà tôi làm gì ? Nhà giàu không biết hổ-thẹn hay sao?

Bà Hội-đồng Quỳnh ngó ngay ông mà đáp rằng:

-         Tôi có ở quấy, tôi có làm bậy đâu mà hổ-then.

-         Ðàn-bà có chồng đã không biết lo cho chồng, lại lập mưu sang-đoạt sự-sản của chồng; rồi đạp đít mà lấy thằng khác, ăn ở như vây đó phải lắm há ?

-         Hứ! Tôi tưởng ngày nay ông đã có hai thứ tóc trên đầu, ông biết khôn rồi, té ra ông  cũng còn dại quá.

-         Phải, tôi dại lắm. Bởi tôi dại, tôi mới bị người ta giựt hết ruộng vườn, chớ phải tôi khôn thì người ta giựt sao được.

-         Nói chuyện với tôi, ông cần gì phải nói những tiếng cay đắng làm chi. Ông nghĩ thế nào thì ông cứ nói ngay ra được mà. Nói cho hết ý, thì ông nên phiền ông chớ chẳng nên phiền ai hết. Ông nhớ lại chuyện xưa mà coi, có phải là ông dại hay không? Có của không biết gìn-giữ mà hưởng, để cho tiêu hết, rồi bây giờ trở lại oán người ta chớ. Ông xét lại mà coi, nếu ngày trước tôi không giựt của ông, thì người khác họ cũng giựt, bề nào cũng tiêu hết vậy chớ thà là tôi giựt trước còn hay hơn. Ở đời tôi không chịu dại hơn ai hết. Tôi ăn của người ta không được thì thôi, chớ chẳng hề tôi mắc lận người ta bao giờ.

-         Trời ơi! Nói như vậy thì còn nhơn-nghĩa gì nữa đâu!

-         Ối! Ðời nầy mà nhơn-nghĩa gì. Ai nhơn-nghĩa với mình mà mình nhơn-ngkĩa với họ kìa ? Ông ở với tôi lại nhơn-nghĩa gì đó? Vợ chồng ăn ở với nhau có con rồi mà ông cứ mê đĩ-điếm hoài không coi vợ nhà ra chi hết, ở như vậy đó có nhơn-nghĩa dữ há?

-         Thiệt rõ ràng bà là người khôn-ngoan đúng bực, hèn chi ở đời nầy bà được cái địa-vị  sang-giàu là phải lắm.

-         Tôi không khoe với ai rằng tôi khôn-ngoan, song tôi không chịu dại hơn ai hết.

-         Bởi bà khôn-ngoan quá, nên việc quấy mà nói nghe cũng phải, việc hư bà nói nghe như nên. Bà giỏi thiệt, song bà nói rồi, bây giờ xin bà để tôi nói lại cho bà nghe. Bà là một người tham tiền, chớ bà không biết nhơn-nghĩa chi ráo. Ngày trước bà ưng tôi làm chồng, là vì bà thấy cha mẹ tôi giàu lớn, lại sanh có một mình tôi, nên bà quyết nhảy vô mà giựt của, chớ không phải vì tình vì nghĩa mà lấy chồng. Tôi nói có bằng cớ chớ không phải tôi cáo gian cho bà. Khi lọt vô nhà tôi, bà liền lo làm tư làm riêng, lo đút nhét mua ruộng vườn mà đứng bộ. Thiệt đến lúc tôi làm Tổng, tôi có chơi-bời chút đỉnh với anh em, mà cách chơi-bời đó bất quá là chơi theo thú phong-lưu vậy thôi, chớ không phải tôi chơi đến đỗi bỏ bê con vợ. Bà lại thừa dịp ấy mà trổ cái ngón độc-ác của bà ra. Bà giả chước ghen mà làm nhọc lòng tôi đáo-để, rồi bày mưu rúng ép tôi sang bộ vườn ruộng cho bà đứng. Ðoạt sự-nghiệp của tôi rồi bà đạp đít tôi liền, cách làm như vậy đó thì đủ thấy, theo trí của bà, sự lấy chồng là một chước để giựt của thiên-hạ, chớ không phải chủ-ý lập gia-thất mà.

-         Ông chơi-bời, ông mắc nợ cùng hết, nếu tôi không giựt thì chủ nợ cũng thi-hành phát mãi hết vậy. Tôi có con, tôi thương con tôi lắm, nên tôi phải lo cho nó.

-         Nếu thiệt bà thương con, bà sợ tôi phá hết sự-nghiệp nên bà giựt đặng để dành cho con, thì khi ly-dị rồi bà ở vậy đặng dùng của ấy mà nuôi con, chớ sao bà đạp đít tôi không bao lâu rồi bà lại lấy chồng khác?

Ông bắt tới khoản đó gắt quá, bà liệu trả lời không xuôi, nên bà nói túng rằng:

-         Tôi thương con tôi lắm. Phận tôí đàn bà tôi nuôi nó ăn-học không được, nên tôi phải kiếm đôi bạn đặng nương dựa mà nuôi nó.

-         Ông chúm-chím cười. Bà mắc-cỡ nên nói tiếp rằng:

-         Mà ruộng vườn của ông sang cho tôi đứng bạ, tôi còn giữ y nguyên cho con đó. Bây giờ nó lấy chồng thì nó hưỏng, tôi có thèm đâu.

Ông châu mày mà ngó bà. Bà hiểu ý ông không tin, nên bà nói thêm rằng:

-         Tôi biểu Nô-Te làm tờ giấy, họ đương làm đó, ông hỏi thử coi phải có như vậy hay không. Con nó có chồng chỗ xứng-đáng hết sức, chồng nó dân Tây thi đậu bằng cấp Tấn-sĩ, mồ-côi lại có gia tài lớn, mỗi năm góp huê-lợi tới năm bảy chục ngàn giạ lúa. Con nó được như vậy là có phước lớn lắm, tại sao ông lại còn làm khó dễ, không chịu ký tên một chút cho nó có chồng? Ông là một người không có lương-tâm. Ông có con, ông không nuôỉ. Tôi nuôi, tôi cho nó ăn học thi đậu Brevêt Elementaire bây giờ tôi kiếm được chỗ xứng-đáng tôi gả nó, hễ có chồng rồi thì ngườỉ ta kêu nó là “cô Tấn-sĩ” mà nay mai đây chồng nó làm quan Tòa, người ta kêu nó là “bà lớn Tòa” nữa. Ông có ký tên một chút, ông lấy cớ gì mà không chịu ký, ông nỏi cho tôi nghe thử coi”.

Ông lắc đầu đáp rằng:

-         Không phải tôi không chịu ký, tôi nài cho tôi biết chàng rể rồi tôi sẽ ký cbớ.

-         Hứ! Biết chàng rể mà làm gì? Ông muốn làm nhục cho con ông hay sao? Ông muốn cho chồng nó hồi hôn, không thèm cưới nó, nên ông mới buộc như vậy đó.

-         Tôi xin cho biết chàng rể mà nói tôi muốn làm nhục cho con là sao!

-         Ông Tấn-sĩ là người giàu có sang trọng. Người ta nói mà cưới con Minh-Nguyệt là người ta vì tôi, chớ người ta có biết ông đâu. Tôi nói dối với người ta rằng ông thôi làm Cai-Tổng, ông lên khẩn đất làm ruộng trên Battambang, ông mua thủy-lợi miệt Biển-Hồ, ông mắc làm ăn lớn, nên không về Sàì-gòn được. Tôi nói cái tốt cho ông, bây giờ lòi ông ra, ông Tấn-sĩ thấy cha vợ hèn-hạ quá, chắc ổng buồn ổng có thèm con Minh-Nguyệt đâu.

-         Cưới vợ là vì ái-tình, vì nhơn-nghĩa, chớ không phải vì quyền-tước, vì lạc tiền. Bà thuộc về hạng người dùng gian-xảo làm nấc thang mà bước lên địa-vị giàu-sang, hễ bước lên được rồi thì khinh-khi hủy-bạc kẻ nghèo cực, rồi bà tưởng thiên-hạ ai cũng như bà hết thảy. Sự giàu-sang của bà đó theo con mắt tôi coi, thì không có nghĩa-lý gì hết. Bà có tiền nhiều, bà được chức tước, những kẻ ngu-dốt, những người dua-bợ, họ theo bẩm dạ, họ tôn-trọng bà là thượng-lưu, mà không phải thiên-hạ hết thảy đều ngu-dốt hay là dua-bợ; những người rõ việc hành-tàng của bà; biết cái tâm để của bà, như tôi biết bà đây, thì họ coi bà chẳng hơn gì họ, ở nấu ăn hay là giữ phòng cho bà đâu.

-         Ống không đưọc phép mắng tôi đa.

-         Không, tôi mắng bà mà có ích-lợi gì. Tại hồi nãy là khuyên tôi đừng có nói cay-đắng, hễ nghĩ thế nào cứ nói ngay ra, nên tôi mới dám nói cho bà nghe chớ.

-         Ông làm thợ sơn, ông ở căn nhà như chòi ăn mày, tôi nói ông không đáng gặp mặt ông Tấn-sĩ là bực sang-trọng, tôi nói thiệt tình, chớ nào tôi có khinh-khi hủy-bạc ông đâu.

-         Ông Tấn-sĩ là người có học-thức, biết nhơn-nghĩa. Có lẽ nào ổng thấy cha vợ nghèo ổng mà ổng hồi hôn. Ví như ổng vì cái lẽ đó mà ổng không chịu cưới con tôi, thì tôi không tiếc chút nào hết. Bà có sợ ổng thấy tôi ổng hồi hôn, thôi thì bà cứ việc gả một mình, khỏi nài tôi dự vô làm chi?

-         Ta nói ổng dân Tây, luật buộc phải có ông ký tên cho phep thì làm hôn-thú mới được.

-         Muốn tôi ký tên thì trước phải cho tôi biết chàng rể.

-         Cho biết xấu-hổ quá, cho biết sao được.

-         Vậy chớ tôi không biết chàng rể mà tôi ký tên cho phep con lấy chồng, tôi lại không xấu-hổ hay sao?

-         Thân ông đã như vậy mà xấu-hổ nỗi gì!

-         Ủa! Sao vậy? Tôi nghèo chớ nhơn-phẩm của tôi còn cao lắm, cái liêm-sĩ của tôi vẫn còn nguyên, Tôi có phải như họ, hễ gặp dịp thì bỏ nhơn-phẩm, bỏ liêm-sĩ hết, mà cũng không biết xấu hổ vậy đâu.

-         Bà đứng dậy trợn mắt hỏi rằng:

-         Còn muốn nói xiên nói xẹo nữa sao? Tôi hỏi thiệt, bây giờ chịu ký tên hay không? Nói dứt cho rồi”.

-         Ông lắc đầu đáp lằng:

-         Gặp chàng rể rồi sẽ ký tên.

Bà ngoe-ngoảy bước ra cửa, kêu Biện Hưỡn biểu đi về. Biện Hưỡn bước vô xá ông, mặt buồn xo rồi theo bà lên xe hơi.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá