Ở theo thời

            Mấy lời của thầy Ký Huy nói bữa đi chơi ghe đó tuy không làm cho thầy nhứt Phát phục được, song làm cho thầy phải suy nghĩ rất nhiều. Trong mấy ngày sau hễ có giờ rảnh thì thầy nhứt Phát nhớ tới những gì người ta trách mình, không chịu bắt chước anh em mà đánh bài chơi, đi ăn giỗ, thấy người ta đánh bạc mà len lén bỏ về, không chịu hiệp ý với anh em mà say sưa trong đường hoa nguyệt. Thầy suy đi xét lại kỹ lưỡng, thì trong ba điều người ta trách thầy đó thầy chẳng có quấy điều nào hết; người ta chơi bậy thầy không chịu bắt chước, người ta trở lại ghét, chẳng khác nào kẻ gian giảo ghét người thẳng ngay, kẻ hung ác ghét người lương thiện chớ chẳng có chi lạ.

            Thầy để ý coi chừng, thì thấy từ mấy thầy cho đến Hương chức mỗi ngày họ càng thêm lợt lạt với thầy, gặp nhau thì chào sơ sài cho đủ lễ rồi đi, chớ không nói chuyện, không rủ ren chơi bời nữa. Vì thầy đoán quyết thầy không có lỗi, nên dầu nhơn tình đối đãi với thầy như vậy mà thầy cứ nhắm đường ngay bước tới, chẳng có chút chi buồn. Có một người làm cho thầy phiền nhiều là thím giáo Nguyên, chủ nhà thầy ở đậu đó. Nhà thím mỗi tuần đều có chứa bài tứ sắc hai ba đêm, còn ban ngày, nhằm giờ thầy dạy học ở nhà thím chứa hay là đánh thì không kể. Hồi thầy mới lại ở đậu thì thấy bộ thím vui vẻ, mà từ ngày thầy không chịu học đánh bài thì cách vui vẻ ấy thủng thẳng giảm bớt lần lần rồi lại hoá ra khinh thị.

            Một đêm thứ bảy, thầy nhứt Phát đương ngồi sửa bài vở của học trò. Có vài người khách tựu lại đánh bài, họ vui miệng rủ thầy nhứt đánh. Thím giáo Nguyên liền nói rằng: "Thẩy tu mà rủ ren cái gì! Thẩy thấy mình đánh bài thẩy ghét lắm. Thẩy nói với người ta thẩy đương kiếm nhà ở riêng, chớ ở đậu nhà tôi là nhà bài bạc, ở lâu rồi nhiễm cái hư không tốt".

            Thầy nhứt Phát nghe rõ ràng, thầy muốn trả lời, nhưng thầy nghĩ lại biết ý thím giáo Nguyên muốn đuổi thầy, bởi vậy thầy giả điếc làm lơ, cứ sửa bài, không nói chi hết.

            Cách vài ngày sau, thầy mướn một căn phố, mua giường ghế ít món cần nhứt, rồi dọn nhà ở riêng một mình, mướn một người trai nấu ăn.

            Bãi trường Tết, mấy thầy giáo được nghỉ một tháng. Thầy nhứt Phát tính giao nhà cho thằng nấu ăn coi đặng thầy về Sài Gòn mà thăm anh, chẳng dè đến ngày bãi trường, ông Ðốc học lại kêu thầy mà nói rằng con út của ông là Lê Thiện Chí, học tại Mỹ Tho năm nay coi bộ thiếu sức, học không bằng chúng bạn trong lớp, vậy nên ông cậy thầy nhơn dịp bãi trường nầy, hễ ăn tết rồi, thì thầy kềm dạy riêng giùm Thiện Chí ít tuần lễ, đặng chừng khai trường khỏi thua sút chúng bạn nữa, công thầy dạy đó, ông sẽ đền bồi xứng đáng cho. Thầy nhứt Phát không biết lấy cớ chi mà từ được, nên thầy phải hứa lời.

            Bãi trường, thầy nhứt Phát về Sài Gòn liền. Thầy ở nhà anh là Hà Tấn Tài, đến Tết thầy xin phép anh chị dọn một cái bàn thờ phía chái trên rồi mua hoa quả mà cúng cha mẹ. Vì thầy đã có hứa lời với ông Ðốc, nên vừa hết Tết thầy trở xuống Tiểu Cần.

            Thầy lại nhà thăm ông Ðốc, ông cậy thầy ráp dạy liền. Thầy dạy Thiện Chí hai bữa, coi bộ cần mẫn, mghiêm chỉnh lắm, ban ngày dạy luôn hai buổi, mà tối còn dạy tới chín giờ rưỡi. Cô Lê Thị Thiện Tú thấy thầy nhứt dạy kỹ lưỡng, cắt nghĩa rành rẽ, thì cô cũng nói với ông Ðốc, bà Ðốc mà cậy thầy hễ Thiện Chí mắc làm bài, thì thầy cắt nghĩa toán pháp giùm cho cô vì cô yếu sức về khoa đó lắm. Thầy nhứt chẳng nệ công, nên thầy dạy luôn hai chị em.

            Một đêm nọ, thầy nhứt lại dạy, khi ông Ðốc, bà Ðốc mắc đi đánh bài trong nhà thầy Ban. Học đến chín giờ, trò Thiện Chí đói bụng nên đi ra chợ ăn mì. Thầy nhứt Phát mới dạy cô Thiện Tú học toán. Dạy một hồi, cô Thiện Tú vụt hỏi rằng:

-         Thầy có tính cưới vợ chỗ nào chưa thầy nhứt?

-         Việc vợ chồng, tôi chưa dám tính.

-         Sao vậy?

-         Tôi còn nhỏ tuổi, mà lại ăn lương còn ít lắm. Nếu tôi vội lập gia thất, một là tôi sợ không đủ trí mà làm một người chồng và một người cha, hai là tôi e không đủ tiền mà nuôi vợ con cho sung sướng được.

-         Thầy năm nay mấy tuổi?

-         Qua năm mới đây tôi hai mươi ba tuổi.

-         Ðã hai mươi ba tuổi rồi, còn nhỏ gì nữa. Nếu thầy đợi già mới cưới vợ, sợ e thầy mắc cái cảnh cha già con muộn, làm sao cho đủ ngày giờ mà dạy dỗ con.

-         Chừng năm ba năm nữa rồi cưới vợ cũng được, có gì đâu mà già.

-         Bây giờ thầy ăn lương bao nhiêu?

-         Bốn mươi mấy đồng.

-         Ít thiệt há. Nè, mà thôi, thầy coi cô giáo nào đó thầy cưới, rồi lương của hai vợ chồng nhập lại thì tự nhiên ăn xài phủ phê chớ gì.

-         Biết cô giáo nào ưng tôi, mà tôi cũng ưng nữa bây giờ? Vợ chồng phải lựa chọn cho đồng tâm hiệp ý, cho biết thương yêu nhau, chớ là phải có tiền mà thôi đâu.

-         Thầy nói phải lắm, nhưng mà trong cái gia đình mỗi tháng thiếu trước hụt sau cũng khổ lắm chớ. Tôi đây tôi vái học lấy cho được đip-lôm[1] rồi tôi xin làm cô giáo. Hễ làm cô giáo thì lấy chồng thầy giáo, đặng vợ chồng có lương hết xài mới đủ.

            Cô và nói và ngó thầy nhứt Phát, cặp mắt hữu tình. Thầy cũng ngó cô mà cười. Câu chuyện mới tới đó, kế trò Thiện Chí bước vô, làm phải dứt ngang thành ra có đầu mà không đuôi.

            Ðêm đó thầy nhứt Phát về nhà nằm nhớ những lời của cô Thiện Tú hoài, mà cho tới mấy ngày mấy tuần sau cũng chẳng quên được. Thầy suy xét hoài, không hiểu cô nầy có ý chi với mình hay không mà cô khuyên mình chọn cô giáo mà cưới, rồi lại cô nói cô tính cô làm cô giáo. Nếu căn duyên của mình cũng được như vậy, ấy cũng là cái may. Cô Thiện Tú là con nhà tử tế có đủ giáo dục, lại cũng có nhan sắc. Có lẽ cô có thể làm cho mình trọn đời có phước được; mà nếu mình được vợ như vậy thì mình cũng quyết làm cho cô trọn đời cô hạnh phúc luôn luôn.

            Cái điều thầy tính đây là tính thầm trong trí mà thôi, chớ thầy chẳng hề dám nói cho ai biết, mà cũng chẳng dám ló mòi chi cho cô Thiện Tú hiểu.

            Chừng khai trường, cô Thiện Tú lên Sài Gòn mà học tiếp, thầy nhứt Phát ở Tiểu Cần mà dạy như thường. Cách ít ngày thầy Tư Sanh lại nhà thầy nhứt Phát chơi, thình lình thầy vụt nói như vầy: "Thầy nhứt nè, tôi coi ý ông Ðốc yêu thầy lắm. Ông khen thầy hoài. Hồi hôm tôi lại nhà ổng tôi chơi. Hai ông bà ngồi nói chuyện với tôi, đều tỏ ý cho tôi biết rằng hễ cô Thiện Tú thi đậu đíp-lôm rồi thì hai ông bà gả cho cho thầy. Thầy chịu hay không?"

            Cái tâm sự của thầy nhứt Phát hổm nay thầy giấu giếm hết sức, tình cờ thầy Tư Sanh bươi ra, làm cho thầy bối rối trong lòng, không biết trả lời thế nào cho phải, túng quá thầy mới đáp rằng: "Phận tôi côi cút tôi đâu dám đèo bòng. Ông Ðốc thương mà nói như vậy thì tôi đội ơn ông lắm. Nhưng mà ý ông muốn vậy, song có biết cô Thiện Tú có chịu vậy hay không. Con gái đời nầy khó lắm, họ học giỏi rồi thì thiếu gì chỗ cao sang gấm ghé, cái chú giáo nghèo nầy có nghĩa lý gì".

            Thầy Tư Sanh cười mà đáp rằng:

-         Cô có giỏi lắm thì bất quá có đíp-lôm như thầy chớ giỏi giống gì.

-         Ðạo vợ chồng không phải đem sức giỏi dở mà sánh với nhau được. Tôi e là e cái thần kia chớ.

-         Thầy nói tôi không hiểu.

-         Ðờn bà con gái lòng dạ thường hẹp hòi, họ được một tí gì hơn người thì họ hay sanh kiêu hãnh. Tôi nói tôi sợ là sợ chỗ đó, thầy hiểu hay chưa?

-         Hiểu rồi. Mà cô Thiện Tú là con nhà lễ nghĩa, tôi chắc dầu cô có đíp-lôm cô cũng chẳng lấy cớ đó mà kiêu hãnh, khinh thị thiên hạ đâu.

-         Nếu được vậy thì quý lắm.

            Cái tin của thầy Tư Sanh đem tới đây làm cho thầy nhứt Phát càng thêm xao xuyến trong lòng nữa, gây cho thầy một cái hy vọng vừa khoan khoái, vừa ngậm ngùi. Nhưng mà cái hy vọng ấy thầy vẫn giấu kín trong trí, thầm đợi một đôi năm nữa cô Thiện Tú học rồi sẽ hay.

            Ngày qua tháng lại, thầy nhứt Phát dạy học đã gần mãn năm. Vì người ta ít yêu thầy và cũng vì thầy không chịu chơi như người ta, nên thầy có ngày giờ mà lo phận sự. Học trò trong lớp thầy, mấy trò nào biết cần cán thì học giỏi lắm, còn trò nào biếng nhác hoặc nghinh ngang, thì thầy trừng trị hẳn hòi.

            Còn không đầy một tháng nữa thì tới ngày thi bằng cấp Sơ học. Thầy nhứt Phát tính dạy rút, nên thầy buộc học trò lớp thầy, mỗi ngày hễ tan học buổi chiều rồi thì phải ở lại, đặng thầy dạy học ôn các khoa cần yếu, cho tới năm giờ rưỡi rồi mới được về. Mấy trò ham học thảy đều vừa lòng, duy có một học trò cầm chừng bị bó buộc không được về sớm mà đi chơi, thì cằn rằn phiền trách.

            Một buổi sớm mơi, thầy nhứt ở trong lớp đương cắt nghĩa bài cho học trò. Thình lình ông Ðốc học Tâm bước vô, lại có thầy Cai tổng Cao đi theo nữa. Cuộc cắt nghĩa bài bị ngăn trở, nên thầy nhứt Phát trong lòng không vui, song thầy cũng bước lại cúi đầu và bắt tay chào hai ông đủ lễ. Ông Ðốc Tâm làm mặt nghiêm chỉnh, đứng tay chống nạnh, mắt ngó vòng trong lớp, rồi kêu mà nói rằng: "Trò Hòa bước ra đây coi nào".

            Trò Hòa là con của thầy Cai tổng Cao, mới mười sáu tuổi mà vóc vạc cao lớn, mập mạp như trai mười tám, mười chín tuổi, trò thủng thẳng bước lại đứng dựa nính đầu bàn lõ cặp mắt mà ngó, không xá ông Ðốc mà cũng chẳng chào cha. Ông Ðốc thị oai nói rằng: "Học trò, học vè gì mà vô phép vậy nà!". Trò Hòa bị rầy mới chịu chấp tay mà xá một cái, song xá bông lông không biết xá ai, lại cũng không biết cúi đầu.

            Ông Ðốc day lại mà hỏi thầy nhứt rằng: "Sao thầy không dạy học trò cho biết lễ phép vậy? Tiên học lễ hậu học văn. Dạy chữ mà cũng phải dạy lễ nữa mới được chớ".

            Thầy nhứt đáp rằng: "Thưa ông, tôi có dạy đủ hết. Lễ phép tôi dạy hằng ngày. Trong lớp duy có trò Hòa nầy khó quá, trò cứng đầu cứng cổ, chẳng bao giờ chịu nghe lời tôi. Trò trốn học ở nhà hoài. Còn đi học thì chẳng có bữa nào trò thuộc bài. Tôi rầy, tôi phạt hết sức cũng vậy, mà tôi còn nghe trò nói lén với chúng bạn rằng: "Thầy giáo làm phách, tao không thèm học, ngày sau tao cũng sướng, tao cũng sang hơn thầy nữa".

            Thầy Cai tổng tằng hắng một tiếng mà nói rằng:

-         Thầy nhứt nói vậy tôi xin đỡ lời thầy. Thầy nói trong lớp duy có một mình con tôi khó ăn khó dạy, chớ chẳng có trò nào như vậy, té ra các trò kia là con thánh hiền hết thảy, còn con tôi là con du côn hay sao?

-         Thưa thầy, tôi đâu dám nói vậy. Vì có lời ông Ðốc quở, nên tôi phải tỏ thiệt tánh tình của trò Hòa cho ông Ðốc nghe đó chớ. May bữa nay có thầy lại đây, tôi xin cho thầy biết rằng trò Hòa đi học mà chơi, chớ trò không cố chút nào hết. Xin thầy la giùm trò, chớ học như trò đó, thì thà là ở nhà đi chơi, còn có ích hơn là đi học.

-         Thầy dạy học trò không nên thân, thì lỗi tại thầy, sao thầy lại mét với tôi? Thằng con tôi thuở nay dễ ăn dễ dạy, năm ngoái ở lớp nhì nó học khá lắm. Tại sao năm nay thầy dạy mà rồi nó ra như vậy? Tôi biết rồi, thầy cố tình ghét riêng con của tôi, tại nó là con Cai tổng nên thầy ghét. Thầy ghét đến nỗi thầy bày mỗi buổi chiều dạy thêm một giờ, ai học cũng được hết, duy có con của tôi thầy không cho học.

            Ông Ðốc xen vô mà hỏi thầy nhứt rằng: "Tại sao thầy dạy riêng mà thầy không cho trò Hòa học, nên trò về trò mét với thầy Cai vậy?"

            Thầy nhứt cười mà đáp rằng: "Tôi không cho học bao giờ đâu? Tôi bày mỗi buổi chiều tôi dạy riêng thêm một giờ là cốt dọn ôn bài vở và kềm thúc ít ngày đặng học trò đi thi. Tôi dạy mấy bữa rày, cả lớp đều ở lại học thêm hết thảy, duy có một mình trò Hòa hễ chiều tan học là trò bỏ đi về trước. Tôi lấy làm lạ, tôi hỏi trò thì trò nói rằng năm nay không được đi thi nên trò không thèm học trễ làm gì".

            Ông Ðốc chận lại mà hỏi thầy nhứt:

-         Ai nói trò Hòa không được đi thi?

-         Thưa, tôi nói.

-         Sao thầy nói như vậy? Tôi làm Ðốc học, quyền cho đi thi hay là không cho đều tự nơi tôi, sao thầy dám trộm quyền của tôi mà nhứt định như vậy. Thầy nói bất tử làm cho con nít thối chí nó học sao được.

-         Thưa, cho học trò đi thi thì phải chọn lựa những trò đủ sức, thi chắc đậu, sẽ cho đi. Trường mình mới thi lần đầu, lại cần phải lựa cho gắt, đi mấy trò phải đậu đủ mấy trò mới được, chớ đi đông rồi rớt hết thì có ích gì.

-         Chuyện đó về quyền của tôi, để ít bữa rồi tôi sẽ nhứt định. Mà dầu thế nào cũng phải cho trò Hòa đi thi.

            Thầy nhứt Phát cười mà nói rằng: "Cái đó tự ý ông... Nhưng mà tôi dám đoán trước trò Hòa đi thi, thì trò rớt".

            Thầy day lại mà hỏi trò Hòa rằng: "Trò Hòa, tôi không cho trò học thêm buổi chiều hồi nào, mà trò về mét với thầy Cai rằng tôi không cho trò học?"

            Trò Hòa ú ớ rồi nói nhỏ nhỏ rằng: "Bữa hổm..." Thầy nhứt giận quá, thầy nạt rằng: "Hôm nào?" Thầy day lại hỏi hết học trò trong lớp coi có ai nghe thầy cấm không cho trò Hòa học thêm hay không. Cả lớp đều nói không nghe thầy cấm, mà có nhiều trò lại còn nói nghe trò Hòa nói chắc không được đi thi, nên không thèm học thêm uổng công.

            Thầy nhứt Phát ngó thầy Cai tổng mà nói rằng: "Ðó, thấy hay không? Ðã làm biếng học mà còn kiếm chuyện nói láo nữa". Thầy lại day qua phía trò Hòa đứng mà nói rằng: "Trò Hòa, tội trò nói láo, tôi phạt trò hai tuần lễ, mỗi bữa học phải ở lại nữa giờ, sớm mơi cũng vậy, chiều cũng vậy, đặng cho trò tởn mà bỏ cái thói vu oan cho kẻ bề trên".

            Thầy Cai tổng Cao có con không nên thân, đã không chịu học, lại còn nói gian cho thầy giáo, nhưng mà thầy không chịu nhận lỗi của con, nghe thầy giáo phạt con, thầy nổi nóng mà nói rằng: "Hòa, thôi trả sách cho ông Ðốc mà đi về. Về liền bây giờ đây. Về giữ trâu mà ăn, không học hành nữa mà làm gì".

            Thầy Cai vừa nói vừa đi ra cửa. Ông Ðốc Tâm đi theo mà nói rằng: "Xin thầy đừng có nóng. M. Phát tuổi đáng con cháu, thầy phiền làm chi". Thầy Cai đáp rằng: "Con tôi có cần gì phải học trường nầy đâu. Tôi đem nó qua Trà Vinh học trường tỉnh, hay là đem nó lên học mấy trường tư trên Sài Gòn cũng được vậy mà. Thầy giáo nhứt làm phách, thầy khinh khi tôi quá. Ðể tôi lại quận tôi thưa cho thẩy coi tôi".

            Trò Hòa ôm sách vở đi ra cửa mà theo thầy Cai, đi ngang mặt thầy giáo nhứt, trò không thèm cúi đầu; thầy nhứt Phát giận đỏ mặt, nhưng mà thầy cười, rồi tiếp cắt nghĩa bài cho học trò như thường, dường như chẳng có chuyện chi hết.

            Một lát, ông Ðốc trở lại kêu thầy nhứt Phát qua phòng giấy cho ông nói chuyện. Ông Ðốc bộ quạu lắm, ông kéo ghế mà ngồi rồi lật sổ mà coi, để thầy nhứt đứng chờ trân trân. Cách một hồi lâu, ông mới nói rằng: "Thầy bậy quá! Thầy làm cho thầy Cai phiền, bây giờ thẩy sanh chuyện đó, thầy thấy hay không? Chiều nay tan học, thầy phải qua nhà thẩy mà xin lỗi."

            Thầy nhứt Phát châu mày đáp rằng:

-         Bẩm ông, tôi có lỗi gì mà xin. Thầy Cai tổng là người lớn, mà thẩy vô lễ với tôi, lẽ thì thẩy phải xin lỗi với tôi, chớ sao tôi lại xin lỗi với thẩy.

-         Thầy không chịu dạy con thẩy, thẩy tới thẩy thưa với tôi. Thầy đã không nói tiếng chi cho mát ruột thẩy, mà trước mặt thẩy, thầy lại hành phạt con thẩy. Thầy làm như vậy là ý thầy muốn nhục thẩy. Thẩy là một vị Cai tổng, mà trước mặt học trò, thầy nhục thẩy như vậy, sao mà thầy gọi rằng không có lỗi.

-         Ông nói như vậy thì hiếp tôi quá! Hồi nãy ông thấy rõ ràng, trò Hòa đã làm biếng học mà lại còn kiếm lời láo xược mà mét với cha mẹ đặng vu oan cho tôi. Nếu thầy Cai tổng là người biết phân biệt phải quấy, thì hồi nãy thẩy trừng trị con thẩy liền, hoặc biểu nó xin lỗi tôi mới phải. Thẩy lại binh con, nói nặng nhẹ tôi rồi biểu con về liền rõ ràng thẩy ỷ quyền ỷ thế coi bọn thầy giáo không ra gì hết. Tôi sợ là sợ người phải, sợ người biết điều kia, thẩy thưa đến đâu cũng được, tôi có lo gì đâu. Còn con thẩy muốn học thì tôi dạy, bằng không muốn học thì thôi, mất một tên học trò như vậy tôi không tiếc chút nào hết.

-         Thầy đã quấy nát mà thầy còn nói hơi gây gổ quá vậy sao được. Tôi thường có nói với thầy, mình chẳng nên mích lòng người lớn. Mình chống cự với người ta thì người ta lại hại mình như chơi, chớ mình có làm giống gì người ta được. Thầy Cai ở đây thẩy thân thiết với quan Chủ quận lắm, mà thẩy lại quen với quan Giám đốc nữa. Thầy chọc thẩy đây, tôi sợ thẩy đi thưa cùng hết, rồi thầy bị quở, mà tôi cũng mang tiếng nữa chớ.

-         Xin ông đừng lo. Thẩy thưa tôi thì tôi trả lời. Thẩy đã lỗi với tôi, mà tôi còn phải đi năn nỉ xin lỗi với thẩy thì còn gì là cái nhơn phẩm của tôi, còn cái gì danh giá của ty giáo huấn. Nếu thẩy thưa mà quan trên không xét cho kỹ, trở lại phạt tôi thì tôi cũng vui lòng.

-         Thầy như em út, tôi thấy tôi thương, nên tôi chỉ đường phải nẻo quấy cho thầy biết. Nghe hay là không nghe tự ý thầy. Nếu có xảy ra việc gì, thầy đừng có trách tôi đa nghe. Thôi, thầy qua lớp mà dạy đi.

            Buổi chiều, có một tên lính lại trường mời ông Ðốc với thầy giáo nhứt chừng tan học qua cho thầy quan Chủ quận nói chuyện. Ði dọc đường, ông Ðốc học nói rằng: "Thầy thấy chưa? Tôi nói hay lắm, thầy Cai đã thưa thầy rồi đó". Thầy Phát cười, nhưng mà mặt thầy có sắc lo.

            Qua đến quận, quan Chủ quận hỏi ông Ðốc với thầy nhứt cái chuyện thầy nhứt làm bỉ mặt thầy Cai hồi sớm mơi và dạy phải cắt nghĩa cho thầy nghe. Ông Ðốc đáp rằng: "Việc đó không có gì. Tại hai đàng nóng hết nên sanh xích mích. Ðể thầy nhứt thuật lại cho quan lớn rõ đầu đuôi".

            Thầy nhứt Phát đứng bẩm rõ ràng mọi điều, không thêm, không bớt, không bỏ xót chỗ nào hết. Chừng thầy bẩm xong thì quan Chủ quận mới nói rằng: "Thầy còn nhỏ tuổi, lại mới ra làm việc, mà coi bộ thầy không kể ai hết. Tôi khuyên thầy nên mềm mềm một chút, chớ nếu thầy cứng quá tôi sợ e phải gãy. Thôi thầy về đi".

            Ðến tối, ông Ðốc cho mời thầy nhứt Phát lại nhà mà nói rằng: "Quan Chủ quận trách thầy lắm. Ngài nói thầy còn nhỏ mà thị đời quá, lại cha mẹ học trò than van cách thầy dạy; vậy thầy ráng mà giữ mình, đừng có để xảy ra việc chi đây rồi khó lắm".

 

[1] (diplôme), bằng trung học theo chương trình giáo dục cũ của Pháp

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá