Nợ đời

TÌNH XƯA NGHĨA CỦ

Hồi 11 giờ trưa nắng chan-chan, có một cái xe-hơi lớn, sơn màu đỏ, chở đầy hành khách, ở phía Sài gòn chạy xuống rồi ngừng ngang cái xóm nhà phía tay mặt, trước khúc quanh vô chợ Cai-Lậy.

            Cô Hai Phục trên xe leo xuống, tay cô ôm một cây dù cán cụt lợp bằng lụa màu đen, chân mang giày da đen, mà đầu cũng choàng khăn màu đen, vì trời nắng gắt, nên cô lặt-đặt[1] giương cây dù ra mà đứng dựa mé lộ, coi cho mấy người lơ trên mui xe bỏ xuống cho cô một cái rương thiệt là lớn.

            Xe chạy rồi, cô ngó vô xóm, nhắm ngoài đường; cô nhớ chỗ nầy phải là chỗ Cai-Tuần Kim ở hồi trước, mà sao bây giờ lại có một cái nhà cao ráo sạch-sẽ, tuy trên lợp lá, song dưới lót gạch, cột kê táng, vách bổ kho, coi đẹp-đẽ, không phải xịt-xật[2] như hồi trước. Có một người sồn-sồn với một người trai ở cái ngõ gần đó đi ra. Cô hỏi người sồn sồn ấy rằng:

-         Thưa chú, không biết nhà nầy có phải là nhà của cậu Cai-tuần Kim hay không ?

-         Phải. Cô ở đâu mà hỏi Cai-tuần Kim ?

-         Thưa,tôi ở trên Sài Gòn.

-         Vợ chồng anh Cai-tuần Kim khuất hết rồi, còn đâu mà hỏi.

-         Vậy hay sao. Bây giờ ai ở nhà nầy ?

-         Thầy giáo Hiền nào?

-         Thầy giáo Hiền là con của anh Cai-tuần Kim. Cô biết anh Cai Tuần sao không biết thầy giáo ?

-         À, à, tôi nhớ rồi. Anh Hiền đó bây giờ làm thầy giáo hay sao ?

-         Làm đã 15-17 năm nay lận mà.

-         Chà. Hèn chi sửa nhà cửa lại coi tử tế quá. Không biết có ảnh ở nhà hay không ?

-         Có mà. Hồi tan học tôi thấy thầy về với mấy đứa học trò. Chắc ăn cơm rồi thầy nghỉ trưa chớ gì.

-         Để tôi vô thử coi. Hai bà con làm ơn khiêng giùm cái rương tôi để trong cửa kia được hôn ?

-         Được mà.

-         Cô Hai Phục đi trước, hai người khiêng cái rương theo sau vì rương nặng nên đi cáng-náng.

-         Thiệt quả thầy Hiền đang nghỉ trưa tại bộ ván nhỏ lót dựa cửa sổ. Thầy nghe lụi-hụi, giật mình thức dậy, thấy cô Hai Phục bước vào cửa, song mắt thầy còn ba chớp ba sáng, nên không biết là ai.

-         Cô Hai Phục vụt nói lớn rằng: “Anh Hai, cha chả, năm nay đã có râu có ria lận mà”.

Thầy giáo đứng ngơ ngẩn.

-         Cô Hai hỏi nữa rằng: “Anh quên tôi rồi sao ? Tôi là con Phục đây.”

-         Thầy giáo la lớn rằng: “ Ủa, em. Dữ ác hôn ! Tới năm nay em mới trở về đây!”

Cô Hai Phục nghe mấy lời ấy, thì biết thầy giáo có ý trách mình, nên cô bước lại bộ ván mà để cây dù rồi lột khăn và ngồi và nói rằng:

-         Em quấy lắm. Anh trách bao nhiêu, em cũng chịu hết.

-         Không. Qua trách em đều chi đâu. Em đi năm nay nữa là 19 năm. Qua thấy em qua mừng, nên qua nói như vậy chớ.

-         Em về đây em mới hay cậu mợ mất hết. Thiệt em không dè. Cậu mợ mất hồi nào vậy anh Hai ?

-         Em đi vài ba năm kế ông già qua mất. Còn bà già qua mất mới giỗ được một cái giỗ.

-         Thiệt em lỗi quá. Hồi nhỏ em nhờ cậu mợ nuôi dưỡng mấy năm. Chừng em khôn lớn, em không đền ơn cho cậu mợ được, mà chừng cậu mợ mất cũng không có mặt em.

Cô hai nói tới đó rồi cô cảm xúc, rưng-rưng nước mắt, không nói được nữa.

Người sồn-sồn khiêng rương giùm vô đó mới hỏi thầy giáo coi cô Hai đó là ai. Thầy giáo đáp rằng: “ Cô Hai đây là con của bác Hương-thân Luông hồi trước, chú mới về đây chừng 10 năm nay, chắc chú không biết.”

      Hai người khiêng rương giùm bèn ngồi lại mà nói chuyện chơi.

     Thầy giáo kêu thằng Phu là đứa ở đi chợ nấu ăn cho thầy mà biểu nấu nước chế trà uống. Gần 2 giờ chiều, thầy thay đồ sửa-soạn đi dạy học. Thầy nói với cô Hai rằng:

-         Gần tới dạy học rồi. Có lẽ em về ở chơi lâu chớ ?

-         Em tính về ở chơi lâu.

-         Được lắm. Thôi em ở nhà chơi. Qua mắc đi dạy học, để chiều về rồi nói chuyện nữa.

Thầy giáo đi dạy học. Hai người khiên rương giùm đó cũng từ mà về.

Cô Hai bèn đi cùng trong nhà mà coi bề ăn ở của thầy giáo Hiền. Cô không thấy dờn-bà, con nít, cô bèn hỏi thằng Phu rằng:

-         Vợ con thầy giáo đi đâu vắng vậy em ?

-         Bẩm thầy tôi ở một mình, có vợ con gì đâu.

-         Ủa ! thầy giáo không có vợ hay sao ?

-         Bẩm không. Thuở nay thầy tôi không có cưới vợ.

Cô Hai thấy trên bàn thờ giữa nhà có treo một bức tượng “thánh-nhản”, thì biết thầy giáo Hiền nhập đạo Cao-Đài. Cô thấy đâu đó điều sạch-sẽ vén-khéo, trước sân lại có trồng bông, trồng kiểng, sau hè có trồng mít, trồng xoài, có dọn chỗ để ngồi thưởng trăng, có xây hồ để nuôi cá, thì cô nức-nở khen ngợi.

Cô coi trước coi sau đủ rồi cô mới mở rương lấy một bộ đồ mát bằng lụa trắng ra mà thay. Cô rửa mặt, gỡ đầu, dồi phấn sơ-sịa, và vì cô đã có sắc sẵn, nên tuy trọng tuổi song coi còn đẹp đẽ lắm.

      Tan học Thầy giáo Hiền về, khí sắc hân hoan khác thường. Vừa bước vô nhà thì thầy kêu thằng Phu mà biểu lên chợ kiếm đồ mua về dọn cơm cho cô Hai ăn. Cô Hai cản mà nói rằng:

-         Trong nhà có món gì ăn món nấy, cần gì phải mua thêm. Em về đây em mừng quá, nên ăn vật gì chắc cũng ngon hết thảy.

-         Trong nhà có vật gì mà cho em ăn.

-         Vậy chớ anh nhịn đói hay sao ?

-         Qua ăn chay trường, mỗi bữa dùng tương chao, rao rác, không có cá thịt chi hết.

-         Anh ăn chay trường hay sao ? Anh ăn chay thì em cũng ăn với anh được mà.

-         Sợ em ăn không quen rồi em ăn không no chớ.

-         Được mà. Em đã nói em về đây em mừng lắm, nên ăn vật gì cũng ngon hết.

-         Em về đây thiệt em mừng lắm hay sao ?

-         Mừng lắm.

-         Vậy sao 19 năm nay em không chịu về một lần nào hết ?

Cô Hai nghe hỏi tới câu đó thì cô chúm-chím cười rồi nói rằng: “Việc đó nói ra dài lắm, để thủng thẳng rảnh rồi em sẽ nói rõ công chuyện của em cho anh nghe, anh mới hết trách em. Bây giờ để lo ăn cơm, vì hồi trưa em ăn bánh mì nên đói rồi”.

Bữa nay nhằm ngày 12 âm lịch, nên mới tối thì mặt trăng đã lên cao, dọi trước sân sáng quắc. Cô Hai bước ra ngồi trên cái băng bằng cây mà ngó trăng hứng mát. Gió thổi hiu hiu đưa mấy chùm bông huệ quặc quà quặc quại, rồi lại phất mùi thơm bát ngát. Vừng trăng vặc vặc soi gương mặt của cô Hai coi sáng rỡ, miệng hữu duyên mắt hữu tình.

      Thầy giáo đốt nhang cúng nước, đọc kinh vái lạy xong rồi thầy xách một cái ghế ra sân để ngay trước mặt cô Hai mà ngồi. Thầy ngó mông một hồi rồi thầy hỏi cô Hai rằng.

-         Em tính về ở chơi chừng bao lâu ?

-         Em đi 19 năm nay em đã thèm rồi. Em tính về đây kiếm chỗ cất một cái nhà nhỏ mà ở đặng xa lánh thói đời là thứ làm cho em chán ngán, không biết có được hay không ?

-         Sao lại không được. Chung quanh đây còn bộn đất trống. Em muốn cất chỗ nào thì em chỉ chỗ rồi qua nói với chủ đất cho em cất. Mà sao em nói nghe như hơi em chán đời, em muốn tu vậy ?

Cô hai lặng thinh một hồi lâu, rồi cô thở dài mà nói rằng: “Đời đáng chán lắm. Em không hiểu tu có ý nghĩa gì. Nếu tu mà trốn nợ đời được thì em tu phức cho rồi”.

            Cô nín một hồi nữa rồi cô ngó thầy giáo mà hỏi rằng: “Em nghe thằng Phu nói từ hồi nhỏ tới bây giờ anh không chịu cưới vợ, phải vậy hay không anh Hai ? Tại sao mà anh không chịu cưới vợ ?”

            Bây giờ tới lúc thầy giáo không trả lời. Thầy ngồi cúi mặt xuống đất mà suy nghĩ. Cách một hồi lâu thầy mới đáp rằng:

-  Qua có chuyện buồn nên không muốn lập gia-thất làm gì.

-  Nếu anh có chuyện buồn thì lại cần phải cưới vợ đặng có người hủ-hỉ mà giải-khuây cho anh chớ.

-  Giải khuây sao cho được.

Thầy giáo vụt đướng dậy mà chấp tay sau đít thủng thẳng đi ra lộ, dường như thầy không nghe câu của cô Hai hỏi thầy vậy. Cô hai lấy làm lạ nên ngồi ngó theo, cách một lát, thầy trở vô, cô bèn nói rằng: “Em coi bộ anh buồn quá. Anh có chuyện gì uất trong lòng xin anh nói cho em hiểu một chút. Em đây là em của anh ở trong nhà, chớ phải người xa lạ gì hay sao mà anh dấu”.

Thầy giáo thở dài và đáp rằng:

-     Việc buồn của qua không thể nói ra được, nhứt là khó nói cho em hiểu.

-     Tại sao vậy ? Anh không tin bụng em hay sao ?

-     Không phải qua không tin em. Sợ nói ra cho em nghe rồi em không tin chớ. Mà thôi, nói làm chi; nói ra thì phải loạn tâm loạn trí, chớ không ích gì. Qua tu đã lâu rồi …… thôi …… chuyện cũ không nên nhắc lại.

-     Anh nói dục-dặc, em nghe em tức quá, nên bắt hỏi hoài. Anh tu thì tu, chớ tu rồi không tỏ cái việc buồn ra được ?

Thầy giáo ngồi ngó cô Hai trân-trân.

Yến trăng tỏ rạng, ngọn gió lai-rai, mặt mày cô sáng rở như hoa nở sớm mai, quần áo cô phất-phơ, lại bay mùi thơm bát ngát. Tứ bề im-lìm lặng-lẽ, chỉ nghe tiếng dế than thở trong đám cỏ mà thôi.

Thầy nhắm cảnh nhắm người, rồi sanh mối cảm xúc trong lòng, không thể dằn nữa được, nên thầy thở ra một cái rất dài mà nói rằng: “ Qua buồn, qua không thèm cưới vợ, qua tu niệm trường chai đó là tại em, chớ không phải việc gì khác đâu. Em biết hay chưa?”

Cô Hai ngó sững-sốt thầy, cô châu mày biến sắc rồi hỏi nhỏ nhỏ rằng:

-     Thiệt như vậy hay sao ? Em có dè đâu !

-     Bởi tại em không dè, nên qua mới buồn qua muốn chết đó. Em nhớ hay không ? Ngày bà phủ ghé rước em, qua muốn cản, không cho em đi. Mà qua thấy em hăng-hái muốn đi quá, nên qua không nỡ cản. Em đi rồi thì qua buồn rầu, không còn muốn việc chi nữa hết; qua hết muốn học; mà cũng không thèm tưởng tới việc tương lai. Lúc ấy qua như người lãng trí mất hồn, sợ cha mẹ rầy nên phải đi học như thường, song vô trường ngồi cầm chừng, về nhà đi thẩn-thơ, sự sống của qua không có mục-đích chi hết. Qua buồn quá rồi sanh ra cái lòng xấu: qua thầm vái em lên ở với bà Phủ em bị cực khổ đáo để cho em chịu không nổi, đặng em trốn mà về. Qua vái rồi qua đợi, đợi cho đến hơn 3 năm, ông già qua mất, qua được cấp bằng làm thầy giáo, rồi qua coi nhựt-trình, qua thấy hình em họ in lớn đại, họ lại nói em đoạt giải hoa-khôi sắc đẹp. Tờ nhựt-trình ấy qua còn cất để dành trong tủ, lâu lâu qua lấy ra chơi cho đỡ giải buồn. Qua hay tin ấy thiệt mừng cho em, mà qua lại buồn thêm cho phận qua, bởi vì qua hết trông em trở về nữa rồi. Qua buồn hêt sức, nên qua nhứt định không thèm cưới vợ. Tuy làm thầy giáo mà rồi ban đêm qua tụng kinh niệm Phật, qua quyết theo tam-qui ngủ giới, trau dồi lục-căn đặng dứt lục-trần. Qua tu theo Phật hơn 10 năm, mà sao qua vẫn còn tư tưởng em hoài, qua mới day qua theo đạo Thầy mấy năm nay đây.

Thầy giáo nói một hồi, rồi thấy cô Hai móc khăn mu-soa trong túi ra mà lau nước mắt. Thấy cô cảm xúc, thầy càng cảm thêm, nên nói không được nữa !

Cô Hai cúi mặt lắc đầu nói rằng: “ Em không dè anh có tình với em, mà cái tình lại nặng nề đau đớn quá như vậy. Chớ chi em biết thì dầu ở trên SaiGon mà ăn vàng em cũng không thèm. Sao hồi em ra đi anh không tỏ thiệt cho em biết ? Vì khi thấy mặt nhau anh mắc cỡ anh mở miệng không được, sao từ khi em đi rồi cho tới bây giờ anh không chịu gởi thơ mà nói cho em hay ?”

Thầy giáo đáp rằng:

-     Qua không biết em có thương qua không mà qua dám nói.

-     Phải nói thiệt ra rồi mới biết em thương hay không chớ. Lỗi lại anh không nói ra, chớ không phải tại em đâu. Mà thôi, bây giờ em xin lãnh cái lỗi ấy. Em hứa từ đây tới già em sẽ làm cho anh hết buồn rầu đặng em chuộc lại lỗi của em. Anh chịu hay không ?

Thầy giáo ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Như vầy mà tu giồng gì nữa được !”

Cô Hai cười. Thầy giáo ngó cô, thầy cũng cười.

Cái tình của cô đã có cái tình khác chiếu đối, ở một bên mà cô không hay, để cho cô dung ruổi 19 năm trường, xông pha gió bụi, dày dạng thị-phi, khi phải uất thói đời, khi phải mang mặt giã.

            Còn cái công tu niện của thầy chất-chứa mười mấy năm trường, bị chữ tình trong giây phút đều vỡ tan sụp đổ hết.

            Hai người đều không dè cuộc đời xây vần như vậy, không dè đã tan mà rồi lại hiệp, ngại ngùng còn sợ nỗi hiệp rồi mà có tan nữa hai không. Trăng trong gió mát, thầy tỏ lòng hoài vọng, cô kể chuyện phong trần, thầy rõ tâm-sự của cô, thầy càng yêu, cô được biết tình cảm của thầy, cô càng mến, một nhà vui-vẻ, quên hết ưu sầu.
 

[1] lật đật

[2] xịch xạc, xệch xạc, lôi thôi

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá