Nợ đời

ÁI TÌNH VỚI KHÁCH ĐA TÌNH

            Bữa sau lối 4 giờ chiều.

            Ông Cử Võ Phi Hùng ngồi xe kéo chạy lại ghé ngay cửa cô Hai Phục. Ông mặc một bộ đồ Tây bằng nỉ đen, chơn mang giày vàng, đầu đội nón xám. Ông ngó số nhà, day lại biểu xa-phu ở đó mà chờ, rồi ông bước vô cửa ngõ.

            Cô Hai Phục ngồi trong nhà dòm ra ngó thấy ông, thì cô lính quýnh chạy vô buồng kêu Ba Có mà nói rằng: “Chị Ba, chị ba, cậu Hai Hùng lên kia kìa, tôi nói hay lắm!”

             Ba Có châu mày đáp rằng: “ Dữ hôn! Cậu Hai Hùng lên thì lên, chớ chuyện gì mà lính quýnh như vậy. Hổm nay qua trông gặp cậu, mà không có dịp gặp được. Nay cậu mang mặt tới đây thì may cho qua lắm. Em ra mời cậu ngồi đi, để qua bận áo rồi qua sẽ ra nói chuyện với cậu chơi”.

            Cô Hai bước ra chào ông cử Hùng, rồi mời vô sa lông mà ngồi. Ông Cử ngó cô mà cười, muốn nói chuyện với cô, song mắc cô lăng xăng kêu bồi kêu bếp nấu nước, chế trà, nên ông nói không được.

             Ba Có bước ra hỏi rằng: “Cậu Hai, cậu còn nhớ tôi hay không? Năm trước tôi mời cậu lại nhà đặng tôi nói chuyện sao cậu không lại, còn bây giờ không mời mà cậu lại tìm tới đây?”

Ông cử Hùng dụ dự một chút rồi đáp rằng:

- Phải hồi trước Cô Hai không còn ở nhà dượng phủ tôi nữa, chị đem cô về chị nuôi, rồi chị dắt cô mà đón nói chuyện với tôi đó phải hay không?

- Phải. Cậu còn nhớ hả. Ủa! mà nghe nói cậu đi Tây học, cậu thi đậu cử nhơn, tôi kêu bằng “ông cử” mới phải chớ. Thưa ông cử, không biết tại sao hồi trước ông cử tác tệ, rồi lại trốn đi Tây, không được một lời phải quấy với con Hai vậy?

- Hồi nhỏ khờ dại nên làm bậy, bởi vậy lớn khôn rồi tôi ăn năn, nên tôi mới đến đây.

- Chớ không phải hồi nhỏ ông thấy phận con Hai hèn hạ ông coi trinh tiết của nó như của con trâu hoặc con heo, không có giá trị gì, ông chơi cho phỉ tình rồi ông bỏ, bây giờ ông thấy nó được giàu sang, có xe hơi, có hột xoàn, nên ông ráp lại mà làm nhục nó nữa.

- Chị nói như vậy thì chị coi tôi tiểu nhơn quá!

- Tôi phải lấy cái thái độ cũ mà đoán cái thái độ mới chớ sao.

- Hồi nhỏ khờ dại nên làm bậy. Bây giờ lớn khôn rồi, có lẽ nào còn làm như vậy nữa.

- Cây bần mình trồng dù mấy mươi năm nó cũng là cây bần hoài, chớ có phải lớn rồi nó thành cây đào hay cây gì được đâu.

Cô Hai Phục bước lại rót nước trà mà đãi khách. Ông cử không trả lời với Ba Có nữa, ông ngó cô Hai mà hỏi rằng:

- Hồi đó cô có chửa thiệt hay sao cô Hai?

- Vậy chớ có chửa giả là có chửa thế nào?

- Té ra cô có chửa thiệt. Vậy mà cô sanh con trai hay con gái. Đứa nhỏ bây giờ có ở trong nhà cô hay không, cô kêu nó ra đây coi một chút được hôn?

- Tôi sanh con trai mà nó chết rồi.

- Sanh được bao lâu rồi nó mới chết?

- Sanh ra rồi nó chết liền.

- Rủi dữ há!

 Ba Có chận mà hỏi rằng:

- Tại sao mà ông lại nói rủi? May lắm chớ. Nếu thằng nhỏ con sống thì con Hai lấy chi mà nuôi nó?

- Thằng nhỏ nó là dấu tích của tôi với cô Hai. Tôi nói rủi là vì nó chết là mất cái dấu tích ấy.

- Ông quí trọng cái dấu tích đó lắm hay sao?

- Nếu tôi không quí trọng, thì tôi tìm đến đây làm chi.

- Ông nói như vậy, con Hai nó còn phiền nhiều hơn nữa. Ông muốn được phần ông, còn ông không kể phận nó chút nào hết. Ông có biết cái đứa nhỏ ấy là điều nhục nhã của con Hai hay không, mà nó chết ông lại nói rủi?

- Tôi biết lắm chớ, bởi tôi biết, nên trở về nước, tôi thăm cha mẹ bà con rồi, tôi lật đật tìm cô hai đây?

- Tìm chi vậy?

- Tôi tìm đặng bàn tính với cô Hai mà chuộc cái lỗi của tôi ngày trước.

- Ông muốn chuộc lỗi, vậy mà ông làm cách nào, đâu ông nói nghe thử coi?

- Cô Hai muốn cách nào tôi cũng vưng lời theo hết thảy.

- Theo thái độ người quân tử, hễ mình làm ô danh xủ tiết một người đờn bà, thì mình phải cưới cô ta làm vợ, đặng rửa sạch sự nhục nhã của người ta đó. Ông làm ô danh xủ tiết con Hai, rồi ông bỏ trốn mất, bây giờ ông tính chuộc thì đã trễ rồi.

- Làm dầu trễ cũng còn hơn là không làm.

- Ông bằng lòng cưới con Hai hay sao?

- Tôi tính nhự vậy, nên tôi mới đến đây.

 Ba Có với cô Hai Phục nghe mấy lời đều chưng hửng ngó với nhau trân-trân, không nói được nữa.

Cô Hai Phục cảm xúc quá, nên cô ứa nước mắt mà nói với ông Cử rằng:

- Cậu có hay vì cậu bỏ em, nên thân em lưu lạc phong-trần, em đã có tới hai đời chồng khác hay không?

- Tôi không hay. Mà tôi tưởng nếu mấy năm nay cô lưu lạc phong trần, thì cái tội của tôi càng thêm lớn, nên tôi cần phải chuộc tội ấy cho gắp hơn nửa.

- Tôi hư lắm. Tôi đâu xứng đáng làm vợ cậu. Xin cậu đừng có nói tới chuyện đó.

Ông Cử Hùng ngồi buồn hiu. Ông ngó sững ra ngoài sân một hồi rồi ông hỏi cô Hai rằng: “Mấy lời cô mới nói đó là thiệt tình hay là giận lẫy mà nói vậy cô Hai?”

Cô Hai cúi mặt mà đáp rằng:

- Em nói thiệt tình, chớ không phải em giận nên em nói lẫy với cậu đâu.

- Nếu cô nói thiệt tình, thì tôi xin đáp với cô rằng: “Cô tự xét mà cô biết cô không xứng đáng làm vợ tôi, ấy là cô xứng đáng làm lung lắm. Ở đời tôi từng thấy có nhiều người họ làm lắm việc tồi bại mà họ không tự xét, họ cứ vinh mặt vinh mày, họ tưởng họ xứng đáng, rồi thiên hạ họ dua bợ cũng hùa nhau cho họ là xứng đáng, những người ấy mới thiệt không xứng đáng làm vợ tôi.

Cô Hai liếc mắt ngó ông cử mà cười.

 Ba Có châu mày, coi bộ không vui. Chị ta không muốn để cô Hai Phục nghe những lời thâm trầm và tình tứ của ông cử nữa nên chị ta hỏi ông cử rằng:

- Ông học đã thành tài rồi, bây giờ ông trở về quê hương, ông tính làm việc gì?

- Tôi chưa tính làm việc gì được, bởi vì tôi về tôi hay việc nhà của tôi lộn-xộn lắm, mà lúc nầy ông thân của tôi lại đau nhiều. Để thủng thẳng tôi lo sắp đặt việc nhà cho yên, rồi tôi sẽ tính bề làm ăn.

- Ông cụ bà cụ còn song toàn hay không?

- Bà già tôi mất rồi. Tôi đi Tây có một năm kế ở nhà bà già tôi mất.

- Ông có anh em được mấy người?

- Tôi là con một, không có anh em nào hết. Vì cha mẹ tôi ít con ít cháu, nên qua ở bên Tây tôi suy nghĩ lại, tôi ăn nằm với cô Hai đã có thai nghén, mà tôi bỏ cô tôi đi vậy là thiệt bậy lắm, lẽ thì thầy Ba khuyên tôi phải ở nán lại mà nhìn nhận con tôi sẽ đi mới phải. Mấy năm nay tôi ăn năn biết chừng nào, bởi vậy về tới đây rồi tôi muốn kiếm cô Hai đặng hỏi thăm việc đó. Hôm đó tôi gặp cô dưới nhà dượng phủ mà vì có cô với dượng tôi đó, nên tôi không dám nhìn cô, mà cũng không dám hỏi thăm việc cô đẻ chửa. Thiệt bây giờ tôi mới biết nhà tôi vô phước, nên trời đất mới khiến thằng con của tôi không còn.......

 Ông Cử nói tới đó rồi ông ứa nước mắt, bộ buồn thảm ăn năn lung lắm.

Cô Hai nhớ chuyện cũ, thấy bộ của ông cử, thì cô động lòng nên cô củng chảy nước mắt.

Ông cử ngồi nói chuyện hơn một giờ đồng hồ, rồi ông mới từ mà về. Khi ra tới cửa ông day lại mà nói với cô Hai rằng: “Ông thân tôi đau nhiều, nên tối nay tôi mua thuốc rồi khuya nay tôi phải về dưới Cái Vồn. Để ít ngày ông thân tôi mạnh giỏi rồi tôi sẽ trở lên tâm sự của tôi cho cô Hai nghe”.

Ông đi rồi, Ba Có cười gằn mà nói rằng: “ Nếu ai cắc cớ mở hội thi để tuyển nhơn tài mà sung vào cái “ngạch điếm đàng”, thì chắc ông cử Hùng sẽ chiếm thủ khoa”.

Cô Hai Phục châu mày hỏi rằng:

- Ông Cử nói lời nào cũng chánh đáng, mà bộ ông cũng ăn năn thành thật lắm, sao chị lại cho ông là thằng điếm?”

- Em còn phải học nhiều nữa mới được. Em chưa biết lịch duyệt nhơn tình, em chưa biết coi tướng mạo, em chưa biết cân lời nói. Qua biết chắc nếu không có qua kiềm chế, thì ngày nay em đã làm vợ của thầy ký Cao, bồng con cho bú, bưng rổ đi chợ, vô bếp nấu ăn, mỗi tháng đến 20 tây thì vô tiệm cầm đồ, chớ làm sao mà trong nhà có bạc ngàn, hột xoàn đeo đầy mình, bước ra cửa thì có xe hơi, mà nay mai đây lại còn được làm “Bà lớn Đốc” nữa.

- Oái ! Chị đừng có nói chuyện đó mà! Kỳ cục quá, ai mà chịu!

- Nói cái gì mà không chịu?

- Nói chuỵên quan Đốc Phủ đó. Ổng lớn tuổi, ổng đáng cha của em, ai mà ưng ổng cho được.

 Ba Có nghiêm sắc mặt, ngó sững cô Hai, coi bộ chị ta bất bình, song chị ta liền đổi giận thành vui mà nói rất êm ái rằng:

- Em khờ qúa! Chồng già nó mới cưng nhiều chớ.

- Cưng hay không thì chưa biết, mà chồng già vợ trẻ đi chung với nhau coi như cha con, mắc cở quá.

- Mắc cở nỗi gì? Mình nhỏ mà họ kêu làm “Bà lớn” mới vinh vang chớ.

Cô Hai cười rồi bỏ đi vô phòng mà nằm không cãi nữa.

Tối lại Quan Đốc Phủ Thần cũng lết qua nhà cô Hai Phục mà chơi. Ba Có tiếp rước ân cần. Cô Hai cũng chào hỏi vui vẻ, song bữa nay cô dè dặt nghiêm chỉnh, không nói giọng lả lơi, không ra dáng trêu bẹo như mấy lần trước. Quan lớn dạy cô đờn chơi, thì cô cũng vưng lời, song tiếng đờn nghe không thăng trầm, giọng ca nghe không cảm xúc nửa.

Cô Hai Phục dè dặt chừng nào thì ngọn lửa tình của Quan Đốc Phủ lại càng lừng lẫy chừng ấy, nên ngài cứ qua hoài, mà có bữa Ba Có lại kiếm cớ đi chợ, để cho ngài thong thả mà nói chuyện với cô Hai.

Bữa chúa nhựt kế đó, hai người con gái lớn của Quan Đốc Phủ, là cô Cẩm Tú và Cô Cẩm Nhung, vợ nào chồng nấy đều tề tựu về đây thăm cha cho biết nhà mới. Người con trai lớn với mấy đứa em nó cũng có ở nhà đủ mặt. Quan Đốc Phủ mừng rỡ, dạy người dâu lớn đi chợ mua thịt cá bánh trái về dọn tiệc đặng cha con ăn uống vui chơi với nhau một bữa.

Chừng ăn cơm rồi, cô Cẩm tú là gái lớn đầu lòng, mới mở lời nói với Quan Đốc Phủ rằng: “Thưa cha, con mới nghe nói từ hôm dọn nhà về đây mà ở, cha hay qua lại cái nhà một bên đây mà chơi hoài. Thưa cha, cha đã trọng tuổi rồi, mà cha lân la chỗ như vầy, bạn bè trong nhà nó xầm xì, coi không được lịch sự, mà mấy đứa em nó cũng buồn nữa. Nếu cha có buồn thì cha đi Đà Lạt, Vũng Tàu hoặc đi Đế thiên, Đế thích mà chơi, chớ chơi chi cái chỗ đó”.

Quan Đốc Phủ nổi giận, ngài đỏ mặt trợn mắt mà nói rằng:

- Bây giờ mầy dạy khôn tao, phải hôn Cẩm Tú?

- Thưa, con đâu dám. Con nói chuyện phải quấy trong nhà cho cha nghe vậy thôi chớ.

- Đời lật ngược rồi, nên con nó dạy khôn dạy dại cho cha nó chớ! Ở lân cận thì phải làm quen với nhau. Người ta là người đúng đắng tử tế, tao tới lui nói chuyện chơi, sao bây lại bắt lỗi tao?

- Thưa, không phải con bắt lỗi cha. Con nói cha gần gũi người như vậy thì thiên-hạ họ chê cười chớ.

- Tao chơi, mắc mớ gì họ mà họ chê cười? Sao mà họ cười ?

Cậu Lê Như Tiên, là con trai thứ ba của Quan Đốc Phủ bèn tiếp với chị mà đáp rằng:

- Thưa cha, con biết tụi nó không tốt.

- Sao mà không tốt. Người ta giàu có sang trọng, con dòng cháu giống, sao bây dám nói người ta không tốt.

- Thưa, con biết rõ hai chị em cô hai đó là phường buôn hương bán phấn, song họ giữ tư cách cao, họ làm bộ mặt quí, đặng họ lột da người ta cho hãm đó cha.

- Cha chả! Người ta như vậy mà bây dám kêu người ta là phường buôn hương bán phấn chớ.

- Thưa, đời nầy họ quỷ quyệt lắm. Bọn buôn hương bán phấn thượng lưu nó cũng dọn nhà tốt, nó cũng sắm xe hơi, nó cũng đeo hột xoàn, nó làm sang trọng như vậy nó hại người ta mới sâu.

- Bây phải biết, cô Hai đó cháu của một quan tri phủ Hàm, chớ không phải đồ bậy bạ đâu.

- Thưa, phải. Cô là cháu của một quan tri phủ hàm, mà con biết hồi trước cô làm cho một thầy ký lục ở Xã tây phải thắt họng, sau cô làm một người Mái Chín tiêu hết sự nghiệp phải trốn về tàu. Cha tới lui chơi với nàng như vậy thì còn gì danh giá của cha.

- Tao biết hết, tao làm quan tột bực, tao đã hai thứ tóc trên đầu, có lẽ nào tao dại hơn bây sao, nên bây dạy tao. Tao nghĩ lại thiệt tao vô phước. Từ nhỏ chí lớn tao ngồi khòm lưng chai đít, làm cho có tiền mà nuôi bây, ngày nay bây nên vai nên vóc, tao già cả phải hồi hưu dưỡng lão trong ít năm rồi có xuống lỗ. Tao buồn tao kiếm người biết lễ nghĩa đặng nói chuyện chơi cho giải khuây. Bây không vừa lòng, bây ra rập với nhau mà kiếm chuyện bắt lỗi tao. Tao hiểu rồi, bây thấy tao già rồi, không làm mọi cho bây được nữa, bây muốn đuổi tao đi nên bây mới sanh chuyện như vầy. Tao không cần bây đâu, bây đừng có lấp lửng, phận của tao thì tao biết tự xử, bây khỏi lo. Để rồi bây coi.

Quan Đốc Phủ thố lộ những lời oán trách như vậy rồi ngài bỏ đi ra ngoài trước, chống tay lên lan can, đứng buồn hiu. Mấy người con của ngày, từ lớn chí nhỏ, đều nhìn nhau nghẹn ngào, không dám hở môi nữa.

Đến xế Quan Đốc Phủ thay đổi áo quần rồi kêu xe kéo mà đi. Mấy con không dám hỏi ngài đi đâu. Hai chàng rể thấy gia đạo xào-xáo, không vui gì mà ở chơi nên dắt vợ về liền.

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá