Ngọn cỏ gió đùa
Lê-văn-Ðó đi chừng được một canh, tứ bề vắng vẻ, một mình bơ-vơ, giọt mưa sa, ngọn gió tạt, đói thắt ruột, lạnh run xương, nhờ sức giận nên đi mới được, mà đi lâu rồi bụng bắt đói lại, mình bắt lạnh thêm, cặp mắt chá lòa, tứ chi bủn-rủn, lỗ tai lùng bùng, té xỉu nằm vắt ngang qua bờ. Anh ta ngửa mặt ngó lên trời mà than rằng: “ Tôi cũng là người ta như thiên-hạ, vì cớ nào thiên-hạ ai cũng được ăn no ngủ ấm, nhà tốt mâm đầy, còn thân tôi từ thuở lọt lòng cho đến bây giờ không có một giây phút nào vui sướng mà ngày nay còn phải đói lạnh chết dọc dường dọc sá như vầy. Thôi, cái thân thảm khổ nầy chẳng nên sống nữa mà làm gì, thà là chết phứt cho hết cái kiếp nghèo hèn lao khổ”.
Anh ta than mấy lời rồi nhắm mắt nằm thiếp-thiếp mà chờ giờ chết. Trên trời giọt mưa cứ lai-rai nhiểu[1] xuống hoài không dứt, dường như ông trời cao xa rộng lớn không thấy cái thân nhỏ mọn nằm thở hoi-hóp giữa đồng. Hướng tây ngọn gió cũng hiu-hiu thổi lại luôn luôn, tức-tủi cho chút phận cơ hàn, người đã vày bừa đày đọa trót mấy mươi năm, mà trời cũng không niệm tình thương xót.
Chẳng hiểu Lê-văn-Ðó nhờ giọt mưa chan mát mặt, hay là nhờ nằm nghỉ khỏe khoắn trong mình, mà anh ta nằm một hồi lâu rồi tỉnh lại, mở mắt ra, chống tay ngồi dậy, ngó dáo-dác tứ phía hết. Tứ bề vắng-vẻ chẳng nghe một tiếng người; trời đất tối mò, chẳng thấy dạng cây cỏ. Anh ta ngồi im-lìm, trong trí bình tịnh, không buồn không tức, không giận mà cũng không phiền nữa. Thình-lình thấy trước mặt có một yếng sáng đỏ đỏ bằng ngón tay, cứ ở một chỗ hoài, không xao, không động. Anh ta chắc yếng sáng ấy là đèn của người ta đốt ở trong nhà, nên trong lòng khấp khởi, muốn đi lại đó.
Anh ta đứng dậy thì trong cổ khô queo không có nước miếng. Anh ta muốn kiếm một miếng nước mà uống, mà một mình ở giữa đồng bây giờ biết xin ai. Trời mưa nước đổ không thiếu gì, mà đổ bao nhiêu thì chảy mất hết bấy nhiêu. Không còn một giọt nào cho mình thấm giọng được. Anh ta bèn cổi áo cuốn tròn lại, rồi kê ngay miệng vắt ra nước mà uống đỡ. Nhờ áo ướt nên vắt được ít giọt. Anh ta thấm giọng được rồi, mới nhắm ngọn đèn đỏ-đỏ trước mặt đó mà đi.
Tuy bụng đói, mình lạnh, sức yếu nên đi siêu ngã hoài, song nhờ ngó ngọn đèn, trong trí chắc mình tới đó thì khỏi chết, nên mới bền chí vững lòng mà đi được, tinh thần không mờ mệt, sức lực không mòn mỏi, đến nỗi phải té xỉu chết giấc như hồi nãy.
Lê-văn-Ðó đi chừng một phần canh mới tới một cảnh vườn rộng lớn, cây cối tuy thưa-thớt, song ở giữa vườn có một tòa nhà rất lớn, trong nhà có đốt hai ba ngọn đèn. Anh ta bước vô vườn rồi đi riết lại cửa giữa, rờ tay thấy cửa đóng chặt, bèn kề vai vô cửa mà đẩy một cái rất mạnh, cây gài cửa văng rồi rớt một cái rầm, hai cánh cửa mở bét ra. Anh ta xông vô, ngó quanh-quất thì thấy bàn thờ để tứ phía; ở trên có nhiều cốt người ta rất lớn, cốt nào cũng ngồi xếp bằng đưa vú mà ngó mình, ở dưới có một người mình mặc áo rộng đỏ mà có lộn miếng chả trắng vuông-vuông, đầu đội cái nón chi không biết mà như hai bàn tay úp lại, đương quì lạy mấy cốt ngồi trên bàn đó.
Lê-văn-Ðó không biết chốn nầy là chốn nào, ngó thấy người ta thì vùng nói lớn lên rằng: “Tao là Lê-văn-Ðó, gốc ở Giồng-Tre, bị đày 20 năm, nay đã mãn rồi, nên họ thả tao về. Tao đói bụng mà lại lạnh lắm, nên tới đây xin bây cho tao ít bát cơm ăn đỡ. Bây cho ăn hay không thì nói cho mau”.
Người mặc áo đỏ đương lạy đó, hồi nãy cây văng cửa mở đã không day lại, mà bây giờ tên Ðó nói om-sòm cũng không day lại nữa, cứ chấp tay ngay trán đứng lên rồi quì xuống hoài. Lê-văn-Ðó thấy người ta không trả lời thì nổi giận tính xốc lại gần cho tận mắt mà hỏi nữa. Chẳng dè anh ta bước vừa được hai bước thì đuối sức, tay chơn run bây-bẩy, mồ hôi tuôn dầm-dề bàn tang nhảy xoi xói, nên té xỉu nằm sấp dưới gốc cột, không nói chi nữa được.
Ðây là cảnh chùa Phật, ngoài trước cửa chùa có treo một tấm biển đề rõ ràng ba chữ lớn “Chánh tâm tự”, nhưng vì đêm tối Lê-văn-Ðó không thấy, mà dầu có thấy đi nữa, anh ta không biết chữ chắc là đọc cũng không được, nên mới làm dữ, phá cửa xông xô chùa rồi trước bàn Phật đứng nói nghinh-ngang, không kiêng nể chi hết.
Mấy bàn thờ để chung quanh đó là bàn thờ Phật trong chùa. Mấy cốt lớn ở trên đó là cốt Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Còn người quì lạy đó là Hòa-Thượng Chánh-Tâm, mình mặc áo cà-sa, đầu đội mão hiệp chưởng, đương lần chuỗi bồ đề mà niệm Phật.
Hòa-Thượng Chánh Tâm tuổi đã trên năm mươi rồi, nhưng vì ngài nhứt tâm mộ đạo, ngày đêm cứ ăn chay niệm Phật, không lưu ý đến việc trần gian, trí thanh tịnh, lòng từ bi luôn luôn, nên sức lực ngài hằng mạnh khỏe.
Ngài thiệt tên là Lê-hữu-Ðộ, gốc ở ngoài Bình-Thuận. Ngài là con nhà cự-phú, tánh siêng trí sáng, bởi vậy hồi nhỏ ngài học giỏi, ai nghe danh cũng đều khen. Khi ngài được 18 tuổi thi đậu Tú-Tài, rồi qua 21 tuổi thi đậu Cử-nhơn. Năm nhâm-tuất Gia-Long tức vị, vua kén chọn nhơn tài để bổ đi làm quan mà trị dân, thì ngài ra làm Tri-Huyện, lần lần thăng tới chức Án sát Bình-Thuận. Ðến năm canh-thìn vua Gia-Long băng, vua Minh-Mạng lên nối ngôi, Lê-hữu-Ðộ dòm thấy triều đình hành sự có nhiều chỗ bất minh, bất chánh thì thối chí phiền lòng, ghét thân làm quan, ngán mùi thế tục nên từ chức Án-sát, trở về cố hương giao hết gia-tài sự nghiệp cho vợ lãnh mà nuôi con, rồi lánh thân vào Gia-định, tính kiếm chỗ thanh tịnh u-nhàn mà tu tâm dưỡng tánh. Ngài xuống tới huyện Trường-Bình thấy có cánh đồng Rạch-Kiến rộng lớn, chính giữa đồng còn sót mấy lùm cây, tuy phong cảnh không bằng ngoài núi Da-Bác hoặc dưới núi Thùy-Vân, nhưng mà cảnh thú chốn nầy thích hiệp với tâm tánh của ngài nên ngài bắt chùa rồi tượng cốt Phật mà tu trót 8 năm nay, ngày như đêm cứ tụng kinh niệm Phật, lo tế độ chúng sanh, lòng dặn lòng giữ chữ từ-bi, chí bền chí siêu thăng tịnh độ.
Ở trong chùa Chánh-Tâm chỉ có một mình Hòa-Thượng với hai tên đạo chúng mà thôi. Hai tên đạo ấy một người là Thiện-Thành, tuổi đã trên ba mươi, tu mấy năm đã thọ chức Tùy-kheo, còn một người tên là Giác-Thế, tuổi vừa mới 18, còn ngồi chức Sa-di-ứng-pháp.
Ðêm ấy Thiện-Thanh với Giác-Thế người đương đốt hương trên bàn Phật, người đương nấu nước dưới nhà trù, thình lình nghe Lê-văn-Ðó xô cửa chùa cây ngã rầm-rầm, không biết có việc chi, nên lật-đật chạy ra coi. Vừa ra tới, thì tên Ðó cũng vừa té xỉu nằm dựa gốc cột. Thiện-Thanh chạy riết lại đỡ tên Ðó, nhưng vì tên Ðó vóc lớn mình nặng đỡ không nổi, nên kêu Giác-Thế lại phụ.
Hai người đỡ Lê-văn-Ðó ngồi dậy được, mà anh ta oặt-òa oặt-oại, cặp mắt nhắm riết, chẳng khác nào người say. Lúc ấy Hòa-Thượng Chánh-Tâm cung đối Phật tiền vừa rồi, ngài bước lại rờ Lê-văn-Ðó thì thấy mình mẩy anh ta lạnh như đồng, song ngực còn ấm-ấm, mũi còn thở hoi-hóp. Ngài nói với hai đạo chúng rằng: “Người nầy vì đói lạnh mà xỉu, chớ không có bịnh chi. Hãy khiêng đem vô hậu trai thay áo đổi quần, cho ăn cho uống thì khỏe lại, không có sao đâu mà sợ”.
Thiện-Thanh với Giác-Thế vưng lời áp lại khiêng Lê-văn-Ðó vô hậu trai để nằm ngửa trên ván, rồi Thiên-Thanh vào hậu liêu kiếm quần áo khô thay cho Lê-văn-Ðó, còn Giác-Thế thì rót một chén nước trà nóng đem lại, tính vạch miệng đổ cho Lê-văn-Ðó uống.
Lê-văn-Ðó nằm nhắm mắt nhưng hả miệng nuốt nước nghe ực-ực. Hòa-Thượng dạy Giác-Thế xuống nhà trù coi như còn cơm dư thì dọn một mâm cơm với tương chao đặng Lê-văn-Ðó tỉnh dậy thì có sẵn cho anh ta ăn.
Giác-Thế đi rồi, Hòa-Thượng còn đứng dựa bên Lê-văn-Ðó mà coi chừng. Cách chẳng bao lâu Lê-văn-Ðó đập tay xuống ván, day đầu qua phía Hòa-Thượng đứng, rồi mở mắt ngó Hòa-Thượng trân-trân, Hòa-Thượng thấy anh ta tỉnh lại thì mừng, nên hỏi rằng: “Chú em muốn uống nước nữa hay không ?”
Lê-văn-Ðó lồm cồm ngồi dậy mắt ngó ngay Hòa-Thượng mà nói rằng: “Tao đây là Lê-văn-Ðó, ở Giồng-Tre, người ta nói tao ăn trộm nên đày tao 20 năm. Nay tao mãn tù đi về xứ. Ba ngày rày tao không có ăn cơm, tới đâu xin ăn họ cũng đuổi không cho ăn nên tao đói bụng lung lắm. Mầy chịu cho tao một vài chén cơm ăn đỡ đói hay không thì mầy nói phứt đi, tao không thèm năn nỉ nữa đâu”.
Lời nói nghe nghinh-ngang, mà bộ tịch coi rất hung ác, mà Hòa-Thượng không nổi giận, không tức cười, cứ đứng ngó Lê-văn-Ðó như thường và nói hòa huởn rằng: “Phật không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ lành người dữ. Phật thì tế độ chúng sanh. Bần-đạo đã có dạy dọn cơm rồi. Vậy chú em nằm mà chờ một chút, rồi tăng chúng sẽ dọn cho mà ăn”.
Thiện-Thanh ở trong liêu ôm ra một cái quần với một cái áo vải nhuộm dà[2]. Hòa-Thượng biểu đỡ Lê-văn-Ðó rồi dắt vô liêu thay đổi áo quần ướt đó đi cho hết lạnh. Hòa-Thượng ở ngoài lui-cui đi nhúm một bếp lửa đặng cho Lê-văn-Ðó chừng thay áo quần rồi, có sẵn lửa mà hơ tay chơn cho ấm.
Lê-văn-Ðó mặc y phục người tu, mà hai mép có râu xồm-xàm, trên đầu lại có tóc, nên ở trong liêu bước ra bộ tướng coi rất dị kỳ. Tuy vậy mà Hòa-Thượng ngồi tự nhiên không thấy ngài động dung[3] chút nào. Hòa-Thượng biểu Lê-văn-Ðó ngồi dựa bếp lửa mà hơ. Lê-văn-Ðó hơ vừa ấm, thì kế Giác-Thế bưng mâm cơm lên để trên ván.
Hòa-Thượng mời Lê-văn-Ðó lên ăn. Lê-văn-Ðó vừa nghe mời thì nhảy phóc lên, thấy cơm tuy nguội mà đầy vun một bồn, thì trong bụng mừng lắm. Tuy ăn cơm với tương dưa, chớ không có thịt cá, nhưng mà anh ta đói nên ăn coi thế ngon cũng như người ta ăn chả phụng khô lân. Anh ta không thèm ngó ai hết, mà cũng không thèm nói chuyện, cứ xúc cơm ăn riết, ăn hết chén nầy tiếp tới chén khác, ăn luôn một đợt đến 7 chén, đã lưng hai phần bồn cơm rồi, mới chịu ngước mặt mà ngó Hòa-Thượng.
Lúc ấy Hòa-Thượng đương ngồi tại phương-trượng mà uống nước trà. Vã Hòa-Thượng hồi còn làm quan thì vua Gia-Long có ban cho ngài một bộ chén trà với một cái bình tích bằng ngọc lựu quí lắm. Khi ngài từ quan, giao hết sự nghiệp cho vợ con mà đi tu, ngài chẳng đem theo vật chi hết, chỉ đem có bộ chén với bình tích nầy mà thôi. Ở trong chùa hễ ngài cúng phật thì lấy bộ chén ấy để trên bàn Phật mà cúng, chừng nào cúng rồi thì tăng chúng bưng vô trong cho ngài dùng.
Lê-văn-Ðó ngồi ăn cơm mà thấy bộ chén trà tốt quá, nên cứ ngó bộ chén với cái bình hoài. Anh ta lại thấy Hòa-Thượng tuy đầu trọc-lóc, song tướng mạo phong-lưu nho-nhã, da trắng trong, mặt sáng rỡ, tay dịu nhiễu, mắt rạng ngời, không hiểu người ấy là người gì, mà ở cái nhà kỳ cục như vầy, nên ngó một hồi rồi hỏi rằng: “Ông làm ông gì? Ông làm quan hay là làm dân ?”
Hòa-Thượng Chánh-Tâm nãy giờ tuy ngồi ống trà, song liếc ngó Lê-văn-Ðó, thấy người cao lớn vậm vỡ mặt đen da nám, rầu ria xồm xàm, tóc tai chơm bơm, tướng mạo hầm hừ, thì trong bụng thầm tưởng chú nầy là một người vì bần hàn nên làm tội lỗi mới sa vào chốn lao tù. Thình-lình nghe anh ta hỏi hai câu dị kỳ thì lại tưởng anh ta là người khật khùng, song ngài không cười, cứ trang nghiêm mà đáp rằng: “Bần-đạo là người nương cửa Phật tu trì, chớ không phải là quan, mà cũng không phải là dân”.
Lê-văn-Ðó chưng-hửng nên ngừng đũa lại, rồi ngó sững Hòa-Thượng mà hỏi rằng: “Té ra ông là thầy chùa hay sao? Chỗ nầy là chùa phải hôn ông?”
Hòa-Thượng gặc đầu. Lê-văn-Ðó nói tiếp rằng: “Bất nhơn dữ hôn” Vậy mà tôi không biết chớ! Từ nhỏ tới lớn tôi không có thấy thầy chùa mà cũng không có vô chùa lần nào, nên tôi không biết”.
Thiện-Thanh với Giác-Thế nghe nói như vậy thì chúm-chím cười, muốn cắt nghĩa cho Lê-văn-Ðó biết Chánh-Tâm là ông Hòa-Thượng, song thấy Hòa-Thượng từ bi thanh tịnh, nên không dám nói.
Lê-văn-Ðó lần lần ăn hết bồn cơm rồi buông đũa đứng dậy xin nước mà uống.
Anh ta đi lại đứng trước mặt Hòa-Thượng mà hỏi rằng: „Ông cho tôi ăn uống no rồi, bây giờ tôi ngủ đây tới sáng mai tôi sẽ đi được hôn, hay là tôi phải đi liền bây giờ?”
Hòa-Thượng gặc đầu đáp rằng: “Chú em nó ở đây mà ngủ, chớ trời mưa gió đi đâu bây giờ?” Ngài liền dạy Giác-Thế dọn cái giường trong liêu, trải chiếu giăng mùng, rồi dắt Lê-văn-Ðó vào đó mà ngủ.
Thiện-Thanh thấy Lê-văn-Ðó đã vào liêu rồi, bèn bạch nhỏ với Hòa-Thượng rằng: „Tôi coi bộ người đó kỳ quá, Hòa-Thượng cho ngủ trong chùa biết có hại gì hay không?” Hòa-Thượng đáp rằng: “Cửa Phật phải mở ộng cho mọi người, dầu người hung dữ đến đây cũng phải chứa, chẳng luận là kẻ đói lạnh. Ðạo chẳng nên nghi quấy cho người ta mà tổn công đức. Thôi khuya rồi, đạo hãy đem bộ chén trà để trước bàn Phật-Tổ rồi đóng cửa chùa mà ngủ”. Thiện-Thanh vưng lời, không dám cãi lẽ.
Lê-văn-Ðó bụng no thân ấm, nằm trong mùng khỏe khoắn vô cùng. Ngoài vườn trời đã dứt hột mưa, mà hướng đông lại ửng sáng, mặt trăng gần muốn mọc. Lê-văn-Ðó vì mệt mỏi đói khát trọn 3 ngày, nên mới nằm có một chút đã ngủ khò. Anh ta ngủ một giấc rồi thức dậy, không biết là canh mấy, mà dòm mấy lỗ vách tre thì thấy ngoài vườn yếng răng dọi sáng như ban ngày. Anh ta bèn lồm-cồm ngồi dậy, chạy lại rờ quần áo ướt của mình vắt phơi hồi hôm, thì quần áo còn dốt-dốt chớ chưa thiệt khô. Anh ta cổi đồ của chùa ra, mặc bướng bộ đồ của mình vô, rồi lấy áo quần của chùa mà cặp nách.
Anh ta dòm ra ngoài vườn một cái nữa, rồi nhẹ-nhẹ bước ra khỏi liêu. Thấy đèn chong bàn Phật Bồ-Ðề còn leo-lét, anh ta dòm thấy Hòa-Thượng nằm trên cái giường để gần đó, tuy nằm trong mùng, song mùng may vải mỏng, nên thấy hình dạng rõ ràng. Anh ta đi lại phương trượng là chỗ Hòa-Thượng ngồi uống nước hồi hôm, thì không thấy bộ chén trà với cái bình tích để đó. Anh ta ngó quanh-quất không thấy để chỗ nào hết, thì lấy làm lạ, mới lén bước lại đứng ngay đầu giường của Hòa-Thượng mà dòm vô mùng. Anh ta không thấy bộ chén trong mùng, chỉ thấy Hòa-Thượng nằm ngửa, mền đấp lên tới bụng, hai tay chắp để trên ngực, diện mạo hiền lành mà phương-phi, nằm ngủ mà tự nhiên cũng như người thức.
Anh ta ngó mặt Hòa-Thượng một hồi rồi bỏ đi ra trước chánh điện. Mỗi bàn Phật đều có chong một thếp đèn hết thảy, bởi vậy chánh điện sáng hơn trong hậu trai. Lê-văn-Ðó đến mỗi bàn Phật đều đứng mà dòm một hồi. Chừng lại tới bàn chính giữa ngó thấy bộ chén trà với bình tích ngọc-lựu để trên bàn, anh ta liền leo lên, mở gói áo quần ra hốt bộ chén với cái bình bỏ vô mà gói lại, rồi ôm trong nách mà nhảy xuống, mấy cốt Phật ngồi chần ngần trên đó mà anh ta không đếm xỉa chi hết. Anh ta lại cửa giữa thấy cây hèo của mình té rớt hồi hôm còn nằm tại đó, bèn lượm cây hèo lên rồi mở cửa nhẹ-nhẹ chun ra ngoài mà đi.
Ðến khuya Thiên-Thanh với Giác-Thế kêu nhau thức dậy nấu nước đặng công phu. Nước sôi rồi, Thiện-Thanh ra trước chánh-điện lấy cái bình ngọc-lựu đặng bỏ trà mà chế nước. Ra đến đó, không thấy bình chén chi hết thì lấy làm lạ, vì hồi hôm chính bản thân mình đem để đó, mà ai lén lấy đem đi đâu ? Ðạo ta ngó cùng mấy bàn mà cũng không thấy, mà lại thấy cửa chùa mở hé một cánh, trong lòng phát nghi, không thèm kiếm nữa, liền đi riết vô liêu mà kiếm Lê-văn-Ðó. Thiện-Thanh dở mùng lên thì giường trống trơn, không có Lê-văn-Ðó, tay chơn bủn-rủn, lật đật đi xuống nhà trù kêu Giác-Thế mà nói rằng: “Người đó ăn trộm bộ chén với cái bình ngọc-lựu của Hòa-Thượng trốn đi mất rồi, khốn chưa?”
Giác-Thế sửng-sốt đứng chần-ngần không nói chi được hết. Thiện-Thanh nắm tay Giác-Thế dắt lên biểu phụ mà kiếm với mình, hai tên đạo nói chuyện lào-xào, đi lại qua rột-rẹt, Hòa-Thượng giựt mình thức dậy hỏi rằng: “Ðạo chúng có việc chi mà lộn-xộn lạo-xạo lắm vậy?”
Thiện-Thanh chạy lại đứng bên giường chắo tay thưa rằng: “Bạch Hòa-Thượng, người ngủ đậu trong chùa đó, đã lấy bộ chén với cái bình ngọc-lựu trốn đi mất rồi. Chúng tôi đương kiểm điểm đồ đạc trong chùa coi có còn lấy vật chi nữa không.”
Hòa-Thượng thủng-thẳng dở mùng bước ra, khí sắc thanh tịnh trang nghiêm như thường, không buồn, không giận chút nào hết. Ngài đi lại phương-trượng mà ngồi, rồi nói khoan thai rằng: “Ðạo chúng, chẳng nên tìm kiếm làm chi. Bộ chén với cái bình đó là dấu tích của bần-đạo làm quan ngày trước, có lẽ Phật không muốn cho bần-đạo thấy dấu tích trần tục nữa, nên mới khiến cho người ta đến đây mà lấy, chớ không phải người ta có bụng gian tham đâu. Vậy đạo chúng chẳng nên giận mà tổn công đức.”
Thiện-Thanh với Giác-Thế nghe Hòa-Thượng phân như vậy thì nhìn nhau rồi cúi đầu, người lo đi súc bình khác mà chế nước, kẻ đi pha nước cho Hòa-Thượng rửa mặt, không dám nói chi hết.[1] nhểu
[2] giống cây sắn, vỏ có nhiều chất tanin, dùng làm thuốc nhuộm màu nâu
[3] cử động hình dạng