Một chữ tình

Bác Ái ra đi tính thầm rằng mình ở nhà, Xuân Hoa thấy mặt hoài nên khó mà chấp mối ái tình cho được, có lẽ cách mặt một ít lâu cô nhớ tới mình rồi lần lần mới biết thương. Chừng mình về chắc cô đã đổi ý khác hơn xưa, mà ví dầu cô còn hẫng hờ như cũ, thì mình sẽ giả chước đi cưới vợ mà thử bụng cô nữa.

Bác Ái tính như vậy tưởng là kế hay, lại chắc hễ trở về thì cô mừng lắm, nào dè ở chơi Bắc Kỳ hai ba tháng, chừng trở về tới nhà thì nghe nói Xuân Hoa chồng đã đi lễ hỏi rồi, còn có 20 ngày nữa thì tới lễ cưới. Bác Ái hay tin như vậy, thì khóc cũng lỡ khóc, mà cười cũng lỡ cười, ngơ ngẩn bàng hoàng chẳng khác nào như nghe sấm nổ bên tai, thấy sóng dồi trước mặt. Anh ta hỏi sấp nhỏ ở trong nhà coi ai tính cưới Xuân Hoa, thì chúng nói chàng rễ tên là Phạm Quảng Giao, con của bà Hương chủ Hiệp ở bên làng Bình Đức. Bác Ái nghe tên Quảng Giao lại càng tức giận nhiều hơn nữa, tức giận là vì mình thương Xuân Hoa mà sao Xuân Hoa lại chẳng chút đoái hoài, còn giận là giận Quảng Giao chẳng nghĩ tình đồng song, thiếu gì con gái sao lại nỡ đoạt chỗ của mình trìu mến.

Bác Ái vào phòng nằm dàu dàu. Cha mẹ thấy con đi chơi mấy tháng, mà sao về lại có sắc não sầu, thì lo sợ nên theo hỏi thăm. Anh ta dối rằng đi đường xa mệt mỏi, cha mẹ tưởng thiệt, nên để cho anh an nghỉ không hỏi han đến nữa.

Đêm ấy anh ta ngồi suy nghĩ, thì thức thiệt là đáng tức, song giận nghĩ không nhằm, vì tại mình muốn dọ cho chắc Xuân Hoa có ý hiệp tâm đầu với mình không nên mới hóa ra cuộc dở dang, lỗi ấy tại nơi mình, chớ Quảng Giao nào có rõ tâm sự của mình đâu mà mình trách. Anh ta nghĩ như vậy rồi lại nghĩ mình ở gần Xuân Hoa đã quen biết nhau, lại tỏ tình cùng với Xuân Hoa nữa, mà Xuân Hoa không tỏ dấu chi yêu mến mình. Còn Quảng Giao ở xa, thuở nay không nghe nói quen biết Xuân Hoa có lý nào lại biết Xuân Hoa thương mà đi nói. Hay là gặp lúc mình vắng mặt, hai đàng ở nhà qua lại gặp nhau, người uốn lưỡi, kẻ đưa tình, trộm ước thầm yêu rồi mới tính cuộc trăm năm tơ tóc.

Bác Ái nghĩ đến đó thì trong lòng ấm ức lấy làm khó chịu lắm. Tuy đã biết Quảng Giao không có lỗi gì, nhưng mà trong trí cứ giận thầm hoài, cứ tìm kiếm coi tại cớ nào mà trai gái biết nhau rồi cậy mai đến nói. Anh ta suy xét hết sức, mà tìm không ra mối, đến canh khuya mới tính nhắm mắt ngủ, đặng quên phứt nỗi sầu, mà hễ nhắm mắt thì thấy Xuân Hoa với Quảng Giao ở chung với nhau một nhà, ăn ngồi cười nói với nhau anh ta lại càng thêm áo não.

Sáng bữa sau Bác Ái thức dậy rửa mặt chải đầu rồi lại đứng dựa cửa sổ, miệng ngậm điếu thuốc, mắt ngó ra ngoài vườn, thấy một cặp chim trao trảo đương đứng trên nhành rỉa lông và lăng líu với nhau, anh ta nhớ đến danh phận dở dang thì lầy làm phiền muộn hết sức. Anh ta trở lại bàn ngồi lấy nhựt trình coi mà không thấy chữ, cứ thấy Quảng Giao với Xuân Hoa hoài. Anh ta giận mới lại ghế nằm, trong trí nghĩ thầm rằng mình thương yêu Xuân Hoa, muốn vầy duyên cang lệ, kết tóc trăm năm chẳng qua là muốn cho cô ta được trọn đời hưởng cảnh an nhàn, nếm mùi hạnh phúc. Nay ông tơ bà nguyệt lại xe dây chỗ khác, ấy là tại mình chẳng có duyên nợ với cô ta, vậy mình cũng chẳng nên phiền Quảng Giao tuy giàu chẳng bằng mình nhưng anh ta là trai học giỏi, lại tánh nết ôn hòa, nếu Xuân Hoa kết duyên thì trọn dời chắc cũng không cực khổ, thôi mình cũng nên mừng dùm cho cô ta. Mà hai người tính kết tóc xe tơ đây, vậy chớ đã biết ý nhau trước rồi hay chưa, đã có thương nhau không? Bác Ái hỏi thầm như vậy rồi nhớ tới những lời đàm luận với nhau lúc còn ở tại trường thì anh ta nghi Quảng Giao đi coi mắt, ngó thấy thấp thố rồi cậy mai đi nói bướng, cũng như trai trong xứ xưa nay đi cưới vợ đó vậy, chớ không bao giờ dọ ý dọ tình. Ví như hai đàng về ở với nhau may trên thuận dưới hòa, thì chẳng nói chi, còn như kẻ trâu trắng trâu đen, thì phận của Xuân Hoa là thân phận đáng kính đáng yêu, mới ra thế nào?

Bác Ái nghĩ tới đó, xốn xang trong lòng chịu không được, nên ăn cơm sớm mai rồi dạy bọn dọn ghe đặng đi chợ Long Xuyên, tính qua viếng Quảng Giao hỏi coi hai đàng đã biết nhau ý hiệp tâm đầu hay không mà dám tính chuyện trăm năm tơ tóc. Ghe vừa ghé lại bến, Quảng Giao ngồi trong dòm ra thấy lật đật chạy ra mừng rỡ rồi mời vào nhà. Quảng Giao hối bạn(1) nấu nước trà đãi bạn cố giao. Bác Ái ngó quanh quất rồi hỏi:

- Bác đi chơi đâu vắng?

- Ờ, có chị hai tôi ở Bình Thủy về, nên má tôi dắt chỉ qua bên chợ đặng lựa mua áo mua vàng. Tôi nghe nói anh đi chơi ngoài Hà Nội mấy tháng nay, anh về bao giờ vậy?

- Tôi mới về hôm qua.

- Mấy tháng nay tôi đi qua bên bà gia tôi hoài, lần đầu tôi ghé thăm anh, thì bác nói anh đi khỏi, rồi mấy lần sau lần nào tôi cũng hỏi thăm thì họ nói anh chưa về, nên tôi không ghé nữa. May quá nay anh về rồi, vậy thì tôi xin mời trước anh bữa mùng mười tháng sau anh làm ơn đi đám cưới dùm tôi nhé.

Bác Ái ngồi thở dài, ngó ra sân một hồi, coi bộ không được vui, rồi day vô hỏi rằng:

- Anh nói bữa nào đám cưới?

- Mùng mười tháng sau.

- Được. Tôi về tới nhà nghe nói anh đi hỏi con mợ Hương sư, đã định ngày cưới rồi, thì tôi mừng dùm cho anh quá, nên lật đật qua đây mà khánh hạ anh. Nầy, mà ai điềm chỉ cho anh biết anh đi nói đó vậy?

- Má tôi có bà con xa xa với ông chủ Tân ở bển. Cách mấy tháng trước ổng đi hầu việc quan, có ghé thăm má tôi. Ổng thấy tôi ổng mới hỏi thăm tôi đã hứa duyên nơi nào hay chưa. Má tôi nói có ý muốn nói vợ cho tôi, song chưa thấy nơi nào vừa ý nên chưa tính. Ổng mới điềm chỉ bên đó rồi hẹn ngày cho tôi với má tôi qua coi. Má tôi coi rồi thì vừa lòng lắm, nên cậy ông chủ làm mai luôn cho dễ. Chẳng dấu chi anh, thiệt tôi cũng chưa muốn cưới vợ ngặt vì tôi thấy má tôi đã già yếu rồi mà còn phải xem xét mọi việc trong nhà, thì tôi thương quá, mà ý má tôi lại quyết định đôi bạn cho tôi sớm, nên tôi không dám cãi. Theo ý tôi thì tôi tính việc làm ăn xong rồi tôi sẽ cưới, mà má tôi không chịu, nói năm tới không hạp tuổi của tôi sao đó không biết, nên định cưới trong năm nay cho rồi.

Bác Ái nghe nói dứt lời, ngó Quảng Giao rồi chúm chím cười đáp rằng:

- Té ra anh đi nói vợ cũng như họ.

- Như họ là sao?

- Nghĩa là nghe điềm chỉ rồi tới coi, rồi cậy mai đi nói cưới nhầu, chớ anh không biết anh có thương đàng gái hay không, mà anh cũng không hiểu đàng gái có thương anh hay không.

- Ối! Thuở nay người ta làm sao, mình cứ làm như vậy, biết sao là không thương. Anh cứ nói theo phong tục bên Tây hoài! Mình là Việt Nam cứ làm theo Việt Nam, miễn là xong thì thôi.

- Anh nói kỳ quá! Việc vợ chồng là việc trọng, anh không dò trong lóng đục, anh cưới liều như vậy thoảng như về ở với nhau chị vợ chỉ không có chút lòng nào thương anh, thì anh vui sao được còn như anh không thương chỉ anh hất hủi chỉ, thì cũng là tội nghiệp cho thân phận đàn bà lắm chớ.

- Hại gì mà sợ! Vợ chồng thương nhau thủng thẳng một ngày một thương chớ. Còn việc nên hư là tại ý trời, mình biết đâu mà kén chọn lọc lừa cho mệt.

Bác Ái nói chuyện với Quảng Giao một hồi, biết ý Quảng Giao đã cố giữ theo phong tục xưa, cưới vợ không cần phải thương trước, nếu lấy ý mình ra cãi thì mích lòng chớ không ích gì, nên uống nước rồi liền từ giã ra về. Anh ta xuống ghe nằm gác tay qua trán buồn bực vô cùng, nhớ tới nét mặt, dáng đi, giọng cười, tiếng nói của Xuân Hoa thì coi trong thế gian nầy chẳng có ai bì kịp. Thiệt anh ta chẳng dám làm trở ngại việc hôn nhơn của bạn, nhưng anh ta thầm lo, không biết vợ chồng gặp nhau lạt lẽo như vầy, ngày sau Xuân Hoa có được thong thả tấm thân hay không.

Mỗi buổi chiều nào Bác Ái cũng đi dọc theo bờ sông chơi như trước. Bữa nào lên tới đầu cầu hay là đi ngang qua vườn chuối cai tuần Bộn là mấy chỗ gặp Xuân Hoa, anh ta ngẩn ngơ buồn bực, ban đầu vái thầm cho gặp Xuân Hoa, rồi lại giựt mình, sợ rủi gặp mặt nhau chẳng biết lấy lời gì mà nói, nên lật đật trở về nhà.

Đến ngày Quảng Giao cưới vợ, Bác Ái nhớ lời hứa nên cũng qua đi họ dùm. Họ đàng trai qua nhà bà Hương sư Thể ăn uống xong rồi mới sửa soạn rước dâu về đặng làm lễ hiệp cẩn. Bác Ái ngồi dựa ghế tại cửa, dòm thấy chàng rể mặc áo rộng xanh đứng dựa bàn thờ, còn nàng dâu ở trong đi ra, rồi hai người kề vai nhau mà bái mấy bàn thờ, chàng rể nét mặt hân hoan, nàng dâu miệng cười chúm chím, hai người có vẻ vừa lòng đắc ý lắm, làm cho anh ta thất vọng lại thêm chán ngán tình đời.

Về Bình Đức làm lễ hiệp cẩn xong, nàng dâu thay đổi y xiêm ra coi đãi ăn thì bộ tịch gọn gàng, đứng đi nhậm lẹ. Bác Ái dòm thấy lắc đầu nói thầm trong trí rằng: “Cô nầy chắc đã yêu anh Quảng Giao lắm nên về nhà chồng mới vui vẻ như vậy. Thôi được như vậy cũng may cho hai đàng, làm trai được vợ như Xuân Hoa thì phỉ nguyện rồi, mà làm gái có chồng như Quảng Giao cũng là đại hạnh. Mình nên mừng dùm cho hai đàng là người mình yêu mến bấy nay”.

Tuy Bác Ái nói như vậy, mà đi đám cưới rồi về nhà tâm thần dã dượi, lững đững lờ đờ, biếng nói, biếng cười, ăn không ngon nằm không ngủ, đọc sách cũng không được, trong trí cứ nhớ Xuân Hoa hoài.

Anh ta thầm nghĩ Xuân Hoa ngày nay đã có chồng rồi, mà chồng lại là bạn thiết của mình, nếu mình còn tơ tưởng tới nữa thì sự quấy của mình chẳng còn quấy nào hơn, bởi vậy cho nên anh ta tính làm lơ chừng nào lại càng tưởng tới chừng ấy. Anh ta tính đi nói vợ đặng gây mối tình mới thế cho mối tình xưa, nhưng đến coi con ai cũng chê, ngó thấy gái nào anh ta cũng không động tình, nên trót bốn năm tháng chưa ưng bụng chỗ nào, mà thân thể anh ta lại gầy mòn, tâm thần lại mờ mệt nữa. Cha mẹ không rõ tâm sự của con, thấy con khí sắc kém suy, lo tìm thuốc rước thầy, chớ chẳng tỏ một lời chi, hay là tính một chước chi giải cái tâm bịnh của con hết.

Bác Ái nhắm ở nhà vào ra gặp người, thấy cảnh, khó gỡ mối sầu riêng được, lại e một ngày kia gặp mặt Xuân Hoa thì càng khó chịu hơn nữa, nên xin với cha mẹ đi Hà Nội đặng vào trường Pháp luật và chánh trị mà học. Cha mẹ thấy con ở nhà buồn bực nên không nỡ ngăn trở nữa, tính để cho con đi hoặc muốn đổi phong thổ cho con nó có thỏa chí rồi vui vẻ như ngày xưa chăng. Bác Ái từ giã cha mẹ anh em rồi chở rương ra đi trong lòng tự quyết:

Giang hồ khuây lảng niềm tâm sự

Đèn sách vỡ tan giấc mộng tình

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá