Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
Nhà hắn cũng không có gì. Hắn thường sinh nhai bằng cách lên rừng đốn củi. Người đàn bà vừa về với hắn được một ngày đã phải gánh củi của chồng đi bán ở chợ.
Không may, năm đó trời làm mất mùa. Miếng ăn kiếm rất chật vật. Củi rẻ như bèo. Trước kia một gánh củi nuôi sống gia đình được mấy ngày thì bây giờ không đủ nuôi được một bữa. Thằng bé chưa làm được nghề ngỗng gì cả, trở nên một cái gai trước mắt bố ghẻ.
- Thằng bé này chỉ ăn hại đái nát. Chỉ làm cho ta khó khăn thêm.
Hắn bảo vợ thế và khuyên vợ đem con đi bán cho kẻ khác nuôi. Nhưng người đàn bà nhất quyết không chịu. Thà là cả hai mẹ con cùng chết chứ bà không đời nào chịu lìa con.
Người bố ghẻ bèn có ý định muốn giết chết con riêng của vợ. Mạng người lúc này nhỏ bằng cái tơ cái tóc. Huống chi đối với hắn, hắn chẳng coi ra gì. Nạn đói coi chừng đang kéo dài và ngày càng dữ dội. Một gánh củi lớn bây giờ không đổi nổi một bát gạo.
Hôm đó, chờ lúc vợ đi chợ sớm, hắn đưa thằng bé lên rừng. Hắn rủ:
- Mày có muốn trèo ổi và bắt bướm không? Trên ấy thì tha hồ.
Thằng bé nghe thế lấy làm thích, cố xin đi theo cho được.
Cảnh rừng có nhiều cái lạ làm cho thằng bé lon ton chạy theo bố ghẻ không biết mệt. Người đàn ông đưa nó vào rừng sâu. Khi đến chỗ mấy cây ổi rừng, hắn bảo thằng bé:
- Ổi đấy. Và có bát cơm đây. Chốc nữa tao lại tìm.
Thế rồi hắn bỏ mặc thằng bé, lẳng lặng lui ra, đến một chỗ khác kiếm củi. Nhưng buổi chiều, khi bước chân vào nhà hắn lấy làm ngạc nhiên thấy thằng bé đã về trước hắn rồi. Số là thằng bé trong khi đang bơ vơ giữa rừng rậm thì may mắn gặp một bọn đi đào khoai mài về ngang. Thế là họ đưa nó về. Nhờ có bát cơm, nó vẫn đủ sức đi được đến nhà.
Nghe đứa bé kể, hắn bực mình vô hạn. Hắn vờ mắng:
- Chỉ vì mày, làm tao tìm mãi không được!
Một lần khác hắn lại dỗ được đứa bé đi theo lên rừng. Lần này hắn cố tâm đưa nó vào thật sâu, đến những nơi chưa ai dám tìm vào hái củi bao giờ. Khi trốn khỏi thằng bé, hắn nghĩ bụng: - "Không chết vì thú dữ thì cũng chết vì lạc, không chết vì lạc thì cũng chết đói mà thôi".
Mãi đến chiều tối vẫn không thấy bố ghẻ trở lại, thằng bé khóc lóc, kêu gào nhưng chỉ có tiếng vọng của núi rừng trả lời nó thôi. Nó cuống cuồng chạy tìm khắp mọi ngả nhưng không hề thấy một bóng người. Khi đã mệt lử và đói bụng, nó tìm đến chỗ bát cơm của bố ghẻ để lại thì không ngờ đấy là một bát cát trên có rắc một lớp cơm với một quả cà để đánh lừa. Thằng bé nhặt những hạt cơm phủi cát bỏ vào miệng. Cuối cùng đói quá, nó cầm lấy bát chạy khắp nơi và kêu lên: - "Bố ghẻ ơi! Bát cát quả cà! Bát cát quả cà!". Nhưng tiếng kêu gào của nó chỉ làm cho một vài con chim rừng giật mình mà thôi.
Rồi thằng bé chết, hóa thành chim đa đa, luôn luôn kêu những tiếng "Bát cát quả cà! Bát cát quả cà!".
Đợi mãi không thấy con về, người đàn bà khóc thương vô hạn. Đoán biết thằng chồng tàn bạo đã ám hại con mình, bà ta đứng lên xỉa xói vào mặt hắn. Cuối cùng bà ta bắt hắn phải đi kiếm con mình về ngay, nếu không sẽ lên quan tố cáo. Túng thế hắn phải vào rừng. Hắn tìm mãi. Đột nhiên trong khu rừng hẻo lánh nổi lên mấy tiếng "Bát cát quả cà! Bát cát quả cà!". Hắn rụng rời. Đích thị là oan hồn thằng bé đã lên tiếng vạch tội ác của hắn. Nghe luôn mấy tiếng liên tiếp, hắn không còn hồn vía nào nữa, vội bỏ chạy. Nhưng mấy tiếng "Bát cát quả cà" đuổi theo hắn. Hắn chạy mãi, băng hết khu rừng nọ sang khu rừng kia. Tự nhiên hắn vấp phải đá ngã xuống bất tỉnh nhân sự.
Mấy ngày sau, những người tiều phu thấy thi thể hắn nằm vật ở mé rừng[1].
KHẢO DỊ
Về truyện này có hai dị bản lưu truyền ở miền Nam:
a) Một người vào năm đói đi xin con rể một ít thóc về ăn. Lúc đến nơi, chàng rể đi vắng, chỉ có con gái của mình ở nhà. Nhưng con gái từ khi giàu có, quên mất cả bố; cho bố một bị "chẹp" (thóc lép) trên có rắc một ít thóc. Bố ra về dọc đường gặp chàng rể. Chàng rể tốt bụng cầm bị thóc của vợ cho bố, biết rõ sự thật, bèn dắt bố về lấy cho bố một bị thóc, và trong khi giận dữ đánh vợ một bắp cày, không may vợ chết. Vợ hóa ra chim đa đa luôn mồm kêu câu: "Cách ca ca, bốc chép (hay giẹp) cho cha"[2].
b) Có hai vợ chồng một người kiếm củi đẻ một con trai đặt tên là Đa Đa. Con lên 7 tuổi thì mẹ từ trần. Vợ kế của bố đối đãi với con chồng không tốt, luôn luôn gây chuyện mắng chửi. Một hôm, bố đi kiếm củi về, thấy con khóc trước một bát cơm đầy. Bố toan hỏi con thì dì ghẻ chạy ra lu loa xin chồng dạy con kẻo nó nhục mạ không thể chịu được. Bố giận sẵn rìu đánh con, không ngờ chém vỡ đầu con ở khoảng mặt, con lăn ra chết. Lúc làm lễ "mở cửa mả", tự nhiên có con chim trong mộ bay ra kêu lên: - "Bát cơm cát trả cho cha, đánh chác đầu ra, bạc ác đa đa". Bố về lục tìm xem lại bát cơm dì ghẻ với cho con, mới thấy là một bát cát chỉ có một ít cơm phủ lên trên. Giận quá, bố lại choảng cho vợ một rìu chết tuốt. Người ta nói ngày nay dòng dõi chim đa đa có một vạch đen từ mắt đến tai đó là dấu tích vết rìu chém phải; còn lông rằn ri trên người nó là vết tích roi đánh lằn ngang lằn dọc của dì ghẻ[3].
Cũng có người[4] cho tiếng kêu của chim đa đa là "Bất thực cốc Chu gia" nghĩa là không ăn lúa nhà Chu. Họ cho giống chim này là kiếp sau của Bá Di, Thúc Tề. Đó là truyện do nhà nho kể theo điển tích của Trung-quốc[5].
Xem thêm truyện Gốc tích tiếng kêu của Vạc, Cộc, Dù dỉ, Đa đa và Chuột (số 17).
[1][1]. Theo Jê-ni-bren (Génibrel). Truyện đời xưa mới in ra lần đầu hết, và dựa theo lời kể của người miền Bắc.
[2]. Theo lời kể của người Quảng-ngãi.
[3]. Theo Lê Văn Phát. Sách đã dẫn.
[4]. Theo lời kể của người Hà-tĩnh, Vĩnh-phú và người miền Nam.
[5]. Bá Di, Thúc Tề là con vua nước Cô-trúc đời nhà Thương. Lúc cha sắp mất bảo lập em là Thúc Tề làm vua. Cha chết, Thúc Tề nhường cho Bá Di, Bá Di không chịu, bảo đó là mệnh cha, rồi trốn đi. Thúc Tề cũng không làm vua mà trốn nốt. Khi Chu Vũ Vương đánh nhà Thương, Bá Di đón đường để can; can không được bèn nói rằng từ nay không ăn lúa nhà Chu nữa; cả hai anh em vào ẩn ở núi Thú-dương và bị chết đói (Từ hải)