Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ
Giải nghĩa: Khi yêu thì cái gì cũng đẹp, cũng hay, thậm chí là khi có lỗi cũng cho là tốt. Khi ghét thì ghét đến chân tơ kẽ tóc, người ta có tốt cũng cho là xấu. Vì vậy còn có câu: “Khi yêu thì củ ấu cũng tròn, khi ghét thì bồ hòn cũng méo”. Sự yêu ghét làm cho người ta mất cả cái đúng đắn, đối xử thiên lệch, thiếu khách quan, đến mức “Chanh cũng khen ngọt mà hồng chê chua”.
Chuyện kể:
Phép nước Vệ, ai tự ý lấy xe của vua thì phải tội chặt chân. Di Tử Hà là cận thần của vua. Mẹ Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người gọi, Tử Hà vội vàng lấy xe và ngựa của vua ra đi. Vua khen: “Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân”.
Lại một lần, Tử Hà theo vua đi ngự tại vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt, còn một nửa đưa cho vua ăn, vua nói: “Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta”.
Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm, Tử Hà phạm lỗi, vua giận nói rằng:
“Di Tử Hà trước dám ngỗ ngược lấy xe của ta đi, rồi lại một lần cho ta ăn quả đào thừa, thực là trọng tội”. Nói xong, đem Tử Hà ra hành quyết.
Ôi! Di Tử Hà ăn ở trước sau vẫn vậy thôi. Vậy mà trước yêu, sau ghét mà nên tội. (1)
Từ truyện trên rút ra cái thực trong đời: Sự yêu ghét của người ta đổi thay nhanh chóng cũng chỉ do quan niệm nhận thức mà thành. Giống như vua nước Vệ, cũng là sự ấy nhưng lúc yêu thì tốt cả mà lúc ghét thì xấu cả, nên đời mới có câu:
Yêu ai thì nói quá ưa
Ghét ai nói thiếu nói thừa như không
Suy từ đấy ra, người làm cha mẹ dân mà quan niệm, nhận thức thay đổi, ích kỷ thì khổ cho dân lắm thay.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1): Theo “Cổ học tinh hoa”, Nguyễn Văn Ngọc, NXB Văn học, 2003.