Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ

Câu thành ngữ chỉ người vô tâm vô tính, bộp chộp, không giấu ai điều gì.

Chuyện kể:

Thuở ấy, ở Thiên đình, các quả đào cứ đến độ chín đều được biến thành cô tiên bay ra nô đùa thỏa thích trong vườn.

Một hôm Thái thượng Lão quân trông coi vườn đào gặp một cô tiên tay xách làn xinh xắn, bay lả lướt trong vườn mà thấy lòng mình rạo rực, bèn lại gần bắt chuyện. Vì say đắm cảnh sắc lại thêm những lời tình tứ nên cả hai quên hết những điều luật Thiên đình. Thái thượng Lão quân thì kể cho nàng tiên nghe bao chuyện về Pháp đình, còn nàng tiên thì cũng chẳng giấu giếm gì những điều ong bướm trong vườn đào.

Họ cứ thế đùa chơi, lả lơi nồng thắm, cho đến khi hoàng hôn buông xuống mới sực nhớ ra. Thái thượng Lão quân thì vội lui về dinh thự của mình, còn nàng tiên thì chỉ trong chốc lát nhập vào quả đào thắm.

Nhớ buổi hàn huyên hôm qua, nên sớm hôm sau, nàng tiên lại từ quả đào bay ra. Lòng dạ xốn xang nên nàng tiên không sao giấu kín được nỗi niềm bèn tụ tập các nàng tiên lại rồi thao thao kể về chuyện pháp đình đến chuyện ong bướm mà hai người đã kể cho nhau nghe suốt một buổi.

Một miệng đâu đã kín, thế mà ở vườn hôm đó có chín mười miệng, nên chuyện ấy lan đi nhanh chóng. Ngọc Hoàng hay tin, cho rằng Thái thượng Lão quân để lộ thiên cơ chỉ vì ong bướm lả lơi, nên ra lệnh truất chức vụ trông coi vườn đào của Lão quân, cho đi coi chuồng ngựa. Còn nàng tiên nọ chuyện cứ oang oang, gặp đâu nói đấy nên Ngọc Hoàng phán rằng:

- Ngươi không giữ khuôn phép nhà trời, ruột để ngoài ra, thiếu chín chắn. Từ nay ngươi không được làm quả đào trong vườn nhà trời nữa. Cho ngươi xuống hạ giới nhập vào thứ cây quả hợp với lòng dạ của ngươi.

Nói đoạn, cây đào và quả đào nọ tự nhiên biến mất. Sau này, ở hạ giới, thấy xuất hiện một cây có trái, nhưng hột lại bám ở phía ngoài. Đồn rằng đó là cây đào nọ mà Ngọc Hoàng bắt phạt xuống trần gian. Người ta bảo hột nó để ngoài da, mới đặt tên cho nó là cây đào lộn hột. Ngày nay, nhiều vùng gọi nó là cây điều.

Đặc điểm của quả đào lộn hột là hột nằm bên ngoài, lộ ra. Có thể vì thế mà dân gian liên tưởng ví hột như ruột vậy.

Truyện trên kể về cô tiên lữ từ quả đào mà ra, nhưng chính là nói người. Phần nhiều “ruột để ngoài ra” thường được gán cho người phụ nữ, nên có câu:

Đàn ông nông nổi giếng khơi

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

Ở đây có cái đáng chê và cái đáng khen. Cái chê là vạch áo cho người xem lưng, nói toạc móng heo ra, cái khen là người bộc tuệch, thực bụng, có sao nói hết.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá