Đóa hoa tàn

Một bữa chúa nhựt, lối mười một giờ trưa, có một cái xe hơi cũ, nước sơn đã giợt[1], máy chạy không êm, chạy chậm chậm trong Châu Thành Sài Gòn, bóp kèn inh ỏi; bọn xe kéo ngó nhau mà cười và nói: „Xe lục tỉnh coi dơ dáy quá, mà bóp kèn làm chi không biết"

Cái xe nầy chạy qua đường Lagrandière rồi ngừng ngay một căn phố lầu, ở phía sau chợ mới Bến Thành. Một cô mỹ nữ trên xe bước xuống, hình dung tuấn tú, tướng mạo nghiêm chỉnh, y phục đúng theo thời trang, mình mặc áo màu bông phấn, quần hàng trắng, đầu choàng khăn ê sạt[2] chơn mang giày thêu Hạ Châu. Cô đi ngay vô căn phố lầu, thấy cửa đóng, thì vỗ cửa kêu lớn rằng: „Anh Cánh à, anh Cánh, mở cửa coi nào. Làm giống gì chừng nầy mà đóng cửa kín mít vậy?"

Một người đàn ông, chừng ba mươi tuổi, ra mở cửa rồi chấp tay xá cô. Cô hỏi:

- Thầy đi đâu?

- Bẩm, thầy đi chơi.

- Đi hồi nào?

- Bẩm, hồi chiều hôm qua, thầy đi làm việc về, thầy thay áo quần mới rồi thầy lấy xe hơi đi luôn cho tới bây giờ, không có về.

Cô châu mày suy nghĩ một chút, rồi lột khăn ra biểu người mở cửa đó rằng: „Thôi, anh ra ngoài xe vác vali với bao gạo vô".

Cô nầy là cô Túy Nga, còn nhà nầy là nhà của thầy Đăng Cao. Số là khi Đăng Cao cưới cô Túy Nga được ít tháng, ông Thiện muốn cho con có chức có phận với người ta, nên lo đem cậu vô làm Ký lục tại Kho bạc chánh, lương mỗi ngày một đồng bốn cắc, trừ chúa nhựt nghỉ thì không ăn tiền. Kiếm được chỗ làm rồi bà Thiện mới lên sắm đồ dọn nhà cho vợ chồng Đăng Cao ở. Ông Bình muốn làm cho xứng đáng mặt cha vợ, nên ông cũng lên mua cho con rể ít món đồ, lại mua cho một cái xe hơi nhỏ hai chỗ ngồi đặng cho con rể đi chơi.

Vợ chồng Đăng Cao ở Sài Gòn đã hơn một năm rồi, lương thì ít, mà xài thì nhiều, bởi vậy mỗi tháng thường xúi vợ về xin tiền. Cách năm ngày trước cô Túy Nga đi xe hơi đò về Mê Phốp rồi bữa nay ông Bình cho xe nhà đưa cô trở lên đó, cũng là tại Đăng Cao xúi cô về xin tiền nên cô mới đi.

Anh Cánh là người ở vừa làm bồi, vừa nấu ăn, xách vali và vác bao gạo vô nhà rồi, cô Túy Nga mới kêu anh sớp phơ mà đưa sáu đồng bạc và nói rằng: „Anh lấy tiền đây ra đổ ba đồng bạc xăng, anh cất hai đồng đặng bận về trả tiền đò, còn lại một đồng anh ra chợ mà ăn cơm cho no rồi về. Anh ăn cơm, nghỉ một chút rồi về cho sớm, kẻo ở nhà thầy tôi có đi đâu không xe mà đi".

Cô thay áo rửa mặt rồi nằm trên ghế xích đu mà nghỉ.

Anh Cánh bước lại nói rằng: „Thưa, cô cho tiền đặng tôi ra chợ mua đồ về nấu cơm dọn cho cô ăn".

Túy Nga ngồi dậy, miệng chúm chím cười và hỏi rằng:

- Vậy chớ hồi sớm mai nầy anh không có đi chợ hay sao?

- Thưa, hồi chiều hôm qua thầy không có đưa tiền. Tôi tưởng thầy đi chơi rồi sáng thầy về như mấy bữa trước, nên tôi không dám hỏi.

- Hổm nay tôi đi khỏi, thầy ở nhà đêm nào thầy cũng đi chơi tới sáng thầy mới về hay sao?

Anh Cánh tự hối về sự mình nói không dè dặt, nên anh ta bối rối đứng lặng thinh.

Cô Túy Nga hiểu ý, cô không nài phải trả lời về việc ấy, mà cô lại hỏi câu khác rằng:

- Thầy không có nói với anh bữa nay tôi về hay sao?

- Thưa, không. Phải thầy nói thì tôi lo cơm nước sẵn rồi.

- Thôi, anh khỏi lo nấu cơm. Tôi ăn cơm dưới nhà tôi mới đi, nên tôi chưa đói.

Anh Cánh vô nhà bếp. Cô Túy Nga đi lên lầu. Cô mở cửa sổ, vẹt tấm màn ren mà ngó xuống đường. Nam thanh nữ tú qua lại dập dìu, xe kéo xe hơi tới lui không dứt. Cô ở giữa chốn phiền ba đô hội[3] mà cô coi cũng như ở nơi cùng cốc thâm sơn, cô ngó thiên hạ cô không biết vui, cô thấy ngựa xe cô càng áo não. Cô bước lại một cái bàn nhỏ, mặt lót đá cẩm thạch, để phía trên đầu giường ngủ, rồi cô rót một ly nuớc lạnh mà uống. Cô ngó quanh quất trong nhà, nào giường đồng mùng lưới, nào tủ gõ kiến dày, nào ván cẩm lai để nằm chơi, nào đèn bao lụa cho khỏe mắt. Cô ngó đồ đạc thì trong lòng cô lại càng buồn hơn nữa, đồ tốt mà lòng không vui thì đồ ấy không ích gì. Bấy lâu nay cô đọc trong sách, hoặc cô nghe nguời ta nói: muốn hưởng hạnh phúc không cần phải lo cho được giàu sang, mà nhứt là cần phải cho được thỏa lòng mãn ý, bởi vì nhiều khi giàu mà mình cứ buồn rầu, còn nhiều khi nghèo hèn mà mình lại vui vẻ. Bây giờ cô mới biết câu luận thuyết ấy không phải là câu của mấy nhà đạo đức bày ra để dạy đời, mà chánh là câu hạp với thế sự lắm vậy.

Cô Túy Nga bèn mở tủ lấy đồ may ra rồi cô ngồi trên bộ ván cẩm lai mà thêu. Phần ngồi xe lâu mệt mỏi, phần gió thổi hiu hiu, nên cô thêu tới ba giờ chiều rồi cô buồn ngủ, cô mới lấy gối nằm tại bộ ván ấy mà ngủ quên hết thế sự, quên cả gia đình.

Đến tối, tiếng giầy lên thang lầu rầm rầm làm cho cô Túy Nga giựt mình mở mắt ra, cô thấy dưới đường đèn khí cháy sáng, còn trong nhà thì vẫn lờ mờ. Cô lồm cồm ngồi dậy, thì đèn trên lầu bựt lên sáng lòa, Đăng Cao quần áo bàu nhàu, tóc tai chôm bôm, chàng quăng cái kết[4] lên bàn và hỏi rằng: „Lên hồi nào đó"?

Túy Nga đáp: „Tôi lên hồi trưa", rồi cô đi rửa mặt.

Đăng Cao thay đồ đi tắm. Chừng chàng tắm rồi, thì Tú Nga sai anh Cánh mua đồ dọn cơm tối cũng gần xong. Túy Nga mời chồng ăn cơm. Đăng Cao bước lại dòm bàn ăn, rồi trề môi nói rằng: „Ðồ bậy bạ ai ăn cho được. Hồi chiều ở dưới Cấp về có mua đồ bỏ theo xe ăn no rồi. Thôi, ăn đi. Tôi không ăn nữa đâu".

Lời nói xẳng xớm như vậy, mà Túy Nga không lộ sắc phiền giận chút nào hết, cô hòa huỡn đáp rằng:

- Ăn trên xe bất quá mình ăn bánh mì sơ sài. Phải ăn thêm một chén cơm cho chắc bụng chớ.

- Không. Tôi đi chơi mệt lắm, ăn không được. Hồi chiều ăn bánh mì, mà ăn nhiều rồi.

Đăng Cao nói dứt lời rồi bỏ đi lên lầu, không hỏi thăm vợ coi đi đường thế nào, ở dưới nhà mạnh giỏi hay không.

Túy Nga ngồi ăn cơm một mình, tuy ăn không biết ngon, song cũng rán ăn hết một chén. Ăn cơm rồi cô đi ra đi vô, dẹp cái nầy, quét chỗ kia, vì cô đi khỏi mấy bữa, đồ đạc để lộn xộn, có nhiều món bụi bặm đóng dơ dáy. Thình lình Đăng Cao ở trên lầu kêu lớn rằng: „Ăn cơm rồi chưa? Lên đây đặng hỏi thăm một chút coi"

Túy Nga men men lên lầu.

Đăng Cao nằm trong giường, vừa thấy mặt vợ thì hỏi rằng: „Về dưới kiếm tiền được hay không?"

Túy Nga nghe hỏi việc ấy thì miệng chúm chím cười, song mắt không dám ngó chồng, mà sắc coi cũng không vui chút nào hết. Cô đáp nhỏ nhỏ rằng:

- Được.

- Đủ năm trăm đồng bạc hay không?

-... Không đủ.

- Không đủ sao được. Ta biểu xin cho đủ năm trăm đồng bạc đặng trả cho dứt nợ chớ.

- Dưới nhà thầy với má túng tiền quá.

- Hứ! Dữ hôn! Tưởng đâu năm bảy ngàn hay sao! Thứ có năm trăm đồng bạc, nhiều nhõi gì đó mà than túng.

- Mình không hiểu, chớ thầy má túng lung lắm.

- Than túng, mà rồi cho bao nhiêu?

Túy Nga lặng thinh, bước lại bộ ván mà ngồi, rồi đáp nhỏ rằng: „Thầy nói không phải thầy tiếc với mình, ngặt vì lúc nầy thầy túng nên không thể cho số bạc nhiều như vậy được. Hồi sáng tôi đi, má mót trong tủ còn có bảy chục đồng bạc, má đưa cho tôi năm chục đồng bạc tôi đi đây".

Đăng Cao khoát mùng bước ra, châu mày trợn mắt, nói lớn rằng:

- Năm chục mà làm cái gì được! Thôi, đem về dưới mà trả lại đi. Không thèm đâu.

- Mình đừng có nói như vậy. Của cha mẹ cho, dầu nhiều hay là ít mình cũng phải lấy, có lẽ nào mình dám trả lại.

- Tôi biết mà. Thầy với má để dành tiền mà đút cho anh Hai. Tôi là rể, cho một đồng bạc coi bộ tiếc lắm.

- Mình nói sao vậy? Anh Hai ảnh lo làm ruộng cho thầy với má, chớ ảnh không làm tư làm riêng gì. Ảnh dầm mưa dãi nắng cực khổ hết sức, mà cũng không ăn xài chi hết. Theo tôi biết thì từ hồi nào cho tới bây giờ, vợ chồng ảnh làm lợi cho thầy với má, chớ không có làm tốn hao như người ta. Còn mình đây, từ ngày mình dọn nhà ở trên nầy làm việc, chưa đầy hai năm mà thầy má tốn hao với mình gần năm ngàn đồng bạc, chớ phải ít hay sao. Mình còn phân bì với anh Hai nỗi gì.

- Bây giờ mình kể mà đòi tôi hả?

- Nói chuyện mà nghe chớ kể giống gì.

- Dữ hôn! Thứ cho trong hai năm mà kể có mấy ngàn đồng bạc, tưởng đâu nhiều lắm đa! Mà cho đó có một mình tôi ăn hay sao?

- Thì thầy má cho một trăm, khi hai trăm, vợ chồng mình xài chung với nhau, chớ tôi có nói một mình mình xài đâu mà mình sân si.

- Thầy má cho tiền bây giờ mình kể với tôi, vậy chớ tôi mướn phố lầu cho mình ở, tôi để cho mình may quần nầy áo kia, mua giày Hạ châu, sắm dù Nhựt bổn, khi dắt đi Long Hải, khi dắt đi Vũng Tàu, mấy cái đó sao mình không kể. Được, muốn kể với tôi, thôi để tôi về xin tiền ba tôi rồi tôi trả lại cho. Thằng nầy không phải mạt như họ, đưa đồng bạc ra thì chắc lưỡi hít hà như họ vậy đâu.

Túy Nga nghe chồng nói những lời nặng nề cay đắng ấy, chẳng khác nào như chồng cầm búa mà đập vô đầu; cô đau đớn tức tối hết sức, ngặt vì ý nghĩa những lời ấy không hạp với gia phong của cô, bởi vậy cô không thể đối đáp được, cô chỉ rưng rưng nước mắt ngồi lặng thinh mà chịu.

Đăng Cao thọc hai tay vào túi áo pyjama[5] đi lên đi xuống một hồi, rồi nói nữa rằng: „Hứ! Khoe mười lăm hai chục ngàn giạ lúa, mà biểu xin năm trăm đồng bạc nói không có! Vậy mà khoe giàu giống gì?"

Túy Nga lau nước mắt mà đáp rằng:

- Tôi có khoe hồi nào đâu? Thầy tôi góp lúa ruộng nhiều, song cũng phải xài nhiều việc, chớ phải góp bán rồi cất bạc được hay sao.

- Bây giờ tôi mới biết tôi lầm!

- Mình lầm cách nào?

- Lầm đủ cách hết thảy.

- Hồi trước có phải tôi năn nỉ xin mình cưới giùm tôi đâu.

- Phải, mình không có năn nỉ, mà họ nói nghe đúng lắm, nên tôi mới lầm chớ.

- Mình nói tới câu đó thì không còn nghĩa vợ chồng gì nữa hết. Đã biết làm thân nhi nữ may rủi một chồng mà thôi. Nhưng mà bây giờ mình nói mình cưới tôi đó là mình lầm, nên mình ăn năn, vậy thì mình muốn bỏ tôi cũng được, tôi chẳng dám đeo theo làm bận chân xốn mắt mình đâu mà mình ngại. Bởi ba má trên nhà đứng nói với thầy má tôi mà cưới tôi cho mình. Bây giờ mình không bằng lòng thì mình thưa với ba má xuống nói một tiếng với thầy má tôi thì tôi về liền.

- Mình thách đố tôi hả?

- Tôi nói thiệt, chớ có nói thách đâu.

- Được. Thách tôi thì tôi sẽ làm cho mà coi.

Đăng Cao chun vô mùng mà nằm lại. Túy Nga nằm chèo queo ngoài bộ ván, nước mắt tuôn dầm dề.

[1] lợt, phai màu

[2] (écharpe), khăn quàng vai hay băng choàng vai của người có địa vị (vua, hoa hậu…)

[3] phồn hoa đô hội, nơi tụ tập của nhiều tinh hoa ánh sáng

[4] (casquette), nón có rìa phía trước

[5] áo ngủ may theo lối Nhựt Bổn

Săn ưu đãi - Chương trình khuyến mãi từ tiki - Sách văn học càng mua càng được giảm giá